Giao mùa, virus hợp bào hô hấp tấn công trẻ sơ sinh

05/11/2021 - 06:37

PNO - Thời điểm giao mùa, tại khu vực miền Bắc, nhiều trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh 1 - 2 tháng tuổi phải nhập viện, thở oxy do nhiễm virus hợp bào hô hấp RSV.

Nhiều ca đến bệnh viện đã trở nặng

Thấy con gái hai tháng tuổi xuất hiện tình trạng khò khè, ho đờm nhiều, chị N.T.M. (Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) tưởng con gặp bệnh giao mùa. Tuy nhiên, dù đã rửa mũi nhưng bé vẫn không thuyên giảm mà sau hai ngày vẫn khò khè, ăn kém, quấy khóc nhiều. Lo lắng khi thấy diễn biến của con tăng nặng, chị đưa con vào Bệnh viện Sản Nhi Phú Thọ để thăm khám thì được kết luận con bị nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV). 

Bác sĩ chuyên khoa I Bùi Thị Đến, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Sản Nhi Phú Thọ), cho hay, bệnh nhi vào viện trong tình trạng tỉnh, không sốt nhưng ho đờm nhiều, phổi thông khí kém, rút lõm lồng ngực. Độ bão hòa oxy máu giảm (SpO2 chỉ còn 92 - 93%). Sau khi làm xét nghiệm, bệnh nhi được chẩn đoán viêm tiểu phế quản do RSV bội nhiễm. Do tình trạng suy hô hấp nên ngoài khí rung, hút đờm, trẻ phải sử dụng kháng sinh và thở oxy. 

Bác sĩ Bùi Thị Đến cho biết, số lượng trẻ mắc vi-rút hợp bào hô hấp gia tăng trong thời gian gần đây
Bác sĩ Bùi Thị Đến cho biết, số lượng trẻ mắc virus hợp bào hô hấp gia tăng trong thời gian gần đây

Theo bác sĩ Bùi Thị Đến, trường hợp của bệnh nhi trên chỉ là một trong rất nhiều trẻ nhiễm virus RSV trong thời gian gần đây. Dù chưa có con số thống kê cụ thể, song bác sĩ cho hay, nếu như trước đây chỉ ghi nhận một vài ca thì hiện trung bình, mỗi ngày có khoảng 10 - 20 bệnh nhi tới viện thăm khám, trong đó nhiều trẻ diễn biến nặng, suy hô hấp và phải thở oxy. “

Đáng lưu ý, hầu hết ca nhập viện đều là trẻ rất nhỏ, trẻ sơ sinh. Có những bé phải nhập viện khi mới một, hai tháng tuổi. Các ca bệnh này ban đầu đều có triệu chứng không rõ ràng, trẻ có thể không sốt mà chỉ khò khè hay bỏ bú, quấy khóc. Do đó, không ít trường hợp được gia đình đưa đến bệnh viện muộn, dẫn tới trẻ bị suy hô hấp, bội nhiễm khiến quá trình điều trị vất vả, kéo dài hơn”, bác sĩ Đến chia sẻ.

Phó giáo sư - tiến sĩ Lê Thị Hồng Hanh, Giám đốc Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Nhi Trung ương), cho hay, mỗi ngày, trung tâm này cũng có khoảng hơn chục bệnh nhân nhiễm virus RSV. Các bệnh nhi đến điều trị tại trung tâm hầu hết đều là ca bệnh nặng, suy hô hấp, thở oxy. 

Bệnh diễn tiến rất nhanh với trẻ sơ sinh

Phó giáo sư - tiến sĩ Lê Thị Hồng Hanh thông tin, có nhiều loại virus gây ra các bệnh lý hô hấp, song đứng đầu là virus hợp bào hô hấp. Bệnh có các triệu chứng thông thường là hắt hơi, sổ mũi, có sốt nhẹ… Trong thời tiết giao mùa, số lượng bệnh nhi mắc bệnh lý thường tăng lên do độ ẩm không khí cao, có điều kiện để virus sinh sôi, phát tán mạnh. Do hệ thống miễn dịch của trẻ em chưa được hoàn chỉnh, virus hợp bào hô hấp có ái lực với đường hô hấp trên mạnh nên trẻ em là đối tượng dễ mắc virus này. 

Bệnh do RSV gây ra không có thuốc điều trị đặc hiệu, khi trẻ mắc bệnh, cần cho trẻ uống nhiều nước, dùng thuốc hạ sốt và đảm bảo chế độ dinh dưỡng tốt, giàu vitamin… Trẻ có thể tự khỏi, nhưng cần theo dõi sát để phát hiện các dấu hiệu nặng và đưa trẻ tới bệnh viện, cơ sở y tế kịp thời. Những trường hợp bội nhiễm phổi phải uống thuốc kháng sinh, truyền dịch, thậm chí hỗ trợ thở oxy… Các gia đình có thể cho trẻ điều trị ở nhà song các bác sĩ khuyến cáo không tự mua thuốc cho con uống mà vẫn phải tới các cơ sở y tế để thăm khám. Bởi, cha mẹ sẽ không thể nhận định được trẻ bị nhiễm virus thông thường hay đã bị nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới để quyết định sử dụng thuốc một cách hợp lý. 

Đặc biệt, các chuyên gia cảnh báo, với trẻ sơ sinh, trẻ sinh non, khi nhiễm virus RSV, bệnh tiến triển rất nhanh, thậm chí chỉ trong một ngày. Ngày hôm trước, trẻ có thể ăn, thở bình thường, hôm sau vào viện trong tình trạng phải thở oxy. Do đó, các bậc phụ huynh cần hết sức chú ý, đưa con đến viện sớm để tránh các tình trạng, hậu quả nặng nề. 

“Hiện nay, nhiều gia đình lo ngại COVID-19 nên hạn chế đưa con đi thăm khám dẫn đến tình trạng khi trẻ đến viện thì bệnh đã trở nặng. Trong khi đó, hiện quy trình sàng lọc của các bệnh viện được thực hiện rất cẩn thận, đảm bảo an toàn. Ngoài bệnh nhân, các y bác sĩ cũng được xét nghiệm COVID-19 định kỳ”, bác sĩ Bùi Thị Đến nhấn mạnh. Nữ bác sĩ cũng khuyên các bậc cha mẹ không nên đưa con đến một số phòng khám tư vì không đủ điều kiện xét nghiệm, từ đó dẫn tới tình trạng trẻ bị lạm dụng kháng sinh, nguy cơ kháng thuốc cao sau này. 

11 trẻ mắc tay chân miệng tử vong 

Báo cáo của Bộ Y tế cho biết, trong tháng 10/2021, cả nước đã ghi nhận 37.915 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 11 trường hợp tử vong. Theo bác sĩ Bùi Thị Đến, thống kê sơ bộ trong tháng 10, tại Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Sản Nhi Phú Thọ), số ca mắc tay chân miệng nhập viện là 30 ca, giảm rất nhiều so với số ca mắc cùng kỳ là 133 trẻ.

Tuy nhiên, theo bác sĩ, một trong những nguyên nhân chính là các bậc phụ huynh e ngại tới bệnh viện trong mùa dịch, do đó, hầu hết ca bệnh nhập viện nêu trên đều là các trường hợp đã phải chỉ định nhập viện, nhiều trường hợp đã chuyển sang giai đoạn 2b, nguy cơ có thể dẫn tới viêm não, màng não.

Cụ thể, bệnh viện vừa tiếp nhận một trường hợp bé 10 tháng tuổi (Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) vào viện trong tình trạng có tổn thương bọng nước ở lòng bàn tay nhưng đã khô, có nốt loét trong miệng. Trẻ ăn kém, giật mình, lờ đờ, đi đứng loạng choạng, rung giật nhãn cầu và nghi ngờ hội chứng não - màng não. May mắn, sau ba ngày điều trị, trẻ đã không còn triệu chứng não, màng não và tỉnh táo hơn, vận động bình thường. 

Bác sĩ Bùi Thị Đến lo lắng, với số lượng bệnh nhân đến thăm khám ít, chỉ khi bệnh đã nặng như trên sẽ có nguy cơ trẻ bị tiến triển nặng. Với bệnh chân tay miệng, từ giai đoạn 2b đến độ 3, độ 4, đây là những cấp độ bệnh nặng hơn, xuất hiện các biến chứng ở trẻ như thần kinh, tim mạch, hô hấp… và có thể dẫn đến tử vong. Khi phụ huynh thấy trẻ có dấu hiệu của bệnh, ngoài việc đưa trẻ đến các cơ sở y tế thì cũng nên chú ý việc chăm sóc, thực hiện theo đúng khuyến cáo của bác sĩ.

Huyền Anh

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI