Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, bệnh tay chân miệng đang vào mùa, số ca bệnh trong tháng 9 tăng gấp đôi tháng 8.
Cụ thể, trong tháng 9, số ca mắc tay chân miệng là 6.573 ca, tăng gấp 2 lần so với tháng 8. Số ca tích lũy 9 tháng đầu năm là 14.990 ca.
Cao điểm của bệnh tay chân miệng thường rơi từ tháng 8 đến tháng 11. Trong khi đó, bệnh rất dễ lây nhiễm nhưng lại chưa có vắc xin phòng ngừa.
Để bảo vệ trẻ trước mùa dịch bệnh tay chân miệng, lúc 9 giờ sáng nay 15/10/2019 (thứ Ba), báo điện tử Phụ Nữ TP.HCM - http://www.phunuonline.com.vn tổ chức buổi giao lưu trực tuyến “Tay chân miệng vào mùa, làm sao để con bạn an toàn?”, với sự tư vấn của bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM và bác sĩ Lê Hồng Nga - Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM.
Mời bạn đọc tham gia đặt câu hỏi tại đây
Bà Tạ Thị Nam Hồng - Phó tổng biên tập Báo Phụ Nữ TP.HCM - tặng hoa cho bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 và bác sĩ Lê Hồng Nga - Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM tại buổi giao lưu trực tuyến Tay chân miệng vào mùa: Làm sao để con bạn an toàn? |
NỘI DUNG GIAO LƯU
* Thưa bác sĩ Khanh. Tôi nghe nói bệnh tay chân miệng chỉ xảy ra với trẻ em, nhưng vừa rồi em gái tôi bị nổi nốt phồng ở bên trong miệng kèm theo sốt, nôn ói, đau họng, nhức mình… Đi bệnh viện khám, bác sĩ nói em tôi bị tay chân miệng. Xin hỏi, vì sao người lớn cũng mắc bệnh này, triệu chứng là gì và làm cách nào để tránh? Xin cảm ơn. (Trịnh Tú Văn, 35 tuổi, Cao Lãnh, Đồng Tháp)
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1:
Bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ em dưới 3 tuổi. Tuy nhiên, trong trường hợp bệnh có nhiều người mắc thì người lớn cũng có thể bị. Nhưng người lớn bị thì triệu chứng sẽ nhẹ hơn, hiếm khi có biến chứng.
Trường hợp của em gái bạn có thể là tay chân miệng nhưng nếu kèm theo triệu chứng sốt cao, nôn ói, đau nhức mình mẩy thì có thể là do virus khác vì tay chân miệng ở người lớn rất nhẹ và thường thoáng qua, tự khỏi.
* Chào bác sĩ Trương Hữu Khanh. Tôi đang mang thai ở tháng thứ 5. Hiện nơi tôi ở đang có nhiều trẻ bị tay chân miệng, tôi lo mình bị lây. Nếu tôi bị tay chân miệng thì có ảnh hưởng đến thai nhi không, liệu con tôi sinh ra có bị dị tật? (Lê Liêu Lan, 32 tuổi, Định Quán, Đồng Nai)
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1:
Đa số các trường hợp phụ nữ mang thai mắc bệnh tay chân miệng đều không ảnh hưởng tới thai nhi. Chỉ những người phụ nữ vừa sanh xong mà mắc tay chân miệng thì có thể lây cho trẻ sơ sinh.
Trường hợp của bạn cũng nên phòng ngừa bằng cách rửa tay sau khi nghi ngờ tay của mình có mang mầm bệnh, ví dụ như đến nơi có trẻ bị bệnh, chăm sóc trẻ bị bệnh.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh thăm khám cho một trẻ mắc bệnh tay chân miệng |
* Thưa bác sĩ Lê Hồng Nga. Người lớn mắc bệnh tay chân miệng thì biểu hiện, mức độ bệnh và di chứng có khác với trẻ em không? Tôi bị loét miệng, sốt, nổi ban, tiêu chảy 3 ngày nay. Liệu tôi có bị viêm màng não do mắc bệnh này? (Lê Ngọc Huyền, 28 tuổi, Hòa Thành, Tây Ninh)
- Bác sĩ Lê Hồng Nga - Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM:
Bệnh tay chân miệng chủ yếu xuất hiện ở trẻ em, rất hiếm khi ghi nhận bệnh ở người lớn.
Các triệu chứng của bạn có thể do những nguyên nhân khác. Bạn nên đi khám bệnh để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
* Làm thế nào để phòng ngừa bệnh tay chân miệng cho trẻ? (Kiều Mai, Tây Ninh)
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1:
Chào bạn.
Chuyện này đã bàn rất lâu. Cơ bản là rửa tay và cách ly trẻ bệnh. Người lớn và trẻ em đều phải rửa tay. Người lớn rửa tay trước khi chăm sóc trẻ, sau khi đi đến vùng có bệnh về. Trẻ em rửa tay trước khi vô lớp, sau khi ra khỏi lớp, trước khi vào nhà. Cách làm này để cắt nguồn lây từng vùng này sang vùng khác.
Trẻ mắc bệnh cần được phát hiện sớm và cách ly ít nhất 10 ngày. Do đó, trẻ có đi học thì khi mắc bệnh nên ở nhà và báo ngay cho cô giáo để thực hiện các biện pháp phòng ngừa tại trường, tránh lây lan cho trẻ khác.
Nơi trẻ mắc bệnh, để tiêu diệt nguồn virus tồn tại nên rửa đồ chơi, sàn nhà, tay nắm cửa và các vật dụng có thể mang mầm bệnh bằng dung dịch sát trùng.
* Bé mắc bệnh tay chân miệng có cần kiêng khem gì không? (Trần Minh, Bình Dương)
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1:
Trẻ mắc bệnh tay chân miệng không cần kiêng khem gì cả. Các mụn nước ở da của trẻ cần được tắm rửa sạch sẽ như khi chưa mắc bệnh. Chỉ những trường hợp trẻ lở miệng, đau nhiều thì không nên ăn thức ăn quá nóng, quá mặn, quá cay, quá cứng.
Trẻ có biểu hiện sốt, loét miệng hoặc nổi mụn nước lòng bàn tay, bàn chân, mông... cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất |
* Thưa bác sĩ Lê Hồng Nga. Bệnh tay chân miệng chỉ xuất hiện theo mùa, hết mùa thì không có bệnh này nữa phải không? Bệnh này lây truyền ra sao? (Võ Quân Anh, 32 tuổi, Sông Pha, Ninh Thuận)
- Bác sĩ Lê Hồng Nga - Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM:
Bệnh tay chân miệng là bệnh lưu hành tại Việt Nam. Bệnh xuất hiện ở tất cả các tháng trong năm, cao điểm vào tháng 3 - 4 và tháng 9 đến cuối năm.
Bệnh lây truyền qua đường phân và đường miệng. Virus gây bệnh có trong phân và dịch tiết hô hấp của người bệnh hoặc người mang mầm bệnh. Người lành tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc cầm nắm, chạm tay vào những đồ vật hoặc bề mặt nhiễm dịch tiết mang virus sẽ nhiễm bệnh.
Vì vậy để phòng bệnh, mọi người cần hạn chế tiếp xúc với người bệnh và rửa tay bằng xà phòng. Đối với nhà có trẻ em dưới 5 tuổi và các trường mầm non, cần vệ sinh đồ chơi và các bề mặt trẻ thường tiếp xúc bằng các chất khử khuẩn thông thường như javel.
* Các nốt phỏng nổi cộm lên mặt da khi bong tróc có để lại vết sẹo như bệnh trái rạ không? (Thuỳ Linh, quận 3, TP.HCM)
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1:
Chào bạn,
Tay chân miệng không để lại sẹo. Nốt này sẽ tự lành trong vòng 7-10 ngày, sau đó da có thể thâm nhưng mờ dần và da sẽ trở lại bình thường.
Ngoại trừ trường hợp phụ huynh làm bội nhiễm do không tắm rửa, dùng vật nhọn chọc vào mụn nước gây nhiễm trùng mới có thể nhiễm trùng da nặng và để lại sẹo, nếu chăm sóc bình thường sẽ không để lại sẹo.
* Bệnh tay chân miệng có thuốc đặc trị để điều trị không? (Văn Dương, Bến Tre)
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1:
Hiện nay bệnh tay chân miệng chưa có thuốc đặc trị, chỉ có thuốc hỗ trợ khi có biến chứng giúp cho trẻ mắc bệnh vượt qua giai đoạn nặng, sau đó tự hồi phục.
* Thưa bác sĩ Trương Hữu Khanh. Vừa rồi tôi có chuyến đi công tác ở miền Tây. Về nhà được 2 ngày, trên tay tôi xuất hiện nhiều mụn nhỏ rất ngứa, sau đó mọng nước thành giề lớn. Có phải đây là triệu chứng của bệnh tay chân miệng? Tôi nên uống thuốc gì để chữa? (Nguyễn Thị Nhật Minh, 46 tuổi, Bình Dương)
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1:
Theo mô tả của bạn thì triệu chứng này không phải là tay chân miệng. Mụn nước kèm ngứa nhiều và mề có khả năng là do dị ứng da.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM trả lời giao lưu trực tuyến Tay chân miệng vào mùa: Làm sao để con bạn an toàn? |
* Tôi nghe nói, bệnh tay chân miệng lưu hành quanh năm nhưng thường ghi nhận số mắc cao vào các tháng 9,10,11. Vì sao bệnh thường tăng cao vào các tháng này? (Nguyễn Thành An, Long An)
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1:
Thông thường, bệnh tay chân miệng xuất hiện 1 năm có 2 chu kỳ, trẻ mắc bệnh nhiều là từ tháng 4 đến tháng 7, sau đó từ tháng 9 đến tháng 12. Có năm thì đỉnh đầu nhiều bệnh hơn nhưng đa số thì đỉnh sau bệnh nhiều. Còn lại các tháng trong năm thì bệnh chỉ xảy ra rải rác.
* Chào bác sĩ Trương Hữu Khanh. Con tôi đang bị tay chân miệng. Ra hiệu thuốc, người ta chỉ cho loại giảm đau, bảo từ từ sẽ khỏi bệnh. Xin bác sĩ tư vấn giúp: tôi cần cho cháu uống thêm thuốc gì? Nên ăn uống ra sao để mau khỏi bệnh? Xin cảm ơn. (Lê Lam Bình, 51 tuổi, Hóc Môn, TP.HCM)
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1:
Nếu tay chân miệng mà không có tổn thương ở miệng thì trẻ sẽ không đau, các sang thương ở da cũng không gây ngứa, gây đau.
Thuốc giảm đau có thể giúp giảm đau miệng, ngoài ra có thể sử dụng các loại thuốc ngậm để giúp giảm đau miệng khi trẻ lở loét nhiều. Các thuốc này cũng nên uống theo chỉ định của bác sĩ.
* Thưa bác sĩ Lê Hồng Nga. Tôi là tổ trưởng dân phố. Nghe nói bây giờ đang là mùa của bệnh tay chân miệng. Tôi nên làm gì để tuyên truyền cho người dân trong khu phố biết cách phòng ngừa bệnh? (Trịnh Tú Văn, 53 tuổi, Bình Thạnh, TP.HCM)
- Bác sĩ Lê Hồng Nga - Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM:
Tay chân miệng là bệnh lây qua tiếp xúc, hiện nay chưa có vắc xin dự phòng. Các biện pháp phòng bệnh chủ yếu là cách ly bệnh nhân và rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đồng thời vệ sinh đồ chơi, bàn ghế, sàn nhà và các bề mặt trẻ có thể chạm đến.
Với vai trò tổ trưởng dân phố, anh cần hướng dẫn các gia đình có trẻ dưới 5 tuổi thực hiện các biện pháp phòng bệnh như nói ở trên. Rất cảm ơn sự quan tâm của anh.
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1:
Tỷ lệ tử vong ở tay chân miệng hiện nay giảm rất nhiều so với 5-10 năm trước.
Nếu trẻ được phát hiện bệnh sớm, các biến chứng và độc lực của virus không cao thì đa số các trẻ đều hồi phục hoàn toàn dù có biến chứng nặng.
Bác sĩ Lê Hồng Nga - Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM trả lời giao lưu trực tuyến Tay chân miệng vào mùa: Làm sao để con bạn an toàn? |
* Thưa bác sĩ. Nhà tôi có 2 bé, một bé bị tay chân miệng thì bé còn lại có khả năng bị cao không thưa bác sĩ, có phải cách ly 2 bé không? Nếu không thì làm cách nào để bé còn lại không bị lây? (Lê Thị Vân, TP.HCM)
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1:
Chào bạn,
Bạn nên cách ly đủ 10 ngày, đặc biệt là bé thứ hai dưới 3 tuổi vì không có cách nào khác. Nếu ở chung thì khả năng lây rất cao.
Ngoài chuyện cách ly, bạn cũng phải thực hiện cách phòng ngừa để diệt các virus còn lại trong môi trường như vệ sinh sàn nhà, đồ chơi, cạnh bàn... bằng dung dịch sát khuẩn.
* Có thể phát hiện ra trẻ bị bệnh tay chân miệng khi bé đang trong thời kỳ ủ bệnh không thưa bác sĩ? (Minh Ánh, Đồng Nai)
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1:
Chào bạn,
Trong thời kỳ ủ bệnh, không thể biết trẻ có mắc bệnh tay chân miệng không. Muốn phát hiện sớm trẻ mắc tay chân miệng thì đến mùa có bệnh bạn nên thường xuyên kiểm tra lòng bàn tay, họng, gối, mông của bé để phát hiện sớm các mụn nước.
Nếu trẻ than đau miệng, chảy nước miếng nhiều thì cha mẹ phải kiểm tra vì đây có thể là triệu chứng của tay chân miệng.
* Thưa bác sĩ. Con em 3 tuổi rưỡi đang bị tay chân miệng. Vậy em phải vệ sinh nhà cửa, đồ chơi và quần áo như thế nào? (Hoàng Ngọc Minh, Hà Nội)
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1:
Chào bạn,
Quan trọng nhất là đồ chơi và sàn nhà. Đồ chơi thì rửa sạch bằng xà phòng hay dung dịch javel, sau đó phơi nắng. Sàn nhà thì dùng dung dịch sát trùng. Quần áo thì chỉ cần giặt sạch như bình thường.
Bạn có thể liên lạc với trạm y tế gần nhất để nghe những hướng dẫn chi tiết về các dung dịch sát trùng có thể dùng trong bệnh tay chân miệng.
Bệnh tay chân miệng những ngày qua tăng nhẹ, đa số trẻ ở độ tuổi 2-6 tuổi |
* Cháu nhà em đã mắc bệnh tay chân miệng năm ngoái. Năm nay vẫn đang đi học mẫu giáo. Em xin hỏi bác sĩ là với các cháu đã mắc bệnh tay chân miệng rồi thì có khả năng tái bệnh lại không? Cảm ơn bác sĩ. (Thanh Lan, Vũng Tàu)
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1:
Tay chân miệng do nhiều loại virus khác nhau gây ra. Nên dù đã mắc 1 lần, bé vẫn có thể mắc lại. Do đó việc phòng ngừa thường xuyên là rất quan trọng, bạn nên chú ý.
* Thưa bác sĩ. Bé bị tay chân miệng sau khi hết sốt, không còn nổi mụn nước thì cho bé đi học lại được chưa, hay phải chờ lặn hết các chấm đỏ? (Hoàng Thị Thu, quận Phú Nhuận, TP.HCM)
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1:
Chào bạn,
Chỉ nên cho trẻ đi học sau 10 ngày phát hiện bệnh. Dù không sốt, mụn đã khô, nhưng chưa đủ 10 ngày thì cơ thể bé vẫn có thể phát tán virus ra môi trường xung quanh và lây cho trẻ khác.
* Thưa bác sĩ Lê Hồng Nga. Tôi là giáo viên mầm non. Do trong lớp có trẻ bị bệnh tay chân miệng nên tôi bị lây. Xin hỏi, tôi cần làm gì để không lây tiếp cho người trong gia đình. Tôi có cần vệ sinh nơi ở như phun thuốc diệt muỗi, phát quang bụi rậm không? Tôi có cần cách ly khỏi các thành viên khác trong nhà? (Lê Lam, 31 tuổi, Bến Lức, Long An)
- Bác sĩ Lê Hồng Nga - Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM:
Bệnh tay chân miệng rất hiếm gặp trên người lớn. Tuy nhiên bàn tay người lớn là trung gian truyền bệnh cho các trẻ khác qua quá trình chăm sóc trẻ.
Để phòng bệnh cho mọi người trong gia đình, cô giáo cần tuân thủ việc rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt rửa tay trước khi rời nơi làm việc và ngay khi về đến nhà.
Nếu bản thân bạn có xuất hiện các triệu chứng bất thường thì nên đi khám bệnh để được chẩn đoán và điều trị phù hợp. Nếu được chẩn đoán là bệnh truyền nhiễm, bạn phải thực hiện cách ly theo hướng dẫn của bác sỹ.
Diệt muỗi, diệt lăng quăng là những việc rất cần làm để phòng bệnh sốt xuất huyết, một bệnh truyền nhiễm cũng đang vào mùa cao điểm hiện nay.
* Con tôi đang bị bệnh tay chân miệng nằm ở bệnh viện. Tôi có nên cho đứa em 4 tuổi của cháu vào thăm? Rửa tay mình và con bằng xà phòng diệt khuẩn thì liệu có thể yên tâm hay không thưa bác sĩ? (Thu Đường, Bình Phước)
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1:
Bạn không nên cho trẻ vào thăm dù là với các bệnh không lây nhiễm vì môi trường bệnh viện nhi có nhiều nguồn lây, có thể làm cho trẻ lành mạnh mắc bệnh.
Muốn các bé gặp nhau, bạn nên chờ bé khỏe hẳn về nhà. Chuyện này cũng nên áp dụng cho người lớn. Hiện nay, 1 người mắc bệnh có rất nhiều người khác đến thăm sẽ làm cho môi trường của bệnh viện không còn an toàn cho việc chăm sóc bệnh nhân, có thể những người này là nguồn phát tán bệnh từ bệnh viện ra môi trường bên ngoài.
Toàn cảnh buổi giao lưu trực tuyến Tay chân miệng vào mùa: Làm sao để con bạn an toàn? |
* Thưa bác sĩ. Thời gian lây lan nhiều của bệnh tay chân miệng là trước khi sốt, nổi mụn nước hay là khi bé sốt và có nổi mụn nước? Sau khi hết sốt, trong giai đoạn hồi phục có lây không, có phải cách ly không? (Nguyễn Thúy Ái, Dĩ An, Bình Dương)
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1:
Chào bạn. Bệnh sẽ tự hồi phục từ 7 - 10 ngày và sẽ không còn lây bệnh sau 10 ngày.
Các triệu chứng liên quan tới mụn nước và sốt không có giá trị cho việc hết bệnh hay hết lây.
* Bác sĩ Khanh cho em hỏi, dấu hiệu nào cho thấy bé đã khỏi bệnh tay chân miệng. Cách đây 3 bữa, con gái em đến Bệnh viện Nhi đồng 1 khám và bác sĩ nói về nhà theo dõi. (Đỗ Thị Lệ Thủy 35 tuổi, quận 5, TP.HCM)
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1:
Chào bạn.
Dấu hiệu bớt bệnh là bé từ sốt cao sau đó hạ sốt dần cho đến hết sốt; mụn nước không nổi thêm và khô dần.
Dù các triệu chứng đã giảm nhưng bạn vẫn cần theo dõi các biến chứng như giật mình chới với, sốt cao liên tục, run chi. Chỉ khi nào đủ 7-10 ngày thì mới là thời gian an toàn, không biến chứng.
Thường bác sĩ cho về là do bé ở độ nhẹ hoặc độ nặng đã giảm. Khi bé về, bác sĩ sẽ dặn dò theo dõi và tái khám nếu cần.
* Thưa bác sĩ. Bé bị tay chân miệng, sốt, nổi mụn nước trong miệng, tay chân nhưng không nhiều, sau 3 ngày hết sốt, sau 1 tuần bé khỏe ăn uống bình thường lại. Như vậy em cho bé đi học được chưa? Bé khỏe hẳn chưa, có phải theo dõi di chứng gì không? (Lê Thị Thùy Dương, quận Bình Chánh, TP.HCM)
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1:
Chào bạn. Từ khi con bạn phát hiện cho đến 10 ngày thì mới nên cho bé đi học vì nếu không đủ 10 ngày, dù có hết sốt, mụn đã lặn nhưng vẫn có thể lây cho trẻ khác.
* Thưa bác sĩ Lê Hồng Nga. Chỉ có trẻ em mới mắc bệnh tay chân miệng phải không ạ? Vợ tôi là giáo viên mầm non, tối qua cô ấy sốt nhẹ, kêu đau nhức mình, ở miệng xuất hiện vài nốt nhỏ. Vợ tôi nói chắc lây tay chân miệng của học sinh trong lớp. Nhưng tôi trấn an cô ấy là người lớn không bị bệnh này. Nhân có buổi giao lưu, xin được tư vấn thêm. Cảm ơn. (Trần Trung Dũng, 35 tuổi, Vĩnh Long)
- Bác sĩ Lê Hồng Nga - Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM:
Bệnh tay chân miệng chủ yếu xảy ra ở trẻ em. Triệu chứng bạn mô tả có thể do những tác nhân khác.
* Xin bác sĩ chia sẻ, trẻ tay chân miệng không nên cho ăn thức ăn cứng, không ăn thức ăn cay thì cụ thể là những món nào? Tôi cho cháu nội ăn món gì thì con dâu cũng nói bác sĩ không cho ăn cay, cứng, mà tôi không biết cụ thể vài món. Vợ chồng nó đi làm suốt, tôi nuôi cháu bệnh mà cũng bị la. (Lê Tố Loan, 55 tuổi, quận 1, TP.HCM)
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1:
Chỉ khi nào bé bị lở miệng gây đau thì mới bàn tới chuyện kiêng ăn cứng, nóng, cay. Có 1 số trẻ lở miệng, đau ít vẫn có thể ăn được đồ cứng mà không làm đau thêm, nên chị vẫn cho cháu ăn theo nhu cầu của trẻ.
* Thưa bác sĩ Trương Hữu Khanh. Bệnh tay chân miệng là bệnh gì? Hình thức lây nhiễm của bệnh này là gì? Triệu chứng của bệnh? Bệnh thường xảy ra ở độ tuổi nào? (Lương Thùy Minh Yến, quận 7, TP.HCM)
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1:
Bệnh tay chân miệng là bệnh tay chân miệng. Do tính chất sang thương mà người ta gọi là tay chân miệng.
Triệu chứng của bệnh là các bóng nước nổi ở lòng bàn tay, bàn chân, mông, gối và miệng. Bệnh thường xảy ra ở trẻ dưới 3 tuổi. Tuy nhiên với lứa tuổi khác thì cũng có thể mắc bệnh.
Bệnh này lây qua đường tiêu hóa nhưng nguồn chứa virus nhiều nhất là chất tiết từ vùng hầu họng, nước miếng phát tán ra môi trường xung quanh thông qua vật dụng và bàn tay.
* Bé nhà em bị sốt nhẹ, nổi các mụn nước ở chân, tay. Em đưa bé đi khám thì bác sĩ nói là bệnh tay chân miệng. Bác sĩ có kê thuốc uống và thuốc bôi cho bé. Xin hỏi, em có cần lưu ý những gì trong thời gian bé mắc bệnh không ạ? Cảm ơn bác sĩ. (Quang Thanh, Đồng Tháp)
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1:
Theo tôi, các vết da, các sang thương ở da không cần bôi gì cả, sang thương này sẽ tự khỏi thôi. Việc sử dụng thuốc uống thường chỉ là thuốc giảm đau do đau miệng nhiều hay thuốc bôi để làm giảm loét miệng. Kháng sinh chỉ cần khi vết loét ở miệng bội nhiễm, ngoài ra không cần uống thuốc gì cả.
* Thưa bác sĩ Lê Hồng Nga. Tay chân miệng là bệnh gì? Có để lại di chứng gì nguy hiểm đến tính mạng không? Nghe nói người lớn mắc bệnh này thì không nguy hiểm bằng trẻ em? (Nguyễn Minh Châu, 32 tuổi, Bình Chánh, TP.HCM)
- Bác sĩ Lê Hồng Nga - Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM:
Tay chân miệng là bệnh do các virus thuộc họ virus đường ruột gây ra. Bệnh cấp tính với các triệu chứng điển hình như sốt, mụn nước ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông, loét miệng. Bệnh tự khỏi sau vài ngày, không để lại di chứng.
Tuy nhiên trong thời gian bệnh cần theo dõi sát để phát hiện sớm các biến chứng nặng, có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không xử trí kịp thời. Người lớn cũng có thể bị bệnh nhưng hiếm.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 và bác sĩ Lê Hồng Nga - Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM tham gia giao lưu trực tuyến Tay chân miệng vào mùa: Làm sao để con bạn an toàn? |
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1:* Thưa bác sĩ Trương Hữu Khanh. Xin bác sĩ cho biết bệnh tay chân miệng hiện nghiêm trọng đến mức nào? Độ tuổi nào hay gặp tay chân miệng nhất và làm thế nào để phát hiện sớm bệnh này. Xin cảm ơn. (Huỳnh Thu Nguyệt, quận Phú Nhuận, TP.HCM)
Hiện nay tay chân miệng đang vào mùa. Tuy nhiên cũng không cao bằng những năm 2011, 2012. Thỉnh thoảng cũng có ca nhập viện với độ nặng.
Đây là đầu mùa nên bệnh còn có thể tăng, do vậy tất cả mọi người đều phải cảnh giác và cùng phòng ngừa tránh lây lan thì số bệnh mới không tăng thêm.
Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi. Trẻ nổi bóng nước, loét miệng thì nên đi khám để xem có phải tay chân miệng không.
- Bác sĩ Lê Hồng Nga - Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM:
Thời gian lây nhiễm của bệnh tay chân miệng khoảng 10 ngày kể từ ngày khởi bệnh. Sau thời gian này bệnh nhân không còn lây bệnh cho người khác nữa. Tiếp xúc trực tiếp với người bệnh trong thời gian lây nhiễm sẽ có khả năng bị bệnh. Em cần thực hiện rửa tay thường xuyên bằng xà phòng để bảo vệ bản thân không bị tay chân miệng và nhiều bệnh khác.
Nếu bị tay chân miệng, em nên nghỉ học, hạn chế tiếp xúc với người khác, nếu thấy có các biểu hiện nặng hơn thì nên đến các bệnh viện để được điều trị.
* Thưa bác sĩ Trương Hữu Khanh. Tôi đang chăm sóc cháu nhỏ, là con của chị gái, mắc bệnh tay chân miệng được 5 ngày nay. Tối qua tôi thấy ớn lạnh, người hơi sốt nhẹ, đau nhức mình và hơi đau trong khoang miệng. Liệu tôi có bị lây bệnh từ cháu mình không? Tôi phải làm sao? (Nguyễn Lệ Bình, 25 tuổi, Bình Thạnh, TP.HCM)
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1:
Rất có thể. Để xác định việc này bạn nên đi khám bệnh vì người lớn vẫn có thể bị mắc tay chân miệng tuy hiếm gặp.
* Thưa bác sĩ. Cháu của tôi lúc 8 tháng đã bị tay chân miệng 1 lần, giờ 4 tuổi lại bị 1 lần nữa. Lần đầu phải nhập viện, cũng may lần này bị nhẹ nên cháu được chăm sóc ở nhà và không bị biến chứng nặng hơn. Vậy khả năng 1 bé có thể bị tay chân miệng mấy lần trong đời? (Nguyễn Đỗ Hà My, quận 1, TP.HCM)
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1:
Trẻ có thể mắc tay chân miệng nhiều lần cho đến khi hơn 3 tuổi thì mới giảm khả năng mắc bệnh. Do vậy việc phòng ngừa phải thực hiện thường xuyên.
Bạn nên tìm hiểu thêm về cách phòng ngừa bệnh, cũng như theo dõi nhằm phát hiện sớm dấu hiệu bệnh để chăm sóc cho bé tốt hơn.
* Bệnh tay chân miệng có ngứa không bác sĩ, sao con gái em gãi quanh nốt nổi ụ ụ ở lòng bàn chân. (Đinh Tấn Huy, 37 tuổi, Bến Tre)
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1:
Bản chất của bệnh tay chân miệng không gây ngứa. Một vài trẻ có cơ địa dị ứng thì có thể bị ngứa nơi bóng nước, nhưng nguyên nhân thường thấy nhất là có thể vệ sinh chưa đủ sạch hoặc do kiêng tắm làm cho trẻ ngứa ngáy khó chịu.
* Thưa bác sĩ. Bé bị tay chân miệng thường bị nổi các mụn nước ở tay và chân. Phải chăm sóc da cho bé như thế nào để tránh bé gãi khiến vỡ mụn gây bội nhiễm? Xin cám ơn. (Lê Thùy Linh, Đà Lạt)
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1:
Mụn nước của tay chân miệng rất khó bội nhiễm. Vệ sinh tắm rửa bằng xà phòng cho bé giống như khi chưa mắc bệnh, cắt móng tay thì sẽ khó mà bội nhiễm được.
* Có vắc xin phòng bệnh tay chân miệng không thưa bác sĩ? (Bạch Thị The, Đồng Tháp)
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1:
Vắc xin phòng bệnh tay chân miệng hiện nay chỉ có Trung Quốc sản xuất nhưng không nhập về Việt Nam.
Hiện nay, ở Việt Nam đang thử nghiệm giai đoạn 3 loại vắc xin của Đài Loan tại 2 tỉnh miền Tây là Đồng Tháp và Tiền Giang. Nếu thử nghiệm này tốt thì có lẽ vào năm 2022, vắc xin này mới có ở thị trường Việt Nam.
* Thưa bác sĩ. Khi bé bị tay chân miệng thì cần phải kiêng những gì? (Trần Ngọc Mai, Khánh Hòa)
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1:
Bạn không cần kiêng cữ gì cả. Nếu trẻ đau miệng thì hạn chế ăn thức ăn nóng, cứng, cay.
* Cháu nhà em 3 tuổi, đi học bị lây tay chân miệng từ bạn. Em đã cho đi khám, bôi và uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Em xin hỏi cách vệ sinh quần áo, đồ chơi của trẻ để tránh lây lan khi trẻ mắc bệnh tay chân miệng như thế nào ạ? (Linh Lan, An Giang)
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1:
Chào bạn. Quần áo thì bạn cứ giặt như bình thường. Đồ chơi thì rửa sạch bằng nước sát trùng hay xà phòng và đem phơi nắng. Sàn nhà, dụng cụ sinh hoạt cũng nên vệ sinh bằng dung dịch sát khuẩn.
* Bác ơi, con cháu đang bị tay chân miệng khoảng 3 ngày nay. Nhiệt độ bé không cao, khoảng 38 độ nhưng nổi cỡ chục nốt mụn nước, không nổi ban, nổi bông trên người nhưng sao vết bóng nước vỡ ra rồi sáng hôm sau lại phồng lại. Cháu cho bé uống vitamin C, vậy có cần cho bé uống vitamin PP nữa không ạ? (Trần Ngọc Anh, Đồng Nai)
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1:
Bạn không cần dùng vitamin PP cho trẻ vì vitamin này không giúp gì cho bệnh mà có vị đắng, uống vào có thể làm đau miệng thêm. Chỉ cần cho trẻ uống nhiều nước. Các mụn nước vỡ ra rồi phồng lại thì coi chừng không phải là tay chân miệng mà là nhiễm trùng da. Bạn nên cho bé tái khám.
Có bé mắc tay chân miệng bốn, năm lần do người lớn chủ quan nghĩ bé vừa khỏi bệnh sẽ không bị lại |
* Con em năm nay bắt đầu đi học ở trường mẫu giáo. Em chú ý vấn đề vệ sinh của bé, đi học về là rửa tay, tắm rửa kỹ bằng xà bông. Xin hỏi bác sĩ như vậy có phòng bệnh tay chân miệng triệt để chưa ạ? (Quế Anh, Huế)
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1:
Bạn làm như vậy thì rất tốt. Trước khi cho trẻ vào lớp cũng nên rửa tay, ra khỏi lớp cũng rửa tay, về tới nhà tiếp tục rửa tay thì khả năng phòng ngừa sẽ rất cao.
Điều quan trọng hơn ở nhà trẻ là phải phát hiện bé mắc bệnh và đề nghị bé nghỉ học mới cắt được nguồn lây.
* Dạo gần đây con tôi đi học với nhóm trẻ tại trường mầm non thì có một bé gái mắc bệnh tay chân miệng. Hiện tại cháu bé nhà tôi có vài nốt đỏ và loét trong miệng. Tôi không biết là cháu có mắc bệnh tay chân miệng không? Xin cám ơn bác sĩ. (Thủy Trúc, TP.HCM)
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1:
Muốn xác định bé có mắc tay chân miệng không, bạn nên cho trẻ đi khám bác sĩ gần nhà. Khả năng con bạn mắc tay chân miệng rất cao vì đã tiếp xúc với trẻ mắc bệnh và có thêm dấu hiệu nghi ngờ.
* Bác sĩ cho em hỏi, trẻ bị tay chân miệng thì bao lâu sẽ hết lây cho người khác? Con gái em có thân với một bạn chung lớp, giờ bạn đó bị tay chân miệng nên em rất lo. (Đỗ Ngọc Diệp, 33 tuổi, Dĩ An, Bình Dương)
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1:
Chào bạn. Sau 10 ngày mắc bệnh thì bé sẽ không còn khả năng lây cho trẻ khác. Cho nên, khi trẻ mắc bệnh thì phải nghỉ học ít nhất 10 ngày.
* Bé nhà cháu 3 tuổi bị tay chân miệng, có nhiều vết loét trong miệng, kêu đau miệng, không chịu ăn uống, sữa cũng uống ít hơn mọi khi, nhưng ngủ thì bình thường không giật mìn. Bé sốt 38,5 độ nhưng khi hạ sốt thì khoảng 8 tiếng mới bị sốt lại. Vậy cháu có cần phải lên Bệnh viện Nhi Đồng không hay đến Bệnh viện Quận 12 là được? Nếu chăm sóc cháu ở nhà thì có nên dùng thuốc gì không ạ? (Lê Minh Như, quận 12, TP.HCM)
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1:
Theo triệu chứng bạn mô tả thì trẻ có dấu hiệu của tay chân miệng mức độ 2a. Với mức độ này bạn có thể cho trẻ đến khám tại khoa Nhi của bệnh viện tuyến quận, huyện.
Có thể cho bé dùng thuốc giảm đau hoặc dùng các gói ngậm giảm đau như Paracetamol, Ibuprofen, Varogel.
* Thưa bác sĩ, dấu hiệu nào cho thấy trẻ đang bị tay chân miệng nặng? Vì con em đang điều trị giai đoạn nhẹ tại nhà, bác sĩ nói khi nào có dấu hiệu nặng mới đưa vô bệnh viện ạ. (Khương Quế Anh, 29 tuổi, Đà Lạt)
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1:
Trẻ sốt cao, khó hạ trên 39 độ. Trẻ sốt trên 2 ngày. Trẻ nôn nói: Đó là các trẻ có nguy cơ có biến chứng.
Trẻ giật mình, chới với, run chi, yếu tay chân, thở mệt là các dấu hiệu cho thấy trẻ đã biến chứng.
Nếu con bạn rơi vào 2 tình huống này thì nên đưa trẻ đến khám tại bệnh viện ngay.
* Xin hỏi bác sĩ các dấu hiệu để phát hiện bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ. (Bảo Trân, Đà Nẵng)
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1:
Dấu hiệu điển hình của tay chân miệng là các bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, mông, gối và miệng. Có trẻ chỉ nổi bóng nước mà không loét miệng. Có trẻ chỉ loét miệng mà không có bóng nước ở da. Đó là các dấu hiệu ban đầu của tay chân miệng.
Giao lưu trực tuyến Tay chân miệng vào mùa: Làm sao để con bạn an toàn? |
* Trong lớp học của con em có bé bị tay chân miệng đã nghỉ học, vậy thì bé nhà em có bị lây không? Cho bé uống nước cam tăng sức đề kháng để hạn chế bệnh được không? (Lê Như Hằng, quận 6, TP.HCM)
- Bác sĩ Lê Hồng Nga - Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM:
Theo quy định, tất cả trẻ bị bệnh tay chân miệng cũng như các bệnh truyền nhiễm khác đều phải được nghỉ học để tránh lây nhiễm cho trẻ khác. Tuy nhiên tiếp xúc với trẻ bệnh trước khi trẻ nghỉ học thì vẫn có thể bị nhiễm bệnh.
Bạn cho bé uống nước cam cũng rất tốt cho sức khỏe, nhưng để phòng bệnh tay chân miệng thì gia đình phải thực hiện rửa tay bằng xà phòng và vệ sinh khử khuẩn đồ chơi, đồ dùng, khu vực sinh hoạt của trẻ.
* Các vết bóng nước khi bị tay chân miệng khác gì với các vết bóng nước do thủy đậu thưa bác sĩ? Phân biệt hai bệnh này như thế nào ạ? (Thu Ngọc, Hà Nội)
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1:
Cách phân biệt cũng khác nhiều: Tay chân miệng thì bóng nước tập trung tại các vùng lòng bàn tay, bàn chân, mông, gối. Trong khi thủy đậu thì bóng nước có khuynh hướng mọc rải rác toàn thân.
Mụn nước của thủy đậu thường to và mỏng hơn. Mụn nước của tay chân miệng không đau trong khi mụn của thủy đậu thì gây ngứa và đau nhiều.
* Bé nhà em bị tay chân miệng, sau khi điều trị theo thuốc bác sĩ kê, hôm nay cháu đã hết sốt, các vết loét trên tay chân đã xẹp hẳn. Xin hỏi bác sĩ, vậy là cháu đã khỏi hoàn toàn chưa hay vẫn còn vi khuẩn trong người ạ? (Quang Hạnh, Vĩnh Phúc)
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1:
Chào bạn. Virus sẽ còn phát tán từ cơ thể ra môi trường bên ngoài đến 10 ngày.
* Con em năm nay 5 tuổi. Mấy ngày qua cháu bỏ ăn, than đau miệng. Em thấy trong miệng bé có vết loét, nhưng không sốt. Bé ở nhà nên không có nguồn bệnh tay chân miệng xung quanh. Xin hỏi bác sĩ, con em có mắc bệnh tay chân miệng không ạ? (Mỹ Trúc, Trà Vinh)
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1:
Bệnh tay chân miệng cũng có biểu hiện tại miệng bằng những vết loét gây đau khiến trẻ bỏ ăn, sốt nhẹ, nhưng cũng có nhiều bệnh khác có dấu hiệu tương tự.
Do đó, bạn nên cho bé đi khám ở bệnh viện gần nhà để xác định có phải trẻ mắc tay chân miệng không, hoặc thực hiện các biện pháp theo dõi và phòng bệnh như phòng bệnh tay chân miệng vì các biện pháp này luôn luôn có lợi.
* Bệnh tay chân miệng cấp độ 1 là sao vậy bác sĩ? Bác sĩ nói con tôi bị cấp độ 1 và điều trị tại nhà. Tôi không muốn về nhà mà vô bệnh viện điều trị có được không? (Nguyễn Thị Phương Anh, 22 tuổi, Vũng Tàu)
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1:
Cấp độ 1 là cấp độ nhẹ nhất của tay chân miệng. Cấp độ này có thể điều trị tại nhà và tái khám gần nhà. Nằm bệnh viện thì sẽ gia đình sẽ cực thêm vì bệnh nhi đông, bạn phải bỏ công ăn việc làm, một trẻ mắc bệnh, muốn chăm sóc tại bệnh viện thì phải ít nhất có 2 người nuôi. Do vậy với việc con bạn mắc tay chân miệng cấp độ 1, bạn nên cho trẻ ở nhà và tái khám thì sẽ tiện hơn cho việc chăm sóc.
* Trẻ mắc bệnh tay chân miệng đã khỏi bệnh, có cần cách ly trẻ không? (Dương Thị Mai, Bến Cát, Bình Dương
- Bác sĩ Lê Hồng Nga - Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM:
Bạn không cần cách ly trẻ khi đã khỏi bệnh. Chỉ cần cách ly trẻ tay chân miệng trong 10 ngày đầu từ khi khởi bệnh.
* Bác sĩ cho em hỏi cách vệ sinh các vết loét trong miệng khi bé đang bị tay chân miệng như thế nào ạ? Cảm ơn bác sĩ. (Minh Loan, Trà Vinh)
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1:
Bạn có thể sử dụng nước muối sinh lý để rơ miệng cho trẻ. Có thể dùng các thuốc cho trẻ ngậm hay rơ như Varosel, Phophalusel, Kin Baby, đồng thời cho trẻ uống nhiều nước.
* Sao em thấy lúc người ta gọi là bệnh tay chân miệng, lúc lại ghi bệnh chân tay miệng? Cái này do đường lây khác nhau hay do cách gọi vậy bác sĩ? (Quách Tuấn Phong, quận 6, TP.HCM)
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1:
Chào bạn. Hai bệnh này là một. Miền Nam thì gọi là tay chân miệng. Miền Bắc thì gọi là chân tay miệng.
Tôi cũng nghiên cứu rất nhiều để đi tìm nguyên nhân tại sao như vậy nhưng cũng chưa có một lời giải thích nào thỏa đáng, chắc là do thói quen. Ví dụ người miền Nam nói "Anh em như thể tay chân", còn người miền Bắc thì nói "Anh em như thể chân tay".
Bệnh tay chân miệng đang vào mùa, năm nay bệnh tăng nhanh hơn so với những năm trước |
* Làm sao để biết bé bị nhiễm tay chân miệng mà không phải là các bệnh khác như thủy đậu… thưa bác sĩ? (Bảo Ngọc, Hà Nội)
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1:
Để biết chính xác bạn chỉ có cách đưa trẻ đi khám bệnh. Tuy nhiên, 1 số bé có biểu hiện rất điển hình như nổi bóng nước cùng lúc ở lòng bàn tay, bàn chân, mông, gối, không ngứa, không đau thì gần như là bệnh tay chân miệng.
* Tại sao tay chân miệng cứ mắc đi mắc lại nhiều lần ạ? Con gái em bị lúc 1 tuổi, nay 3 tuổi bị lại. Bé đang điều trị tại Bệnh viện Quận Thủ Đức ạ.(Ngô Phạm Hưng, 31 tuổi, Dĩ An, Bình Dương)
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1:
Tình huống này cũng có thể gặp vì một bé có thể mắc nhiều lần bệnh tay chân miệng. 1 tuổi bị 1 lần, 3 tuổi bị 1 lần thì nên thực hiện tốt biện pháp phòng ngừa, nếu không trẻ có thể bị bệnh nữa.
* Thưa bác sĩ Lê Hồng Nga. Bệnh tay chân miệng xảy ra như thế nào thì gọi là dịch. Khi khu dân cư (tầng chung cư) có 1 ca nhiễm dịch thì có cần thông báo với Y tế dự phòng không? Chúng tôi phải vệ sinh nhà cửa và giữ con ra sao để tránh lây nhiễm? (Huỳnh Lan Trinh, Q.3, TP.HCM)
- Bác sĩ Lê Hồng Nga - Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM:
Chào bạn.
Dịch tay chân miệng được xác định tại một địa phương, ở một thời gian nhất định khi số ca bệnh tăng cao so với số ca bệnh trong thời gian trước đó thì gọi là dịch.
Khi phát hiện 1 ca bệnh tay chân miệng hoặc các bệnh truyền nhiễm khác, người dân cần thông báo cho trạm y tế phường xã để được hướng dẫn các biện pháp phòng bệnh.
Đối với mỗi gia đình có trẻ em dưới 5 tuổi, luôn phải thực hiện các biện pháp phòng bệnh như rửa tay bằng xà phòng (với cả trẻ em và người lớn) và vệ sinh đồ dùng, đồ chơi và các bề mặt nơi trẻ sinh hoạt hàng ngày bằng xà phòng và các chất khử khuẩn thông thường như javel (nước tẩy trắng quần áo).
Ngoài ra, nếu tại nơi ở có trẻ bị tay chân miệng, bạn cần cách ly con bạn, không cho bé tiếp xúc với trẻ bệnh trong vòng 10 ngày kể từ ngày khởi phát bệnh.
* Chào bác sĩ Trương Hữu Khanh. Tôi đang bị ho, sốt 2 ngày nay. Tôi nghĩ mình bị cảm cúm thông thường nên ra tiệm thuốc mua thuốc về uống. Nhưng đêm qua tôi thấy ở vùng mông nổi lên một số nốt ban đỏ, không ngứa. Kiểm tra kỹ thấy trong lòng bàn tay cũng có. Phải chăng tôi bị tay chân miệng? Tôi nên uống thuốc gì, có phải đi bệnh viện không? Xin bác sĩ tư vấn giúp. Cảm ơn. (Trần Ngọc Thủy, 29 tuổi, quận 2, TP.HCM)
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1:
Theo mô tả thì xác suất rất cao là bạn đã bị tay chân miệng. Nếu đúng là bạn mắc tay chân miệng thì không cần dùng thuốc đặc biệt, bệnh sẽ tự hết khoảng 7-10 ngày, bạn chỉ cần giữ vệ sinh sạch sẽ.
* Thưa bác sĩ. Lúc trước tôi có đứa cháu bị tay chân miệng nặng phải nhập viện nên giờ có con nhỏ mới 2 tuổi rưỡi thì sợ lắm. Hổm rày đang là mùa dịch, tôi hỏng dám cho cháu ra khỏi nhà vì sợ. Xin bác sĩ tư vấn giúp là tôi nên làm gì để bảo đảm cháu không bị lây nhiễm khi cho cháu ra ngoài cùng ở những nơi đông người (đi siêu thị)? Xin cám ơn. (Võ Thị Khánh, Q.2, TP.HCM)
- Bác sĩ Lê Hồng Nga - Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM:
Chào bạn. Cách ly tại nhà chỉ áp dụng với trẻ đang bị bệnh. Đối với trẻ không bị bệnh thì không nhất thiết phải ở nhà. Tuy nhiên cần rửa tay thường xuyên cho trẻ bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi chơi đồ chơi, khi đi chơi, đi học về... và bất cứ lúc nào khi cảm thấy bàn tay bị dơ.
Cả người lớn cũng cần rửa tay thường xuyên để phòng bệnh cho trẻ. Không nên cho trẻ tiếp xúc với người bệnh, hạn chế tiếp xúc với người lạ.
* Em xin hỏi bác sĩ Khanh, con em được chẩn đoán EV71, ngày thứ 4, bác sĩ nói đây là chủng nguy hiểm nhất. Vậy em phải làm sao để bé sớm hết bệnh? Hiện có xét nghiệm nào để biết bé không còn nhiễm EV71 không? Ngoài EV71 thì mình còn loại virus nào gây tay chân miệng không ạ? (Nguyễn Phùng Hoàng, 41 tuổi, Thảo Điền, quận 2)
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1:
Xét nghiệm EV71 cũng tùy vào loại xét nghiệm mới cho biết có giá trị hay không. Ví dụ, con bạn xét nghiệm từ máu mà nói bị EV71 thì không có giá trị chính xác. Bệnh do virus gì đi nữa thì cách chăm sóc và theo dõi cũng giống nhau. Quan trọng là khi có dấu hiệu biến chứng thì bạn nên đưa bé đến bệnh viện ngay.
Nếu không có dấu hiệu biến chứng thì 10 ngày sẽ hết. Dù có biết trước do EV71 thì cũng không điều trị gì thêm cho trẻ. Bệnh tay chân miệng do nhiều virus gây ra như EV71, Coxacskie A16, A10...
* Nghe nói bệnh tay chân miệng được phân loại thành 4 cấp độ, từ nặng tới nhẹ. Xin bác sĩ cho biết về các cấp độ này? Nếu cháu bị cấp độ nhẹ thì có cần đưa tới bệnh viện để theo dõi không? (Nguyễn Phương, Gò Vấp, TP.HCM)
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1:
Cấp độ 1 là cấp độ thường thấy của tay chân miệng, chưa có biến chứng là cấp độ nhẹ nhất. Độ này có thể điều trị tại nhà và tái khám.
Từ độ 2 tới độ 4 thì phải khám tại bệnh viện và đa số phải nhập viện theo dõi. Độ 2b, độ 3, độ 4 là độ đã có biến chứng cần điều trị và theo dõi sát mới tránh được tử vong.
* Hiện nay bé nhà con đang được chẩn đoán tay chân miệng cấp độ 1 và được theo dõi tái khám theo lịch của bác sĩ. Tuy nhiên, bé không ăn uống được gì, con lo quá. Làm cách nào để bé có thể ăn được khi miệng đang bị lở ạ. Xin cám ơn. (Nguyễn Thị Hồng Minh, quận 3)
- Bác sĩ Lê Hồng Nga - Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM:
Bạn không cần cách ly trẻ khi đã khỏi bệnh. Chỉ cần cách ly trẻ tay chân miệng trong 10 ngày đầu từ khi khởi bệnh.
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1:
Trẻ không ăn được là do đau miệng. Cháu nên cho trẻ ăn nhiều bữa, thức ăn lỏng, không nóng không cay. Sữa thì nên làm mát một chút, trẻ sẽ dễ uống hơn. Có thể dùng thuốc giảm đau uống hoặc bôi.
* Tôi ở vùng quê, có được người quen ở thành phố cho nước ozone để điều trị bệnh thủy đậu và tay chân miệng bằng cách thoa rửa các nốt đỏ mỗi ngày và pha vào nước cho bé tắm. Cho hỏi có phải nước này để điều trị thủy đậu và tay chân miệng không ạ? Cảm ơn bác sĩ. (Ngọc Thủy, An Giang)
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1:
Cho tới hiện nay, tay chân miệng không cần phải tắm nước gì cả, chỉ cần tắm bằng xà phòng thì bệnh sẽ tự khỏi, do đó bạn không cần thiết phải dùng thứ nước gì đặc biệt.
Bệnh thủy đậu cho tới nay chỉ có 1 loại pommade acyclovir bôi lên các mụn nước thì sẽ mau khô và ít phát tán virus ra môi trường xung quanh hơn. Pommade này không có giá trị cho bệnh tay chân miệng.
* Cháu nhà em có các vết mụn rộp nước ở tay chân do bị tay chân miệng. Các vết mụn này nếu bị vỡ có nguy hiểm gì không thưa bác sĩ? Trong quá trình tắm rửa vệ sinh cho cháu thì nên như nào ạ? Cảm ơn bác sĩ. (Bảo Thanh, Quảng Trị)
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1:
Các mụn rộp ở da có vỡ ra thì cũng không sao, chỉ cần vệ sinh tắm rửa bằng xà phòng giống như trước khi bệnh. Chỉ có mụn trong miệng vỡ ra thì có thể làm cho trẻ đau.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 |
* Xin bác sĩ cho biết các biến chứng của bệnh tay chân miệng. Cần làm gì để tránh các biến chứng này. (Hoa Lan, Nghệ An)
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1:
Biến chứng của bệnh tay chân miệng có nhiều mức độ: ảnh hưởng thần kinh trung ương, ảnh hưởng thần kinh thực vật, ảnh hưởng tim mạch tuần hoàn.
Không có cách tránh biến chứng vì tùy thuộc vào cơ địa và độc lực của virus nhưng trẻ càng nhỏ, càng dễ biến chứng hơn. Việc quan trọng là phát hiện sớm các biến chứng, nếu có thì đến bệnh viện ngay khi trẻ:
- Sốt hơn 2 ngày. Sốt cao 39 độ. Sốt khó hạ.
- Giật mình chới với, run chi, yếu tay chân, thở mệt, da nổi vân tím, khó thở.
* Hiện tại đang là mùa dịch tay chân miệng. Tôi có bắt buộc giữ bé ở nhà, không cho cháu đi đến khu vui chơi thiếu nhi, khu vui chơi công cộng không? Hiện cơ quan chức năng quản lý các khu vui chơi này ra sao? (Nguyễn Vân Anh, Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
- Bác sĩ Lê Hồng Nga - Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM:
Ngành y tế không khuyến cáo hạn chế trẻ đến các khu vui chơi thiếu nhi. Tuy nhiên sau khi cho con đi chơi ở những nơi này, bạn cần cho trẻ rửa tay bằng xà phòng.
Ngành y tế cũng khuyến cáo các khu vui chơi trẻ em trang bị bồn nước và xà phòng rửa tay để phụ huynh rửa tay cho trẻ.
* Xin chào các bác sĩ. Con tôi năm nay 6 tuổi và đang học lớp 1. Con tôi bị loét miệng, có 1 chấm nhỏ bằng hạt đậu xanh. Cháu không bị sốt và chân tay không có vấn đề gì. Cháu vẫn đi học và ăn uống bình thường. Cho hỏi bệnh đó là bệnh tay chân miệng trong thời kì ủ bệnh hay chỉ là nhiệt miệng thông thường? Xin cảm ơn bác sĩ. (Thanh Hương, Thanh Hóa)
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1:
Có 1 số trẻ bị tay chân miệng nhưng chỉ bị loét trong miệng, do vậy bạn nên theo dõi như với bệnh tay chân miệng. Nếu tiện thì đưa trẻ đi khám gần để bác sĩ xác định lại có phải là tay chân miệng không.
* Ở chỗ tôi có đến 3 trẻ mắc tay chân miệng. Tôi có thể liên hệ với Trung tâm Y tế dự phòng để nhờ trung tâm xuống nhà tẩy uế được không? (Mai Phuong, Khánh Hoà)
- Bác sĩ Lê Hồng Nga - Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM:
Việc khử khuẩn phải do chính gia đình thực hiện. Trạm y tế phường, xã sẽ hướng dẫn người dân thực hiện và giám sát tình hình dịch bệnh tại địa phương.
* Cháu nhà em mới sốt và nổi các mụn nước ở chân hôm qua. Hôm nay đi khám thì bác sĩ chẩn đoán bị tay chân miệng. Xin hỏi bác sĩ, diễn biến của loại bệnh này, điều trị mất bao lâu thì khỏi. Cảm ơn bác sĩ. (Bảo Hân, TP.HCM)
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1:
Bệnh này thì từ 7 đến 10 ngày mới khỏi. Diễn tiến nặng thường xảy ra trong 5 ngày đầu nên bạn chịu khó theo dõi và cho trẻ tái khám theo hướng dẫn của bác sĩ.
* Chào bác sĩ, con trai em 13 tuổi, bị quai bị, đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới khám, bác sĩ cho ngậm viên thuốc màu trắng, nói về nhà nằm nghỉ. Không biết có khi nào bé bị teo tinh hoàn không? Em tính kiểm tra, mà bé không cho. (Cao Tuấn Minh, 51 tuổi, TP.HCM)
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1:
Nếu bị quai bị mà không viêm tinh hoàn thì không thể teo được. Có lẽ bác sĩ ở Bệnh viện Nhiệt đới dặn con bạn hạn chế vận động là vì khi mắc bệnh quai bị, vận động nhiều sẽ dễ biến chứng hơn.
* Xin hỏi bác sĩ, tôi cần mua thuốc khử khuẩn thì có thể mua loại nào, ở đâu. Xin cám ơn! (Mỹ Hà, Phú Yên)
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1:
Thuốc khử khuẩn hiện nay là Cloramin B, thuốc này bạn có thể liên hệ với trạm y tế. Nếu có ca bệnh thì họ có thể phát cho bạn. Ngoài ra bạn có thể sử dụng dung dịch javel để pha loãng và sát khuẩn.
* Thưa bác sĩ. Thời gian nào của bệnh là dễ lây lan cho trẻ khác nhất ạ? (Nguyễn Thanh Liên)
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1:
Giai đoạn dễ lây nhất là giai đoạn bé tiết nước miếng nhiều từ 2-5 ngày đầu, sau đó giảm dần, sau 10 ngày thì hết lây.
* Tôi có 1 bé trai 3 tuổi, cách đây mấy ngày phát hiện cháu có nhiều mụn nước nhỏ, đưa đi bệnh viện khám thì bác sỹ nói bị tay chân miệng sau đó kê toa thuốc để uống rồi cho về. Tuy nhiên trong toa thuốc không có thuốc bôi bên ngoài, cháu không sốt nhưng tôi vẫn rất lo lắng, một ngày tôi rửa ráy cho cháu 4 tới 5 lần nhưng chưa hết, giờ tôi phải làm sao để cháu nhanh khỏi? Xin nhờ bác sỹ tư vấn giúp. (Mỹ Hân, Đà Nẵng)
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1:
Các mụn nước ở da của trẻ, bạn không cần bôi gì hết, sẽ tự khô và không để lại sẹo. Một số phụ huynh lo lắng, đi bôi thuốc xanh lên làm lúc bác sĩ khám bệnh không thể đánh giá chính xác hình ảnh của mụn nước. Bạn nhớ, không cần phải bôi gì hết, chỉ cần tắm rửa bằng xà phòng như trước khi trẻ mắc bệnh.
* Thưa bác sĩ Trương Hữu Khanh. Tôi nghe nói bệnh tay chân miệng để lại nhiều di chứng nặng, ảnh hưởng đến thần kinh. Cách đây hơn tuần, tôi bị bệnh mà sau đó mới biết mình bị tay chân miệng, nhưng trước đó tôi không điều trị gì. Tôi lo ngại mình bị ảnh hưởng mà không biết. Tôi có nên đi bệnh viện kiểm tra? (Nguyễn Bá Phong, 39 tuổi, Giồng Trôm, Bến Tre)
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1:
Tay chân miệng mà có biến chứng thần kinh nhìn vô biết liền, sau khi hết bệnh thì không thể có biến chứng lâu dài đâu.
Vì vậy, sau khi bạn hết bệnh rồi thì không có biến chứng lâu dài đâu. Khi hết bệnh rồi thì nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa tránh mắc lại và lây lan bệnh.
* Thưa bác sĩ. Hiện nay, trường mẫu giáo đang rất sát sao việc theo dõi và phòng chống dịch tay chân miệng như rửa tay khi vào lớp, kiểm tra nhiệt độ của cháu, vậy mà cháu tôi cũng bị dính tay chân miệng, hiện đang ở nhà. Vậy tôi phải làm gì để tránh lây lan cho các bé hàng xóm? (Đàm Mỹ Hạnh, Cầu Giấy, Hà Nội)
- Bác sĩ Lê Hồng Nga - Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM:
Trẻ có thể bị lây bệnh tay chân miệng ở nhà và ở trường. Nếu gia đình có trẻ bị bệnh tay chân miệng thì cần cách ly trẻ với các trẻ khác trong nhà, chăm sóc trẻ theo hướng dẫn của bác sỹ, vệ sinh khử khuẩn đồ chơi, đồ dùng và nơi sinh hoạt của trẻ bệnh bằng các hóa chất khử khuẩn thông thường như nước javel.
Ở TP.HCM, nếu gia đình có trẻ bệnh tay chân miệng, gia đình cần thông báo cho trạm y tế phường, xã để được hướng dẫn phòng lây nhiễm và cấp hóa chất chloramin khử khuẩn. Các trẻ chưa bị bệnh và cả người lớn cần thục hiện rửa tay bằng xà phòng thường xuyên.
* Cháu nhà em đang đi học bơi, nhưng giờ bùng phát dịch tay chân miệng. Em có nên cho cháu nghỉ học không thưa bác sĩ? Xin cám ơn! (Hương Lan, TP.HCM)
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1:
Nếu lớp bé không có trẻ nào mắc bệnh tay chân miệng thì không cần thiết phải cho trẻ nghỉ học. Rửa tay, rửa tay và rửa tay là được rồi.
Trong trường học, các cô đã được huấn luyện phát hiện và phòng ngừa bệnh khi có tay chân miệng xảy ra. Bạn nên yên tâm cho trẻ đi học, nếu nghỉ học để ngừa bệnh thì không biết ngừa đến khi nào.
Còn học bơi thì môi trường này khó lây bệnh tay chân miệng vì trẻ mắc tay chân miệng là trẻ rất nhỏ.
* Thưa bác sĩ Nga. Đồ chơi của bé thì có thể rửa bằng xà phòng bình thường được không hay bắt buộc phải dùng cloramin B và nước javel, vì tôi bị dị ứng mùi của các chất này. (Lê Phượng Hằng, Q.5, TP.HCM)
- Bác sĩ Lê Hồng Nga - Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM:
Nếu gia đình không có bệnh nhân tay chân miệng thì bạn chỉ cần rửa đồ chơi cho bé bằng xà phòng, sau đó phơi nắng.
* Có cách nào để ngăn ngừa bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ không thưa bác sĩ? Cháu nhà em mới vừa đi nhà trẻ nên em rất lo lắng, sợ cháu bị lây các bé khác ở trường. (Thúy Hạnh, Quảng Nam)
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1:
Bạn chú ý: Rửa tay cho bé trước khi vào lớp, sau khi ra lớp, trước khi vào nhà, cảm thấy tay bị dơ là phải rửa. Ở trường học, các cô đã được huấn luyện các biện pháp đề phòng tay chân miệng cho trẻ nên bạn yên tâm.
* Thưa bác sĩ Lê Hồng Nga. Đọc báo thấy nói bệnh tay chân miệng đang bùng phát thành dịch, cạnh nhà tôi cũng có hai mẹ con bị bệnh này. Tôi phải làm gì để mọi người trong nhà không lây nhiễm? (Vi Thị Hạnh Nhơn, Giồng Trôm, Bến Tre)
- Bác sĩ Lê Hồng Nga - Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM:
Chào bạn. Rửa tay bằng xà phòng thường xuyên là biện pháp hiệu quả để phòng bệnh tay chân miệng và nhiều bệnh truyền nhiễm khác.
* Cách phát hiện bệnh tay chân miệng sớm nhất có phải là cháu sốt nhẹ không thưa bác sĩ? (Hương Giang, Cà Mau)
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1:
Có trẻ sốt, có trẻ không. Đa số các trường hợp trẻ thường sốt 1 - 2 ngày, sau đó hết sốt rồi lại nổi bóng nước lên.
* Xin bác sĩ cho biết độ tuổi nào có nguy cơ bị bệnh tay chân miệng nhất? (Thanh Hương, Hà Nội)
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1:
Trẻ dưới 3 tuổi có nguy cơ mắc bệnh tay chân miệng cao nhất, nhưng tất cả các lứa tuổi khác đều có thể mắc bệnh.
* Bác sĩ cho em hỏi, bé bị tay chân miệng, không ăn uống được thì có cần truyền nước biển? (Huỳnh Thị Nhung, 37 tuổi, ở Chợ Gạo, Tiền Giang)
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1:
Bạn không nên cho trẻ truyền nước biển. Bởi vì, nước mà phụ huynh gọi là nước biển chỉ là nước đường hay là nước muối thôi.
Cho trẻ ăn nhiều bữa, ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu, nếu đau miệng không ăn được thì dùng thuốc giảm đau, bé sẽ ăn được thôi. Truyền nước biển phải chích kim làm bé đau và có nhiều nguy cơ khác, vì vậy khi cần mới thực hiện.
* Cháu nhà em bị chẩn đoán mắc tay chân miệng. Em đã cho cháu nghỉ học ở nhà. Sau khi hết bệnh, cháu có phải nghỉ thêm mấy ngày để ngừa lây cho các bạn trong trường không thưa bác sĩ? (Minh Cảnh, TP.HCM)
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1:
Bạn nên tuân thủ việc cách ly để tránh lây bệnh cho các em khác, ít nhất là 10 ngày. Ngoài ra bạn cũng nên báo cho cô giáo để cô thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường, tiêu diệt các mầm bệnh còn tồn tại ở môi trường.
* Nếu vợ hoặc chồng bị tay chân miệng mà quan hệ tình dục thời điểm đó, thì em bé trong bụng có bị tay chân miệng giống các bệnh lậu, giang mai không bác sĩ? (Đinh Tố Phương, 24 tuổi, Bình Thuận)
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1:
Tay chân miệng không có lây qua đường tình dục, chủ yếu là lây qua đường tiêu hóa, cho nên bạn không cần thiết phải quan tâm đến bệnh này.
* Bác sĩ ơi! Việc chăm sóc bé tay chân miệng tại nhà đến khi nào thì không cần tái khám ạ? Xin cám ơn. (Huỳnh Thanh Thủy, Bình Dương)
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1:
Nếu trẻ có sốt trên 2 ngày, sốt trên 39 độ, sốt cao khó hạ, giật mình chới với, run chi, yếu tay chân, da nổi vân tím, khó thở thì bạn nên đưa trẻ đi khám bệnh ngay.
* Thưa bác sĩ. Cháu đang mang thai 3 tháng. Cháu ở cùng gia đình chồng. Nhà cháu có bé bị tay chân miệng, đang ở nhà, không được đi học. Thằng bé thích cháu nên lúc khỏe thì hay quẩn quanh bên cháu, cháu cũng hơi sợ vì không biết bệnh này có ảnh hưởng gì đến thai nhi không nếu như cháu bị lây bệnh từ thằng bé? (Ngọc Liên, TP.HCM)
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1:
Thường là không ảnh hưởng. Tuy nhiên bạn cũng nên hạn chế tiếp xúc ít nhất 10 ngày. Bên cạnh đó phải rửa tay và vệ sinh khi ăn uống.
* Thưa bác sĩ Lê Hồng Nga. Trước đây tôi chưa có con nên không quan tâm lắm đến bệnh tay chân miệng. Giờ có con được 18 tháng, lại đang ở mùa dịch, tôi nên làm gì để phòng tránh cho bé? (Lê Trần Anh Thư, quận Thủ Đức, TP.HCM)
- Bác sĩ Lê Hồng Nga - Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM:
Trẻ em dưới 5 tuổi là đối tượng nguy cơ bị bệnh tay chân miệng, nhất là trẻ dưới 3 tuổi. Để phòng bệnh tay chân miệng, bạn cần:
- Rửa tay thường xuyên cho trẻ bằng xà phòng. Người lớn cũng phải rửa tay bằng xà phòng trước khi chăm sóc bé để phòng bệnh cho trẻ và cho bản thân.
- Hàng ngày rửa sạch đồ chơi, đồ dùng và vệ sinh khu vực sinh hoạt của trẻ bằng xà phòng. Việc khử khuẩn cuối tuần bằng dung dịch khử khuẩn thông thường như javel cũng được khuyến khích đối với các hộ gia đình có con dưới 5 tuổi.
- Hạn chế cho trẻ ngậm, mút ngón tay, đồ chơi.
* Chào bác sĩ Trương Hữu Khanh. Nếu bị tay chân miệng có nhất thiết phải nằm viện không? Người bệnh có thể tự mua thuốc uống và điều trị ở nhà không, nên áp dụng những biện pháp gì để nhanh khỏi bệnh? ((Trần Minh Quang, 41 tuổi, Bình Tân, TP.HCM))
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1:
Đa số bệnh nhi bị tay chân miệng có thể trên 90% là độ 1. Đây là độ điều trị tại nhà được. Điều trị tại nhà cũng chỉ theo dõi thôi chứ không cần thuốc đặc hiệu gì cả. Bạn có thể đưa bé đến khám bác sĩ gần nhà để được xác định, chẩn đoán và theo dõi.
* Xin cho em hỏi, bệnh tay chân miệng có từ xa xưa hay mới đây? Bệnh xuất hiện ở nước nào đầu tiên? Và sao bệnh này giống với bệnh mọc đẹn ở miệng quá bác sĩ, tôi rất hay nhầm lẫn. (Lê Thị An Linh, 38 tuổi, Đồng Xoài, Bình Phước)
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1:
Bệnh tay chân miệng có từ rất lâu, nhưng trước kia không phải do EV71 mà do virus lành tính khác.
Từ năm 1997, 1998, bên Đài Loan phát hiện ra nhiều ca tay chân miệng nặng có tác nhân là EV71 nên được nhắc đến nhiều.
Tại Việt Nam đã chú ý bệnh này từ 2003, 2005 và sau 2008, đặc biệt là 2011. Bệnh này do EV71 tấn công làm nhiều trẻ bệnh nặng nên được nhắc nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, và mỗi năm truyền thông thường nhắc lại để giúp người dân biết phát hiện sớm, tránh tử vong đáng tiếc và phòng ngừa hiệu quả.
Bệnh gọi là đẹn miệng cũng có thể do chế độ ăn, cũng có thể là do tay chân miệng. Nếu nghi ngờ, bạn nên đi bác sĩ khám để xác định lại.
* Thưa bác sĩ Trương Hữu Khanh. Ba ngày nay trong miệng tôi xuất hiện nhiều đốm trắng, ban đầu nó nhỏ nhưng sau to dần rồi mọng nước. Đến hôm nay thì những đốm trắng này loét ra đau rát khiến tôi khó khăn trong việc ăn uống. Có phải tôi bị bệnh tay chân miệng không? Tôi có cần đến bệnh viện khám? Hoặc nên mua thuốc gì uống? (Võ Thị Bình Minh, 43 tuổi, Di Linh, Lâm Đồng)
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1:
Với lứa tuổi của bạn thì thường không phải là tay chân miệng. Vết loét gây đau và 3-4 ngày như vậy có thể là do viêm niêm mạc miệng.
Bạn nên coi lại chế độ ăn, uống đủ nước, ngủ đủ giấc, ăn nhiều rau xanh. Nếu đau nhiều thì khám bác sĩ.
* Nếu trong nhà có bé bệnh thì có cần phải cách ly với mọi người trong gia đình không bác sĩ? (Phùng Hà, 49 tuổi, TP.HCM)
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1:
Thường trong nhà có trẻ em thì nên cách ly, nếu trong nhà chỉ toàn người lớn thì cần thực hiện các biện pháp vệ sinh là được. Vì người lớn đa số đã mắc rồi.
* Thưa bác sĩ. Hiện bệnh tay chân miệng xuất hiện ở quốc gia nào nhiều nhất? (Ngọc Trang, TP.HCM)
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1:
Bệnh tay chân miệng có khuynh hướng xuất hiện ở vùng châu Á, đặc biệt là Đông Á và Đông Nam Á. Đa số các nước đều có trẻ mắc bệnh, Việt Nam cũng được xem là nước có số ca mắc bệnh cao.
* Thưa bác sĩ. Hiện Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TP.HCM có những biện pháp nào phổ biến đến người dân việc phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch tay chân miệng hiện nay? Tôi thấy trường mầm non thì họ có gửi các tờ rơi về bệnh tay chân miệng và hướng dẫn phụ huynh cách vệ sinh phòng bệnh… Còn tại nơi tôi ở, không thấy được phổ biến gì, người dân hiện chưa cho con đến trường mầm non gần như rất “ngây thơ” về bệnh này. (Nguyễn Trúc Phương, Q.12, TP.HCM)
- Bác sĩ Lê Hồng Nga - Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM:
Các hộ gia đình có trẻ em có thể liên hệ các trạm y tế phường, xã để được hướng dẫn phòng bệnh tay chân miệng. Ngoài ra các trên website của Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM và của Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe TP.HCM cũng cung cấp các hướng dẫn phòng bệnh này.
* Bác sĩ Khanh cho em hỏi, vừa rồi em thấy điện thoại con trai em nhắn tin với bạn rằng bé đi khám bác sĩ nói bị bệnh lậu kèm B20, đó là bệnh gì thưa bác sĩ? (H.M., 49 tuổi, TP.HCM)
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1:
Bạn nên vào fanpage Hỏi Bác sĩ Nhi Đồng, gửi câu hỏi qua inbox, tôi sẽ giải thích kỹ hơn.
Bác sĩ Lê Hồng Nga - Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM |
* Thưa bác sĩ. Bệnh tay chân miệng bắt nguồn từ đâu và ca đầu tiên phát hiện ở đâu ạ. Ở xứ lạnh có bị tay chân miệng không? Biến chứng gây tử vong cho trẻ là gì? (Lê Khanh, Hà Nội)
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1:
Bệnh tay chân miệng được biết từ rất lâu, chỉ khi do tác nhân EV71 thì người ta mới chú ý. Bệnh này do virus lây lan từ người qua người, thường gặp ở vùng châu Á, đặc biệt là vùng Đông Á và Đông Nam Á.
Biến chứng do virus tác động lên thần kinh trung ương và tim mạch gây sốc, phù phổi và tử vong.
* Thưa bác sĩ Nga. Tôi ở Đồng Nai. Nếu tôi cần mua thuốc khử khuẩn thì có thể mua loại nào, ở đâu? Khi đã nhiễm bệnh nên xử lý như thế nào? Xin cám ơn! (Hồ Như Thùy, Biên Hòa, Đồng Nai)
- Bác sĩ Lê Hồng Nga - Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM:
Bạn có thể mua nước javel (nước tẩy trắng) để khử khuẩn phòng bệnh tay chân miệng. Lưu ý, nên mua các loại nước javel có nhãn in rõ hướng dẫn sử dụng và địa chỉ nơi sản xuất rõ ràng.
Nếu nhà có bệnh nhân, bạn nên liên hệ trạm y tế phường, xã nơi cư ngụ để được hướng dẫn nồng độ hóa chất khử khuẩn và cách thực hiện.
* Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM có các biện pháp gì để giúp kéo giảm bệnh tay chân miệng? (Trần Hữu Đệ, Tân Phú, Đồng Nai)
- Bác sĩ Lê Hồng Nga - Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM:
Tay chân miệng xảy ra chủ yếu ở tuổi mầm non. Vì vậy việc kiểm soát bệnh tay chân miệng tập trung cho lứa tuổi này.
Sở Y tế đã phối hợp với Sở Giáo dục triển khai các biện pháp phòng bệnh tay chân miệng trong các trường học. Song song đó là đẩy mạnh các hoạt động truyền thông tại cộng đồng.
* Xin Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết, làm thế nào để phòng ngừa bệnh tay chân miệng hiệu quả nhất? (Thu Thuỷ, Kiên Giang)
- Bác sĩ Lê Hồng Nga - Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM:
Biện pháp phòng ngừa tay chân miệng hiệu quả vẫn là rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và vệ sinh khử khuẩn vật dụng, đồ chơi và nơi sinh hoạt của trẻ.
Báo Phụ Nữ
Ảnh: Phùng Huy
Chia sẻ bài viết: |
Nám má một vấn đề rất thường gặp ở phụ nữ châu Á, tuy không ảnh hưởng về mặt sức khỏe, nhưng lại có tác động rất lớn về mặt thẩm mỹ gây mất tự tin cho người mắc tình trạng này.
Ai trong chúng ta cũng muốn sở hữu một làn da mịn màng, không tì vết, nhưng nếu lỡ bạn bị một vấn đề nào đó thì có nguy cơ sẽ để lại sẹo. Khi đó, làm thế nào để hạn chế tình trạng sẹo xấu?
Là phụ nữ, ai cũng mơ ước sở hữu một gương mặt mộc với làn da đẹp không tỳ vết. Muốn có làn da đẹp, khỏe khoắn, mịn màng chúng ta cần biết chăm sóc da mặt đúng cách và khoa học.
Việt Nam có khoảng 3 triệu trẻ em độ tuổi từ 0 - 15 mắc các tật khúc xạ phải đeo kính.
Dưới tác động của ánh nắng mặt trời, làn da dễ bị tổn thương dẫn đến nhiều vấn đề về da. Ngoài tránh nắng và sử dụng biện pháp che chắn như nón rộng vành, áo khoác, kính mát… thì sử dụng kem chống nắng rất quan trọng.
Suy giãn tĩnh mạch chi dưới còn gọi là suy giãn tĩnh mạch chân. Đây là bệnh rất thường gặp, xảy ra ở khoảng 10 - 35 % người lớn.
Từ 14g ngày 22/3/2019, báo Phụ Nữ TP.HCM tổ chức buổi giao lưu trực tuyến “Vitamin E – Công dụng diệu kỳ” với sự tham gia của bác sĩ Phương Mai – Chuyên khoa 2 Da liễu – Bệnh viện Da liễu TP.HCM.
Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về các bệnh răng miệng, Báo Phụ Nữ TP.HCM tổ chức buổi giao lưu trực tuyến “Làm sao để hơi thở thơm tho?”, từ 9g sáng ngày 7/12.
Nhiều bệnh nhân sau khi điều trị, tình trạng viêm dạ dày vẫn tái phát. Để giúp bạn đọc hiểu rõ về bệnh viêm dạ dày, cách chữa dứt điểm, Báo Phụ Nữ TP.HCM tổ chức buổi giao lưu trực tuyến “Viêm dạ dày chữa hoài không dứt?”.
Để giúp du khách tìm hiểu về visa đi Mỹ cùng tỷ lệ đậu cao, báo Phụ Nữ phối hợp cùng Công ty Du lịch Tugo tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề “Các bước xin visa Mỹ” vào lúc 9g00, thứ Năm ngày 25/10/2018.
9g sáng nay, 12/10, Báo Phụ Nữ TP.HCM phối hợp Bộ Y tế tổ chức giao lưu trực tuyến “Để mô hình bác sĩ gia đình phát huy hiệu quả tại y tế cơ sở”.
Để giúp các bà mẹ phòng tránh và chăm sóc trẻ bị tay chân miệng, Báo Phụ Nữ tổ chức buổi giao lưu trực tuyến “Bệnh tay chân miệng tăng nhanh, có gì bất thường?” vào lúc 9 giờ hôm nay, ngày 11/10.
Báo Phụ Nữ TP.HCM phối hợp cùng với nhãn hàng sữa dê công thức DG tổ chức buổi giao lưu trực tuyến “Duy trì nhịp sinh lý cho bé khi sử dụng sữa công thức” vào lúc 9g00 ngày 25/9.
Báo Phụ Nữ phối hợp với nhãn hàng kẹo dẻo dinh dưỡng PNKids tổ chức buổi giao lưu trực tuyến lúc 14g00 ngày 12/9, với sự tư vấn của bác sĩ CKII Nguyễn Thị Thu Hậu - Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi Đồng 2.
Buổi giao lưu trực tuyến chủ đề "Tiêu chuẩn cái đẹp trong phẫu thuật thẩm mỹ" diễn ra từ lúc 9g ngày 24/8 tại Báo Phụ Nữ.
Ở phụ nữ 25 tuổi, trán và mi dưới xuất hiện nếp nhăn đầu tiên. Bước sang tuổi 30 tuổi xuất hiện vết chân chim ở đuôi mắt, 40 tuổi nếp nhăn thường trực ở trước tai và ngấn cổ nổi rõ…
Buổi giao lưu trực tuyến do Báo Phụ Nữ và Bệnh viện Quốc tế City phối hợp tổ chức, từ lúc 13g30 hôm nay, với sự tham gia của Thạc sĩ bác sĩ Trần Thị Kim Xuyến và Thạc sĩ bác sĩ Trần Thị Mai Thy.
Du lịch châu Âu chưa bao giờ dễ dàng và tiện lợi như hiện nay. Cảnh đẹp thơ mộng, những tòa nhà cổ kính, xen kẽ những nét huyền bí khiến ai cũng bị mê hoặc khi đặt chân đến châu Âu, nhất là vào mùa thu.