|
Giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng cùng một nạn nhân chất độc da cam trong chuyến sang Mỹ dự phiên điều trần liên quan tới hoạt động tìm kiếm công lý cho nạn nhân chất độc da cam |
Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng vinh dự là 1 trong 5 người được Quỹ giải thưởng Ramon Magsaysay năm 2024 vinh danh trong sự kiện trực tuyến toàn cầu. Lễ trao giải sẽ tổ chức ngày 16/11, được mệnh danh là “giải Nobel châu Á” để tôn vinh những tinh thần vĩ đại thể hiện trong việc phục vụ quên mình vì người dân châu Á. Cụ thể, bà được vinh danh ở tuổi 80 vì cống hiến cuộc đời mình để khám phá sự thật về chất độc da cam, tìm kiếm công lý cho các nạn nhân, hỗ trợ những người bị ảnh hưởng thông qua nghiên cứu và làm việc với Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Báo Phụ nữ TPHCM đã có cuộc trò chuyện với giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng để bạn đọc hiểu rõ hơn về hành trình đằng đẵng suốt cuộc đời thấm đẫm mồ hôi, sự hy sinh thầm lặng vì nạn nhân chất độc da cam của bà.
"Chứng kiến gia đình các sản phụ đau đớn khi sinh ra đứa con không lành lặn, lòng tôi quặn thắt"
Phóng viên: Thưa giáo sư, tình huống nào đã đưa đẩy một bác sĩ sản phụ khoa dành hầu hết cuộc đời mình cho những nạn nhân chịu hậu quả của chất độc hóa học trong chiến tranh?
Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng: Năm 1966, tôi mới 23 tuổi, đang là thực tập bác sĩ nội trú ở Bệnh viện Từ Dũ. Trong một lần đỡ đẻ, tôi đã đỡ ra đứa bé vô sọ. Do chưa trải đời, chưa có kinh nghiệm đối với tình huống như vậy, tôi đã thốt lên với sản phụ: “Trời ơi, con của chị vô sọ”. Người mẹ nghe thấy đã bàng hoàng, chồm lên nhìn và kêu gào: “Ôi, sao tôi đẻ ra con khỉ thế này”. Lúc ấy, tôi hoảng loạn không kém. Tôi nôn và sợ hãi. Tội nhất là người mẹ. Chị ấy vật vã, sợ hãi suốt thời gian theo dõi tại bệnh viện. Kể từ lần đó, lâu lâu chúng tôi lại gặp trường hợp trẻ sinh ra bị khuyết tật.
Sự sợ hãi, hoang mang trong tôi dần chuyển thành trăn trở. Chứng kiến gia đình các sản phụ đau đớn, vật vã khi sinh ra đứa con không lành lặn, lòng tôi quặn thắt. Tôi đã xin bệnh viện cho lưu trữ một số thai khuyết tật. Năm 1976, các cựu chiến binh Mỹ trở lại Việt Nam, tới thăm Bệnh viện Từ Dũ, đã hỏi chất độc da cam ảnh hưởng tới con người như thế nào. Tôi được ban giám đốc bệnh viện phân công trả lời.
Kể từ đó, tôi đã tìm tòi tài liệu, thu thập những chứng cứ chứng minh chất độc da cam ảnh hưởng nặng nề tới con người chứ không chỉ môi trường.
* Ngày ấy, chắc hẳn việc thu thập các tài liệu, chứng cứ chứng minh chất độc da cam ảnh hưởng tới sức khỏe con người đã gặp phải các rào cản, đặc biệt là trong bối cảnh đất nước đầy rẫy khó khăn, thiếu thốn?
- Ngày ấy khó khăn lắm. Chúng tôi đâu có mạng internet như bây giờ, mọi thứ đều phải làm theo cách thủ công, tìm kiếm những tài liệu sống. Thứ nhất, tôi tìm tài liệu lưu ở Bệnh viện Từ Dũ, cụ thể là những con số về trẻ sinh ra bị khuyết tật. Bên cạnh đó, tôi tìm kiếm luận văn của những bác sĩ tại các trường y khoa liên quan tới vấn đề này. Qua đó, tôi nhận ra rằng năm 1952, trẻ khuyết tật chỉ lác đác nhưng tăng nhiều nhất từ năm 1969 trở đi.
Khi tôi tìm hiểu nguyên nhân, có 1 cuốn sách của Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ xuất bản năm 1974 cho biết, từ năm 1961, Mỹ rải chất độc hóa học ở Việt Nam, đặc biệt là từ năm 1965, Mỹ rải chất độc da cam số lượng lớn. Tôi giật mình thấy rằng sự gia tăng của trẻ sinh ra bị khuyết tật tỉ lệ thuận với thời điểm chất độc hóa học được rải xuống Việt Nam. Tôi đã báo cáo với ban giám đốc bệnh viện và UBND TPHCM về điều này.
* Và công việc tiếp theo là…
- Tôi đề xuất với bệnh viện cho tôi cùng sinh viên đi nghiên cứu để làm điều tra cơ bản về tác hại của chất độc da cam lên con người. Tôi chọn điểm đến đầu tiên là xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre (nơi bị rải chất độc hóa học rất nhiều). Tôi và các sinh viên y khoa ở đó 1 tháng, đi từng nhà để khảo sát mỗi gia đình có mấy con, sinh năm nào, người vợ sảy thai mấy lần, con mất ngay sau sinh hay chết lưu, khuyết tật…
Chúng tôi nhận thấy tỉ lệ bất thường trong sinh sản ở vùng này khá cao, lên tới trên 4%, đặc biệt là tỉ lệ trẻ sinh ra bị khuyết tật. Cụ thể, có những bé gái 16-17 tuổi bị sứt môi chẻ vòm rất nhiều. Lúc đó còn khó khăn nên các gia đình chưa vá môi được cho các cháu. Sau lần này, tôi xin Bệnh viện Từ Dũ một chiếc xe cứu thương, lần lượt xuống chở các bé lên và mời các bác sĩ Bệnh viện Răng Hàm Mặt qua vá lại. Bà con rất mừng còn tôi cứ suy nghĩ mãi, tại sao xã này lại nhiều trẻ bị sứt môi đến thế…
Chúng tôi lại tiếp tục xuống U Minh và một số huyện nữa ở tỉnh Cà Mau. So sánh với cả thành phố Long Xuyên (nơi không bị rải chất độc hóa học) thì thấy rõ ràng Cà Mau có nhiều trẻ khuyết tật còn ở Long Xuyên lại rất ít.
Tôi còn nghiên cứu trên những người sinh con khuyết tật ở bệnh viện, so sánh với những người sinh con bình thường. Kết quả thu được: 62% người sinh con khuyết tật có tiền sử ở vùng bị rải chất độc hóa học, có đi kháng chiến.
|
Giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng và cặp song sinh Việt - Đức năm xưa |
* Bà đã làm gì để có thể thu hút sự quan tâm của các nước?
- Từ những thu thập kể trên, tới tháng Giêng năm 1983, tại TPHCM có một hội nghị quốc tế về hậu quả lâu dài của chất làm trụi lá và diệt cỏ, có 22 quốc gia tham dự và chia làm nhiều nhóm thảo luận.
Tổng kết hội nghị, nhóm thảo luận về sức khỏe đã kết luận có 5 loại khuyết tật bẩm sinh rất thường thấy ở Việt Nam mà hiếm khi gặp ở các nước, ngay cả tại các nước khác ở Đông Nam Á và có nhiều nước chưa thấy bao giờ.
Sau đó, một số nhà khoa học tiến bộ từ Mỹ qua, chỉ cho tôi cách làm xác suất thống kê, phục vụ cho nghiên cứu; cùng phân tích với Bệnh viện Từ Dũ và thấy rằng ở Cà Mau, tỉ lệ phụ nữ trẻ tuổi sinh con khuyết tật còn cao hơn cả phụ nữ từ 40 tuổi. Đây là một nghịch lý. Người ta thấy rằng những phụ nữ đó sinh con trong giai đoạn bị rải chất độc hóa học.
Tới năm 1987, có một hội nghị ở Mỹ về chất độc hóa học/dioxin. Việt Nam cử 4 người, trong đó có tôi, cùng qua Mỹ để báo cáo. Tôi báo cáo 3 bài gồm 1 hồi cứu, 1 so sánh ở Bến Tre với TPHCM, 1 nghiên cứu trong bệnh viện. Một chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới xin tôi bài báo cáo đó, sửa lại câu chữ tiếng Anh và đăng trên 1 tạp chí khoa học của Anh (năm 1989).
Những điều này dần dần tác động tới các nhà khoa học. Phía Mỹ nhờ thế gửi nhiều nhà khoa học tới, hợp tác cùng mình nghiên cứu. Họ có phương tiện lấy mỡ, lấy máu để thử định lượng dioxin trong mỡ và trong máu. Qua đó, thấy rằng chất dioxin ở những người sống tại vùng có rải chất độc hóa học cao hơn so với người dân ở vùng không bị rải chất độc hóa học.
|
Giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng cùng phái đoàn Việt Nam tham dự buổi điều trần về chất độc da cam ở Hạ viện Mỹ |
"Mỗi cảnh đời, mỗi số phận đều để lại nỗi day dứt, sự trăn trở trong tôi"
* Trong hành trình đồng hành cùng nạn nhân chất độc da cam, nhân vật nào, câu chuyện nào để lại ấn tượng sâu sắc nhất đối với bà?
- Những nạn nhân chất độc da cam nhiều lắm, mỗi cảnh đời, mỗi số phận đều để lại nỗi day dứt, sự trăn trở trong tôi. Thế nhưng trường hợp tôi gắn bó nhiều hơn cả chính là cặp song sinh Việt - Đức. 2 cháu Việt - Đức sinh năm 1982, quê quán Quảng Ngãi. Chị gái của các cháu bình thường, không khuyết tật. Sau đó, năm 1977, gia đình các cháu chuyển lên Kon Tum, năm 1982 sinh ra Việt - Đức. Do thai nhỏ nên song sinh mà người mẹ vẫn sinh thường. Khi sinh ra, 2 bé dính nhau. Lúc ấy, người dân vô cùng hiếu kỳ, cho rằng do ăn ở ác độc mới sinh ra con như vậy nên cha các cháu không chịu nổi áp lực, bỏ về quê ở Quảng Ngãi. Người mẹ cũng hoảng sợ, không dám nuôi con.
Khi đó, mọi người biết được giáo sư Tôn Thất Tùng ở Hà Nội có nghiên cứu về chất độc da cam nên chuyển Việt - Đức ra Bệnh viện Việt - Đức ở Hà Nội. Vì thế, 2 bé được đặt tên là Việt và Đức. Sau đó, khoảng tháng Mười một, giáo sư Hoàng Đình Cầu (khi ấy là Thứ trưởng Bộ Y tế) đã gọi cho tôi, đề nghị tôi nhận Việt - Đức về TPHCM bởi khí hậu Hà Nội vào mùa đông rất khắc nghiệt, sợ rằng cơ thể non nớt của cặp song sinh này không chịu đựng nổi. Thế là Việt - Đức được chuyển tới Bệnh viện Từ Dũ.
Kế đó, 2 bé bị bệnh, phải gửi qua Nhật để điều trị. Lúc từ Nhật về, các bé đã được phẫu thuật tách dính vào năm 1988. Tới năm 2008, chỉ còn vài tháng là đủ 20 năm thì Việt qua đời. Trước đó, Việt sống đời thực vật còn Đức vẫn phát triển tốt nên cần tách ra để Đức được sống. Đức có 2 con, vợ Đức cũng sinh đôi 1 trai, 1 gái, hoàn toàn khỏe mạnh. Đức nhận tôi là má. Hằng tháng, tôi vẫn hỗ trợ tiền cho các cháu nội (con của Đức) đóng tiền học. Con tâm sự khi mổ tách ra thì chỉ có 1 thận, bây giờ bị viêm đường tiểu hoài nên phải đeo túi nước tiểu bên ngoài, rất hay bị viêm tiết niệu. Mỗi lần như vậy, Đức lại phải vào bệnh viện. Đức đang làm thư ký cho Làng Hòa Bình ở Bệnh viện Từ Dũ.
* Với tư cách là một trong những người tiên phong trong công cuộc tìm kiếm công lý cho nạn nhân chất độc da cam, bà có lời nhắn nhủ gì cho các nhà khoa học trẻ đối với công cuộc bảo vệ, đồng hành cùng nạn nhân chất độc da cam?
- Những đồng nghiệp cỡ tuổi tôi ở miền Bắc đã gần đất xa trời gần hết rồi. Nhưng bồi dưỡng thế hệ kế thừa trong công cuộc tìm kiếm công lý cho nạn nhân chất độc da cam thực sự khó khăn. Tôi cũng từng đưa một số bác sĩ ở Bệnh viện Từ Dũ theo để làm thêm những nghiên cứu mới. Tuy nhiên, xã hội thay đổi, các em ở đây mới có thể làm phòng mạch, phát triển sự nghiệp, có tiền trang trải cuộc sống. Đâu thể bắt các em lên rừng núi, ăn gió nằm sương như chúng tôi hồi ấy. Giờ khó mà bảo các em đi giống tôi ngày xưa, như ở xã Thạnh Phong, tỉnh Bến Tre hồi đó đâu có nước ngọt, phải xách nước về sử dụng.
Thế nhưng ngược lại, bây giờ ta lại có nhiều thuận lợi hơn. Hiện tại, ngành y tế của ta có rất nhiều tiến bộ. Thí dụ ta có máy siêu âm rất tốt, rất rõ. Trong 12 tuần đầu tiên của thai kỳ, ta có thể phát hiện bất thường qua siêu âm.
Bên cạnh đó, ta còn có rất nhiều xét nghiệm để phát hiện bất thường thai kỳ. Những bé khuyết tật nặng cũng được khuyên chấm dứt thai kỳ sớm. Nhờ thế, phần hậu quả về chiến tranh hóa học cũng giảm nhẹ đi.
Bây giờ, hiếm khi có ca sinh ra mới biết bé bị khuyết tật. Ngày xưa, tôi và các bác sĩ, các nhà khoa học phải vất vả chứng minh hậu quả của chất độc da cam đối với con người. Thời nay đã khác, thế hệ kế thừa không còn phải làm điều đó nữa vì trải qua thời gian, điều đó đã được khẳng định. Từ đó, phương thức đấu tranh và tìm kiếm công lý, hỗ trợ cho các nạn nhân chất độc da cam cũng cần đổi mới. Những cháu nào lỡ sinh ra bị khuyết tật, chưa có cuộc sống tốt đẹp cần được hỗ trợ để tái hòa nhập xã hội. Nhà nước và Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin đều vận động, quyên góp tiền, có chính sách để những nạn nhân được ổn định nơi ăn chốn ở, tạo công ăn việc làm, học hành, cưới vợ, sinh con…
Hiện nay, TPHCM đã tặng cho Hội Nạn nhân chất độc màu da cam 49.000m2 đất ở Hóc Môn để xây dựng làng cam. Tuy nhiên, đất có rồi mà chưa có kinh phí xây dựng. Thậm chí xây dựng xong rồi lấy tiền đâu nuôi các cháu - cả ngàn đứa bé. Tạm thời, trên quỹ đất đó đã dành ra 2.000m2 đất trồng rau cải, đưa được 1-2 cháu lên làm việc nhưng vẫn chưa hiệu quả.
Luôn đau đáu tìm cách để ai cũng được vui niềm vui thiên chức
* Thưa giáo sư, nhiều người nói rằng bà đã cống hiến suốt cuộc đời cho công cuộc đấu tranh tìm kiếm công lý, đồng hành, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam nhưng tới tuổi 80 mới được trao giải thưởng là quá muộn…
|
Giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng trong hoạt động đi bộ cùng nạn nhân chất độc da cam năm 2015 |
- Tôi làm vì thấy thương các nạn nhân quá. Tôi không quan tâm tới giải thưởng. Bây giờ già rồi, được trao giải thưởng, ban đầu tôi còn thấy ngại. Tôi bảo với thư ký là thôi, từ chối đi. Tuy nhiên, cô thư ký phân tích rằng phía đơn vị tổ chức giải thưởng rất thiết tha, họ tới lui Làng Hòa Bình nhiều lần để thu thập thông tin. Thực ra tôi nghĩ rằng sự ghi nhận lớn nhất và điều khiến tôi vui nhất chính là những gì tôi đã làm được cho các nạn nhân chất độc da cam, cho người dân mình chứ không phải bằng 1 giải thưởng.
* Ở tuổi 80, thời gian biểu của giáo sư vẫn dày đặc, điều gì khiến bà làm việc không ngừng nghỉ?
- Tôi về hưu rồi nhưng vẫn đi làm, vì ở nhà buồn lắm. Từ nhỏ, tôi luôn phải hoạt động, tính tôi vậy. Tới giờ, sáng nào tôi cũng ngồi phòng khám. Mỗi tuần, tôi đi khám ở 3 nơi. Có những trường hợp khó, cần hội chẩn thì tôi tới thảo luận cho ý kiến. Tôi thấy vui và yêu thích công việc của mình.
Hiện nay, tôi vẫn làm Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc TPHCM, Phó chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TPHCM. Tôi vẫn đi họp và tham gia nhiều hội thảo, hội nghị khoa học.
Ngoài ra, tôi vẫn đưa đón cháu gái đi học. Không có cháu, chắc tôi buồn lắm. Cháu ngoại lớn của tôi đã tốt nghiệp y khoa, đang học để thi nội trú. Cháu ngoại nhỏ đang học lớp Chín, sắp tới thi vào lớp Mười nên phải học thêm rất nhiều. Tôi rất thân thiết với cháu ngoại nhỏ, tên bé là Tường Vi. Tường Vi giống y chang tính bà ngoại ở chỗ luôn đi sớm. Bà đưa đón cháu cũng chưa bao giờ trễ, luôn tới trước giờ.
Tôi và các cháu gái rất hay cùng nhau tham gia các hoạt động từ thiện. Có lần, tôi dắt cháu đi Campuchia, chỗ biển Hồ, một làng chài có những người Việt rất nghèo. Tôi cùng mọi người quyên góp giúp đỡ họ. Ban đầu, Tường Vi nói không thích làm bác sĩ. Bé chia sẻ rằng cả nhà làm bác sĩ rồi, con thích vẽ tranh và chơi đàn nên có lẽ con sẽ thành nghệ sĩ. Thế nhưng, sau những chuyến đi thiện nguyện cùng bà, bé lại đổi ý. Bé muốn trở thành bác sĩ vì thương trẻ em khó khăn, bệnh tật.
* Giáo sư được mệnh danh là bà tiên mang phép màu tới cho các cặp vợ chồng hiếm muộn. Ai cũng biết bà đặt nền móng cho kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm Việt Nam. Xin bà hãy chia sẻ về hành trình đó. Điều gì khiến bà luôn đau đáu tìm cách gầy dựng và phát triển kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm như vậy?
- Là bác sĩ sản phụ khoa, tôi từng chứng kiến biết bao nỗi vui sướng không thể diễn tả thành lời của những cặp vợ chồng khi chào đón đứa con khỏe mạnh ra đời. Ngược lại, tôi cũng chứng kiến bao giọt nước mắt đau khổ, sự dằn vặt, áp lực của những cặp vợ chồng hiếm muộn. Tôi thấy xót xa và luôn đau đáu tìm cách để họ cũng được vui niềm vui thiên chức.
|
Giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng trong hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn |
Năm 1993-1994, tôi tham gia giảng dạy cho sinh viên Pháp tại Đại học Nice. Bên cạnh đó, tôi đồng thời được học tập kỹ thuật và kinh nghiệm làm thụ tinh ống nghiệm tại Pháp. Tôi quyết tâm phải học hỏi và bằng mọi giá đưa kỹ thuật này về áp dụng tại nước mình. Tôi bắt đầu dành dụm tiền đi dạy để mua máy móc gửi về Việt Nam.
Năm 1997, máy móc gần như hoàn thiện, đoàn chuyên gia Pháp gồm 4 người sang Việt Nam để cùng tôi tiến hành những ca thụ tinh ống nghiệm đầu tiên. Và thật thần kỳ, đúng ngày kỷ niệm 23 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 3 em bé đã chào đời nhờ kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm, mở ra hy vọng cho hàng ngàn cặp vợ chồng hiếm muộn trên cả nước. Đó là những nỗ lực, cố gắng rất lớn của đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ khi ấy. Kể từ đó tới nay, kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm của Việt Nam đã tiến xa và đạt được thành tựu lớn với tỉ lệ thành công rất cao so với các nước trên thế giới.
* Bên cạnh kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm, được biết giáo sư còn có những hoạt động thiết thực khác đóng góp rất lớn cho việc chăm sóc sức khỏe sinh sản của phụ nữ. Hoạt động nào trong đó khiến bà tâm đắc hơn cả?
- Đó chính là dự án Cô đỡ thôn bản. Qua những lần đi khám ở vùng sâu vùng xa, tôi đã trò chuyện với nhiều phụ nữ, đa số là chị em dân tộc thiểu số. Tôi hỏi khi sinh con, các con làm thế nào. Nhiều em trả lời rất tội nghiệp: “Dạ, con tự sinh ở nhà, con cứ đứng bám vào gốc cây rồi rặn đẻ. Khi sinh xong, con tự cắt dây rốn cho bé bằng ống tre, ống nứa, dao rựa”. Đó còn chưa kể các hủ tục như khi sinh khó thì mời thầy mo tới cúng chứ không can thiệp y tế dẫn tới tỉ lệ tai biến sản khoa của phụ nữ những vùng này rất cao.
Tôi đã nghĩ đến chuyện đào tạo các cô đỡ thôn bản để chăm sóc tốt hơn cho chị em trong việc sinh nở. Chúng ta phải đào tạo những cô đỡ là người bản xứ, họ sẽ tiếp cận người dân địa phương tốt hơn, hiểu được phong tục tập quán nơi đó nên dễ dàng giải thích, hướng dẫn phụ nữ địa phương đến khám thai và sinh ở trạm y tế xã. Cô đỡ thôn bản cũng có thể đỡ đẻ tại nhà theo cách an toàn và sạch (được đào tạo và cung cấp bộ dụng cụ đỡ đẻ vô khuẩn). Thế là dự án Cô đỡ thôn bản ra đời.
Tới nay, dự án vẫn đang chứng tỏ tính hiệu quả và đem lại nhiều lợi ích cho nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản ở các vùng sâu vùng xa, như một cánh tay nối dài của ngành y tế, giúp giảm tỉ lệ tử vong, tai biến của bà mẹ và trẻ sơ sinh.
* Cảm ơn giáo sư đã chia sẻ.
Thanh Huyền (thực hiện)
Ảnh nhân vật cung cấp