Giáo sư Lê Thị Quý: Xin hãy tôn vinh các giá trị cốt lõi của gia đình

22/10/2021 - 12:10

PNO - Hơn 40 năm qua, Giáo sư Lê Thị Quý - Viện trưởng Viện nghiên cứu giới và phát triển - đã và đang nghiên cứu, nỗ lực vì bình đẳng giới. Từ vấn nạn mại dâm, buôn bán phụ nữ và trẻ em đến bạo lực gia đình - bà đều là người đầu tiên đưa ra mổ xẻ và có những hoạt động hữu hiệu để đẩy lùi. Tuổi đã ngoài thất thập, bà vẫn không ngừng trăn trở về những vấn đề của trẻ em. Bà bảo, phần đời còn lại của mình, bà sẽ dành cho bọn trẻ.

Giáo sư Lê Thị Quý
Giáo sư Lê Thị Quý

Con cái luôn là hình ảnh phản chiếu của cha mẹ

Phóng viên: Thưa giáo sư, cả ba vấn đề rất lớn về giới là mại dâm, bạo lực gia đình, buôn bán phụ nữ và trẻ em - bà đều là người đầu tiên “nhảy vào”. Tuy nhiên, bà cũng chia sẻ rằng đến tận bây giờ bà vẫn thấy mình mắc nợ với trẻ em, vì sao lại thế?

Giáo sư Lê Thị Quý: Tôi vẫn còn nợ trẻ em vì từ trước đến nay nói là bảo vệ phụ nữ và trẻ em nhưng tôi mới chú trọng được vào phụ nữ. Tôi phải “cứu” phụ nữ trước bởi nếu phụ nữ đổ gục thì gia đình cũng tan. Khi họ đứng được thì họ cũng chính là chỗ để con cái nương vào.

Còn vấn đề trẻ em, quả thực tôi biết vẫn còn nhiều nỗi đau mà mình lại chưa làm được gì đáng kể, dù cũng tham gia không ít. Nên từ bây giờ, có bất kỳ dự án nào tôi cũng sẽ đưa vấn đề trẻ em vào.

Hiện tôi đang là chủ tịch “Quỹ văn hiến”. Khi hoạt động về văn hiến ở địa phương nào, tôi cũng lồng ghép vào đó vấn đề trẻ em. Tôi mắc nợ nhưng tôi sẽ làm, sẽ dành cả phần đời còn lại để hoạt động vì trẻ em.

Trước khi bùng phát dịch COVID-19, tỉnh Hải Dương có tổ chức một buổi nói chuyện về bình đẳng giới với học sinh. Tôi chia sẻ với các cháu và nhận thấy bọn trẻ rất thích.

Có rất nhiều bằng chứng cho thấy cách giáo dục của gia đình, môi trường sống xung quanh ảnh hưởng đến nhân cách của trẻ nhỏ - ẢNH: INTERNET
Có rất nhiều bằng chứng cho thấy cách giáo dục của gia đình, môi trường sống xung quanh ảnh hưởng đến nhân cách của trẻ nhỏ - ẢNH: INTERNET

* Với trẻ em, có những đặc điểm nào khiến chúng ta cần đặc biệt quan tâm?

- Chúng ta đang phải đối diện với nhiều thách thức lớn: phát triển kinh tế thị trường; các xung đột của kinh tế và văn hóa, đạo đức và lợi nhuận; trách nhiệm với tập thể và lợi ích cá nhân; sự biến đổi của các giá trị và chuẩn mực; sự bùng nổ đa dạng và phong phú về thông tin…

Trẻ em là đối tượng yếu thế nhất bởi các em không có năng lực về thể chất, nhận thức, vị trí trong xã hội… để có thể tạo ra đề kháng, bảo vệ bản thân.

Chứng kiến những vụ bạo hành, xâm hại ngày càng nhiều, tôi không tránh khỏi đau lòng, nhất là khi những đứa trẻ không có được một cơ chế bảo vệ hiệu quả. Thực tế là số lượng nạn nhân ngày càng nhiều, trong đó không ít vụ việc mà ta không thể cứu giúp được.

Tôi từng có dự án “không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em” nhưng không gian ấy đang bị lung lay, không còn an toàn nữa rồi. 

Nhiều khi tôi thấy có những vấn đề quá sức mình nhưng những việc chấn động xã hội thì dù quá sức, tôi cũng phải nói. Ví dụ vụ người mẹ vứt bỏ đứa con mới sinh xuống hố gas ở Sơn Tây (Hà Nội) giữa ngày hè nắng như đổ lửa, để rồi đứa trẻ không qua khỏi. Tội ấy không thể chỉ trong khoảng từ ba tháng đến hai năm tù, cũng không thể chỉ xử lý người mẹ ấy mà phải xử lý cả người cha - dù họ có hôn thú hay không.

Người phụ nữ phải một mình gánh chịu là không công bằng. Đó không chỉ là đạo đức xã hội mà là vi phạm pháp luật. Cuối cùng, đứa trẻ mất mạng vì cả cha lẫn mẹ. 

Ta hay đặt vấn đề: vì sao các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em đang có xu hướng ngày càng tăng không chỉ trong xã hội, gia đình mà ngay cả trường học? Câu trả lời là người ta đang lờn luật, vì lờn luật mới không sợ luật mà nhẫn tâm làm những việc băng hoại, trái đạo đức như thế.

Do vậy, muốn bảo vệ được trẻ em thì phải có công cụ hiệu quả. Công cụ đó là luật pháp, là các cơ chế chính sách được thực thi, được giám sát.

Trẻ em là đối tượng yếu thế nhất bởi các em không có năng lực về thể chất, nhận thức, vị trí trong xã hội…
Trẻ em là đối tượng yếu thế nhất bởi các em không có năng lực về thể chất, nhận thức, vị trí trong xã hội…

* Trở lại một chút về việc trẻ em là nạn nhân của bạo hành gia đình, có câu chuyện nào ám ảnh giáo sư?

- Khoảng mười năm trước, tôi đến một xã của tỉnh Phú Thọ nghiên cứu về bạo lực gia đình. Khi tôi đang đi trên đường làng, một cô bất ngờ lao ngang qua mặt tôi, máu phun từ trán xuống. Tôi ngơ ngác chưa biết chuyện gì thì cô ấy chạy tọt vào một căn nhà.

Sau đó, người ta bảo cô vừa bị chồng ném cái dùi đục vào mặt. Vợ chồng họ bằng tuổi, ngoài 30 một chút, đã có với nhau ba đứa con. Chồng làm thợ mộc, đang đục đẽo, thế là tiện tay cầm cái dùi ném luôn vào mặt vợ. Cô vợ chạy vội vào nhà của bí thư Đảng ủy để nhờ người sơ cứu.

Nghe xong, tôi chạy ngay vào nhà ấy, thấy người chồng vẫn đang bình thản ngồi làm mộc, tôi hỏi: “Sao cháu lại đánh vợ? Vợ cháu bé như con kiến thế…”, cậu ta dửng dưng: “Thấy ngứa mắt thì cháu đánh”. Tôi tức quá bảo: “Thấy vợ ngứa mắt sao không bỏ? Chứ lúc nào mà chả phải thấy, ra vào suốt ngày tránh sao được”. Cậu ta trả lời tôi thế này: “Cháu không bỏ để nó còn phải nuôi con cháu”. 

Môi trường sống xung quanh sẽ ảnh hưởng đến nhân cách của trẻ nhỏ
Môi trường sống xung quanh sẽ ảnh hưởng đến nhân cách của trẻ nhỏ

Sau này tìm hiểu, tôi mới biết gia đình đó có “truyền thống” đánh vợ. Mẹ cậu ta cũng bị chồng đánh đến thừa sống thiếu chết, đến nỗi chỉ một tuần sau khi chồng qua đời, bà ấy… tăng được mấy cân. Anh trai gã thợ mộc có một con trai, một con gái. Gã anh trai đó từng cho thằng bé con vào cái rọ heo và đạp xuống chân đồi, chỗ đám ruộng vừa phun thuốc trừ sâu, khiến thằng bé mù mắt. Bản thân gã thợ mộc này cũng từng cho con vào rọ heo, treo lên xà nhà và cứ thế đánh. Đánh vợ con - bạo hành gia đình - gần như đã thành… “truyền thống” của không ít gia đình. Một người đàn ông thường xuyên đánh vợ sẽ gây ra tội ác: những đứa con khi lớn lên, hoặc trở nên nhút nhát hoặc hung hãn - lại đánh vợ giống cách cha nó vẫn đánh mẹ nó.

* Hiện đang tồn tại xu hướng ngoại tình hoặc ly hôn. Một số ý kiến cho rằng đó là sự giải phóng phụ nữ. Bà thấy tư tưởng này ra sao?

- Đó cũng là một phần. Chúng tôi nghiên cứu thì thấy rằng tỷ lệ ly hôn mà người phụ nữ đứng đơn tăng vọt rất nhanh. Trước đây, phần lớn là đàn ông đứng đơn vì phụ nữ rất sợ tan vỡ gia đình.

Thiên tính nữ là vun vén gia đình, yếu đuối nhưng sau một thời gian nhận thức về bình đẳng, phụ nữ lại đứng đơn ly hôn nhiều hơn.

Ở góc độ bình đẳng giới, đó là một con số tích cực vì chính phụ nữ đã nhận thấy mình không thể chịu đựng được sự chèn ép bằng đủ thứ ràng buộc, phong kiến… Nếu lý do chính đáng thì đó là sự tiến bộ, chứ không phải kiểu phụ nữ vừa lấy chồng đã ngoại tình, nhắng nhít rồi bỏ con bỏ cái.

Tôi không đề cập đến những trường hợp đó mà chỉ muốn nói đến những người sống chân chất vì gia đình. Việt Nam nổi tiếng về giá trị gia đình nên nếu họ chủ động ly hôn thì câu chuyện hôn nhân của gia đình họ rõ ràng không đơn giản.

Nếu cách giáo dục của gia đình tốt, trẻ sẽ có môi trường để phát triển theo con đường đúng đắn - ẢNH: INTERNET
Nếu cách giáo dục của gia đình tốt, trẻ sẽ có môi trường để phát triển theo con đường đúng đắn - ẢNH: INTERNET

Tôn vinh các giá trị cốt lõi của gia đình

* Trẻ em như tờ giấy trắng, nói như thế để thấy được tầm quan trọng của giáo dục gia đình, vai trò của người làm cha, làm mẹ…

- Hiện nay, nhiều phụ huynh có tâm lý phó mặc con cái cho nhà trường và xã hội giáo dục. Đây là việc vừa sai vừa thiếu trách nhiệm.

Có rất nhiều bằng chứng cho thấy cách giáo dục của gia đình, môi trường sống xung quanh ảnh hưởng đến nhân cách của trẻ nhỏ. Nhiều trường hợp trẻ sống trong môi trường gia đình bạo lực có thiên hướng phạm tội từ sớm - như câu chuyện tôi vừa nêu chẳng hạn.

Ngược lại, nếu cách giáo dục của gia đình tốt, trẻ sẽ có môi trường để phát triển theo con đường đúng đắn. Yếu tố nền tảng gia đình rất quan trọng trong việc hình thành cốt cách con người, vậy nên các bậc phụ huynh cần dành nhiều thời gian quan tâm và giáo dục con cái từ những việc nhỏ nhất.

Nếu cách giáo dục của gia đình tốt, trẻ sẽ có môi trường để phát triển theo con đường đúng đắn.
Nếu cách giáo dục của gia đình tốt, trẻ sẽ có môi trường để phát triển theo con đường đúng đắn.

- Trẻ em cần được trang bị những kiến thức về giáo dục giới tính. Sự thiếu hiểu biết sẽ dẫn đến những hành động vừa trái pháp luật, vừa trái đạo đức. Có những vụ việc như cô gái 19 tuổi cho xác con ruột vào ba-lô để phi tang hay sinh viên sinh con trong nhà vệ sinh rồi ném đứa trẻ vừa ra đời từ tầng cao xuống sân chung cư... Đứng dưới góc độ pháp luật và đạo đức, đó là những hành vi không thể chấp nhận.

* Như bà vừa nói, chúng ta đang phải đối diện với nhiều thách thức lớn. Cả đời sống gia đình và đời sống xã hội hiện nay đã khác trước rất nhiều. Vậy chúng ta cần làm gì để thích ứng với sự thay đổi đó?

Thế nhưng, ở góc độ giáo dục, chúng ta cần đặt câu hỏi: nếu các cô gái ấy được trang bị đầy đủ kiến thức về giáo dục giới tính, kỹ năng sống… thì sẽ không có một kết cục thương tâm như vậy? Vì sao Việt Nam nằm trong top những quốc gia có tỷ lệ nạo phá thai nhiều nhất thế giới mà mỗi lần nhắc đến giáo dục giới tính là chúng ta ngại, cho rằng nhạy cảm. 

Về xã hội, truyền thông cần có trách nhiệm trong việc định hướng văn hóa, tư tưởng của giới trẻ. Nhiều vụ việc truyền thông đào sâu quá nhiều về đời sống của nạn nhân khiến các em bị khủng hoảng tâm lý.

Trong khi đó, nhiều kênh truyền thông vô tình tiếp tay, thổi phồng những hiện tượng mạng xã hội có ảnh hưởng xấu đến việc định hình nhân cách, tư tưởng của trẻ em. Trách nhiệm của truyền thông ở đâu khi để những giang hồ online, những cô gái làm giàu bằng thể xác… được tung hô như thần tượng? Vô hình trung giới trẻ, đặc biệt là các em nhỏ bị cuốn vào một vòng xoáy nhan nhản những tin độc hại, nhảm nhí… 

Ảnh mang tính minh họa - Phùng Huy
Ảnh mang tính minh họa - Phùng Huy

Về giáo dục gia đình, theo tôi, hiện nay giáo dục phải kết hợp cả truyền thống và hiện đại.

Về truyền thống, cần tôn vinh giá trị cha mẹ nhân từ, con cái hiếu thảo. Đó là cốt lõi của gia đình, không thể xem nhẹ. Nếu không hiếu thảo với cha mẹ thì con cái cũng khó cư xử tốt với những người xung quanh.

Còn kết hợp với hiện đại chính là quyền của mỗi cá nhân - thành viên trong gia đình. Trước đây, chỉ người chủ gia đình là có quyền (gia trưởng), có tiếng nói còn cá nhân thì không. Nhưng hiện nay, mỗi cá nhân, mỗi thành viên trong gia đình đều cần có quyền, có tiếng nói - tất nhiên quyền đó phải nằm trong quyền lợi văn hóa cá nhân, văn hóa gia đình, phải hài hòa với nhau và là tiếng nói của bình đẳng giới.

Đạt được mấy chuẩn mực cơ bản đó là đã xây dựng được gia đình đầm ấm chứ không cần nói những lý tưởng xa vời, trừu tượng. 
 

* Cảm ơn bà đã chia sẻ. 

Ngọc Minh Tâm (thực hiện)

"Tôi về các địa phương nghiên cứu, hoạt động, bà con hay hỏi hạnh phúc là gì. Câu hỏi dẫu đơn giản nhưng không phải ai cũng hiểu, cũng giải thích được dù khẩu hiệu “Gia đình ít con, no ấm, hạnh phúc” ai cũng thuộc làu.

Cuối cùng tôi chia sẻ với bà con, rằng hạnh phúc đơn giản là tạo cơ hội phát triển bình đẳng giữa mọi thành viên trong gia đình; người phụ nữ không phải là cái máy chỉ làm theo ý chồng; con gái không bị chèn ép, không bị bắt phải lấy chồng sớm… Mỗi thành viên đều đạt được những giá trị mà họ mong muốn - đơn giản, đó đã là hạnh phúc."

Giáo sư Lê Thị Quý

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI
  • Chuyện tình cha mẹ tôi: Ba mê rửa chén vì muốn mẹ nghỉ ngơi

    Chuyện tình cha mẹ tôi: Ba mê rửa chén vì muốn mẹ nghỉ ngơi

    20-12-2024 06:34

    Mấy chục năm qua, chị em tôi đã quen thuộc với hình ảnh ba vào bếp. Ba tình nguyện làm "người đam mê rửa chén" vì ba yêu gia đình.

  • 70 tuổi, cha tôi vẫn miệt mài làm rẫy giữ đất

    70 tuổi, cha tôi vẫn miệt mài làm rẫy giữ đất

    19-12-2024 17:54

    Mỗi lần nghĩ đến hình ảnh cha già cặm cụi đi cắt cành, bón phân, kéo ống nước tưới cây, tôi thấy lòng đau như ai cắt từng khúc ruột.

  • Xuân… nhặt

    Xuân… nhặt

    19-12-2024 06:46

    Nhà không rộng, chỉ có khoảng ban công là có thể nuôi cây. Vậy là ba cứ đem cây về chăm sóc, tưới tắm, nâng niu.

  • Tôi đi thuê người yêu

    Tôi đi thuê người yêu

    18-12-2024 17:05

    Tại TPHCM, có một dịch vụ được chào mời vừa công khai lại vừa kín đáo: dịch vụ của những người yêu thuê giờ.

  • Tuổi ăn đám cưới, tuổi viếng đám tang

    Tuổi ăn đám cưới, tuổi viếng đám tang

    18-12-2024 10:30

    Tôi nhận ra, ở độ tuổi ngấp nghé 50 của mình, tôi đi viếng đám tang nhiều hơn những đám, tiệc khác.

  • “Tạm ứng” gối chăn

    “Tạm ứng” gối chăn

    18-12-2024 06:17

    Trong công việc, cuộc sống, người ta có thể tạm ứng nhiều thứ, nhưng tạm ứng gối chăn sẽ để lại nhiều hậu quả khó lường.

  • Chỉ đường cho hươu: Yêu người hơn tuổi

    Chỉ đường cho hươu: Yêu người hơn tuổi

    17-12-2024 18:37

    Lòng con canh cánh về mối tình ngang trái của mình. Mỗi khi nghe ai đó nói “phi công trẻ”, “hồng hài nhi”… là con lại chộn rộn, mắc cỡ.

  • Ai rồi cũng tập thể thao: Bước ngoặt huy hoàng trong công cuộc tập luyện của tôi

    Ai rồi cũng tập thể thao: Bước ngoặt huy hoàng trong công cuộc tập luyện của tôi

    17-12-2024 12:48

    Bạn thuyết phục ròng rã mấy tháng trời. Bạn bảo sẽ cùng tôi đi bộ về đích để tôi không thấy ngại.

  • Chữ hiếu trong kinh doanh

    Chữ hiếu trong kinh doanh

    17-12-2024 08:51

    Tôi thích được ngồi nghe mẹ kể chuyện xưa, được ăn cơm với mẹ, được cùng mẹ đi thăm bà con… Mấy món mẹ nấu là ngon nhất thế giới.

  • Trăm năm trong cái nắm tay

    Trăm năm trong cái nắm tay

    17-12-2024 06:03

    Người ta có thể dễ dàng đến bên nhau, nhưng liệu có bao nhiêu người đi được cùng nhau tới tuổi xế chiều?

  • “Siêu xe” của ông nội

    “Siêu xe” của ông nội

    16-12-2024 16:19

    Chiếc “siêu xe” của ông nội đã theo chủ nhân được gần 15 năm. Mỗi ngày, ông luôn dành thời gian chăm chút nó, như người bạn đồng hành đáng tin cậy.

  • Lời nói như dao

    Lời nói như dao

    16-12-2024 13:03

    Cần tránh những lời nói xúc phạm, miệt thị, thay vào đó là những lời nói lịch sự, tôn trọng, góp phần xây dựng mối quan hệ.

  • Trẻ em cần thế giới thật đầy yêu thương

    Trẻ em cần thế giới thật đầy yêu thương

    16-12-2024 06:21

    Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ em cần được neo giữ trong thế giới thật, quan hệ thật, trách nhiệm, tình yêu thật. Hoạt động ảo không thể thay thế được.

  • Khoảnh khắc dài nhất

    Khoảnh khắc dài nhất

    15-12-2024 17:58

    Chỉ cần gặp mẹ, được ngồi gần mẹ, mọi chênh chao, chơi vơi, xáo trộn đều được lắng xuống, chữa lành.

  • Ngoại vẫn chắt chiu những hạt mè

    Ngoại vẫn chắt chiu những hạt mè

    15-12-2024 16:54

    Có lẽ vì vị mè ướp đẫm mồ hôi của ngoại, cũng có thể vì khói bếp thân thương làm thơm chén cơm nóng hổi quyện cùng vị muối mè mằn mặn.

  • Con bình thường hay đặc biệt?

    Con bình thường hay đặc biệt?

    15-12-2024 06:48

    Mong con thông minh vượt trội hay chỉ cần con khỏe mạnh, bình thường, câu trả lời của bạn là gì?

  • Ngưng đổ lỗi!

    Ngưng đổ lỗi!

    14-12-2024 19:37

    Người luôn tự coi mình là nạn nhân hiếm khi nhận ra lỗi của chính mình, cũng khó có cơ hội nhận ra khả năng của bản thân khi cố gắng.

  • Mẹ chưa bao giờ xa tôi

    Mẹ chưa bao giờ xa tôi

    14-12-2024 15:48

    Sau bao nhiêu năm cách lòng, tôi đã thật sự hiểu mẹ, hiểu rằng mẹ có những lý do để rời xa ba, nhưng chưa bao giờ mẹ rời xa tôi.