Buổi giao lưu trực tuyến do Báo Phụ Nữ và Bệnh viện Quốc tế City phối hợp tổ chức, từ lúc 13g30 hôm nay, với sự tham gia của Thạc sĩ bác sĩ Trần Thị Kim Xuyến và Thạc sĩ bác sĩ Trần Thị Mai Thy.
Để mẹ bầu có chế độ dinh dưỡng thai kỳ hiệu quả, không phải trải qua những cảm xúc tiêu cực như buồn phiền, lo âu, căng thẳng, dễ cáu gắt; thậm chị tự hủy hoại bản thân và con của mình; Báo Phụ Nữ TP.HCM phối hợp Bệnh viện Quốc tế City TP.HCM tổ chức buổi giao lưu trực tuyến “Chăm sóc sức khỏe mẹ bầu và trẻ sơ sinh” vào lúc 13g30 ngày 26/7/2018, với sự tham gia của Thạc sĩ bác sĩ Trần Thị Kim Xuyến – Trưởng khoa Sản và Thạc sĩ bác sĩ Trần Thị Mai Thy – khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Quốc tế City.
|
Thạc sĩ bác sĩ Trần Thị Kim Xuyến (thứ hai từ phải sang) và Thạc sĩ bác sĩ Trần Thị Mai Thy (thứ hai từ trái sang) trả lời câu hỏi của bạn đọc Báo Phụ Nữ. |
8,2% phụ nữ Việt Nam bị trầm cảm sau sinh. Kết quả này được trường Đại học Y Hà Nội công bố sau khi khảo sát trên 1.400 phụ nữ Việt Nam.
Với cuộc sống hiện nay, việc chăm sóc sức khỏe mẹ bầu và trẻ sơ sinh không hề dễ dàng. Mẹ bị trầm cảm thì chiều cao của trẻ sơ sinh đối diện nguy cơ thấp hơn gấp 3 lần ở tháng thứ 3 và tháng thứ 6 so với trẻ có mẹ không bị trầm cảm. Bà mẹ bị trầm cảm có khả năng cho bé ngừng bú sớm, do đó trẻ dễ bị mắc các bệnh tiêu chảy, truyền nhiễm cao hơn.
Dưới đây là nội dung cuộc giao lưu:
* Em mang thai 32 tuần. Bác sĩ chẩn đoán bé được 3,5kg rồi. Em rất lo bé sinh ra bị béo phì. Mong bác sĩ tư vấn giúp em. Nếu muốn sinh mổ, tư vấn giúp em dịch vụ tốt nhất có thể.
Thạc sĩ bác sĩ Trần Thị Kim Xuyến:
- Đa phần những "đứa trẻ sumo" có sức khỏe tốt, nhưng vẫn có các trường hợp ngoại lệ. Nếu thai phụ bị tiểu đường, em bé được nuôi dưỡng bằng máu có quá nhiều đường, loại máu sản sinh nhiều insuline hơn. Chất này sẽ đi vào nhau thai và lưu lại trong cơ thể bé. Insulin kéo theo sự tăng trọng và làm biến đổi các thành phần trong cơ thể.
Quá trình sinh nở những em bé to béo này cũng tạo ra rủi ro cho cả mẹ và con. Do kích thước và nhất là vai quá rộng, bé sẽ gặp khó khăn khi chui khỏi bụng mẹ và dễ ngạt do bị kẹt vai, gãy xương đòn thiếu ôxy. Còn người mẹ sẽ có vết thương lớn hơn và phải chịu những di chứng của việc sinh nở.
Nếu thai quá lớn, bác sĩ sẽ cho mổ. Nhưng ngay cả khi đứa trẻ sinh ra không vấn đề gì thì lúc lớn lên, nó vẫn có nhiều nguy cơ béo phì và tiểu đường. Vì vậy bạn cần chặt chẽ trong chế độ dinh dưỡng để đảm bảo mẹ khỏe, bé khỏe. Bạn có thể đăng ký sinh tại Bệnh viện Quốc tế City, chất lượng chuẩn quốc tế.
Thạc sĩ bác sĩ Trần Thị Kim Xuyến đang trả lời thắc mắc của bạn đọc |
* BS cho em hỏi Bệnh viện Quốc tế City có dịch vụ cho người nhà vào phòng sanh và da kề da sau sanh không? Em mới 21 tuần nhưng đã tăng 8kg rồi. Bác sĩ tư vấn em nên ăn gì để giữ chuẩn cân nặng mà vẫn đảm bảo dinh dưỡng cho mẹ và bé.
Thạc sĩ bác sĩ Trần Thị Kim Xuyến:
- Bệnh viện Quốc tế City có dịch vụ cho người nhà vào phòng sanh. Ngoài ra, bé sẽ được tiếp xúc da kề da với mẹ ngay sau khi sanh. Để có một thai kỳ khỏe mạnh, mẹ không nên để tăng cân quá nhiều, chuẩn là 12 kg trong suốt thai kỳ. Bạn nên chú ý dinh dưỡng đủ 4 nhóm chất và không nên chú trọng vào số lượng dẫn đến béo phì thai kỳ.
* Trầm cảm sau sinh là gì?
Thạc sĩ bác sĩ Trần Thị Mai Thy:
- Trầm cảm sau sinh là loại trầm cảm bạn có thể mắc phải sau khi sinh. Nó có thể bắt đầu bất cứ lúc nào trong năm đầu tiên của bé, nhưng phổ biến nhất là trong 3 tuần đầu tiên sau khi sinh.
Nếu bị mắc chứng này, bạn sẽ có cảm giác buồn, vô vọng và tội lỗi vì bạn cảm thấy không muốn gắn kết hoặc chăm sóc con bạn.
Trầm cảm sau sinh không chỉ ảnh hưởng đến các bà mẹ sinh con lần đầu, bạn có thể mắc bệnh này ngay cả khi không mắc nó ở những lần sinh đẻ trước.
* Trầm cảm sau sinh kéo dài bao lâu?
Thạc sĩ bác sĩ Trần Thị Mai Thy:
- Tùy vào từng trường hợp, bệnh trầm cảm sau sinh có thể kéo dài từ vài tháng cho đến vài năm. Nếu không được chữa trị và tác động kịp thời bệnh sẽ trở nên ngày càng nguy hiểm, thậm chí có thể gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc.
Thạc sĩ bác sĩ Trần Thị Kim Xuyến tư vấn cho đôi vợ chồng sắp có con |
Trầm cảm có thể chia làm 3 giai đoạn chính:
Giai đoạn 1:
Đây là giai đoạn nhẹ nhất của rối loạn trầm cảm. Ở giai đoạn này bạn sẽ không nghĩ mình đang mắc bệnh mà nghĩ rằng đây là tâm trạng buồn bã và suy nghĩ tiêu cực nhất thời mà thôi. Nhưng nếu những suy nghĩ tiêu cực kéo dài bạn sẽ có xu hướng bộc lộ sự tiêu cực rõ ràng hơn, mất sự hứng thú với những món ăn bạn thích, chương trình truyền hình bạn hay xem, những thói quen từng làm bạn vui,... Bạn cảm thấy mọi thứ thật nhạt nhẽo thậm chí bạn cảm thấy chán ghét bản thân mình.
Trầm cảm khiến bạn mất ngủ, hoặc ngủ rất nhiều, biếng ăn, hoặc ăn uống vô độ. Nó khiến lối sống và cách sinh hoạt của bạn bị ảnh hưởng một cách tiêu cực.
Ở giai đoạn này, bạn trở nên khép kín hơn, không còn muốn gần gũi người khác, kể cả những người thân quen. Bạn chỉ thực sự thoải mái khi ở một mình và điều đó càng khiến tình trạng trầm cảm của bạn trở nên nặng hơn.
Giai đoạn 2:
Sau một quá trình trầm cảm dài của giai đoạn 1, cơ thể bạn đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi những tâm trạng buồn bã, không ngủ, những bữa ăn không điều độ, cơ thể bạn trở nên trì trệ hơn.
Đồng thời não bộ của bạn cũng bắt đầu giảm sản xuất hormone serotonin - hormone gây hạnh phúc. Cho đến một ngày, bạn không còn nhớ cảm giác hạnh phúc diễn ra như thế nào.
Bạn không còn niềm tin, hi vọng về một tương lai mà bạn đã từng nghĩ đến. Những điều đẹp đẽ dần trở nên xa vời với những người trầm cảm giai đoạn này. Nếu bạn từng mất mát, bạn sẽ luôn cho rằng mình sẽ không bao giờ vượt qua được. Ở giai đoạn này, bạn cảm thất cuộc đời sầu thảm bi đát mà bạn dần trở nên chán ghét.
Giai đoạn 3:
Theo thống kê, gần 50% người mắc bệnh trầm cảm có nguy cơ tự sát. Cho dù bạn từng yêu đời, từng ngập tràn sức sống như thế nào đi chăng nữa, nếu đã đến giai đoạn này của bệnh trầm cảm, bạn sẽ không đủ tỉnh táo để nhớ cuộc đời bạn vốn tuyệt như thế nào. Điều duy nhất bạn nghĩ đến đó là làm sao thoát khỏi cuộc sống toàn nỗi buồn, mất mát, tăm tối và khổ đau này. Bạn sẽ không còn tin vào tương lai, bạn cũng không còn tin là mình có thể hạnh phúc trở lại và muốn giải thoát bản thân.
Thạc sĩ bác sĩ Trần Thị Mai Thy tập trung đọc câu hỏi của bạn đọc |
* Giai đoạn nào bé hấp thụ dinh dưỡng nhanh nhất thưa Bác sĩ. Em muốn đăng ký dịch vụ sinh thường nhưng lần 1 em sinh mổ. Bác sĩ tư vấn thêm giúp em.
Thạc sĩ bác sĩ Trần Thị Kim Xuyến:
- Điều quan trọng trong tất cả các bữa ăn nhằm tăng cân thai nhi thật nhanh là bạn hãy chọn các sản phẩm có chứa hàm lượng Protein (tức đạm) thật cao, tôi sẽ giới thiệu với các bạn những loại thực phẩm có chứa hàm lượng protein cao nhất với hàm lượng đi kèm trên 100gr ở dưới đây để giúp các bạn chọn lựa nhé. Có thể là không theo thứ tự về hàm lượng.
Với những mẹ cần thai nhi phát triển cân nặng thật nhanh thì hãy bổ sung 1 hàm lượng khoảng 80-100gram protein 1 ngày nhé.
#1: Bơ-quả bơ: bơ là 1 trong những loại thực phẩm chứa hàm lượng protein cao nhất với khoảng 40gr protein trên 100gr. Sẽ càng thêm chất lượng nếu bạn mua quả bơ về và say sinh tố bơ với sữa (sữa tươi, sữa chua).
#2: Đậu (đậu đỗ nhé, không phải đậu phụ) : đậu càng già, càng lớn, càng trưởng thành thì chứa hàm lượng protein càng cao. Với khoảng gần 40gr protein trên 100gr đậu đỗ. Mua đậu đỗ về xào với thịt bò thì vừa nhiều đạm vừa ngon phải biết.
#3: Thịt bê và bò nạc: 100gr thịt bò hoặc bê nạc cung cấp tới khoảng 36gr protein. Nên dễ hiểu vì sao các mẹ hay mách nhau tăng cường thịt bò để giúp thai nhi tăng cân nhanh rồi chứ?
#4: Bí ngô, bí ngô rang và hạt giống dưa hấu: các loại hạt, quả này rất phổ biến và thông dụng ở đất nước chúng ta. Chúng có chứa 1 hàm lượng 33gr protein trên 100gr hạt. Hạt dưa, hạt bí mà các bạn thời thiếu nữ hay ăn cũng rất tốt đấy nhé.
#5: Thịt nạc (gồm thịt gà, lợn, cừu và thịt gà quay): chúng chứa 1 hàm lượng khoảng 30gr protein trên 100gr. Các bạn nên ăn nhiều thịt nạc, hạn chế thịt mỡ trong giai đoạn thai kỳ nhé.
#6: Cá và trứng cá (các loại các nước ngọt nói chung và mấy loại cá biển an toàn như Cá cơm, cá hồi, cá mòi..). Cá luôn rất tốt để bổ sung trong thai kỳ, các bạn có thể bổ sung những loại cá an toàn như cá chép, tránh các loại cá biển sâu nước lạnh có hàm lượng thủy ngân cao gây nguy hiểm cho thai nhi như Thu, kình..Cá cung cấp 1 hàm lượng protein khoảng 30gr trên 100gr. Ngoài ra, trứng cá và trứng cá muối cũng cung cấp 1 hàm lượng protein rất cao.
#7: Tảo xanh, tảo xoắn: Đây thực sự là nguồn cung cấp protein khổng lồ với gần 60gr protein/100gr, một hàm lượng rất lớn và an toàn. Ngoài ra các sp tảo xoắn bán trên thị trường còn chứa 1 hạm lượng rất nhiều vitamin và khoáng chất đấy nhé. Bạn nào hơi gầy gò, thể trạng yếu cũng có thể bổ sung cái này thay vitamin bầu.
#8: Tôm và cua: cung cấp 1 hàm lượng protein khá lớn với khoảng trên dưới 20gr/100gr.
#9: Đậu phộng, lạc: rất giàu vitamin và dễ để ăn vặt khi chưa tới hơn 20gr protein /100gr nhé. Nhưng có những tài liệu cho thấy nếu mẹ ăn nhiều lạc, đậu phộng thì sẽ có thể bị dị ứng. Tuy nhiên, nếu bạn không bị dị ứng hay có tiền sử dị ứng thì lạc, đậu phộng an toàn và có thể được sử dụng nhé.
#10: Hạt hướng dương là 1 trong những loại hạt có chứa hàm lượng protein rất cao nhé, với khoảng 20gr protein trên 100gr. Nên các bạn có thể thoải mái mua hạt hướng dương và ăn vặt nhé.
* Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm sau sinh?
Thạc sĩ bác sĩ Trần Thị Mai Thy:
- Thay đổi về nội tiết: Sau khi sinh, việc giảm đột ngột estrogen và progestrogen góp phần gây nên. Hormones tuyến giáp giảm nhanh chóng gây ra cảm giác mệt mỏi và trầm cảm.
Thay đổi về thể tích máu, huyết áp, hệ miễn dịch và chuyển hóa dẫn đến tình trạng mệt mỏi và dễ thay đổi cảm xúc. Mâu thuẫn gia đình, vấn đề tài chính, thiếu sự giúp đỡ của người thân.
Khó khăn trong chăm sóc bé. Nhiều bà mẹ cảm thấy căng thẳng, mất ngủ, lo lắng về khả năng chăm sóc bé. Từ đó cảm thấy mất hứng thú sống và mất kiểm soát cuộc sống bản thân. Yếu tố di truyền: trong gia đình có người bị trầm cảm (mẹ, chị, cha) thì nguy cơ bệnh cao.
* Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán trầm cảm sau sinh?
Thạc sĩ bác sĩ Trần Thị Mai Thy:
- Bác sĩ sẽ nói chuyện với bạn về những cảm xúc, suy nghĩ và sức khỏe tâm thần để phân biệt giữa trường hợp buồn bã ngắn hạn sau sinh và dạng nặng hơn của bệnh trầm cảm. Đừng xấu hổ, bạn hãy chia sẻ các triệu chứng của bạn với bác sĩ để thiết kế một kế hoạch điều trị tốt nhất cho bạn.
Để đánh giá tình trạng của bạn, bác sĩ có thể:
* Sự khác nhau giữa chứng “buồn lo sau sinh”, trầm cảm sau sinh và rối loạn trầm cảm?
Thạc sĩ bác sĩ Trần Thị Mai Thy:
- Nhiều phụ nữ mắc hội chứng buồn lo sau sinh sau vài ngày em bé chào đời. Nếu bạn mắc hội chứng này, bạn có thể biểu hiện những triệu chứng sau:
Chứng buồn lo sau sinh hầu hết sẽ biến mất chỉ trong một vài ngày hoặc một tuần. Những triệu chứng biểu hiện không quá nghiêm trọng và không cần thiết phải điều trị.
Những triệu chứng của chứng bệnh trầm cảm sau sinh kéo dài lâu hơn và nghiêm trọng hơn. Chứng trầm cảm sau sinh có thể xảy đến ở bất cứ thời điểm nào trong năm đầu tiên bạn sinh em bé. Nếu bạn mắc phải chứng bệnh này, bạn có thể biểu hiện ra những triệu chứng được liệt kê bên trên. Những triệu chứng khác cũng có thể là:
Chứng trầm cảm sau sinh cần được bác sĩ điều trị.
Thai phụ lắng nghe lời khuyên của Thạc sĩ bác sĩ Trần Thị Mai Thy |
Nguy cơ mắc chứng rối loạn trầm cảm sau sinh vô cùng hiếm hoi. Cứ 1.000 ca sinh nở thì chỉ có khoảng 1 dến 4 ca thai phụ mắc chứng rối loạn trầm cảm sau sinh. Chứng bệnh này sẽ bắt đầu biểu hiện vào hai tuần đầu tiên sau khi sinh em bé. Những phụ nữ mắc chứng rối loạn lưỡng cực hay vấn đề sức khỏe tinh thần khác hay còn được gọi là chứng rối loạn tâm thần phân liệt có nguy cơ cao hơn mắc phải chứng rối loạn trầm cảm sau sinh. Những triệu chứng có thể là:
* Em có nghe nhiều về việc ăn ngọt nhiều sinh con cận thị. Em ăn rất ngọt nên lo lắng lắm. Xin bác sĩ cho em lời khuyên.
Thạc sĩ bác sĩ Trần Thị Kim Xuyến:
- Cận thị liên quan đến nhiều cấu trúc giải phẫu của mắt nên di truyền cũng là một trong những yếu tố nguy cơ quan trọng của cận thị. Nhiều nghiên cứu đã đưa ra tỷ lệ: nếu cả cha và mẹ đều bị cận thị thì tỷ lệ trẻ mắc phải là 33-60%. Nếu cha hoặc mẹ bị cận thị thì tỷ lệ là 23-40%. Hầu hết nghiên cứu chỉ ra rằng nếu cha mẹ không bị cận thị thì chỉ có khoảng 6-15% khả năng con sẽ bị cận thị.
Có hơn 24 gen có liên quan đến việc tăng nguy cơ phát triển cận thị. Mặc dù yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng nhưng sự bùng nổ cận thị trong những năm gần đây liên quan đến tình trạng trẻ em dành nhiều thời gian cho các hoạt động trong nhà gồm học tập, chơi game, dùng máy vi tính, xem tivi, đặc biệt trong thời gian này là điện thoại và máy tính bảng.
* Những đối tượng dễ mắc bệnh trầm cảm sau sinh?
Thạc sĩ bác sĩ Trần Thị Mai Thy:
- Tiền sử bị bệnh trầm cảm sau sinh, nguy cơ lập lại 50%. Tiền sử trầm cảm ngoài thai kỳ, nguy cơ trầm cảm sau sinh 25%. Ngưng dùng thuốc chống trầm cảm lúc mang thai, 68% rơi vào trạng thái trầm cảm, nếu tiếp tục dùng thuốc thì 25% bị trầm cảm.
Tuổi << 18.< p>
Những sự kiện gây căng thẳng trong thời gian trước: bệnh tật, hiếm muộn, thất nghiệp.
Thiếu sự giúp đỡ, đồng cảm chia xẻ của người thân, đặc biệt là người chồng.
Mâu thuẫn vợ chồng, mâu thuẫn với mẹ chồng.
Thai kỳ không mong muốn.
Biến chứng thai kỳ: thai lưu, sẩy thai.
Trầm cảm dễ xuất hiện ở người con so, tuy nhiên vẫn có thể xảy ra ở con rạ.
* Em muốn đăng ký sinh tại Bệnh viện Quốc tế City. Đứa đầu em sinh mổ, vậy bé thứ 2 em có thể sinh thường được không?
Thạc sĩ bác sĩ Trần Thị Kim Xuyến:
- Bạn vẫn có thể sinh thường bé sau dù bé đầu sinh mổ với điều kiện sức khỏe của mẹ tốt, bé trong bụng khỏe và không quá to. Tùy vào sức khỏe của mẹ và bé, bác sĩ sẽ chỉ định bạn nên sinh mổ hay sinh thường. Nếu sức khỏe của 2 mẹ con hoàn toàn tốt thì không có lý do gì bạn phải sinh mổ. Bạn có thể đăng ký sinh tại Bệnh viện quốc tế City.
* Điều trị bệnh trầm cảm sau sinh như thế nào?
Thạc sĩ bác sĩ Trần Thị Mai Thy:
- Điều trị bệnh trầm cảm cần được kết hợp với nhiều biện pháp khác nhau như: liệu pháp tâm lý, liệu pháp hormon, thuốc chống trầm cảm.
- Liệu pháp tâm lý bao gồm tâm lý cá nhân hoặc tâm lý nhóm: Đây là liệu pháp không cần sử dụng đến thuốc, không sợ ảnh hưởng đến trẻ nếu bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ vì thế thường được lựa chọn đầu tiên.
- Liệu pháp hormon bao gồm sử dụng estrogen thay thế. Hormon estrogen được sử dụng kết hợp với thuốc chống trầm cảm.
- Đối với những trường hợp nặng, bà mẹ không thể chăm sóc được bản thân và con thì cần sử dụng thuốc chống trầm cảm tuy nhiên nếu đang nuôi con bằng sữa mẹ thì cần có sự cân nhắc giữa lợi ích của việc dùng thuốc điều trị với tác dụng phụ mà thuốc có thể gây ra. Vì vậy nếu tiếp tục cho con bú và phải có sự theo dõi của bác sĩ chuyên khoa.
* Khi mang thai em thèm ăn đủ thứ như nem chua, các loại ốc, cá biển. Ăn những món này có tốt cho thai nhi không thưa bác sĩ? (Ngô Hiền - TP.HCM)
ThS-BS Trần Thị Kim Xuyến:
- Những thức ăn như nem chua, các loại ốc, cá biển bạn có thể ăn. Tuy nhiên, đối với nem chua bạn phải xem thời gian sử dụng, vì đây là đồ ăn sống, bạn có thể dễ bị nhiễm giun, sán. Các loại ốc, cá biển, bạn không nên ăn vào buổi tối vì khó tiêu. Riêng với cá biển, bạn không ăn cá biển sâu vì có thủy ngân cao. Bạn có thể ăn cá hồi.
* Em mới sinh bé, nhưng người em cảm thấy dơ lắm. Nhưng mẹ chồng bảo cử đến 3 tháng không tắm gội. Cho em hỏi bao lâu thì có thể tắm gội được ạ? (Vũ Thị Nu - Sóc Trăng)
ThS-BS Trần Thị Mai Thy:
- Một số quan niệm của người xưa cho đến hiện tại khoa học chứng minh là có một số quan niệm chưa đúng. Ví dụ như trường hợp giữ vệ sinh sau khi sinh. Đặc biệt với trường hợp sinh mổ, càng phải giữ vệ sinh để vết mổ không bị nhiễm trùng. Em nên tắm sớm để vết mổ được giữ sạch sẽ. Tuy nhiên, nên tắm vào ban ngày với nước ấm, sấy tóc khô để tránh trường hợp bị cảm lạnh.
* Bác sĩ cho tôi hỏi tôi vừa sinh con khoảng 4 tháng thì có thai tiếp có được không? Tôi bị vỡ kế hoạch vì nghĩ mới sinh đây, chưa có kinh nguyệt trở lại thì an toàn, nhưng đi khám, bác sĩ nói tôi lại mang thai nên rất sợ. Nếu phá thai thì có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không, thai đã được 13 tuần? (Trần Thị Kiều Trang - Bình Phước)
ThS-BS Trần Thị Kim Xuyến:
- Bạn vừa sinh con 4 tháng, cơ thể bạn chưa có phục hồi tốt, bạn đang cho bé bú, nuôi dưỡng bé vì đây là giai đoạn bé đang phát triển nên cần chăm sóc bé tốt. Nếu bạn sinh con tiếp, bạn khó có thể vừa chăm bé và vừa nuôi dưỡng thai, hơn nữa, bạn mới sinh con được 4 tháng, khi thai lớn có thể dễ bị vỡ tử cung. Bạn mới sinh con 4 tháng mà quan hệ khá sớm và có thai thì bạn nên đến gặp bác sĩ sản khoa để được tư vấn nuôi thai hay bỏ thai, và chọn biện pháp bỏ thai phù hợp để không ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn. Việc có thai được 13 tuần, đối với quy định của Bộ Y tế, thai trên 12 tuần chỉ có thể bỏ thai nếu thai bị dị tật không thể sống được, còn đa số thì được khuyên là nuôi thai tiếp tục vì bỏ thai ở tuổi thai này có thể nguy hiểm đến tính mạng người mẹ.
* Tôi bị tiểu đường thai kỳ thì có nên kiêng sữa, đồ ngọt không? Thôi sợ khi kiêng thai nhi sẽ không đủ chất, bác sĩ có thể cho tôi một vài món ăn dinh dưỡng ít ngọt được không? Ai cũng nói khi tôi sinh con thì sẽ không còn bị tiểu đường, đều này có chắc chắn không? Cảm ơn bác sĩ. (Mai Thị Tuất - Bình Phước)
ThS-BS Trần Thị Kim Xuyến:
- Đối với người mẹ có thai và bị tiểu đường thai kỳ, bác sĩ thường khuyên chế độ dinh dưỡng phải kiêng tinh bột, kiêng thức ăn, thức uống ngọt. Bù vào bạn có thể ăn cá, trứng, rau và các loại trái cây không ngọt như mít, sầu riêng. Bạn cũng có thể uống sữa không đường. Khi có thai, tiểu đường thai kỳ có thể bị ảnh hưởng đến thai nhi như thai to, thai chết lưu, đa ối,... và em bé có thể bị hạ đường huyết ngay sau khi sinh. Về phía mẹ, nếu bị tiểu đường thai kỳ mà không tuân thủ chế độ dinh dưỡng bác sĩ đã khuyên sẽ trở thành tiểu đường phụ thuộc insullin sau sinh.
* Trầm cảm sau sinh có dấu hiệu như thế nào, làm sao để thoát khỏi nó thưa bác sĩ? Càng gần đến ngày sinh em càng lo lắng, hay mệt mỏi, thỉnh thoảng nghĩ tiêu cực, em có cần dùng thuốc an thần cho dễ ngủ không? Em sợ mình mắc bệnh này sẽ gây hại cho con mình. (Phạm Thị Ánh Xuân - Đồng Nai)
ThS-BS Trần Thị Mai Thy:
- Trầm cảm sau sinh có thể biểu hiện trong những tháng cuối của thai kỳ cho đến vài tuần đầu sau sinh. Triệu chứng có thể ở mức độ nhẹ như cảm thấy mệt mỏi, lo lắng, mất ngủ đến những biểu hiện nặng hơn như kích động hoặc thậm chí có ý nghĩ tự tử.
Tuy nhiên, những biểu hiện mệt mỏi, lo lắng có thể chỉ thoáng qua sau sinh, tình trạng này không phải là trầm cảm sau sinh, nó là đáp ứng bình thường của cơ thể.
Với tình trạng của em, có thể chỉ là những thay đổi bình thường. Tuy nhiên, tốt nhất em vẫn nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra và tư vấn kỹ.
* Con trai tôi vừa sinh ra bác sĩ nói cháu bị chân vòng kiềng và bó nẹp, sau khi bó nẹp được 3 tuần thì chân cháu sưng to rồi tím bầm lên, quấy khóc nhiều. Như vậy cháu có bị làm sao không bác sĩ? Cháu nhà tôi được 24 ngày tuổi, không nóng sốt hay gì cả. Có thể để sau này bó chân được không? (Trần Văn Ơn - Long An)
ThS-BS Trần Thị Kim Xuyến:
- Bạn nên đưa cháu đến ngay trung tâm vật lý trị liệu để kiểm tra lại nẹp bó chân bé có sai kỹ thuật hay không. Tùy tình trạng tổn thương của chân, và hiệu quả của liệu pháp điều trị đúng cách, chân cháu có thể bình thường. Bạn nên đưa cháu đi khám sớm để được điều trị sớm, đúng cách và hiệu quả.
* Bác sĩ ơi! Em vừa sinh con được 2 tháng, bé bú sữa mẹ hoàn toàn. Bé không tăng ký nhiều, tháng đầu tăng được 900gr, tháng này lên có 400gr. Như vậy có sao bác sĩ. Bé vẫn bú ngoan, ngủ ngoan. Em có việc đi ra ngoài, vắt sữa để ở nhà cho bé ti bình mà chồng em bảo là bé không chịu ti bình mà khóc khản giọng, gọi em về tức tốc. Tại sao vậy bác sĩ, em thấy con người ta ti bình dễ ợt hà. (Lê Hoàng Yến - Hà Nội)
ThS-BS Trần Thị Mai Thy:
- Đây cũng là tình trạng bình thường của các bé nếu bé hoàn toàn bú mẹ. Núm vú của mẹ thường mềm và khi được bú mẹ bé cảm giác an toàn và quen thuộc hơn.
Nếu em phải chuẩn bị đi làm trở lại, cách tốt nhất nên tập cho bé bú mẹ xen kẽ bú bình để bé quen dần với việc bú bình.
* Chào bác sĩ, em đang mang bầu được 25 tuần nhưng bụng em thường xuyên bị gò cứng. Thời gian gò không lâu nhưng một ngày xuất hiện 5-7 lần. Em có đi khám và được kê thuốc nospa, tuy nhiên nhiều người nói với các cơn co không dồn dập thì không cần thiết. Em rất băn khoăn, và liệu uống nhiều có ảnh hưởng gì không ạ? (Nguyễn Thuỷ Tiên - Hà Nội)
ThS-BS Trần Thị Kim Xuyến:
- Ở tuần thai 25, thai phụ có thể có ngộ nhận giữa cử động thai và cơn co tử cung
- Cử động thai là thai trồi trong bụng mẹ và đội lưng thai lên thành trên của tử cung làm cho người mẹ có cảm giác căng cứng và trên bụng có chỗ chắc, chỗ mềm nhưng không có cảm giác đau, chỉ có cảm giác tức.
- Gò tử cung là dấu hiệu của dọa sinh non, lúc này toàn bộ tử cung co cứng, thai phụ có cảm giác đau từng cơn. Đồng thời có thể có ra huyết hồng ở âm đạo.
Khi có các dấu hiệu trên, bạn phải đến ngay cơ sở y tế có chuyên khoa sản để được khám và chẩn đoán là cử động thai hay dọa sinh non, để được điều trị đúng cách.
* Bác sĩ Mai Thy ơi! Em đang có ý định mang thai, đi khám bác sĩ thì được yêu cầu phải bổ sung sắt trước để tránh bé bị não úng thủy và dị tật ống thần kinh. Em hay quên uống bữa đực bữa cái có sao không vậy? Đi thăm mấy bé trong một trung tâm nuôi trẻ bị bỏ rơi ở Gò Vấp, thấy số lượng bé bị đầu to mà hãi quá. (Nguyễn Ngân - TP.HCM)
ThS-BS Trần Thị Mai Thy:
- Tật não úng thủy và dị tật ống thần kinh ngoài nguyên nhân do thiếu sắt còn do một số nguyên nhân khác như sử dụng một số thuốc chống động kinh. Em không nên quá lo lắng nhưng phải cố gắng uống sắt theo đúng hướng dẫn của bác sĩ và khám thai định kỳ.
* Em đã sinh bé đầu cách đây 2 năm và đang mang thai em bé thứ hai. Bé đầu em sinh bằng phương pháp mổ. Em đọc nhiều bài viết nói rằng các bà mẹ đẻ mổ vẫn có thể sinh con sau bằng phương pháp tự nhiên. Em xin hỏi các bác sĩ, điều này có thực sự an toàn không ạ? Vì bản thân em đang gặp phải rất nhiều ý kiến phản đối từ gia đình. Em thành thật cám ơn bác sĩ. (Lê Thu Hương - Hải Dương)
ThS-BS Trần Thị Kim Xuyến:
- Đối với những sản phụ lần đầu tiên mổ lấy thai, khi có thai lại sau 2 năm bạn vẫn có thể sinh ngả âm đạo với điều kiện:
- Nguyên nhân của lần mổ sinh trước không phải là do khung chậu hẹp.
- Lần có thai này, thai nhi không quá to, ngôi thai bình thường, không bị vỡ ối sớm và không nhau tiền đạo...
-Mẹ đủ sức khỏe để rặn sinh. Và đôi khi mẹ phải chấp nhận sinh giúp bằng forcefs hay giác hút.
Đối với những trường hợp có vết mổ lấy thai cũ, thai phụ vẫn phải đối mặt với nguy cơ vỡ tử cung trong khi có thai, trong khi chuyển dạ. Vì vậy, thai phụ cần phải được chăm sóc thai kỳ tại cơ sở y tế có chuyên khoa sản, có phòng mổ để được chẩn đoán và xử trí kịp thời tai biến trên.
* Tôi thường nghe rất nhiều về hiện tượng trầm cảm sau khi. Làm sao để có thể nhận biết được người phụ nữ đó đang bị trầm cảm. Vợ tôi vừa mới sinh được ba tháng, nhà có 2 vợ chồng nên hai vợ chồng tôi trực tiếp chăm con. Mới đây, thấy nàng bỏ con dao trong tủ lạnh, có lúc thấy nàng mở tủ lạnh ra và đứng trước tủ lạnh mở cả lúc mà không thấy làm gì. Hỏi thì nàng bảo là em định làm gì mà quên mất. Vợ tôi không có biểu hiện gì buồn bã, cũng cười nói bình thường. Vậy việc bỏ bậy đồ trong tủ lạnh đó có phải là trầm cảm sau sinh không? (Nguyễn Quang Minh - Đà Nẵng)
ThS-BS Trần Thị Mai Thy:
- Hay quên và nhầm lẫn đồ đạc là do sự kém tập trung. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài hơn hai tuần sau sinh, có thể là một trong những triệu chứng ban đầu của trầm cảm sau sinh. Vợ anh đã sinh được 3 tháng mà vẫn còn hay quên, anh có thể đưa chị đến bác sĩ chuyên khoa để kiểm tra kỹ hơn. Nhưng cũng đừng lo lắng quá vì vợ anh vẫn vui vẻ, bình thường.
* Em vừa sinh con xong, nhưng không có sữa. Mẹ chồng ngày nào cũng hầm giò heo đu đủ cho em ăn, nhưng em ngán món đó lắm. Giờ em phải làm sao? (Trần Thảo Vi - Bến Tre)
ThS-BS Trần Thị Mai Thy:
- Em có thể dùng thêm một số phương pháp khác để hỗ trợ thêm. Ví dụ như cho bé nút đầu vú thường xuyên (vì khi kích thích đầu vú cơ thể mẹ sẽ tiết ra một hoc-môn tăng cường tiết sữa), em cũng có thể massage bầu ngực để tăng cường sự giãn nở của các tuyến sữa. Lưu ý, một số tình trạng như thiếu ngủ, căng thẳng cũng làm hạn chế sự tiết sữa. Em nên kiên nhẫn thực hiện các biện pháp này.
* Bác ơi. Bé nhà con gần 4 tháng, con vẫn bổ sung vitamin D cho bé hằng ngày, nhưng không hiểu sao mấy ngày gần đây bé ra mồ hôi trên đầu rất nhiều, ướt tóc, ướt gối luôn ạ. Trời thì mưa, hơi se se lạnh chứ không nóng, mà con bật quạt nữa nhưng vẫn ra rất nhiều mồ hôi. Có phải bé thiếu chất gì không ạ? (Phạm Thị Phương - Huế)
ThS-BS Trần Thị Mai Thy:
- Đây là triệu chứng của thiếu canxi.
Cố gắng cho bé bú sữa mẹ, phơi nắng. Nếu tình trạng nặng hơn kèm theo các cơn gồng người (thậm chí có những cơn nặng hơn làm bé ọc sữa, khóc thét) em nên đưa bé đến chuyên khoa dinh dưỡng để khám.
* Thưa bác sĩ, tôi năm nay 26 tuổi, mang thai được 12 tuần. Vừa làm test máu xong để làm sang lọc trước sinh nhưng chưa lấy kết quả. Em nghe bạn nói là kiểm tra để biết con mình có bị hội chứng Down hay không? Em đang rất hồi hộp. Chỉ số như thế nào thì biết con mình an toàn hả bác sĩ? (Hồ Nguyệt Thu - Bình Dương)
ThS-BS Trần Thị Kim Xuyến:
- Bạn đang lo lắng về hội chứng Down phải không? Hội chứng Down là một dị tật của thai nhi do bất thường về NST thứ 21 (ba NST thứ 21 thay vì là hai). Để tầm soát hội chứng Down, bác sĩ sẽ hẹn bạn đến làm xét nghiệm máu khi thai được 12 tuần: Double Test.
Nếu bạn đến trễ sau 12 tuần, bạn sẽ được bác sĩ hẹn đến lúc thai được 15, 16 tuần để làm Tripble Test.
Kết quả sẽ trả lời nguy cơ cao hay nguy cơ thấp với hội chứng Down.
Khi kết quả là nguy cơ thấp, bạn tạm yên tâm là con của mình bình thường với xác suất là 80%. Khi kết quả nguy cơ cao, bạn sẽ được bác sĩ tư vấn làm thêm một trong hai xét nghiệm sau để tầm soát DNA của thai nhi:
- NIPT: xét nghiệm không xâm lấn, lấy máu mẹ để tìm DNA thai, với xác suất 99%
- Chọc dò ối: rút nước ối để xác định DNA với xác suất gần 100%. Tuy nhiên đây là xét nghiệm xâm lấn nên có tỷ lệ sảy thai sau khi thủ thuật từ 1/100 đến 1/200.
* Nhà em mới mua 1 chiếc ghế massage cho bố mẹ em dùng, em cũng thấy thích và cũng muốn nằm thử nhưng không biết có ảnh hưởng gì đến em bé không nữa, thai của em hiện 13 tuần ạ. Vậy các chị tư vấn giúp em với, em ngồi được ghế massage không ạ? (Nguyễn Hồng Thu - Cần Thơ)
ThS-BS Trần Thị Kim Xuyến:
- Tùy vào vị trí, cường độ, tần suất mà bạn massage thì có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Tốt nhất bạn nên tham gia các lớp yoga bầu để có những bài tập phù hợp với tuổi thai, giúp bạn thư giản, không bị mệt mỏi và quan trọng nhất là những bài tập hướng dẫn hít thở để rặn sinh có hiệu quả.
* Em đang có thai 6 tuần, nhưng em bị té ngã và bác sĩ khám bảo là động thai! Em bị ra máu 5 ngày rồi, máu màu hơi đậm và nâu, em nằm 1 chỗ thì không sao nhưng cứ bước vài bước là ra như rong kinh. Vì em đang công tác ở Nhật, nên bác sĩ khám, không cho em tiêm hay dùng thuốc gì cả. Em nghe mấy chị khác nói dùng trứng gà với ngải cứu sẽ cầm máu và an thai. Em không biết liều lượng dùng như thế nào, có ảnh hưởng xấu không? Em khám thấy thai phát triển, có tim thai, nhưng không được cho thuốc hay tiêm, em lo quá. (Trương Thảo Nguyên - Đồng Tháp)
ThS-BS Trần Thị Kim Xuyến:
- Thai 6 tuần, sau té ngã bị ra máu, bạn nên đến bác sĩ khám để được chẩn đoán thai có bình thường hay không
- Thai trong tử cung hay ngoài tử cung, dọa sảy thai hay không.
- Nếu thai trong tử cung, ở khoảng thai 6 tuần, chưa thấy rõ phôi thai mà bị ra máu, bạn nên nằm nghỉ ngơi. Nếu ra máu nhiều như bạn mô tả thì có khả năng thai bị sảy, bạn cần đến bác sĩ để khám và điều trị cụ thể.
* Thưa bác sĩ, có loại thuốc nào để người mẹ có thể uống để ngừa cơn trầm cảm sau sinh không? Nếu uống vào có tác hại với em bé đang bú sữa không? (Nguyễn Duy Quang - Khánh Hòa)
ThS-BS Trần Thị Mai Thy:
- Để phòng ngừa trầm cảm sau sinh, chúng ta cần:
- Trong thai kỳ: nên theo dõi sát những triệu chứng và dấu hiệu của trầm cảm. Nên thực hiện bộ câu hỏi sàng lọc về trầm cảm trong thai kỳ và ngay sau sinh.
- Sau khi sinh: bác sĩ khuyên nên kiểm tra sớm các dấu hiệu của trầm cảm.
- Trong thai kỳ và sau khi sinh cần hạn chế tối đa những tình trạng gây nên căng thẳng, mệt mỏi cho người mẹ (nên có sự giúp đỡ của người thân trong việc chăm sóc bé).
Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc chống trầm cảm vì có thể gây ảnh hưởng tới bé (tất cả các thuốc chống trầm cảm đều tiết qua sữa mẹ).
* Em bị nhiễm tạp trùng và nấm Cadican từ trước khi mang thai. Trước đó cũng đã điều trị mãi mà không khỏi rồi. Bây giờ có thai còn bị nặng hơn hay sao ý. Mấy hôm trước em đã đi khám và đặt thuốc, chỉ đỡ được 2 hôm thôi, giờ vẫn thế. Em bé nhà em được gần 16 tuần rồi. Bây giờ phải làm thế nào. Em lo bị ảnh hưởng đến bé yêu lắm. (Trang Bảo Nam - Kiên Giang)
ThS-BS Trần Thị Kim Xuyến:
- Khi mang thai, các thai phụ thường bị nhiễm nấm gây ngứa rát vùng âm hộ, âm đạo. Bạn cần phải được xét nghiệm huyết trắng để co chẩn đoán chính xác là đang nhiễm nấm và dùng thuốc điều trị phù hợp. Viêm âm đạo do nấm rất dễ tái phát vì vậy bạn phải vệ sinh cá nhân: thay quần lót thường xuyên, không mặc quần lót ẩm, không ăn thức ăn ngọt.
- Viêm âm đạo do tạp khuẩn nhất là GBS khi sinh thai nhi có thể bị viêm màng não, nhiễm trùng huyết sơ sinh và có thể tử vong. Vì vậy, khi bạn có huyết trắng nhiều, nên đến khám bác sĩ sớm để chẩn đoán và điều trị phù hợp tránh gây biến chứng cho sơ sinh.
* Tôi mới vừa sinh con được 3 tháng, sau khi sinh con bao lâu thì được quan hệ bình thường trở lại? (Trần Hoa - Long An)
ThS-BS Trần Thị Kim Xuyến:
- Sau sinh 3 tháng, bạn có thể quan hệ bình thường. Tuy nhiên, bạn nên cẩn thận có thể bị vỡ kế hoạch và có thai sớm. Bạn nên đến trung tâm y tế để được tư vấn, chọn lựa biện pháp tránh thai phù hợp.
* Thưa bác sĩ, thời gian tắm để em bé hấp thu vitamin D là buổi sáng sớm, nhưng em thường rất khó dậy sớm. Em có đọc trên mạng thông tin là tắm nắng vào 4-5g chiều cũng vẫn có vitamin D, em không biết có chính xác không ạ? (Đặng Hải Yến - Hà Nội)
ThS-BS Trần Thị Mai Thy:
- Chỉ nên tắm nắng cho bé vào buổi sáng sớm vì ánh nắng mặt trời nhờ có tia hồng ngoại giúp chuyển hóa vitamin D thành canxi cho bé. Tuy nhiên, ánh nắng mặt trời còn có tia tử ngoại có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bé (tia này thường xuất hiện vào khoảng sau 10g sáng).
* Em đang bầu 9 tuần và nghén nặng, người lúc nào cũng nôn nao khó chịu và mệt mỏi, ăn gì cũng nôn, uống nước thôi cũng nôn. Thỉnh thoảng em mới ăn được một cái gì đó mà không bị nôn ra nên em đang rất lo sẽ bị giảm cân. Em đã uống trà gừng, bánh quy gừng nhưng không đỡ. (Trương Ngọc Huyền - Bạc Liêu)
ThS-BS Trần Thị Kim Xuyến:
- Buồn nôn, nôn ói khi mang thai 3 tháng đầu không có gì là trầm trọng, vì vậy bạn không cần phải lo lắng bị giảm cân hay không đủ dinh dưỡng để nuôi thai. Bạn có thể ăn những thức ăn không gây nôn, không bắt buộc phải ăn thức ăn quá nhiều bổ dưỡng vì bạn còn nhiều thời gian để bồi dưỡng cho sức khỏe của bạn và thai nhi. Sau khi ngủ dậy, bạn có thể ăn vặt bánh quy, bánh mì và nằm "nướng" thêm 20-30 phút mới rời giường. Tránh thức ăn có nhiều chất béo, cay, tanh, quá chua vì những thực phẩm này sẽ làm cho bạn dễ bị rối loạn tiêu hóa, hoặc đau dạ dày.
Bạn có thể chia nhiều bữa ăn trong ngày, tuyệt đối không nên để bụng trống. Ăn thức ăn có đạm và những thức ăn kích thích vị giác. Cố gắng tránh ngửi các mùi ở thức ăn gây buồn nôn.
* Em dâu của tôi có thai lần đầu nhưng lại bị lưu ở tuần thứ 8. Nay em đang để có em bé lại, nhờ BS tư vấn giúp dinh dưỡng và uống thuốc bổ như thế nào để chuẩn bị sức khỏe thật tốt. (Nguyễn Bảo Châu - Bình Dương)
ThS-BS Trần Thị Mai Thy:
- Thai lưu do nhiều nguyên nhân: bất thường bẩm sinh do bản thân thai nhi, sự mệt mỏi cơ thể mẹ, dinh dưỡng kém... Cần kiểm tra sức khỏe của mẹ và bố trước khi mang thai (xét nghiệm tiền sản). Dinh dưỡng chỉ là một phần. Đối với cơ thể mẹ khỏe mạnh, không có bệnh lý gì đặc biệt chỉ cần ăn uống đầy đủ các nhóm dinh dưỡng (tinh bột, đạm, lipid, vitamin và khoáng chất) và có chế độ nghỉ ngơi sinh hoạt lành mạnh.
* Bác sĩ cho em hỏi Bệnh viện Quốc tế City có dịch vụ cho người nhà vào phòng sinh và da kề da sau sinh không? Em mới 21 tuần nhưng đã tăng 8 kg rồi. Bác sĩ tư vấn em nên ăn gì để giữ chuẩn cân nặng mà vẫn đảm bảo dinh dưỡng cho mẹ và bé. (Diệu Trang Anh - Quảng Nam)
ThS-BS Trần Thị Kim Xuyến:
- Bệnh viện Quốc tế City có dịch vụ cho người nhà vào phòng sinh. Khi sinh, và kể cả khi mổ sinh, bé sẽ được áp dụng phương pháp da kề da với mẹ. Để có một thai kỳ khỏe mạnh, bà mẹ nên ăn uống dinh dưỡng đủ 4 nhóm chất để đạt được tăng trọng theo quy định 12 kg trong suốt thai kỳ.
* Vợ tôi bị trầm cảm sau khi vợ sinh. Vợ chửi suốt ngày, đụng gì cũng la. Tôi chịu đựng dữ lắm nhưng giờ cảm thấy chán mọi thứ. Xin bác sĩ cho lời khuyên. (Cao Văn Huỳnh Mến - Vũng Tàu)
ThS-BS Trần Thị Mai Thy:
- Trầm cảm sau sinh có thể ảnh hưởng đến bản thân người phụ nữ và cả người chồng, đứa bé sinh ra.
Cả hai vợ chồng nên đến bác sĩ để được tư vấn, chẩn đoán chính xác mức độ trầm cảm để có chế độ điều trị thích hợp.
* Tôi sinh xong, chồng có vợ bé. Nghĩ đến chồng, nhìn con, tôi đau. Mỗi lần vậy, tôi lấy dao lam rạch tay thì thấy đỡ đau. Bác sĩ cho em lời khuyên có nên đoạn tuyệt với chồng? Tôi thương ảnh lắm. (Nguyễn Thị Quỳnh - An Giang)
ThS-BS Trần Thị Mai Thy:
- Tình trạng của bạn là một trường hợp khẩn cấp nên đi đến bệnh viện ngay để được chữa trị. Tự làm hại bản thân là một dấu hiệu rất nặng của trầm cảm. Bạn nên báo ngay với người nhà (mẹ, anh chị em ruột).
Khi bạn được chữa trị, tinh thần sẽ bình tĩnh trở lại rồi lúc đó sẽ quyết định làm những việc khác.
* Mẹ chồng bắt tôi phải về nhà mẹ tôi đẻ. Tôi lại thích đẻ nhà chồng, để chồng lo. Tôi lo quá, bé dự sinh ngày 26/8. (Khổng Lan Trinh - Hà Giang)
ThS-BS Trần Thị Mai Thy:
- Em nên về nhà mẹ ruột để sinh đặc biệt nếu là con so. Vì sau sinh sẽ có rất nhiều yếu tố cần sự giúp đỡ của gia đình mẹ ruột để tránh rơi vào tình trạng mệt mỏi, căng thẳng sau sinh.
* Em đang mang thai 32 tuần. Bác sĩ chẩn đoán bé được 3,5 kg rồi. Em rất lo lắng bé sinh ra bị béo phì, mong bác sĩ tư vấn giúp em. Em muốn sinh mổ tại Bệnh viện Quốc tế City, bác sĩ có thể tư vấn giúp em dịch vụ tốt nhất được không? (Trương Kim Hảo - Long Thành)
ThS-BS Trần Thị Kim Xuyến:
- Thai của em 32 tuần, nhưng bé cân nặng đến 3,5kg, khi 40 tuần, bé sẽ nặng từ 4-4,5kg và khả năng mổ lấy thai cao. Bé có nguy cơ bị béo phì và tiểu đường sau này. Em muốn sinh mổ tại Bệnh viện Quốc tế City, em nên đến khoa Sản của bệnh viện để được nhân viên tư vấn cụ thể hơn, để chọn dịch vụ phù hợp.
* Sau sinh bao lâu thì đặt vòng? (Dương Quỳnh Khanh - Gò Công)
ThS-BS Trần Thị Kim Xuyến:
- Sau sinh 3 tháng bạn có thể áp dụng được các biện pháp tránh thai như sau: Vòng tránh thai, thuốc uống tránh thai dành cho bà mẹ đang cho bé bú, cấy que tránh thai,... Bạn phải đến các trung tâm y tế hay bệnh viện để khám xem có đủ điều kiện đặt vòng hay không.
* Xin bác sĩ cho biết làm cách nào để phát hiện sớm trầm cảm sau sinh? (Đỗ Hạnh Hân - Trà Vinh)
ThS-BS Trần Thị Mai Thy:
- Theo Trung tâm Mayo Clinic, Hoa Kỳ, tất cả phụ nữ trong thai kỳ nên được tầm soát trầm cảm ít nhất một lần. Nên theo dõi sát trước và ngay sau sinh, đặc biệt khi tình trạng mệt mỏi, buồn phiền, lo lắng kéo dài quá hai tuần sau sinh. Khi đó, nên đưa sản phụ đến gặp bác sĩ.
Tại bệnh viện, các bà mẹ sẽ được sàng lọc bằng bộ câu hỏi và các xét nghiệm cần thiết khác.
* Em sắp đến ngày sinh, bác sĩ chỉ định mổ, chồng em muốn vào phòng mổ chung nhưng các bệnh viện đều không có dịch vụ này. Nếu em sinh mổ ở Bệnh viện Quốc tế City thì chồng em có thể vào không? (Thủy Trang - Đà Nẵng)
ThS-BS Trần Thị Kim Xuyến:
- Tại Bệnh viện Quốc tế City hiện có dịch vụ cho phép chồng vào phòng mổ cùng với vợ (trong trường hợp vợ được gây tê) để trò chuyện, động viên giúp sản phụ đỡ căng thẳng, lo lắng trong khi bác sĩ thực hiện phẫu thuật. Sau khi bắt bé ra, bé được da kề da với mẹ. Nếu trường hợp mẹ mệt, bé sẽ được da kề da với bố tại phòng chăm sóc sơ sinh.
* Tại Bệnh viện Quốc tế City, có những phương tiện gì để giúp chẩn đoán và điều trị bệnh trầm cảm sau sinh? (Lê Thanh - Thanh Hóa)
ThS-BS Trần Thị Mai Thy:
- Tại Bệnh viện Quốc tế City, bác sĩ sẽ:
- Thực hiện bộ câu hỏi sàng lọc theo các tiêu chuẩn của DSM 5.
- Xét nghiệm máu kiểm tra hoocmon tuyến giáp.
- Một số các xét nghiệm khác để tầm soát các bệnh lý đi kèm tùy từng trường hợp cụ thể (chụp cộng hưởng từ não nếu có tình trạng đau đầu nhiều đi kèm...).
* Tại sao bé bú mẹ thường lên cân ít hơn bé bú sữa ngoài thưa bác sĩ? (Trần Thu Nguyệt - Quảng Trị)
ThS-BS Trần Thị Mai Thy:
- Quan niệm này chưa đúng. Tùy thuộc vào sự hấp thu chất dinh dưỡng của mỗi bé và nguồn dinh dưỡng có trong sữa mẹ. Cần lưu ý, nếu bé bú sữa mẹ, do trong sữa mẹ có kháng thể nên sẽ giúp bé tăng cường sức đề kháng, ít bệnh tật.
* Bé nhà em có cơ địa dị ứng, lâu lâu ăn trứng, tôm là bị ói và tiêu chảy, vậy có nên cho bé ngưng không ăn luôn không hay tập bé ăn như thế nào để có thể quen dần với những thực phẩm bổ dưỡng này? (Nguyễn Thị Hồng Lê - Cà Mau)
ThS-BS Trần Thị Mai Thy:
- Nếu bé có cơ địa dị ứng như vậy, chỉ nên tập cho bé quen dần với những thực phẩm này sau 12 tháng. Lưu ý, nên bắt đầu với những thực phẩm ít dị ứng hơn và với 1 lượng rất nhỏ tăng dần.
* Thưa bác sĩ. Tại sao tôi bị tiền sản giật, phải cho sinh sớm. Nhưng khi vừa sinh xong, huyết áp trở lại bình thường? Còn những người bị tiểu đường thai kỳ, sau khi sinh xong có trở lại bình thường không ạ? (Lê Thị Bích Liên - Hà Nội)
ThS-BS Trần Thị Kim Xuyến:
- Khi bị tiền sản giật, bạn được bác sĩ chỉ định chấm dứt thai kỳ hay bạn bị sinh non? Thông thường, khi bị tiền sản giật nặng hay sản giật mà không đáp ứng với điều trị nội khoa, bác sĩ chỉ định chấm dứt thai kỳ để tránh nguy hiểm đến tính mạng của người mẹ như xuất huyết não, hôn mê, co giật,... và sau khi chấm dứt thai kỳ, huyết áp sẽ trở về bình thường.
Đối với thai phụ bị tiểu đường thai kỳ, nếu có đáp ứng với chế độ dinh dưỡng thì đa phần đường huyết sẽ ổn định sau khi sinh. Vì vậy bạn phải đi tái khám sau sinh 6 tuần để thử lại đường huyết.
* Thưa bác sĩ, tôi đang mang thai gần 5 tháng, được chỉ định siêu âm 4D. Nhưng do thiếu ối, hình chụp không rõ ràng, tôi có thể làm siêu âm 4D lại không sau khi về uống thêm nhiều nước? (Bùi Ngọc Minh Châu - TP.HCM)
ThS-BS Trần Thị Kim Xuyến:
- Siêu âm 4D dùng để khảo sát hình thái học thai nhi, tìm các bất thường về não, tim, thận, dạ dày, ruột,... nhưng thiểu ối thì không đủ khoảng trống để các bác sĩ siêu âm khó khảo sát được hêt tất cả những bất thường và bác sĩ siêu âm sẽ hẹn bạn làm lại.
* Vợ tôi sinh con được 2 tuần, tuần đầu tiên vẫn hỏi han, cho con bú bình thường, nhưng từ đầu tuần này tự nhiên lại không ngó ngàng gì đến con. Bà ngoại đưa bé cho bú thì vợ thôi đẩy cháu ra suýt ngã cả hai bà cháu. Khi tôi hỏi thì cứ ngồi khóc, mặc dù tôi vẫn chăm lo từ khi vợ tôi mang thai đến bây giờ, liệu vợ tôi có bị trầm cảm sau sinh không? Bé đầu tiên vợ tôi không bị như vậy. (Nguyễn Văn Nam - Long An)
ThS-BS Trần Thị Mai Thy:
- Tình trạng của vợ anh nên được theo dõi sát. Nếu tình trạng vẫn tiếp tục kéo dài sau 2 tuần nên đưa vợ đến bác sĩ khám và tư vấn. Trầm cảm sau sinh có thể xảy ra ngay cả khi thai kỳ đầu bình thường.
Lưu ý: nếu vợ anh có hành vi làm hại bản thân hoặc làm hại đến bé, phải đưa đến bệnh viện khám ngay vì đây là tình trạng khẩn cấp cần được chữa trị sớm.
* Bác sĩ ơi bạn em có nói là ai bị trầm cảm sau sinh ăn thật nhiều rau muống và trứng gà sẽ hết. Em muốn hỏi bác sĩ là chữa bệnh theo phương pháp đó có hiệu quả hay không? Bác sĩ có thể tư vấn cho em một số phương pháp chữa trầm cảm sau sinh tại nhà ạ. (Tiêu Lộc Anh - Bình Dương)
ThS-BS Trần Thị Mai Thy:
- Rau muống và trứng gà tuy là thức ăn bổ dưỡng nhưng chưa được nghiên cứu như là một phương pháp điều trị trầm cảm.
Bạn nên đưa người thân đến khám để bác sĩ xác định chính xác giai đoạn của bệnh mà có chế độ điều trị thích hợp.
Nếu chỉ là những thay đổi tâm lý sau sinh, bạn có thể cải thiện bằng cách:
- Hạn chế tối đa những mệt mỏi về thể chất cho bà mẹ: tạo điều kiện ngủ đủ giấc, khuyến khích tập thể dục.
- Hạn chế những mệt mỏi về tinh thần: nên ở chung với mẹ đẻ, tránh lo lắng về kinh tế...
* Tôi bị đầu ti ngắn (không phải thụt vào). Khi sanh bé đầu do thiếu kinh nghiệm nên rất vất vả khi cho bé bú dù đã làm nhiều cách. Cuối cùng đành cho bé bú ngoài. Vì vậy tôi rất buồn dẫn tới trầm cảm mấy tháng đầu. May mắn gặp bác sĩ tâm lý nên vượt qua. Lần này tôi có bầu bé thứ 2 nhưng vẫn ám ảnh chuyện cũ. Xin bác sĩ cho tôi lời khuyên để giải quyết vấn đề này. Tôi xin chân thành cảm ơn. Chúc bác sĩ nhiều sức khỏe. (Lâm Thị Yến - TP.HCM)
ThS-BS Trần Thị Mai Thy:
- Bú mẹ là rất tốt nhưng không phải là tất cả. Rất may mắn, hiện nay có nhiều loại sữa dành cho bé đầy đủ chất dinh dưỡng.
Bạn cảm thấy ám ảnh về chuyện cũ cũng cho thấy bạn có tình trạng lo lắng. Nên tiếp tục theo dõi thường xuyên tại bác sĩ tâm lý của bạn để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
* Bác Xuyến ơi! Con bị tiền sản giật, sinh con lúc 36 tuần, bé được 3kg. Về 2 ngày đi khám lại thì bé bị vàng da, chiếu đèn hết 3 ngày. Vì vậy, con rất sợ và cố gắng phơi nắng em bé thường xuyên. Nay bé đã được đúng 1 tháng tuổi. Nhưng mùa này phơi được 1 ngày phải nghỉ 2-3 ngày vì mưa, không có nắng. Không biết có sao không, có phải bổ sung vitamin D không? Nghe vitamin D cũng sợ vì trước đây có đọc tin thấy bé sơ sinh bị ngộ độc chết. Giờ phải làm sao thưa bác? (Trương Thị Kim Bích - Quảng Bình)
ThS-BS Trần Thị Kim Xuyến:
- Vàng da ở trẻ sơ sinh là hiện tượng sinh lý và sẽ xuất hiện 2 ngày sau sinh. Thường sẽ hết trong vòng 1 tuần đối với trẻ đủ tháng và 2 tuần đối với trẻ non tháng. Con em sinh khi thai được 36 tuần tuổi, nên sẽ bị vàng da. Thông thường rọi đèn sau 3 ngày sẽ hết. Hiện tại con em có bị vàng da không? Nếu không, em vẫn phải cho trẻ tắm nắng mỗi buổi sáng.
Vitamin D rất quan trọng đối với sơ sinh và trẻ nhỏ, giúp tăng cường khả năng hấp thu canxi và photphat ở đường ruột, giúp hình thành hệ xương và răng vững chắc. Nếu trẻ ngủ không ngon giấc, đổ mồ hôi nhiều ở đầu và cổ khi ngủ, rụng tóc sau gáy hình vành khăn (chiếu liếm) dấu hiệu sớm của thiếu vitamin D. Nếu trẻ bị còi xương, răng mọc chậm sau 6 tháng, chậm liền thớp là dấu hiệu muộn, bạn nên đến gặp bác sĩ nhi để có lời khuyên và kê toa vitamin D phù hợp.
* Bác sĩ ơi! Tôi đang ở thai kỳ thứ 6, không hiểu sao dạo gần đây tôi nằm ngủ hay thấy ác mộng, kiểu như bị rơi từ trên lầu xuống đất, bị rượt đuổi mà chạy không được,… Ngủ đã không ngon mà còn thấy ác mộng nên tôi rất mệt mỏi. Làm sao có thể cải thiện tình trạng này? (Võ Thị Kim Châu - Tây Ninh)
ThS-BS Trần Thị Mai Thy:
- Ở những tháng cuối của thai kỳ, cơ thể người mẹ có nhiều thay đổi về nội tiết tố cũng như cấu tạo về cơ thể học là ảnh hưởng đến sức khỏe. Rối loạn giấc ngủ như tình trạng của bạn là một trong những hậu quả của tình trạng này. Bạn nên chọn những bài tập thể dục phù hợp với độ tuổi của thai, dinh dưỡng hợp lý. Cần lưu ý theo dõi một số triệu chứng khác như: cảm thấy chán nản, không hứng thú với những sở thích trước đây, dễ cáu gắt... Nếu có những triệu chứng này, bạn nên hẹn gặp bác sĩ để được tư vấn thêm.
* Hiện nay đang có thông tin cúm ảnh hưởng nhiều đến phụ nữ mang thai, em đang có thai ở tháng thứ 5 thì có chích ngừa cúm được không? (Hoàng Thị Thảo Sương - TP.HCM)
ThS-BS Trần Thị Kim Xuyến:
- Thai phụ nhiễm cúm khi mang thai 3 tháng đầu dễ bị sảy thai, thai chết lưu, thai dị tật (sứt môi, hở hàm ếch, đục thủy tinh thể,...). Vì vậy, trước khi có thai, thai phụ nên chủng ngừa Rubella và khi có thai nhất là vào mùa cao điểm nhiễm cúm từ tháng 10 đến tháng 5 sang năm. Nên chủng ngừa cúm ở trung tâm y tế dự phòng hoặc bệnh viện.
* Bác sĩ ơi! Mới đây em đọc báo Phụ Nữ Online có bài viết về một phụ nữ mang thai 7 tháng tuổi nhảy sông tự tử vừa thương vừa thông cảm. Bởi trước đây em cũng trải qua giai đoạn có bầu, sức khỏe không tốt phải nằm nhà. Đi làm quen, nằm nhà không lương mà nhận tiền chồng thì thật là khủng khiếp. May là em không sống chung với nhà chồng nên cuối cùng đã vượt qua. Chứng trầm cảm này làm sao bản thân người bị có thể hiểu và vượt qua được thưa bác sĩ? (Lê Thị Hồng Liên - Đà Nẵng)
ThS-BS Trần Thị Mai Thy:
- Trầm cảm sau sinh thường gặp sau khi sinh bé nhưng cũng có thể xảy ra ở những tháng cuối của thai kỳ.
Ở giai đoạn nhẹ, bản thân người bệnh có thể tự nhận biết được những triệu chứng (hay buồn phiền, hay khóc, lo lắng, mất ngủ hoặc ngủ nhiều...) kéo dài hơn 2 tuần sau sinh. Tình trạng này bản thân người bệnh có thể tự vượt qua được bằng cách giảm thiểu các mệt mỏi bằng thể chất, tinh thần.
Ở giai đoạn nặng hơn, với các triệu chứng nghiêm trọng hơn như tự làm hại bản thân hoặc làm hại đến em bé. Lúc này gia đình và quan trọng là người chồng phải theo dõi sát và đưa đến bệnh viện khám ngay. Ở giai đoạn này phải cần có sự hỗ trợ của các phương pháp điều trị chuyên biệt.
* Vợ tôi mang thai được 8 tháng, những tháng trước siêu âm, xét nghiệm thai nhi bình thường, nhưng 2 lần gần đây bác sĩ nói bé bị suy dinh dưỡng độ 2, vợ tôi ăn uống đầy đủ, uống sữa bầu đều đặn, vợ lên được 7 ký khi mang thai nhưng vì sao thai nhi vẫn bị suy dinh dưỡng, liệu vợ tôi có bị sinh non không, làm thế nào để bé có thể khỏe mạnh? Tôi cảm ơn bác sĩ. (Ngô Tiến Mạnh - Bình Dương)
ThS-BS Trần Thị Kim Xuyến:
- Thai nhi bị suy dinh dưỡng trong tử cung một phần do chế độ dinh dưỡng của người mẹ, những người mẹ ăn nhiều nhưng không đa dạng các loại thực phẩm, dẫn tới thai nhi thiếu đa vi chất nên chậm phát triển, phần khác do sự hấp thu kém dinh dưỡng của thai nhi từ mẹ. Có thể là do bánh nhau nhỏ, cuống rốn nhỏ, thai nhi không hấp thu được dinh dưỡng từ mẹ nên ảnh hưởng đến sự phát triển của thai. Bà mẹ cần điều tiết lại chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý như ăn đủ chất đa dạng các loại thực phẩm và protein, các loại hạt,... chia nhỏ 4-6 bữa ăn trong 1 ngày để đảm bảo thai nhi nhận đủ dinh dưỡng.
Báo Phụ Nữ
Ảnh: Phùng Huy
Chia sẻ bài viết: |
Nám má một vấn đề rất thường gặp ở phụ nữ châu Á, tuy không ảnh hưởng về mặt sức khỏe, nhưng lại có tác động rất lớn về mặt thẩm mỹ gây mất tự tin cho người mắc tình trạng này.
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, bệnh tay chân miệng đang vào mùa, số ca bệnh trong tháng 9 tăng gấp đôi tháng 8.
Ai trong chúng ta cũng muốn sở hữu một làn da mịn màng, không tì vết, nhưng nếu lỡ bạn bị một vấn đề nào đó thì có nguy cơ sẽ để lại sẹo. Khi đó, làm thế nào để hạn chế tình trạng sẹo xấu?
Là phụ nữ, ai cũng mơ ước sở hữu một gương mặt mộc với làn da đẹp không tỳ vết. Muốn có làn da đẹp, khỏe khoắn, mịn màng chúng ta cần biết chăm sóc da mặt đúng cách và khoa học.
Việt Nam có khoảng 3 triệu trẻ em độ tuổi từ 0 - 15 mắc các tật khúc xạ phải đeo kính.
Dưới tác động của ánh nắng mặt trời, làn da dễ bị tổn thương dẫn đến nhiều vấn đề về da. Ngoài tránh nắng và sử dụng biện pháp che chắn như nón rộng vành, áo khoác, kính mát… thì sử dụng kem chống nắng rất quan trọng.
Suy giãn tĩnh mạch chi dưới còn gọi là suy giãn tĩnh mạch chân. Đây là bệnh rất thường gặp, xảy ra ở khoảng 10 - 35 % người lớn.
Từ 14g ngày 22/3/2019, báo Phụ Nữ TP.HCM tổ chức buổi giao lưu trực tuyến “Vitamin E – Công dụng diệu kỳ” với sự tham gia của bác sĩ Phương Mai – Chuyên khoa 2 Da liễu – Bệnh viện Da liễu TP.HCM.
Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về các bệnh răng miệng, Báo Phụ Nữ TP.HCM tổ chức buổi giao lưu trực tuyến “Làm sao để hơi thở thơm tho?”, từ 9g sáng ngày 7/12.
Nhiều bệnh nhân sau khi điều trị, tình trạng viêm dạ dày vẫn tái phát. Để giúp bạn đọc hiểu rõ về bệnh viêm dạ dày, cách chữa dứt điểm, Báo Phụ Nữ TP.HCM tổ chức buổi giao lưu trực tuyến “Viêm dạ dày chữa hoài không dứt?”.
Để giúp du khách tìm hiểu về visa đi Mỹ cùng tỷ lệ đậu cao, báo Phụ Nữ phối hợp cùng Công ty Du lịch Tugo tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề “Các bước xin visa Mỹ” vào lúc 9g00, thứ Năm ngày 25/10/2018.
9g sáng nay, 12/10, Báo Phụ Nữ TP.HCM phối hợp Bộ Y tế tổ chức giao lưu trực tuyến “Để mô hình bác sĩ gia đình phát huy hiệu quả tại y tế cơ sở”.
Để giúp các bà mẹ phòng tránh và chăm sóc trẻ bị tay chân miệng, Báo Phụ Nữ tổ chức buổi giao lưu trực tuyến “Bệnh tay chân miệng tăng nhanh, có gì bất thường?” vào lúc 9 giờ hôm nay, ngày 11/10.
Báo Phụ Nữ TP.HCM phối hợp cùng với nhãn hàng sữa dê công thức DG tổ chức buổi giao lưu trực tuyến “Duy trì nhịp sinh lý cho bé khi sử dụng sữa công thức” vào lúc 9g00 ngày 25/9.
Báo Phụ Nữ phối hợp với nhãn hàng kẹo dẻo dinh dưỡng PNKids tổ chức buổi giao lưu trực tuyến lúc 14g00 ngày 12/9, với sự tư vấn của bác sĩ CKII Nguyễn Thị Thu Hậu - Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi Đồng 2.
Buổi giao lưu trực tuyến chủ đề "Tiêu chuẩn cái đẹp trong phẫu thuật thẩm mỹ" diễn ra từ lúc 9g ngày 24/8 tại Báo Phụ Nữ.
Ở phụ nữ 25 tuổi, trán và mi dưới xuất hiện nếp nhăn đầu tiên. Bước sang tuổi 30 tuổi xuất hiện vết chân chim ở đuôi mắt, 40 tuổi nếp nhăn thường trực ở trước tai và ngấn cổ nổi rõ…
Du lịch châu Âu chưa bao giờ dễ dàng và tiện lợi như hiện nay. Cảnh đẹp thơ mộng, những tòa nhà cổ kính, xen kẽ những nét huyền bí khiến ai cũng bị mê hoặc khi đặt chân đến châu Âu, nhất là vào mùa thu.