Tư vấn trực tuyến: Tìm hiểu và ngăn ngừa ung thư cổ tử cung

16/10/2019 - 15:31

Trong 5 phụ nữ thì có 4 người nhiễm vi-rút HPV ít nhất 1 lần trong đời (vi-rút HPV gây nên 99% các trường hợp ung thư cổ tử cung). Mỗi 2 phút có 1 phụ nữ tử vong vì căn bệnh này.

Nếu như lúc 18 tuổi đã có tiêm vaccine phòng ngừa ung thư cổ tử cung thì bây giờ có cần đi tầm soát nữa không?( Ngọc Mai, 0 tuổi, TP.HCM )

ThS-BS Lê Văn Hiền:

Vaccine HPV ngừa UT CTC chỉ ngừa được hai chủng HPV 16 và 18, nhưng vẫn còn 12 chủng nguy cơ cao gây nên UT CTC khác. Vì vậy, để có thể ngăn ngừa hiệu quả ung thư cổ tử cung thì ngoài việc tiêm ngừa HPV bạn vẫn cần tầm soát UT CTC định kỳ. Tuổi bắt đầu tầm soát HPV là 25 tuổi. 

Bệnh ung thư cổ tử cung chỉ dễ mắc bệnh ở độ tuổi từ 25 trở lên đúng không ạ? Vậy từ 25 tuổi trở xuống thì có nguy cơ mắc bệnh không?( Tân Châu, 0 tuổi, TP.HCM )

 

Tu van truc tuyen: Tim hieu va ngan ngua ung thu co tu cung


ThS-BS Bùi Thanh Vân:

Về nguyên tắc UT CTC có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, trước 25 tuổi thường người phụ nữ nhiễm HPV đa phần tự khỏi. Do vậy nếu tầm soát ở tuổi trước 25 thì tỷ lệ dương tính rất cao, nhưng không cần thiết phải điều trị nên làm xét nghiệm chỉ làm lo lắng thêm thôi em.

 

Mình nên đi kiểm tra định kỳ 6 tháng/lần để tránh nguy cơ bị ung thư cổ tử cung đúng không bác sĩ?( Tô Thị Hà, 0 tuổi, TP.HCM )

 

Tu van truc tuyen: Tim hieu va ngan ngua ung thu co tu cung



ThS-BS Bùi Thanh Vân:

Phụ nữ nên khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/ lần vì còn khám nhiều bệnh nữa như bệnh lý của âm đạo, tử cung, buồng trứng…Riêng với UT CTC thì tùy kết quả xét nghiệm HPV của bạn bác sĩ sẽ có hướng theo dõi khác nhau. Nếu kết quả HPV của bạn âm tính thì 3 năm sau bạn mới phải tầm soát lại UT CTC.

 

Em năm nay 27 tuổi, có còn chích ngừa ung thư cổ tử cung được không?( Trịnh Thu Phương, 27 tuổi, Phan Thiết )

ThS-BS Lê Văn Hiền:

Chào em, hiện nay có 2 loại vắc xin ngừa HPV dành cho lứa tuổi từ 9-26 hoặc từ 10-25 tuổi. Do vậy, em đã quá lứa tuổi tiêm ngừa. Để có thể phòng ngừa UT CTC hàng năm em nên đi khám phụ khoa định kỳ và làm xét nghiệm tầm soát (HPV và phết tế bào CTC).

Ngoài cách tầm soát ung thư cổ tử cung thì mình có còn biện pháp nào khác không ạ?( Tuyết Vân, 0 tuổi, TP.HCM )

ThS-BS Lê Văn Hiền:

Tầm soát ung thư cổ tử cung bao gồm nhiều thăm khám và xét nghiệm. Tuy nhiên pap smear (phết tế bào cổ tử cung) và HPV là phương pháp tốt nhất để phát hiện sớm nguy cơ ung thư cổ tử cung.

Bác sĩ ơi! Tôi ở Bình Thạnh, có thể đến bệnh viện phường để tầm soát ung thư cổ thư cung hay không? Còn đến bệnh viện thì nên đến bệnh viện nào?( Lê Thúy Ái, 35 tuổi, Bình Thạnh, TP.HCM )

 

Tu van truc tuyen: Tim hieu va ngan ngua ung thu co tu cung


ThS-BS Lê Văn Hiền:
Chào chị, để có thể tầm soát UT CTC chị nên đi khám phụ khoa, làm xét nghiệm HPV (tìm những tuýp nguy cơ cao) và phết tế bào. Chị có thể đến các bệnh viện, phòng khám chuyên khoa sản phụ khoa để thực hiện xét nghiệm này.

 

Khi mắc bệnh ung thư cổ tử cung thì có còn khả năng mang thai không?( Vân Anh, 0 tuổi, TP.HCM )

ThS-BS Bùi Thanh Vân:

Phẫu thuật ung thư cổ tử cung tùy vào giai đoạn: nếu ở giai đoạn sớm tại chỗ hoặc tổn thương tiền ung thư thì sau phẫu thuật cắt bỏ cổ tử cung (khoét chóp) thì người phụ nữ vẫn có khả năng mang thai và sinh con.

Tôi chưa chồng. Năm nay 38 tuổi, có phải đi tầm soát ung thư cổ tử cung không, thưa bác sĩ?( Văn Lệ Thanh, 38 tuổi, Gò Vấp, TP.HCM )

ThS-BS Lê Văn Hiền:

Chào em, theo khuyến cáo của hiệp hội sản phụ khoa Hoa Kỳ đối với phụ nữ trên 25 tuổi đã có quan hệ tình dục nên đi làm xét nghiệm HPV, đối với phụ nữ trên 30 tuổi đã có quan hệ tình dục nên đi làm xét nghiệm HPV và phết tế bào CTC để tầm soát UTCTC định kỳ. Do nếu em đã có quan hệ tình dục thì nên đi khám phụ khoa và làm xét nghiệm HPV, phết tế bào CTC.

Bác sĩ cho em hỏi người bệnh sùi mào gà, đang điều trị, thì sinh hoạt ăn uống, tiếp xúc với chồng con người thân có bị lây không, vì em nghe việc tiếp xúc qua da với da cũng có thể bị lây.
Và hiện tại em đang điều trị bệnh sùi ở môi bé âm đạo, nhưng khi đi khám chồng em lại không có, nên không điều trị gì, nhưng em tuyệt nhiên không vụng trộm, nhờ Bác sĩ giải thích giúp cho tình trạng gia đình em, và khi điều trị hết nốt này lại nổi nốt khác, có khi nào từ âm đạo sùi sẽ phát triển và lây vào trong âm đạo, tử cung, ra hậu môn, hay các vùng khác ngoài vị trí ban đầu (môi bé) không?!
( Hoàng Nga, 34 tuổi, Cầu giấy, Hà Nội )

 ThS-BS Bùi Thanh Vân:

Bệnh sùi mào gà là bệnh có lây qua tiếp xúc, quan hệ tình dục.

Muốn phòng tránh sự lây lan cho người thân thì nên:

-  Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục

-  Giặt giũ quần áo riêng

-  Khi tiếp xúc trực tiếp da – da, nên có biện pháp bảo vệ phòng tránh như mang găng tay cao su...

Nguyên nhân gây ra bệnh sùi mào gà là do virus, đôi khi sức đề kháng cơ thể suy giảm, bệnh sẽ thể hiện ra, không nhất thiết phải có quan hệ bậy bạ mới mắc bệnh này. Có thể, bạn vô tình “bị dính” virus, nhưng do sức đề kháng cơ thể tốt, cộng thêm với sự tự thoái triển của vi rút nên bệnh sẽ không thể hiện ra, khi sức đề kháng cơ thể suy giảm là điều kiện thuận lợi để vi rút phát triển và gây bệnh.

Khi bạn điều trị mà thấy các nốt sùi vẫn tiếp tục mọc lên, thậm chí lan từ vị trí này sang vị trí khác, thì bạn nên đi tái khám và trình bày với bác sĩ sớm để có biện pháp điều trị và lời khuyên phòng ngừa thích hợp. Lưu ý: Luôn luôn phòng ngừa là biện pháp tốt nhất.

Độ tuổi nào thì phụ nữ cần chú ý các triệu chứng của bệnh ung thư cổ tử cung?( Trần Hiền, 28 tuổi, Tây Ninh )

ThS-BS Bùi Thanh Vân:

Bệnh có thể xảy ra ở bất cứ độ tuổi nào.

Tuy nhiên, nên lưu ý từ khi bắt đầu có quan hệ tình dục, có nghĩa là có tiếp xúc với yếu tố nguy cơ. Đặc biệt, với những phụ nữ có quan hệ với nhiều bạn tình.

Tôi 55 tuổi, đã mãn kinh, có cần đi tầm soát ung tư cổ tử cung không bác sĩ.( Hồ Lệ Quyên, 55 tuổi, Hóc Môn, TP.HCM )

 

Tu van truc tuyen: Tim hieu va ngan ngua ung thu co tu cung


ThS-BS Lê Văn Hiền:

Chào chị, UT CTC là bệnh lý thường gặp ở lứa tuổi từ 45-55. Do vậy chị nên đi khám phụ khoa và tầm soát UT CTC. Chỉ ngưng tầm soát UT CTC đối với phụ nữ trên 70 tuổi đã tầm soát định kỳ thường xuyên trước đây và kết quả âm tính trong 10 năm liên tiếp.

 

Con gái tôi năm nay 16 tuổi, tôi muốn chích ngừa HPV cho con gái tôi ở đâu?( Lưu Ngọc Mỹ, 45 tuổi, Biên Hòa, Đồng Nai )

ThS-BS Lê Văn Hiền:

Chào chị tiêm ngừa vaccine HPV cho bé gái lứa tuổi từ 9,10 đến 25, 26. Chị có thể đưa con đến các bệnh viện sản phụ khoa, trung tâm y tế dự phòng, viện Pasteur để tiêm ngừa vaccine HPV.

Nếu điều trị khỏi hẳn ung thư cổ tử cung thì còn cơ hội mang thai, sinh con bình thường không?( Phan Hải Hà, 32 tuổi, Quảng Ngãi )

ThS-BS Bùi Thanh Vân:

Nếu ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm, nghĩa là sau khi điều trị bạn vẫn còn cổ tử cung và tử cung thì bạn hoàn toàn còn cơ hội mang thai và có con bình thường.

Nếu phát hiện chậm, ung thư cổ tử cung đã vào giai đoạn trễ, bạn có thể sẽ phải phẫu thuật cắt bỏ tử cung, như vậy thì không còn khả năng mang thai và có con bình thường được nữa.
Vì vậy, lời khuyên của chúng tôi cho các chị em phụ nữ là:

-    Nếu chưa bị bệnh thì nên sử dụng biện pháp phòng ngừa để khỏi bị bệnh.

-    Nếu không biết mình đã mắc bệnh hay chưa thì nên tuân thủ đúng lịch khám phụ khoa và tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ theo lời khuyên của bác sĩ.

-    Nếu phát hiện bất thường qua quá trình tầm soát thì nên điều trị sớm.

-     Nên có một lối sống lành mạnh và vệ sinh hợp lý…

Thường em khám sức khỏe thì được lấy PAP để tầm soát UT CTC và được khuyên đi kiểm tra mỗi 6 tháng. Có lần em đi khám phụ khoa ở phòng mạch tư, được bác sĩ tư vấn test Liqui sẽ là 1 năm. Có bao nhiêu cách tầm soát UT CTC thưa bác sĩ?( Bùi Thị Thu Hương, 28 tuổi, Phú Nhuận, TP.HCM )

ThS-BS Lê Văn Hiền:

Chào bạn, để tầm soát UT CTC hiện nay có 2 cách:

1. Làm xét nghiệm HPV nguy cơ cao gây UT CTC

2. Phết tế bào CTC (Pap smear ): Pap truyền thống làm bằng que gỗ có độ phát hiện thấp và pap nhúng dịch (liquiprep, thinprep) có độ phát hiện cao.

Theo khuyến cáo của hiệp hội sản phụ khoa Hoa Kỳ :

1. Đối với phụ nữ trên 25 tuổi làm xét nghiệm HPV nguy cơ cao mỗi 3 năm một lần

2. Đối với phụ nữ trên 30 tuổi làm xét nghiệm Cotest ( HPV + Pap smear ) mỗi 3 đến 5 năm.

Khi đã tiêm vaccin chống virus HPV thì mọi biện pháp sàng lọc nhằm phát hiện tế bào ung thư là không cần thiết?( Nguyễn văn Nam, 31 tuổi, 97 Nguyễn Trãi, Hà Nội )

 ThS-BS Bùi Thanh Vân:

Xin khẳng định một điều: Đó là quan niệm hoàn toàn sai lầm:

Tiêm vaccine chống virus HPV là biện pháp phòng ngừa, nghĩa là ngăn ngừa cho bạn khỏi bị bệnh.

Còn các biện pháp sàng lọc, tầm soát là nhằm phát hiện xem bạn có bị bệnh hay không.

Vì vậy, hai vấn đề này hoàn toàn khác nhau, sau khi tiêm vaccine chống virus HPV, bạn vẫn phải thực hiện tầm soát định kỳ theo đúng lịch hẹn của bác sĩ.

Tôi nay 25 tuổi, đã chích ngừa HPV rồi, vậy có cần phải tầm soát lại UT CTC nữa không?( Nguyễn Hằng, 25 tuổi, Phú Nhuận, TP.HCM )

ThS-BS Lê Văn Hiền:

Chào bạn, hiện nay có vắc xin HPV ngừa được 2 chủng HPV 16 và 18. Trong khi đó, có 14 chủng HPV nguy cơ cao gây UT CTC. Nếu bạn đã tiêm ngừa vắc xin HPV có nghĩa là đã ngừa được 2 chủng nguy cơ cao nhất (70% UT CTC là do HPV 16 và 18). Tuy nhiên, để có thể phòng ngừa được tối đa căn bệnh UTCTC bạn vẫn nên đi khám phụ khoa định kỳ và tầm soát UT CTC bằng xét nghiệm HPV và phết tế bào CTC.

 

Hiện nay, có những phương pháp nào chẩn đoán UT CTC cho kết quả chính xác nhất?( Hải Hà, 25 tuổi, Điện Biên )

ThS-BS Bùi Thanh Vân:

Có rất nhiều phương pháp để tầm soát UT CTC.

Tuy nhiên, để chẩn đoán chính xác nhất vẫn phải dựa vào tế bào học, nghĩa là lấy tế bào ở chỗ mình nghi ngờ đem thử giải phẫu bệnh, khi có kết quả giải phẫu bệnh là UT CTC thì đó là chuẩn đoán cuối cùng.

Tôi nghe nói virus HPV có thể tự biến mất khỏi cơ thể mình sau chừng 2 năm lây nhiễm. Như vậy, khi xét nghiệm thấy mình có HPV cũng chưa quá lo lắng phải không bác sĩ? Và như thế phải chờ thêm một thời gian mới xét nghiệm lại hay sao?( Hồng Hoa, 0 tuổi, Bình Phước )

ThS-BS Bùi Thanh Vân:

Bạn nói chính xác, nhiễm HPV có thể tự biến mất, nhiễm HPV không có nghĩa là bạn đã bị UT CTC. Cụ thể như sau:
-   Nhiễm HPV không gây ra dấu hiệu đặc biệt nào.
-   Không cần điều trị, đa số sẽ tự biến mất trong vòng 6 đến 12 tháng.
-   HPV lây qua đường tình dục có thể nhiễm nhiều lần trong đời, khoảng 80% phụ nữ có nhiễm HPV trong cuộc đời mình.
Như vậy, khi biết mình bị nhiễm HPV bạn đừng quá lo lắng, hãy bình tĩnh đi tái khám và xét nghiệm lại theo lời hẹn của bác sĩ.

UT CTC là do virus HPV gây ra, vậy virus này thường xuất hiện ở đâu, tiến trình lây nhiễm như thế nào, có thể đề phòng được không? Dạng người như thế nào là dễ bị mắc bệnh nhất ? Bệnh này liệu có thể sinh con và chữa trị dứt hẳn được không( Mai Nguyễn, 26 tuổi, Vũng tàu )

 

Tu van truc tuyen: Tim hieu va ngan ngua ung thu co tu cung


ThS-BS Lê Văn Hiền:

Chào bạn, HPV là loại virus gây u nhú ở người, có khoảng 40 chủng lây truyền qua đường tình dục, trong đó 14 chủng có nguy cơ cao gây UT CTC. Khi người bị nhiễm virus HPV nguy cơ cao gây UT CTC thường không có triệu chứng gì đặc biệt chỉ có thể phát hiện nhờ xét nghiệm HPV. Nếu nhiễm virus HPV nguy cơ cao tồn tại lâu và tái phát nhiều lần thì sẽ có thể gây biến đổi tế bào CTC qua các giai đoạn tiền ung thư và ung thư. Virus HPV rất dễ lây nhiễm qua tiếp xúc tình dục, theo ghi nhận 80% phụ nữ đã có quan hệ tình dục ít nhất 1 lần trong đời đã từng nhiễm virus HPV. Để có thể phòng ngừa UTCTC bạn nên:

Phòng ngừa cấp 1 : ngăn ngừa lây nhiễm HPV bằng tiêm vaccine HPV, có đời sống tình dục lành mạnh,vệ sinh cơ quan sinh dục tránh viêm nhiễm đường sinh dục, tăng sức đề kháng.

Phòng ngừa cấp 2 : phát hiện sớm nhiễm HPV và những tổn thương tiền ung thư, ung thư giai đoạn sớm bằng xét nghiệm HPV và phết tế bào CTC.

 

Ung thư cổ tử cung thường mắc vào độ tuổi nào? Sao chích ngừa rồi mà vẫn phải đi tầm soát thưa bác sĩ?( Duy Uyên, 25 tuổi, Nhà Bè, TP.HCM )

ThS-BS Lê Văn Hiền:
Chào bạn, UT CTC có thể gặp ở mọi lứa tuổi sau dậy thì, tuy nhiên lứa tuổi thường gặp là 45 – 55. Việc tiêm ngừa vắc xin HPV chỉ có thể ngăn ngừa được 2 chủng nguy cơ cao 16 và 18 trong khi đó có 14 chủng nguy cơ gây UT CTC. Do vậy mặc dù đã tiêm ngừa bạn vẫn nên đi khám phụ khoa và tầm soát UTCTC định kỳ.

Tôi nghe nói bệnh ung thư cổ tử cung nhiều không kém ung thư vú và cũng làm chết người rất nhanh nhưng lại không thể sờ nắn để khám như ung thư vú. Vậy tôi phải làm sao để biết mình có bệnh?( Hoàng Hà, 0 tuổi, Đà Nẵng )

ThS-BS Bùi Thanh Vân:

Đúng vậy bạn. Ung thư CTC là một trong bốn loại ung thư gặp nhiều nhất và khi thể hiện triệu chứng thì thường đã vào giai đoạn trễ. Vì vậy, chúng tôi đề cao biện pháp phòng ngừa để ngăn chặn không mắc bệnh và tầm soát để phát hiện bệnh sớm.
Nếu bạn muốn biết mình có bị bệnh hay không, bạn nên đi khám phụ khoa để được thực hiện các biện pháp tầm soát nhằm phát hiện bệnh sớm. Các biện pháp tầm soát bạn có thể tham khảo:
-    Phết tế bào âm đạo cổ tử cung (Pap’s smear)
-   Xét nghiệm HPV DNA
-   Quan sát cổ tử cung bằng mắt thường – VIA
-   Các nhóm có nghi ngờ qua các sàng lọc sẽ được chẩn đoán qua soi cổ tử cung và sinh thiết.

Người đã lập gia đình rồi mà dưới 25 tuổi thì có chích ngừa HPV được hay không? Chích ngừa rồi có phải tầm soát ung thư cổ tử cung hay không?( Kim Thanh, 29 tuổi, Phú Nhuận, TP.HCM )

ThS-BS Lê Văn Hiền:

Chào bạn, tiêm ngừa vắc xin HPV cho lứa tuổi từ 9, 10 đến 25, 26 không kể đã có quan hệ tình dục hoặc sinh con hay chưa. Vắc xin HPV có thể ngăn ngừa nhiễm HPV 16 và 18. Sau khi tiêm ngừa bạn vẫn nên đi khám phụ khoa và làm xét nghiệm tâm soát UT CTC (HPV và phết tế bào) định kỳ để có thể phòng ngừa UT CTC một cách tối ưu nhất.
 

Tu van truc tuyen: Tim hieu va ngan ngua ung thu co tu cung

 

Tôi là người bệnh ung thư cổ tử cung và đã cắt tử cung cùng buồng trứng trên 8 năm nay. Như vậy, tôi được xem là khỏi bệnh chưa? Tôi ớn cái án tử lơ lửng trên đầu này quá...( Trịnh Hằng Minh, 48 tuổi, Bình Chánh, TP.HCM )

 

Tu van truc tuyen: Tim hieu va ngan ngua ung thu co tu cung


ThS-BS Bùi Thanh Vân:
Bạn không cho biết bạn bị ung thư cổ tử cung giai đoạn nào, sau khi phẩu thuật cắt tử cung và buồng trứng bạn có phải hóa trị, xạ trị hay không, và quan trọng nhất là tình trạng sức khỏe hiện tại của bạn như thế nào qua những lần tái khám… Cho nên, chúng tôi không thể trả lời là bạn đã hoàn toàn khỏi bệnh hay chưa. Bạn hãy đi tái khám và đặt vấn đề trực tiếp với bác sĩ đang theo dõi bệnh cho bạn để có được câu trả lời cụ thể.

 

Ít nhất bao lâu thì ta nên đi tầm soát ung thư cổ tử cung thưa bác sĩ? Em rất sợ đi bệnh viện vì lúc nào cũng chật ních người. Có phòng mạch tư nào có thể thực hiện tầm soát không?( Hồng Tuyến, 32 tuổi, TP Vũng Tàu )

ThS-BS Lê Văn Hiền:

Chào bạn, phụ nữ nên đi khám phụ khoa định kỳ mỗi năm 1 lần. Việc tầm soát UT CTC bằng (1) xét nghiệm HPV hoặc phết tế bào CTC mỗi 3 năm 1 lần; (2) Cotest (HPV và phết tế bào) mỗi 3 đến 5 năm.

Thưa bác sĩ, ung thư cổ tử cung có di truyền từ mẹ sang con không? Chích ngừa rồi thì có cần phải đi tầm soát không?( Trương Tố LInh, 28 tuổi, quận 1, TP.HC )

ThS-BS Lê Văn Hiền:

Chào bạn, UT CTC không phải là bệnh di truyền mà nó do virus HPV nguy cơ cao gây ra. HPV là căn bệnh lây truyền qua đường tình dục, chưa có ghi nhận lây nhiễm từ mẹ sang con. Sau khi tiêm ngừa vaccine HPV bạn vẫn cần đi khám phụ khoa và xét nghiệm tầm soát UT CTC định kỳ.

Tôi bị ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm và đang chờ lịch điều trị. Xin hỏi tôi được ăn những thực phẩm nào và nên tránh những món gì để bệnh không nặng hơn?( Chào Ngày Mai, 0 tuổi, )

ThS-BS Bùi Thanh Vân:

Bạn nên có một chế độ ăn uống đầy đủ, đa dạng các chất dinh dưỡng. Lưu ý đến các vitamin và khoáng chất để tăng cường sức đề kháng cơ thể, không nên ăn những đồ ăn có thể đưa đến những loại bệnh kèm theo làm cho sức khỏe càng suy giảm thêm, ví dụ, không nên ăn quá ngọt để dễ bị tiểu đường, không nên ăn quá mặn để dễ bị cao huyết áp…

Tôi làm việc trong nhà máy may hàng xuất khẩu toàn phụ nữ. Tôi thấy những chị không có gia đình, không quan hệ tình dục nhưng vẫn bị ung thư cổ tử cung. Như vậy là nguyên nhân do đâu thưa bác sĩ?( Đỗ Hồng Nhung, 0 tuổi, Đồng Nai )

ThS-BS Lê Văn Hiền:

Chào bạn, có rất nhiều loại ung thư phụ khoa: UT CTC, buồng trứng, nội mạc tử cung, cơ tử cung… Mỗi loại ung thư có yếu tố nguy cơ khác nhau. 99% UT CTC là do HPV gây ra (bệnh lây truyền qua đường tình dục). Do vậy UT CTC rất hiếm xảy ra ở phụ nữ chưa quan hệ tình dục.

Có thuốc hay cách nào phòng chống ung thư cổ tử cung hay không? Tôi nghe nói uống trà xanh chống ung thư nhưng tôi đau dạ dày không uống được trà xanh...( Trần Thu Hương, 34 tuổi, Q.3, TP.HCM )

ThS-BS Bùi Thanh Vân:

Để phòng ngừa ung thư cổ tử cung, bạn có thể sử dụng vaccin ngừa ung thư cổ tử cung.

-    Vaccine tứ giá: ngừa được bốn chủng HPV: 6, 11, 16, 18.

-    Vaccine nhị giá: ngừa được hai chủng: 16, 18.

-    Và luôn luôn nhớ không được bỏ qua việc tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ.

Bệnh ung thư cổ tử cung có lây không? Và trước khi đi tầm soát mình có cần kiêng cử gì không?( Dương Thị Vy, 0 tuổi, TP.HCM )

ThS-BS Bùi Thanh Vân:

Ung thư cổ tử cung không lây, nhưng HPV thì có lây qua tiếp xúc tình dục. Trước khi làm xét nghiệm thì không nên có quan hệ tình dục trong 24 tiếng, không trong chu kỳ kinh, không đặt thuốc điều trị âm đạo

Nếu sau mũi 1 tiêm vaccine phòng ngừa ung thư cổ tử cung mà có quan hệ tình dục thì đến mũi 2, mũi 3 có làm xét nghiệm HPV không?( Mai Ngọc, 0 tuổi, TP.HCM )

ThS-BS Lê Văn Hiền:

Em vẫn cứ tiêm theo lịch trình bác sĩ đã dặn. Không cần làm xét nghiệm HPV trước khi tiêm, nhưng em sẽ làm xét nghiệm HPV khi em đã có quan hệ tình dục và em đã 25 tuổi cho dù em đã tiêm vaccine hay chưa.

Tôi là nam giới. Vợ tôi được chẩn đoán ung thư cổ tử cung giai đoạn 1. Vậy tôi nên giúp vợ điều trị ở Việt Nam hay phải đi nước ngoài như bạn bè mách nước để vợ tôi trị dứt bệnh. Tôi còn 2 con tuổi tiểu học nên bằng giá nào tôi cũng vay mượn để giữ mạng sống cho vợ.( Hoàng Hùng, 0 tuổi, )

ThS-BS Lê Văn Hiền:

Chào anh, hiện nay UT CTC nếu phát hiện sớm có thể chữa khỏi hoàn toàn. Các kỹ thuật điều trị ung thư tại Việt Nam đã được cập nhật theo kịp thế giới do vậy anh yên tâm có thể điều trị tại Việt Nam.

Chị tôi năm nay mới 36 tuổi và lấy chồng chưa lâu nhưng đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn 2. Xin hỏi, có những nguyên nhân nào khiến chị tôi ung thư và tôi nên tránh điều gì để không mắc bệnh giống chị?( Hoàng Hà, 0 tuổi, Bình Chánh, TP.HCM )

ThS-BS Bùi Thanh Vân:

Những nguyên nhân khiến chị bạn bị UT CTC: Câu hỏi này thật khó trả lời chính xác nhưng ngày nay khoa học đã chứng minh nhiễm HPV kéo dài, nhiềm lặp lại, nhiễm dai dẳng là yếu tố nguy cơ rất cao. Hơn 99% UT CTC là do HPV gây ra, trong đó, HPV 16 và 18 chiếm 70% các trường hợp. Thời gian trung bình từ khi nhiễm HPV đến khi xuất hiện tổn thương ung thư cổ tử cung là khoảng 10 đến 15 năm.

Để phòng tránh UT CTC, bạn nên:

- Tiêm ngừa UT CTC.

- Tầm soát UT CTC định kỳ.

- Lối sống tình dục lành mạnh...

Xin hỏi các bác sĩ, dấu hiệu nhận biết ung thư cổ tử cung là gì? Có cách nào kiểm tra vùng kín để biết sức khỏe nơi ấy ổn hay bất thường không? Tôi rất lười đi khám phụ khoa nên hỏi để tự mình kiểm soát bệnh cho mình.( Dâm Bụt Tím, 20 tuổi, Hóc Môn, TP.HCM )

ThS-BS Lê Văn Hiền:

Chào bạn, ung thư nói chung và UT CTC nói riêng nếu được phát hiện sớm ở giai đoạn tại chỗ có thể chữa khỏi hoàn toàn. Nhưng một điều không may là đa phần các ung thư giai đoạn sớm thường không có triệu chứng, chỉ có thể phát hiện nhờ khám và xét nghiệm tầm soát. Do vậy phụ nữ nên đi khám phụ khoa định kỳ và xét nghiệm tầm soát UT CTC.

Tôi đi khám phụ khoa hay thấy mục xét nghiệm Pap’s. Đây có phải là xét nghiệm tìm bệnh ung thư cổ tử cung hay không?( Tiểu Hương, 27 tuổi, Q.2, TP.HCM )

 ThS-BS Bùi Thanh Vân:

Chính xác đó bạn. Đây chính là xét nghiệm tầm soát để phát hiện bệnh UT CTC.

Bác sĩ sẽ lấy các tế bào ở CTC và đem đi kiểm tra dưới kính hiển vi nhằm xác định có hay không có những tế bào bất thường, tế bào ung thư.

Tôi năm nay 50 tuổi và đã có 2 đứa con gái, tôi muốn tiêm vaccine phòng ưng thư cổ tử cung có được không? Nếu tiêm thì hiệu quả có cao không? Và xin cho tôi biết thêm về số lần phải tiêm và chi phí tiêm?( Lê Mây, 50 tuổi, Long Hoa, Tây Ninh )

 

Tu van truc tuyen: Tim hieu va ngan ngua ung thu co tu cung


ThS-BS Lê Văn Hiền:

Chào chị, hiện nay có 2 loại vaccine HPV ngừa 2 chủng nguy cơ cao là 16 và 18 với hiệu quả khá cao và tương đương nhau.
-  Vaccine tứ giá tiêm 3 mũi trong vòng 6 tháng với lịch tiêm : 0-2-6 tháng
-  Vaccine nhị giá tiêm 3 mũi trong vòng 6 tháng : 0-1-6

 

Tôi đang có bệnh ung thư cổ tử cung, như vậy tôi có phải kiêng quan hệ hoàn toàn với ông xã hay không? Tôi muốn chồng lấy vợ nhỏ nhưng ông không đồng ý.( Tiệm vàng Kim Lợi, 0 tuổi, )

ThS-BS Lê Văn Hiền:

Chào chị, sau khi điều trị UT CTC bằng phẫu thuật, xạ trị chị vẫn có thể quan hệ tình dục. Tuy nhiên, việc quan hệ có thể trở nên khó khăn do âm đạo bị ngắn lại và khô do tác dụng phụ của xạ trị. Để việc quan hệ tình dục trở nên mỹ mãn, chị có thể sử dụng các thuốc nội tiết tại chỗ hoặc chất bôi trơn.

Mẹ cháu thường dọa chúng cháu về bệnh ung thư cổ tử cung vì bà nói nếu có bạn trai sớm thì dễ mắc bệnh này. Xin hỏi bác sĩ có đúng thế không ạ?( Thư Lê, 18 tuổi, TP.Đà Nẵng )

ThS-BS Bùi Thanh Vân:

Thật ra, những điều mẹ bạn lo lắng cũng là có cơ sở đó. Vì khi quan hệ tình dục là bạn có thể bị lây nhiễm một số bệnh thường lây qua quan hệ tình dục, đặc biệt khi bạn tình lại là người “đào hoa” và không biết “điểm dừng” trong các mối quan hệ.

Trong các loại nhiễm, lưu ý đến nhiễm HPV 16, 18 là hai chủng được coi là có khả năng cao nhất gây nên UT CTC.

Tuy nhiên, để dung hòa giữa quan hệ tình dục và khả năng nhiễm bệnh, bạn có thể thực hiện chích ngừa UT CTC để tạo “rào chắn” cho mình.

Công ty em năm nào cũng tổ chức khám sức khỏe tổng quát cho nhân viên. Vậy em đã được quyền yên tâm là mình phòng ngừa ung thư tốt chưa? Nếu chưa em phải khám thêm gì và khám ở đâu?( Hoa Hồng, 30 tuổi, Q.1, TP.HCM )

ThS-BS Lê Văn Hiền:

Chào em, việc khám sức khỏe định kỳ theo quy định trong luật lao động, gói khám sức khỏe định kỳ có làm xét nghiệm tầm soát UT CTC bằng Pap truyền thống có độ chính xác thấp. Tuy nhiên, tùy vào mỗi công ty gói khám sức khỏe có thể linh động bao gồm những xét nghiệm khác nhau, một số công ty có thể cho nhân viên nữ làm xét nghiệm HPV và Pap nhúng dịch có độ chính xác cao. Do vậy, em có thể hỏi công đoạn của công ty để hiểu rõ hơn trong gói khám sức khỏe định kỳ bao gồm những xét nghiệm và thăm khám nào.

Sinh nhiều con thì dễ mắc bệnh ung thư cổ tử cung hơn sinh ít con hay không? Thưa các bác sĩ.( Lan, 40 tuổi, TP.HCM )

ThS-BS Bùi Thanh Vân:

Sinh ít hay sinh nhiều không phải là nguyên nhân gây UT CTC, nhưng có thể là yếu tố thuận lợi.

Quan trọng là bạn có nhiễm những loại virus gây bệnh UT CTC hay không.

Muốn biết điều này, bạn hãy đi khám phụ khoa và làm các xét nghiệm tầm soát như: phết tế bào âm đạo cổ tử cung, xét nghiệm HPV DNA, VIA…

Em ở Bình Thuận, đang chữa trị ung thư cổ tử cung giai đoạn 2, em không biết mình có cơ hội sống hay không nữa, vì bệnh đã đi căn vào xương rồi. Xin bác sĩ tư vấn giúp em cách quên đi bệnh tật để vui cười cùng các con cho chúng khỏi ảo não.( Thủy Trần, 32 tuổi, Bình Thuận )

ThS-BS Lê Văn Hiền:

Chào em, hiện nay việc điều trị UT CTC có nhiều tiến bộ nên tiên lượng sống của bệnh nhân cũng khá cao. Ngoài ra tâm lý người bệnh cũng góp phần lớn vào hiệu quả điều trị. Do vậy nếu em lạc quan, yêu đời thì hiệu quả điều trị sẽ đạt được tốt hơn. Việc tiên lượng sẽ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau: giai đoạn bệnh, tuổi, các bệnh lý kèm theo, tổng trạng người bệnh…

Do vậy, em nên hỏi bác sĩ đang trực tiếp điều trị bệnh để nắm rõ tình hình bệnh tật của mình. Chúc em luôn lạc quan và mau khỏe.

Tôi nghe nói, ở độ tuổi đôi mươi khi mới có quan hệ tình dục, có khoảng 60% đến 80% phụ nữ bị nhiễm virus HPV. Hầu hết các loại HPV đều tự biến mất và không gây tổn hại đến sức khỏe. Như vậy, không có cách nào nhận biết mình từng bị nhiễm loại virus âm thầm này hay sao?( Nguyễn Kim Thúy, 22 tuổi, Thạch Thất, Hà Nội )

ThS-BS Bùi Thanh Vân:

Bạn có thể hoàn toàn biết được mình có bị nhiễm HPV hay không, bằng cách đi khám phụ khoa, bạn sẽ được bác sĩ làm xét nghiệm HPV DNA, kết quả sẽ trả lời bạn có bị nhiễm hay không và có bị nhiễm những chủng nguy hiểm gây ung thư cổ tử cung như 16, 18… hay không.

Tôi nghe nói đã mắc ung thư cổ tử cung, không ai sống quá 5 năm, có đúng không bác sĩ? Mẹ tôi đang lo bà không sống kịp tới ngày tôi lấy vợ, sinh con...( Ngọc Hồ, 30 tuổi, )

ThS-BS Lê Văn Hiền:

Chào anh, khi nói đến tiên lượng sống đối với căn bệnh ung thư người ta hay lấy mốc 5 năm. Ví dụ, tiên lượng sống 5 năm của UT CTC giai đoạn tại chỗ là 100%. Có nghĩ rằng 100% bệnh nhân UT CTC giai đoạn tại chỗ nếu được điều trị đúng sẽ sống trên 5 năm chứ không có nghĩa là chỉ sống được 5 năm.

Tôi mới đi xét nghiệm HPV và có kể quả dương tính. Má chồng tôi cho rằng, tôi trước đây có nhiều bạn trai nên chính tôi là người rước HPV vào người. Nhưng tôi lại nghĩ, chính chồng tôi thường xuyên đi chơi bời bên ngoài mới là người mang bệnh về cho tôi. Bởi vì gái làng chơi hay có virus HPV. Tôi đúng hay mẹ chồng tôi đúng thưa bác sĩ?( Lã Thị Phòng, 25 tuổi, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ )

ThS-BS Lê Văn Hiền:

Chào chị, HPV nguy cơ cao gây UT CTC là căn bệnh lây truyền qua đường tình dục. Tuy nhiên khả năng lây nhiễm HPV rất cao so với HIV. Chính vì vậy trên 80% phụ nữ đã có quan hệ tình dục ít nhất 1 lần trong đời bị nhiễm HPV cho dù sống chung thủy, quan hệ tình dục 1 vợ 1 chồng.

Thưa bác sĩ, có phải bệnh ung thử cổ tử cung chỉ đe dọa những người trong độ tuổi sinh nở hay không?( Mai Hương, 22 tuổi, Hà Nội )

ThS-BS Bùi Thanh Vân:

Không hẳn như thế, UT CTC đe dọa tất cả mọi người kể cả những người đã mãn kinh. Tuy nhiên, ở lứa tuổi sinh đẻ, phụ nữ hay quan tâm đến sức khỏe của mình hơn, nên đi khám định kỳ nhiều hơn, khi phát hiện bệnh, người phụ nữ dễ bị mất tử cung, khi còn đang có kinh, còn đang trong độ tuổi sinh đẻ, nên sự mất mát thường làm họ khổ sở hơn. Ở những phụ nữ mãn kinh, khi phải mất tử cung thì việc lo sợ cho chuyện sinh con không còn nữa nên tâm lý về chuyện "nối dõi tông đường" sẽ thoải mái hơn, họ sẽ dễ dàng chấp nhận chuyện phẩu thuật cắt tử cung hơn, chứ thật ra về mặt bệnh tật thì khi bị bệnh là hậu quả cũng nặng nề như nhau thôi.

Hiện tại em chưa kết hôn, nhưng có quan hệ tình dục với bạn trai, vậy em muốn tiêm phòng vắcxin ung thư cổ tử cung ở trước khi sinh con có ảnh hưởng gì không?( Mai Linh, 30 tuổi, Hà Nội )

ThS-BS Lê Văn Hiền:

Chào em, vắc xin HPV có thể tiêm cho phụ nữ từ 9,10 đến 25,26 tuổi không kể đã có quan hệ tình dục hay sinh con. Không cần xét nghiệm trước khi tiêm ngừa.

Bác sĩ cho tôi hỏi bị ung thư cổ tử cung thì có được quan hệ tình dục không?( Hà Hương, 25 tuổi, Hà Nội )

ThS-BS Bùi Thanh Vân:

Khi đã phát hiện bị UT CTC, việc quan hệ tình dục tùy thuộc rất nhiều vào mức độ, giai đoạn bệnh, vì khi đã có tổn thương thì mọi va chạm gây tổn thương, trầy xước rất dễ làm chảy máu, và khi chảy máu thì khó cầm. Bạn đã được chẩn đoán là UT CTC thì nên bàn bạc trực tiếp với bác sĩ của mình để biết bạn đang ở mức độ nào của UT CTC, từ đó sẽ được hướng dẫn cụ thể trong việc quan hệ tình dục.

Bác sĩ giúp tôi giải đáp thắc mắc nhỏ này: Trong vòm họng hay miệng người quan hệ tình dục có virus HPV hay không?( Lâm, 0 tuổi, TP.HCM )

 ThS-BS Bùi Thanh Vân:

Câu hỏi bạn đặt ra là rất hợp lý. Tuy nhiên, muốn biết có hay không phải lấy chất dịch ở đó đi thử mới biết được.

Thưa chuyên gia, bao cao su có thể bảo vệ tử cung khỏi virus HPV? Tiêm vaccine có phòng ngừa được căn bệnh này không ạ?( Nguyễn Thị Huyền Tâm, 32 tuổi, Hạ Long, Quảng Ninh )

ThS-BS Lê Văn Hiền:
Chào bạn, bao cao su là phương pháp hữu hiệu để có thể ngừa thai và ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Tuy nhiên virus HPV rất dễ lây thông qua các tiếp xúc tình dục như quan hệ tình dục qua đường miệng, hậu môn, hay 2 cơ quan sinh dục tiếp xúc bên ngoài…
Vaccine HPV có thể ngăn ngừa được 2 chủng nguy cơ cao 16 và 18 chứ không ngăn ngừa hoàn toàn được căn bệnh UT CTC. Do vậy, sau tiêm ngừa bạn vẫn nên đi khám phụ khoa và tầm soát UT CTC.

Ung thư cổ tử cung có điều trị được dứt điểm không thưa bác sĩ? Hiện nay, có thể đến đâu để điều trị căn bệnh này hiệu quả ạ?( Nguyễn Xuân Thái, 43 tuổi, Biên Hòa, Đồng Nai )

 ThS-BS Bùi Thanh Vân:
Nếu ung thư cổ tử cung được phát hiện sớm, ở giai đoạn sớm thì việc điều trị dứt điểm là hoàn toàn có thể.
Hiện nay, để điều trị căn bệnh này, việc bạn đến bệnh viện nào để điều trị là phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh. Tuy nhiên, Bệnh viện Trung tâm Ung bướu là nơi chuyên điều trị về các bệnh ung thu, trong đó có ung thư cổ tử cung.

Thưa BS, nghe tư vấn về ung thư ctc tôi lo lắng quá. Có phải rằng chỉ có cách ngừa bệnh này bằng vaccine trước khi quan hệ tình dục? Tôi lấy chồng rồi thì “chịu chết” hay sao ạ?( Thảo, 31 tuổi, Quận 4 )

ThS-BS Lê Văn Hiền:

Chào nạn, bạn vẫn có thể phòng ngừa UT CTC bằng việc khám phụ khoa định kỳ và làm xét nghiệm HPV, phết tế bào CTC để có thể phát hiện sớm nhiễm HPV hoặc những tổn thương tiền ung thư để có thể điều trị, ngăn ngừa trở thành ung thư thật sự.

Tôi bị viêm cổ tử cung lộ tuyến. Dù tôi chữa trị nhiều lần, nhưng lại vừa tái phát. Xin hỏi, nguy cơ chuyển thành ung thư của tôi có cao không? Tôi phải phòng ngừa bệnh viêm nhiễm đáng ghét này ra sao?( Khánh Linh, 25 tuổi, Q.1, TP.HCM )

ThS-BS Bùi Thanh Vân:

Lộ tuyến cổ tử cung là một bệnh lành tính, nếu không gây tiết dịch âm đạo nhiều đến mức làm khó chịu cho bạn thì không cần can thiệp gì cả, hầu hết những phụ nữ có quan hệ tình dục, sinh đẻ đều có thể có hiện tượng lộ tuyến cổ tử cung, nhưng việc chuyển thành ung thư cổ tử cung lại là một vấn đề khác.

Để phòng ngừa bệnh viêm nhiễm này, bạn nên có một thói quen vệ sinh sinh dục đúng cách, cụ thể là không nên có thói quen thụt rửa âm đạo. Đồng thời, bạn nên giữ vệ sinh trước và sau khi quan hệ tình dục, quan hệ một vợ một chồng, vệ sinh cơ quan sinh dục cho người đàn ông cũng không kém phần quan trọng. Và một điều nữa: Bạn nên tuân thủ lịch đi khám phụ khoa định kỳ để kịp thời xử trí khi mình có bệnh.

Mình cần tầm soát ung thư cổ tử cung bao nhiêu lần thì đủ nhỉ?( Mai Anh, 0 tuổi, TP.HCM )

ThS-BS Bùi Thanh Vân:

Tầm soát bằng HPV và pap smear thì mỗi 3 - 5 năm một lần nếu kết quả âm tính và sẽ không cần tầm soát sau 65 tuổi nếu trong 10 năm liên tiếp tầm soát đều âm tính.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC