Giáo sư Mỹ đứng lớp ở trường phổ thông tại TPHCM

15/04/2023 - 06:21

PNO - Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP Thủ Đức) đã mời giáo sư Mỹ về trường trực tiếp đứng lớp giảng dạy cho học sinh khối 10, 11.

Hôm nay (14/4), Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP Thủ Đức) đón vị khách đặc biệt là giáo sư Robert P.Touri - giảng viên đại học tại Mỹ.

Giáo sư Robert P.Touri trực tiếp đứng lớp tiết hóa học lớp 10CH. Dù đã được làm quen với nội dung về quang phổ học từ đầu năm nhưng cả lớp lại vô cùng thích thú với cách truyền thụ mới của giáo sư và được giảng dạy bằng tiếng Anh.

Hào hứng tham gia tiết học, Võ Minh Triết (lớp 10CH) chia sẻ rằng đã có trải nghiệm quý giá và học được thêm nhiều kiến thức mới, thú vị, nhất là được học hóa bằng tiếng Anh.

Giáo sư Robert P.Touri đứng lớp giảng dạy tại lớp 10CH
Giáo sư Robert P.Touri đứng lớp giảng dạy tại lớp 10CH

“Giáo sư đứng lớp, không khí lớp học được thay đổi nên sôi động, thoải mái hơn tiết học bình thường. Giờ học không đơn thuần chỉ là công thức hóa học khô khan nữa mà giáo sư đưa công thức, ra bài tập và cùng cả lớp thảo luận sôi nổi. Điều này khác với các tiết học khác khi giáo viên chỉ đưa bài tập, cả lớp sẽ tự giải, thầy cô chỉ hướng dẫn các bài khó…” - Triết chia sẻ. 

Tiếng Anh không phải là rào cản khi cả lớp tự tin, sôi nổi tranh luận với “vị khách mới”. Dù có giáo viên trợ giảng nhưng trong suốt tiết học, rất ít khi giáo viên này phải phiên dịch.

Ấn tượng với cách dạy của giáo sư, Vũ Ngọc Minh Đức (lớp 10CH) mạnh dạn đặt nhiều câu hỏi cũng như tranh thủ hỏi thêm về phương pháp học của học sinh Mỹ để nâng cao khả năng tự học. 

“Học sinh Mỹ học chủ động, học qua việc tư duy, học qua hỏi nhiều hơn, học bằng tâm thế thoải mái chứ không phải nặng nề về điểm số. Ngoài kiến thức môn học, em nghĩ đây là điều bổ ích nhất mà em học được từ buổi đứng lớp của giáo sư” - Minh Đức kết luận.

Học sinh tự tin tương tác trong giờ học
Học sinh tự tin tương tác trong giờ học

“Giáo sư đứng lớp” là chương trình nằm trong hoạt động giao lưu hợp tác quốc tế được Trường THPT Nguyễn Hữu Huân đẩy mạnh thực hiện trong năm học này, thông qua sự hợp tác với Trường ĐH Nông lâm TPHCM. Lần này, giáo sư Robert P.Touri sẽ đứng lớp trong 2 tuần, mỗi tuần 4 tiết ở 2 lớp chuyên hóa khối 10, 11. Bên cạnh đó, giáo sư cũng chủ trì một buổi hội thảo hướng dẫn cách nghiên cứu khoa học ở lĩnh vực hóa sinh cho giáo viên, học sinh nhà trường.

Cô Nguyễn Trần Quỳnh Phương (tổ trưởng tổ hóa, Trường THPT Nguyễn Hữu Huân) cho hay, trước khi giáo sư đứng lớp, tổ chuyên môn sẽ “đặt hàng” giáo sư các chuyên đề cần thiết cho học sinh. Đối với khối 10 là kiến thức về quang phổ học, khối 11 là cân bằng hóa học, chuẩn độ…

“Với khối 10, việc được nghiên cứu thêm về quang phổ học sẽ giúp các em tự tin hơn khi học nội dung này chuyên sâu ở khối 11. Riêng khối 11, dù các em đã được làm quen với độ PH, chuẩn độ song mới chỉ ở lý thuyết, do vậy giáo viên luôn mất nhiều thời gian để hướng dẫn các em ở phòng thí nghiệm. Việc  đặt hàng giáo sư các nội dung này sẽ giúp học sinh nâng cao thao tác trong phòng thí nghiệm, chủ động hơn khi học…” - cô Quỳnh Phương chia sẻ.

Học sinh mạnh dạn đặt câu hỏi bằng tiếng Anh cho giáo sư trong giờ học
Học sinh mạnh dạn đặt câu hỏi bằng tiếng Anh cho giáo sư trong giờ học

Cô Quỳnh Phương đánh giá, khi có vị khách đặc biệt là “giáo sư đứng lớp”, học sinh vô cùng thích thú, tự tin, không gian lớp học được đổi mới, mở ra cho các em tiếp cận môn học một cách mới lạ, bản thân giáo viên cũng học hỏi thêm được nhiều điều. Đây là cơ hội để giáo viên thay đổi phương pháp tiếp cận học sinh trong môn học, mang đến cho các em giờ học nhẹ nhàng.

Mạnh dạn mời giáo sư Mỹ về trường hỗ trợ giảng dạy, thầy Phùng Nhật Anh - Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân - kỳ vọng qua chuỗi các hoạt động sẽ thúc đẩy thêm tình yêu của học sinh với môn học, truyền cảm hứng cho học sinh về học tập, nghiên cứu khoa học. Tới đây, trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các trường đại học trong lĩnh vực giao lưu, để đổi mới và nâng chất lượng giáo dục nhà trường.

“Trong bối cảnh thực hiện Chương trình GDPT 2018 ở bậc THPT, thầy cô đã nỗ lực thay đổi rất nhiều nhưng vẫn còn không ít khó khăn. Phương pháp dạy của thầy cô hiện nay vẫn đang là cố gắng truyền đạt để học sinh nắm kiến thức. Trong khi cách dạy của các nước tiên tiến là dạy học sinh nắm bản chất, dẫn dắt giờ học sinh động để “kéo” học sinh vào giờ học. Các tiết học có “giáo sư đứng lớp” giảng dạy mang tính thị phạm cao. Giáo viên nhìn vào đó, học hỏi, nghiên cứu những đổi mới có thể vận dụng được để đưa vào tiết học” - thầy Phùng Nhật Anh nhìn nhận. 

Quốc Trung 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI