Việt Nam có khoảng 3 triệu trẻ em độ tuổi từ 0 - 15 mắc các tật khúc xạ phải đeo kính.
Một nghiên cứu của Đại học Y Hà Nội khảo sát 250 bệnh nhân từ 5 - 18 tuổi cũng cho thấy, tỷ lệ xuất hiện tật cận thị cao nhất là ở học sinh tiểu học, chiếm 55,2%.
Ngoài nguyên nhân di truyền như có hơn 24 gen có liên quan đến việc tăng nguy cơ phát triển cận thị thì phần lớn trẻ em Việt Nam bị suy giảm thị lực do ngồi sai tư thế khi học, học tập cường độ cao, dùng thiết bị điện tử quá nhiều và không có thói quen khám mắt định kỳ.
Để giúp các bậc cha mẹ hiểu rõ hơn về các tật khúc xạ ở mắt, lúc 9g sáng 30/8 (thứ Sáu), Báo điện tử Phụ Nữ TP.HCM - http://www.phunuonline.com.vn tổ chức buổi giao lưu trực tuyến: “Chăm sóc mắt ở lứa tuổi học đường” với sự tư vấn của ThS.BS Tăng Ngọc Anh - Khoa Mắt, Bệnh viện quận Thủ Đức TP.HCM.
Mời bạn đọc tham gia đặt câu hỏi tại đây
Nội dung giao lưu
Bà Tạ Thị Nam Hồng, Phó Tổng biên tập Báo Phụ Nữ TP.HCM tặng hoa cho ThS.BS Tăng Ngọc Anh - khoa Mắt, Bệnh viện quận Thủ Đức. |
* Thưa bác sĩ, bé trai của em năm nay 14 tuổi. Cháu bị cận thị từ năm 10 tuổi. Đầu tháng 8 cháu có đi khám lại thì bác sĩ nói mắt phải giữ nguyên độ cũ là 3.0, nhưng mắt trái giảm độ cận 0.25 còn 2.5, tăng 1.0 loạn.
1/ Xin BS đánh giá về mức độ phát triển độ cận của cháu?
2/ Tại sao lại phát sinh thêm độ loạn? Em năm nay 40 tuổi bị cận từ 12 tuổi, mới đo độ cũng phát hiện mắt trái 1.0 độ loạn là sao ạ?
3/ Khi đủ tuổi có nên cho cháu phẫu thuật để bỏ đeo kính. Việc phẫu thuật này có ảnh hưởng đến thị lực khi về già không ạ?
Em cám ơn bác sĩ. (Đặng Thi Nhân, TP.HCM)
- ThS.BS Tăng Ngọc Anh:
Chào chị. Bé mới 14 tuổi là lứa tuổi vẫn còn tăng độ khúc xạ. Thông thường, phải đến 18 tuổi độ cận mới ổn định.
Loạn thị cũng là một loại tật khúc xạ. Hiện nay, việc sử dụng các thiết bị điện tử như tivi, điện thoại, máy vi tính nhiều có thể làm phát sinh độ loạn thị. Bất kỳ 1 tật khúc xạ nào cũng cần được đo và chỉnh kính thích hợp. Ở lứa tuổi của bé, với độ cận và loạn như vậy, chị nên cho bé mang kính thường xuyên và kiểm tra khoảng 6 tháng 1 lần.
Phẫu thuật khúc xạ được thực hiện cho người từ 18 tuổi, thực chất là 1 hình thức khác của việc mang kính. Sau khi phẫu thuật, mắt không cần mang kính vẫn có thể đạt thị lực tối đa như lúc chỉnh kính. Tuy nhiên, mắt cận thị vẫn là mắt cận thị, nếu có những tổn thương ở đáy mắt do cận thị gây nên thì phẫu thuật không giải quyết được. Việc phẫu thuật này không ảnh hưởng đến thị lực về già.
* Con trai tôi hiện học lớp 3 và cận 4,5 diop. Tôi muốn sử dụng kính áp tròng ban đêm để cháu không phải đeo kính đi học, vì cháu rất hiếu động, thường xuyên làm vỡ kính. Nhưng gia đình tôi phản đối vì nghe nhiều thông tin, loại kính này có thể gây xước giác mạc nếu sử dụng lâu dài. Xin bác sĩ cho hỏi điều đó có đúng không? Trường hợp của con tôi có thể sử dụng phương pháp này? (Triệu Minh, Đống Đa, Hà Nội)
- ThS.BS Tăng Ngọc Anh:
Chào chị. Phương pháp mà chị nói là phương pháp ortho-K, sử dụng kính áp tròng cứng mang vào ban đêm khi ngủ để điều chỉnh giác mạc, giúp người mang đạt thị lực tối đa mà không cần phải mang kính vào ban ngày, đồng thời cũng hạn chế được việc tăng độ cận ở trẻ em.
Đây là phương pháp hiện đại với chất liệu kính áp tròng đặc biệt, thấm khí và khi điều trị bằng phương pháp này, người bệnh sẽ được hướng dẫn chi tiết về cách mang, tháo kính và chăm sóc mắt, được khám định kỳ nên việc xảy ra các biến chứng là rất hiếm.
Trường hợp của con chị có thể sử dụng phương pháp này vì bé hiếu động, nên việc mang kính gọng cũng có thể ảnh hưởng khi bé vui chơi, chạy nhảy làm vỡ kính, mà ở tuổi bé thì chưa được chỉ định phẫu thuật khúc xạ nên dùng phương pháp ortho-K là rất hợp lý.
Bác sĩ Bệnh viện quận Thủ Đức điều trị bệnh về mắt cho bệnh nhân. Nguồn: Bệnh viện quận Thủ Đức |
* Thưa bác sĩ, hiện nay, có rất nhiều loại bàn ghế quảng cáo có thể giúp trẻ chống gù, chống cận có giá gần tới 20 triệu đồng. Gia đình tôi rất băn khoăn không biết nên đầu tư cho con hay không, hoặc có thể dùng bàn ghế thường và giá chống cận bán ở các hiệu sách hiện nay? Mong bác sĩ tư vấn? (Chị Thu Hà, Hà Đông, Hà Nội)
- ThS.BS Tăng Ngọc Anh:
Chào chị. Đối với trẻ em, việc ngồi sai tư thế khi học tập là một trong những yếu tố gây tật khúc xạ và gù lưng. Do đó, cần hướng dẫn trẻ ngồi đúng tư thế khi học như ngồi thẳng lưng, không cúi sát vào tập, khoảng cách từ mắt đến tập ít nhất là 30cm, ánh sáng trong phòng phải đầy đủ, không quá sáng cũng không quá tối... là những cách giúp hạn chế phát triển tật khúc xạ và gù lưng.
Chị có thể sử dụng bàn ghế thường và hướng dẫn bé chăm sóc mắt đúng, cũng nhưng không cho bé mang vác vật nặng nghiêng về một phía mà sử dụng ba lô, có thể giúp bé hạn chế tật khúc xạ và gù lưng.
* Chào bác sĩ. Con trai tôi 5 tuổi, vừa qua cháu có hiện tượng nheo mắt khi nhìn vật xa hoặc ti vi. Sau khi đi khám và tái khám tại bệnh viện, bác sĩ kết luận con chỉ bị cận thị giả. Xin hỏi bác sĩ, với bệnh này, khả năng cận thị rất cao phải không? Tôi có thể bổ sung thêm các thuốc chứa vitamin cho con không? (Chị Nguyễn Thủy, TP. Hải Phòng)
- ThS.BS Tăng Ngọc Anh:
Chào chị.
Cận thị giả là hiện tượng mắt bị rối loạn điều tiết do học tập hay làm việc nhìn gần trong thời gian dài mà không cho mắt nghỉ ngơi hợp lý, gây ra mỏi mệt cho mắt. Do đó, cháu có hiện tượng nheo mắt khi nhìn vật ở xa hoặc ti vi.
Nếu phát hiện sớm và thay đổi thói quen sinh hoạt, học tập như khi làm việc phải nhìn gần trong thời gian dài thì cần cho mắt nghỉ ngơi hợp lý. Chị có thể sử dụng quy tắc 20-20-20 là làm việc nhìn gần 20 phút thì nhắm mắt nghỉ ngơi 20 giây hoặc nhìn xa 20feet (6m).
Song song đó, chị cho cháu tăng cường các hoạt động ngoài trời, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng như acid béo, vitamin A, D, E thông qua việc ăn uống có thể giúp bé điều chỉnh các rối loạn điều tiết này.
Nếu phát hiện muộn và tiếp tục thói quen sinh hoạt không đúng cách, mắt bé có khả năng phát triển thành cận thị. Chúc bé có đôi mắt khỏe.
ThS.BS Tăng Ngọc Anh - Bệnh viện quận Thủ Đức trả lời giao lưu trực tuyến Chăm sóc mắt ở lứa tuổi học đường |
* Chào bác sĩ. Em học bài nhiều hay bị mờ mắt, khi sử dụng thuốc nhỏ mắt thì thấy đỡ, em có nên dùng thuốc nhỏ (loại nước mắt nhân tạo) thường xuyên không? (Hoàng Ngọc Bửu, Đồng Nai)
- ThS.BS Tăng Ngọc Anh:
Chào em.
Nước mắt nhân tạo có thành phần gần giống với nước mắt tự nhiên, thường được sử dụng trong hỗ trợ điều trị khô mắt. Nếu em có các triệu chứng đỏ mắt, cộm xốn, ngứa mắt thì có thể sử dụng nước mắt nhân tạo. Tuy nhiên, khi học bài nhiều, hay bị mờ mắt, em nên đi khám và kiểm tra khúc xạ xem có tật khúc xạ cần chỉnh kính không hay có bệnh lý khác gây mờ mắt?
Bên cạnh đó, khi học bài nhiều hay làm các việc nhìn gần nhiều, em nên cho mắt nghỉ ngơi hợp lý sau mỗi 20 phút làm việc: nhắm mắt nghỉ ngơi khoảng 20 giây hoặc nhìn xa khoảng 6m để mắt được thư giãn, đồng thời cần chớp mắt thường xuyên khi làm việc giúp nước mắt được tiết ra, không gây khô mắt.
* Chào bác sĩ. Cháu gái tôi 7 tuổi, rất ngoan và chăm học. Ở nhà, cháu xem ti vi rất ít, không dùng điện thoại di động, lúc đọc sách thì ngồi bàn học đàng hoàng, nhưng đến năm lớp 3 thì học hành bị giảm sút, phát hiện ra là bé nói không nhìn thấy gì trên bảng, đi khám thì cháu đã cận nặng và phải đeo kính đến bây giờ. Chúng tôi thật sự không biết nguyên nhân vì sao? Xin bác sĩ tư vấn. (Võ Thị Hoàng Kim, quận Gò Vấp, TP.HCM)
- ThS.BS Tăng Ngọc Anh:
Chào chị.
Nguyên nhân của cận thị vẫn chưa được hiểu rõ và đầy đủ. Các yếu tố như: hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử, ngồi học đúng tư thế... chỉ là những yếu tố nguy cơ của cận thị. Bên cạnh đó, vẫn có những yếu tố khác ảnh hưởng đến cận thị như di truyền, trục nhãn cầu dài, giác mạc quá cong...
Có thể bé nhà chị đã bị cận thị từ lâu nhưng do độ cận nhẹ, nếu không để ý kỹ thì không phát hiện được, đến lúc bé nhìn mờ nhiều, học hành giảm sút, đi khám thì độ cận đã nặng.
Do đó, đối với trẻ em, khám sàng lọc thị lực là rất quan trọng để phát hiện sớm tật khúc xạ. Cha mẹ nên đưa bé đi khám mắt mỗi 6 tháng 1 lần, kể cả khi mắt bình thường khỏe mạnh, chứ không chờ đến có biểu hiện gì mới khám.
Giao lưu trực tuyến Chăm sóc mắt ở lứa tuổi học đường |
* Em đang học lớp 10 và bị cận từ năm lớp 6, độ cận là 4 độ và bị loạn thị nhẹ, mắt em hơi bị lồi. Như vậy có thể chữa trị bằng phẫu thuật được không? Phương pháp nào là tốt nhất, thời gian nghỉ phải bao lâu mới lành? (Vũ Tố Quyên, Long An)
- ThS.BS Tăng Ngọc Anh:
Chào em.
Phẫu thuật khúc xạ có thể thực hiện được hay không không chỉ phụ thuộc vào độ khúc xạ mà còn có nhiều yếu tố khác như tuổi, độ dày giác mạc, tình trạng viêm nhiễm của mắt ảnh hưởng... Sau khi phẫu thuật, sẽ không cần mang kính vẫn có thể nhìn thấy rõ.
Tuy nhiên, phẫu thuật này không giải quyết được việc mắt bị lồi khi bị cận thị vì trục nhãn cầu dài ra, nên trông mắt sẽ hơi lồi, tùy theo độ cận mà mắt lồi nhiều hay ít.
Hiện nay có 3 phương pháp chính để phẫu thuật khúc xạ: lasik, femto lasik, smile. Mỗi phương pháp sẽ có ưu và khuyết điểm riêng và tùy theo từng cá nhân cụ thể mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp phù hợp nhất.
Nếu muốn phẫu thuật khúc xạ, trước tiên em cần phải đủ 18 tuổi vì ở tuổi này, độ cận thường ổn định để có thể thực hiện phẫu thuật; đồng thời em nên đến bệnh viện để được bác sĩ khám và chỉ định các xét nghiệm cần thiết xem có đủ điều kiện để phẫu thuật hay không.
* Tôi được giới thiệu một trung tâm có khả năng điều trị cận cho con gái bằng phương pháp Yoga. Có rất nhiều người khẳng định đã khỏi khi tập tại đây. Không biết các bác sĩ đã ghi nhận ca nào thành công như vậy chưa? (Tất Thắng, Gia Lâm, Hà Nội)
- ThS.BS Tăng Ngọc Anh:
Chào anh.
Hiện tại, chưa có kết luận nào khẳng định tập Yoga có thể điều trị cận thị. Cận thị xảy ra khi có sự không cân xứng giữa trục nhãn cầu và độ hội tụ của mắt. Tập Yoga có thể giúp các cơ quanh mắt thư giãn, giúp ích trong các trường hợp có rối loạn điều tiết, nhưng không điều chỉnh được trục nhãn cầu. Do đó không thể chữa được cận thị.
Trong các trường hợp bị cận thị, ngoài việc chỉnh kính thì thay đổi thói quen sinh hoạt, học tập có thể giúp ích trong việc hạn chế tăng độ cận, bên cạnh đó, anh cũng có thể cho bé tập Yoga để thư giãn, nghỉ ngơi sau 1 ngày học tập. Tuy nhiên tập Yoga không thể thay thế việc chỉnh kính và mang kính thích hợp.
Bác sĩ Bệnh viện quận Thủ Đức điều trị bệnh về mắt cho bệnh nhân. Nguồn: Bệnh viện quận Thủ Đức |
* Thưa bác sĩ. Con trai 15 tuổi của tôi có tật rất lạ: khi học bài hay xem tivi, cháu đều ngồi thật sát, mắt nheo lại, trán cau hằn cả dấu. Liệu cháu có bị cận không? Tôi chưa đưa con đi khám mà đang cho cháu ăn đu đủ mỗi ngày, vì nghe nói loại trái cây này tốt cho mắt. (Chị Lê Thiên Thanh, 45 tuổi, ở Bình Dương)
- ThS.BS Tăng Ngọc Anh:
Chào chị. Theo các dấu hiệu như chị kể thì có thể bé bị rối loạn điều tiết hoặc cũng có thể bị tật khúc xạ. Chị nên đưa bé đi khám, kiểm tra khúc xạ để xác định và điều trị kịp thời.
Trong đu đủ có chứa nhiều vitamin A, là một chất cần thiết cho mắt. Việc bổ sung chất này là hợp lý, tuy nhiên, không thể điều trị cận thị chỉ bằng việc cung cấp vitamin A. Nếu bé bị cận thì cần được mang kính đúng độ sớm để có thể nhìn rõ, không ảnh hưởng đến việc học tập và sinh hoạt của bé.
* Bác sĩ ơi. Con tôi mới 7 tuổi mà sao cứ đến chập choạng tối là cháu nhìn không rõ, cứ nhầm cái này với cái kia. Tôi nghe nói đó là bệnh quáng gà, có đúng không ạ? Tôi phải cho cháu khám mắt ở đâu, ăn uống ra sao để cải thiện thị lực? (Chị Phạm Thị Ngọc Mai, 37 tuổi, ở Tân An, Long An)
- ThS.BS Tăng Ngọc Anh:
Chào chị. Bé nhìn mờ khi chập choạng tối có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh mắt như quáng gà, tật khúc xạ... Do đó, chị cần đưa bé đến khám tại bác sĩ chuyên khoa mắt để phát hiện và điều trị kịp thời.
Bên cạnh đó, chị có thể bổ sung các dưỡng chất cần thiết cho mắt như vitamin A, D, E, các acid béo, sắt... thông qua việc ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, ăn nhiều rau xanh, trái cây, các loại hạt, cá, sữa,...
ThS.BS Tăng Ngọc Anh - Bệnh viện quận Thủ Đức trả lời giao lưu trực tuyến Chăm sóc mắt ở lứa tuổi học đường |
* Học sinh bây giờ học tập rất nhiều, với cường độ cao như vậy thì cha mẹ nên cho bé nghỉ ngơi, chăm sóc như thế nào để có đôi mắt sáng khỏe, thưa bác sĩ? (Đặng Thị Hiệp, Trà Vinh)
- ThS.BS Tăng Ngọc Anh:
Chào chị. Chị có thể hướng dẫn cho bé nghỉ ngơi và chăm sóc mắt như sau:
- Ánh sáng nơi bàn học hợp lý: không quá sáng, không quá tối. Nên sử dụng đèn bàn chiếu từ phía sau để không bị chói mắt quá.
- Ngồi đúng tư thế: ngồi thẳng lưng, không cúi sát đầu, khoảng cách từ mắt đến tập vở là 30cm. Bàn ghế cũng nên được thiết kế phù hợp vừa tầm với từng lứa tuổi để khi bé ngồi không quá thấp, cũng không quá cao so với bàn.
- Cho mắt nghỉ ngơi hợp lý khi làm việc nhìn gần nhiều: với mỗi 20 phút nhìn gần nên nhắm mắt nghỉ ngơi khoảng 20 giây, hoặc nhìn xa 6m.
- Tăng cường các hoạt động ngoài trời, đồng thời bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng có lợi cho mắt như acid béo, các vitamin A, D, E, sắt, canxi... thông qua chế độ ăn uống.
- Khám mắt định kỳ mỗi 6 tháng/lần kể cả khi không có triệu chứng gì ở mắt để kịp thời phát hiện các bệnh lý trên mắt.
* Thưa bác sĩ. Bệnh viên kết mạc lây qua những con đường nào, cần kiêng cữ những gì khi mắc bệnh? (Hoàng Lộc, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa)
- ThS.BS Tăng Ngọc Anh:
Chào anh.
Viêm kết mạc có nhiều thể như viêm kết mạc dị ứng, viêm kết mạc cấp... Thông thường, chúng ta hay gặp viêm kết mạc cấp hay dân gian thường gọi là đau mắt đỏ.
Bệnh này thường do virus gây nên và rất dễ lây qua đường hô hấp hay dịch tiết. Do đó, người bệnh cần mang khẩu trang, không sử dụng chung đồ dùng cá nhân, rửa tay sạch bằng xà phòng thường xuyên để hạn chế lây bệnh cho người xung quanh, đồng thời cần đi khám để được điều trị thích hợp, giúp bệnh nhanh khỏi và hạn chế các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra như viêm giác mạc, loét giác mạc.
* Chào bác sĩ. Thức khuya có gây ra các bệnh lý về mắt không? Cháu nhà em năm nay lên lớp 9, khối lượng bài vở nhiều nên cháu thường phải thức khuya. Em đang rất lo lắng về việc này nhưng chưa biết nói với con như thế nào. (Chị Trần Thị Phi Yến, Vũng Tàu)
- ThS.BS Tăng Ngọc Anh:
Trước tiên, thức khuya sẽ gây ra rối loạn điều tiết, làm cho mắt dễ mỏi mệt và nhìn mờ, nếu kéo dài thường xuyên, không chỉ ảnh hưởng đến mắt mà còn ảnh hưởng đến toàn cơ thể như bé dễ mỏi mệt, không thể tập trung học tập, làm việc vào ban ngày, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Chị nên khuyên bé cân đối thời gian học tập và nghỉ ngơi hợp lý, cố gắng hoàn thành bài tập sớm để nghỉ ngơi sớm. Bên cạnh đó, bé cần tham gia các hoạt động ngoài trời để thư giãn cũng sẽ giúp cho việc học tập được tốt hơn.
Bác sĩ Bệnh viện quận Thủ Đức điều trị bệnh về mắt cho bệnh nhân. Nguồn: Bệnh viện quận Thủ Đức |
* Thưa bác sĩ. Em nghe nói mắt chỉ có thể mổ được 1 lần thôi, nếu em mổ cận thị sau này bị viễn thị hay bị cườm thì làm sao mổ được nữa? Em rất muốn chữa hết cận, xin bác sĩ tư vấn giúp.(Lê Hồng Lạc, Bến Lức, Long An)
- ThS.BS Tăng Ngọc Anh:
Chào em.
Trên mắt có thể thực hiện nhiều phẫu thuật, tùy theo từng bệnh mà sẽ có phương pháp phù hợp. Ví dụ, 1 người trẻ có thể phẫu thuật cận thị bằng phương pháp lasik, nếu sau này lớn tuổi, bị đục thủy tinh thể thì có thể phẫu thuật Phaco để điều trị. Tuy nhiên, mỗi phẫu thuật đều có nguy cơ riêng, do đó, cần được cẩn trọng chỉ định.
Hiện tại, đối với cận thị, ngoài việc mang kính gọng, em có thể lựa chọn phẫu thuật khúc xạ, hoặc phương pháp mang kính áp tròng cứng ban đêm khi ngủ để điều trị cận thị. Em nên đến bệnh viện khám để được bác sĩ tư vấn và lựa chọn phương pháp phù hợp với mình.
* Thưa bác sĩ. Con tôi được 2 tuổi rưỡi, bé phải theo mẹ đi làm và học trường mẫu giáo bên cạnh chỗ làm của mẹ. Do đường đi xa, nên bé phải đeo mắt kính và khẩu trang. Do điều kiện kinh tế không cao, tôi không thể mua kính mát đắt tiền cho con. Vậy tôi nên chọn loại kính mát như thế nào để không hại mắt bé mà có giá thành mềm. Xin cám ơn bác sĩ. (Đỗ Ngọc Thiên Kim, quận 7, TP.HCM)
- ThS.BS Tăng Ngọc Anh:
Chào chị.
Kính mát chủ yếu là để che nắng, gió, bụi, bảo vệ mắt. Do đó, không cần phải sử dụng kính đắt tiền.
Nếu mục đích để che nắng là chủ yếu thì chị nên chọn các loại tròng kính có khả năng chống tia UV, thường là các dạng kính râm. Các thông số chống tia UV này khi chị mua kính, người bán kính sẽ tư vấn. Còn nếu chỉ với mục đích che gió, bụi, thì các loại tròng kính thông thường đều sử dụng được.
* Em đã được bác sĩ Tăng Ngọc Anh khám và đo mắt 1 lần, bác sĩ rất trẻ nhưng tận tình và dễ thương. Nay do chuyển nhà nên em ở rất xa Bệnh viện quận Thủ Đức, không gặp được bác sĩ Anh nữa. Bác sĩ cho em hỏi, em bị cận 8 độ, đã mổ nhưng sau đó gần 1 năm thì bị cận lại và phải đeo kính tiếp. Giờ em muốn mổ tiếp được không ạ? Cách chăm sóc mắt tiếp theo thì như thế nào ạ? (Mai Anh, Cà Mau)
- ThS.BS Tăng Ngọc Anh:
Chào bạn.
Phẫu thuật khúc xạ có thể thực hiện nhiều lần tùy theo độ cận, tình trạng giác mạc và phẫu thuật khúc xạ trước đó là phẫu thuật gì?
Trước tiên, bạn cần xem lại sau khi phẫu thuật lần trước, độ cận của bạn còn bao nhiêu, có ổn định hay không; đồng thời bạn cũng nên đến bệnh viện khám để được bác sĩ đo độ dày giác mạc xem có đủ để thực hiện tiếp phẫu thuật hay không.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần chú ý phẫu thuật khúc xạ lần trước là phương pháp gì, vì nếu là phẫu thuật smile thì bạn không thể thực hiện phẫu thuật khúc xạ lần 2 được.
* Thưa bác sĩ. Có thể can thiệp điều chỉnh mắt lé cho bé từ lúc nào được ạ? Tôi có người bạn quê Trà Vinh, có em bé 3 tuổi và bị lé. Tôi muốn giúp thằng bé có đôi mắt bình thường. Xin bác sĩ tư vấn giúp. Xin cám ơn. (Đỗ Xuân Nhiên, quận 12, TP.HCM)
- ThS.BS Tăng Ngọc Anh:
Chào bạn. Mắt lé cần được phát hiện và điều trị sớm vì nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhược thị.
Bạn nên đưa bé đến khám tại các bệnh viện có chuyên khoa mắt để tìm nguyên nhân, cũng như đánh giá tình trạng lé, để được điều trị thích hợp.
ThS.BS Tăng Ngọc Anh - Bệnh viện quận Thủ Đức trả lời giao lưu trực tuyến Chăm sóc mắt ở lứa tuổi học đường |
* Chào bác sĩ. Trẻ bao nhiêu tuổi có thể dùng được kính sát tròng? Có những lưu ý gì khi sử dụng kính sát tròng cho trẻ? Chỉ cho con đeo kính sát tròng khi đi học, còn ở nhà thì vẫn đeo kính thường, như vậy có tốt không? (Nguyễn Huỳnh, quận Bình Thạnh, TP.HCM)
- ThS.BS Tăng Ngọc Anh:
Chào bạn.
Mục đích bạn sử dụng kính áp tròng cho bé là để không phải mang kính gọng hay để điều trị? Vì nếu dùng kính áp tròng để điều trị tật khúc xạ như phương pháp ortho-K thì kính áp tròng chỉ mang vào ban đêm khi ngủ, ban ngày trẻ vẫn sinh hoạt bình thường mà không cần sử dụng kính gì.
Còn nếu dùng kính áp tròng để thay thế kính gọng thì nên hạn chế đối với trẻ em, vì trẻ chưa có ý thức tốt trong việc chăm sóc mắt cũng như vệ sinh kính. Hơn nữa, môi trường và khí hậu của nước ta không thích hợp cho việc sử dụng kính áp tròng lâu dài, kính gọng vẫn là lựa chọn tốt nhất cho trẻ.
* Thưa bác sĩ, chồng tôi bị cận nặng, bỏ mắt kính ra là gần như không thấy gì. Tôi nghe nói, cận thị có di truyền sang con. Điều này làm tôi lo lắng, vì con tôi hiện 2 tuổi, chưa có biểu hiện gì là cận nhưng liệu đến tuổi đi học bé có thể bị cận không? Hiện tôi rất hạn chế cho bé xem ti vi nhiều cũng như không cho bé đụng đến smart phone. (Lê Thiên Kim, huyện Hóc Môn, TP.HCM)
- ThS.BS Tăng Ngọc Anh:
Chào chị.
Nếu chồng chị bị cận nặng nhưng chỉ là tật khúc xạ đơn thuần chứ không phải bệnh cận thị thì sẽ không di truyền cho bé. Tuy nhiên, các yếu tố nguy cơ gây cận thị ngoài di truyền còn những yếu tố khác như ngồi học không đúng tư thế, ảnh hưởng của trục nhãn cầu, giác mạc và thủy tinh thể.
Do đó, chị nên đưa bé đi kiểm tra mắt định kỳ mỗi 6 tháng/ lần để kịp thời phát hiện tật khúc xạ (nếu có).
* Thưa bác sĩ. Thời đại bây giờ hầu như nhà nhà, người người đều có smart phone, ti vi, máy tính. Mình không thể cấm bọn trẻ tiếp xúc với những thiết bị đó. Vì vậy, bác sĩ tư vấn giúp thời gian cho bé tiếp xúc với những thiết bị hiện đại trên bao lâu là an toàn, không gây ảnh hưởng đến mắt trẻ. Xin cám ơn. (Trần Ngọc An, Trà Vinh)
-ThS.BS Tăng Ngọc Anh:
Chào bạn.
Việc tiếp xúc với các thiết bị điện tử quá nhiều có thể gây rối loạn điều tiết hoặc phát triển các tật khúc xạ ở trẻ. Hơn nữa, sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý của trẻ. Vì vậy, việc sử dụng các thiết bị này cần được hạn chế.
Ví dụ, bạn có thể cho bé xem ti vi hoặc chơi games vào cuối tuần hoặc 5-10 phút mỗi ngày. Bên cạnh đó, cần cho bé tham gia các hoạt động ngoài trời vừa tốt cho sự phát triển của trẻ, cũng có thể giúp bé không phụ thuộc vào các thiết bị điện tử.
* Thưa bác sĩ, thỉnh thoảng em hay nhìn thấy hình ảnh bị nhòe đi, nhất là từ ngoài sáng đi vào trong tối, bạn bè nói em bị quáng gà. Xin hỏi có cách nào chữa không? (Khánh Hoàng, học sinh lớp 7, Bình Phước)
- ThS.BS Tăng Ngọc Anh:
Chào em.
Khi di chuyển từ ngoài sáng vào trong tối, đồng tử sẽ thay đổi kích thước đột ngột nên lúc đó em có thể nhìn nhòe. Tuy nhiên, nếu em nhìn nhòe thường xuyên thì có thể là dấu hiệu của tật khúc xạ hoặc bệnh lý khác của mắt.
Do đó, em cần đến bác sĩ chuyên khoa mắt để được khám và phát hiện kịp thời các bệnh lý có thể xảy ra.
Khám và tư vấn các bệnh về mắt cho người bệnh tại Bệnh viện quận Thủ Đức. Nguồn: Bệnh viện quận Thủ Đức |
* Thưa bác sĩ, trong 3 phương pháp phẫu thuật mắt chữa cận Lasik, Femto lasik và Smile, phương pháp nào là tốt nhất, có chữa khỏi hoàn toàn không? Nên khám và chữa trị ở đâu để biết giác mạc của em dày hay mỏng. (Nguyễn Đan Khanh, TP.HCM)
- ThS.BS Tăng Ngọc Anh:
Chào chị.
Các phương pháp phẫu thuật khúc xạ chỉ là một hình thức khác thay thế cho việc mang kính gọng chứ không thể làm cho mắt cận thị trở thành mắt bình thường được. Trong 3 phương pháp chị đề cập, mỗi phương pháp đều có ưu điểm và khuyết điểm riêng.
Smile là phương pháp hiện đại nhất vì không cần tạo vạt giác mạc nên thích hợp cho những người thường xuyên chơi thể thao hay vận động mạnh. Tuy nhiên, phương pháp này lại đắt nhất và chỉ có thể thực hiện 1 lần duy nhất.
Chị nên đến khám ở các bệnh viện có chuyên khoa mắt để được tư vấn phương pháp phù hợp, cũng như kiểm tra độ dày giác mạc có phù hợp để thực hiện phẫu thuật khúc xạ hay không.
* Chào bác sĩ. Con gái tôi 9 tuổi, cháu thường than xốn mắt, nóng mắt mỗi khi học bài lâu. Tôi có mua nước mắt sinh lý về cho con nhỏ, những lúc ấy cháu nói mắt dịu lại. Con tôi bị bệnh gì, nên chữa ra sao ạ? Xin bác sĩ tư vấn giúp. Cảm ơn. (Chị Phạm Thị Ngọc Mai, 37 tuổi, ở Tân An, Long An)
- ThS.BS Tăng Ngọc Anh:
Chào chị.
Các triệu chứng xốn mắt, nóng mắt có thể do bé bị khô mắt do tập trung học bài lâu mà không chớp mắt thường xuyên, nước mắt không tiết ra được.
Chị có thể sử dụng nước mắt nhân tạo để bổ sung thêm cho bé, đồng thời cũng nên hướng dẫn bé chớp mắt thường xuyên khi học bài, cho mắt nghỉ ngơi hợp lý sau 1 khoảng thời gian học bài liên tục: nhắm mắt nghỉ ngơi sau mỗi 20 phút, đứng lên đi dạo xung quanh. Nếu các triệu chứng này vẫn còn hoặc nặng hơn, chị nên đưa bé đi gặp bác sĩ chuyên khoa mắt để được khám và điều trị thích hợp.
* Con gái tôi mới được phát hiện viễn thị nặng. Mắt cháu trước đây hơi có biểu hiện lé, nhưng trong họ hàng cũng có người mắc tật này nên vợ chồng tôi cứ nghĩ con bị di truyền. Tôi rất hoang mang không biết vì sao con bệnh. Nhiều người nói bệnh này có thể chữa được bằng cách tập luyện trên máy, không biết có đúng không ạ? (Lê Vân, Thanh Hóa)
- ThS.BS Tăng Ngọc Anh:
Chào bạn.
Viễn thị cũng là 1 loại tật khúc xạ mà ngoài yếu tố di truyền thì còn chịu ảnh hưởng của những yếu tố khác: trục nhãn cầu quá ngắn, giác mạc hay thủy tinh thể không cân xứng với độ hội tụ của mắt, nên khi nhìn một vật thì ảnh của vật lại hiện ở phía sau võng mạc, mắt phải điều tiết kéo ảnh về võng mạc để nhìn rõ.
Viễn thị cũng có thể sẽ gây lé là do mắt điều tiết như vậy. Nếu bị viễn thị nặng, bé nên mang kính thích hợp. Việc tập luyện trên máy chỉ hỗ trợ giúp cải thiện điều tiết chứ không thể chữa được hết viễn thị. Nếu trẻ bị lé nhiều, bạn nên đưa bé đến bác sĩ chuyên khoa mắt để được khám và chữa trị.
* Con gái tôi hiện đang học lớp 6, thời gian gần đây, mắt cháu tăng số rất nhanh. Cháu không xem ti vi, về thời gian học tôi vẫn nhắc cháu nghỉ ngơi, thực hiện nguyên tắc 20 - 20 - 20 như tư vấn của bác sĩ. Nhưng 1 tháng qua, cháu tăng 1 độ, hiện đã nặng tới 6 độ. Không hiểu cháu có bệnh lý gì khác không hay vì nguyên nhân gì? Cháu rất hạn chế xem ti vi, điện thoại. (Triệu Đào, Sơn Tây, Hà Nội)
- ThS.BS Tăng Ngọc Anh:
Chào bạn.
Trước tiên, bạn cần đưa bé đến khám tại các cơ sở uy tín để được xác định đúng độ khúc xạ vì đối với trẻ em, độ điều tiết của mắt rất lớn, có thể gây tăng độ giả; đồng thời bác sĩ sẽ xác định con bạn bị tật khúc xạ hay là bệnh cận thị bằng cách soi đáy mắt xem bé có những tổn thương gì ở đáy mắt không.
Thông thường, bệnh cận thị có độ cận rất cao (trên 6 diop) và tăng độ liên tục kèm theo những tổn thương ở đáy mắt như xuất huyết pha lê thể, co kéo võng mạc, bong võng mạc...
Ở lứa tuổi của bé, nếu chỉ bị tật khúc xạ vẫn có thể tăng độ, đến 18 tuổi độ cận mới có thể ổn định. Việc sinh hoạt, học tập hợp lý chỉ là 1 yếu tố giúp hạn chế tăng độ, việc tăng độ này còn phụ thuộc vào cơ địa của mỗi người.
* Xin bác sĩ tư vấn giúp. Con tôi 16 tuổi, bị cận nhẹ 0,5 diop, cháu không chịu mang kính vì sợ bạn bè chê cười. Như vậy cháu có bị tăng độ không? Tôi cho cháu uống nước cà rốt 3 lần/ tuần để bổ sung vitamin A, vậy có tốt không ạ? (Chị Dương Loan Ngọc, 49 tuổi, ở Định Quán, Đồng Nai)
- ThS.BS Tăng Ngọc Anh:
Chào chị.
Về nguyên tắc, ở lứa tuổi học sinh, nếu có độ cận thì phải đeo kính thường xuyên. Ở lứa tuổi này dễ tăng độ nên cũng cần được kiểm tra mắt định kỳ mỗi 6 tháng. Tuy nhiên, với độ cận nhẹ như vậy, chị nên xem thị lực của bé khi không mang kính là bao nhiêu, bé có nhìn mờ nhiều không, việc nhìn mờ đó có ảnh hưởng đến học tập, sinh hoạt của bé không để tư vấn cho con mang kính hợp lý.
Trong cà rốt có chứa nhiều betacaroten là tiền chất của vitamin A, tuy nhiên, chất này chỉ có thể chuyển hóa thành vitamin A khi được nấu chín và chỉ được hấp thụ tốt vào cơ thể khi dùng kèm với dầu. Do đó, nếu sử dụng cà rốt, chị nên nấu chín kèm thêm dầu vào để bé có thể hấp thu vitamin A tốt hơn.
* Hiện nay, mọi người dùng song song 2 loại bóng đèn là bóng đèn huỳnh quang và bóng LED. Xin hỏi, nên dùng loại bóng đèn nào để phù hợp với học sinh trong lứa tuổi học đường? (Nguyễn Văn Bảy, quận 9, TP.HCM)
- ThS.BS Tăng Ngọc Anh:
Chào anh.
Đèn LED thường gây chói mắt nên không thích hợp để sử dụng trong học tập. Anh nên sử dụng đèn huỳnh quang với cường độ sáng vừa phải, không gây chói mắt đồng thời có thể sử dụng thêm đèn bàn chiếu từ phía sau khi bé học tập.
* Thưa bác sĩ, nước mắt nhân tạo là gì? Dùng thường xuyên có gây tác hại đến mắt không? (Kim Ngọc, huyện Cần Đước, Long An)
- ThS.BS Tăng Ngọc Anh:
Chào bạn.
Các loại nước mắt nhân tạo có chứa 1 trong các thành phần của nước mắt, thường được chỉ định cho những bệnh nhân bị khô mắt là những người bị giảm tiết nước mắt, hoặc nước mắt bốc hơi quá nhanh khỏi bề mặt nhãn cầu. Đối với những người bệnh khô mắt thì có thể sử dụng nước mắt nhân tạo thường xuyên.
Tuy nhiên, cần lưu ý nếu dùng thời gian dài thì nên chọn loại nước mắt nhân tạo không chứa chất bảo quản, thường được đóng gói dưới dạng tép, mỗi tép dùng 1 ngày. Còn các loại nước mắt nhân tạo có chứa chất bảo quản thì khi sử dụng lâu dài, ngược lại có thể gây khô mắt nhiều hơn.
* Chào bác sĩ. Con tôi mới mổ mắt cận thị xong, nhưng cháu rất hay xem điện thoại, máy tính. Điều này có nguy hiểm không? (Sao Mai, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh)
- ThS.BS Tăng Ngọc Anh:
Chào bạn,
Sau khi mổ mắt xong, mắt vẫn có khả năng tái cận. Điều này tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người cũng như thói quen làm việc, học tập, sinh hoạt không hợp lý.
Việc sử dụng điện thoại, máy tính trong thời gian dài mà không cho mắt nghỉ ngơi hợp lý, trước tiên sẽ gây mỏi mắt, nhức mắt, rối loạn điều tiết, gây khô mắt, đặc biệt sau khi phẫu thuật khúc xạ xong, mắt rất dễ bị khô, do đó cần phải cho mắt nghỉ ngơi hợp lý.
* Thưa bác sĩ. Em họ tôi, do xem ti vi nhiều nên nheo mắt. Theo lời khuyên, tôi đưa em đến bệnh viện chuyên khoa mắt khám và được bác sĩ chẩn đoán là cận, yêu cầu cắt kính. Tuy nhiên, bác trai nói là nếu đeo kính sẽ lệ thuộc kính mãi mãi, ông không cho đeo kính. Nhưng sau 1 thời gian hạn chế không cho em xem ti vi, đến nay, em 20 tuổi và không có biểu hiện bị cận như chẩn đoán. Điều này khiến gia đình rất hoang mang. Có phải khi không bị cận thật, đeo kính có bị tăng độ và cận thật không ạ? Xin cám ơn (Bùi Minh Châu, quận Phú Nhuận, TP.HCM)
- ThS.BS Tăng Ngọc Anh:
Chào bạn.
Để xác định cận thị, cần phải đi khám và đo độ khúc xạ ở các trung tâm uy tín, không thể chỉ dựa vào biểu hiện trên mắt mà xác định chính xác được.
Đối với người bị cận thị thì phải mang kính để có thể nhìn rõ, không ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, đặc biệt là đối với trẻ em dưới 6 tuổi, cần mang kính đúng để không bị nhược thị.
Việc mang hay không mang kính không làm ảnh hưởng đến việc tăng độ cận. Đối với trường hợp của em bạn, để biết chính xác hiện nay có cận thị hay không, gia đình nên đưa em đến khám tại bệnh viện có chuyên khoa mắt.
Bác sĩ Bệnh viện quận Thủ Đức khám mắt cho bệnh nhân. Nguồn: Bệnh viện quận Thủ Đức. |
* Thưa bác sĩ. Có nên sử dụng thuốc nhỏ mắt để bổ sung dinh dưỡng cho mắt không?(Mỹ Trân, Hà Nội)
- ThS.BS Tăng Ngọc Anh:
Chào bạn.
Việc bổ sung dinh dưỡng cho mắt tốt nhất là thông qua chế độ ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, các vitamin A,D, E, acid béo như omega 3, sắt, canxi...
Thuốc nhỏ mắt chỉ được sử dụng khi có các bệnh lý về mắt và cần được chỉ định của bác sĩ chuyên khoa mắt. Bạn không nên tự ý mua các loại thuốc nhỏ vì có thể ảnh hưởng đến mắt, thậm chí gây ra những bệnh lý nguy hiểm hơn.
* Chào bác sĩ. Cho em hỏi loạn thị, loạn sắc có chữa được không? Vừa cận vừa loạn có thể phẫu thuật chữa khỏi không? (Trần Hoàng Khang, Tiền Giang)
- ThS.BS Tăng Ngọc Anh:
Chào bạn.
Hiện tại, các phương pháp phẫu thuật khúc xạ có thể được chỉ định trên mắt có nhiều tật khúc xạ như vừa cận vừa loạn, vừa viễn vừa loạn... Tuy nhiên, còn tùy vào độ khúc xạ là bao nhiêu, tình trạng của mắt như thế nào mà có thể phẫu thuật hay không và phẫu thuật có lấy hết độ để không cần mang kính nữa hay không.
Nếu bạn muốn phẫu thuật khúc xạ thì nên gặp bác sĩ chuyên khoa mắt để được tư vấn thích hợp.
* Thỉnh thoảng con tôi (5 tuổi) hay lên lẹo ở mắt. Tôi nên chữa cách nào để dứt điểm bệnh này cho cháu? (Hoàng Mai Liên, 37 tuổi, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh)
- ThS.BS Tăng Ngọc Anh:
Chào chị,
Chắp lẹo thường tùy cơ địa của mỗi người cũng như tình trạng viêm nhiễm của bờ mi mà có thể bị tái phát nhiều lần. Chị có thể cho bé chườm ấm mắt thường xuyên, hạn chế thức ăn ngọt, nhiều dầu mỡ, cũng như uống nhiều nước để phòng bệnh.
Nếu có tình trạng viêm nhiễm ở bờ mi, chị nên đưa bé đến bác sĩ để được khám và điều trị.
Báo Phụ Nữ
Ảnh: Phùng Huy
Chia sẻ bài viết: |
Nám má một vấn đề rất thường gặp ở phụ nữ châu Á, tuy không ảnh hưởng về mặt sức khỏe, nhưng lại có tác động rất lớn về mặt thẩm mỹ gây mất tự tin cho người mắc tình trạng này.
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, bệnh tay chân miệng đang vào mùa, số ca bệnh trong tháng 9 tăng gấp đôi tháng 8.
Ai trong chúng ta cũng muốn sở hữu một làn da mịn màng, không tì vết, nhưng nếu lỡ bạn bị một vấn đề nào đó thì có nguy cơ sẽ để lại sẹo. Khi đó, làm thế nào để hạn chế tình trạng sẹo xấu?
Là phụ nữ, ai cũng mơ ước sở hữu một gương mặt mộc với làn da đẹp không tỳ vết. Muốn có làn da đẹp, khỏe khoắn, mịn màng chúng ta cần biết chăm sóc da mặt đúng cách và khoa học.
Dưới tác động của ánh nắng mặt trời, làn da dễ bị tổn thương dẫn đến nhiều vấn đề về da. Ngoài tránh nắng và sử dụng biện pháp che chắn như nón rộng vành, áo khoác, kính mát… thì sử dụng kem chống nắng rất quan trọng.
Suy giãn tĩnh mạch chi dưới còn gọi là suy giãn tĩnh mạch chân. Đây là bệnh rất thường gặp, xảy ra ở khoảng 10 - 35 % người lớn.
Từ 14g ngày 22/3/2019, báo Phụ Nữ TP.HCM tổ chức buổi giao lưu trực tuyến “Vitamin E – Công dụng diệu kỳ” với sự tham gia của bác sĩ Phương Mai – Chuyên khoa 2 Da liễu – Bệnh viện Da liễu TP.HCM.
Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về các bệnh răng miệng, Báo Phụ Nữ TP.HCM tổ chức buổi giao lưu trực tuyến “Làm sao để hơi thở thơm tho?”, từ 9g sáng ngày 7/12.
Nhiều bệnh nhân sau khi điều trị, tình trạng viêm dạ dày vẫn tái phát. Để giúp bạn đọc hiểu rõ về bệnh viêm dạ dày, cách chữa dứt điểm, Báo Phụ Nữ TP.HCM tổ chức buổi giao lưu trực tuyến “Viêm dạ dày chữa hoài không dứt?”.
Để giúp du khách tìm hiểu về visa đi Mỹ cùng tỷ lệ đậu cao, báo Phụ Nữ phối hợp cùng Công ty Du lịch Tugo tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề “Các bước xin visa Mỹ” vào lúc 9g00, thứ Năm ngày 25/10/2018.
9g sáng nay, 12/10, Báo Phụ Nữ TP.HCM phối hợp Bộ Y tế tổ chức giao lưu trực tuyến “Để mô hình bác sĩ gia đình phát huy hiệu quả tại y tế cơ sở”.
Để giúp các bà mẹ phòng tránh và chăm sóc trẻ bị tay chân miệng, Báo Phụ Nữ tổ chức buổi giao lưu trực tuyến “Bệnh tay chân miệng tăng nhanh, có gì bất thường?” vào lúc 9 giờ hôm nay, ngày 11/10.
Báo Phụ Nữ TP.HCM phối hợp cùng với nhãn hàng sữa dê công thức DG tổ chức buổi giao lưu trực tuyến “Duy trì nhịp sinh lý cho bé khi sử dụng sữa công thức” vào lúc 9g00 ngày 25/9.
Báo Phụ Nữ phối hợp với nhãn hàng kẹo dẻo dinh dưỡng PNKids tổ chức buổi giao lưu trực tuyến lúc 14g00 ngày 12/9, với sự tư vấn của bác sĩ CKII Nguyễn Thị Thu Hậu - Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi Đồng 2.
Buổi giao lưu trực tuyến chủ đề "Tiêu chuẩn cái đẹp trong phẫu thuật thẩm mỹ" diễn ra từ lúc 9g ngày 24/8 tại Báo Phụ Nữ.
Ở phụ nữ 25 tuổi, trán và mi dưới xuất hiện nếp nhăn đầu tiên. Bước sang tuổi 30 tuổi xuất hiện vết chân chim ở đuôi mắt, 40 tuổi nếp nhăn thường trực ở trước tai và ngấn cổ nổi rõ…
Buổi giao lưu trực tuyến do Báo Phụ Nữ và Bệnh viện Quốc tế City phối hợp tổ chức, từ lúc 13g30 hôm nay, với sự tham gia của Thạc sĩ bác sĩ Trần Thị Kim Xuyến và Thạc sĩ bác sĩ Trần Thị Mai Thy.
Du lịch châu Âu chưa bao giờ dễ dàng và tiện lợi như hiện nay. Cảnh đẹp thơ mộng, những tòa nhà cổ kính, xen kẽ những nét huyền bí khiến ai cũng bị mê hoặc khi đặt chân đến châu Âu, nhất là vào mùa thu.