Hiện mỗi tuần, TP.HCM có từ 400 – 600 ca sốt xuất huyết. Tính từ đầu năm đến nay số ca sốt xuất huyết tại TP.HCM là 12.722 ca, tăng 28% so với năm 2016 (9.937 ca). Bệnh tay chân miệng cũng có xu hướng tăng.
Bà Nguyễn Thị Thu Mai - Phó tổng biên tập báo Phụ Nữ (bìa trái) tặng hoa cho bác sĩ Lê Hồng Nga và bác sĩ Nguyễn Trần Nam tại buổi giao lưu trực tuyến |
Nhằm giúp phụ huynh ngăn ngừa và phát hiện sớm bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, Báo Phụ Nữ TP.HCM cùng Bộ Y tế tổ chức giao lưu trực tuyến Ngăn sốt xuất huyết, tay chân miệng theo trẻ vào trường học, vào lúc 14g ngày 23/8.
Khách mời của chương trình là bác sĩ Lê Hồng Nga (Trưởng khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM) và bác sĩ Nguyễn Trần Nam (Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM) sẽ trả lời giao lưu với bạn đọc.
Bệnh nhi nhập viện điều trị sốt xuất huyết ở Bệnh viện Nhi đồng 1. |
Số trường hợp tử vong do sốt xuất huyết đã lên 4 ca. TP.HCM đang là tâm điểm của dịch sốt xuất huyết. Thành phố có 18/24 quận/ huyện có số ca sốt xuất huyết nhập viện, tăng so với cùng kỳ năm 2016, trong đó quận 12 tăng 133%, huyện Cần Giờ tăng 125%, huyện Hóc Môn tăng 83%, quận Bình Tân tăng 64%... Hiện học sinh đã quay trở lại trường học nên đây cũng là thời điểm dễ lây lan bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng. Mỗi tuần, TP.HCM phát hiện từ 150 – 170 ca tay chân miệng. Một trong những nguyên nhân gây ra dịch tay chân miệng, sốt xuất huyết rầm rộ như hiện nay, là do trên địa bàn thành phố còn nhiều khu dân cư bỏ hoang, công trình xây dựng đọng nước, các trường học để cỏ dại mọc um tùm... |
Dưới đây là nội dung cuộc giao lưu:
Tôi thấy ở Singapore, người ta bay cả trực thăng lên tòa nhà để phun xịt thuốc diệt muỗi ở cao ốc, tòa nhà cao tầng. Hiện TP.HCM, Hà Nội cũng nhiều nhà cao ốc, ngành y tế có cách nào diệt được lăng quăng từ các tòa nhà này? Và sẽ thực hiện được không? (Lương Hoàng 52 tuổi, quận 7, TP.HCM)
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM:
Tại TP.HCM, những khu chung cư hay những điểm tập trung đông người được xem là những điểm nguy cơ về dịch sốt xuất huyết. Ngành y tế đã có hướng dẫn các chính quyền địa phương giám sát định kỳ về sự phát sinh của ổ lăng quăng tại các điểm này và yêu cầu ban quản lý của các khu chung cư, ban quản lý khu đông người thực hiện biện pháp dọn dẹp, xử lý ổ lăng quẳng. Khu vực nào không thực hiện, không chấp hành hướng dẫn của chính quyền, y tế sẽ bị xử phạt theo Nghị định 176 /2013/NĐ-CP.
Thưa bác sĩ, ở các bệnh viện có khoa Nhi. Khi khám và khi nằm điều trị, tôi thấy trẻ bị sốt xuất huyết nằm chung giường, gần giường với trẻ bị tay chân miệng. Vậy cách này có đúng, vì bé tay chân miệng nó hắt hơi thì lây bệnh cho bé không bị bệnh này?( Tô Thị Phương Vy (41 tuổi, Quận 1, TP.HCM)
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trần Nam, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM: Bệnh tay chân miệng là một bệnh lây nhiễm thông qua dịch tiết đường tiêu hóa như: nước bọt, dịch ói, phân, và thông qua bàn tay chăm sóc của người nhà bệnh nhi, nên nếu tiếp xúc gần với những bé khác sẽ có nguy cơ lây bệnh tay chân miệng cho những bé xung quanh. Đặc biệt là trong môi trường đông đúc như nhà trẻ, bệnh viện. Do vậy, những trẻ tay chân miệng cần được xếp nằm ở khu vực riêng, hạn chế tiếp xúc với những trẻ khác.
Mặt khác, bệnh sốt xuất huyết không lây truyền trực tiếp giữa người với người mà thông qua muỗi vằn chích người bị sốt xuất huyết rồi sau đó truyền cho người khác.
Tôi thấy mình hô hào kêu gọi người dân diệt muỗi, ngừa sốt xuất huyết, nhưng ngành y tế hiện nay chưa gương mẫu. Tôi vô Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 thăm cháu bị bệnh, thấy ở ngoài muỗi bay, trong phòng bệnh cũng có muỗi. Phải chăng nhân viên bệnh viện ở dơ?( Vũ Thị Quỳnh (47 tuổi, Quận Gò Vấp)
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Hồng Nga: Các bệnh viện cũng là điểm nguy cơ gây dịch sốt xuất huyết và cần được giám sát thường xuyên. Sở Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện phải chịu trách nhiệm thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng trong khuôn viên bệnh viện và giao trách nhiệm cho Trung tâm y tế dự phòng Thành phố, các trung tâm y tế quận huyện thực hiện giám sát định kỳ ổ lăng quăng định kỳ tại các bệnh viện này và báo cáo Sở Y tế.
Ổ lăng quăng của muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết trong bệnh viện có thể phát sinh do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó, có thể do thói quen bỏ rác bừa bãi của thân nhân và bệnh nhân. Vì vậy, mỗi người đều phải giữ gìn vệ sinh chung.
Thưa bác sĩ, con tôi bị sốt xuất huyết, nhập viện Bệnh viện Nhi đồng 1, bác sĩ dặn đừng cho cháu uống nước ngọt, cũng không ăn thực phẩm màu đỏ, màu đen như chè đậu đen, mà không nói rõ vì sao? (Nguyễn Hương Trà Mi (25 tuổi, Cái Bè, Tiền Giang)
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trần Nam: Trẻ bị sốt xuất huyết có nguy cơ bị chảy máu khi diễn tiến nặng. Đặc biệt là ói ra máu và đi tiêu ra máu, do đó khi chăm sóc trẻ, hạn chế cho trẻ uống những nước có màu đen hoặc đỏ dễ gây nhầm lẫn hoặc khó phát hiện là trẻ bị chảy máu dạ dày hay do ói nước có màu. Bên cạnh đó, những nước ngọt có gas dễ khiến trẻ nôn ói hơn những nước bù dịch khác, trong khi trẻ lại cần được bù nước bằng đường uống tích cực.
Bác sĩ cho em hỏi, bé nhà em được 5 tuổi, lúc nhỏ có chích ngừa rồi. Chẳng hiểu sao lại không có vắc-xin ngừa tay chân miệng. Vậy cháu có thể bổ sung loại vắc-xin này vào lúc mấy tuổi?(Trần Thị Phương, 23 tuổi, Lào Cai)
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trần Nam: Hiện nay trên thế giới chưa có vắc xin phòng ngừa bệnh tay chân miệng, các thử nghiệm vắc xin vẫn còn trong giai đoạn nghiên cứu. Do đó, để phòng ngừa bệnh tay chân miệng cần thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân, rửa tay, vệ sinh nơi ở và cách ly những trẻ nghi ngờ mắc bệnh này tại nhà để hạn chế lây lan cho những bé khác.
Trước đây, tôi có nghe nói thả con gì đó vô trong lu nước. Khi muỗi đẻ lăng quăng vào đây, muỗi con sinh ra sẽ bị "phơi nhiễm" con này. Và chúng sẽ thành muỗi ko truyền được bệnh SXH. Chương trình đó do Viện Pasteur TP.HCM thí điểm, sao giờ tôi thấy im luôn? (Trương Quang Tuấn, Quận 2, TP.HCM)
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Hồng Nga: Sinh vật được thả vào các lu nước để diệt lăng quăng của muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết là con Mesocyclop, không phải là muỗi, nó có thể ăn các lăng quăng mới nở, như thế không phát sinh thành muỗi. Tuy nhiên, việc thả Mesocylclop vào các vật chứa, lu nước,... đòi hỏi cần có sự đồng thuận của người dân và thực hiện trên diện rộng mới có hiệu quả. Cho nên, chỉ dừng ở mức thử nghiệm chứ chưa nhân rộng tại thành phố.
Bác sĩ ơi, bé bị tay chân miệng đang nằm điều trị được 2 ngày ở BV Nhi tỉnh Đồng Nai. Tôi sợ kiêng không cho bé tắm. Theo bác sĩ, sau mấy ngày hết bệnh thì mới được tắm bé bác sĩ ơi? (Nguyễn Thị Khang, 38 tuổi, Biên Hòa)
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trần Nam: Bệnh tay chân miệng là một bệnh lây nhiễm qua tiếp xúc trực tiếp, vì vậy việc vệ sinh cá nhân và chăm sóc cơ thể cho trẻ là cần thiết, do đó không cần phải kiêng mà phải nên làm vệ sinh cho trẻ một cách sạch sẽ. Đặc biệt là sau khi trẻ đi tiêu, và trước khi chuẩn bị bữa ăn cho trẻ. Sát trùng nhà cửa bằng các dung dịch sát trùng thông thường.
Bị sốt xuất huyết thì nên cho bé ăn trái cây gì bác sĩ ơi? (Đoàn Thi Tú Ba, 38 tuổi, An Giang)
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trần Nam: Trẻ bị sốt xuất huyết cần được uống nhiều nước, bao gồm nước bù điện giải, nước trái cây. Tuy nhiên, nên tránh những nước trái cây có màu đen, đỏ để hạn chế nhầm lẫn trẻ ói ra máu do biến chứng nặng của bệnh hay ói ra nước uống có màu.
Xin hòi nếu người nhà bị sốt xuất huyết thì liên hệ ở đâu để được phun thuốc xịt muỗi và vệ sinh dịch tễ? Khu vực xịt muỗi là nhà có người bị bệnh thôi hay gồm các nhà xung quanh? (Thanh)
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Hồng Nga: Hiện nay, tất cả các bệnh nhân bị sốt xuất huyết, nếu đã đến khám, được điều trị tại các bệnh viện của thành phố thì đều được thông báo về trung tâm y tế dự phòng thành phố và được thông tin đến tất cả trạm y tế phường để thực hiện các biện pháp giám sát và phòng chống dịch bệnh. Nếu trong gia đình bạn có người bị bệnh sốt xuất huyết có thể báo với trạm y tế phường, xã nơi cư ngụ, nhân viên y tế sẽ đến để điều tra dịch tể và triển khai biện pháp phòng chống dịch.
Phạm vi xử lý 1 ổ dịch sốt xuất huyết có bán kính 200m kể từ nhà có ca bệnh. Các biện pháp xử lý bao gồm thực hiện diệt lăng quăng và phun hóa chất diệt muỗi cho tất cả các hộ dân trong phạm vi ổ dịch.
Tôi không phân biệt được nổi đẹn với nổi tay chân miệng, Có cách nào phân biệt không bác sĩ? (Tạ Thị Phương, 38 tuổi, Tây Ninh)
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trần Nam: Hầu hết các trường hợp nghi ngờ tay chân miệng bao gồm vết hồng ban ở tay chân hoặc những vết lở trong miệng đều cần được đưa đến bác sĩ để khám, nhầm chẩn đoán bệnh cũng như những lời khuyên theo dõi biến chứng nặng của bệnh. Thân nhân không nên tự chẩn đoán hoặc tự điều trị vì có nguy cơ làm chậm quá trình phát hiện và điều trị kịp thời.
Chồng tôi bị sốt xuất huyết, đã điều trị xong và về nhà. Nhưng tôi lo lắng về việc phòng ngừa cho các con tôi. Xin hỏi BS các biện pháp phòng ngừa sốt xuất huyết như thế nào ạ? (Minh Ánh, Q3, TP.HCM)
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Hồng Nga: Bệnh sốt xuất huyết sẽ lây khi muỗi chích người đang sốt và truyền sang cho người lành. Như vậy nếu bệnh nhân đã hết sốt và xuất viện thì không còn khả năng lây lan cho người trong gia đình.
Tuy nhiên, để phòng bệnh sốt xuất huyết, gia đình cần phải thực hiện các biện pháp phòng tránh muỗi đốt, diệt muỗi và diệt lăng quăng.
Hiện nay đang dịch SXH, nhà tôi có cháu nhỏ nên rất quan tâm và phòng chống muỗi nhưng nhà hàng xóm tôi là đại lý bán cá, tôm có nhiều hồ rọng cá trong nhà, tôi rất lo có nhiều muỗi bay sang? Xin hỏi tôi có thể trình báo ở đâu về tình trạng này? (Châu)
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Hồng Nga: Bạn có thể báo cho trạm y tế phường xã nơi cư ngụ để nhân viên y tế giám sát và hướng dẫn chủ cơ sở không nuôi lăng quăng để phát sinh muỗi ảnh hưởng đến người xung quanh.
Ngoài ra, để phòng bệnh cho chính gia đình bạn nên thực hiện các biện pháp phòng tránh muỗi đốt như kem xoa muỗi ngoài da, bình xịt muỗi trong nhà,... để bảo vệ bản thân và gia đình.
Tôi đã bị SXH rồi thì có thể bị lại không? Bị SXH rồi thì có bị Zika không, thưa BS? (Nguyên)
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trần Nam: Sốt xuất huyết là một bệnh do một loại siêu vi gây ra, tuy nhiên, siêu vi này có 4 nhóm nhỏ do đó khi bị nhiễm lần này của nhóm này thì lần sau vẫn có thể bị nhiễm do những nhóm khác. Zika cũng là một bệnh do siêu vi có đường lây truyền tương tự sốt xuất huyết tức là thông qua muỗi vằn. Người mắc bệnh sốt xuất huyết vẫn có thể mắc bệnh Zika. Hiện nay, thuốc chủng ngừa sốt xuất huyết vẫn chưa được áp dụng một cách rộng rãi để bảo vệ mọi người.
Bệnh sốt xuất huyết thường xảy ra ở độ tuổi nào thưa BS? (Văn Hợp, Long An)
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Hồng Nga: Bệnh sốt xuất huyết có thể xảy ra ở mọi độ tuổi.
Cơ sở y tế dự phòng có đến khu nhà tôi để phun thuốc diệt muỗi. Bs cho tôi hỏi thuốc này khi hít vào có gây tác dụng phụ nào không? Cảm ơn BS. (Lê Hoàng Anh, Long An)
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Hồng Nga: Các hóa chất diệt muỗi do các cơ sở y tế dự phòng sử dụng phun diệt muỗi đều nằm trong danh mục cho phép của Bộ Y tế. Liều lượng sử dụng rất thấp, chỉ ảnh hưởng đến côn trùng, chứ không gây hại cho con người và vật nuôi. Tuy nhiên, đối với một số cơ địa, có thể bị kích ứng với các hóa chất diệt muỗi. Do đó, người dân cần tuân thủ các hướng dẫn của ngành y tế khi phun hóa chất như: che đậy kín đồ ăn, thức uống, không đứng ngay trước vòi phun thuốc để tránh thuốc phun trúng vào người, không đi theo các đội phun.
Đối với những người trực tiếp phun thuốc cần đeo khẩu trang, găng tay.
Anh của em bị SXH được BS cho theo dõi tại nhà, nhưng nếu sốt cao và mệt nhiều có phải nhập viện ngay không? Khi hết số có phải đến BV kiểm tra lại không? Em rất hoang mang, xin BS tư vấn giúp theo dõi tại nhà như thế nào? (Cương)
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trần Nam: Các dấu hiệu cần đưa bệnh nhân sốt xuất huyết đến khám ngay tại bệnh viện bao gồm:
- Lừ đừ, mệt mỏi
- Đau bụng nhiều hơn, ói nhiều
- Chảy máu mũi, chân răng, ói ra máu, đi tiêu ra máu hoặc ra máu kinh bất thường
- Tay chân lạnh, da nổi bông, hoặc bất cứ dấu hiệu nào bệnh nhân hoặc người nhà thấy nặng hơn
Điều đặc biệt, bệnh sốt xuất huyết thường diễn tiến nặng vào ngày thứ 3, 4, 5 của bệnh và nhất là khi bệnh nhân bớt sốt nhưng vẫn mệt đừ hơn. Do vậy, khi bệnh nhân bớt sốt vẫn cần tái khám và theo dõi sát các triệu chứng nặng, tránh chủ quan.
Con tôi năm nay 3 tuồi, chuẩn bị đi mẫu giáo. Tôi rất lo lắng vấn đề vệ sinh ở trường. BS cho tôi hỏi các trường mẫu giáo vệ sinh đồ chơi, dụng cụ cho các bé như thế nào ạ? Cảm ơn BS. (Đức Minh, Quận 2, THCM)
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Hồng Nga: Từ nhiều năm nay, ngành Y tế và Giáo dục đã phối hợp rất chặt chẽ trong công tác phòng chống dịch bệnh tại trường học. Các đồ dùng, đồ chơi, phòng học,... của các cháu tại các trường mầm non đều được vệ sinh hàng ngày bằng nước và xà phòng. Cuối tuần sẽ được khử khuẩn bằng dung dịch javel hoặc chloramin theo hướng dẫn của ngành y tế.
Tôi đã bị sốt xuất huyết trước đây. BS cho tôi hỏi tôi có khả năng bị lại hay không? Nếu bị lại thì có nặng hơn do cơ thể đã kháng thuốc chữa bệnh không? Cảm ơn BS. (Kiều Diễm, Cần Thơ)
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Hồng Nga: Bệnh sốt xuất huyết gây ra do virut Dengue gồm 4 tuýp (D1, D2, D3, D4) không có miễn dịch chéo giữa các tuýp. Như vậy, một người có thể bị sốt xuất huyết 4 lần và những lần sau có khả năng bị nặng hơn.
Bị SXH mệt nhiều, ăn uống không được có nên truyền nước biển không, đến BV quận hay đến BV Nhiệt đới thì chữa trị tốt hơn, thưa BS? (Anh)
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trần Nam: Khi bị bệnh sốt xuất huyết nên khuyến khích người bệnh uống nhiều nước trái cây hoặc nước bù điện giải. Hạn chế việc tiêm chích không trong cơ sở y tế hoặc truyền dịch quá mức vì sẽ có nguy cơ làm bệnh diễn tiến nặng hơn khi bệnh nhân vào giai đoạn nguy hiểm. Bên cạnh đó, việc tiêm chích không an toàn làm tăng nguy cơ sốc dịch truyền hoặc những bệnh lây truyền qua đường tiêm chích.
Hiện nay hệ thống điều trị sốt xuất huyết đã được triển khai tại tất cả các cơ sở y tế của Bộ y tế, và phát đồ điều trị của Bộ Y tế trên toàn quốc, nên bạn có thể bất cứ cơ sở y tế gần nhất để được chăm sóc.
Tôi bị sốt 1 ngày, thấy có các triệu chứng giống như SXH, vậy tôi có thể đến BV khám ngay hay phải đợi 3-4 ngày mới đi khám vì tôi nghe nói 3-4 ngày thì xét nghiệm máu mới biết được có SXH hay không, thưa BS? (Tân)
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trần Nam: Hiện nay, việc xét nghiệm có thể biết được có bị bệnh sốt xuất huyết hay không ngay từ những ngày sốt đầu tiên. Tuy nhiên, bệnh thường diễn tiến nặng từ ngày thứ 3 của bệnh, do đó các cơ sở y tế thường hay khuyên bệnh nhân xét nghiệm sau khi sốt trên hai ngày, vừa để chẩn đoán đúng bệnh, vừa để tiên lượng diễn tiến của những ngày nguy hiểm sau đó.
Bệnh sxh thường gặp mùa nào trong năm? Thoa thuốc chống muỗi cho con nít thì có thể tránh khỏi bệnh này không? Tôi nghe nói con muỗi gây bệnh thường chích vào các giờ cố định có đúng không? (Lan Anh)
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Hồng Nga: Bệnh sốt xuất huyết thường xảy ra quanh năm và cao điểm là những tháng mùa mưa do có điều kiện thuận lợi để quần thể muỗi phát triển. Việc thoa thuốc chống muỗi sẽ giúp bạn hạn chế bị muỗi đốt, qua đó, phòng được bệnh sốt xuất huyết. Tuy nhiên, bên cạnh việc thoa kem, nên dùng bình xịt trong gia đình, không cho trẻ chơi ở những chỗ tranh tối tranh sáng, giữ nhà cửa sạch thoáng, gọn gàng là những việc nên làm để phòng bệnh.
Bệnh tay chân miệng lây qua đường nào thưa BS? Phải phòng bệnh như thế nào? Cảm ơn BS. (Lê Hoàng Nhân, Long An)
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Hồng Nga: Bệnh tay chân miệng lay qua tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc gián tiếp qua trung gian bàn tay, đồ vật bị nhiễm virut. Để phòng bệnh này chúng ta cần thực hiện rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng. Trong những gia đình có trẻ em cần phải thực hiện vệ sinh hàng ngày bằng nước và xà phòng cho những đồ vật sử dụng cho trẻ. Cuối tuần thực hiện khử khuẩn bằng javel với nồng độ pha javel theo hướng dẫn trên nhãn chai.
Xin BS cho biết những biến chứng thường gặp của SXH và cách phòng ngừa đế không bị những biến chúng này? (Huỳnh)
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trần Nam: Bệnh sốt xuất huyết có biến chứng trụy tim mạch do huyết tương trong mạch máu thất thoát ra ngoài, biến chứng chảy máu nặng, khó cầm; biến chứng tổn thương các cơ quan như gan, thận, tim, não,... Những biến chứng này cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đặc biệt là trụy tim mạch và chảy máu. Điều quan trọng nhất là bất cứ trường hợp nào có sốt trên hai ngày cần được đến cơ sở y tế để khám và chẩn đoán. Đồng thời, được hướng dẫn theo dõi những dấu hiệu nặng của bệnh và tái khám ngay khi cần thiết, tránh điều trị bằng những phương pháp dân gian, truyền miệng không có cơ sở khoa học.
Bé nhà em do cơ địa nên rất hay bị muỗi cắn. Đang có dịch sốt xuất huyết nên em khá lo, em có nên bôi hay xịt các loại chất chống muỗi trên da bé không thưa BS? Bé nhà em được hai tuổi. Xin cảm ơn BS. (Trường An, Bình Dương)
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trần Nam: Hiện tại có nhiều sản phẩm phòng chống muỗi đốt cho trẻ em có thể sử dụng được để bảo vệ trẻ khỏi bị muỗi cắn. Tuy nhiên, việc làm vệ sinh nhà cửa, phát quang bụi rậm, chống nước đọng xung quanh nhà để hạn chế muỗi sinh sản là việc quan trọng nhất trong việc phòng chống sốt xuất huyết. Gia đình nên tham khảo những thông tin truyền thông nói về phòng chống sốt xuất huyết.
BS cho tôi hỏi bao nhiêu người trong 1 khu vực bị SXH thì mới bị xem là vùng dịch bệnh và yêu cầu cơ quan nào để được phun thuốc? (Mai)
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Hồng Nga: Theo quyết định 3711/QĐ-BYT về hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh sốt xuất huyết Dengue khi có từ 2 ca bệnh sốt xuất huyết lâm sàng trở lên tại 1 khu vực thì có thể được xem như là ổ dịch và cần thực hiện các biện pháp chống dịch.
Tại TP.HCM, tất cả các ca bệnh sốt xuất huyết, hoặc nghi ngờ sốt xuất huyết thì đều được điều tra dịch tễ để xác định, đánh giá nguy cơ lây lan và từ đó có biện pháp triển khai chống dịch.
Đối với người dân khi phát hiện thấy có nhiều người bị sốt hoặc nghi nngờ sốt xuất huyết cần báo ngay cho trạm y tế của phường xã để triển khai các biện pháp chống dịch.
Bs cho tôi hỏi nếu con tôi đã bị tay chân miệng rồi thì cơ thể có miễn dịch được với bệnh này không? Cảm ơn BS. (Quế Anh, Quận 7, TPHCM)
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trần Nam: Hiện nay chưa có vắc xin ngừa bệnh tay chân miệng cũng như miễn dịch của trẻ bị mắc tay chân miệng rồi chống lại bệnh cũng rất kém, nên trẻ đã bị tay chân miệng rồi vẫn có thể mắc lại bệnh này khi tiếp xúc với nguồn lây.
Bác sĩ vui lòng cho biết thêm thông tin về bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết trong mùa dịch này mức độ lây bệnh và diẽn biến bệnh phức tạp ra sao? Hiện tại vùng dịch là ở đâu? Cần phòng tránh như thế nào? (Thy Loan)
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Hồng Nga: Thời điểm tháng 8 hàng năm là thời điểm bắt đầu mùa dịch sốt xuất huyết hàng năm và cũng là thời điểm có khả năng gia tăng bệnh tay chân miệng. Hiện nay theo giám sát của trung tâm y tế dự phòng Thành phố thì bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng diễn tiến theo mùa. Hai bệnh trên được ghi nhận ở cả 24 quận huyện của thành phố.
Xin BS cho biết về các mức độ của bệnh tay chân miệng, tôi được biết bệnh này có rất nhiều chủng và nhóm bệnh, vậy nhóm nào nguy hiểm nhất thưa BS. (Trần Hoàng Hải, Q3, TPHCM)
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trần Nam: Tùy theo diễn tiến của tay chân miệng, phác đồ Bộ Y tế chia ra 4 mức độ nặng của bệnh xếp theo thứ tự từ 1 đến 4. Tác nhân gây tay chân miệng là siêu vi đường tiêu hóa, có rất nhiều chủng khác nhau. Trong đó, nhóm EV 71 là chủng thường gây những biến chứng nặng nề nhất có thể đe dọa tính mạng như viêm não, viêm cơ tim.
Vệ sinh cơ thể sạch sẽ có thể phòng tránh hoàn toàn bệnh tay chân miệng không thưa BS? (Tô Ý Nguyện, Long An, TP.HCM)
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trần Nam: Hiện tại chưa có thuốc để chủng ngừa tay chân miệng, việc vệ sinh cơ thể chỉ có thể hạn chế mắc bệnh. Ngoài ra, cần làm vệ sinh nhà cửa, các vật dụng trong nhà, trường học và cách ly những trẻ bị bệnh tại nhà cũng giúp hạn chế việc lây lan bệnh.
Tôi ở chung cư, tầng 20, muỗi thường “đi thang máy” lên các tầng. Khi nghe có dịch sốt xuất huyết rất lo lắng cho sức khỏe của con nhỏ, gia đình. Tôi quan sát thấy thỉnh thoảng ban quản lý chung cư thông báo lịch xịt muỗi nhưng lâu lâu xịt 1 lần rồi thôi. Tôi muốn hỏi lịch xịt muỗi với chung cư thì nên xịt trong bao nhiêu lần, liều lượng ra sao và chúng tôi là cư dân sống ở chung cư nên có những quan sát, phản ánh gì sau 1 đợt xịt muỗi như vậy? (Lê Thùy Chi)
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Hồng Nga: Phun hóa chất diệt muỗi trong phòng chống sốt xuất huyết là kỹ thuật phun không gian. Với kỹ thuật này, lượng thuốc được phun ra được đưa vào không khí trong 2 tiếng đồng hồ, diệt những con muỗi đang bay trong thời gian đó. Sau thời gian đó, nếu không thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng 1 lứa muỗi mới nở ra lại có nguy cơ truyền bệnh tiếp.
Hiện nay ngành y tế chỉ chỉ định diệt muỗi khi có ổ dịch sốt xuất huyết xảy ra nhằm cắt đứt nhanh chóng đường lây truyền bệnh từ người này sang người khác.
Do đó, việc phun hóa chất diệt muỗi chủ động sẽ không phải là việc làm căn cơ. Mỗi người dân, đặc biệt là dân trong khu chung cư cần phối hợp với ban quản lý để có biện pháp diệt lăng quăng, phòng tránh muỗi tại chính nơi mình ở.
Chế độ dinh dưỡng cho người mắc bệnh tay chân miệng như thế nào thưa BS? (Vũ Thị Hương, Quận 4, TP.HCM)
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trần Nam: Biểu hiện bệnh tay chân miệng thường gây những vết thương trong miệng khiến trẻ rất khó ăn uống. Do vậy, cần kiên nhẫn với trẻ, cho trẻ ăn thức ăn mềm, lỏng, để mát, vẫn tiếp tục chăm sóc răng miệng cho trẻ để hạn chế bội nhiễm. Khi trẻ quá đau, có thể sử dụng những thuốc giảm đau tại chỗ hoặc uống thuốc giảm đau. Bệnh diễn tiến khoảng 3 đến 5 ngày thì trẻ sẽ hồi phục và ăn uống lại bình thường, không cần phải điều trị đặc biệt.
Quy trình xịt muỗi tại chung cư, căn hộ đông dân cư thường sẽ tuân theo các thủ tục gì? (Nguyễn Mai Anh)
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Hồng Nga: Khi có chỉ định phun hóa chất diệt muỗi tại 1 khu dân cư, chính quyền địa phương sẽ thông báo ngày giờ và những việc người dân cần làm trong thời gian phun hóa chất đến mỗi hộ dân để người dân hợp tác và chuẩn bị cho buổi phun được hiệu quả. Tùy vào mỗi địa phương việc thông báo này được thực hiện qua nhiều hình thức như tờ thông báo hoặc qua loa tay, loa phường,... đảm bảo tất cả hộ dân đều nhận được thông tin trước ngày phun ít nhất 1 ngày. Ngay vào thời điểm phun hóa chất, thì sẽ có loa và người đưa thông báo trước đó hướng dẫn mọi người hợp tác để đội phun hóa chất làm nhiệm vụ.
Thông thường 1 đội phun hóa chất sẽ gồm có 2-3 người trong đó gồm 1 người là tổ trưởng dân phố dẫn đường và thông báo cho dân, 1-2 người là nhân viên mang máy phun đeo vai.
Đối với những phạm vi rộng, bên cạnh sử dụng máy phun nhỏ đeo vai thì ngành y tế còn triển khai máy phun lớn đặt trên xe hơi để phun hóa chất ở những tuyến đường lớn.
Trong thời gian tiến hành phun hóa chất, người dân cần mở cửa sổ để thuốc được phun vào trong nhà, che đậy các đồ ăn thức uống và không để người hoặc vật nuôi đứng trong tầm máy phun.
Độ tuổi nào thì mắc bệnh tay chân miệng thưa BS? Dấu hiệu của bệnh là như thế nào ạ? Cảm ơn BS. (Kiều Như, Cần Thơ)
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trần Nam: Bệnh tay chân miệng thường gặp ở những trẻ dưới 5 tuổi. Tần suất gặp nhiều nhất là trẻ từ 1 đến 3 tuổi (lứa tuổi nhà trẻ - trẻ không tự vệ sinh cá nhân tốt). Biểu hiện chủ yếu là những nốt mẫn đỏ ở lòng bàn tay, chân, đầu gối, khuỷu tay, mông của trẻ, kèm theo những vết lở nhỏ màu trắng trong miệng. Hầu hết các trường hợp đều lành tính, tự khỏi sau 3 đến 5 ngày. Một số có biến chứng nặng như viêm não và viêm cơ tim, cần được phát hiện sớm và đưa đến bệnh viện ngay.
Những dấu hiệu cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay:
- Sốt cao uống thuốc hạ sốt không bớt.
- Giật mình chới với khi trẻ nằm, đi loạng choạng, yếu tay chân
- Nôn ói nhiều, thở mệt, khàn tiếng hoặc tay chân lạnh, da nổi bông
Thuốc xịt muỗi có mùi rất nồng, khi hít vào thật sự khó chịu vô cùng. Tôi vẫn thấy ban quản lý chung cư đưa người đi xịt trong thời gian đông dân cư, như vậy là đúng hay sai và chúng tôi nên ý kiến như thế nào? Với môi trường chung cư, khu vực đông dân cư thì nên xịt vào thời điểm nào là hợp lý? (Đặng Thì Thùy)
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Hồng Nga: Với kỹ thuật phun không gian thì việc phun hóa chất diệt muỗi sốt xuất huyết cần được tiến hành vào thời điểm muỗi hoạt động mạnh nhất là sáng sớm hoặc chiều tối (khoảng từ 18h-20h). Do đó, để việc phun hóa chất được hiệu quả cần phải có thông báo trước để người dân biết và điều chỉnh các sinh hoạt, hợp tác với đội phun.
Ngón tay tôi có mọc hai đến ba mụt mụn nước. BS cho tôi hỏi tôi có mắc bệnh tay chân miệng không. Cảm ơn BS. (Lê Thanh Ngân, Hóc Môn, TPHCM)
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trần Nam: Bất cứ những trường hợp nào nghi ngờ bệnh tay chân miệng cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và theo dõi bệnh cũng như những lời khuyên về cách chăm sóc cho trẻ tại nhà.
Phần lớn người dân Sài Gòn ngủ không mắc mùng do thời tiết nóng, các gia đình, hộ dân sử dụng quạt, máy lạnh và cảm giác như không có muỗi. Đôi lúc có thì cũng bị quạt thổi đi hay trong phòng máy lạnh cũng dễ bị đập cho chết. Theo anh, cách làm này là đúng hay sai và có nên mắc mùng khi đi ngủ không? Vì sao? (Nguoisaigon)
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Hồng Nga: Ngủ mùng kể cả ban ngày là biện pháp chắc chắn để phòng tránh muỗi đốt khi ngủ.
Chào bác sĩ cháu bị sốt xuất huyết hôm nay ngày thứ 4, cháu bắt đầu bị tiêu chảy cấp từ hôm qua đi 3 lần, hiện thì thấy bụng sôi khó chịu (kiểu tiêu chảy). Đây có phải dấu hiệu xấu đi của bệnh không ạ. (Kim Thoa)
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trần Nam: Ngày thứ 4 của bệnh sốt xuất huyết là giai đoạn nguy hiểm của bệnh. Biểu hiện tiêu chảy có thể gây mất nước làm nặng hơn diễn tiến của bệnh, do đó bạn cần đến cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm và điều trị thích hợp.
Cháu xem trên mạng cách phân biệt sốt phát ban và sốt xuất huyết bằng cách căng da nốt ban của cháu. Sau khi căng vẫn còn nhưng đi xét nghiệm thì không phải sốt xuất huyết. Vậy bác sĩ cho cháu hỏi cách phân biệt đó có đúng không ạ. (Kim Anh)
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trần Nam: Phương pháp căng da để phân biệt nốt xuất huyết và ban khác còn việc chẩn đoán sốt xuất huyết cần kết hợp các biểu hiện khác cũng như xét nghiệm để có chẩn đoán xác định chính xác.
Cách thức cơ quan quản lý nắm rõ được tình hình sau đợt phun, xịt muỗi và bị tái phát lại muỗi sinh sôi còn nhiều hơn ra sao? Bởi tôi thấy xịt muỗi cứ xịt nhưng muỗi vẫn cứ còn bởi nếp sinh hoạt, vệ sinh của mỗi người 1 kiểu. Có những dự án hay kế hoạch nào trong tương lai để ngăn ngừa tình trạng này để tránh lặp đi lặp lại? (Hoàng Ngọc Diệp)
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Hồng Nga: Để theo dõi hiệu quả của việc xử lý 1 ổ dịch hoặc sau 1 đợt phun hóa chất diệt muỗi, ngành y tế áp dụng các biện pháp kỹ thuật như điều tra các chỉ số muỗi và lăng quăng trước và sau khi phun hóa chất, giám sát sự xuất hiện của các ca bệnh tại khu vực đã được phun hóa chất. Tuy nhiên, việc phun hóa chất diệt muỗi chỉ là biện pháp hạ hỏa, giảm nhanh quần thể muỗi, cắt đứt đường lây tạm thời.
Để duy trì được hiệu quả phun hóa chất cần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng. Để giải quyết vấn đề này, Sở Y tế TP.HCM đã chỉ định thực hiện các chiến dịch diệt lăng quăng hàng tuần ở tại các nơi đang xảy ra ổ dịch, giao cho mỗi ban ngành đoàn thể chịu trách nhiệm giám sát các điểm nguy cơ phát sịnh dịch sốt xuất huyết. Đối với những cá nhân hoặc tổ chức không chấp hành các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết theo hướng dẫn của y tế hoặc chính quyền địa phương sẽ bị xử phạt theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP.
Bác sĩ ơi! Bé 29 tháng bị sốt xuất huyết sang ngày thứ 8 bé khỏe hơn và đi lại được nhưng sau khi siêu âm thì bác sĩ bảo bé bị gan to và thận cũng yếu. Cho em hỏi đó là do bé chưa phục hồi hẳn hay do nguyên nhân nào khác. Xin cảm ơn. (Tuấn Lê)
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trần Nam: Thông thường sốt xuất huyết sau ngày thứ 7 sẽ tự ổn định nếu có những diễn tiến gì đặc biệt cần được khám và theo dõi thêm. Để xác định nguyên nhân gây ra diễn tiến đó do bệnh khác hoặc do sốt xuất huyết, bạn nên đưa bé đến cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác hơn.
Có tiêm vắc xin để phòng bệnh sốt xuất huyết cho trẻ được không? (Lê Thu Hường)
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Hồng Nga: Hiện vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết chưa được lưu hành tại Việt Nam.
Thưa BS! Con trai tôi năm nay 4 tuổi. Bé bị sốt và lở trong cổ họng. Lần đầu đi khám BS kết luận bé bị tay chân miệng độ 1, cho về nhà theo dõi. Nhưng 2 ngày sau bé vẫn tiếp tục sốt cao, tôi đưa bé đi khám lại và lần này có cho thử máu. Kết quả bé bị nhiễm trùng cao và BS bảo rằng đây là dạng tay chân miệng không điển hình và là viêm họng mủ nhiễm trùng. Đêm đó về bé vẫn còn sốt nhưng đến sáng hôm sau tức là ngày thứ 3 kể từ khi bé phát bệnh thi bé đã hạ sốt, nhiệt độ cơ thể hoàn toàn bình thường. Nhưng khi bé ngủ trưa, tôi quan sát thấy bé có giật mình chới với 1 lần. Vậy xin hỏi BS đó có phải là biểu hiện nặng của bệnh không? Mong BS sớm giải đáp. Hiện tôi đang rất lo lắng. (Mẹ Bin)
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trần Nam: Bệnh tay chân miệng do siêu vi gây ra, có thể kèm bội nhiễm do vi trùng nếu trẻ không được chăm sóc răng miệng tốt. Khi bé có những biểu hiện giật mình chới với người nhà cần đưa trẻ đến khám lại ở cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác hơn, và có điều trị thích hợp.
Việc xịt muỗi phòng tránh bệnh sốt xuất huyết thường theo đợt do dịch bùng phát hay định kỳ một năm sẽ vào những thời gian nào? Vì sao? (Hồ Minh Hải)
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Hồng Nga: Việc phun hóa chất diệt muỗi phòng bệnh sốt xuất huyết được chỉ định khi có ổ dịch xảy ra. Tại một số khu vực nguy cơ cao cũng có thể được chỉ định phun chủ động, tuy nhiên, trước đó, cần thực hiện diệt lăng quăng hiệu quả. Tần suất phun định kỳ sẽ được quyết định tùy thuộc tình hình thực tế của từng khu vực.
Bệnh chân tay miệng có ảnh hưởng gì đến trí não của bé sau này không thưa bác sĩ. Mức độ ảnh hưởng sẽ thế nào? Cám ơn. (Ngọc Mai)
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trần Nam: Hầu hết những trường hợp mắc bệnh tay chân miệng đều tự khỏi, không để lại biến chứng gì cả. Tuy nhiên, những trường hợp nặng có biến chứng thần kinh thì cần được theo dõi, tái khám để đánh giá mức độ di chứng lâu dài sau này.
Ngay trong đợt sốt xuất huyết và nhập học năm học mới các trẻ đều dễ mắc phải cả 2 loại trên là sốt xuất huyết và tay chân miệng. Nhưng dấu hiệu đầu tiên trở nặng là sốt, vậy làm sao phân biệt cái nào là sốt xuất huyết, cái nào là sốt vì tay chân miệng? (Lê Thị Thùy Lan)
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Hồng Nga: Sốt là một biểu hiện chung của nhiều bệnh truyền nhiễm hoặc nhiễm trùng đặc biệt là trong những ngày đầu khi chưa có triệu chứng đặc hiệu. Chính vì vậy, khi trẻ bị sốt nên đưa trẻ đến bác sĩ để được khám và xét nghiệm qua đó, bác sĩ sẽ hướng dẫn các cách chăm sóc và theo dõi trẻ tại nhà, những dấu hiệu chuyển nặng phải đưa trẻ đi bệnh viện để phòng những biến chứng nặng.
Em có thắc mắc là bé nhà em không có chơi với em bé nào cả mà chỉ ở nhà với bà ngoại nhưng không hiểu sao bé vẫn bị tay chân miệng. Xin bác sĩ cho em hỏi là bệnh tay chân miệng có thể do tự người bé phát bệnh nên không, và hiện nay đã có loại vắc-xin nào phòng ngừa được bệnh tay chân miệng chưa thưa bác sĩ? (Trân)
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trần Nam: Bệnh tay chân miệng do siêu vi gây ra thông qua tiếp xúc trực tiếp với các chất tiết của đường tiêu hóa. Việc kiểm soát nguồn lây khá khó khăn vì đôi khi người lớn là nguồn trung gian truyền bệnh cho trẻ, vì vậy thói quen rửa tay bằng xà phòng, ăn chín uống sôi cần được áp dụng tốt để hạn chế những bệnh lây qua đường tiêu hóa, trong đó có bệnh tay chân miệng.
Trẻ con học mẫu giáo bị tay chân miệng thường tái đi tái lại. Làm sao để tránh tình trạng này diễn ra? (Nguyễn Thanh Nga)
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trần Nam: Bệnh tay chân miệng thường xảy ra ở những môi trường đông đúc nhiều trẻ nhỏ như nhà trẻ, trường học, khu vui chơi. Vì vậy, trẻ có thể lây qua lây lại cho nhau nên có nguy cơ tái đi tái lại. Việc làm vệ sinh thân thể, rửa tay bằng xà phòng và cách ly tại nhà đối với những trẻ mắc bệnh tay chân miệng là cần thiết để tránh lây nhiễm sang cho những trẻ khác.
Phụ huynh lo lắng con đi học sẽ bị muỗi đốt ở trường nhưng theo dõi thì không thấy trường có lịch xịt hay phun muỗi. Tôi phải làm gì để đúng quy trình mà không bị mất lòng với nhà trường về việc này? (Trần Thị Mỹ)
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Hồng Nga: Tại TP.HCM, trường học cũng là điểm nguy cơ phát dịch sốt xuất huyết cần được giám sát định kỳ. Ngành y tế và ngành giáo dục đã phối hợp để triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong đó có phòng chống tại trường học.
Trong những tháng cao điểm của mùa dịch sốt xuất huyết, ngành y tế cũng thực hiện phun hóa chất tại trường học và thực hiện vào buổi chiều tối. Bên cạnh đó, giám sát định kỳ hàng tuần hoặc hàng tháng đối với hoạt động diệt lăng quăng tại trường học.
Trong trường hợp bạn quan tâm, lo lắng đến việc phòng chống sốt xuất huyết tại trường nên liên hệ ban giám hiệu để biết cụ thể hoặc trạm y tế của phường xã nơi trường đặt cơ sở.
Sốt xuất huyết ở trẻ con thường có dấu hiệu nhận biết nào mà cha mẹ hay lầm lẫn là sốt thông thường? Cách phân biệt và nhận biết đơn giản nhất nên làm phụ huynh cần biết là gì? (Quang Minh Hiển)
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trần Nam: Sốt xuất huyết có biểu hiện tương tự như những sốt siêu vi khác. Tuy nhiên, diễn tiến của bệnh kéo dài hơn và có biến chứng nguy hiểm kể từ ngày thứ 3 của bệnh. Do đó, khi trẻ sốt trên 2 ngày, cần đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế để được khám và xét nghiệm, chẩn đoán bệnh cũng như phát hiện những biến chứng của bệnh sốt xuất huyết.
Em đang mang thai tuần thứ 20. Hiện nay đang có dịch sốt xuất huyết, nhà em đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa như không chứa nước, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, tuy nhiên em vẫn lo lắng có thể bị bệnh. BS cho em hỏi thai phụ bệnh sốt xuất huyết thì sẽ ảnh hưởng gì đến em bé không? Điều trị như thế nào? Cảm ơn BS. (Hoàng Phụng, Quận 12, TP.HCM)
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Hồng Nga: Đối với phụ nữ có thai để phòng chống sốt xuất huyết bên cạnh việc dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, bạn cần chủ động phòng tránh muỗi đốt cho bản thân mình. Khi bị sốt, nghi ngờ sốt xuất huyết bạn cần đến ngay tại bệnh viện để được hướng dẫn điều trị phù hợp, không tự điều trị tại nhà.
Khi trẻ sốt, nếu cho trẻ ở trần, lau mát thường xuyên thì có nguy hiểm không? Cách xử lý đúng giúp trẻ hạ sốt là gì? (Lê Minh Duy)
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trần Nam: Khi trẻ bị sốt cần hạ sốt cho trẻ bằng thuốc hạ sốt theo hướng dẫn. Bên cạnh đó, cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, uống nhiều nước sẽ giúp cho trẻ hạ nhiệt từ từ. Không nên chườm nước lạnh hoặc những phương pháp khác như thoa rượu, cạo gió,... sẽ làm trẻ sốt cao hơn và mệt mỏi hơn.
Bệnh tay chân miệng chỉ xảy ra cho trẻ hay cả người lớn cũng mắc phải? (Huỳnh Thanh Trúc)
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trần Nam: Bệnh tay chân miệng thường xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi. Tuy nhiên cũng có trường hợp người lớn bị mắc phải nhưng đa phần thường không có diễn tiến nặng.
Người dân nên làm gì để hỗ trợ các cấp quản lý tốt nhất trong công tác phòng chống ngăn ngừa sốt xuất huyết? (Minh Nguyệt)
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Hồng Nga: Phòng chống sốt xuất huyết là trách nhiệm của cả cộng đồng, từ chính quyền, các ban ngành đoàn thể và từng hộ gia đình. Để chung tay phòng tránh sốt xuất huyết mỗi người dân cần:
- Chủ động dành 10 phút mỗi tuần để kiểm tra tất cả các vị trí có khả năng ứ đọng nước, phát sinh lăng quăng ngay trong chính nhà mình. Cụ thể: thay nước các bình bông, chén nước cúng, thu gom dọn dẹp vật phế thải, súc rửa các vật dụng chứa nước trong và ngoài nhà.
- Vận động hàng xóm, người thân cùng thực hiện những biện pháp trên.
- Tham gia các tổ diệt lăng quăng mỗi khu phố, ấp nơi mình cư ngụ.
- Khi phát hiện xung quanh có người bệnh, nghi ngờ sốt xuất huyết cần báo ngay cho trung tâm y tế.
Trẻ bị tay chân miệng là do đề kháng yếu, lúc này cần bổ sung Vitamin C nhiều nên cho uống các loại như cam, chanh, nước ép là đúng hay sai? Vì sao? (Đào Nguyên Anh)
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trần Nam: Việc bổ sung Vitamin C là cần thiết để giúp cơ thể hồi phục chống lại bệnh tật. Khi trẻ bị bệnh việc bổ sung nước cam, chanh. nước ép là cần thiết. Tuy nhiên không nên sử dụng quá nhiều sẽ khiến trẻ khó tiêu.
Tôi và chồng thường tranh cãi về việc con bị sốt. Tôi quan sát biểu hiện của cháu và sốt liên tục trong 2 ngày ko dứt hay giảm dần sẽ mang đi bệnh viện hay gặp bác sĩ. Còn chồng tôi chỉ cần con vừa nóng sốt là phải đi bệnh viện, bác sĩ gấp và luôn. Ngay khi đợt sốt xuất huyết bùng phát, 1 lần cháu đi học về có vết sưng to ở chân và kèm theo sốt nhẹ. Chúng tôi cũng sợ và mang con đi khám nhưng chỉ là thay đổi thời tiết. Rốt cuộc, cha mẹ có con nhỏ nên làm gì khi tình huống này xảy ra để giảm stress và không quá lo lắng như vậy? (Vũ Trung Minh)
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trần Nam: Sốt là một biểu hiện của cơ thể báo động có sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh. Do đó, khi trẻ bị sốt cần được đi khám tại cơ sở y tế để được chẩn đoán nguyên nhân gây sốt và các chăm sóc theo dõi phù hợp. Bên cạnh đó, bác sĩ luôn đưa ra những lời khuyên và hẹn tái khám để theo dõi diễn tiến bệnh.
Bác sĩ cho tôi hỏi sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ các cụ thường bấm vào tay chân để nó hiện lên đốt giống đồng tiền, nếu không hiện thì ko phải sốt xuất huyết. Cách làm này là đúng hay sai và có những hậu quả khó lường gì? (Thanh Ý)
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Hồng Nga: Việc chẩn đoán bệnh sốt xuất huyết cần được thực hiện bởi bác sĩ. Do đó, người dân không nên tự chẩn đoán sốt xuất huyết tại nhà, nếu bệnh không được phát hiện và điều trị đúng cách sẽ dẫn đến biến chứng nặng, thậm chí tử vong.
Tôi trồng cây sả trong nhà mà sao muỗi vẫn vô chích 2 mẹ con túi bụi. Bác sĩ thấy có gì đó sai sai? (Danh Thị Bé Hai, 28 tuổi, Bạc Liêu)
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Hồng Nga: Tinh dầu sả, tinh dầu chanh, vỏ cam, tinh dầu hoa oải hương,... cũng được xem là một trong những dược liệu có khả năng xua muỗi, tuy nhiên, nếu chỉ trồng cây sả trong nhà thì việc phòng tránh muỗi đốt chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Do đó, trong mỗi gia đình cần thực hiện diệt lăng quăng, giảm nguồn sinh sản của muỗi, giữ gìn nhà cửa sạch thoáng, không tạo điều kiện cho muỗi trú ẩn, có thể dùng thêm bình xịt côn trùng trong nhà để diệt muỗi.
Khi trẻ đang bị sốt xuất huyết, thì có nên cho trẻ uống nước yến không? Tôi nghe nói nước yến rất bổ có thể giúp trẻ khỏe mạnh. (Hồ Minh Trương, 27 tuổi, Kiên Giang)
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trần Nam: Nước yến nói riêng và các thực phẩm bổ dưỡng đều giúp cho trẻ bổ sung dinh dưỡng trong quá trình bệnh. Do đó, việc bổ sung các dinh dưỡng trên đều không chống chỉ định. Tuy nhiên không nên quá tin tưởng vào hiệu quả của những thức ăn trên và quên bổ sung dinh dưỡng khác cho trẻ để đảm bảo tốt việc chăm sóc cho trẻ toàn diện.
Với người ở vai trò quản lý, anh thấy khó khăn của mình khi tiếp cận địa bàn hay người dân để phun, xịt muỗi là gì? (Võ Công Duy)
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Hồng Nga: Khó khăn lớn nhất ngành y tế gặp phải khi phun hóa chất đến khu dân cư, hộ gia đình là thời gian phun hóa chất thường trùng thời gian sinh hoạt cao điểm của các gia đình nên người dân không mở cửa để phun hóa chất vào trong nhà. Do đó, những con muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết trong mỗi gia đình, căn nhà không được tiêu diệt, tiếp tục truyền bệnh cho cộng đồng.
Với vai trò của người làm công tác y tế dự phòng, chúng tôi mong rằng, khi nhận được thông báo về lịch phun hóa chất diệt muỗi, mỗi người dân hãy hợp tác với ngành y tế mở cửa để phun hóa chất vào trong nhà. Ngoài ra, cùng thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng trong và xung quanh nhà để bảo vệ cho chính mình, người thân và cả cộng đồng không bị bệnh sốt xuất huyết.
Bác sĩ cho em hỏi, ở quê em, có thầy lang bệnh gì cũng cắt lễ, kể cả bệnh sốt xuất huyết. Em thấy ghê quá, theo bác sĩ thì sao ạ? (Nguyễn Linh, 27 tuổi, Long An)
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trần Nam: Bệnh sốt xuất huyết có nhiều nguy cơ bị chảy máu và làm cho bệnh diễn tiến nặng. Do đó, hạn chế các phương pháp gây chảy máu nguy hiểm như cắt lễ, cạo gió, chích máu vì sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu cũng như nhiễm trùng thông qua các vết cắt lễ đó.
Phụ nữ mang thai có thể bị tay chân miệng không? Nếu có thì có ảnh hưởng gì đến thai nhi hay không? (Huỳnh Phương Thảo)
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trần Nam: Bệnh tay chân miệng hiếm xảy ra ở người lớn, chưa ghi nhận một trường hợp nào biến chứng cho thai nhi khi thai phụ bị mắc bệnh.
Tôi nghe nói muỗi chích buổi sáng là muỗi gây bệnh SXH có đúng không thư BS? (Huệ)
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trần Nam: Muỗi vằn là tác nhân lây truyền bệnh sốt xuất huyết, thường trú ẩn trong nhà và chích bất kỳ người nào khi có thể. Vì vậy, việc phòng chống muỗi cần được thực hiện trong và xung quanh nhà giúp giảm nguy cơ bị muỗi cắn và mắc bệnh sốt xuất huyết.
Hàng xóm nhà tôi không cho nhân viên vào nhà phun thuốc vì sợ nguy hiểm cho cháu bà ta . Hành vi đó có bị xử lý hay không? (Nguyễn Văn Thọ)
Bác sĩ, Thạc sĩ Lê Hồng Nga: Đối với những trường hợp hộ dân không hợp tác trong phòng chống dịch sẽ có những biện pháp truyền thông, vận động qua nhiều kênh khác nhau để người dân hiểu và hợp tác.
Đã có vắc-xin nào phòng bệnh tay chân miệng hay chưa? (Huỳnh Như Nguyện)
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trần Nam: Hiện tại, chưa có vắc xin phòng bệnh tay chân miệng, các nghiên cứu còn đang tiếp tục thực hiện. Việc phòng ngừa tay chân miệng vẫn phụ thuộc vào việc vệ sinh môi trường và chăm sóc thân thể tốt.
Báo Phụ Nữ
Ảnh: Minh Thanh
Chia sẻ bài viết: |
Nám má một vấn đề rất thường gặp ở phụ nữ châu Á, tuy không ảnh hưởng về mặt sức khỏe, nhưng lại có tác động rất lớn về mặt thẩm mỹ gây mất tự tin cho người mắc tình trạng này.
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, bệnh tay chân miệng đang vào mùa, số ca bệnh trong tháng 9 tăng gấp đôi tháng 8.
Ai trong chúng ta cũng muốn sở hữu một làn da mịn màng, không tì vết, nhưng nếu lỡ bạn bị một vấn đề nào đó thì có nguy cơ sẽ để lại sẹo. Khi đó, làm thế nào để hạn chế tình trạng sẹo xấu?
Là phụ nữ, ai cũng mơ ước sở hữu một gương mặt mộc với làn da đẹp không tỳ vết. Muốn có làn da đẹp, khỏe khoắn, mịn màng chúng ta cần biết chăm sóc da mặt đúng cách và khoa học.
Việt Nam có khoảng 3 triệu trẻ em độ tuổi từ 0 - 15 mắc các tật khúc xạ phải đeo kính.
Dưới tác động của ánh nắng mặt trời, làn da dễ bị tổn thương dẫn đến nhiều vấn đề về da. Ngoài tránh nắng và sử dụng biện pháp che chắn như nón rộng vành, áo khoác, kính mát… thì sử dụng kem chống nắng rất quan trọng.
Suy giãn tĩnh mạch chi dưới còn gọi là suy giãn tĩnh mạch chân. Đây là bệnh rất thường gặp, xảy ra ở khoảng 10 - 35 % người lớn.
Từ 14g ngày 22/3/2019, báo Phụ Nữ TP.HCM tổ chức buổi giao lưu trực tuyến “Vitamin E – Công dụng diệu kỳ” với sự tham gia của bác sĩ Phương Mai – Chuyên khoa 2 Da liễu – Bệnh viện Da liễu TP.HCM.
Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về các bệnh răng miệng, Báo Phụ Nữ TP.HCM tổ chức buổi giao lưu trực tuyến “Làm sao để hơi thở thơm tho?”, từ 9g sáng ngày 7/12.
Nhiều bệnh nhân sau khi điều trị, tình trạng viêm dạ dày vẫn tái phát. Để giúp bạn đọc hiểu rõ về bệnh viêm dạ dày, cách chữa dứt điểm, Báo Phụ Nữ TP.HCM tổ chức buổi giao lưu trực tuyến “Viêm dạ dày chữa hoài không dứt?”.
Để giúp du khách tìm hiểu về visa đi Mỹ cùng tỷ lệ đậu cao, báo Phụ Nữ phối hợp cùng Công ty Du lịch Tugo tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề “Các bước xin visa Mỹ” vào lúc 9g00, thứ Năm ngày 25/10/2018.
9g sáng nay, 12/10, Báo Phụ Nữ TP.HCM phối hợp Bộ Y tế tổ chức giao lưu trực tuyến “Để mô hình bác sĩ gia đình phát huy hiệu quả tại y tế cơ sở”.
Để giúp các bà mẹ phòng tránh và chăm sóc trẻ bị tay chân miệng, Báo Phụ Nữ tổ chức buổi giao lưu trực tuyến “Bệnh tay chân miệng tăng nhanh, có gì bất thường?” vào lúc 9 giờ hôm nay, ngày 11/10.
Báo Phụ Nữ TP.HCM phối hợp cùng với nhãn hàng sữa dê công thức DG tổ chức buổi giao lưu trực tuyến “Duy trì nhịp sinh lý cho bé khi sử dụng sữa công thức” vào lúc 9g00 ngày 25/9.
Báo Phụ Nữ phối hợp với nhãn hàng kẹo dẻo dinh dưỡng PNKids tổ chức buổi giao lưu trực tuyến lúc 14g00 ngày 12/9, với sự tư vấn của bác sĩ CKII Nguyễn Thị Thu Hậu - Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi Đồng 2.
Buổi giao lưu trực tuyến chủ đề "Tiêu chuẩn cái đẹp trong phẫu thuật thẩm mỹ" diễn ra từ lúc 9g ngày 24/8 tại Báo Phụ Nữ.
Ở phụ nữ 25 tuổi, trán và mi dưới xuất hiện nếp nhăn đầu tiên. Bước sang tuổi 30 tuổi xuất hiện vết chân chim ở đuôi mắt, 40 tuổi nếp nhăn thường trực ở trước tai và ngấn cổ nổi rõ…
Buổi giao lưu trực tuyến do Báo Phụ Nữ và Bệnh viện Quốc tế City phối hợp tổ chức, từ lúc 13g30 hôm nay, với sự tham gia của Thạc sĩ bác sĩ Trần Thị Kim Xuyến và Thạc sĩ bác sĩ Trần Thị Mai Thy.
Du lịch châu Âu chưa bao giờ dễ dàng và tiện lợi như hiện nay. Cảnh đẹp thơ mộng, những tòa nhà cổ kính, xen kẽ những nét huyền bí khiến ai cũng bị mê hoặc khi đặt chân đến châu Âu, nhất là vào mùa thu.