Giáo sư đoạt giải Nobel và hành trình đi tìm lời giải "vì sao phụ nữ phải chịu bất công"

10/10/2023 - 13:42

PNO - Giáo sư Claudia Goldin của Đại học Harvard được trao giải Nobel kinh tế năm 2023. Nghiên cứu của bà giúp giải thích vì sao phụ nữ phải chịu bất công, khi họ ít có khả năng tìm được việc làm cũng như có thể kiếm ít tiền hơn nam giới.

 

Claudia D. Goldin, người phụ nữ đầu tiên đảm nhận nhiệm kỳ tại Khoa Kinh tế của Harvard, đã đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2023.
Giáo sư Claudia D. Goldin

Phụ nữ chịu thiệt thòi trong công việc

Trong số 93 người đoạt giải Nobel kinh tế, bà Goldin là người phụ nữ thứ 3 và là người phụ nữ đầu tiên một mình đoạt giải thưởng này.

Theo thống kê, chỉ có khoảng một nửa phụ nữ trên thế giới có việc làm được trả lương, tỉ lệ này ở nam giới là 80%. Các nhà kinh tế coi khoảng cách này như một sự lãng phí. Ngoài ra, ở các nền kinh tế phát triển, thu nhập trung bình của phụ nữ thấp hơn nam giới khoảng 13%. Sự chênh lệch này khiến phụ nữ không được khuyến khích theo đuổi việc làm hoặc tiếp tục học tập để có cơ hội tìm được việc làm cao cấp hơn. 

Giáo sư Goldin (77 tuổi) đã khám phá lý do đằng sau sự chênh lệch đó. Bà nhận thấy sự bất bình đẳng thường xuất phát từ những quyết định mà phụ nữ đưa ra về triển vọng của họ trên thị trường việc làm, và về hoàn cảnh gia đình. Một số phụ nữ đánh giá thấp cơ hội việc làm của bản thân. Những người khác cảm thấy choáng ngợp bởi trách nhiệm ở nhà.

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Associated Press (AP), bà Goldin nói: “Hiện nay, phụ nữ có trình độ học vấn cao hơn nam giới. Họ tốt nghiệp đại học với tỉ lệ cao hơn nhiều so với nam giới. Họ học ở trường trung học tốt hơn nam giới. Vậy tại sao lại có sự khác biệt này? Dường như chúng là sự tương tác giữa những gì xảy ra trong gia đình và trên thị trường lao động".

Truy vết lịch sử

Để hiểu điều gì đang xảy ra, giáo sư Goldin đã nghiên cứu dữ liệu thị trường lao động trong 200 năm. Nhiệm vụ này đòi hỏi quá trình điều tra tốn nhiều công sức, bởi công việc của phụ nữ thường không được ghi chép lại. Ví dụ, những phụ nữ làm việc ở trang trại cùng với chồng hoặc làm việc tại nhà thường không được ghi nhận.

Goldin đã biên soạn cơ sở dữ liệu mới bằng cách sử dụng các nguồn như số liệu thống kê công nghiệp và khảo sát lịch sử về cách mọi người sử dụng thời gian của mình. Bà phát hiện ra rằng, các hồ sơ chính thức đã tính toán thấp hơn đáng kể số lượng công việc mà phụ nữ đang làm.

Việc sửa lại hồ sơ tiết lộ một số bất ngờ nổi bật. Trong cuộc Cách mạng Công nghiệp, khi nền kinh tế Mỹ và châu Âu nhanh chóng mở rộng và chuyển từ trang trại sang nhà máy, tỉ lệ phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động đã thực sự giảm.

Trước khi giáo sư Goldin nghiên cứu công trình này, các nhà nghiên cứu không quen với dữ liệu cũ thường cho rằng các nền kinh tế đang phát triển đã thu hút đông đảo phụ nữ tham gia vào thị trường lao động.

Bà Goldin cũng phát hiện ra rằng, hôn nhân dường như là rào cản nghiêm trọng để phụ nữ tham gia vào thị trường lao động. Vào đầu thế kỷ 20, chỉ có 5% phụ nữ trên tổng số 20% phụ nữ đã kết hôn đi làm. Những năm 1930, luật pháp thường cấm phụ nữ đã kết hôn làm giáo viên hoặc nhân viên văn phòng.

Những luật đó cuối cùng đã bị bãi bỏ.

Năm 1950, khi thuốc tránh thai được giới thiệu, phụ nữ đã có thể lập kế hoạch dài hạn cho việc học tập, sự nghiệp và gia đình. Tỉ lệ phụ nữ Mỹ có việc làm hoặc đang tìm việc tăng đều đặn từ những năm 1950 cho đến giữa những năm 1990.

Khoảnh khắc bà Claudia Goldin được công bố là người đoạt giải Nobel kinh tế 2023
Bà Claudia Goldin được công bố là người đoạt giải Nobel kinh tế 2023

Khoảng cách chênh lệch khó thu hẹp

Sự chênh lệch về thu nhập giữa nam và nữ được thu hẹp khi có nhiều phụ nữ đi làm hơn. Nhưng nó không biến mất.

Giáo sư Goldin đã biên soạn dữ liệu trong 2 thế kỷ về sự chênh lệch lương theo giới tính. Bà nhận thấy rằng khoảng cách về thu nhập đã thu hẹp trong nửa đầu thế kỷ 19 và sau đó từ khoảng năm 1890 đến năm 1930 khi các công ty bắt đầu cần thêm nhiều nhân viên hành chính và văn thư.

Nhưng tiến bộ trong việc giảm chênh lệch lương đã bị đình trệ từ khoảng năm 1930 đến năm 1980, mặc dù có nhiều phụ nữ đi làm và học đại học hơn.

Bà Goldin đã xác định được rằng, nguyên nhân dẫn đến điều này chính là vì phụ nữ phải làm mẹ. Khi phụ nữ sinh con, lương của họ có xu hướng giảm và sau đó không tăng nhanh như nam giới, ngay cả khi phụ nữ và nam giới có trình độ học vấn và nghề nghiệp tương tự nhau.

Hệ thống trả lương hiện đại có xu hướng khen thưởng những nhân viên có sự nghiệp lâu dài và không bị gián đoạn. Đồng thời, các công ty thường yêu cầu nhân viên phải luôn sẵn sàng và linh hoạt khi làm việc muộn hoặc làm thêm vào cuối tuần. Điều đó có thể khó khăn với phụ nữ khi họ là người chịu trách nhiệm chăm sóc con cái trong gia đình.

Phát biểu với AP, bà Goldin bày tỏ sự thất vọng khi phụ nữ ở Mỹ ít có khả năng làm việc hơn ở Pháp, Canada hoặc Nhật Bản. Trong khi, những năm 1990 khi tỉ lệ phụ nữ Mỹ tham gia lực lượng lao động cao nhất thế giới.

Bà cho rằng phụ nữ được giúp đỡ nhiều hơn, thường là từ bạn đời của họ, trong việc cân bằng giữa việc chăm sóc con cái và trách nhiệm công việc.

Giáo sư Goldin lưu ý một rào cản khác đối với phụ nữ là hầu hết trẻ em tan học vào khoảng giữa buổi chiều, trong khi rất ít người kết thúc công việc trong ngày vào lúc 15g. 

Bà Goldin chia sẻ rằng, mặc dù phụ nữ đang gánh chịu nhiều bất công trên thị trường lao động, nhưng bà luôn lạc quan về một tương lai tươi đẹp hơn cho nữ giới.

Linh La (theo AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI