Bất ngờ trước thành tích đáng nể của học sinh Việt Nam
Sáng 15/12, trong phiên thảo luận chuyên đề “Giáo dục và phát triển nguồn nhân lực” của Hội thảo Khoa học quốc tế Việt Nam học, GS Paul Glewwe (Khoa Kinh tế học ứng dụng, Đại học Minnesota, Mỹ) đã bày tỏ sự ngạc nhiên khi nhìn vào kết quả giáo dục của Việt Nam trong chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA).
Theo đó, GS. Paul Glewwe cho hay, kết quả bài thi của học sinh Việt Nam năm 2015 đã xếp thứ 8 trong 72 nước về Khoa học, thứ 22 về Toán và 32 về Đọc hiểu. Ngay lần đầu tiên tham gia bài đánh giá PISA vào năm 2012, Việt Nam đã đứng thứ 8 về Khoa học, thứ 17 về Toán và thứ 19 về Đọc hiểu.
Theo vị GS Mỹ, đây là con số khá cao, đi ngược lại các quy luật trước nay về xếp hạng của PISA. Khảo sát cho thấy, xếp hạng PISA tỷ lệ thuận với GDP của mỗi quốc gia và luôn có mối tương quan thuận chiều giữa kết quả của PISA với mức độ sung túc của mỗi quốc gia. Tức là quốc gia nào có trình độ phát triển kinh tế cao mới có nền giáo dục chất lượng. Nhưng, Việt Nam là một ngoại lệ!
"Chúng tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Liệu có sự tác động của đầu vào, sách học thêm, tham khảo hay giáo viên dạy Toán của Việt Nam giỏi hơn, chất lượng hơn các nước khác?", ông Paul đặt câu hỏi.
|
GS Paul Glewwe cho rằng Việt Nam đi ngược lại các quy luật của PISA. |
Vị giáo sư này cũng cho biết thêm, khi so sánh Việt Nam với các nước, nghiên cứu của ông không chỉ lấy GDP làm tiêu chí mà còn tính đến cả yếu tố, như: trình độ học vấn của cha mẹ, tài sản của gia đình… Và ở yếu tố nào, Việt Nam cũng thấp hơn nhiều nước phát triển. Điều này càng khiến ông không thể hiểu nổi tại sao bị tác động bởi nhiều yếu tố như vậy mà điểm PISA của Việt Nam vẫn rất cao...!
Được biết, đây không phải lần đầu tiên giới học thuật thế giới "bất ngờ" trước thành tích đáng nể của học sinh Việt Nam.
Các nhà khoa học thế giới đã đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Tại sao Việt Nam - một quốc gia thu nhập thấp nhưng lại thường nổi bật với kết quả cao trong thi cử tương đương với các nước phát triển?
Với hàng loạt những bài nghiên cứu, chuyên gia nước ngoài đã chỉ ra rằng, Việt Nam là một đất nước có sự đầu tư vào giáo dục khá lớn. Bên cạnh đó, sự "khác biệt văn hóa" cũng là yếu tố giải thích cho việc Việt Nam luôn nhận được giải cao, đáng ngưỡng mộ trong các kỳ thi quốc tế.
Chuyên gia Việt lý giải
Trước sự đánh giá cao của chuyên gia nước ngoài về sự đầu tư và phát triển giáo dục Việt Nam, báo Phụ nữ TP.HCM đã từng có cuộc trao đổi với các chuyên gia giáo dục đầu ngành trong nước về lời nhận định này và thực trạng hệ thống giáo dục của nước ta đang gặp phải dù có những kết quả thi quốc tế thực sự ngưỡng mộ.
Đánh giá một cách khách quan về bản chất con người Việt Nam, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ (Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT) cho rằng:
"Người Việt từ xưa đến nay vốn thông minh, khéo léo và chăm chỉ. Đã từ lâu, tại các kỳ thi quốc tế, người Việt thường đạt được những kết quả cao... Trong lịch sử với các cuộc chiến chống các đế quốc hùng mạnh như Pháp, Mỹ với hàng loạt vũ khí hiện đại cũng vậy, Việt Nam dù nhỏ nhưng lại có thể đánh gục họ... bởi Việt Nam vốn thông minh".
|
PGS. Trần Xuân Nhĩ |
GS. Trần Hồng Quân (Nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT) lý giải việc học sinh Việt luôn đạt được thành tích cao trong các kỳ thi học thuật... ở góc độ văn hóa:
"Sự học ở Việt Nam được coi như một điều tất yếu cho đời sống của đứa trẻ trở lên. Có những người không có điều kiện cho con cái ăn học đến nơi đến chốn thì họ coi đó là một sư đau khổ... Từ những tâm lý xã hội như vậy đã tạo nên cái nền cơ bản trong giáo dục Việt, điều là rất quý.
Thứ 2 là, gia đình nào cho con đi học họ cũng ra sức quan tâm sự học hành của con cái. Đó cũng là một yếu tố tạo ra cho đứa trẻ nhận thức việc học là tất yếu và trách nhiệm của chúng với bố mẹ phải cố gắng chăm chỉ. Với một cái đà học tập như vậy tạo ra hứng thú, ít cảm thấy chán nản với việc học.
Thực tế đã chứng minh, nhiều người nghèo ở các thôn làng cho con đi học, thậm chí bọn trẻ còn leo dây để sang sông đi học...", nguyên Bộ trưởng GD-ĐT lý giải.
Thực tế buồn
Cả những chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá con người Việt Nam có ý thức học và có sự đầu tư lớn cho giáo dục ngay từ những cấp học nhỏ. Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn xảy ra tại Việt Nam là càng học cao thì khả năng của sinh viên Việt so với mặt bằng thế giới càng thấp, thậm chí ra trường thất nghiệp hàng loạt, phải đào tạo lại, điều này có gì mâu thuẫn?
GS Nhĩ cho rằng: "Nguyên nhân của hiện tượng này là do giáo dục của chúng ta dạy quá nặng về lý thuyết cho học sinh mà không kết hợp giữa lý thuyết và thực hành. Ví dụ ở các nước khác, người ta dạy kết hợp rất chặt chẽ và rất coi trọng việc này.
Điều này vừa khơi dậy năng lực cho học sinh, hai là kết hợp với xã hội người ta tăng cường tính thực hành cho học sinh. Học sinh ra trường chúng đã có khả năng làm việc được ngay rồi, còn mình ở đây ra trường thì ngồi đó, chúng ta nói rất nhiều về việc thầy nói trò ghi chưa chấm dứt được chuyện đó".
Và, hiện tượng đó xảy ra một phần: "Do các thầy của mình nữa, trong lớp còn không chịu thay đổi phương pháp giảng dạy, cái mà người thầy cần làm tốt là lý giải học sinh đó thực hiện nó như thế nào, liên hệ thực tế ra sao… nếu làm được như thế học sinh ra trường đã có một kỹ năng tốt hơn để xin việc", GS. Nhĩ nói.
|
GS. Trần Hồng Quân. |
GS. Trần Hồng Quân cũng chỉ ra rằng, người Việt đã quá coi trọng việc học, tất cả mọi người đều đổ dồn đi học, hơn nữa là lớp học dưới người Việt học rất giỏi nhưng lên cấp trên độ sáng tạo lại bị hạn chế.
"Cái đó là do phương pháp giáo dục. Đứa trẻ thụ động trong việc học, nó học tất cả những gì chọn lọc để kiểm tra, chứ chúng ta chưa tạo điều kiện cho chúng học một cách chủ động như là một sự phát hiện, chứ không phải là sự tiếp thu thì sau này chúng có sức sáng tạo, có thể làm tốt được", GS. Quân nói.
Bên cạnh đó, các chuyên gia giáo dục Việt đều cho rằng, hiện tượng nhiều cử nhân đại học, kể cả thạc sĩ ra trường không có việc làm quay trở về đi học là do một phần lớn kế hoạch đào tạo của nước ta giữa "cung và cầu" không chú ý.
Từ "tài nguyên về trí tuệ và đầu tư học tập" đến những hiện trạng hệ thống giáo dục Việt đặt ra, GS Nhĩ đề xuất cần phải hướng nghiệp cho học sinh từ rất sớm: "Ngay từ ở phổ thông, học sinh cần được hướng nghiệp, hết Trung học cơ sở, thậm chí mình có thể phân luồng ra làm sao, khoảng 30-40% theo con đường nghiên cứu học sâu xa hơn, 50-60% học sinh học ứng dụng thực hành, nếu phân hóa được như vậy rồi.
Các trường THPT như hiện nay cũng cần phải sắp xếp lại, trường nào theo hướng nghiên cứu thì mình đầu tư trang thiết bị để cho học sinh tốt hơn theo hướng đó, còn các trường khác học sinh có thể học nghề, kỹ thuật sau đó họ đi theo hướng ứng dụng, thực hành ở cao đẳng đại học, chắc chắn khi mình đào tạo ra sẽ đáp ứng được yêu cầu của xã hội, phát huy năng khiếu của mình để phát hiện năng lực" - GS nói.
Theo GS. Quân: "Cái cần thiết là phải bổ sung kỹ năng... Kỹ năng có vai trò 60% quyết định thành công của một con người khi ra trường. Như vậy là cách đào tạo của chúng ta chưa tốt, nội dung chương trình chưa hợp lý.
Hơn hết, chúng ta cần phải ngồi lại với nhau xem chúng ta kém cái gì, thiếu cái gì để bổ sung. Thực ra bổ sung không mất quá nhiều thời gian đâu, bổ sung đúng thì năng lực làm việc tăng lên ngay", GS. Quân nói.
Lam Thanh