Nám má một vấn đề rất thường gặp ở phụ nữ châu Á, tuy không ảnh hưởng về mặt sức khỏe, nhưng lại có tác động rất lớn về mặt thẩm mỹ gây mất tự tin cho người mắc tình trạng này.
Nám da (hay rám má, sạm da) được biểu hiện bởi các những dát, mảng tăng sắc tố phân bố đối xứng ở mặt, cổ. Đây là một vấn đề rất thường gặp ở phụ nữ châu Á, tuy không ảnh hưởng về mặt sức khỏe, nhưng lại có tác động rất lớn về mặt thẩm mỹ gây mất tự tin cho người mắc tình trạng này.
Do đó, họ tìm đến rất nhiều biện pháp điều trị khác nhau và có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Vậy đâu là nguyên nhân gây ra tình trạng này? Bạn đã biết cách phòng ngừa và điều trị nám da đúng cách chưa?
Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này, lúc 9 giờ sáng nay 12/11/2019 (thứ Ba), báo điện tử Phụ Nữ TP.HCM - http://www.phunuonline.com.vn tổ chức buổi giao lưu trực tuyến “Điều trị nám má” với sự tư vấn của ThS-BS Vũ Thị Phương Thảo – Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Da liễu TPHCM.
Mời bạn đọc tham gia đặt câu hỏi tại đây.
Bà Hồ Thị Ngọc Lan, đại diện Báo Phụ Nữ TP.HCM tặng hoa cho ThS.BS Vũ Thị Phương Thảo - Phó trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Da liễu TP.HCM |
NỘI DUNG GIAO LƯU
* Tôi 35 tuổi, bị rối loạn sắc tố da và nám da rất đậm. Tôi đã dùng các loại kem tẩy nám và lột da các loại nhưng không hết, vết nám ngày càng đậm lên và ở sâu bên trong da. Xin hỏi có cách nào chữa nám của tôi hết, bớt hẳn không? Hiện tại da tôi rất mỏng và nám rất đậm. (Thanh Tuyền, Long An)
- ThS-BS Vũ Thị Phương Thảo:
Chào bạn.
Việc điều trị nám đòi hỏi rất nhiều thời gian và sự kiên trì. Đầu tiên, bạn phải bắt đầu bằng một số loại thuốc uống và thuốc bôi theo chỉ định của bác sĩ, đồng thời có thể phối hợp thêm 1 số biện pháp laser ánh sáng để tăng cường hiệu quả điều trị.
Tuy nhiên, một số loại thuốc bôi không đúng có thể làm cho da bạn mỏng đi và tình trạng nám nặng nề hơn. Do đó, việc điều trị có thể giúp cải thiện được tình trạng của bạn nhưng sẽ mất nhiều thời gian hơn.
Bạn có thể tham khảo thêm hướng dẫn cách chăm sóc và phòng ngừa nám da cho người Việt Nam qua video clip sau: https://www.youtube.com/watch?v=mfTgR5fx-9k
* Tôi được người quen cho lọ kem bôi chống nám. Tôi bôi được một tháng thì thấy nám có mờ đi. Tôi mừng thầm nhưng ai ngờ càng dùng da càng khô ráp, ra ngoài thấy rát hết mặt. Xin bác sĩ cho tôi lời khuyên? (Ngọc Mỹ, Đà Lạt)
- ThS-BS Vũ Thị Phương Thảo:
Chào bạn.
Bên cạnh việc điều trị chống nám, bạn còn cần phải tránh nắng thật kỹ kết hợp với thuốc thoa chống nắng.
Đồng thời, 1 số loại thuốc bôi không đúng có thể làm da bạn mỏng đi, dễ bắt nắng nhiều hơn, nên khi sử dụng bất cứ loại thuốc bôi nào, bạn cần phải biết rõ thành phần, nguồn gốc xuất xứ.
Có rất nhiều trường hợp tai biến do sử dụng các loại thuốc thoa, lột tẩy không đúng. Bạn có thể tham khảo thêm đường link để biết thêm thông tin về tác dụng phụ của các sản phẩm này:
https://www.facebook.com/benhviendalieutphcm/posts/2610720778949253
ThS.BS Vũ Thị Phương Thảo - Phó trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Da liễu TP.HCM trả lời giao lưu trực tuyến Điều trị nám má |
* Tôi nghe nói việc ăn uống cũng có tác dụng trong việc phòng, trị nám. Xin bác sĩ cho biết chế độ ăn uống như thế nào thì phù hợp? (Thanh Huyền, Hà Nội)
- ThS-BS Vũ Thị Phương Thảo:
Chào bạn.
Việc điều trị nám má trước tiên bao gồm các biện pháp thoa tại chỗ và thuốc uống toàn thân. Bên cạnh đó, chế độ ăn cũng có thể giúp ích phần nào trong việc phòng ngừa và trị nám.
Bạn nên hạn chế các loại thực phẩm chiên xào nhiều dầu mỡ vì có thể làm tăng các gốc oxy hóa, khiến da bạn nhanh chóng bị lão hóa.
Bạn có thể tham khảo một số biện pháp toàn thân trong điều trị nám má sau đây: https://www.facebook.com/benhviendalieutphcm/photos/a.1278385948849416/2384572624897404/?type=3&theater
* Thưa bác sĩ. Khi nào thì mình dùng kem trị nám là hết, khi nào phải can thiệp da nám bằng laser? Xin cám ơn. (Thuận Lan, 30 tuổi, quận 6, TP.HCM)
- ThS-BS Vũ Thị Phương Thảo:
Chào bạn.
Bước đầu tiên trong điều trị nám là phải kết hợp thuốc uống, thuốc thoa và chống nắng thật kỹ kết hợp với kem chống nắng.
Tuy nhiên, với mỗi tình trạng da khác nhau sẽ có đáp ứng khác nhau và bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp thích hợp nhất, tăng cường hiệu quả điều trị bằng cách phối hợp thêm với các biện pháp laser và ánh sáng.
Chăm sóc da tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM. Nguồn: Bệnh viện Da liễu TP.HCM |
* Bác sĩ ơi. Độ rày hai bên má và hai bên mép tôi xuất hiện vết nám. Tôi buồn quá, đang tìm chỗ điều trị. Bác sĩ tư vấn giúp thời gian trị nám có lâu không? Sau khi trị xong có bị nám trở lại không? Tôi ở Long Thành, đi Sài Gòn hơi xa nên vẫn mong điều trị nhanh nhất có thể. Xin cám ơn. (Ngọc Bích, 30 tuổi, Long Thành, Đồng Nai)
- ThS-BS Vũ Thị Phương Thảo:
Chào bạn.
Việc điều trị nám da đòi hỏi rất nhiều thời gian và sự kiên trì, thời gian điều trị bệnh lên đến hàng tháng, chứ không chỉ 1-2 ngày. Do đó, bạn cần phải kiên trì với quá trình điều trị của mình.
Bên cạnh đó, việc tái phát lại là có thể xảy ra. Nhằm hạn chế tình trạng tái phát này, bạn vẫn cần phải kết hợp với chế độ thuốc uống, thuốc thoa và một số biện pháp bảo vệ có hiệu quả. Cám ơn.
* Tôi 55 tuổi. Mấy năm trước tôi bắt đầu bị nám mặt, từ đó đến nay vết nám trên hai bên gò má không mất đi mà ngày càng thâm đen và lan rộng. Tôi đã đi khám và được bác sĩ chỉ định thoa kem đặc trị, vết nám có mờ đi nhưng sau một thời gian tôi bị bệnh phải ngưng dùng thuốc, vết nám lại đậm như cũ.
Hiện tôi đang dùng phương pháp đốt laser, đốt nám rất đau mà không thấy nám hoàn toàn biến mất. Tôi phải làm sao để chữa nám triệt để, không bị tái phát nữa thưa bác sĩ? (Lê Bảo Ngọc, TP.HCM)
- ThS-BS Vũ Thị Phương Thảo:
Chào cô.
Điều trị nám da sẽ mất rất nhiều thời gian và sau khi đạt được hiệu quả điều trị, cô vẫn phải tiếp tục duy trì nhằm ngăn chặn tình trạng tái phát. Điều trị nám có rất nhiều biện pháp bao gồm cả laser và ánh sáng.
Tuy nhiên, không phải laser nào cũng dùng để trị nám. Việc dùng biện pháp đốt laser như cô vừa chia sẻ có thể là loại laser phá hủy gây tổn thương bề mặt da, rất dễ để lại sẹo mà lại không điều trị được tình trạng nám của mình.
Cô có thể tham khảo một số công nghệ mới nhất trong điều trị nám qua clip sau: https://www.youtube.com/watch?v=Qu-NSKK1KF0
* Thưa bác sĩ, cháu nhà tôi hay dùng kem trộn, tôi xin hỏi có khi nào dùng mỹ phẩm dỏm dẫn đến nám da không? (Lê Thị Châu, quận 1, TP.HCM)
- ThS-BS Vũ Thị Phương Thảo:
Chào bạn.
Việc sử dụng những loại kem trộn không rõ nguồn gốc có thể dẫn đến rất nhiều tai biến cho da. Một số loại kem trộn có chứa corticoid có thể làm da bạn mỏng đi, dễ bắt nắng nhiều hơn. Thậm chí gây teo da, giãn mạch, phát ban mụn trứng cá và nhiều tác dụng phụ khác.
Hoặc một số loại thuốc bôi không đúng có thể gây ra tình trạng viêm da dị ứng kích ứng, dễ dẫn đến tăng sắc tố sau viêm hay còn gọi là thâm.
Những tình trạng này đòi hỏi rất nhiều thời gian để điều trị, nên trước khi sử dụng bất cứ sản phẩm nào, bạn cần tham khảo ý kiến của chuyên gia để được hướng dẫn cụ thể.
* Nhờ bác sĩ phân biệt giùm em giữa nám da do rối loạn nội tiết tố với nám da thông thường. Bác sĩ nói em bị rối loạn nội tiết, vậy có khó trị so với nám da thông thường không? (Nguyễn Thị Phương Mai, quận 6, TP.HCM)
- ThS-BS Vũ Thị Phương Thảo:
Chào bạn.
Rối loạn nội tiết tố chỉ là 1 yếu tố thuận lợi góp phần làm cho tình trạng nám da nặng hơn. Bên cạnh đó, còn có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nám da như ánh nắng mặt trời, bụi bẩn, hóa chất...
Việc điều trị nám da cần phải chống nguyên nhân có thể gây ra nám, ngăn ngừa các yếu tố làm tình trạng nám nặng nề hơn, phối hợp với các biện pháp điều trị tại chỗ và toàn thân.
Bạn có thể tham khảo thêm một số cách chăm sóc và phòng ngừa nám da theo đường link sau: https://www.facebook.com/watch/?v=2356863441223272
* Em bị bớt nevus màu cafe sữa, đã chữa nhiều lần không bớt. Có cách nào điều trị được không? (Phan Thị Mến, Vũng Tàu)
- ThS-BS Vũ Thị Phương Thảo:
Chào bạn.
Theo tình trạng mà bạn mô tả, đây là 1 dạng nevus hay còn gọi là bớt sắc tố. Với tình trạng này, điều trị tại chỗ và toàn thân có thể không đủ để đạt được hiệu quả điều trị mong muốn, bạn cần phải phối hợp với các biện pháp laser, ánh sáng chuyên biệt cho sắc tố.
Đáp ứng điều trị sẽ thay đổi tùy theo loại nevus, loại da của mỗi người. Do đó, bạn cần đến khám để được bác sĩ tư vấn cụ thể nhé.
ThS.BS Vũ Thị Phương Thảo - Phó trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Da liễu TP.HCM trả lời giao lưu trực tuyến Điều trị nám má |
* Chống nắng cũng là một yếu tố quan trọng trong việc điều trị nám da hiệu quả. Vậy mình nên tránh nắng lúc mấy giờ tới mấy giờ ạ? (Tạ Thị Thùy Loan, 28 tuổi, TP.HCM)
- ThS-BS Vũ Thị Phương Thảo:
Chào bạn.
Việc điều trị nám da không thể không kể đến các biện pháp chống nắng. Bên cạnh việc áp dụng các biện pháp chống nắng cơ học như đội nón rộng vành, đeo mắt kính, mặc quần áo dài tay, hạn chế ra ngoài nắng trong khoảng thời gian từ 10g sáng đến 4g chiều, bạn còn cần phải kết hợp với sử dụng kem chống nắng hiệu quả.
Để biết rõ hơn về cách chống nắng hiệu quả, bạn có thể tham khảo qua đường link: https://www.facebook.com/benhviendalieutphcm/videos/1816590171695655/
* Em đi khám, bác sĩ nói bị nám chân sâu. Em không biết nám chân sâu này là nám gì, chữa trị thế nào ạ? (Trần Mỹ Quý, 23 tuổi, TP.HCM)
- ThS-BS Vũ Thị Phương Thảo:
Chào bạn.
Nám da được phân loại tùy theo độ sâu của sắc tố bao gồm nám thượng bì (nông trên bề mặt), nám bì (sâu dưới lớp bì), nám hỗn hợp (bao gồm sắc tố ở lớp thượng bì và lớp bì).
Tình trạng như bạn vừa mô tả là do sắc tố nằm sâu trong lớp bì, chính vì vậy, việc điều trị có thể mất nhiều thời gian hơn. Hơn nữa, do có tổn thương hàng rào bảo vệ da nên tình trạng nám da có thể bị tái phát.
Do đó, ngay cả sau khi đã đạt hiệu quả điều trị, bạn vẫn cần kết hợp các biện pháp điều trị tại chỗ, toàn thân, laser, ánh sáng chuyên biệt cho sắc tố để đạt được hiệu quả tối ưu.
* Tôi 29 tuổi, trước đây da mặt bị mụn mủ rất nhiều. Vài năm gần đây hiện tượng mụn đã giảm nhưng những vết thâm của mụn trên mặt để lại vẫn không mất đi mà ngày càng sậm màu. Xin hỏi đó có phải là nám không? (Dương Thúy Vi, TP.HCM)
- ThS-BS Vũ Thị Phương Thảo:
Chào bạn.
Sau khi tình trạng mụn mủ, mụn viêm thuyên giảm sẽ để lại 1 hiện tượng gọi là tăng sắc tố sau viêm, hay còn gọi là thâm do mụn. Hiện tượng viêm càng lâu thì tăng sắc tố càng kéo dài.
Một số trường hợp không điều trị sớm, không tránh nắng kỹ, khiến hàng rào bảo vệ da bị tổn thương nên mới dễ dẫn đến tình trạng nám da.
Bạn có thể tham khảo qua đường link sau để biết được biện pháp chăm sóc và phòng ngừa nám da: https://www.facebook.com/watch/?v=2356863441223272
* Tôi nghe nói nám không thể chữa hết, chỉ có thể làm mờ đi mà thôi. Hiện tôi bị nám ở vùng hóp má, cũng đã dùng nhiều biện pháp như bôi mặt nạ, uống thuốc nhưng không hết. Y học hiện đại có cách nào để chữa nám không, thưa bác sĩ? (Trần Lệ Quyên, 39 tuổi, Tân An, Long An)
- ThS-BS Vũ Thị Phương Thảo:
Chào bạn.
Điều trị nám da đòi hỏi rất nhiều thời gian, tình trạng nám có thể bị tái phát nếu không kiên trì và áp dụng các biện pháp bảo vệ hiệu quả.
Hiện nay, có rất nhiều biện pháp để điều trị nám bao gồm: thuốc uống, thuốc thoa, tái tạo da bằng hóa chất, laser ánh sáng.
Như bạn vừa chia sẻ, nếu tình trạng nám của mình không đáp ứng với các dạng thuốc uống, thuốc bôi thông thường thì cần phải kết hợp với các biện pháp laser, ánh sáng chuyên biệt cho sắc tố để cải thiện triệu chứng.
Biện pháp mới trong điều trị nám da bao gồm laser siêu xung, bạn có thể tham khảo theo đường link sau: https://www.youtube.com/watch?v=Qu-NSKK1KF0
Chăm sóc da tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM. Nguồn: Bệnh viện Da liễu TP.HCM |
* Thưa bác sĩ. Em nghe người ta tư vấn để trị nám thì phải trong uống ngoài thoa. Tức là phải uống thực phẩm chức năng có tính năng chống oxy hóa, đồng thời thoa những mỹ phẩm chứa nhiều dưỡng chất cho mau hết. Nhưng giờ thì em không biết mỹ phẩm nào có thể dùng được, uống thực phẩm như vitamin E, vitamin C thì có thể dùng trong bao lâu? Xin cám ơn. (Đỗ Thị Hồng Quế, Đồng Nai)
- ThS-BS Vũ Thị Phương Thảo:
Chào bạn.
Việc điều trị nám da trước tiên sẽ bắt đầu bằng các loại thuốc uống, thuốc bôi tại chỗ, kết hợp với tránh nắng thật kỹ. Một số loại thực phẩm chức năng có chứa các thành phần chống oxy hóa có thể giúp hỗ trợ điều trị.
Thuốc thoa tại chỗ bao gồm những loại có chứa các thành phần làm sáng, chống oxy hóa mà không gây mỏng da, bào mòn da.
Việc điều trị nám, thời gian tính bằng tháng, do đó, bạn cần phải hết sức kiên trì với việc điều trị của mình nhé.
* Hiện nay, một số thẩm mỹ viện quảng cáo dùng công nghệ Laser Revlite trị nám má hiệu quả. Tôi bị nám má đã lâu và có tâm lý thích chữa khỏi ngay, nhưng bác sĩ bảo bệnh của tôi phải mất từ 1-6 tháng để điều trị. Vậy tôi có nên chữa nám má ở các thẩm mỹ viện không? (Trần Thị Kiểu, P.7, Q.3, TP.HCM)
- ThS-BS Vũ Thị Phương Thảo:
Chào bạn.
Công nghệ mà bạn vừa chia sẻ là 1 loại laser chuyên biệt cho sắc tố, có hiệu quả trong điều trị nám da.
Tuy nhiên, việc điều trị không chỉ có laser mà còn cần phải kết hợp với thuốc uống và thuốc thoa. Thời gian điều trị ít nhất 3-6 tháng để đạt được hiệu quả điều trị.
Bạn nên đến các cơ sở uy tín với trang thiết bị hiện đại và bác sĩ có tay nghề nhằm đảm bảo chất lượng điều trị.
* Tôi 50 tuổi, da mặt bắt đầu xuất hiện các vết nám. Xin bác sĩ cho biết các loại nám, đốm nâu có thể trị dứt điểm không? Nếu không chữa trị, có ảnh hưởng gì đến sức khỏe da không thưa bác sĩ? (Nguyễn Thị Hà, TP.HCM)
- ThS-BS Vũ Thị Phương Thảo:
Chào cô.
Tình trạng nám bao gồm lắng đọng sắc tố ở lớp thượng bì, lớp bì, một số trường hợp có tổn thương lớp màng đáy nên nám rất dễ bị tái phát. Chính vì vậy, việc điều trị cần phải được duy trì.
Nếu không điều trị, bệnh không gây ảnh hưởng nhiều về mặt sức khỏe bên trong nhưng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, khiến người bệnh mặc cảm, tự ti, ngại giao tiếp với người khác.
* Dùng lòng trắng trứng gà trộn với nước cốt chanh thoa lên mặt thường xuyên là chữa được nám phải không bác sĩ ơi? Em bị nám ở vành môi, nhìn như có râu ạ. (Lan Hương, 31 tuổi, Hóc Môn)
- ThS-BS Vũ Thị Phương Thảo:
Chào bạn.
Trong nước cốt chanh có chứa acid citric có thể gây bào mòn da, do đó, với những sắc tố nông trên bề mặt, bạn có thể thấy mờ đi.
Tuy nhiên, khi sử dụng những sản phẩm này có thể làm da mỏng đi, dễ bắt nắng hơn nếu không áp dụng các biện pháp chống nắng hiệu quả. Rất nhiều trường hợp sử dụng các biện pháp lột tẩy không đúng cách đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Bạn có thể tham khảo 1 số lưu ý khi sử dụng các sản phẩm tái tạo da bằng hóa chất theo đường link sau:
https://www.facebook.com/benhviendalieutphcm/posts/2610720778949253
* Tôi bị nám mảng 2 bên má. Nghe nói phương pháp lăn kim trị nám khá tốt nên tôi đang định làm. Xin bác sĩ cho biết sau khi lăn kim thì cần chú ý vệ sinh, kiêng cữ gì? (Lê Thị Hạnh, Đà Nẵng)
- ThS-BS Vũ Thị Phương Thảo:
Chào bạn.
Biện pháp lăn kim có hiệu quả trong điều trị tình trạng sẹo lõm, giúp kích thích tái tạo collagen. Trong thời gian đầu sau khi lăn kim, lớp tế bào thượng bì trên bề mặt sẽ bong tróc ra, khiến bạn có cảm giác nám mờ đi.
Tuy nhiên, nám da là 1 tình trạng sắc tố nằm sâu phía dưới da nên cần nhiều biện pháp phối hợp điều trị và chuyên biệt cho sắc tố hơn.
Hơn nữa, sau khi lăn kim sẽ có hiện tượng viêm, rất dễ gây ra tình trạng tăng sắc tố sau viêm nếu không che chắn kỹ, rất dễ dẫn đến nám da.
ThS.BS Vũ Thị Phương Thảo - Phó trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Da liễu TP.HCM trả lời giao lưu trực tuyến Điều trị nám má |
* Thưa bác sĩ. Hiện nay, tôi thấy các thẩm mỹ viện quảng cáo rất nhiều công nghệ trị nám: Dr Dermic, PicoSure, công nghệ xung ánh sáng phổ rộng BBL, laser Q-Switched, Nobel White,… Thật sự là thấy nổ đom đóm vì không biết nên chọn cái nào để điều trị. Tôi bị nám 2 bên mép đã gần 6 tháng nay, vẫn biết vào thẩm mỹ viện là tốn tiền nên vẫn chưa biết chọn công nghệ nào để điều trị. Xin cám ơn. (Ngọc Bích, 35 tuổi, quận 7, TP.HCM)
- ThS-BS Vũ Thị Phương Thảo:
Chào bạn.
Hiện nay có rất nhiều biện pháp để điều trị nám da bao gồm thuốc uống, thuốc thoa đến các loại laser, ánh sáng hiện đại.
Tùy theo từng tình trạng da, mức độ sâu của nám, mức độ đáp ứng điều trị mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp thích hợp để tư vấn cho từng trường hợp cụ thể.
Một số công nghệ tiên tiến trong điều trị nám da hiện nay bạn có thể tham khảo theo đường link: https://www.youtube.com/watch?v=Qu-NSKK1KF0
* Thưa bác sĩ. Melasma là gì? Có dễ điều trị không? Các cách điều trị melasma là gì? Thời gian điều trị khoảng bao lâu sẽ khỏi? Xin cám ơn. (Thanh Lan, 29 tuổi, Q. Gò Vấp, TP.HCM)
- ThS-BS Vũ Thị Phương Thảo:
Chào bạn.
Melasma hay còn gọi là sạm da, rám má, nám da. Đây là 1 tình trạng liên quan đến rối loạn sắc tố, việc điều trị đòi hỏi nhiều thời gian, lên đến hàng tháng.
Các biện pháp điều trị bao gồm thuốc uống, thuốc thoa, laser, ánh sáng, bên cạnh đó, bạn còn cần phải kết hợp với tránh nắng thật kỹ. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là ngăn ngừa trước khi tình trạng nám xuất hiện.
Bạn có thể tham khảo thêm 1 số biện pháp chăm sóc và phòng ngừa nám da như sau: https://www.youtube.com/watch?v=mfTgR5fx-9k
* Bác sĩ ơi, hôm rồi em đi khám nám, bác sĩ cho em sử dụng đèn Wood mà không cho uống thuốc thì có đúng không ạ? Em chỉ bị nám 1 bên. (Lâm Yên Pha, quận 5, TP.HCM)
- ThS-BS Vũ Thị Phương Thảo:
Chào bạn.
Việc sử dụng đèn Wood nhằm giúp xác định sắc tố nằm ở lớp nào của da: thượng bì, lớp bì, hay hỗn hợp. Tùy vào từng tình trạng mà bác sĩ sẽ có phương pháp cụ thể.
Để bắt đầu điều trị, có thể sử dụng các loại thuốc uống và thuốc thoa và không phải trường hợp nào cũng đáp ứng. Một số trường hợp phải phối hợp thêm các loại laser, ánh sáng chuyên biệt thì mới đạt được hiệu quả như mong muốn.
* Em bị nám 2 mảng to 2 bên má, chữa rất nhiều nơi không khỏi. Xin bác sĩ cho em lời khuyên. (Võ Thị Hường, Quảng Trị)
- ThS-BS Vũ Thị Phương Thảo:
Chào bạn.
Việc điều trị nám da đòi hỏi rất nhiều thời gian và sự kiên trì. Một số loại thuốc uống, thuốc bôi không đúng, thời gian đầu có thể cho hiệu quả nhanh chóng, làm da bạn sáng lên trông thấy. Tuy nhiên, về lâu dài có thể làm mỏng da, bắt nắng, teo da, giãn mạch, thậm chí lệ thuộc vào loại thuốc bôi đó.
Do đó, bác sĩ khuyên bạn không nên nóng vội mà cần phải kiên trì với điều trị để đạt được hiệu quả.
* Bác sĩ cho em hỏi, nguyên nhân gây nám có đơn thuần do ánh nắng mặt trời? Nếu tránh nắng thì em lại sợ thiếu canxi, loãng xương. (Phương Ý, 29 tuổi, quận Thủ Đức, TP.HCM)
- ThS-BS Vũ Thị Phương Thảo:
Chào bạn.
Có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến nám da, trong đó ánh nắng mặt trời là 1 trong những yếu tố rõ rệt nhất.
Vì vậy, việc điều trị nám da bên cạnh sử dụng các biện pháp đặc hiệu bao giờ cũng phải kết hợp với tránh nắng cho thật tốt. Ánh nắng mặt trời không chỉ gây ra tình trạng nám da mà còn làm cho da bạn nhanh chóng bị lão hóa, dễ dẫn đến ung thư da.
Bạn cần tránh nắng kỹ kể cả khi không nhìn thấy bức xạ từ mặt trời. Theo khuyến cáo, kể cả trẻ em khi phải tiếp xúc với ánh nắng mặt trời cũng cần phải sử dụng kem chống nắng. Bạn có thể tham khảo theo đường link sau: https://www.facebook.com/benhviendalieutphcm/videos/466408254097534/
* Thưa bác sĩ, dạo gần đây mặt tôi nổi nhiều đốm đen, mọi người kêu tàn nhang. Em gái tôi có chỉ tôi đi da liễu trị. Tôi đang muốn đi mà không biết nên đi giờ nào vì bệnh viện công thì lúc nào cũng đông quá. Bác sĩ tư vấn giúp tôi thời gian nào đi thuận lợi nhất mà đỡ phải chờ đợi ạ? (Lê Thị Ánh Linh, Vũng Tàu)
- ThS-BS Vũ Thị Phương Thảo:
Chào bạn.
Với những tình trạng rối loạn sắc tố như sạm da, tàn nhang, đốm nâu... bạn hoàn toàn có thể đến Bệnh viện Da liễu để điều trị.
Bạn có thể đặt lịch khám bệnh qua hotline của bệnh viện: 028.39308131 - 0901.365.638 hoặc đặt lịch khám bệnh trực tuyến tại: https://dalieu.medpro.com.vn/
Chăm sóc da tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM. Nguồn: Bệnh viện Da liễu TP.HCM |
* Phương pháp trị nám bằng bắn tia laser có khỏi hoàn toàn, có an toàn không thưa bác sĩ? Cảm ơn bác sĩ. (Trần Thanh Huyền, Hà Nội)
- ThS-BS Vũ Thị Phương Thảo:
Chào bạn.
Điều trị nám da có nhiều biện pháp bao gồm thuốc uống, thuốc thoa, laser, ánh sáng. Laser cũng có nhiều loại và không phải loại nào cũng dùng để điều trị nám. Việc điều trị không đúng có thể để lại sẹo hoặc làm cho tình trạng nám nặng nề hơn.
Hơn nữa, do đặc điểm của nám da là dễ bị tái phát nên rất khó để có thể điều trị khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể hạn chế, ngăn ngừa nám tái phát bằng các biện pháp duy trì có hiệu quả.
Bạn có thể tham khảo một số biện pháp giúp chăm sóc và phòng ngừa nám má như sau: https://www.facebook.com/watch/?v=2356863441223272
* Bác sĩ ơi, da em vốn rất trắng mịn, nhưng từ khi mang thai, mặt em cứ bị nám dần, giờ đã lan hết mặt, chỉ chừa mắt và mũi, nhìn như 2 cánh bướm ấy. Em lo và rất mặc cảm. Liệu sau khi sinh bé, mặt em có hết nám không? Em có nên đi thẩm mỹ viện để chữa? (Hoài Thu, 29 tuổi, quận 2, TP.HCM)
- ThS-BS Vũ Thị Phương Thảo:
Chào bạn.
Một trong những yếu tố có thể làm cho tình trạng nám nặng hơn là do rối loạn nội tiết tố, nhất là trong giai đoạn mang thai, cho con bú. Hơn nữa, trong giai đoạn này, da của bạn có thể dễ bị bắt nắng nhiều hơn, dẫn đến nám da.
Tình trạng nám khi đã xuất hiện thì cần phải áp dụng các biện pháp điều trị thích hợp bao gồm thuốc uống, thuốc thoa, laser, ánh sáng.
Tuy nhiên, bạn đang trong giai đoạn mang thai, việc sử dụng các biện pháp này phải hết sức thận trọng và theo chỉ dẫn của bác sĩ.
* Bác sĩ ơi, chị của em bày cách làm trắng da bằng bôi củ huệ. Khi bôi vào khiến da nóng như bị bỏng, sau 3 lần bôi thì da tróc ra và trắng mịn rất đẹp. Em đã làm theo và thấy da đẹp hẳn lên. Nhưng khoảng 5 tháng sau thì trên trán và vành môi của em xuất hiện vết sạm, nhìn như em có râu ấy. Em phải làm sao đây? Ở bệnh viện của bác sĩ có cách nào chữa giúp em không? (Lưu Thiên Lan, 32 tuổi, Hậu Giang)
- ThS-BS Vũ Thị Phương Thảo:
Chào bạn.
Trong một số loại thực phẩm, thảo dược có thể chứa các hóa chất gây lột tẩy. Khi mới bôi vào da sẽ làm da bong tróc khiến cho chúng ta có cảm giác sáng mịn và đẹp hơn.
Tuy nhiên, những sản phẩm này dễ làm mỏng da, khiến da bạn dễ bị bắt nắng nhiều hơn, thậm chí, một số loại còn gây ra tai biến như teo da, giãn mạch, phát ban mụn trứng cá... Rất nhiều trường hợp tai biến do sử dụng sản phẩm lột tẩy này.
Bạn có thể tham khảo các cảnh báo về các trường hợp làm đẹp không an toàn theo đường link sau: https://www.facebook.com/benhviendalieutphcm/posts/2610720778949253
* Tôi bị nám vì sử dụng kem trộn, nay da mặt sạm gần như toàn bộ, đôi chỗ còn sần sùi rất ghê. Tôi muốn chữa bằng công nghệ laser thì nên đến đâu, chi phí như thế nào, xin bác sĩ tư vấn giúp. (Lê Thị Lan Chi, Bình Chánh, TP.HCM)
- ThS-BS Vũ Thị Phương Thảo:
Chào bạn.
Với triệu chứng mà bạn vừa mô tả, hiện tại không chỉ có vấn đề về nám da mà còn là tai biến do sử dụng các sản phẩm kem trộn gây ra.
Với những trường hợp này, trước tiên cần phải phục hồi hàng rào bảo vệ da chứ không nên nóng vội áp dụng ngay các biện pháp laser vì có thể làm cho da bị kích ứng nhiều hơn.
Việc điều trị có thể kéo dài hơi lâu. Sau khi đã phục hồi hàng rào bảo vệ da, bác sĩ sẽ cân nhắc các biện pháp để điều trị tình trạng nám chứ không phải mọi trường hợp đều bắt đầu bằng laser.
* Có thuốc uống chữa nám không thưa bác sĩ? Em làm việc ngoài trời nhiều nên da bị sạm đen 2 bên má và cánh mũi. Em không có thời gian đi thẩm mỹ viện nên muốn tìm loại thuốc chữa nám hiệu quả để uống. (Vi Thị Minh Hoa, 36 tuổi, Vĩnh Long)
- ThS-BS Vũ Thị Phương Thảo:
Chào bạn.
Việc điều trị nám trước tiên sẽ bắt đầu bằng thuốc uống và thoa tại chỗ kết hợp với tránh nắng thật kỹ, thoa kem chống nắng. Việc điều trị có thể lên đến vài tháng, do đó, bạn cần phải quay lại tái khám để bác sĩ đánh giá tình trạng và phối hợp điều trị khi cần thiết.
Với điều kiện thường xuyên phải làm việc ngoài trời nên bạn dễ bị bắt nắng, gây ra tình trạng sạm da. Bác sĩ khuyên bạn trước khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời cần áp dụng các biện pháp che chắn có hiệu quả như: nón rộng vành, đeo mắt kính, mặc áo dài tay... và thoa kem chống nắng.
Để biết cách sử dụng kem chống nắng hiệu quả, bạn có thể tham khảo thêm theo đường link: https://www.facebook.com/benhviendalieutphcm/videos/1816590171695655/
* Thưa bác sĩ. Tôi nghe nói hiện nay công nghệ làm đẹp rất tiến bộ, có nhiều cách để chữa nám da. Bác sĩ có thể giới thiệu một vài phương pháp không ạ? Tôi bị nám gần 5 năm rồi và đang muốn tìm cách chữa triệt để. (Tạ Minh Loan, 45 tuổi, Quận 2, TP.HCM)
- ThS-BS Vũ Thị Phương Thảo:
Chào chị.
Hiện nay có rất nhiều công nghệ tiên tiến để làm đẹp, chữa nám da. Bên cạnh việc áp dụng các biện pháp thuốc uống, thuốc thoa, chúng ta có thể kết hợp tái tạo da bằng hóa chất, laser, ánh sáng chuyên biệt cho sắc tố.
Mỗi phương pháp sẽ có hiệu quả nhất định và phải tùy theo từng tình trạng mà bác sĩ sẽ tư vấn cho chị phương pháp thích hợp nhất. Tuy nhiên, nám da rất dễ bị tái phát nên kể cả khi đạt được hiệu quả điều trị, chị vẫn phải duy trì các biện pháp chăm sóc và phòng ngừa tái phát.
ThS.BS Vũ Thị Phương Thảo - Phó trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Da liễu TP.HCM trả lời giao lưu trực tuyến Điều trị nám má |
* Tôi 39 tuổi. Nám 2 bên má nhiều và xuất hiện chấm đen li ti. Hai tay tôi bắt đầu nổi tàn nhang đen khá to. Tôi chưa điều trị nám lần nào. Nhờ bác sĩ tư vấn nên điều trị theo hướng nào ạ. Cám ơn. (Bùi Huyền Nga)
- ThS-BS Vũ Thị Phương Thảo:
Chào chị.
Với tình trạng của chị, trước tiên bác sĩ sẽ khuyên sử dụng các biện pháp thuốc uống, thuốc thoa tại chỗ, kết hợp với chống nắng để đạt được hiệu quả điều trị. Bên cạnh đó, để tăng cường tác dụng, chị có thể phối hợp thêm các biện pháp laser, ánh sáng.
Tuy nhiên, do điều trị nám cần nhiều thời gian nên chị phải hết sức kiên trì, tránh sử dụng các sản phẩm/ các loại laser không đúng dễ làm cho tình trạng nám nặng hơn.
Chị có thể tham khảo thêm 1 số biện pháp điều trị toàn thân trong nám má như sau: https://www.facebook.com/benhviendalieutphcm/photos/a.1278385948849416/2384572624897404/?type=3&theater
* Giờ có nhiều loại kem nói trị được nám má. Vậy kem điều trị nám má phải có thành phần gì thưa bác sĩ? Làm sao để biết sản phẩm đó có an toàn hay không? (Huỳnh Thị Kim Trang, TP.HCM)
- ThS-BS Vũ Thị Phương Thảo:
Chào bạn.
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều sản phẩm dùng trong điều trị nám má. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả, những loại thuốc này cần phải tác động lên cơ chế sinh bệnh học của nám má như: ức chế tổng hợp melanin, ức chế enzym gây tổng hợp sắc tố, ức chế sự vận chuyển melanin ra lớp thượng bì...
Trong mỗi nhóm như vậy sẽ có nhiều hoạt chất có thể tác động đồng thời nhiều cơ chế cùng 1 lúc. Để sử dụng các sản phẩm này một cách an toàn, bạn cần phải biết rõ thành phần và nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.
* Chào bác sĩ. Em là sinh viên ngành Nông Lâm, 20 tuổi. Sau một đợt đi thực tập về, hai bên gò má của em bị sạm lại. Em rất lo mình bị nám. Em nên dùng loại kem trị nám nào để hết nám? (Thiên Kim, TP.HCM)
- ThS-BS Vũ Thị Phương Thảo:
Chào em.
Sau khi em đi thực tập về mới xuất hiện tình trạng sạm da, đây có thể là hiện tượng tăng sắc tố sau viêm do tiếp xúc lâu dài với ánh nắng mặt trời.
Trước tiên, em cần phải chống nắng kỹ nhằm ngăn tình trạng có thể diễn tiến nặng hơn. Bên cạnh đó, có thể sử dụng các thuốc bôi làm sáng để cải thiện triệu chứng.
* Tôi được biết nám có thể do rối loạn nội tiết trong thời kì mãn kinh. Vậy trong chế độ sinh hoạt hàng ngày, có cách nào để ngăn ngừa việc này không. Tôi có nên uống các loại thuốc bổ sung nội tiết không thưa bác sĩ? (Trần Thị Kim Ánh, Nha Trang)
- ThS-BS Vũ Thị Phương Thảo:
Chào chị.
Nám da có thể do nhiều nguyên nhân gây ra bao gồm ánh nắng mặt trời, stress, rối loạn nội tiết tố, bụi bẩn, hóa chất...
Trong giai đoạn mãn kinh, tình trạng rối loạn nội tiết tố có thể góp phần làm cho nám da nặng hơn. Việc sử dụng các loại thuốc bổ sung nội tiết tố cần phải theo chỉ định của bác sĩ.
Bên cạnh đó, để ngăn ngừa và chăm sóc nám da 1 cách hiệu quả, chị có thể tham khảo qua đường link: https://www.facebook.com/watch/?v=2356863441223272
* Tôi được kê thuốc có thành phần Tranexamic để điều trị nám má. Tôi không rõ thuốc này có hiệu quả như thế nào và cần lưu ý gì khi sử dụng? (Phan Hữu Ngọc Hân, TP.HCM)
- ThS-BS Vũ Thị Phương Thảo:
Chào bạn.
Tranexamic trước đây được sử dụng trong các rối loạn về đông máu. Gần đây, người ta nhận thấy hiệu quả của tranexamic tại chỗ và toàn thân trong điều trị nám da.
Tuy nhiên, liều lượng và sản phẩm sử dụng cần phải theo chỉ định của bác sĩ. Vì vậy, trước khi sử dụng, bác sĩ sẽ hướng dẫn tùy theo từng tình trạng cụ thể.
* Chào bác sĩ! Em 20 tuổi, là nam giới. Em bị nám 2 mảng tròn 2 bên má. Điều trị bằng phương pháp nào để hết nám và phòng ngừa như thế nào, xin bác sĩ tư vấn? (Nguyễn Thanh Hùng, Hà Nội)
- ThS-BS Vũ Thị Phương Thảo:
Chào em.
Việc điều trị nám đối với nam giới cũng tương tự như điều trị cho nữ giới: trước tiên sẽ bắt đầu bằng phương pháp thuốc uống và thuốc thoa tại chỗ. Bên cạnh đó, cần phải kết hợp với chống nắng thật kỹ.
Để biết thêm về các biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn nám da, em có thể tham khảo theo đường link: https://www.youtube.com/watch?v=GKwhb8Mvg2Y
* Hiện nay, Bệnh viện Da liễu có những phương pháp trị nám nào ạ? Có loại nào trị liệu nhanh, rẻ tiền không bác sĩ? Có dùng cho bệnh nhân bảo hiểm y tế? (Đỗ Thị Thu Huyền, 48 tuổi, TP.HCM)
- ThS-BS Vũ Thị Phương Thảo:
Hiện nay, Bệnh viện Da liễu gần như có đầy đủ các biện pháp từ thuốc uống, thuốc thoa đến laser, ánh sáng tiên tiến trong điều trị nám. Mỗi biện pháp điều trị đều có ưu điểm riêng và đôi khi cần kết hợp điều trị để đạt được hiệu quả tối ưu.
Đến nay, nám da vẫn chưa được xếp vào danh mục điều trị được bảo hiểm y tế.
* Da mặt tôi hay đổ mồ hôi nên không thể bôi kem chống nắng. Thay vào đó, tôi che chắn kỹ khi ra nắng. Như vậy tôi có khả năng bị nám mặt không, thưa bác sĩ? (Kim Thanh, Bến Tre)
- ThS -BS Vũ Thị Phương Thảo:
Chào bạn.
Với trường hợp của bạn có thể sử dụng những loại kem chống nắng dành riêng cho da nhờn. Nếu thường xuyên đổ mồ hôi, bạn nên thoa lặp lại mỗi 2 giờ hoặc khi đổ mồ hôi nhiều.
Để biện pháp tránh nắng được hiệu quả, bên cạnh việc che chắn kỹ, kem chống nắng là rất cần thiết để bảo vệ da trước tác hại của ánh nắng mặt trời.
Để biết cách sử dụng kem chống nắng, bạn có thể tham khảo theo đường link: https://www.facebook.com/benhviendalieutphcm/videos/1816590171695655/
Thông tin liên hệ: BỆNH VIỆN DA LIỄU TP.HCM 02 Nguyễn Thông, P.6 Q.3, TP.HCM Hotline: 028.39308131 - 0901.365.638 Website: bvdl.org.vn |
Báo Phụ Nữ TP.HCM
Ảnh: Phùng Huy
Chia sẻ bài viết: |
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, bệnh tay chân miệng đang vào mùa, số ca bệnh trong tháng 9 tăng gấp đôi tháng 8.
Ai trong chúng ta cũng muốn sở hữu một làn da mịn màng, không tì vết, nhưng nếu lỡ bạn bị một vấn đề nào đó thì có nguy cơ sẽ để lại sẹo. Khi đó, làm thế nào để hạn chế tình trạng sẹo xấu?
Là phụ nữ, ai cũng mơ ước sở hữu một gương mặt mộc với làn da đẹp không tỳ vết. Muốn có làn da đẹp, khỏe khoắn, mịn màng chúng ta cần biết chăm sóc da mặt đúng cách và khoa học.
Việt Nam có khoảng 3 triệu trẻ em độ tuổi từ 0 - 15 mắc các tật khúc xạ phải đeo kính.
Dưới tác động của ánh nắng mặt trời, làn da dễ bị tổn thương dẫn đến nhiều vấn đề về da. Ngoài tránh nắng và sử dụng biện pháp che chắn như nón rộng vành, áo khoác, kính mát… thì sử dụng kem chống nắng rất quan trọng.
Suy giãn tĩnh mạch chi dưới còn gọi là suy giãn tĩnh mạch chân. Đây là bệnh rất thường gặp, xảy ra ở khoảng 10 - 35 % người lớn.
Từ 14g ngày 22/3/2019, báo Phụ Nữ TP.HCM tổ chức buổi giao lưu trực tuyến “Vitamin E – Công dụng diệu kỳ” với sự tham gia của bác sĩ Phương Mai – Chuyên khoa 2 Da liễu – Bệnh viện Da liễu TP.HCM.
Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về các bệnh răng miệng, Báo Phụ Nữ TP.HCM tổ chức buổi giao lưu trực tuyến “Làm sao để hơi thở thơm tho?”, từ 9g sáng ngày 7/12.
Nhiều bệnh nhân sau khi điều trị, tình trạng viêm dạ dày vẫn tái phát. Để giúp bạn đọc hiểu rõ về bệnh viêm dạ dày, cách chữa dứt điểm, Báo Phụ Nữ TP.HCM tổ chức buổi giao lưu trực tuyến “Viêm dạ dày chữa hoài không dứt?”.
Để giúp du khách tìm hiểu về visa đi Mỹ cùng tỷ lệ đậu cao, báo Phụ Nữ phối hợp cùng Công ty Du lịch Tugo tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề “Các bước xin visa Mỹ” vào lúc 9g00, thứ Năm ngày 25/10/2018.
9g sáng nay, 12/10, Báo Phụ Nữ TP.HCM phối hợp Bộ Y tế tổ chức giao lưu trực tuyến “Để mô hình bác sĩ gia đình phát huy hiệu quả tại y tế cơ sở”.
Để giúp các bà mẹ phòng tránh và chăm sóc trẻ bị tay chân miệng, Báo Phụ Nữ tổ chức buổi giao lưu trực tuyến “Bệnh tay chân miệng tăng nhanh, có gì bất thường?” vào lúc 9 giờ hôm nay, ngày 11/10.
Báo Phụ Nữ TP.HCM phối hợp cùng với nhãn hàng sữa dê công thức DG tổ chức buổi giao lưu trực tuyến “Duy trì nhịp sinh lý cho bé khi sử dụng sữa công thức” vào lúc 9g00 ngày 25/9.
Báo Phụ Nữ phối hợp với nhãn hàng kẹo dẻo dinh dưỡng PNKids tổ chức buổi giao lưu trực tuyến lúc 14g00 ngày 12/9, với sự tư vấn của bác sĩ CKII Nguyễn Thị Thu Hậu - Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi Đồng 2.
Buổi giao lưu trực tuyến chủ đề "Tiêu chuẩn cái đẹp trong phẫu thuật thẩm mỹ" diễn ra từ lúc 9g ngày 24/8 tại Báo Phụ Nữ.
Ở phụ nữ 25 tuổi, trán và mi dưới xuất hiện nếp nhăn đầu tiên. Bước sang tuổi 30 tuổi xuất hiện vết chân chim ở đuôi mắt, 40 tuổi nếp nhăn thường trực ở trước tai và ngấn cổ nổi rõ…
Buổi giao lưu trực tuyến do Báo Phụ Nữ và Bệnh viện Quốc tế City phối hợp tổ chức, từ lúc 13g30 hôm nay, với sự tham gia của Thạc sĩ bác sĩ Trần Thị Kim Xuyến và Thạc sĩ bác sĩ Trần Thị Mai Thy.
Du lịch châu Âu chưa bao giờ dễ dàng và tiện lợi như hiện nay. Cảnh đẹp thơ mộng, những tòa nhà cổ kính, xen kẽ những nét huyền bí khiến ai cũng bị mê hoặc khi đặt chân đến châu Âu, nhất là vào mùa thu.