Phẫu thuật thẩm mỹ có thể giúp cải thiện ngoại hình một cách ấn tượng. Tuy nhiên, đây là phương pháp điều trị xâm lấn với các nguy cơ liên quan đến mổ xẻ và cần phải có thời gian nghỉ dưỡng sau đó.
Trong những năm gần đây, trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, lĩnh vực thẩm mỹ nội khoa hay còn gọi là “làm đẹp không phẫu thuật” liên tục phát triển dẫn đến sự ra đời rất nhiều phòng khám thẩm mỹ, trung tâm thẩm mỹ, trung tâm laser, chăm sóc da, spa...
Tuy không đụng chạm dao kéo, nhưng liệu thẩm mỹ không phẫu thuật có thực sự an toàn cho sức khỏe của chúng ta? Và trên thực tế, đã xảy ra những trường hợp tai biến do tiêm chất làm đầy, laser, lột da bằng hóa chất...
Để giúp quý bạn đọc có thêm nhiều thông tin hữu ích, chọn lựa dịch vụ làm đẹp một cách an toàn và hiệu quả, vào 9g sáng nay - thứ Năm ngày 12/12/2019, báo điện tử Phụ Nữ TP.HCM - https://www.phunuonline.com.vn/ tổ chức buổi giao lưu trực tuyến “Làm đẹp không phẫu thuật có thực sự an toàn?” với sự tư vấn của thạc sĩ - bác sĩ Trần Nguyên Ánh Tú - Phó trưởng khoa Thẩm Mỹ Da, Bệnh viện Da Liễu TP.HCM.
Mời bạn đọc tham gia đặt câu hỏi tại đây.
ThS-BS Trần Nguyên Ánh Tú, Phó khoa Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM trả lời giao lưu trực tuyến Làm đẹp không phẫu thuật có thực sự an toàn? |
NỘI DUNG GIAO LƯU
* Thưa bác sĩ. Cách đây 5 năm, em có đi dự 1 hội thảo về làm đẹp. Tại đó, bác sĩ tiêm filler nâng mũi cho khách luôn. Bác sĩ có thể tư vấn giúp em là nâng mũi bằng filler có thể gặp biến chứng gì không? Tác dụng của filler có thể kéo dài bao lâu, khi hết tác dụng rồi thì có thể tiêm lại được không? (Thủy Nga, 29 tuổi, Q.7, TP.HCM)
ThS-BS Trần Nguyên Ánh Tú, Phó khoa Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM:
Chào bạn.
Mũi của người châu Á thường thấp hơn mũi của người Âu, Mỹ, do đó, nhu cầu tiêm chất làm đầy (filler) nâng mũi rất cao ở các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam chúng ta.
Có nhiều loại filler, phổ biến nhất là thành phần acid hyaluronic sẽ có thời gian, tác dụng kéo dài khoảng 3-18 tháng và có thể điều trị lặp lại được.
Tuy nhiên, tiêm filler là 1 kỹ thuật khó, đòi hỏi người thực hiện phải là bác sĩ, được đào tạo, huấn luyện bài bản, nắm vững cấu trúc giải phẫu vùng mặt, đặc biệt là hệ thống mạch máu phức tạp bên dưới.
Nếu thực hiện sai kỹ thuật có thể gây ra các tai biến trầm trọng như hoại tử da, mù mắt, đột quỵ...
* Thưa bác sĩ. Dạo gần đây em nghe nhiều về công nghệ làm đẹp Thermage. Xin bác sĩ tư vấn giúp em công nghệ này là gì, tác dụng của công nghệ này? Thời gian làm đẹp bằng công nghệ này kéo dài được bao lâu? Xin cám ơn. (Ngọc Nga, 32 tuổi, Q.6, TP.HCM)
- ThS-BS Trần Nguyên Ánh Tú, Phó khoa Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM:
Chào chị.
Thermage là công nghệ được nhắc đến rất nhiều trong thời gian gần đây. Nguyên lý của công nghệ này là sóng cao tần RF đơn cực có thể tạo ra nhiệt lượng khá cao, từ 65-75 độ C, sâu trong da.
Chính vì vậy, Thermage có thể giúp đạt hiệu quả săn chắc da, giảm chảy xệ, giảm các nếp nhăn một cách rõ rệt, ngay tức thì sau điều trị. Hiệu quả trẻ hóa da này sẽ càng được thấy rõ hơn sau 3-6 tháng.
Tuy nhiên, không phải ai cũng phù hợp điều trị với phương pháp này, nếu thực hiện không đúng kỹ thuật vẫn có thể xảy ra tai biến như bỏng rộp, mụn nước, bóng nước, đau kéo dài... Do đó, quan trọng nhất là chọn lựa cơ sở điều trị có uy tín để đạt hiệu quả cao nhất, hạn chế tối đa tác dụng phụ.
Bác sĩ Bệnh viện Da liễu TP.HCM tiến hành thực hiện công nghệ Thermage cho khách hàng. Nguồn: Bệnh viện Da liễu TP.HCM |
* Chào bác sĩ. Em đọc tin thấy các nghệ sĩ, người nổi tiếng nước ngoài hay tiêm botox để giữ sắc đẹp. Xin bác sĩ giải thích rõ hơn về công nghệ làm đẹp này? Có hại gì cho cơ thể không? Xin cám ơn. (Bích Ngọc, 25 tuổi, Q.9, TP.HCM)
- ThS-BS Trần Nguyên Ánh Tú, Phó khoa Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM:
Chào chị.
Tiêm botox là tên chúng ta vẫn quen gọi cho kỹ thuật tiêm botulinum toxin A. Vậy, botulinum toxin A có vai trò như thế nào trong việc làm đẹp?
Các nếp nhăn trên khuôn mặt chúng ta chia làm 2 loại: nếp nhăn động và nếp nhăn tĩnh. Nếp nhăn động là nếp nhăn xuất hiện khi các cơ vùng mặt cử động, ví dụ, khi chúng ta nhướn trán sẽ có nếp nhăn trán. Với các nếp nhăn loại này, tiêm botulinum toxin sẽ rất hiệu quả nhờ vào tác động làm yếu các vùng cơ tương ứng, giúp các vùng cơ này giảm co hoặc không co được nữa, từ đó, các nếp nhăn động sẽ mất đi.
Trong y khoa, botulinum toxin còn được áp dụng ở các chuyên khoa khác như mắt, nội thần kinh để điều trị các bệnh lý liên quan đến cơ với liều thuốc rất cao. Trong khi đó, đa số các chỉ định điều trị thẩm mỹ, chúng ta thường sử dụng với liều thuốc thấp hơn rất nhiều. Vì vậy, việc tiêm botulinum toxin để giữ sắc đẹp khá an toàn.
Tuy nhiên, nếu thực hiện không đúng kỹ thuật, vẫn có thể gây ra các tai biến thẩm mỹ trầm trọng như sụp mi, xệ cung mày, lệch miệng, không thể cười được...
Nguồn: Bệnh viện Da liễu TP.HCM
* Thưa bác sĩ, mọi người khen em là một cô gái xinh xắn, dễ thương, nhưng em luôn tự ti vì sóng mũi em bị gãy. Nghe nói tiêm chất làm đầy có thể cho mình một sống mũi cao tự nhiên. Em rất muốn làm nhưng lại sợ có biến chứng như trên mạng xã hội đưa tin thời gian qua. Em rất phân vân. Mong bác sĩ tư vấn giúp. Cảm ơn. (Lê Thùy Linh, 29 tuổi, quận Bình Thạnh, TP.HCM
- ThS-BS Trần Nguyên Ánh Tú, Phó khoa Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM:
Chào chị.
Đúng như chị nói, trong thời gian vừa qua, báo chí đưa tin rất nhiều về các trường hợp tiêm filler, nâng mũi bị mù mắt. Thực tế, tại khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM cũng tiếp nhận khá nhiều trường hợp tai biến xảy ra do tiêm chất làm đầy ở bên ngoài như hoại tử da, nhiễm trùng, đe dọa mù mắt...
Tai biến mù mắt thường xảy ra do kỹ thuật tiêm sai, khiến chất làm đầy bị trôi vào lòng mạch máu nuôi võng mạc. Một khi đã xảy ra tình trạng mù mắt, rất khó để điều trị phục hồi lại được.
Chính vì vậy, dù tiêm filler nâng mũi giúp tạo được sóng mũi tự nhiên, gương mặt thanh tú, nhưng đây là 1 kỹ thuật khó, đòi hỏi người thực hiện phải là bác sĩ có nhiều kinh nghiệm và được đào tạo 1 cách bài bản, chuyên sâu.
Chị nên cân nhắc về sự an toàn khi làm đẹp nhé!
* Thưa bác sĩ. Em hay nghe nói đến biện pháp làm đẹp là tiêm botox và tiêm filler. Vậy tiêm botox và filler, cái nào tốt hơn? (Võ Thị Tân Châu, TP.HCM)
- ThS-BS Trần Nguyên Ánh Tú, Phó khoa Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM:
Đây cũng là câu hỏi mà tôi rất thường gặp khi ngồi ở phòng khám thẩm mỹ. Thỉnh thoảng khi đọc các bài báo trên mạng cũng thấy các bài viết có sự nhầm lẫn giữa botox và filler.
Vậy, botox và filler khác nhau thế nào:
Trước hết là về thành phần, botox là botulinum toxin, còn loại filler phổ biến nhất hiện nay thì thành phần là haluronic acid. Về tác dụng, chúng cũng khác nhau.
Trên khuôn mặt của chúng ta luôn có 2 loại nếp nhăn: một là nếp nhăn động, tức là các nếp nhăn xuất hiện khi chúng ta cử động, ví dụ như nếp nhăn đuôi mắt khi cười, nếp nhăn trán khi nhướn trán.
Hai là nếp nhăn tĩnh, ví dụ như nếp nhăn chân chim hiện hữu thường xuyên ngay cả khi chúng ta để yên mặt.
Đối với các nếp nhăn động, chúng ta sẽ điều trị chủ yếu là tiêm botulinum toxin để các vùng cơ ở đó giãn ra, không co nhiều, không tạo nếp nhăn nữa.
Còn với các nếp nhăn tĩnh thì chủ yếu sẽ tiêm chất làm đầy để nâng đỡ thể tích, làm đầy các vết nhăn đã hằn sâu.
Vì vậy, không thể nói là tiêm botulinum toxin (mọi người vẫn quen gọi là tiêm botox) và tiêm chất làm đầy (filler) thì cái nào tốt hơn được. Vì đây là 2 phương pháp thẩm mỹ hoàn toàn khác nhau cả về thành phần và vai trò điều trị, tùy trường hợp cho từng bệnh nhân cụ thể mà bác sĩ áp dụng tiêm botox hay tiêm filler, hay kết hợp cả 2.
ThS-BS Trần Nguyên Ánh Tú, Phó khoa Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM trả lời giao lưu trực tuyến Làm đẹp không phẫu thuật có thực sự an toàn?
* Vừa qua, tôi đọc báo thấy có trường hợp căng da mặt bị tử vong nên rất sợ. Da của tôi lại chùn, nhão nhiều. Theo tôi tìm hiểu, da bị như vậy có thể điều trị bằng Ulthra hoặc Thermage. Tôi không biết nó có an toàn hơn phẫu thuật căng da mặt, 2 phương pháp này có gì khác nhau và nên chọn phương pháp nào? (Hoàng Lam, Đồng Nai)
- ThS-BS Trần Nguyên Ánh Tú, Phó khoa Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM:
Chào chị.
Phẫu thuật căng da mặt có thể mang lại kết quả ấn tượng, tuy nhiên đây là phương pháp xâm lấn với nhiều nguy cơ như sốc phản vệ thuốc mê và các tai biến phẫu thuật gây nguy hiểm tính mạng. Ngoài ra, sau phẫu thuật, bệnh nhân phải mất thời gian nghỉ dưỡng đáng kể.
Chính vì vậy, hiện nay các phương pháp săn chắc da mặt không phẫu thuật đang rất được ưa chuộng trên thế giới, trong đó phải kể đến Thermage và Ulthera.
Thermage là công nghệ sóng cao tần RF đơn cực, trong khi Ulthera là công nghệ sóng siêu âm hội tụ vi điểm. Cả hai thiết bị này đều có thể tạo ra nhiệt độ 65-80 độ C làm biến tính nhanh chóng các sợi collagen trong da, giúp đạt hiệu quả căng da mặt tức thì ngay sau điều trị.
Riêng Ulthera có thể đi sâu đến lớp SMAS, là lớp mà phẫu thuật can thiệp đến để kéo căng da mặt. Tuy nhiên, khác với phẫu thuật, Ulthera không làm phá vỡ hay gây vết thương ở bề mặt da.
Ưu điểm lớn nhất của hai phương pháp này chính là hiệu quả kéo căng da mặt, có thể đạt được tức thì ngay sau khoảng 60 phút điều trị, không cần thời gian nghỉ dưỡng. Da tiếp tục được trẻ hóa và đạt tối đa sau 3-6 tháng.
Tuy nhiên, mỗi thiết bị này đều có ưu điểm riêng. Tùy tình trạng lão hóa của từng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ ưu tiên chọn lựa điều trị với Thermage hay Ulthera, cũng như trong một số trường hợp cần phải kết hợp cả hai.
Nếu thực hiện không đúng kỹ thuật thì cả 2 phương pháp này vẫn có thể gây ra tai biến như phồng rộp da, nổi mụn nước, bóng nước, đỏ da nhiều kéo dài...
Bác sĩ Bệnh viện Da liễu TP.HCM thực hiện kỹ thuật Ulthera cho khách hàng. Nguồn: Bệnh viện Da liễu TP.HCM |
* Thưa bác sĩ, tôi 56 tuổi, da có nhiều vết đồi mồi, nám, lão hóa khá nặng. Nghe nói lăn kim có thể làm trẻ hóa làn da. Tôi rất muốn đi lăn kim nhưng gần đây thấy có nhiều vụ tai biến khi làm đẹp do sốc thuốc gây tê, nên rất lo lắng và còn do dự. Xin bác sĩ cho lời khuyên. Cảm ơn. (Vinh Hằng, Long An)
- ThS-BS Trần Nguyên Ánh Tú, Phó khoa Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM:
Chào chị.
Đúng là lăn kim có thể giúp làm trẻ hóa làn da nhờ vào cơ chế tạo vết thương giả, sự lành thương sẽ giúp da cải thiện, mịn màng và sáng khỏe. Đồng thời, lăn kim sẽ giúp các thuốc bôi điều trị hấp thu qua da tốt hơn, từ đó cho hiệu quả điều trị cao hơn.
Tuy nhiên, không phải tình trạng da nào cũng phù hợp lăn kim. Trong 1 số trường hợp, khi thực hiện kỹ thuật này sai hoặc chỉ định sai, bệnh nhân đó không thể lăn kim được do có thể gây nhiễm trùng da, mụn nước, mụn mủ, hoặc có thể càng làm tình trạng sạm da trầm trọng hơn.
Ngoài ra, để thực hiện thủ thuật này chúng ta thường cần thoa tê để giảm đau, khi đó, nguy cơ dị ứng, sốc do thuốc tê vẫn có thể xảy ra. Vì vậy, việc điều trị lăn kim nên được thực hiện ở những cơ sở y tế đảm bảo vô trùng, có đầy đủ trang thiết bị cấp cứu để giải quyết kịp thời khi có tai biến xảy ra.
Một ca tai biến do lăn kim ở cơ sở không uy tín. Nguồn: Bệnh viện Da liễu TP.HCM |
* Thưa bác sĩ. Hiện ở Bệnh viện Da liễu TP.HCM có các phương pháp làm đẹp nào mà không liên quan đến phẫu thuật thẩm mỹ ạ. Xin cám ơn. (Lê Thị Mỹ Châu, Vũng Tàu)
- ThS-BS Trần Nguyên Ánh Tú, Phó khoa Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM:
Chào chị.
Hiện nay, tại khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da Liễu TP.HCM có đầy đủ các trang thiết bị, công nghệ và kỹ thuật làm đẹp tiên tiến nhất hiện nay như: Thermage, Ulthera, laser Pico, laser V-beam... giúp chúng ta có được hiệu quả điều trị về thẩm mỹ mà không cần phải can thiệp dao kéo, giúp giảm thiểu được các nguy cơ tai biến phẫu thuật và thời gian nghỉ dưỡng.
Tuy nhiên, chọn lựa điều trị với phương pháp nào tùy thuộc vào tình trạng và mong muốn của các khách hàng. Quan trọng nhất là sự đánh giá và tư vấn của các bác sĩ trên chính tình trạng thẩm mỹ cụ thể của bệnh nhân.
Khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM. Nguồn: Bệnh viện Da liễu TP.HCM |
* Em sở hữu làn da ngăm đen, bao năm qua em rất muốn có làn da trắng. Em có tìm hiểu thì được biết về công nghệ chiếu laser, ánh sáng giúp da sáng hơn. Em có nên thực hiện không thưa bác sĩ? (Bảo Ngọc, TP.HCM)
- ThS-BS Trần Nguyên Ánh Tú, Phó khoa Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM:
Chào chị.
Màu da của chúng ta được quy định bởi rất nhiều yếu tố như chủng tộc, quốc gia, công việc, sinh hoạt hàng ngày... Do đó, việc đầu tiên để giúp có làn da sáng mịn hơn là phải tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và môi trường khói bụi.
Laser và ánh sáng chủ yếu giúp da trẻ hóa, mịn màng và sáng nhẹ.
Còn về việc sử dụng các phương pháp làm trắng nhiều đang có trên thị trường hiện nay như tắm trắng, tiêm truyền trắng... là điều không nên làm, bởi vì các phương pháp này chứa nhiều rủi ro, thậm chí có thể gây tử vong. Hiện tại, Bộ Y tế cũng chưa cho phép thực hiện các kỹ thuật này.
Bên cạnh đó, việc làm trắng quá mức sẽ khiến da mất đi cơ chế bảo vệ tự nhiên dưới ánh nắng mặt trời, rất dễ dẫn đến nguy cơ bỏng nắng và ung thư da.
Nguồn: Bệnh viện Da liễu TP.HCM |
* Hiện tại, em đang có ý định đi thực hiện nâng mũi để cải thiện chiếc mũi thấp tẹt của em, nhưng vì sợ đau nên em quyết định là sẽ nâng mũi tiêm filler không phẫu thuật. Nhưng dạo này, nhiều chị em trong các nhóm làm đẹp lại bảo phương pháp này gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Xin bác sĩ tư vấn giúp em. (Hồng Nhung, Bình Phước)
- ThS-BS Trần Nguyên Ánh Tú, Phó khoa Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM:
Chào chị.
Chắc chị đang phân vân giữa 2 phương pháp tiêm filler hay đặt sụn tạo hình mũi. Câu trả lời tùy thuộc vào tình trạng mũi muốn cải thiện của từng người, vì mỗi phương pháp đều có ưu và khuyết điểm riêng, ví dụ như tiếp chất làm đầy thì không thể thu gọn cánh mũi 2 bên, còn đặt sụn sẽ không thể giải quyết được tình trạng sóng mũi gồ.
Vì vậy, trước khi quyết định phương pháp nào, chị nên đến khám với bác sĩ nhiều kinh nghiệm để được tư vấn cụ thể cho trường hợp của chị nhé.
Tương tự, mỗi phương pháp sẽ có nguy cơ tai biến khác nhau, không thể so sánh phương pháp nào an toàn hơn.
Đúng là trong thời gian gần đây có rất nhiều trường hợp tiêm filler nâng mũi bị mù mắt. Bản thân khoa Thẩm mỹ da của bệnh viện cũng tiếp nhận khá nhiều trường hợp tai biến xảy ra do tiêm chất làm đầy như đỏ da, mưng mủ, hoại tử da, đe dọa mù mắt, thậm chí mù mắt vĩnh viễn.
Tuy nhiên, nếu các chị để ý thì các trường hợp tai biến xảy ra chủ yếu ở những nơi không phải là cơ sở y tế, người tiêm hoàn toàn không được đào tạo bài bản, thậm chí còn không phải là bác sĩ.
* Bác sĩ ơi. Em đến spa được họ tư vấn phương pháp điều trị thay da sinh học vi tảo biển sẽ căng mịn, đẹp. Đây là phương pháp gì, bác sĩ có thể giải thích rõ giúp em. Có tai biến gì không ạ? (Lê Phương, Đồng Nai)
- ThS-BS Trần Nguyên Ánh Tú, Phó khoa Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM:
Chào chị.
"Thay da sinh học" hay "lột da" là tên dân gian thường dùng để gọi một phương pháp thẩm mỹ là "tái tạo da bằng hóa chất".
Các hoạt chất sẽ được đưa vào da một cách nhẹ nhàng, sau đó chúng sẽ kích thích, tái tạo các lớp tế bào của da. Từ đó, da được thay mới trở nên mịn màng hơn và trắng sáng hơn. Phương pháp này thường dùng để điều trị các trình trạng như nám da, tàn nhang, mụn trứng cá, sẹo mụn, nếp nhăn, rạn da...
Tuy nhiên, phương pháp này vẫn có thể gây tai biến nếu người thực hiện không nắm vững kỹ thuật.
Phần lớn các trường hợp tai biến sau khi lột da là do sử dụng các chất lột có nồng độ cao, thành phần dễ gây dị ứng và kỹ thuật lột da không đúng quy chuẩn. Thay vì da được kích thích tái tạo nhẹ nhàng thì da lại bị bỏng rát, lột nhiều, nguy cơ gây nhiễm trùng và sẹo xấu về sau.
Vì vậy, ta nên thực hiện phương pháp này tại các cơ sở thẩm mỹ uy tín.
Một trường hợp tai biến khi thực hiện phương pháp lột da tại cơ sở thiếu uy tín. Nguồn: Bệnh viện Da liễu TP.HCM |
* Thưa bác sĩ. Da tôi lúc trước bị nám ít, đi spa được tư vấn lăn kim vi tảo biển, có thể điều trị dứt điểm được nám. Nhưng sau khi lăn kim, giờ nám nhiều hơn ở 2 bên má. Tôi phải điều trị như thế nào? (Châu Thanh, Đà Nẵng)
- ThS-BS Trần Nguyên Ánh Tú, Phó khoa Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM:
Chào chị.
Cơ chế của lăn kim giúp tạo các vết thương giả, sự lành thương sẽ giúp da cải thiện, mịn màng và sáng khỏe. Đồng thời, lăn kim sẽ giúp các thuốc bôi điều trị nám hấp thu qua da tốt hơn, từ đó cho hiệu quả điều trị nám cao hơn.
Vai trò của lăn kim trong điều trị nám má là như vậy. Tuy nhiên, cơ chế bệnh sinh gây nám má rất phức tạp, không đơn giản mà có thể điều trị dứt điểm nám má với lăn kim được. Ngược lại, nếu thực hiện kỹ thuận lăn kim không đúng nguyên tắc, có thể làm tình trạng nám càng nặng hơn.
Cụ thể, trong trường hợp của chị, có thể chị bị tăng sắc tố sau viêm, dân gian mình vẫn thường gọi là "thâm", thường tình trạng này sẽ cải thiện dần sau vài tháng, nhưng cũng có thể thủ thuật lăn kim này tạo ra phản ứng viêm, tác động vào cơ chế bệnh sinh của nám má, làm tình trạng nám càng nặng hơn, gây khó khăn cho việc điều trị sau này.
Tốt nhất, chị nên đến khám trực tiếp với các bác sĩ chuyên khoa da liễu - thẩm mỹ để được tư vấn và điều trị.
ThS-BS Trần Nguyên Ánh Tú, Phó khoa Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM |
* Da tôi sần sùi như vỏ cam khiến tôi luôn mặc cảm, không dám chụp hình cận mặt, đi dự tiệc thì phải đánh kem thật dày để che khuyết điểm. Nghe nói hiện có công nghệ lasez giúp cà da láng mịn, nhưng tôi lo sẽ không lâu bền và về sau này da sẽ xấu hơn. (Trần Vi Biên, 49 tuổi, Trảng Bom, Đồng Nai)
- ThS-BS Trần Nguyên Ánh Tú, Phó khoa Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM:
Chào chị.
Chị chưa mô tả rõ lắm tình trạng da của mình nhưng với tình trạng da sần sùi không được mịn màng có thể do 2 nguyên nhân lớn: sẹo mụn và lão hóa da. Với 2 tình trạng này sẽ có các phương pháp điều trị tương ứng.
Laser cà da mà chị đề cập chính là laser vi điểm có vai trò tái tạo bề mặt da, giúp cải thiện tình trạng sần sùi của sẹo mụn, đồng thời cũng có thể giúp cải thiện tình trạng lão hóa da.
Tuy nhiên, tai biến vẫn có thể xảy ra khá nhiều như: nhiễm trùng, mụn nước, mụn mủ, sạm da sau đó... khi chọn lựa bệnh nhân không phù hợp, bởi không phải tình trạng bệnh nhân nào cũng có thể điều trị bằng phương pháp này, cũng như trong 1 số trường hợp cần phải kết hợp thêm với các phương pháp khác để đạt được hiệu quả cao nhất.
Ngoài ra, trong quá trình điều trị với laser vi điểm, thông số điều trị, hướng dẫn chăm sóc sau điều trị... cũng rất quan trọng trong việc hạn chế xảy ra tai biến.
* Bác sĩ ơi! Tiêm chất làm đầy có phải là tiêm silicone không? Tiêm vậy có nguy hiểm không? (Tân Châu, TP.HCM)
- ThS-BS Trần Nguyên Ánh Tú, Phó khoa Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM:
Chào chị,
Chất làm đầy có rất nhiều loại, silicone cũng là một loại chất làm đầy. Silicone khi tiêm vào sẽ tồn tại trong cơ thể rất lâu, có thể lên đến vài chục năm. Chính vì tồn tại lâu như vậy nên kéo theo tác dụng phụ của silicone cũng rất nhiều, giờ đây người ta không còn dùng silicone để làm đẹp nữa.
Các chất làm đầy mới hiện nay, đặc biệt là những loại chứa acid hyaluronic, tuy thời gian tồn tại ngắn hơn silicone nhiều, chỉ khoảng từ 3-18 tháng nhưng khá tương hợp với cơ thể, ít gây phản ứng viêm, ít dị ứng.
Tuy nhiên, như thông tin từ đầu tôi đã lưu ý, việc tiêm chất làm đầy là 1 kỹ thuật khó đòi hỏi người thực hiện phải là bác sĩ đã được đào tạo, huấn luyện bài bản; nơi thực hiện phải là cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị y tế cần thiết cho việc tiêm chất làm đầy.
* Thưa BS, tôi 58 tuổi, vùng má bị hóp nên nhìn rất hốc hác, tôi muốn tiêm filler để mặt đầy hơn. Tuy nhiên, da mặt tôi bị nám nên vẫn đang điều trị laser. Vậy tôi có thể làm laser tiếp sau khi tiêm không bác sĩ? (Huỳnh Kim Thanh, TP.HCM)
- ThS-BS Trần Nguyên Ánh Tú, Phó khoa Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM:
Chào cô,
Vng má hóp là biểu hiện lão hóa khá thường gặp khi chúng ta lớn tuổi và có thể cải thiện tốt khi tiêm chất làm đầy. Tùy mức độ hóp mà bác sĩ chỉ định tiêm vùng má trên, vùng má dưới hay là kết hợp cả 2.
Cô không mô tả rõ là đang điều trị nám với loại laser gì, nhưng đa số các loại laser điều trị nám thường không gây ảnh hưởng đến việc tiêm chất làm đầy.
Nguồn: Bệnh viện Da liễu TP.HCM |
* Bác sĩ ơi. Càng lớn tuổi 2 cái "râu mèo" 2 bên của tôi càng sâu, có thể tiêm filler được không? Có đau không ạ? (Huỳnh Nga, TP.HCM)
- ThS-BS Trần Nguyên Ánh Tú, Phó khoa Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM:
Chào chị,
"2 râu mèo" mà chị nói, trong y khoa đó chính là rãnh mũi má. Càng lớn tuổi thì lớp mỡ dưới da sẽ giảm đi và có sự dịch chuyển làm cho các rãnh như ở đây là rãnh mũi má sẽ ngày càng sâu hơn. Và khi các rãnh này trở nên sâu sẽ làm cho khuôn mặt của chúng ta trở nên già nua, mệt mỏi.
Và rãnh mũi má sâu đa số sẽ cải thiện rất đẹp khi tiêm chất làm đầy vào.
Với kỹ thuật dùng canula, chỉ cần 1 điểm kim vào cho 1 bên, và điểm vào này cũng sẽ được bôi tê hay tiêm tê. Chính vì vậy chị yên tâm đây là một thủ thuật khá là ít đau.
Tuy nhiên, lưu ý chị lần nữa, tiêm filler là kỹ thuật khó cần thực hiện ở các cơ sở y tế có các bác sĩ đã được đào tạo bài bản để tránh các biến chứng có thể xảy ra.
BÁO PHỤ NỮ
Ảnh: Phùng Huy
BỆNH VIỆN DA LIỄU TP.HCM 02 Nguyễn Thông, P.6, Q.3, TP.HCM Hotline: 028.39308131 - 0901.365.638 Website: bvdl.org.vn |
Chia sẻ bài viết: |
Nám má một vấn đề rất thường gặp ở phụ nữ châu Á, tuy không ảnh hưởng về mặt sức khỏe, nhưng lại có tác động rất lớn về mặt thẩm mỹ gây mất tự tin cho người mắc tình trạng này.
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, bệnh tay chân miệng đang vào mùa, số ca bệnh trong tháng 9 tăng gấp đôi tháng 8.
Ai trong chúng ta cũng muốn sở hữu một làn da mịn màng, không tì vết, nhưng nếu lỡ bạn bị một vấn đề nào đó thì có nguy cơ sẽ để lại sẹo. Khi đó, làm thế nào để hạn chế tình trạng sẹo xấu?
Là phụ nữ, ai cũng mơ ước sở hữu một gương mặt mộc với làn da đẹp không tỳ vết. Muốn có làn da đẹp, khỏe khoắn, mịn màng chúng ta cần biết chăm sóc da mặt đúng cách và khoa học.
Việt Nam có khoảng 3 triệu trẻ em độ tuổi từ 0 - 15 mắc các tật khúc xạ phải đeo kính.
Dưới tác động của ánh nắng mặt trời, làn da dễ bị tổn thương dẫn đến nhiều vấn đề về da. Ngoài tránh nắng và sử dụng biện pháp che chắn như nón rộng vành, áo khoác, kính mát… thì sử dụng kem chống nắng rất quan trọng.
Suy giãn tĩnh mạch chi dưới còn gọi là suy giãn tĩnh mạch chân. Đây là bệnh rất thường gặp, xảy ra ở khoảng 10 - 35 % người lớn.
Từ 14g ngày 22/3/2019, báo Phụ Nữ TP.HCM tổ chức buổi giao lưu trực tuyến “Vitamin E – Công dụng diệu kỳ” với sự tham gia của bác sĩ Phương Mai – Chuyên khoa 2 Da liễu – Bệnh viện Da liễu TP.HCM.
Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về các bệnh răng miệng, Báo Phụ Nữ TP.HCM tổ chức buổi giao lưu trực tuyến “Làm sao để hơi thở thơm tho?”, từ 9g sáng ngày 7/12.
Nhiều bệnh nhân sau khi điều trị, tình trạng viêm dạ dày vẫn tái phát. Để giúp bạn đọc hiểu rõ về bệnh viêm dạ dày, cách chữa dứt điểm, Báo Phụ Nữ TP.HCM tổ chức buổi giao lưu trực tuyến “Viêm dạ dày chữa hoài không dứt?”.
Để giúp du khách tìm hiểu về visa đi Mỹ cùng tỷ lệ đậu cao, báo Phụ Nữ phối hợp cùng Công ty Du lịch Tugo tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề “Các bước xin visa Mỹ” vào lúc 9g00, thứ Năm ngày 25/10/2018.
9g sáng nay, 12/10, Báo Phụ Nữ TP.HCM phối hợp Bộ Y tế tổ chức giao lưu trực tuyến “Để mô hình bác sĩ gia đình phát huy hiệu quả tại y tế cơ sở”.
Để giúp các bà mẹ phòng tránh và chăm sóc trẻ bị tay chân miệng, Báo Phụ Nữ tổ chức buổi giao lưu trực tuyến “Bệnh tay chân miệng tăng nhanh, có gì bất thường?” vào lúc 9 giờ hôm nay, ngày 11/10.
Báo Phụ Nữ TP.HCM phối hợp cùng với nhãn hàng sữa dê công thức DG tổ chức buổi giao lưu trực tuyến “Duy trì nhịp sinh lý cho bé khi sử dụng sữa công thức” vào lúc 9g00 ngày 25/9.
Báo Phụ Nữ phối hợp với nhãn hàng kẹo dẻo dinh dưỡng PNKids tổ chức buổi giao lưu trực tuyến lúc 14g00 ngày 12/9, với sự tư vấn của bác sĩ CKII Nguyễn Thị Thu Hậu - Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi Đồng 2.
Buổi giao lưu trực tuyến chủ đề "Tiêu chuẩn cái đẹp trong phẫu thuật thẩm mỹ" diễn ra từ lúc 9g ngày 24/8 tại Báo Phụ Nữ.
Ở phụ nữ 25 tuổi, trán và mi dưới xuất hiện nếp nhăn đầu tiên. Bước sang tuổi 30 tuổi xuất hiện vết chân chim ở đuôi mắt, 40 tuổi nếp nhăn thường trực ở trước tai và ngấn cổ nổi rõ…
Buổi giao lưu trực tuyến do Báo Phụ Nữ và Bệnh viện Quốc tế City phối hợp tổ chức, từ lúc 13g30 hôm nay, với sự tham gia của Thạc sĩ bác sĩ Trần Thị Kim Xuyến và Thạc sĩ bác sĩ Trần Thị Mai Thy.
Du lịch châu Âu chưa bao giờ dễ dàng và tiện lợi như hiện nay. Cảnh đẹp thơ mộng, những tòa nhà cổ kính, xen kẽ những nét huyền bí khiến ai cũng bị mê hoặc khi đặt chân đến châu Âu, nhất là vào mùa thu.