Giáo sư Lê Thị Quý - Nhà khoa học của nữ quyền

17/10/2020 - 06:49

PNO - Có lẽ, giáo sư Lê Thị Quý là người đầu tiên “nhảy vào” nghiên cứu nạn mại dâm, nạn buôn bán người và bạo lực gia đình - từ khi xã hội còn nhiều tránh né. Quốc tế từng đề cử bà cho giải Nobel Hòa bình.

Cả trong nước và các đồng nghiệp trên khắp thế giới gọi bà là “Nhà khoa học của nữ quyền”. Những năm qua, khó có thể kể hết những đóng góp của bà trong lĩnh vực Giới nói riêng và xã hội học nói chung. 

Bị rượt đuổi, dọa đánh và cướp máy ảnh

* Phóng viên: Thưa giáo sư, bà là nhà khoa học nghiên cứu về tệ nạn mại dâm từ hơn bốn mươi năm trước. Giai đoạn đó, khi chạm vào những mặt trái của xã hội, hẳn bà đã gặp không ít khó khăn?

- Giáo sư Lê Thị Quý: Tôi tiếp cận vấn đề này từ sớm nhưng đến cuối thập niên 80 mới chính thức nghiên cứu. Sau khi đi học nghiên cứu sinh ở Liên Xô (cũ) về, tôi nhận nhiệm vụ tại Trung tâm Nghiên cứu Phụ nữ, phụ trách tạp chí Khoa học Phụ nữ. Đại đa số nhân viên của cơ quan nô nức với đề tài phụ nữ nông dân, nữ công nhân thi đua... Tôi lại trăn trở: “Mình cũng là phụ nữ, mình biết có những thân phận đầy khổ đau, sao không thấy ai nói đến?”. Khi trình bày góc nhìn đó với cơ quan, tôi đã bị mắng ngay. Tôi cãi lại: “Chúng ta nghiên cứu phụ nữ mà lại bỏ qua những phụ nữ đau khổ, những nạn nhân của bạo lực, mại dâm thì chúng ta không nên có trung tâm phụ nữ này”.

Dù không nhận được sự ủng hộ từ cơ quan, tôi vẫn lặng lẽ làm. Tôi đến các trung tâm phục hồi nhân phẩm, rồi còn đi… thực tế. Đợt ấy, hồ Hale (Q.Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội) là “điểm đen”; tôi vừa khai thác được chuyện cá nhân, chuyện “làm nghề” của họ, vừa kéo nón sùm sụp che kín mặt. Lúc đầu tiếp cận với những đối tượng được coi là ngoài lề xã hội này, tôi vấp phải hầu hết là sự lặng im. Nhưng mưa dầm thấm lâu, từ lặng im, họ đã dốc lòng tâm sự.

Rào cản về “thành phần xã hội” hay lo sợ người quen phát hiện rồi cũng được dỡ bỏ. Nhưng sự xuất hiện của tôi ở hồ Hale không qua được những đôi mắt cú vọ của đám du côn bảo kê. Thỉnh thoảng tôi bị chúng đuổi. Chúng định cướp máy ảnh và đánh.

* Có một “cái chốt” nào trong việc từ phản đối bà nghiên cứu về nạn mại dâm đến công trình được ghi nhận, thưa giáo sư?

- Khi tôi đưa các nghiên cứu của mình ra, họ bảo trung tâm phụ nữ tại sao lại nói về vấn đề gai góc như thế. Năm 1993, HIV/AIDS có chiều hướng lan mạnh ở nước ta, Bộ Y tế điện sang Trung tâm Nghiên cứu Phụ nữ hỏi trung tâm này có ai nghiên cứu về mại dâm không - vì HIV loang mạnh nhất theo con đường tình dục - tham gia với chúng tôi để làm dự án chống “si đa” (cách thường gọi HIV/AIDS lúc đó).

Một buổi tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình rất quy mô
Một buổi tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình rất quy mô

Khi đó, sếp của tôi như vớ được cọc, nói bên chúng tôi có một chị làm từ trước, đến nay vẫn làm… Sang hỗ trợ Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nan ma túy, mại dâm, việc đầu tiên của tôi là đi phát bao cao su cho gái mại dâm. Rồi công trình nghiên cứu mại dâm của tôi được công bố. Ngay sau khi công bố, tôi cho đăng công trình này lên tạp chí Khoa học Phụ nữ.

Nhiều lầm tưởng về việc hợp pháp hóa mại dâm

* Nhiều năm qua, không ít lần việc có nên xem mại dâm là nghề hợp pháp hay không đã được đưa ra thảo luận. Bà là người phản đối mạnh mẽ nhất việc này. Vì sao vậy?

- Mấy năm trước, lần đầu tiên có đại biểu quốc hội đưa ra ý kiến về việc xem xét hợp pháp hóa mại dâm. Lập tức, tôi đã viết một bài phản ứng rất mạnh. Tôi hỏi thẳng, nếu nói mại dâm là một nghề thì nghề ấy có phải đào tạo không, có phải nâng bậc lương, có phải tôn vinh như các nghề khác? Nếu không thì không công bằng. Một nghề mà không ai dám nói chuyện tôn vinh hay đào tạo thì như thế nào?

Thứ hai, thuế là nguồn xây dựng đất nước. Nhưng nếu nói xây dựng đất nước từ tiền thuế mại dâm thì có nghe được không? Có ai chấp nhận không? Tôi không hiểu tiền thuế này dùng vào việc gì? Nếu để trả lương cho cán bộ như tôi thì chắc chắn tôi sẽ không nhận. Tôi nói đừng để Việt Nam bị coi là nhà thổ thứ hai của thế giới. Hà Lan bị coi là nhà thổ thứ nhất và đã nhục nhã lắm rồi. Họ có báo cáo tiền thuế thu từ mại dâm nhưng lại mất gấp 2,5 lần số tiền đó để chữa HIV/AIDS. Họ công khai tất cả điều đó. 

Sau đó tất cả đều im bặt, không ai trả lời những câu hỏi của tôi - với tư cách một nhà nghiên cứu. 

Người ta nhầm tưởng vô cùng lớn về các quốc gia hợp pháp hoạt động mại dâm. Tôi sang Thụy Điển, nơi từng có chính sách hợp pháp mại dâm từ rất sớm, phụ nữ bán dâm được hưởng bảo hiểm xã hội, được nhận lương hưu. Nhưng sau 30 năm, từ năm 1998, mại dâm ở Thụy Điển lại là bất hợp pháp, bởi trong 30 năm hợp pháp hóa đó, mại dâm càng tràn lan không thể kiểm soát, các giá trị đạo đức xã hội bị tổn hại quá lớn. Và Thụy Điển, rồi Na Uy, Anh, Iceland, Pháp đã trị tội rất nặng khách làng chơi, bởi họ cho rằng đó mới là nguyên nhân của việc phát triển mại dâm. 

Khi phản bác việc hợp pháp mại dâm, tôi có nói, dù thân thể là của ta nhưng ta sống trong một xã hội, một nền văn hóa nhất định, có một trật tự nhất định, thì ta phải tuân theo trật tự đó. Chúng ta phát triển kinh tế rất mạnh trong những năm qua, việc phát triển kinh tế phải song song với giữ gìn nhân phẩm, giữ gìn hạnh phúc cho người dân…

Giáo sư  Lê Thị Quý

Đồng nghiệp của chúng tôi ở Thụy Điển cho biết, bây giờ họ không tìm thấy người bản xứ làm “nghề” mại dâm, vì họ có rất nhiều cơ hội để lựa chọn việc làm, để chọn cuộc sống đỡ nhục nhã hơn. Khi sang tận nơi làm việc với các nước phát triển, thậm chí dạy học bên đó, tôi mới thấm thía, tất cả tin đồn sang Việt Nam đều méo mó. Nào là người ta hợp pháp mà mình bất hợp pháp, rồi mình chống lại trào lưu phát triển của thế giới, rồi quyền con người, rồi thân thể là của tôi thì tôi được tự do...

Đưa những gã vũ phu vào “Hội yêu vợ”

* Không phải bỗng dưng mà người ta gọi bà là “Nhà khoa học của nữ quyền”. Sau khi “nổ phát súng” đầu tiên nghiên cứu mại dâm, rồi trở thành người đầu tiên nghiên cứu về nạn buôn bán người, một lần nữa, bà lại “nhảy” vào một góc luôn nóng rẫy nhưng cũng đầy né tránh trong xã hội: nghiên cứu bạo lực gia đình.

- Trong một hội nghị chống bạo lực gia đình tổ chức ở Campuchia, chuyên gia người Đức cho biết ở Đức có 600 nhà tạm lánh. Tôi hỏi: “Nước bà có bao nhiêu dân?”, bà ấy trả lời: “90 triệu dân”. Tôi lại hỏi: “Theo bà có đủ không”? Bà nói: “Quá ít”. Tôi đáp: “Việt Nam chỉ có một vài nhà thôi”. Nghe vậy, bà ấy nhìn tôi như người đến từ hành tinh khác. 600 nhà tạm lánh ở Đức với số dân tương đương dân số của Việt Nam. Con số ấy khiến tôi tự hỏi đi hỏi lại: phải làm cách nào để có thể cứu được những phụ nữ, trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình ở ta?

Không có kinh phí thì phải làm theo cộng đồng, với “kiểu rẻ” của mình. Và tôi đề xuất. Lúc đó, Quỹ Dân số Liên Hiệp quốc (UNFPA) tại Việt Nam quyết ngay: “Chị làm đi!”.

Tôi bắt tay ngay vào nghiên cứu ở Thái Bình, Phú Thọ, Nam Định. Những nơi này đều là chọn ngẫu nhiên, chứ khi đó bạo lực gia đình tràn lan khắp nơi. Sau khi nhận được cái gật đầu của địa phương, tôi đi khảo sát và có sáng kiến: lập mô hình với một chuỗi hoạt động ngay tại cộng đồng, dùng chính sức mạnh của cộng đồng giải quyết các vấn đề của cộng đồng.

Đầu tiên là tập huấn cho những người quan trọng trong cộng đồng, như cán bộ xã, cán bộ thôn, cán bộ các hội, đoàn và cả những người dân có uy tín trong làng, trong xóm. Sau đó lập một ban quản lý, mời phó chủ tịch UBND xã đứng ra làm trưởng ban; sau đó là trưởng công an xã, rồi cả một bộ máy lãnh đạo của xã cùng vào cuộc…

* Đến nay, “Địa chỉ tin cậy”, “Nhà tạm lánh” đã được xây dựng trên toàn quốc nhưng mỗi xã, phường cũng chỉ được 1-2 địa chỉ. Còn ở Thái Bình, bà đã rất thành công, thậm chí vượt mong đợi.

- Ngay sau khi huy động chính quyền địa phương làm thành viên ban quản lý, chúng tôi lập ra một đường dây nóng (hotline). Hotline ở nông thôn thì đơn giản thôi, ví dụ người dân hoặc trẻ con đang chơi mà thấy một nhà đánh nhau thì lên báo cho ban quản lý. Đợt đầu tiên tôi làm, điện thoại di động chưa phổ biến nên người dân phải chạy xe đạp lên báo, sau này hầu như ai cũng có điện thoại, trẻ con cũng biết cách gọi, rất nhanh.

Gia đình ba nhà xã hội học - GS. Lê Thị Quý, GS. Đặng Vũ Khiêu, GS. Cảnh Khanh (hàng đầu tiên, lần lượt từ trái qua)
Gia đình ba nhà xã hội học - GS. Lê Thị Quý, GS. Đặng Vũ Khiêu, GS. Cảnh Khanh (hàng đầu tiên, lần lượt từ trái qua)

Sau “đường dây nóng” là “Đội can thiệp nhanh”. Đội này có nhiệm vụ sau khi tiếp nhận thông tin phải xuống ngay để tách nạn nhân và người gây bạo lực ra, đưa người gây bạo lực lên chính quyền. Tiếp theo là lập một nhóm “Nhà tạm lánh” ngay tại cộng đồng. Có một số gia đình - đặc biệt là những gia đình của lãnh đạo địa phương hoặc những người tham gia dự án này - tình nguyện biến một phòng trong nhà mình thành “Nhà tạm lánh”. “Nhà tạm lánh” tại gia có giường, quạt, chăn, màn để nạn nhân - thậm chí có thể đưa cả con cái - đến tạm trú được mấy ngày. Sau đó bà con đề xuất đặt tên là “Địa chỉ tin cậy”. Mô hình này phát huy được cả tình làng nghĩa xóm.

Riêng thị trấn Thanh Nê (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) đã có 42 gia đình tình nguyện làm “Địa chỉ tin cậy”. Còn ở xã Vũ Lạc (huyện Kiến Xương) cũng có tới 35. Nghĩa là, hễ bị bạo hành, đánh đập là ngay lập tức có thể chạy vào nhà ai cũng được. Cho đến giờ, hai địa phương này của Thái Bình vẫn đạt hiệu quả nhất cả nước, cả về số lượng và chất lượng.

* Tôi nhớ khoảng mười năm trước, một số tỉnh ở đồng bằng sông Hồng đã nổi lên những “Hội yêu vợ”?

Giáo sư Lê Thị Quý cùng chồng - nhà xã hội học Đặng Cảnh Khanh - là những người  đặt nền móng cho bộ môn gia đình học
Giáo sư Lê Thị Quý cùng chồng - nhà xã hội học Đặng Cảnh Khanh - là những người đặt nền móng cho bộ môn gia đình học

- Xã Vũ Lạc còn có một sáng kiến: công bố các địa chỉ tin cậy trên loa phát thanh của địa phương. Vũ Lạc tuyên bố, kẻ nào phá “Địa chỉ tin cậy” thì họ sẽ bắt ngay vì như vậy là chống người thi hành công vụ. Thế nghĩa là, chống bạo lực gia đình đã được đẩy lên thành trách nhiệm/nhiệm vụ, mỗi người dân chống bạo hành gia đình là một người đang thi hành công vụ.

Đó chính là đặc điểm mà đại diện quốc gia nào cũng thích khi nghe tôi trình bày trước hội nghị, hội thảo quốc tế. Bởi cho đến nay, toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đều phải giữ bí mật các “Địa chỉ tin cậy”, vì sợ chính những kẻ gây ra bạo hành tìm đến quấy phá. Chỉ riêng Vũ Lạc của Thái Bình là mọi “Địa chỉ tin cậy” đều công khai, thậm chí được chính quyền địa phương bảo lãnh. Về sau, Quốc hội áp dụng mô hình này vào Luật Phòng, chống Bạo lực gia đình (năm 2007). 

Tiếp đến, tôi lập các tổ tư vấn, các câu lạc bộ ngay tại địa phương: câu lạc bộ cho nạn nhân, nhóm gồm những người đánh vợ... Cũng tại Thái Bình, bà con sáng tạo, gọi nhóm những người đàn ông đánh vợ là “Câu lạc bộ những người đàn ông yêu vợ”. Riêng cái tên đó thôi, mà ông nào là hội viên cũng chừa hẳn thói đánh vợ, rồi chính các ông ấy lại đi tuyên truyền cho những ai đánh vợ (mà chưa vào câu lạc bộ). Các ông vốn đánh vợ cũng được chúng tôi tập huấn, thế là các ông ấy - thậm chí có người đánh vợ dã man đến mức đã bị xử lý hình sự - đã trở thành tuyên truyền viên chống lại bạo lực gia đình.

* Khi bà học ở Liên Xô, đi dạy ở Mỹ, Thụy Điển… giữa cuộc sống của những phụ nữ phương Tây đó, bà nghĩ gì về phụ nữ Việt?

- Tôi rất thương. Bất bình đẳng nam nữ không chỉ tồn tại ở trong chính sách trước đây mà còn tồn tại trong mọi ngóc ngách của cuộc sống, trong từng gia đình, cử chỉ, hành vi của mọi người, trong cả phong tục tập quán. Chính điều này mới sâu sắc và khó giải quyết. Phụ nữ cũng có tư tưởng nam quyền, ví dụ phải cố sinh bằng được con trai. Gột rửa được tư tưởng nam quyền ở trong đầu cả phụ nữ và nam giới là rất khó. Vì vậy hiện nay, tôi hướng đến bình đẳng giới chứ không phải chỉ giải phóng phụ nữ.

* Tôi hình dung là tính cách của bà vốn thẳng thắn, luôn muốn nhìn vào sự thật. Song, ngoài điều đó, tôi nghĩ là còn sự trăn trở rất lớn về thân phận người phụ nữ thì bà mới dành đến mấy chục năm để nghiên cứu về những vấn đề rất lớn liên quan đến phụ nữ như thế?

- Nếu nói tôi hy sinh, thì sự hy sinh đó là vì phụ nữ. 

* Cảm ơn bà đã chia sẻ. 

Ngọc Minh Tâm (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI