Theo thống kê, có đến 276/321 ứng viên là thế hệ 7X, 8X, chiếm 85,9% tổng số người được đề cử. Còn năm 2019, theo thống kê, có 287/349 ứng viên 7X, 8X được công nhận phó giáo sư (PGS), giáo sư (GS), chiếm 82,2%. Số PGS, GS trẻ tăng nói lên điều gì?
|
Các nhà khoa học trẻ Việt Nam hiện đang trên đà hội nhập trong nghiên cứu và công bố tầm quốc tế. Trong ảnh: tiến sĩ Lê Ngọc Liễu (thứ ba từ phải sang), giảng viên Trường đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP.HCM - một trong mười gương mặt được trao giải thưởng Khoa học công nghệ thanh niên Quả cầu vàng năm 2019 của Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Đức - Ảnh: nhân vật cung cấp |
Tín hiệu tốt
“Việc những người thuộc thế hệ 7X, 8X được công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) tôi nghĩ là hết sức bình thường và đó là một tín hiệu tốt”, GS Sĩ Đức Quang (sinh năm 1981) người trẻ nhất được công nhận chức danh GS năm 2019, hiện đang công tác tại Khoa Toán-Tin Trường đại học Sư phạm Hà Nội, nhận định.
GS Sĩ Đức Quang phân tích: từ năm 2018 trở lại đây, tiêu chuẩn để công nhận chức danh PGS, GS thay đổi rất nhiều. Cụ thể, các tiêu chuẩn tập trung vào các công bố khoa học, đặc biệt là số điểm khoa học được tính trong ba năm cuối. Đây là lợi thế của những nhà làm khoa học trẻ.
Trong khi trước đây, để được công nhận chức danh PGS, GS có nhiều tiêu chí phụ đi kèm nhưng lại có ảnh hưởng rất lớn như: thâm niên giảng dạy - những thầy cô có thâm niên bao giờ cũng được đánh giá cao hơn so với người trẻ làm khoa học bởi những đóng góp và cống hiến của họ trong cuộc đời làm giáo dục và đào tạo. Thứ nữa là tiêu chí về viết giáo trình, viết sách chuyên khảo, chủ trì đề tài, hướng dẫn cao học và nghiên cứu sinh… tạo ưu thế cho các thầy cô có thâm niên cao hơn và cán bộ trẻ thì gặp khó khăn hơn.
Hiện nay, bộ tiêu chí thay đổi hướng về việc đề cao công bố khoa học và năng lực nghiên cứu khoa học thực tại (trong ba năm cuối của ứng viên) có lợi cho những nhà khoa học trẻ. “Như bên ngành toán, tôi thấy những người nghiên cứu khoa học sung sức nhất là những người thuộc thế hệ trẻ tầm cuối 7X, đầu 8X… thậm chí có những nhà nghiên cứu cuối 8X nhưng năng lực nghiên cứu rất tốt. Thực tế, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, quãng thời gian làm khoa học sung sức nhất của một người làm toán nói chung là từ 35 đến 45 tuổi”, GS Sĩ Đức Quang cho hay.
Đồng quan điểm, GS Phạm Hoàng Hiệp (sinh năm 1984) được phong GS năm 36 tuổi hiện công tác tại Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho rằng: “Theo kinh nghiệm cá nhân của tôi, tuổi trẻ có lợi thế về sức khỏe, nhiệt huyết và luôn nỗ lực làm việc để khẳng định khả năng của bản thân và trong nghiên cứu khoa học cũng thế”.
Nhìn ra thế giới, theo tiến sĩ Nguyễn Quang Dũng (tốt nghiệp tiến sĩ chương trình liên kết giữa Đại học quốc gia Singapore và Viện Harvard - Yenching, Đại học Harvard; công tác tại Khoa Nhân học Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM), ở một số quốc gia, như Singapore nhà khoa học thuộc thế hệ 7X được công nhận chức danh PGS, GS rất nhiều.
Ở nước ngoài, khi được công nhận các chức danh như GS hay PGS thì đi kèm với đó là tăng lương, các công bố khoa học của họ sau đó cũng nhiều hơn. Bởi đi kèm với chức danh và hợp đồng làm việc là những ràng buộc về số lượng xuất bản hằng năm, tiếng nói khoa học của họ cũng mạnh hơn, xét về khía cạnh lý thuyết. Như vậy, họ được định hình có một sức mạnh về khoa học hơn với nhiều xuất bản khoa học chất lượng cao, tương xứng với chức danh GS hay PGS.
Nghiên cứu của nhà khoa học trẻ có tính ứng dụng cao
GS Sĩ Đức Quang kể: “Các thế hệ trước, thế hệ của các thầy tôi, nếu không đi nước ngoài thì rất khó khăn trong việc tạo ra các liên kết với thế giới, hay tìm hiểu thế giới họ đang nghiên cứu gì. Ngay cả việc gửi các công bố đến cho các tạp chí xét đăng cũng là chuyện khó khăn, không giống như chúng ta ngày nay có thể dễ dàng sử dụng email.
Giờ đây, với lợi thế về tiếng Anh, sự phát triển của công nghệ thông tin, các nhà khoa học trẻ không còn gặp những rào cản như thế”. Ông cũng cho rằng, ở một góc độ nào đó, các nhà khoa học trẻ đương nhiên có lợi thế hơn. Ví như những người trẻ nhanh nhạy trong nghiên cứu, khám phá các vấn đề và dễ dàng tiếp cận được hướng nghiên cứu trên thế giới vì đa số họ có khả năng ngoại ngữ và am hiểu về công nghệ thông tin. Điều này giúp tiếp cận với thế giới dễ dàng hơn.
Cũng nhờ ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh, tiến sĩ Nguyễn Quang Dũng cho rằng: nhà khoa học trẻ tổng luận lịch sử nghiên cứu vấn đề chặt chẽ và có cái nhìn so sánh tổng thể giữa nghiên cứu của họ với các nghiên cứu khác cùng mảng đề tài trên khắp thế giới. Từ đó, họ xác định rõ hơn tính nguyên thủy và đóng góp mới của nghiên cứu mà họ đang làm - tạm gọi là khả năng “tham khảo vượt qua lũy tre làng”.
Xét về lợi thế của những nhà khoa học trẻ, tiến sĩ Nguyễn Quang Dũng nhận định: đó là sức sáng tạo với ý tưởng mới mạnh bạo hơn, các sáng chế cũng mang tính ứng dụng cao. Ngoài ra, lợi thế người trẻ biết ngoại ngữ, nhất là người trẻ đi nước ngoài về thường biết cách nhìn sự vật hiện tượng để khai thác đề tài vừa mang tính thời sự lại ứng dụng cao. Họ cũng nhận thức rõ ràng hơn về việc nghiên cứu trường hợp một cộng đồng nhỏ cần đóng góp và mang lại ý nghĩa cho phạm vi xã hội rộng hơn hoặc toàn cầu.
Bằng ý thức nghiên cứu như thế, các nhà khoa học trẻ Việt Nam hiện đang trên đà hội nhập nhiều hơn trong nghiên cứu và công bố tầm quốc tế, đóng góp nhiều hơn vào tri thức nhân loại.
GS Sĩ Đức Quang bộc bạch: “Nhìn chung, những công bố khoa học gần đây của nhiều nhà khoa học trẻ trong nước có chất lượng rất cao, như GS Phạm Hoàng Hiệp, PGS Trần Vũ Khanh, tiến sĩ Lê Quý Thường (ứng viên PGS năm nay)... Việc so sánh về công bố khoa học giữa hai nhà nghiên cứu thuộc các thế hệ khác nhau, về mặt nào đó là không có ý nghĩa, vì mỗi thế hệ có một điều kiện hoàn cảnh làm việc khác nhau”.
Đại Minh