Những bức tượng đang gây xôn xao ở Đà Lạt

Giáo sư Lê Văn Lan: “Việt Nam chưa bao giờ có những người lính, chiến binh như thế"

01/09/2020 - 12:05

PNO - Ông cho biết những bức tượng gây xôn xao dư luận trong mấy ngày qua hoàn toàn không thể hiện được tính Việt Nam.

Vài ngày qua, hình ảnh một số tượng binh lính thời phong kiến được chuyển về Đà Lạt trên những chiếc xe tải lớn khiến dư luận xôn xao. Những bức tượng này được chia làm 3 nhóm, đều mang vũ khí: quân phục toàn thân phủ nhũ vàng, quân phục màu đỏ xen nhũ vàng, áo vải.

Những chuyến xe vận chuyển tượng về Đà Lạt
Những chuyến xe vận chuyển tượng về Đà Lạt

Nhiều người cho rằng những bức tượng này mô phỏng tượng quân lính Trung Quốc thời Tần Thủy Hoàng. Họ cũng đặt nghi vấn liệu số lượng lớn tượng này được chuyển về Đà Lạt có nhằm xây dựng một Tử Cấm Thành kiểu Trung Quốc, hoặc để kinh doanh du lịch tâm linh có yếu tố Trung Quốc hay không?

Theo thông tin ban đầu, nhóm tượng này do ông Ngô Quang Phúc - Chủ tịch Công ty cổ phần tập đoàn Liên Minh (Liên Minh Group, có trụ sở tại Đà Lạt) mua về từ Bình Dương. Có tổng cộng 230 tượng, được cho là mua từ khu du lịch Đại Nam, hiện đã chở về 60 tượng. Ông Phúc nói do thấy những tượng này đẹp nên mua về, có thể dùng trang trí nhà hoặc kinh doanh nhưng hiện chưa có ý định sử dụng cụ thể. 

Ông Phúc khẳng định đây là tượng binh lính Việt Nam thời phong kiến. Trên áo giáp và khiên có hoạ tiết chim Lạc tương tự như trên trống đồng Đông Sơn. Các tượng bị hư hại nên được để ở bãi giữ xe của Khu du lịch Quỷ Núi để sửa chữa.

Nhóm tượng gây xôn xao dư luận trong vài ngày qua
Nhóm tượng gây xôn xao dư luận trong vài ngày qua

Trước những nghi ngại từ dư luận, Báo Phụ Nữ TPHCM đã tham khảo ý kiến giáo sư sử học Lê Văn Lan để làm rõ vấn đề. Ông khẳng định: “Những bức tượng được dư luận quan tâm trong những ngày qua không có tính Việt Nam một chút nào. Ở bất cứ lát cắt thời gian nào, tại Việt Nam cũng không tồn tại những người lính, chiến binh như thế này. Hoạ tiết chim Lạc được ráp vào một cách rất ngô nghê, cũng không phải là nguyên bản trên trống đồng của Văn hoá Đông Sơn thời Hùng Vương. Như vậy, cả về hoạ tiết, hình khối của tượng cũng như tổng thể của việc bày biện như thế này rất phi dân tộc (không có tính dân tộc - PV)”.

Giáo sư Lê Văn Lan nhận định những tượng trên đều phi dân tộc
Giáo sư Lê Văn Lan nhận định những tượng trên đều không có tính dân tộc

Trong một diễn biến liên quan, chiều 31/8, bà Nguyễn Thị Nguyên - Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Lâm Đồng cho biết, sau khi dư luận phản ánh, sở đã tiến hành kiểm tra. Theo bà, tại thời điểm kiểm tra, Liên Minh Group không trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của những bức tượng. 

Sở VH-TT&DL Lâm Đồng sẽ tiến hành xác minh nguồn gốc tượng, mục đích sử dụng, yếu tố văn hoá tâm linh. Những nội dung này sẽ được làm rõ trong buổi làm việc giữa Sở VH-TT&DL Lâm Đồng với Liên Minh Group.

Trước đó, đơn vị này cũng từng bị dư luận phản ứng khi khai trương Khu du lịch Quỷ Núi chứa nhiều tượng rùng rợn, phản cảm, được cho là không phù hợp với không gian, môi trường và hình ảnh của Đà Lạt.

Trung Sơn

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(8)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI