Giáo sư đại học Afghanistan nghỉ dạy, xé giáo trình sau khi Taliban cấm sinh viên nữ đến trường

05/01/2023 - 16:46

PNO - Hàng chục học giả và hàng trăm sinh viên đã từ chức và từ chối đến trường để phản đối sắc lệnh cấm sinh viên nữ đến trường của Taliban.

 

Những kẻ cầm quyền Taliban ở Afghanistan đã ra lệnh cấm vô thời hạn việc học đại học đối với phụ nữ nước này vào tháng 12 năm 2021. Ảnh: Ali Khara/Reuters
Tháng 12/2022, Taliban ra lệnh cấm phụ nữ Afghanistan học đại học, lệnh cấm có hiệu lực vô thời hạn - Ảnh: Reuters

Baktash Amini là trợ lý giáo sư tại khoa vật lý Trường đại học Kabul. Ngoài niềm đam mê giảng dạy, ông tự hào đã giúp sinh viên của mình theo đuổi sự nghiệp vật lý, thiết lập quan hệ với Trung tâm Vật lý lý thuyết quốc tế cùng những tổ chức khác.

Nhưng những nỗ lực của ông dường như vô ích khi Taliban ra lệnh cấm phụ nữ học đại học. “Vào cái đêm họ (Taliban) ra lệnh cấm phụ nữ Afghanistan học đại học, tôi đã nhận được rất nhiều tin nhắn và cuộc gọi từ sinh viên của mình. Tôi không thể tả hết nỗi đau của họ. Tôi là một học giả và cách duy nhất tôi có thể bày tỏ sự phản đối là rời bỏ một hệ thống phân biệt đối xử với phụ nữ” - ông nói. 

Baktash Amini đã từ bỏ “công việc mơ ước” của mình vào ngày 21/12/2022.

Giáo sư Amini nằm trong số ít nhất 60 học giả người Afghanistan đã từ chức để phản đối sắc lệnh của Taliban. “Taliban đã bắt phụ nữ làm con tin cho các lợi ích chính trị của mình. Đây là sự phản bội quốc gia” - Abdul Raqib Ekleel, giảng viên phát triển đô thị tại Đại học Bách khoa Kabul, người cũng đã từ chức - nói.

“Trong một năm rưỡi qua, Taliban đã đưa ra nhiều yêu cầu phi lý đối với phụ nữ, nhất là các nữ sinh, sinh viên chẳng hạn như quy định về quần áo, khăn trùm đầu, lớp học riêng, có mahram (nam giám hộ hợp pháp) đi cùng. Mỗi giáo sư thực hiện các bài giảng giống nhau 2 lần/tuần, 1 lần cho nam và sau đó cho nữ. Mặc dù vậy, Taliban vẫn cấm phụ nữ” - Ekleel nói.

“Những lệnh cấm này đi ngược lại lợi ích quốc gia. Nó ảnh hưởng đến tất cả mọi người, không chỉ phụ nữ. Tôi không thể là một phần của một hệ thống như vậy” - ông nói thêm.

Giáo sư Ismail Mashal - một giảng viên khác tại Đại học Kabul - đã xé bằng cấp và tài liệu giáo dục của mình tại buổi phát sóng trên kênh truyền hình quốc gia. “Ngày nay, nếu em gái tôi không thể học hành, thì những bằng cấp này có ích gì? Tôi đang xé tài liệu gốc của mình. Tôi là một giảng viên và tôi đã dạy sinh viên, nhưng đất nước này không còn là nơi dành cho giáo dục nữa” - ông nói trong nước mắt.

Khi người dẫn chương trình hỏi Mashal muốn gì, ông nói: “Tôi sẽ không dạy cho đến khi em gái tôi trở lại trường đại học".

Ismail Mashal xé bằng cấp của mình trên TV: 'Là một người đàn ông và một giáo viên, tôi không thể làm gì khác cho [phụ nữ] và tôi cảm thấy những tấm bằng của mình trở nên vô dụng'. Ảnh: AFP/Getty Images
"Là một người đàn ông và một giáo viên, tôi không thể làm gì khác cho phụ nữ và tôi cảm thấy những tấm bằng của mình trở nên vô dụng" - giáo sư Ismail Mashal nói - Ảnh: AFP

Ngay cả trước khi Taliban tiếp quản đất nước, việc được đến trường đại học vẫn là thách thức với phụ nữ Afghanistan. 

Samira, 23 tuổi, sinh viên năm cuối cho biết: “Mỗi ngày là một cuộc đấu tranh để chứng minh rằng chúng tôi xứng đáng được đến trường. Nhưng mọi thứ trở nên tồi tệ hơn kể từ khi Taliban tiếp quản. Họ liên tục hạn chế chúng tôi, thậm chí chúng tôi bị cấm đặt câu hỏi với giáo sư nam. Và bây giờ họ đã cấm chúng tôi hoàn toàn".

Samira đã dành cả buổi tối để ôn thi khi nghe tin về lệnh cấm. “Tôi không thể mô tả nỗi đau này. Tôi đang học học kỳ cuối và chỉ còn vài tháng nữa là tốt nghiệp. Tôi muốn ra ngoài và hét lên” - cô nói.

Đêm đó, Samira đã viết trên nhóm WhatsApp cùng lớp của mình: “Không ai quan tâm rằng tương lai của phụ nữ Afghanistan đang bị đe dọa sao?”.

Nhiều bạn học nữ của cô đã thảo luận về các cách phản đối lệnh cấm. Trong một năm rưỡi qua, phụ nữ Afghanistan thường xuyên biểu tình trên đường phố để chống lại các chính sách của Taliban, bất chấp các mối đe dọa và tấn công. Tuy nhiên, rất ít nam giới tham gia cùng họ. Nhưng với lệnh cấm phụ nữ học đại học, nam giới đã lên tiếng. Các giảng viên nam từ chức, các sinh viên nam rời khỏi lớp học và phòng thi để phản đối lệnh cấm.

Một nam sinh viên 19 tuổi tham gia cuộc biểu tình vào ngày cuối năm 2022 cùng hàng chục sinh viên khác từ Đại học Nangarhar cho biết: “Chúng tôi đứng lên ủng hộ các chị em của mình vì chúng tôi không thể chịu đựng sự bất công này thêm nữa".

Các cuộc biểu tình tương tự đã được báo cáo ở các tỉnh khác - bao gồm Kabul, Kandahar và Ghazni - với hàng trăm sinh viên và giảng viên tổ chức các cuộc tuần hành và hô vang khẩu hiệu "tất cả hoặc không", yêu cầu phụ nữ được phép quay lại trường.

“Chị em của chúng ta tài năng và xứng đáng được hưởng những điều tốt đẹp hơn, nhưng những lệnh cấm giáo dục như vậy sẽ tác động rất tiêu cực, không thể đảo ngược được đối với xã hội của chúng ta. Đây là lý do tại sao chúng tôi - những người đàn ông Afghanistan - cần phải lên tiếng ngay bây giờ” - nam sinh viên đến từ Đại học Nangarhar nói thêm.

Giáo sư Abdul Raqib Ekleel cho biết, trước đây, rất nhiều nam giới bất bình và muốn chống lại những quyết định bất công đối với chị em phụ nữ. "Chúng tôi đã lập nhiều nhóm để vận động các bạn cùng lớp lên tiếng, nhưng Taliban phát hiện ra điều đó và đã đe dọa tất cả các quản trị viên của nhóm, do đó chúng tôi không còn cách nào khác là phải im lặng. Nhưng khi tình hình trở nên tồi tệ hơn ở Afghanistan, đàn ông, đặc biệt là những người trong giới học thuật, đã lên tiếng. Mặc dù dưới chế độ Taliban không có công lý nhưng ít nhất chúng tôi vẫn đã đứng về phía phụ nữ" - Abdul Raqib Ekleel nói.

Thảo Nguyễn (theo Guardian)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI