Hãy chăm trẻ thật kỹ khi mùa nắng đến

16/10/2019 - 15:33

Hàng trăm câu hỏi đã được bạn đọc gửi đến hai bác sĩ Trương Hữu Khanh và Đào Thị Yến Thủy tại buổi giao lưu trực tuyến chủ đề “Phòng bệnh mùa nóng cho trẻ” diễn ra sáng ngày 22/3 tại báo Phụ Nữ.

Hay cham tre that ky khi mua nang den

Bà Nguyễn Thị Thu Mai, Phó tổng biên tập báo Phụ Nữ, tặng hoa cho bác sĩ Trương Hữu Khanh và bác sĩ Đào Thị Yến Thủy.

Những năm trước, vào đợt nắng nóng cao điểm, thông tin từ các bệnh viện nhi cho thấy họ đã tiếp nhận đến 15.000 trẻ đến khám mỗi ngày. Để con bạn không phải là một trong số hàng nghìn trẻ phải xếp hàng chờ khám bệnh khi mùa nắng nóng đang đến; việc tăng cường đề kháng cho trẻ bằng phương pháp dinh dưỡng là cách phòng bệnh hợp lý cho trẻ. 

Hay cham tre that ky khi mua nang den

Quang cảnh buổi giao lưu trực tuyến tại báo Phụ Nữ

Mời bạn đọc bấm vào đây đặt câu hỏi, theo dõi buổi giao lưu trực tuyến chủ đề “Phòng bệnh mùa nóng cho trẻ” diễn ra lúc 9h sáng thứ 4 ngày 22/3/2017, nghe bác sĩ tư vấn về bệnh và tìm cách phòng ngừa bệnh cho con trẻ.

Tư vấn bởi:

Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM.

Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy – Bác sĩ Chuyên khoa I, Nội nhi - Cố vấn Dinh dưỡng cao cấp, Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc.

Dưới đây là nội dung cuộc giao lưu:

Hay cham tre that ky khi mua nang den
Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 tại buổi giao lưu trực tuyến

Hay cham tre that ky khi mua nang den

Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy – Bác sĩ Chuyên khoa I, Nội nhi - Cố vấn Dinh dưỡng cao cấp, Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc.

* Bác sĩ có thể cho biết, mùa nóng này nên chích loại vắc-xin nào để ngừa bệnh?(Hoàng Văn Thuấn, 46 tuổi, Mỹ Lộc, Nam Định)

Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng Khoa nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM: Quyết định chọn vắc-xin là dựa theo lứa tuổi chứ không phải theo mùa. Tuy nhiên, mùa nóng là mùa của một loại virus phát tán như thủy đậu, quai bị, viêm não Nhật Bản... Do đó, nếu trẻ chưa chích ngừa các vắc-xin này thì nên chủng ngừa cho trẻ.

* Em rất vui khi chương trình này có bác sĩ Khanh. Em cũng hay theo dõi facebook của bác sĩ. Chào bác sĩ bé trai nhà em được 15 tháng, cân nặng 9,5kg. Bé bị ho lâu ngày không khỏi, đã đi khám nhiều lần, uống kháng sinh cũng không khỏi. Em có nên cho bé uống thuốc Đông y hay không? Nhiều người mách thuốc tây không khỏi thì chuyển qua Đông y mà cháu lo thuốc không đảm bảo, chứa corticoids thì khổ... (Ngọc Lan, 34 tuổi, Thuận An, Bình Dương)

BS Khanh: Thuốc Đông y hay Tây y hay phương pháp dân gian cũng phải bảo đảm an toàn có nguồn gốc. Nếu chị cảm thấy thuốc Đông y đó rõ nguồn gốc và an toàn thì có thể cho bé uống, hay sử dụng các biện pháp dân gian như chưng tắc với đường phèn, mật ong có thể làm giảm ho. Thường bé ho kéo dài nên theo dõi thêm môi trường, thức ăn có thể gây dị ứng không. Nên xổ giun cho trẻ. Nếu nghi ngờ thuốc Đông y có Corticoids thì không nên uống.

* Xin hỏi bác sĩ Khanh, cách đây 2 hôm, con trai em sốt cao tới 40 độ nhưng đi khám bác sĩ không tìm ra bệnh, chỉ cho thuốc bổ và kết luận bé sốt vi rút. Em chưa hiểu sốt vi rút là sốt gì? (Tiều Minh, 47 tuổi, quận 6, TP.HCM)

BS Khanh: Sốt virut hay còn gọi là sốt siêu vi, là bệnh do nhiều loại virut gây ra. Bệnh thường biểu hiện sốt cao đột ngột, và đa số là tự khỏi sao 2-3-5 ngày. Quyết định của bác sĩ cho thuốc hạ sốt và thuốc bổ là đúng, quan trọng là qua 48 tiếng, hay có kèm ói nhiều, lừ đừ thì cần khám để loại trừ sốt xuất huyết hay bệnh lý não.

* Đang có dịch đau mắt đỏ ở trường tiểu học của con tôi. Vợ tôi dặn con tới trường không được nhìn các bạn đau mắt. Tôi vẫn thắc mắc không hiểu nhìn nhau có lây bệnh này không? Nhìn nhau tại sao lây được bệnh hả bác sĩ? (Cao Minh Luân, 34 tuổi, Cần Đước, Long An)

BS Khanh: Bệnh đau mắt đỏ không phải bị lây do nhìn mà lây qua đường hô hấp, người bị mắt bệnh đau mắt nói, hắt hơi ho sẽ phát tán tác nhân gây bệnh ra ngoài môi trường. Người khác hít vào sẽ mắt bệnh đau mắt, ngoài ra bàn tay của người mắc bệnh quẹt vào vùng mặt cũng có thể có tác nhân gây bệnh và mang mầm bệnh đi khắp nơi. Để phòng bệnh này là tránh tiếp xúc với người bệnh, mang khẩu trang khi cần tiếp xúc, rửa tay và rửa mặt thường xuyên khi nghi ngờ đã tiếp xúc với người bệnh chứ nhìn từ xa thì không có lây được.

Hay cham tre that ky khi mua nang den

* Thưa bác sĩ Khanh, ở quê tôi rất nóng, cứ tới hè là bé hay bị rôm sảy. Dân gian thì tôi dùng nước rau đắng đất tắm cho bé, nhưng đọc báo thì lại thấy như vậy có thể nguy hiểm cho bé. Bác sĩ tư vấn xem tôi phải làm gì? Cám ơn bác sĩ. (Cao Thị Thắm, 30 tuổi, Bình Đại, Bến Tre)

BS Khanh: Theo kinh nghiệm dân gian, có một số loại lá tắm để giảm sảy. Theo tôi biết thì thường là lá khổ qua. Điều quan trọng là lá đó phải được rửa sạch và bảo đảm không có thuốc trừ sâu. 

Để giảm rôm sảy còn có cách khác là cho bé uống đủ nước, tìm nơi thoáng mát cho bé sinh hoạt, mặc đồ thoáng mát, chọn vải hút ẩm. Theo kinh nghiệm của tôi, chị có thể dùng gói Nabica 5g pha 100ml nước và bôi cho bé sau khi tắm, hy vọng sẽ khỏi.

* Con gái tôi 3 tuổi chỉ nặng 14kg. Đi đâu cũng bị chê “cò ma”. Nhìn cháu gầy, chân tay bé, nhưng vẫn vui vẻ, linh hoạt. Xin hỏi như vậy bé có suy dinh dưỡng không? Vì suy dinh dưỡng lại rất dễ bị bệnh. (Phương Lê, 29 tuổi, quận Tân Phú, TP.HCM)

BS Đào Thị Yến Thủy - Bác sĩ Chuyên khoa I, Nội nhi - Cố vấn Dinh dưỡng cao cấp, Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc: Bé gái 3 tuổi có cân nặng như vậy ở mức trung bình, không bị suy dinh dưỡng. Nếu bé cao hơn 93 cm, là cao hơn chuẩn thì có thể nhìn trông bé gầy, nhưng như vậy là tốt. Vậy chị an tâm nhé.

Lời khuyên dành cho bạn, độ tuổi này bé chỉ cần tăng 200 gram, 1-2 cm mỗi tháng là đạt. Bé cần ăn 3 bữa mỗi ngày, mỗi bữa nửa chén cơm trắng, 1/3 chén thịt cá, 1 muỗng cà phê dầu ăn, 1/3 chén rau.

Ngoài ra, bé cần khoảng 600-800 ml sữa mỗi ngày, ăn thêm các món phụ như sữa chua, trái cây.                                              

* Mùa nóng, con tôi khoái đi bơi mà vợ chồng tôi lại ngán vụ hồ bơi bẩn. Hồ bơi Tây Thạnh gần nhà tôi thấy ghi nồng độ clo của bể trẻ mẫu giáo thường 1,5 tới 1,8; hồ cho trẻ lớn bơi thì cũng trên 1 độ. Xin hỏi bác sĩ, nước hồ bơi có nồng độ clo cao hại gì cho tai mũi họng và da trẻ con không? (Lê Vinh, 46 tuổi, quận Phú Nhuận, TP.HCM)

BS Khanh: Chọn hồ bơi là việc khá khó, nên chọn hồ bơi có kiểm định của Trung tâm  Y tế dự phòng về an toàn và vệ sinh. Khi chọn hồ bơi nên chọn hồ bơi không quá đông trẻ. Khi bơi nên trang bị đủ mắt kính, nút bịt tai. Sau bơi, nên tắm lại bằng nước sạch và xà phòng ngay, nhỏ mũi, mát bằng nước muối sinh lý. Không ngoáy tai liền vì sẽ làm xay sát tai.

* Thưa bác sĩ Khanh, tôi ở quận 12, gần nhà có 1 công trình đang xây dựng đang bị trì trệ, có hố nước tù có nhiều muỗi. Tôi rất sợ con tôi bị muỗi cắn bị sốt xuất huyết hoặc zika. Xịt muỗi, thoa thuốc muỗi thường xuyên, nhưng vẫn sợ. Xin bác sĩ cho lời khuyên. (Nguyễn Thị Năng An, 30 tuổi, quận 12, TP.HCM)

BS Khanh: Nên báo Y tế dự phòng địa phương để thu xếp diệt muỗi, đặc biệt là diệt lăng quăng và bỏ các ổ chứa nước. Nếu đã xịt muỗi và diệt muỗi thì khả năng bị sốt xuất huyết sẽ rất khó nhưng cũng phải theo dõi triệu chứng. Nếu bé sốt cao đột ngột trên 48 tiếng thì vẫn phải khám để bác sĩ xem có khả năng bị xốt xuất huyết không.

* Con tôi lúc nào cũng trong tình trạng thò lò mũi xanh, tôi xịt nước muối sinh lý không khỏi. Tôi đưa bé đi khám, cho uống kháng sinh thì hết đợt thuốc bé ổn, vài hôm sau lại bắt đầu viêm mũi họng trở lại. Theo bác sĩ, tôi phải trị thế nào cho cháu dứt bệnh? Cả nhà tôi căng thẳng vì con. (Lê Thị Ngân Di, 36 tuổi, quận Tân Bình, TP.HCM)

Hay cham tre that ky khi mua nang den

BS Thủy: Trẻ nhỏ dưới 3 tuổi thường lúc này bắt đầu đi nhà trẻ, thường bị tình trạng viêm mũi họng này. Khi bé có sốt, ho, mũi xanh đặc, thì cần đi đến bác sĩ để được điều trị. 

Bạn cần dinh dưỡng đầy đủ để trẻ tăng sức đề kháng cho cơ thể trẻ là ăn đủ chất đạm, trái cây hàng ngày. Vì chị không cho biết rõ tuổi và cân nặng, chiều cao của bé nên không thể tư vấn cụ thể. 

Ngoài ra, bạn nên hạn chế cho trẻ tiếp xúc với những người đang bị bệnh. 

Việc cho trẻ tập thể dục, ngủ sớm hàng ngày cũng giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ.

* Thuốc hạ sốt loại nào tốt ạ. Bác sĩ BV Nhi Đồng kê đơn thuốc bột nhưng con cháu hay ói nên cháu thay bằng thuốc Efferagal nhét hậu môn cho bé có sao không ạ? (Trác Nhi, 22 tuổi, huyện Nhà Bè, TP.HCM)

BS Khanh: Thuốc hạ sốt loại uống lúc nào cũng hấp thu và tác dụng nhanh hơn thuốc nhét hậu môn. Thuốc loại uống thì có nhiều liều khác nhau nên dễ chọn lựa cho đúng liều, chứ thuốc nhét thì chỉ có 1, 2 liều cố định nên có khi dư lại có khi không đủ liều. Nhưng nếu bé đang co giật hay quá khó uống thuốc thì sử dụng thuốc nhét nhưng phải tính đúng liều. Uống thuốc nên cho uống trước bú và trước ăn, chế thuốc bên mép miệng, đừng chế giữa môi thì bé sẽ khó nôn ói hơn.

* Con trai tôi 18 tháng, cháu đang ho và đang uống thuốc. Bác sĩ ở phòng khám nói không được cho con nằm máy lạnh, nhưng nếu không mở máy lạnh con tôi nóng không ngủ được. Dùng quạt gió càng ho. Bác sĩ cho lời khuyên ạ? (Đào Mai Ninh, 36 tuổi, quận Tân Bình, TP.HCM)

BS Khanh: Trẻ nhỏ lạnh quá thì mắc bệnh, nóng quá thì không ngủ được cũng mắc bệnh. Trẻ ngủ đủ, uống đủ nước sẽ khó bệnh hơn. Máy lạnh tốt hơn là nằm quạt. Nhiệt độ tốt nhất là 26-28 độ tùy bé. Khi nằm tránh luồng gió trực tiếp từ máy lạnh thổi vào người bé, nếu thực hiện đúng như vậy thì vẫn dùng máy lạnh được.

* Tôi nghe nói khi con viêm họng phải kiêng nước đá kẻo bệnh nặng hơn, nhưng đang có trào lưu mới của một bác sĩ nổi tiếng cho rằng nước đá giúp bé giảm viêm. Đúng sai thế nào thưa bác sĩ? (Mẹ Bống, 24 tuổi, Long HỒ, Vĩnh Long)

BS Khanh: Chuyện sử dụng nước lạnh hay nước đá cho viêm họng là của xứ lạnh chứ không phải xứ nhiệt đới nóng bức như Việt Nam, không có uống nước lạnh hay nước đá. Chỉ sử dụng nước ấm, nếu bé khó uống thì uống nước mát mát thôi.

Hay cham tre that ky khi mua nang den

* Mùa nóng, bé dễ tiêu chảy. Nhưng nói thiệt, bác sĩ khuyên mà tôi cũng không biết ngừa sao, vì thức ăn bỏ vô tủ lạnh rồi, đem ra hâm lại, bé cũng tiêu chảy. (Cao Trinh, 32 tuổi, quận Ngô Quyền, Hải Phòng)

BS Khanh: Mùa nóng dễ bị tiêu chảy là đúng nhưng nguyên nhân chính là do cách bảo quản thức ăn. Thức ăn để bên ngoài với thời tiết nóng sẽ mau oi thiu hơn là thời tiết thông thường do đó nếu bảo quản tốt thì mùa nóng hay không, thì cũng không thể bị tiêu chảy.Ngoài ra, mùa nóng dễ bị tiêu chảy là do sử dụng thức ăn, thức uống bán bên ngoài. Và mùa nóng, thì thức ăn cũng không thể bảo quản tốt.

* Tôi hay được khuyên ráng nuôi con trên 1 tuổi bé sẽ bớt bệnh, nhưng thôi nôi rồi mà con tôi vẫn bệnh lặt vặt nhiều, nhất là những lúc trời chuyển mưa chuyển nắng như kỳ này. Tôi phải làm gì để con bớt bệnh? (Mẹ của Bon, 28 tuổi, TP Tam Kỳ, Quảng Nam)

BS Thủy:Trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên dần dần sẽ có sức đề kháng của cơ thể. Tuy nhiên, giai đoạn đầu trẻ phải "làm quen" với các loại vi khuẩn, vi rút trong môi trường nên thường mắc bệnh về hô hấp, tiêu hóa,...

Đến khoảng 3-6 tuổi thì trẻ mới bớt bệnh. Chị cố gắng dinh dưỡng cho trẻ đầy đủ, không để cho trẻ suy dinh dưỡng. 

Trong thực đơn hàng ngày, bạn nên cho trẻ ăn đủ lượng thực phẩm giàu đạm như thịt, cá, trứng, tôm, đậu hũ,... (khoảng 30 gram/bữa, hay 100 gram/ngày). 3 chén cháo đủ 4 nhóm chất trong 1 ngày và khoảng 700 ml sữa là đủ cho nhu cầu của bé. 

Mỗi ngày cần cho trẻ ăn trái cây để tăng sức đề kháng. 

Mỗi ngày nên tắm trẻ một lần vào buổi trưa để không bị nhiễm lạnh. Khi tắm, phòng tắm cần tránh gió lùa, không ra ngoài gió lạnh ngay sau khi tắm.

Hay cham tre that ky khi mua nang den

* Con tôi 22 tháng, hay bị viêm mũi, bác sĩ khuyên chỉ cần xịt nước biển là ổn, không nên lạm dụng kháng sinh vì bé không sốt. Nhưng tôi thấy xịt nhiều (ngày 3 lần) mà bệnh không dứt. Tôi phải làm sao? (Nguyễn Thu Huệ, 36 tuổi, quận Gò Vấp, TP.HCM)

BS Khanh: Khi trẻ sổ mũi thì đa số là do siêu vi và sẽ tự khỏi, cần lắm mới dùng kháng sinh. Trẻ sổ mũi sẽ gây khó chịu, do đó chỉ cần làm sạch mũi bằng bấc sâu kèn, nếu bé biết thì nói bé tự hỉ mũi ra, nhỏ nước muối sinh lý cũng được, không cần phải xịt vì trẻ nhỏ khi xịt phải chú ý áp lực vì xịt mạnh sẽ làm trầy xước niêm mạc mũi, có thể làm chảy mũi thêm.

* Hai đứa con trai nhà tôi ngủ đều không thích đắp chăn, đêm về sáng hôm nào trời mưa thường rất lạnh trong khi đầu tối lại rất nóng nực. Theo bác sĩ tôi nên cho con mặc áo dày và quần dài hay cứ để các cháu mặc quần cụt, áo ba lỗ? (Hải Bình, 53 tuổi, Trung Sơn, Bình Chánh)

BS Khanh: Thói quen này không có gì lạ, tự bé sẽ điều chỉnh thôi. Nếu sáng hôm sau bé sinh hoạt bình thường không dễ mắc bệnh thì cứ chiều theo ý của trẻ. Mặc hay đắp thế nào miễn sao bé thoải mái và ngủ tốt là được.

* Bác sĩ ơi con mới sinh bé được 3 tháng. Hồi đầu bé ngủ tốt, tăng cân tốt mà tháng này bé ngủ ít, chỉ chừng 10 tiếng/ ngày. Bé vẫn bú, chơi bình thường. Đi khám bác sĩ phòng mạch nói bé không có bệnh gì cả, nhưng con rất lo. Bé ngủ ít có phải đã mắc bệnh gì không ạ? (Phương Mai, 27 tuổi, Tuy Hòa, Phú Yên)

BS Khanh: Một trẻ ngủ không tốt thường có các nguyên nhân sau: còn đói, nóng nực, hay lạnh quá, quần áo chật quá, bé cần tấn gối để ngủ nên tìm các nguyên nhân này. Có bé trước khi đi ngủ hay ban ngày đùa giỡn quá cũng làm bé ngủ không sâu, có bé trào ngược nhẹ cũng gây khó ngủ, trường hợp này nên cho bé nằm đầu cao một tí. Nếu bé không có phơi nắng đủ thì nên cho bé uống Vitamin D.

* Con em 19 tháng, ho húng hắng đã cả tháng, uống mấy đợt kháng sinh không khỏi? Em nên làm gì? (Mẹ bé Miso, 34 tuổi, Giao Thủy, Nam Định)

BS Khanh: Ho kéo dài nên tìm nguyên nhân môi trường và thức ăn: khói bụi, khói thuốc lá, thức ăn gây dị ứng, nếu thức ăn nào ăn vào ho thêm thì nên tránh. Thường là hải sản và thịt bò, nên xổ lãi cho trẻ, uống đủ nước, ngủ đủ giấc. Trường hợp ho kéo dài cũng nên khám chuyên khoa hô hấp nhi để xem bé có bị suyễn nhẹ gây ho kéo dài không.

* Thưa bác sĩ mùa này nên cho trẻ nằm quạt hay máy lạnh sẽ ít bệnh hơn ạ? (Đào Thị Hồng Ngọc, 31 tuổi, Trảng Bàng, Tây Ninh)

BS Khanh: Nằm máy lạnh tốt hơn quạt máy. Nhưng không có máy lạnh thì cũng phải nằm quạt máy. Khi nằm máy lạnh, chú ý nhiệt độ 26-28 là được, không lạnh hơn và cũng đừng nóng hơn. Tránh nằm ngay luồng gió từ máy lạnh thở ra vì luồng gió có nhiệt độ thấp hơn nhiều. Nằm quạt máy, thì đừng quá mạnh và không thổi trực tiếp, thường xuyên vào người bé.

Hay cham tre that ky khi mua nang den

* Thưa bác sĩ Yến Thủy, cứ tới mùa nóng là trẻ bệnh nhiều thứ bệnh như rôm sảy, tiêu chảy. Đặc biệt là trẻ bị sốt như xốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, giờ là zika. Làm sao để phân biệt mà theo dõi các bệnh sốt trên để theo dõi. Cám ơn bác sĩ. (Lê Thị Kim Tuyền, 28 tuổi, quận Thủ Đức, TP.HCM)

Bác Thủy: Rôm sảy là tình trạnh viêm da do da bị ẩm ướt thường xuyên. Da bé thường nổi những mụn nhỏ màu đỏ, có khi tạo thành mảng gây ngứa ngáy. Cần cho bé uống ít nhất 600ml sữa/ ngày để cung cấp đủ canxi, tắm nắng 20 phút vào trước 9g sáng hoặc 4-5g chiều. Tắm cho bé bằng xà bông tắm, thay áo khi áo bị ẩm ướt. CHo bé nằm ngủ ở phòng thoáng mát hoặc có thể sử dụng máy lạnh khi thời tiết quá nóng bức.

Tiêu chảy: Là tình trạng tiêu phân lỏng trên 3 lần mỗi ngày, có thể kèm theo tiêu đàm máu do kiết lỵ hay phân đục như nước vo gạo của dịch tả thì cần đi khám bác sĩ. Lúc này cần cho trẻ uống nhiều nước, ăn uống bình thường đủ chất dinh dưỡng.

Các bệnh sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản B, Zika là do muỗi cắn truyền bệnh. Bé thường sốt, có thể phát ban, đau khớp... Nếu thấy trẻ sốt cao trên 48 giờ, có dấu xuất huyết da, hay chảy máu cam, chảy máu răng, đi tiêu phân đen, đau bụng khóc nhiều, bỏ ăn, mệt đừ, co giật... thì cho trẻ đến bệnh viện ngay.

* Bé nhà cháu 10 tháng, hồi 3-4 tháng có uống Rota phòng tiêu chảy, sao bé vẫn thỉnh thoảng bị đi lỏng ạ? Mỗi lần đi bé sụt cân ghê lắm. (Liên Hà, 31 tuổi, Quận 3, TP.HCM)

BS Khanh: Uống ngừa Rota chỉ ngừa được một virut duy nhất là Rota và cũng không phải ngừa 100%. Mà tiêu lỏng thì do nhiều nguyên nhân lắm, coi lại thức ăn và đồ uống. Nếu trẻ sụt cân, thì coi lại chế độ dinh dưỡng, cần thì cho bé khám dinh dưỡng, nên cho bé ăn đặc.

* Con em 10 tháng, nặng 9kg. Khi con viêm họng, em chỉ cho ăn cháo, súp loãng và như vậy có ăn hết 1 tô cũng chưa đủ lượng cháo và cơm đặc hàng ngày. Như vậy có ổn không, thưa bác sĩ? (Mỹ Hạnh, 23 tuổi, quận Bình Thạnh, TP.HCM)

BS Thủy: Bé 10 tháng cân nặng 9kg là đạt tiêu chuẩn. Tuổi này trẻ chỉ ăn bột, cháo, súp, và uống sữa. Không nên cho trẻ ăn cơm lúc này vì chưa có đủ răng để nhai, trẻ sẽ khó tiêu hóa thức ăn. 

Trẻ 10 tháng tuổi mỗi ngày cần ăn 3 chén bột cháo đủ 4 nhóm thực phẩm (bột đường, thịt hoặc cá,... rau, củ hay bí bầu, dầu ăn). Mỗi ngày bé uống khoảng 700 ml sữa, ăn thêm sữa chua, trái cây,...

Khi bé bị viêm họng, cố gắng cho trẻ ăn uống bình thường. Nếu trẻ bị ho nhiều, bạn cần cho trẻ uống đủ nước để loãng đàm, nếu trẻ nôn ói nhiều thì cho trẻ ăn trở lại từng ít một sau khi nôn.

Hay cham tre that ky khi mua nang den

* Trẻ con hay bị viêm họng, viêm mũi, viêm phế quản vào những đợt thời tiết nóng ẩm, nhưng cháu ngoại tôi ăn giỏi, hiếu động và có sức mạnh chứ không èo uột. Thế nhưng bác gì gần nhà nói cháu bị suyễn và bắt cháu kiêng đủ thứ. Gia đình tôi cũng không ai mắc bệnh suyễn, theo bác sĩ, trẻ như thế nào thì kết luận là bị suyễn ạ. Cảm ơn bác sĩ. (Lê Thị Phương, 56 tuổi, quận 1, TP.HCM)

BS Khanh: Suyễn có nhiều biểu hiện khác nhau điển hình là ho nhiều, thở khò khè, có khi nằm không thở được, phải ngồi. Có một số trường hợp trẻ lại biểu hiện bởi viêm đường hô hấp kéo dài tái đi tái lại. Có thể bác sĩ dựa vào triệu chứng không điển hình này mà suy đoán trẻ bị suyễn. Nhưng trẻ dễ bị viêm đường hô hấp cũng không chắc đã suyễn. 

Để tránh cho trẻ bị bệnh đường hô hấp nên uống đủ nước, ngủ đủ giấc, không cho trẻ sinh hoạt quá mức ở những nơi nóng quá hay lạnh quá. Về việc kiêng thức ăn, nếu thấy trẻ ăn gì mà làm ho thêm thì hãy kiêng.

* Tôi đã cho cháu đội mũ khi đi ra đường, nhưng cháu vẫn bị bệnh, bác sĩ nói cháu bị say nắng? Đội mũ rồi sao bị say nắng trời? (Phan Mỹ Linh, 38 tuổi, thành phố Vinh, Nghệ An)

BS Khanh: Đội mũ giữa ấm đầu khi ra đường chỉ là một biện pháp để tránh bệnh. Say nắng không phải là do ra đường không đội mũ, mà có thể do tiếp xúc với không khí nóng nắng quá lâu trong khi bé thì không được bù nước. Do đó, dù có đội mũ ra đường cũng không nên chủ quan cho bé sinh hoạt ngoài nắng lâu.

* Khi con tôi sốt, cháu ăn bao nhiêu lại ói ra hết, nhưng đơn thuốc của BV ghi là cho trẻ nhiều hơn, bú nhiều hơn. Tôi không biết có loại thuốc nào chống ói cho bé giữ thức ăn trong bụng không. Tôi suốt ngày nấu nướng rồi dọn ói, rồi lại nấu nướng, nản quá... Con tôi tới cuối tháng này là tròn 15 tháng. (Nguyễn Thị Thu Mai, 40 tuổi, khu Trung Sơn, huyện Bình Chánh, TP.HCM)

BS Thủy: Khi trẻ bị bệnh, trẻ thường không thể ăn được như bình thường. Lúc này, hãy tìm món ăn nào trẻ thích, ăn được từng ít là tốt. Cần phải hạ sốt cho trẻ đến khi thấy trẻ toát mồ hôi thì lúc này mới có thể cho trẻ ăn hoặc bú được. 

Trẻ có thể nôn ói vì nhiều nguyên nhân, nếu trẻ nôn ói nhiều ảnh hưởng đến tình trạng dinh dưỡng chị nên cho trẻ đi khám bác sĩ để được chẩn đoán, điều trị. 

Bé 15 tháng mỗi ngày cần ăn 3 chén cháo đủ 4 nhóm chất, và khoảng 700-800 ml sữa là được. Nếu bé nôn ói, thì cho bé nghỉ khoảng 15ph sau đó cho ăn lại với lượng ít hơn để không mất bữa của bé. 

Hay cham tre that ky khi mua nang den

* Thưa bác sĩ, con tôi viêm họng hạt, viêm mũi liên tục. Tôi không biết lý do vì đâu, dù tôi chăm con khá kỹ. Con cũng chưa đi học, ở nhà rất sạch sẽ. Con tôi 15 tháng, nặng 12kg (Tạ Thị Lệ Thu, 26 tuổi, Bình Chánh, TP.HCM) 

BS Khanh: Nguyên nhân của viêm hô hấp tái đi tái lại thường là do môi trường và cách sinh hoạt của trẻ. Tránh khói bụi, nóng quá hay lạnh quá, cho bé uống đủ nước, ngủ đủ giấc. Một số trẻ có cơ địa dị ứng đường hô hấp thì nên tìm ra nguyên nhân có thể do khói bụi, khói thuốc lá, phấn hoa... thì mới giải quyết được và tránh bệnh tái phát.

* Con tôi cứ khóc và gãi, quạu cọ suốt đêm vì ngứa nhưng tôi thấy cháu đâu có nốt ghẻ gì trên người. Theo bác sĩ có phải cháu bị nóng trong hay không? Trời càng nóng, cháu càng khó ngủ. (Nguyễn Văn Tới, 40 tuổi, Lăng Cô, Huế)

BS Khanh: Nếu trẻ lớn hơn 1 tuổi thì nên xổ giun cho trẻ, coi lại thức ăn có gây ngứa không, coi lại đồ vải và xà phòng tắm. Coi trẻ có mặc đồ quá chật không.

* Nhờ bác sĩ tư vấn giúp. Bé nhà em được 4,5 tháng, cả đêm và ngày bé cứ thở mạnh, như kiểu chỉ thở bằng miệng ý ạ. Thỉnh thoảng bé có khịt mũi, em cũng thường xuyên nhỏ nước muối biển. Bé ăn uống và chơi bình thường. Thế là bị sao ạ, tư vấn giúp em (Diệu Thu, 28 tuổi, quận Tân Bình)

BS Khanh: Một số trẻ có hiện tượng khụt khịt, khò khè khi bú hay khi chơi nhưng vẫn tăng cân và ngủ tốt thì có khả năng là mềm đường thở bẩm sinh lành tính và sẽ hết dần khi 6 tháng. Nhưng nếu trẻ có ho và khó thở gây bỏ bú hoặc bú kém thì khám chuyên khoa tai mũi họng hay nhi khoa.

* Cứ vào mùa nóng là con tôi nổi sảy khắp người, nhiều nhất là khu vực cổ và bẹn, tắm lá mát không hết vì bé đi nhà trẻ, mồ hôi và nóng nực cả ngày. Bác sĩ ơi, tôi nên cho cháu uống thuốc gì để mát da mát thịt? (Hồ Thị Ngân Hà, 36 tuổi, Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước)

BS Khanh: Cho bé uống đủ nước, mặc đồ thoáng, chọn vải hút ẩm, chọn nơi thoáng mát cho trẻ sinh hoạt. Không có thuốc gì để làm cho da thịt mát.

* Vào mùa nóng nên hay không nên cho trẻ ngủ máy lạnh và quạt, nhất là trẻ dưới 1 tuổi. Nhiệt độ phù hợp nên là bao nhiêu? Trẻ ngủ ra mồ hôi ở lưng và đầu nếu không lau khô có ảnh hưởng tới sức khỏe không? (Tuyền, 32 tuổi, 231 Tô Hiến Thành, Q.10)

BS Khanh: Tốt nhất là nằm máy lạnh giữ nhiệt độ 26-28, tránh luồng gió máy lạnh thổi trực tiếp vào bé. Hiện tượng đổ mồ hôi khi ngủ là do thời tiết, nhiệt độ phòng và khả năng điều tiết mồ hôi của trẻ, nên cho trẻ mặc loại vải hút ẩm, lau mồ hôi lưng thì cũng được.

Hay cham tre that ky khi mua nang den

* Con trai cháu 4 tháng. Tuổi này cháu nên ăn dặm chưa ạ? Theo lời khuyên thì tháng thứ 6 mới ăn bột ngọt, nhưng trên hộp bột của Nhật và của Nga, Đức thì lại bảo ăn từ 4 tháng. Hỏi hàng xóm thì ai cũng bảo nên tập cho bé ăn dần từ lúc 4 tháng, tới 6 tháng bé ăn bột mặn luôn được rồi. Đa số các bé ăn trễ bé sẽ biếng ăn. BS cho cháu lời khuyên. (Lệ Bình, 21 tuổi, An Cựu, thành phố Huế)

BS Thủy: Nên cho trẻ ăn dặm khi trẻ tròn 6 tháng tuổi. Lúc này, nhu cầu dinh dưỡng của trẻ cao hơn, thì mới cần cung cấp thêm thực phẩm đặc khác sữa. Nếu trước 6 tháng tuổi, trẻ uống sữa đầy đủ và tăng cân đạt tiêu chuẩn theo biểu đồ tăng trưởng, thì mình chưa nên cho trẻ ăn dặm.

Cho trẻ ăn dặm trước 6 tháng có nhiều nguy cơ: gây rối loạn tiêu hóa, tăng khả năng dị ứng thức ăn, thận của trẻ chưa phát triển hoàn chỉnh, nên chưa thể thực hiện chức năng thải trừ khoáng chất dư thừa nếu có,...

Nếu trẻ ăn trẻ sau 7-8 tháng tuổi, thì trẻ sẽ có thể bị kén ăn. Do đó, nên tập ăn dặm cho trẻ khi trẻ tròn 6 tháng. 

Các hộp bột hướng dẫn sử dụng lúc 4 tháng tuổi là do trước đây có khuyến cáo cho trẻ ăn dặm từ 4-6 tháng tuổi. Bởi trước đây, người mẹ có thời gian nghỉ thai là 4 tháng, việc cung ứng sữa bột công thức trên thị trường cũng không có đầy đủ nên có khuyến cáo này. Hiện nay, người mẹ được nghỉ thai sản 6 tháng, trường hợp không có sữa mẹ vẫn có nhiều loại sữa bột công thức nên thời gian ăn dặm được khuyên là tròn 6 tháng tuổi để trẻ được uống sữa nhiều và phát triển chiều cao tốt. 

* Chào BS Khanh, cảm ơn BS đã mở trang facebook Hỏi bác sĩ nhi đồng. Em xin hỏi bác sĩ có thư ký riêng không ạ? Vì bác sĩ trả lời như thế chắc mất thời gian lắm. Nhân tiện, cho em hỏi, bé nhà em hiện 3 tuổi chỉ nặng 13kg thì có gầy quá không ạ? (Phi Phượng, 32 tuổi, Nhà Bè, TP.HCM)

BS Khanh: Tôi trả lời nhanh lắm không cần thư ký đâu vì tôi đọc câu hỏi đã có thể đoán trước phụ huynh thắc mắc gì và trả lời đúng mục tiêu câu hỏi nên cũng nhanh. 

Bé 3 tuổi, 13kg thì không phải là quá ốm nhưng còn phụ thuộc vào chiều cao của bé nữa. Hiện nay, trên mạng có rất nhiều bảng biểu để so sánh chiều cao, cân nặng theo tuổi và BMI. Chị có thể tham khảo các thông tin này để chính xác hơn.

Hay cham tre that ky khi mua nang den

* Cứ mùa khô là con gái tôi viêm da, khi đi ngủ là ngứa ngáy khóc lóc, trằn trọc ghê lắm. Tôi tắm rửa ngày 2 lần bằng thuốc tây và cả tắm khổ qua, trà xanh, lá mát nhưng không ăn thua. Theo bác sĩ, có phải bé bị lãi không? Cháu 4 tuổi, thường tẩy giun ở trường mẫu giáo 6 tháng/ lần. Thuốc tẩy lãi nếu uống dày hơn 6 tháng có hại gì không? Tôi đang băn khoăn nên không dám cho cháu uống. (Hoàng Thị Mỹ Vi, 36 tuổi, Đức Phổ, Quảng Ngãi)

BS Khanh: Bệnh lý khô da hay viêm da theo mùa cũng khó chữa dứt hẳn. Vào mùa khô, nên cho trẻ uống đủ nước, xổ giun cho trẻ định kỳ từ 3 đến 6 tháng. Tránh cho bé ăn ngọt, ăn nhiều trái cây, nên khám chuyên khoa nhi hay da liễu để xác định sang thương da là do tác nhân gì.

* Con tôi một tuổi rưỡi. Cháu dị ứng sữa bò, phải uống sữa đạm đậu nành. Như vậy cháu có nguy cơ thiếu hụt chất gì so với các bé uống sữa bò không? BS tư vấn để tôi bổ sung vào bữa ăn cho con (Đặng Minh Lê, 30 tuổi, Thanh Khê, Đà Nẵng)

BS Thủy: Sữa đậu nành công thức trong hộp đã được bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ, nên trẻ uống sữa đậu nành công thức thì không sợ bị thiếu chất dinh dưỡng. 

Bạn không nên nuôi trẻ bằng sữa đậu nành chế biến thủ công (100 gram đậu nành làm ra 1 lít sữa đậu nành,...) vì sẽ không đủ canxi cho sự phát triển của trẻ. 

Bé 1 tuổi rưỡi ngoài 600-800 ml sữa cần ăn 3 bữa bột cháo đủ 4 nhóm chất (1 chén cháo chứa 30 gram thịt hoặc cá, tương đương 2 muỗng canh lúp thịt băm, 2 muỗng canh lá rau bằm, từ 1-2 muỗng canh dầu ăn).

Mỗi ngày nên cho trẻ ăn sữa chua và trái cây tươi.

Cần thay đổi món ăn thường xuyên trong ngày và giữa ngày này và ngày khác trong tuần để trẻ được ăn đa dạng, nhiều loại thực phẩm khác nhau để phòng chống thiếu chất dinh dưỡng. Trẻ cần tăng cân đúng theo biểu đồ tăng trưởng thì không sợ thiếu dinh dưỡng.

* Mùa này có nên cho trẻ đi tắm biển? Con tôi nổi sảy nhiều, bạn bè nói cứ cuối tuần cho bé về quê nội ở Bà Rịa tắm biển 2 ngày là sẽ khỏi. Tôi thì sợ bé không khỏi, sợ bé bị sứa biển cắn còn ngứa hơn nữa. (Nguyễn Thu Đào, 45 tuổi, Dĩ An, tỉnh Bình Dương)

BS Khanh: Tắm biển là một thú vui nên cho trẻ trải nghiệm. Việc tắm biển có chữa được sảy hay không thì không chắc chắn. Thường nguyên nhân của sảy là do các tuyến mồ hôi tăng tiết nhiều vào mùa nóng làm dễ bị tắt tuyến mồ hôi làm nổi sảy. Lau khô mồ hôi thường xuyên, cho rẻ mặc đồ thoáng, dùng vải hút hẩm, uống đủ nước sẽ khó nổi sảy hơn.

Hay cham tre that ky khi mua nang den

* Bé 2 tuổi có thể ăn yến chưng đường phèn, cháo yến được chưa bác sĩ? Nhiều người nói nên cho con ăn để cháu mập mạp, nhưng người khác lại nói ăn yến làm trẻ nứt da? (Nguyễn Oanh, 46 tuổi, Q.5, TP.HCM)

BS Thủy: Trẻ 2 tuổi có thể ăn được yến, như là một thực phẩm giàu đạm, bổ sung thêm dinh dưỡng cho khẩu phần ăn. Có thể cho trẻ ăn 1-3 lần/tuần và bổ sung các loại thực phẩm khác để trẻ được da dạng thực phẩm. 

Nếu sau khi ăn yến làm trẻ biếng ăn, đứng cân hoặc sụt cân, thì phải xem lại chế độ ăn và nên đi khám bác sĩ dinh dưỡng để được hỗ trợ. 

Ăn yến không làm trẻ bị nứt da, vì yến chỉ là một loại thực phẩm cung cấp chất đạm, vitamin, khoáng chất,... tốt cho da, không gây nứt da.

*  Từ viêm họng xuống viêm phổi thường mất bao nhiêu ngày? Con tôi 17 tháng rưỡi, cháu viêm họng và viêm phế quản thường xuyên, đi khám và uống thuốc kháng sinh suốt thì tôi lo cháu lờn thuốc, mà chủ quan không kháng sinh thì lo con chuyển sang viêm phổi, nguy hiểm tính mạng.... (Đậu Minh Nga, 41 tuổi, Bố Trạch, Quảng Bình)

BS Khanh: Việc quyết định kháng sinh hay không khi trẻ bị viêm đường hô hấp thì rất khó, ngay cả các nhà khoa học cũng làm nhiều nghiên cứu để biết khi nào cần dùng kháng sinh, nhưng cũng không trả lời chính xác được. Thông thường, trẻ trên 2 tuổi khi viêm họng thì thường là do vi trùng, trẻ dưới 2 tuổi thì thường là do siêu vi. Nếu trẻ thở nhanh, thì thường là do vi trùng, ngoài ra còn tùy thuộc vào lúc khám bệnh thấy tổn thương ở họng như thế nào, và khuôn mặt của trẻ có dạng nhiễm vi trùng hay không thì bác sĩ mới dùng kháng sinh.

* Một lần con tôi bị tiêu chảy, bác sĩ nói do nhà ở dơ, đồ ăn bị ngộ độc nên con mới tiêu chảy. Tôi thấy vợ tôi rất sạch sẽ mà? (Nguyễn Phương Khanh, 37 tuổi, Bạc Liêu)

BS Khanh: Trẻ bị tiêu chảy đa số là do nguồn thức ăn thức uống từ ngoài đưa vào. Thức ăn này có thể bị nhiễm vi khuẩn hay virus (dơ), có thể nhiễm hóa chất hay dạng thức ăn chưa phù hợp với đường tiêu hóa của trẻ cho nên giữ sạch hoàn toàn thì cũng không chắc gì trẻ sẽ không bao giờ bị tiêu chảy.

* Con trai tôi 3 tuổi. Chúng tôi gửi sữa bột ở trường mầm non để nhờ cô bảo mẫu pha một ngày 3 ly. Tôi nghỉ thế là đủ rồi, nhưng nhiều nhà khác cho biết sáng sớm cho trẻ uống một cữ lúc mới ngủ dậy, khoảng 6h sáng và một cữ buổi tối trước khi đi ngủ mới đủ. Theo bác sĩ tuổi này con tôi có cần uống tới 1 lít sữa một ngày không? (Phí Thị Nhi, 39 tuổi, Hạ Long, Quảng Ninh)

BS Thủy: Bé 3 tuổi mỗi ngày cần uống khoảng 600-800 ml sữa (có thể thêm các chế phẩm từ sữa như sữa chua, bánh plan, váng sữa, phô mai,...)

Nếu trẻ ăn kém, có thể cho trẻ uống thêm sữa bù vào lượng ăn còn thiếu. Trẻ 3 tuổi không nhất thiết phải uống 1 lít sữa 1 ngày nếu trẻ ăn đủ 3 bữa đủ chất và đủ lượng. 

Trẻ 3 tuổi có thể uống sữa bột hoặc sữa tươi cho thuận tiện khi gửi sữa ở trường.

Sữa có thể uống vào bữa ăn phụ hoặc uống ngay sau khi ăn cơm nếu ăn cơm ít.  

Hay cham tre that ky khi mua nang den

* Cháu tôi 3 tuổi. Dạo này trời nóng cháu rất hay bị nhiệt miệng, đau rát nên ăn uống khó khăn, khổ sở. Có cách nào hết bệnh này mà không cần bôi thuốc vì thuốc tôi mua ở tiệm đều có chứa paraben gây ung thư nên tôi ớn quá. (Dì Thủy, 44 tuổi, Cái Răng, Cần Thơ)

BS Khanh: Trẻ bị lở miệng có thể do thiếu nước, thức ăn không phù hợp, hoặc uống 1 số loại thuốc. Cho trẻ uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây, tránh ăn ngọt. Khi trẻ bị lở miệng nên tránh các thức ăn còn ấm nóng, cay quá, mặn quá. Sữa nên làm mát hay cho trẻ uống. Hiện nay ở thị trường có 1 số loại thuốc bôi để làm giảm đau cho trẻ.

* Cuối tuần nắng to, khi cho trẻ đi công viên hay Thảo Cầm Viên vợ tôi lấy kem chống nắng người lớn bôi cho con, mà cháu mới 13 tháng. Cách này có an toàn? (Anh Long, 47 tuổi, Dương Minh Châu, Tây Ninh)

BS Khanh: Nên dùng loại kem chống nắng chuyên dành cho trẻ em ở ngoài thị trường có. Nhưng điều quan trọng là đừng để bé sinh hoạt ngoài nắng quá lâu vì như vậy bé có thể bị say nắng và ốm đấy.

* Mùa nóng, bé nhà em nổi sảy nhiều quá, mồ hôi ra nhiều. Có khi nào đây là bệnh tay chân miệng không bác sĩ? (Hoàng Thế Kha, 29 tuổi, Ninh Thuận)

BS Khanh: Sảy thì chắc chắn không phải là tay chân miệng. Sảy là do hiện tượng tăng tiết mồ hôi nhiều và tắt tuyến mồ hôi còn tay chân miệng là do virus gây ra nên 2 bệnh này khác nhau hoàn toàn.

* Nhiều người bảo không nên cho trẻ nằm máy lạnh, dễ viêm họng và ho, đúng không thưa bác sĩ? Tại sao trong bệnh viện những phòng dịch vụ lại mở máy lạnh 24/24? (Bé Nhi, 19 tuổi, Tuy Hòa, Phú Yên)

BS Khanh: Không nên để máy lạnh 24/24, khi sử dụng máy lạnh nên chú ý độ ẩm trong phòng, tốt nhất là mua dụng cụ đo độ ẩm để điều chỉnh, độ ẩm tốt nhất là 40-60%. Khi thời tiết thuận lời thì nên mở cửa, tắt máy lạnh để cho không khí lưu thông. Khi nhiệt độ bên ngoài, bên trong quá chênh lệch thì phải chú ý mặc ấm hay mặc đồ thoáng. Khi sử dụng máy lạnh, thì phải nên vệ sinh định kỳ vì bụi trong máy lạnh chứa rất nhiều tác nhân gây bệnh và gây dị ứng nguồn hô hấp.

* Trên mạng có nhiều trường phái nuôi con kiểu Nhật, kiểu Mỹ... với một món ăn nhiều khi chỉ 1-2 loại nguyên liệu trong khi các bác sĩ dinh dưỡng lại hướng dẫn bữa ăn nào cũng đủ 3 nhóm chất: bột, cháo - rau củ - cá-thịt, tôm... Con tôi 8 tháng, chuẩn bị phải ăn bột mặn. Tôi băn khoăn quá không biết nên chọn kiểu nào? (Hồng Hạnh, 26 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội)

BS Thủy: Các thông tin dinh dưỡng trên mạng có rất nhiều thông tin bị sai lệch, bạn chỉ nên tham khảo thông tin chính thức từ các trang web đáng tin cậy của ngành y tế.

Nguyên tắc dinh dưỡng hợp lý là phải ăn uống đa dạng, nhiều loại thực phẩm thì mới cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể và không bị thiếu các vi chất dinh dưỡng. 

Bữa ăn chính nào cũng phải có đấy đủ 4 nhóm thực phẩm thì mới cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể. 

Bé 8 tháng tuổi cần ăn mỗi ngày 2 lần, mỗi lần nửa chén bột hoặc cháo với đủ 4 nhóm chất (trong nửa chén bột cháo có: 1 muỗng canh thực phẩm giàu đạm, 1 muỗng canh rau, 1 muỗng canh dầu ăn). Và bú sữa mẹ hoặc sữa công thức. Các bữa phụ cho ăn sữa chua, trái cây,...

Hay cham tre that ky khi mua nang den

* Tôi thấy các thực đơn ở trường mầm non có đủ dinh dưỡng không? Nhà trường cho ăn ngày 3 bữa chính (sáng, trưa, xế) và 3 bữa phụ (uống sữa mỗi lần 180ml), vậy về nhà cháu có phải ăn thêm buổi tối hay đã đủ? (Thu Lan (mẹ bé Cò), 23 tuổi, Trà Bồng, Quảng Ngãi)

BS Thủy:Các trường mầm non công lập của Sở Giáo dục Đào tạo đều được đào tạo và kiểm soát về thực đơn cũng như khẩu phần ăn cho trẻ, nên các bữa ăn đều đủ dinh dưỡng. Trẻ ở độ tuổi mầm non cần ăn 3 bữa chính 1 ngày và 2 đến 3 bữa phụ. Bữa xế ở trường thường là 1 phần ăn nhỏ, tương đương bữa phụ nên khi về nhà trẻ cần ăn thêm bữa tối.  Tổng lượng sữa trong ngày nên đạt từ 600-800 ml để đạt đủ nhu cầu canxi cho trẻ.

* Cháu nhà em bị sốt là mua thuốc cũng mau hết. Nhưng nghe nói thuốc hạ sốt uống phải cách 4h đúng không bác sĩ? (Thái Tú, 32 tuổi, Quảng Trị)

BS Khanh: Thuốc hạ sốt quan trong nhất là đúng liều, đúng liều 1 lần uống và đúng khoảng cách giữa 2 lần uống.  Thuốc hạ sốt hiện nay có 2 loại: paracetamol và ibuprofen. Khi sử dụng thuốc hạ sốt nên nhớ uống tác dụng nhanh hơn là nhét hậu môn. Liều thông thường là lấy số ký của bé nhân với 10-15mg ra số lượng paracetamol cần uống một lần và mỗi 4-6 tiếng có thể nhắc lại. Còn ibuprofen thì lấy số ký nhân với 6-10mg ra số lượng cho 1 lần uống và mỗi 6-8 tiếng có thể nhắc lại. Nhưng nếu trẻ sốt hơn 48 giờ hay sốt mà kèm theo nôn ói nhiều, lừ đừ thì nên khám bác sĩ ngay.

* Con tôi bị bệnh amidan từ nhỏ, ăn uống rất khổ sở. Đã lớp 1 rồi mà tôi còn phải đút cho cháu ăn, cháu vừa ăn chậm vừa hay kén chọn. Tôi có nên cắt VA cho cháu ăn giỏi không? (Linh An, 36 tuổi, quận Tân Phú, TP.HCM)

BS Thủy: VA hoặc amidan là những cơ quan tạo nên miễn dịch giúp cơ thể chống lại vi trùng, vi rút trên đường hô hấp cân được giữ gìn để tạo sức đề kháng cho cơ thể.  Chỉ cắt VA hoặc amidan khi chúng bị viêm nhiễm hư hại quá nặng nề hoặc là viêm nặng trên 5 lần trong mỗi năm và có ý kiến cần cắt bỏ của bác sĩ tai mũi họng. Khi bị bệnh trẻ thường biếng ăn, nhưng sau khi hết bệnh thì chỉ cần tăng cường dinh dưỡng để phục hồi sau bệnh.  Trẻ 6 tuổi cần ăn mỗi ngày 3 bữa chính, khoảng 2-3 bữa phụ, lượng sữa là 600-800 ml/ngày. Nếu trẻ ăn kém, có thể tăng thêm lượng sữa cho trẻ. Nếu trẻ bị chậm lên cân, suy dinh dưỡng, cần đưa trẻ đến khám và tư vấn ở các bác sĩ dinh dưỡng.

Hay cham tre that ky khi mua nang den

* Mùa này trời nắng gắt quá, cháu nên phơi nắng cho bé sơ sinh nhà cháu tới mấy giờ thì không bị cháy da ạ? (Lê Phương, 40 tuổi, 314 Điện Biên Phủ, TP.HCM)

BS Khanh: Một số trẻ không nên lạm dụng phơi nắng để tạo Vitamin D, như trẻ bị dị ứng da, chàm cấp tính. Việc phơi nắng cho trẻ tốt nhất là trước và sau 9h sáng. Khi thấy trời nắng gắt quá thì không phơi 1 ngày cũng chẳng sao. Phơi nắng cho trẻ không có nghĩa là lột hết đồ và mang ra nắng. Tốt nhất là để phần da ở lưng của trẻ tiếp xúc nhiều với ánh nắng, phơi đến đâu thì lột đồ đến đó. Còn nếu khó quá thì cho trẻ uống Vitamin D.

* Mùa này có nên cho trẻ đi du lịch xứ lạnh như Hàn Quốc, Nhật Bản không? Tôi lo thay đổi khí hậu làm bé dễ bệnh (Mạnh Hùng, 31 tuổi, TRung Sơn, Bình Chánh)

BS Khanh:Nếu có điều kiện thì nên cho bé đi du lịch, khi đi qua xứ lạnh thì đảm bảo cho bé không hít trực tiếp không khí lạnh vào cổ. Giữ ấm cơ thể, bàn chân, tay và ngực thì cứ cho trẻ đi du lịch thoải mái.

Thức ăn của trẻ để đông lạnh có hụt dinh dưỡng không? Tôi hay nấu sẵn thịt, cả và cả rau rồi cất ngăn đá, khi nấu cháo chỉ cần lấy ra rã đông. Như vậy tôi có thể dùng trong bao lâu? (Hạnh Nhơn, 36 tuổi, Quận Gò Vấp, TP.HCM)

BS Thủy: Thức ăn đông lạnh chỉ bị hao hụt 1 ít vitamin C, còn các thành phần đạm, béo,... vẫn được giữ nguyên.  Bạn nên bảo quản lạnh những phần thực phẩm vừa đủ cho một phần ăn, sau khi rã đông, thì mới chế biến thức ăn cho trẻ.  Thực phẩm đông lạnh có thể được bảo quản nhiều tuần trên ngăn đá tủ lạnh. Sau khi nấu chín, nên cho trẻ ăn ngay. Chỉ cần hâm một nồi cháo trắng rồi cho vào tủ lạnh để dùng trong ngày. Riêng với thịt, cá, rau,... thì nên nấu chín ngay trước khi ăn.

Bé cháu 5 tháng đang tiêm ngừa 5 in 1 hàng tháng ở trạm y tế phường; ngoài ra cháu có cho bé uống (dịch vụ) vắc-xin Rota phòng cảm cúm xong vào 4 tháng tuổi; bác cho cháu hỏi như vậy cháu còn cần tiêm ngừa dịch vụ các loại vắc-xin nào nữa và thời gian tiêm sẽ như thế nào? Cháu cám ơn bác. (Thanh Hằng, 32 tuổi, Cần Thơ)

BS Khanh: Ngoài chương trình tiêm chủng mở rộng có các vắc-xin sau đây cần ưu tiên:  1. Từ 2 tháng - đến 5 tuổi là phế cầu 10 2. Từ 12 tháng - lớn là thủy đậu Còn các vắc-xin còn lại thì không quá ưu tiên.

* Cháu chào bác sĩ, con nhà cháu được 2 tuổi rồi. Chảy mũi thường xuyên, bác sĩ ngoài Gia Lai này chuẩn đoán bị VA. Cháu tính vào bệnh viện TP.HCM để nạo cho bé nhưng cháu phân vân 2 vấn đề sau:  1. Tuổi này nạo phải gây mê nên có ảnh hưởng gì nhiều không ạ?  2. Bệnh viện nào chuyên làm về vấn đề này và có mất nhiều thời gian và kinh phí không ạ? Cháu cảm ơn bác sĩ nhiều. Rất mong được sự hồi âm của bác (Tuyết Anh, 26 tuổi, Gia Lai)

BS Khanh:Trẻ bị VA có thể làm sổ mũi kéo dài, nhưng không phải tất cả trẻ sổ mũi kéo dài đều là do VA. Chẩn đoán VA và có cần nạo hay không, tùy thuộc vào chụp X-quang, soi mũi. Khi cần nạo thì cũng phải gây mê, trẻ em thì có hệ thống gây mê dành riêng cho trẻ nên cũng khá an toàn. Bệnh này bạn có thể khám ở bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM hay bệnh viện Nhi Đồng khoa Tai mũi họng, nhưng khoa Tai mũi họng hay khoa ngoại nhi ở BV tỉnh Gia Lai cũng có thể làm được thủ thuật này.

Con gái tôi 22 tháng, cháu ăn ở trường mầm non, tôi về chỉ uống thêm sữa và luôn đi cầu phân rắn. Tôi cho uống bổ sung bột rau thì bé bớt, nhưng cứ ngừng sẽ bón lại. Tôi phải làm gì để con không lệ thuộc vào bột rau? (Ánh Nguyệt, 23 tuổi, Châu Thành, Tiền Giang)

Hay cham tre that ky khi mua nang den

BS Thủy:Bé 22 tháng cần ăn đủ 3 bữa chính, 2-3 bữa phụ với khoảng 800 ml sữa/ngày, trong bữa ăn chính, trẻ cần ăn khoảng 20 gram rau (tương đương 2 muỗng canh lúp) x 3 bữa/ngày + lượng trái cây. Trẻ cần được uống đủ nước thường xuyên trong ngày sao cho nước tiểu có màu vàng nhạt và đi tiểu mỗi 3-4 tiếng một lần.  Trẻ trường mầm non thường chưa được ăn bữa tối nên cần chú ý bổ sung thêm rau, bí, bầu,... sau khi trẻ về nhà. Cố gắng tập cho con đi cầu mỗi ngày vào một giờ nhất định để trẻ có phản xạ đi tiêu tự nhiên.  Với những trẻ táo bón thường xuyên, có thể đến bác sĩ để được cho dùng thuốc làm mềm phân trong 1-2 tuần liên tiếp để tập phản xạ đi tiêu.

Bác ơi cho cháu hỏi, có cách nào giảm bớt mồ hôi của trẻ không ạ. Bé nhà cháu gần 8 tháng mà lần nào bú cũng vã mồ hôi, tối ngủ cũng vậy ạ. Có hôm cháu không đắp chăn luôn mà vẫn ra nhiều ướt cả gối. Cháu cảm ơn bác. (Ngọc Diệp, 27 tuổi, Quận 3, TP.HCM)

BS Khanh: Bú mà đổ mồ hôi là chuyện bình thường vì bú là lao động. Trẻ đổ mồ hôi là do thời tiết và nhiệt độ phòng hay do khả năng điều tiết mồ hôi chưa ổn. Cho trẻ bú nhiều, uống đủ nước, coi lại nhiệt độ phòng, nếu tất cả đều ổn thì lớn bé sẽ tự hết đổ mồ hôi.

Bác ơi, bé nhà e được 1 tuổi. sáng giờ đi 7 lần, phân sông, có nhớt và máu! Bé vẫn ăn, uống và chơi. Xin hỏi bé bị gì phải di khám khoa gì bác ơi. cám ơn bác (Lê Ngọc Hằng, 31 tuổi, Bình Thuận)

BS Khanh: Khi trẻ đi tiêu có máu mà 1 tuổi thì thường là do nhiễm trùng đường ruột, nên khám bác sĩ nhi. Thường những trường hợp này là phải dùng kháng sinh để trị nhiễm trùng đưnng ruột.

Thưa BS Khanh, mùa này có dịch chân tay miệng không ạ? Con tôi lên nốt giống rôm sảy ở cổ, mông, bẹn, trong miệng cũng có nốt lở như bị nhiệt miệng. Tôi không biết đó có phải nốt chân tay miệng hay không nên khá lo lắng... (Phùng Nhật Minh, 35 tuổi, Cần GIờ, TP.HCM)

BS Khanh: Mùa nào cũng có bệnh tay chân miệng. Bệnh tay chân miệng thường đông vào khoảng tháng 4, 5, 6 và 10, 11, 12. Tay chân miệng thường nổi mụn nước ở lòng bàn chân, bàn tay, mông, gối, cũng có trẻ kèm theo lở miệng. Rôm sảy thì thường mụn nước có phần mủ phía trên và không có lở miệng. Nếu lo lắng, nên khám bác sĩ nhi gần nhà.

Chào bác sĩ, bé em được 15 tháng, tháng nào bé cũng bị đẹn trăng xuất hiện làm lưỡi bé hay loét. Bác sĩ có cách nào giúp bé mau khỏi được không ạ, mong bác tư vấn giúp em ạ? (Ngọc Giang, 24 tuổi, Bình Tân, TPHCM)

Hay cham tre that ky khi mua nang den

BS Thủy: Đẹn trăng là tình trạng lưỡi của bé hàng tháng bị lở đỏ, làm bé biếng ăn sau đó tự lành.  Nguyên nhân của đẹn trăng chưa được biết rõ, nên chưa có cách chữa trị triệt để. Nên cho trẻ ăn uống đầy đủ, đa dạng nhiều loại thực phẩm khác nhau. Chú ý cho ăn khoai, bắp, đậu, ngũ cốc nguyên cám,... để cung cấp đủ lượng vitamin nhóm B cho trẻ.  Các thực phẩm giàu vitamin A như thịt, cá, gan, trứng, sữa,... và các loại trái cây giàu vitamin C cũng giúp ích trong việc nhanh chóng lành các vết loét lưỡi này.  Khi trẻ đang đau lưỡi, thì có thể cho trẻ ăn những loại thực phẩm mát lạnh như sữa chua, kem, sữa mát,... Không nên cho trẻ ăn thức ăn quá nóng khiến trẻ bị đau nhiều hơn.  Khi trẻ lớn hơn, có thể bệnh này sẽ tự hết.

Em mới sinh mổ bé được 15 ngày. Xin hỏi BS Khanh, em có nên tập bụng cho nhỏ và massage giảm mỡ bụng chưa? Có ảnh hưởng gì tới vết mổ và việc cho bé bú không? Em cảm ơn bác sĩ ạ. (Đặng Thu Bình, 28 tuổi, Q.9)

BS Khanh:Mới 15 ngày thì cũng đừng có gấp tập làm gì, nên chờ bé ra tháng. Nhưng tập luyện thì không ảnh hưởng gì đến việc cho bé bú.

Tôi thấy bóng nước tay chân miệng khó phát hiện quá bác sĩ. TÔi chỉ dựa vô triệu chứng co giật như tivi chiếu mới phát hiện ra. Như vậy tôi sợ trễ quá không? (Phan Tuyết Mai, 39 tuổi, Quy Nhơn)

BS Khanh: Tay chân miệng mà chưa có giật mình, chưa có số cao khó hạ, chưa có ói nhiều, chưa có run chi hay đi loạng choạng thì cũng theo dõi thôi, cho nên, nếu nghi ngờ trẻ bị tay chân miệng thì theo dõi các dấu hiệu trên là chính.

Cháu chào BS Trương Hữu Khanh, bé nhà cháu hiện 8 tháng nhưng không bò mà chỉ lết mông, như vậy có cần đi khám không bác sĩ (Lê Nguyễn Hồng Việt, 24 tuổi, Lâm Đồng)

BS Khanh: Một trẻ chậm vận động, chậm lật, chậm bò, chậm đi thì quan trọng nhất là sự lanh lẹ của trẻ. Lanh lẹ là trẻ hóng tốt, tiếp xúc bằng ánh mắt tốt nhận biết người xung quanh, nếu bé lanh lẹ thì nên tập cho bé.

Cháu nội tôi 20 tháng, nặng 15kg, cao 90cm. Tôi nghe SB Trung tâm dinh dưỡng nói khi bé 2 tuổi cao bằng một nửa chiều cao lúc lớn. Như vậy cháo tôi sẽ cao trên 1,8 mét phải không? (Minh Thư, 50 tuổi, Trần Hưng Đạo, Q.5)

BS Thủy: Chào cô, có thể ước lượng chiều cao lúc trưởng thành bằng cách lấy chiều cao lúc 2 tuổi nhân 2. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng vậy vì nó phụ thuộc vào quá trình dinh dưỡng, tập luyện, giấc ngủ, môi trường,... từ sau 2 tuổi đến khi trưởng thành (25-30 tuổi). Trẻ 20 tháng nhưng có chiều cao 90 cm là gần bằng trẻ 3 tuổi, nặng 15 kg là bằng trẻ 3,5 tuổi nên có sự phát triển dinh dưỡng rất tốt. Nếu bé tiếp tục nhận được dinh dưỡng đầy đủ cho tới khi tưởng thành, bé sẽ đạt được chiều cao rất lý tưởng.

Hay cham tre that ky khi mua nang den

Con tôi thích uống nước ngọt, có nước ngọt mới dụ bé chích thuốc được. Vậy bác sĩ khuyên không uống nước ngọt. Theo bác sĩ cách nào để bé bỏ nước ngọt mà vẫn chịu để bác sĩ chích thuốc? Vì bé gồng người, tôi sợ gãy kim. (Lại Văn Anh Hào, 42 tuổi, quận 9, TP.HCM)

BS Khanh: Có rất nhiều cách để dụ cho bé để làm một việc gì đó mà bé không muốn hay do bé sợ. Nên chuyển qua dụ đồ chơi hay ăn trái cây. Nhưng trẻ bệnh thì nên uống thuốc chứ đừng có chích làm gì khi chưa cần. Trẻ dưới 6 tuổi không nên sử dụng các loại nước ngọt đóng chai sẵn.

Con tôi từng bị động kinh, mùa nắng, sợ cháu lại lên cơn sốt, động kinh. Theo bác sĩ thì tôi nên làm gì nếu cháu sốt? (Trần ThỊ Phước Nghĩa, 31 tuổi, Sơn Trà, Đà Nẵng)

BS Khanh: Nếu đã là bị động kinh thì nên uống thuốc đúng và tái khám theo hẹn của bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh nhi. Nếu trẻ đã từng co giật do sốt cao thì cần chú ý những mùa nắng nóng nên cho trẻ uống đủ nước, ngủ đủ giấc, tránh sinh hoạt lâu ngoài trời nắng để khó bệnh hơn. Nên mua cây cập nhiệt và thuốc hạ sốt sẵn ở nhà. Khi nghi ngờ bé sốt, cập nhiệt, nếu bé trên 38 độ C thì uống thuốc ngay. Trong lúc chờ thuốc ngấm thì lau mát cho trẻ, làm như vậy thì trẻ sẽ khó giật hơn.

Con tôi sốt siêu vi, có cần kiêng cữ món gì không bác sĩ? Theo bác sĩ, tôi cho cháu ăn món gì cho lại sức? (Hà Cẩm, 32 tuổi, Quận 5, TP.HCM)

BS Thủy: Bé bị nhiễm siêu vi sức đề kháng sẽ yếu, cần được dinh dưỡng đầy đủ để cơ thể trẻ có thể trẻ tự chống bệnh. Nếu trẻ không dị ứng thức ăn gì thì không cần kiêng cữ gì.  Khi trẻ đang sốt cao, da khô,... thì cần hạ số bằng thuốc (nếu sốt trên 38,5 độ C), lau mát,... cho đến khi trẻ toát mồ hôi, sốt giảm dưới 38 độ C có thể cho trẻ ăn hoặc uống sữa. Lúc trẻ bệnh có thể cho ăn cháo, súp, lõng, loãng dễ tiêu, dễ nuốt, nhưng cần nấu đầy đủ các chất dinh dưỡng (Cháo có thịt, rau, dầu,...). Không nên kiêng cữ quá mức làm cho quá trình hồi phục của trẻ lâu hơn.

Em đang mang thai tháng thứ 2, quên chích vắc-xin thủy đậu. Bây giờ chích để tránh lây bệnh cho con sau sinh được không bác sĩ? (Nguyễn Thị Thu Huệ, 27 tuổi, Hoàn Kiếm, Hà Nội)

BS Khanh: Đang mang thai thì không thể chích vắc-xin thủy đậu. Phòng ngừa thủy đậu cũng như các bệnh khác: mang khẩu trang khi đi ra ngoài, rửa tay thường xuyên, tránh tiếp xúc với người mắc bệnh. Người nhà của bà bầu cũng nên có ý thức mang khẩu trang và rửa tay khi về nhà để tránh mang nguồn bệnh từ ngoài môi trường về lây cho bà bầu.

Chào BS Trương Hữu Khanh, từ khi có trang facebook hướng dẫn bệnh trẻ em của BS, vợ chồng tôi mừng lắm. Tôi thấy BS trả lời vào ban đêm, vào giờ nghỉ trưa, ngày lễ cũng không nghỉ. Cho tôi hỏi, bác sĩ có phòng khám bên ngoài không ạ. Vào BV Nhi Đồng muốn được bác sĩ khám cho con tôi thì phải làm thế nào? (Hải Hà, 40 tuổi, Q.3, TP.HCM)

Hay cham tre that ky khi mua nang den

BS Khanh: Tôi đã nghỉ phòng mạch rồi, nghỉ phòng mạch thì mới có thì giờ trả lời trên Facebook. Tôi cũng ít khi khám ở khu phòng khám của BV Nhi Đồng 1, chỉ khám bệnh trên khoa thôi, nhưng bác sĩ nhi bây giờ cũng nhiều mà.

Con tôi sắp vào tuổi dậy thì, cháu lười uống sữa, tôi có nên cho cháu uống bổ sung canxi để cao lớn hơn hay không? (Lê Dung, 38 tuổi, Ninh Kiều, Cần Thơ)

BS Thủy: Trẻ ở tuổi tiền dậy thì và dậy thì là cơ hội cuối cùng phát triển chiều cao tối đa, vì vậy, ngoài chế độ dinh dưỡng từ cơm, thịt, rau,... cần phải bổ sung sữa để đảm bảo đủ nhu cầu canxi. Có thể cho trẻ uống sữa tươi, có thể có các hương khác nhau hoặc bỏ tủ lạnh cho mát để trẻ dễ uống sữa.  Các thực phẩm giàu canxi là cua đồng, tôm tép nguyên vỏ, cá nhỏ nguyên xương, đậu hũ (sữa đậu nành không nhiều canxi),... Nếu trẻ không uống sữa được, chị nên cho trẻ đến khám bác sĩ để được hỗ trợ thêm.

* Nắng nóng, gia đình tôi cho uống nước dừa nhiều. Vậy có tốt cho bé không bác sĩ (Nguyễn Anh Tân, 35 tuổi, Sóc Trăng)

BS Khanh: Trời nắng nóng thì cung cấp đủ nước cho bé là quan trọng. Cách cung cấp nước, sữa chính là nước, sau đó là nước lọc, các loại nước trái cây chỉ nên dùng khi trẻ trên 2 tuổi vì độ ngọt có thể làm trẻ no giả và bỏ ăn, bỏ bú.

Con gái tôi hồi xưa sinh non có 1,8kg nhưng hiện lại béo phì. Mới 6 tuổi mà cháu nặng bằng anh hai học lớp 3 là 28kg. Tôi nên cho cháu ăn thế nào để vẫn đủ sức học hành mà không lên ký? (Thúy Mi, 47 tuổi, Gia Lai)

BS Thủy:Trẻ béo phì là khi cân nặng quá dư thừa so với chiều cao của trẻ. Với trẻ em 6 tuổi, thì không nên giảm cân mà nên kiểm soát cho bé tăng cân chậm khoảng 100-200 gram trong một tháng và tiếp tục tăng chiều cao để trẻ cân đối trở lại.  Mỗi ngày nên cho trẻ uống 600-800 ml sữa không đường, không béo, bữa ăn chỉ ăn khoảng 1 chén cơm, 1 chén canh rau, 1/3 chén thịt hoặc nửa chén cá, tôm, đậu hũ,... Hạn chế các món ăn quay, chiên, xào nhiều béo và các thức ăn ngọt như kem, chè, bánh ngọt, nước ngọt,... Tập thể dục hàng ngày cũng là cách giúp cho trẻ tăng trưởng chiều cao tốt và kiểm soát cân nặng. 

Bé bị tiêu chảy, nhưng có lúc lại táo bón. Vậy bệnh này có phải do mùa nóng không bác sĩ ơi? Cách nào để hết táo bón, dù tôi đã cho bé ăn nhiều rau? Hoặc tiêu chảy cũng đã chăm bé kỹ lắm rồi? (Đỗ Văn Cường, 37 tuổi, Bình Dương)

Hay cham tre that ky khi mua nang den

BS Khanh: Táo bón hay tiêu chảy không liên quan đến thời tiết. Tuy nhiên, bệnh tiêu chảy mùa nóng sẽ dễ bệnh hơn vì do cách bảo quản thức ăn khó hơn. Tiêu chảy đúng là do thức ăn, thức uống đưa vào. Táo bón nếu đúng thì là do hệ thống đường ruột hay do trẻ thiếu nước. Nên nếu trẻ táo bón, nên cho uống đủ nước, ăn đủ rau, ăn sữa chua, cần thì dùng thuốc mềm phân.

Trời nóng, tôi thấy nhiều bệnh, thái độ nhân viên cũng nóng. Nhiều khi đi khám cho con từ miền Tây lên mà bị đối xử dở. Nên đôi lúc cũng buồn, còn không đưa con lại thành phố khám thì thấy buồn. (Lê Thị Mai Thi, 25 tuổi, Vấp Lò, Đồng Tháp)

BS Khanh: Thời tiết nóng nực là một điều kiện làm cho trẻ dễ bệnh, nên số trẻ đến khám rất đông, môi trường làm việc nóng nực và đông đúc sẽ làm cho nhân viên y tế cũng như bệnh nhân dễ mất bình tĩnh hơn trong giao tiếp nên sẽ khó tránh những xung đột trong quá trình khám chữa bệnh. Để giải quyết việc này, cần có sự thông cảm và chia sẻ giữa đôi bên. Nếu tất cả đều thông cảm, chia sẻ và cho qua những việc không đáng để tâm thì mọi việc sẽ dễ dàng hơn. Quan trọng nhất là trẻ được khám bệnh, chuẩn đoán đúng và điều trị hợp lý.

Con cháu 4 tháng, cân nặng trộm vía lên đều, nhưng mồ hôi thì nhiều lắm. Đêm nào cháu cũng phải dậy thay áo 2-3 lần mà vẫn đầm đìa, sợ con cảm lạnh. Thưa bác sĩ, có phải nhiều mồ hôi là bé không được khỏe? (Mr Quyền, 25 tuổi, TP Vũng Tàu)

BS Thủy: Bé ra mồ hôi nhiều có thể do nhiệt độ môi trường quá cao, thiếu canxi, thiếu vitamin D, hoặc là do hệ thần kinh của trẻ phát triển chưa hoàn chỉnh,... Bạn cần có điều hòa không khí nếu nhiệt độ môi trường nóng bức. Nhiệt độ môi trường lý tưởng khoảng 27-28 độ C.  Trẻ 4 tháng bú sữa mẹ thì người mẹ cần uống sữa đủ để sữa mẹ đủ canxi cho trẻ.  Nếu trẻ bú sữa công thức thì cần uống khoảng 600-700 ml sữa là đủ canxi. Mỗi ngày cần cho trẻ tắm nắng nhẹ trước 9h sáng hoặc 4-5h chiều 20 phút mỗi ngày để đủ lượng vitamin D. Nếu không thể tắm nắng, cần đến bác sĩ để được bổ sung thuốc vitamin D.  Việc thay áo khi trẻ bị ra mồ hôi là điều rất tốt. Sau khi điều chỉnh như trên mà trẻ vẫn còn ra mồ hôi có thể là do hệ thần kinh chưa phát triển hoàn chỉnh, khi lớn hơn trẻ sẽ ổn định.

Hay cham tre that ky khi mua nang den

Xin chào bác sĩ Yến Thủy, cho em hỏi: Các chị cơ quan em mách nước rằng, ngay cả rau cũng có thể để đông đá cho tiện lợi khi nấu ăn cho con. Em làm thử thì thấy rau đổi màu gần như đen và bị “đá hóa”. Như vậy có đảm bảo dinh dưỡng không? (Trần Phương, 37 tuổi, Tam Nông, Đồng Tháp)

BS Thủy: Rau củ quả sẽ bị mất chất dinh dưỡng trong quá trình thu hoạch, vận chuyển, bảo quản, chế biến, ở nhiệt độ cao, không khí, ánh nắng,... vì vậy, nên cho con ăn rau càng tươi mới, càng tốt. Chỉ nên nấu và cho ăn ngay để trẻ nhận được đủ chất dinh dưỡng từ rau.

Toi go bang dien thoai khong dau, bs thong cam. Toi xin hoi, be nha em ia chay 3 lan ngay thi nen uong thuoc hay len TP.HCM? (Bui Thi Hoa, 29 tuổi, Nha Trang)

BS Khanh: Nếu trẻ tiêu lỏng 3 lần/ ngày thì không phải là quá nhiều cho nên cứ bình tĩnh theo dõi. Bệnh tiêu chảy cũng không thể hết nhanh, nhiều khi cũng 3 đến 5 ngày mới hết. Quan trọng nhất khi trẻ bị tiêu chảy là đừng dể trẻ bị mất nước. Trẻ chỉ mất nước khi tiêu ra ngoài quá nhiều mà không bù nước lại được. Cho nên trẻ mới tiêu chảy 3 lần/ ngày thì khó mà mất nước lắm. Cho trẻ uống đủ nước, bú nhiều cữ, thức ăn lỏng dễ tiêu. Khám gần nhà nếu tiêu chảy trên 2 ngày mà không giảm, tiêu quá nhiều lần hay trong phân có máu.

*Mùa nóng trẻ hay đổ mồ hôi, tắm nhanh cho bé trước khi đi ngủ (đã tắm 1 lần vào buổi trưa) có đễ làm bé bị bệnh không BS (Nguyên, 33 tuổi, Tp,HCM)

BS Khanh: Mùa nắng nóng cũng làm trẻ dễ bệnh vì thói quen sinh hoạt để giảm sự nóng bức như: tắm nhiều, tắm lâu. Mùa nóng trẻ có thể khó ngủ thì chỉ cần lau nước ấm trước khi đi ngủ là được rồi. Khi ngủ thì mặc đồ thoáng, rộng rãi và thoải mái.

*(Châu, 37 tuổi, Bến Tre)

BS Thủy: Bé 12 tháng rưỡi có cân nặng như vậy là đạt chuẩn nhưng chiều cao là thiếu từ 1-2 cm, nhưng bé không bị suy dinh dưỡng.  Độ tuổi này bé cần mỗi ngày 3 chén cháo bột đầy đủ 4 nhóm chất (mỗi chén bột cháo cần có 2 muỗng canh lúp thực phẩm giàu đạm + 2 muỗng canh rau củ, bí, bầu + 1 đến 2 muỗng canh dầu ăn). Nếu trẻ chỉ uống 550 ml sữa bột, bạn cần cho ăn thêm các chế phẩm của sữa như sữa chua, bánh plan, váng sữa, phô mai,...  Trẻ trên 1 tuổi có thể uống sữa tươi thay cho sữa bột hoặc uống vừa sữa tươi, sữa bột tùy theo ý thích của trẻ.

* Con em 4 tuổi, cháu bị viêm mũi, nhất là vào mùa nóng. Em có đọc hướng dẫn của bác sĩ trên Facebook là dùng bấc sâu kèn thấm nước muối. Em xin hỏi thêm là, dùng nước biển sâu để xịt và làm bấc sâu thì cách nào hay hơn. Em nên nước biển loại của Pháp hay loại của Việt Nam thì tốt? (Lâm Bích Phượng, 31 tuổi, Q.8, TP.HCM)

Hay cham tre that ky khi mua nang den

BS Khanh: Làm bấc sâu kèn là hướng dẫn của tổ chức y tế thế giới chuyên cho bác sĩ nhi khoa để hướng dẫn lại cho bà mẹ khi có con bị sổ mũi. Nhưng có một số trẻ rất khó đưa bấc sâu kèn vào mũi, nên cho trẻ chơi với bấc sâu kèn trước. Dụ trẻ từ từ sẽ dễ thực hiện hơn. Xịt trực tiếp vào mũi thì nên chú ý đến áp lực vì áp lực mạnh có thể làm trầy xướt niêm mạc mũi.

* Thấy nhiều trẻ bị sổ mũi mùa nắng nóng, tôi xin hỏi có loại vắc-xin nào để chích ngừa phòng bệnh không ạ? (Trần Văn Quang, 47 tuổi, Bình Thuận)

BS Khanh: Sổ mũi ngoài nguyên nhân do dị ứng thời tiết thì có thể do virut. Trong các loại virut gây sổ mũi chỉ có virut cúm là có vắc-xin, nhưng không may vắc-xin cúm chỉ có giá trị 1 năm nên phải chích nhắc. Nếu trẻ hay bệnh vặt, thì có thể chích ngừa cúm hàng năm.

Cháu tôi 4 tuổi hay bị dị ứng nổi mề đay nhất là sau mỗi lần ăn hải sản, trứng. Như vậy tôi có nên tiếp tục cho bé ăn món này không hay cho món ăn khác? (Thanh Ngọc, 32 tuổi, Hồ Văn Huê, Q.Phú Nhuận)

BS Thủy: Chỉ cần chú ý đến loại thức ăn nào gây trẻ dị ứng sau khi ăn khoảng 1-3 ngày. Sau khi ngưng ăn món đó khoảng 1 tháng, trẻ không còn dấu hiệu dị ứng, chị có thể thử cho trẻ ăn lại món đó một ít và theo dõi có bị dị ứng nữa hay không. Nếu sau khi thử lại 3 lần vẫn bị dị ứng, thì chị nên ngưng món ăn đó trong nhiều tháng.  Bạn không nên kiêng khem quá nhiều các loại thực phẩm nghi ngờ bị dị ứng vì sợ trẻ bị thiếu chất.  Chị cũng có thể cho trẻ đến bệnh viện để thử máu, kiểm tra các nguyên nhân gây dị ứng để chủ động phòng ngừa cho trẻ.

Dạ cho hỏi bác sĩ em bé của con được 3 tháng lúc trước hay ị nhiều và ngủ 1 ngày 4 hay 5 giấc. Đến 3 tháng thì 3 ngày không ị toàn bơm hậu môn. Bé ngủ 1 ngày có 1 giấc thôi, hay chứng khóc. Người thì hay nóng nóng mà đo độ chỉ có 36 rưỡi hoặc 37 độ. Giờ con phải làm sao đây, xin bác sĩ cho con lời khuyên. Cảm ơn bác sĩ (Ngọc Bích, 30 tuổi, Bình Thạnh, TPHCM)

BS Khanh: Trẻ nhỏ nhất là trẻ bú mẹ có khi 3 4 5 7 ngày mới đi cầu nhưng phân mềm bình thường thì không có vấn đề gì chỉ cần xoa bụng theo chiều kim đồng hồ rồi bé sẽ tự đi. Khi bé ăn dặm (180 ngày) thì phân sẽ trở lại bình thường. Trẻ khó ngủ có thể do đói, có thể do nóng nực quá, có thể do quần áo chật quá, nên tìm hiểu các nguyên nhân này nếu trẻ không phơi nắng thì uống Vitamin D.

Thưa bác sĩ Thủy. Con tôi 18 tháng, ở nhà ăn đủ ba nhóm chất, nhưng từ hôm nằm viện điều trị bệnh viêm phổi tới nay đã 2 tuần cháu toàn ăn cháo của bệnh viện. Tôi thấy cháo bệnh viện nấu đơn diệu và rất thiếu rau. Không biết có đảm bảo cho bé đủ sức khỏe hay không? Về nhà nấu cháo cho con là tôi không thể rồi (Phạm Mỹ Lê, 24 tuổi, Thủ Dầu Một, Bình Dương)

Hay cham tre that ky khi mua nang den

BS Thủy: Nếu chị đặt cháo ở bệnh viện, cần yêu cầu bệnh viện nấu chén cháo đủ dinh dưỡng cho trẻ.  1 chén cháo đầy cần có 30 gram thực phẩm giàu đạm (Tương đương 2 muỗng canh lúp), 20 gram rau, 10 ml dầu ăn. Cần thay đổi các loại thực phẩm khác nhau trong ngày. Cho trẻ uống khoảng 600-800 ml sữa, với 3 chén cháo một ngày là đủ.  Cần cho trẻ ăn cả phần cái, phần xác của thực phẩm thì trẻ mới nhận đủ chất dinh dưỡng. Các loại nước hầm xương, nước luộc thịt, luộc rau là không chứa chất dinh dưỡng. Cần băm nhỏ thực phẩm để trẻ dễ nhai nuốt.

Chào bác sĩ con gái em 34 tháng. Ai cũng chê bụng bé quá to, nghi có giun sán. Tuy nhiên bé được uống thuốc xổ giun theo định kỳ ở trường nên em không cho uống thêm nữa. Xin hỏi, bụng bé to còn có thể do nguyên nhân gì nữa không? Xin cảm ơn bác sĩ (Lê Vân, 34 tuổi, Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM)

BS Khanh: Trẻ nhỏ nhiều khi thấy bụng to đó là bình thường, khi lớn cơ bụng cứng chắc thì mới hết to bụng. Nếu trẻ vẫn sinh hoạt, ăn uống, đi cầu bình thường thì không phải lo. Việc xổ giun nên thực hiện định kỳ 3-6 tháng một lần.

Bé nhà cháu được 1,5 tháng mà nước mắt ra nhiều và có ghèn. Cháu đưa đi khám BS kêu bị viêm nên cho thuốc VIGAMOX nhỏ và vệ sinh bằng nước muối sinh lý. Cháu nhỏ 4 ngày mà không thấy bớt. Lúc khám chỉ bị mắt phải bây giờ bị cả 2 mắt. Bác có loại thuốc nào nhỏ nhanh khỏi cho cháu xin toa thuốc. Cháu cảm ơn (Trần Thiên Thanh, 28 tuổi, Vĩnh Long)

BS Khanh: Nhỏ mắt cho trẻ rất khó, chỉ nên chờ trẻ ngủ rồi nhỏ nhẹ nhàng chứ khi trẻ thức không hợp tác, khóc bù lu bù loa thì nhỏ vào thuốc sẽ trôi ra ngoài hết và làm trẻ nặng thêm. Một số phụ huynh thường dùng khăn chậm tới chậm lui lại càng làm cho trẻ phù nề mắt thêm, chỉ lau nhẹ ghèn bằng bông sạch và bỏ luôn. Coi lại cách nhỏ và chăm sóc mắt nếu không bớt thì tái khám.

* Hôm Tết cháu nội tôi ăn cá ngừ bị ói, tôi mua cá tươi và chế biến sạch sẽ cho cháu ăn. Ba cháu nói do bà nội không bỏ phần đen bên thân cá nên bị ngộ độc. Điều này có đúng? (Lê Thị Liễu, 63 tuổi, đường Lê Văn Thịnh, Quận 2)

BS Thủy:Cá ngừ là loại cá biển có vị béo nên có thể bé không quen và bị nôn ói, bên cạnh trường hợp là cá bị hư, thiu, gây nôn ói do ngộ độc thức ăn. Khi mua cá cần lựa chọn cá tươi, thịt còn cứng, chắc, chế biến chín kỹ để giảm khả năng ngộ độc thực phẩm.  Bé cũng có thể bị nôn ói do dị ứng hoặc không tiêu hóa hấp thu được cá ngừ. Vì vậy, lần sau cần cho trẻ ăn một ít để kiểm tra khả năng dị ứng hay kém tiêu hóa.

Hay cham tre that ky khi mua nang den

Bác sĩ cho em hỏi bé 14 tháng đi tắm biển thì cần lưu ý những gì để phòng bệnh say nắng (Thanh, 32 tuổi, TP.HCM)

BS Khanh: Trẻ nhỏ không nên tắm biển khi trời nắng nóng, nên tắm trước 10h sáng, hoặc từ 15-17h. Không cho trẻ ở dưới nước liên tục quá 15-20 phút. Tổng cộng không cho trẻ tắm quá 30 phút. Khi tắm biển, trẻ nhỏ nên mặc luôn quần áo mà tắm.

Mùa nắng nóng, bỗng dưng da con tôi nổi mẩn ngứa. Bác sĩ ở quê nói chỉ cần tắm nước nóng vài ngày là hết. Đúng như vậy, tôi tắm xong thì hết ngứa, mẩn đỏ không còn. Nhưng như vậy có khi nó hết giả tạo không bác sĩ? (Mai Thị Lan, 32 tuổi, Bình Đại, Bến Tre)

BS Khanh: Nếu tắm xong mà hết thì thường là do da ẩm, nếu do giả tạo thì chắc chắn sẽ tái lại.

Thưa bác sĩ, bé mấy tuổi có thể ăn rong biển của Nhật, Hàn. Ăn nhiều có bị thiếu máu? (Lan Huê, 43 tuổi, quận Bình Tân, TP.HCM)

BS Thủy: Sau khi tập cho bé ăn dặm khoảng sau 6 tháng tuổi, có thể thử cho ăn các loại thực phẩm khác nhau với điều kiện có thể cắt nhỏ nấu chín mềm, để hòa trong bột. Với rong biển có thể cho ăn vào khoảng 7-8 tháng tuổi, cần ngâm mềm, cắt nhỏ,...  Rong biển có thể ăn như một loại rau, nên chỉ ăn khoảng 1-2 muỗng canh trong một chén.  Nên thay đổi với các loại rau củ, bí, bầu khác không nên ăn hoài rong biển.  Ăn rong biển không gây thiếu máu.

Hay cham tre that ky khi mua nang den

Tôi đã cho con ăn dặm từ nhỏ kiểu không nêm gia vị tức ăn lạt, không muối, đường. Tuy nhiên vừa rồi đi xin học cho con, tôi tham quan nhà bếp trường mầm non nào cũng thấy mỗi bữa họ nêm cả ký đường vào thức ăn. Muối cũng rất nhiều, vị mặn như cho người lớn ăn. Con tôi mới 15 tháng, ăn khẩu vị người lớn có ảnh hưởng gì không? (Bé Bông - Quán cơm tấm ở Tân Phú, 39 tuổi, quận Tân Phú, TP.HCM)

BS Thủy: Trẻ em tuổi mầm non đã có hệ tiết niệu trưởng thành (thận) nên có thể nêm nếm thức ăn bằng gia vị như muối, mắm, đường,... cho trẻ.  Với trẻ em cần nêm nếm gia vị nhạt hơn lưỡi của người lớn. Việc nêm nếm gia vị chỉ để cho trẻ ăn ngon miệng, đảm bảo đủ khẩu phần ăn hàng ngày. Gia vị thường không bổ dưỡng, không nên lạm dụng ăn quá nhiều.  Cho trẻ ăn quá mặn làm cho trẻ có thói quen ăn mặn tăng dần sẽ không có lợi cho thận của trẻ. Lâu dài có thể dẫn đến tăng huyết áp.

Con tôi 12 tháng chưa biết ăn cơm hột. Tôi cho ăn gì cứng là cháu nhè ra. Tôi phải làm cách nào để tập cho con ăn? (Mẹ Socola, 36 tuổi, TP.HCM)

BS Thủy: Bé 12 tháng chỉ nên cho ăn bột, cháo, có thể tập dần các loại bún, hủ tiếu, phở, mỳ, nui,... Trẻ 2 tuổi mới mọc đủ 20 răng sữa, có răng hàm để nhai cơm. Trẻ 12 tháng thường chưa có răng hàm để nhai nên không thể ăn những món gì cứng. Cần băm nhỏ thịt, cá, rau,... khi cho vào chén bột cháo của trẻ. Các loại trái cây cần lấy muỗng để nạo nhuyễn hoặc dầm nát trước khi cho trẻ ăn. 

Báo Phụ Nữ

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC