'Giáo sư điên' hay đám đông quá khích?

28/11/2017 - 19:40

PNO - Việc đóng khung ảnh tang cho PGS Bùi Hiền và share điên dại trên Facebook, chẳng khác nào đám đông tự vả vào mặt mình, khiến người ta nhớ tới hành xử côn đồ của giới xã hội đen.

Vào một buổi sáng đẹp trời, bạn mở mạng xã hội, thấy trang chủ toàn những chữ viết “mắc cười”, bạn khúc khích, khùng khục, ha ha. Rồi khi quẹt thêm vài đường trên điện thoại, bạn hiểu đó là những giễu nhại một đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ. 

'Giao su dien' hay dam dong qua khich?
 

Chỉ tới chiều, bạn bắt đầu thấy những lời chửi bới, thóa mạ tác giả của kiểu chữ “mắc cười” kia. Sang những ngày sau, cấp độ chửi bới, miệt thị mỗi lúc một tăng. Người ta soạn Luật Giáo dục, soạn truyện Kiều và cả bìa sách giáo khoa theo bộ chữ mới để bàn sâu, tán rộng.

Trang Blobla còn nhanh trí cập nhật trò giải trí mới, với phần mềm đổi tên sang bộ chữ của tác giả Bùi Hiền, mục đích để chọc cười. Và trang giải trí năng động này đã thành công rực rỡ trong việc thu hút view để hút khách quảng cáo.

Nhưng tới hôm nay, tận cùng của các trò lố đã xuất hiện, là tấm hình ông phó giáo sư bị đóng khung cáo phó, dù tất nhiên là ông đang sống sờ sờ.

Không biết, tới ngày mai người ta có làm đám ma, cờ phướn luôn cho ông hay không? Hay còn chiêu trò gì quái lạ gì nữa?

Vậy, bạn là ai trong những ngày qua?

Bạn bị hút theo cơn điên loạn của đám người cuồng nộ, bạn vẫn bình tĩnh tìm hiểu sự việc, hay bạn bắt đầu ghê sợ, ớn lạnh sự mất kiểm soát của đám đông?

Tôi tin, những người yêu tiếng Việt thật sự sẽ không lên đồng loạn đả, ném ra những từ ngữ dơ bẩn cho bất kỳ sự việc, vấn đề gì. Chưa kể, đây là vấn đề ngôn ngữ, thứ liên quan mật thiết tới kiến thức và văn minh, văn hóa.

Tôi tin rằng, rất ít người đang gào thét chửi bới "giáo sư điên", "giáo sư teencode", "não ngắn", "phá hoại"... kia hiểu rằng: việc cải cách chính tả tiếng Việt không phải xuất hiện lần đầu, hẳn cũng không thể là cuối cùng. Bởi cũng không chỉ tiếng Việt, các ngôn ngữ thế giới luôn luôn vận động và đổi thay theo đời sống xã hội.

'Giao su dien' hay dam dong qua khich?
 

Các loại từ điển chính tả đều phải cập nhật những từ ngữ mới, khái niệm mới. Bởi chính từ đời sống, con người sẽ tạo ra và thanh lọc dần những con chữ, từ ngữ không còn phù hợp. Nhiều chữ từng phổ biến trên môi người mới cách đây vài chục năm, bây giờ chỉ có thể tìm thấy trong các văn bản xưa cũ. Đây là điều rất bình thường, ở mọi nền văn hóa. Dĩ nhiên bạn có quyền lên tiếng bảo vệ chính kiến của mình.

Khi điện thoại thông minh và mạng xã hội xuất hiện, xu thế dùng chữ của thanh - thiếu niên, hay còn gọi là “teencode”, với kiểu hình dễ thấy nhất là chữ J thay cho chữ I và Y, ào vào đời sống, khiến cho nhiều phụ huynh... nhũn não, vò đầu bứt tai vì không hiểu con em mình viết gì.

Thật ra, nếu chịu tìm hiểu, ta sẽ biết vì sao bọn trẻ biến các ký hiệu teencode thành làn sóng phổ biến và rộng rãi. Trong nhịp sống công nghệ chóng mặt, việc gõ thêm một chữ cái với tần suất dày đặc cho một đoạn chat dài là cả một vấn đề. Đừng vội cười lớp trẻ là lũ “tiết kiệm dở hơi”.

Nhưng nếu bình tĩnh nhớ lại, có thể chính các phụ huynh khả kính mới hôm nào còn dè dặt dùng chữ "OK" khi giao tiếp hay nhắn tin; dè bỉu việc dùng chữ K thay thế cho ba số 0 khi hiển thị đơn vị ngàn, thì hôm nay, chính họ đang dùng với tần suất đáng ngạc nhiên khi giao dịch, mua bán…

Bạn có quyền lên tiếng, góp ý kiến, nhưng cần trên cơ sở hiểu biết, đúng mực, và tập trung vào trọng tâm vấn đề. Đừng miệt thị con người, cá nhân, thổi phồng hay suy đoán chuyện đạo đức, nhân cách, thậm chí lồng chuyện thời sự chính trị và tội ác vào.

Bởi việc tung hỏa mù rồi đánh hội đồng, nó giống như hội chứng tâm lý Hysteria (còn gọi chứng cuồng loạn) - một dạng rối loạn tâm thần và thần kinh, thường xảy ra kiểu dây chuyền.

Việc đóng khung ảnh tang cho PGS Bùi Hiền và share điên dại trên Facebook, chẳng khác nào đám đông tự vả vào mặt mình, khiến người ta nhớ tới hành xử côn đồ của giới xã hội đen: "đóng khung ảnh tang", "đem quan tài tới nhà tặng", "loan tin cáo phó" hay ném phân chó, ném mắm tôm... Chưa kể, đó là một hành động khủng bố tinh thần người bị hại và nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể kết thành tội danh.

Vì mục đích bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt, nghe qua cứ tưởng mục đích cao cả và hay ho. Nhưng nhìn kỹ, đọc kỹ, suy ngẫm thêm một chút sẽ thấy: đó chỉ là một kiểu xả khi tinh thần có vấn đề bức bối. Và thứ xả ra ở đây là rác ngôn ngữ, rác văn hóa…

Nếu thật sự yêu tiếng Việt và mong muốn bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt, trước hết hãy viết cho đúng chính tả, dùng câu chữ cho trong sáng, chuẩn mực.

Đừng xả rác vô tội vạ như thế chứ!

T. Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI