Để giúp các bà mẹ phòng tránh và chăm sóc trẻ bị tay chân miệng, Báo Phụ Nữ tổ chức buổi giao lưu trực tuyến “Bệnh tay chân miệng tăng nhanh, có gì bất thường?” vào lúc 9 giờ hôm nay, ngày 11/10.
Khách mời của cuộc giao lưu trực tuyến là bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm & Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM.
Quý phụ huynh quan tâm đến việc phòng tránh dịch bệnh và cách chăm sóc trẻ bị tay chân miệng, hãy đặt câu hỏi qua email giaoluutructuyen.baophunu@gmail.com hoặc tại đây.
|
Bác sĩ Trương Hữu Khanh trả lời câu hỏi của bạn đọc tại buổi giao lưu trực tuyến. |
* Con tôi mắc bệnh tay chân miệng lúc 8 tháng tuổi và từng nằm cách ly tại Bệnh viện Nhi Đồng 1. Nay bé đã 5 tuổi, có nguy cơ mắc lại bệnh này không, thưa bác sĩ? (Huỳnh Thị Bích Tuyền, Long An)
BS Trương Hữu Khanh:
- Trẻ từ 5 tuổi hiếm khi bị mắc bệnh tay chân miệng. Nếu mắc, bệnh cũng sẽ nhẹ và ít biến chứng hơn nhiều. Tuy nhiên, cũng phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa, nhất là rửa tay, ăn sạch, uống sạch để ngừa được tay chân miệng và những bệnh khác.
* Thưa bác sĩ, hiện nay dịch sởi đang bùng phát cùng với bệnh tay chân miệng, bé nhà em đã chích ngừa sởi lúc 9 tháng tuổi. Hiện nay, bé được 15 tháng tuổi, vậy có thể chích ngừa tiếp mũi tổng hợp sởi-quai bị-rubela luôn được chưa, hay phải đợi tới 18 tháng tuổi? (Lương Thị Út Thảo, TP.HCM)
BS Trương Hữu Khanh:
- Nếu có điều kiện, nên cho bé chích ngừa mũi tổng hợp sởi, quai bị, rubella luôn. 15 tháng tuổi là chích được rồi vì sẽ tăng cường miễn dịch cho bệnh sởi và ngừa luôn quai bị.
Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) thống kê, đến tháng 9 năm 2018, cả nước ghi nhận 53.529 trường hợp mắc tay chân miệng; trong đó 6 trường hợp tử vong. Bến Tre, Đồng Tháp, Bình Dương, Đồng Nai mỗi tỉnh 1 trường hợp, riêng Tây Ninh có 2 ca.
Các tỉnh thành ghi nhận số mắc tích lũy cao và gia tăng nhanh trong các tuần gần đây như TP.HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng… Từ năm 2012 đến nay, bệnh tay chân miệng tại TP.HCM và trên cả nước có khuynh hướng giảm, chủ yếu là các trường hợp nhẹ, điều trị ngoại trú. Tuy nhiên, trong 2 tuần giữa tháng 9, số ca bệnh tay chân miệng nhập viện tại TP.HCM có hiện tượng gia tăng nhanh. Tại TP.HCM, theo số liệu giám sát của Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố, trong tuần 38 có 289 ca bệnh tay chân miệng nhập viện, tăng 47% so với trung bình 4 tuần trước (194 ca), tăng 130% so với tuần cùng kỳ 2017 (124 ca). |
* Bác sĩ ơi! Bé bao nhiêu tuổi thì hết nguy cơ mắc bệnh tay chân miệng? Tôi nghe nói bị tay chân miệng, virus làm người bé giật ghê lắm, tay chân miệng nổi bóng nước? Vậy phải vệ sinh tắm rửa ra sao mà không làm nhiễm trùng các bóng nước? (Nguyễn Hồng Lam, Cần Thơ)
BS Trương Hữu Khanh:
- Bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi và đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi. Bệnh làm nổi bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, vùng mông, gối và trong miệng. Biến chứng của bệnh sẽ khiến bé giật mình, chới với, chứ không phải gây co giật. Chỉ cần vệ sinh cơ thể như bình thường thì các nốt mụn nước của tay chân miệng sẽ không bội nhiễm. Không cần bôi thuốc đặc biệt vào mụn nước cả.
Trẻ bị bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi Đồng 1. Ảnh: Hiếu Nguyễn |
* Bé nhà em 4 tuổi, bị tay chân miệng đã 3 ngày, chỉ nổi mấy bóng nước nhỏ ở tay và chân, đang được chăm sóc ở nhà. Thấy bé bứt rứt khó chịu mà xót quá. Nên chăm sóc thế nào để bé an toàn, thưa bác sĩ? (Lê Văn Tính, Bình Dương)
BS Trương Hữu Khanh:
- Cần tắm rửa, vệ sinh cho bé để tránh ngứa ngáy. Coi bé có bị đau họng mà khó chịu không. Nếu có thì rơ miệng và uống thuốc giảm đau. Khi bé giật mình, sốt cao không hạ hay sốt trên 2 ngày thì nên đi khám. Còn nếu lo lắng quá thì nên đi khám bác sĩ nhi gần nhà. Bệnh này từ 7-10 ngày mới bớt được.
* Làm sao để biết một người mắc bệnh sởi khi bệnh chưa nổi ban để mà phòng ngừa ạ? Trường hợp nhiễm virus sởi thì mất bao lâu mới biết mình mắc bệnh? (Nguyễn Thị Kim Tuyên, Quận Thanh Khê, Đà Nẵng)
BS Trương Hữu Khanh:
- Trước khi nổi ban, đặc biệt là 1 ngày trước ra ban thì người bệnh đã phát tán virus sởi và lây cho người khác rồi. Cho nên, khi thấy người đó nóng, ho, sổ mũi thì khuyên họ nên mang khẩu trang và bản thân mình cũng nên mang khẩu trang để bảo vệ, rửa tay. Bệnh sởi là bệnh có vắc xin, nếu trong mùa này mà chưa chích, hay chưa chích đủ thì nên thu xếp đi chích ngừa.
Bà Nguyễn Thị Thu Mai - Phó tổng biên tập Báo Phụ Nữ tặng hoa cho bác sĩ Trương Hữu Khanh. |
* Khi bé vô tình tiếp xúc với người mắc bệnh sởi, mình có cách nào để giúp bé không bị lây sởi không, thưa bác sĩ? (Đỗ Thị Thanh Huyền, Mộc Hóa, Long An)
BS Trương Hữu Khanh:
- Nếu biết bé vô tình tiếp xúc với người mắc bệnh sởi thì trong vòng 72 tiếng nên đi chích ngừa ngay. Trường hợp bé có bệnh lý tim bẩm sinh nặng hay suy giảm miễn dịch mà không chích ngừa được thì có thể chích gamma globulin, nhưng chuyện này chỉ làm ở bệnh viện.
* Chào bác sĩ , tôi nghe nói chích vắc xin sởi cho con nít vào lúc 6 tháng tuổi, nhưng có người lại nói chích lúc 9 tháng tuổi, 12 tháng tuổi... và chích nhắc lại 5-6 tuổi. Như vậy, thời điểm chích ngừa cho bé thế nào là đúng? (Đình Thị Quý Như, Cái Bè, Tiền Giang)
BS Trương Hữu Khanh:
- Tùy theo tình hình của bệnh sởi ở chung quanh mà chúng ta chọn lựa thời điểm chích ngừa. Chỉ khi nào em bé thuộc nhóm nguy cơ cao, xung quanh có nhiều người mắc sởi mới bàn tới việc chích sởi cho trẻ 6 tháng tuổi. Nếu không thì 9 tháng hãy chích, sau đó 18 tháng chích nhắc sởi, rubella. Đây là lịch trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Lịch này không ngừa được quai bị. Lịch dịch vụ thì chích sởi, quai bị, rubella vào lúc 12 tháng và nhắc lúc 5-6 tuổi nhưng hướng dẫn này là của các nước tiên tiến. Vì nước họ không còn nhiều bệnh sởi như Việt Nam cho nên nếu áp dụng lịch dịch vụ ở đây, trẻ trước 12 tháng có thể mắc sởi và rất nặng. Trẻ từ 12 tháng đến 5-6 tuổi chỉ chích 1 mũi thì xa quá, có thể sẽ bị sởi lúc trước 5 tuổi.
Như vậy, phụ huynh phải chích mũi sởi lúc 9 tháng, rồi sau đó ít nhất 3 tháng có thể chích thêm sởi, quai bị, rubella dịch vụ. Đến khi sắp đi học sẽ chích nhắc sởi, quai bị, rubella. Như vậy, phải chích ngừa sởi lúc 9 tháng và ít nhất 2 mũi sởi thì mới ngừa được bệnh sởi.
Bác sĩ thăm khám bệnh nhi tay chân miệng. Ảnh: Thành Lâm |
* Hiện nay thông tin bệnh tay chân miệng đang bùng phát rất nhiều, bé em đang học mẫu giáo, em rất lo lắng làm sao phòng bệnh cho bé? (Huỳnh Thị Thu Lành, Củ Chi, TP.HCM)
BS Trương Hữu Khanh:
- Không cần thiết phải nghỉ học. Vì nghỉ học cũng không biết nghỉ tới bao giờ. Tốt nhất vẫn thực hiện biện pháp phòng ngừa rửa tay trước khi đến trường, khi ra khỏi trường, về đến nhà. Trong các nhà trẻ hiện nay giáo viên và ban giám hiệu đã thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa tay chân miệng cho các bé từ hướng dẫn của ngành y tế rồi.
* Bác sĩ ơi! Triệu chứng nào để phát hiện sớm bệnh tay chân miệng? Bé bắt đầu đi học mẫu giáo rồi. Nghe bệnh tay chân miệng em cũng sợ vì một lớp cũng gần 40 bé nên dễ lây bệnh... (Hoàng Thùy Linh, Hà Nội)
BS Trương Hữu Khanh:
- Trẻ bị tay chân miệng có biểu hiện ban đầu bằng bỏ ăn, chảy nước miếng do lở miệng, có hoặc không có kèm theo sốt. Có thể nổi mụn nước ở lòng bàn tay, bàn chân sau khi lở miệng. Nên cho bé đi học vì ở trường cũng có những biện pháp ngừa tay chân miệng do Bộ Y tế hướng dẫn.
* Con tôi đang bị bệnh tay chân miệng nằm ở bệnh viện. Tôi vẫn cho em của cháu 4 tuổi vào thăm, sau khi thăm tôi rửa tay mình và con bằng xà phòng diệt khuẩn thì liệu có thể yên tâm hay không? (Lý Điển Hà, Đà Nẵng)
BS Trương Hữu Khanh:
- Đã lỡ đi thăm rồi và đã thực hiện rửa tay bằng xà phòng thì khả năng nhiễm ít hơn thôi. Lần sau đừng nên cho bé đi thăm nhé.
* Bé nhà tôi 5 tuổi bị tay chân miệng. Tôi cần mua thuốc khử khuẩn thì có thể mua loại nào, ở đâu? (Lê Duy Tường, Vĩnh Long)
BS Trương Hữu Khanh:
- Dung dịch khử khuẩn có thể xin ở trạm y tế hay dùng dung dịch javel pha loãng để sát trùng sàn nhà và đồ chơi. Nếu nhà không có ai mắc bệnh tay chân miệng thì dùng nước lau nhà và xà bông khử khuẩn là được rồi.
* Tôi nghe nói khi mắc bệnh tay chân miệng, hầu hết các trẻ đều có thể tự khỏi. Chỉ một số trẻ mới bị biến chứng sang não, hoặc suy hô hấp và có thể tử vong. Tôi xin được phép hỏi, tỉ lệ biến chứng này là bao nhiêu? (Trương Thị Mỹ Ngọc, Trà Vinh)
BS Trương Hữu Khanh:
- Tỷ lệ biến chứng của bệnh này tùy theo cơ địa và loại virus gây bệnh nhưng đa số là dưới 5%.
* Khi trẻ bị mắc bệnh tay chân miệng một lần thì có khả năng miễn nhiễm, không bị mắc lại hay không? (Hô Thị Mỹ Trinh, Huế)
BS Trương Hữu Khanh:
- Có khả năng bị tái nhiễm vì bệnh do nhiều loại virus gây ra. Tỷ lệ sự tạo miễn dịch sau 1 lần mắc bệnh không cao.
Trẻ mắc bệnh tay chân miệng khóc vì đau. Ảnh: Thành Lâm |
* Bé bị tay chân miệng, nên cách ly ở nhà thế nào cho đúng? Người chăm sóc bé bị bệnh chỉ cần rửa tay là phòng bệnh được, phải không? Có cần phải có một người chăm sóc riêng cho bé? (Phan Thế Anh, Cà Mau)
BS Trương Hữu Khanh:
- Bệnh tay chân miệng theo dõi ở nhà, chỉ cần hạn chế tiếp xúc với trẻ mắc bệnh. Đồng thời, cần rửa tay, rửa đồ chơi, sàn nhà, đặc biệt chỉ cần cách ly với những em bé nhỏ. Còn người lớn rửa tay là đủ rồi. Làm như vậy từ 7 đến 10 ngày thì khả năng lây bệnh sẽ giảm đi nhiều.
* Thưa bác sĩ, con trai em 2 tuổi vừa phải cấp cứu tay chân miệng. Khi bé co giật, bác sĩ có cho bé uống thuốc và giải thích là thuốc bảo vệ não. Thưa bác sĩ, đây là loại thuốc gì? Phụ huynh có nên trữ sẵn trong nhà để cho bé uống khi bé lên cơn co giật, trong khi chờ xe cấp cứu đến hay không? (Nguyễn Như Thủy, Quảng Nam)
BS Trương Hữu Khanh:
- Thuốc này là thuốc an thần và không thể tự sử dụng ở nhà vì có uống sớm hơn một chút cũng không giúp gì nhiều. Nếu nghi ngờ biến chứng thì nên đến bệnh viện để y, bác sĩ theo dõi và điều trị.
* Bé bị tay chân miệng vẫn tắm xà bông bình thường phải không? Quần áo, vật dụng của bé có phải giặt riêng không? Giặt bằng nước giặt thông thường được không? (Nguyễn Thị Khánh Dung, Quảng Trị)
BS Trương Hữu Khanh:
- Đúng rồi. Người mắc bệnh tay chân miệng vẫn tắm rửa như trước khi bệnh. Quần áo cũng không cần giặt riêng. Quan trọng là sàn nhà, đồ chơi và bàn tay của người lớn.
* Bác sĩ ơi! Bé bị tay chân miệng có thể chăm sóc ở nhà không? Tình trạng bệnh như thế nào mới đưa vào bệnh viện chăm sóc ạ? (Trà Giang, Đồng Nai)
BS Trương Hữu Khanh:
- 90% em bé bị tay chân miệng có thể điều trị tại nhà hay tái khám tại trung tâm y tế gần nhà vì đa số các trường hợp chỉ mắc độ 1 và độ 2A thôi. Chỉ khi có biến chứng từ độ 2B mới cần điều trị ở tuyến trên, tỷ lệ này chỉ khoảng 5%. Khi thấy bé sốt cao không hạ, sốt trên 2 ngày, nhợn ói nhiều thì đi khám ngay. Nếu trẻ có giật mình chới với, run tay chân, tay chân lạnh, yếu tay chân, da nổi bông, thở mệt thì khả năng biến chứng nặng rồi, nên đi bệnh viện ngay.
* Thưa bác sĩ, bé hết sốt thì có phải là hết bệnh không? Hay phải lặn hết các bóng nước thì mới là hết bệnh? (Lê Diệu Tâm, Vũng Tàu)
BS Trương Hữu Khanh:
- Hết sốt hay không hết sốt, mụn lặn hay chưa, hay nổi thêm thì cũng phải chờ 5 - 7 ngày vì còn khả năng biến chứng. Cần phải theo dõi đến 10 ngày thì mới là hết bệnh.
* Thưa bác sĩ, em có thấy quảng cáo chỉ cần cho bé uống nước Anolyte vào là sẽ trị dứt điểm bệnh tay chân miệng? Đây là thông tin có chính xác không? (Nguyễn Thu Thảo, Kiên Giang)
BS Trương Hữu Khanh:
- Nước Anolyte chưa được các nhà khoa học trong ngành y tế chấp nhận và chứng minh đâu. Muốn chứng minh một loại thuốc, loại dung dịch nào đó chữa được bệnh tay chân miệng thì không phải đơn giản là lấy ra chữa cho vài người, thậm chí vài trăm người mà kết luận là có tác dụng. Bản chất của bệnh tay chân miệng là không cần làm gì hết thì sau 10 ngày cũng tự hết. Vậy thì uống nước này làm gì trong khi chưa có chứng minh một cách khoa học.
Trẻ nhập viện điều trị tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi Đồng 1. Ảnh: Thành Lâm |
* Bác sĩ ơi! Bé nhà em được 24 tháng tuổi. Em làm mất sổ chích ngừa cho con nên quên đi chích sởi mũi 2. Vậy bây giờ có cho đi chích ngừa sởi hay không ạ? (Lê Minh Hồng, Nghệ An)
BS Trương Hữu Khanh:
- Bây giờ nên đi chích vắc xin "ba trong một" ngừa sởi, quai bị, rubella là được.
* Thưa bác sĩ, khi trẻ bị bệnh tay chân miệng, phụ huynh nên dùng dung dịch sát khuẩn nào để lau chùi nhà nhằm tránh lây lan bệnh tay chân miệng? (Lê Thị Lệ Hằng, Hải Phòng)
BS Trương Hữu Khanh:
- Phụ huynh có thể dùng xà bông diệt khuẩn để rửa tay hay lau chùi sàn nhà, tay nắm cửa. Còn quá lo lắng thì có thể dùng dung dịch javel pha loãng hay liên hệ trạm y tế xem có chất khử trùng diệt khuẩn Cloramin B không.
* Thưa bác sĩ, vì sao năm nay bệnh tay chân miệng lại lây ra trên diện rộng và có nhiều ca nặng đến như vậy? (Trần Vinh Quang, Bình Định)
BS Trương Hữu Khanh:
- Theo nghiên cứu nhiều năm và khoa học đã chứng minh, khi trẻ mắc tay chân miệng do virus EV71 sẽ dễ biến chứng hơn các virus khác. Cho nên nếu năm nào mà tỷ lệ virus EV71 gây bệnh tay chân miệng cao thì số ca sẽ nhiều hơn và nặng hơn. Virus này không phải biến chủng mà là sự quay lại của chủng EV71 type C4. Type này đã xuất hiện vào năm 2011, 2012 và từ 2013 đến nay rất ít thấy EV71, đặc biệt là EV 71 type C4. Vì vậy, những em bé sinh từ năm 2013 đến 2018 sẽ không tiếp xúc với virus này trước đó nên không có một tí miễn dịch nào và rất dễ mắc bệnh. Đó là nguyên nhân vì sao có nhiều trẻ bệnh và bệnh nặng hơn những năm trước.
* Thưa bác sĩ, em nghe nói khi bé bị sởi nặng, có thể tìm mua và uống vitamin A liều cao 200.000 UI. Thông tin này có đúng không? (Nguyễn Yến Nhi, Đà Nẵng)
BS Trương Hữu Khanh:
- Vitamin A liều cao này chỉ sử dụng trong cơ sở y tế, mua ở ngoài không có đâu. Do vậy, khi trẻ mắc sởi nặng hay có biến chứng phải nhập viện thì đương nhiên bác sĩ sẽ cho.
* Cháu nội tôi mới 7 tháng nhưng bị bệnh sởi, tôi kêu con dâu tôi đi tiêm cho cháu hoài mà không được. Tiêm ngừa sởi cần có điều kiện gì mà khó khăn vậy? (Ông Trương Trần Quốc Anh, 52 tuổi, Bình Phước)
BS Trương Hữu Khanh:
- Sởi thường sốt cao, ho nhiều, chảy mũi 3 đến 4 ngày rồi bắt đầu xuất hiện ban theo thứ tự từ chân tóc, sau gáy xuống mặt rồi thân mình. Nét đặc biệt của sởi khác với các ban khác là sau khi ra ban, trẻ còn ho và sốt rất nhiều. Nếu biến chứng nặng và trên cơ địa em bé tim bẩm sinh, suy giảm miễn dịch thì mới có nguy cơ tử vong. Cháu của ông mới có 7 tháng thôi thì chưa chích ngừa được đâu. Nếu mẹ chích ngừa chưa đủ thì nên chích cho mẹ. Những người lớn xung quanh hạn chế tiếp xúc với bé khi đang sốt, ho, sổ mũi. Người lớn cần rửa tay trước khi chăm sóc bé.
* Chào bác sĩ, người lớn có bị tay chân miệng không? Nếu bị thì có phải nằm cách ly hay phải nhập viện điều trị không? Nếu bị tay chân miệng lúc mang thai có nguy hiểm cho em bé không ạ? (Nguyễn Thương Tâm 21 tuổi, Vĩnh Long)
BS Trương Hữu Khanh:
- Người lớn có thể mắc tay chân miệng, nhưng rất nhẹ và nhiều khi không có triệu chứng. Đây cũng là nguồn lây cho nên phải tự bảo vệ bản thân bằng ăn sạch, uống sạch và rửa tay, trách tiếp xúc với người bệnh. Phụ nữ mang thai mắc bệnh tay chân miệng có thể ảnh hưởng tới thai nhi nhưng tỷ lệ thấp thôi.
* Bé nhà tôi 8 tháng tuổi, hơn 1 ngày qua bé có dấu hiệu của sởi nhưng không sốt cao, tôi phải chăm sóc bé ở nhà như thế nào? Khi nào thì phải đưa đi bệnh viện? Đưa đi thì có bị lây thêm bệnh khác không? (Chị Trần Thị Mỹ Châu, 34 tuổi, quận Bình Thạnh, TP.HCM)
BS Trương Hữu Khanh:
- Nếu mới sốt 1 ngày mà có dấu hiệu ban và không sốt cao thì thường không phải sởi, bạn đưa trẻ đi khám bệnh gần nhà.
* Tôi nghe nói, Việt Nam sắp có vắc xin ngừa tay chân miệng do Viện Pasteur TP.HCM nghiên cứu. Tôi không biết có ngừa được không và khi nào có vắc xin tay chân miệng. Tôi cũng nghe nói hiện đã có vắc xin tay chân miệng của Trung Quốc... (Khương Tố Như, 42 tuổi, Lâm Đồng)
BS Trương Hữu Khanh:
- Theo thông tin thì viện Pasteur TP.HCM sẽ nghiên cứu vắc xin tay chân miệng nhưng chỉ thử nghiệm ở một vài nơi. Sau khi nghiên cứu xong, có tác dụng thì mới đưa ra thị trường nên còn lâu mới có. Vắc xin Trung Quốc thì chưa có mặt ở thị trường Việt Nam, cho nên bây giờ, muốn phòng ngừa thì nên rửa tay và rửa tay.
* Cháu nhà tôi đã tiêm ngừa sởi nhưng vừa rồi cháu sốt, phát ban, bác sĩ nói cháu bị bệnh sởi. Tại sao tiêm ngừa rồi mà vẫn bị bệnh sởi thưa bác sĩ? Bệnh này có lây nhiều không? Tôi nghe nói có dịch tay chân miệng giờ thêm dịch sởi, sợ quá. Tôi phải làm sao để cháu nhà tôi đang nhập viện không bị thêm bệnh tay chân miệng? (Chị Nguyễn Hoài Thương, 27 tuổi, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh)
BS Trương Hữu Khanh:
- Nếu tiêm ngừa một mũi hay hai mũi mà lịch không đúng thì vẫn có thể mắc sởi. Đối với bệnh sởi, không phải tất cả các trường hợp mắc đều phải nhập viện hay khám ở tuyến trên, do vậy chỉ cần khám gần nhà hay tuyến dưới. Khi cần, có biến chứng thì hãy lên tuyến trên.
* Thưa bác sĩ, lúc nhỏ tôi nhớ con tôi chích ngừa sởi rồi, giờ bé 7 tuổi, mà tôi mất sổ chích ngừa. Làm sao biết bé đã có kháng thể ngừa sởi chưa, làm sao biết bé đã chích ngừa chưa. Trước tình hình dịch tăng ghê quá, tôi sợ... Bác sĩ cho tôi lời khuyên nhé. (Nguyễn Hữu Hòa, 39 tuổi, Hóc Môn, TP.HCM)
BS Trương Hữu Khanh:
- Nếu nghi ngờ chích chưa đủ thì chích thêm 1 mũi 3 trong 1: sởi, quai bị và rubella. Có dư thì cũng chả sao.
* Nếu người lớn bị bệnh sởi thì phải làm gì để tránh lây cho trẻ vậy bác sĩ? Vợ tôi vẫn còn đang cho con bú nhưng mấy hôm nay sốt, ban nổi nhiều, cô ấy sợ mình mắc bệnh sởi nên đưa con qua bên ngoại giữ. Cháu nhớ hơi mẹ nên khóc nhiều rất tội, có cách nào để không tách hai mẹ con mà cháu không bị lây không? (Anh Võ Hoàng Nhân, 32 tuổi, quận 9, TP.HCM)
BS Trương Hữu Khanh:
- Người lớn bị sởi sẽ lây cho trẻ và người xung quanh nhiều hơn so với trẻ em. Vì người lớn đi lại nhiều hơn, vẫn phải làm việc, ho mạnh hơn nên phát tán virus mạnh và nhiều nơi hơn. Nếu vợ bạn mắc bệnh nghi sởi thì vắt sữa cho bé bú, mang khẩu trang, rửa tay, hạn chế tiếp xúc. Làm như vậy, sau khi ra ban bốn ngày thì hết giai đoạn lây và chăm con lại.
* Em chào bác sĩ Khanh. Em là bác sĩ tuyến dưới, cho em hỏi, ngoài virus EV71 ra, tay chân miệng còn có do loại virus nào nữa không? Bệnh này mới có thời hiện đại hay lâu rồi ạ? (Nguyễn Thị Kim Chi, 29 tuổi, Cần Thơ)
Ảnh: Thành Lâm |
BS Trương Hữu Khanh:
- Tác nhân gây bệnh tay chân miệng có thể là EV71 hay Coxsackie. EV71 thì có nhiều type, Coxsackie cũng có nhiều type nhưng thường là A6, A10, A16 có thể gây bệnh.
* Bệnh sởi trị ở tỉnh thì có hết không bác sĩ? Con tôi 4 tuổi bị sốt, đi khám thì bệnh viện ở đây nói cháu có thể bị sởi, kêu chuyển viện lên thành phố. Làm sao để biết cháu có bệnh hay không, thưa bác sĩ? (Anh Phan Văn Thới, 29 tuổi, ở Bình Dương)
BS Trương Hữu Khanh:
- Về nguyên tắc, bệnh viện tỉnh được phân tuyến điều trị bệnh sởi nặng có biến chứng. Cho nên không nên chuyển, nhưng cũng tùy theo đánh giá tiên lượng bệnh của bác sĩ. Nếu ở tuyến thành phố thì bác sĩ cũng có phương pháp cách ly tùy giai đoạn và tùy nghi ngờ hay không.
* Thưa bác sĩ, có trường hợp nào trẻ bị đồng thời cả mắc sởi và tay chân miệng không? Khi đó, làm sao phân biệt nốt ban nào là của sởi, nốt nào là của bệnh tay chân miệng? Nếu bị mắc đồng thời cả hai bệnh, bé có bị nguy hiểm tính mạng không? (Bùi Lan Anh, Huế)
BS Trương Hữu Khanh:
- Trường hợp này rất hiếm, sởi thường kèm theo ho nhiều, sốt cao, ban nổi rất nhiều và rải rác toàn thân, sau ra ban vẫn sốt. Còn bệnh tay chân miệng hiếm khi nổi ban và thường ban, mụn nước tập trung ở các vùng đặc biệt như lòng bàn tay, bàn chân, mông, gối. Nếu không may nhiễm hai bệnh thì cũng điều trị như bình thường thôi.
* Trong ba loại bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi thì bệnh nào dễ lây nhất? (Trần Thị Phước Nghĩa, 32 tuổi, quận 12, TP.HCM)
BS Trương Hữu Khanh:
- Cách ly kỹ nhất là bệnh sởi, vì bệnh này lây theo đường hô hấp. Khi trẻ nằm viện, người nhà và trẻ mắc bệnh sởi nên tuân thủ hướng dẫn của ngành y tế. Tay chân miệng ít lây hơn nhưng cũng cần cách ly, đặc biệt là trẻ. Riêng bệnh sốt xuất huyết thì lây từ muỗi nên chỉ cần diệt lăng quăng và muỗi trong bệnh viện là được.
* Cháu nhà em từng bị sởi. Nay, dịch sởi đang gia tăng, theo bác sĩ em có nên cho cháu chích vắc xin ngừa sởi không ạ? (Hồ Thị Bùi, Hà Tĩnh)
BS Trương Hữu Khanh:
- Nếu chắc chắn bệnh sởi thì không cần chích ngừa vì trong đời chỉ bị một lần thôi. Nhưng nếu nghi ngờ thì chích cũng không sao.
* Chào bác sĩ Khanh. Em nghe nói chích đủ hai mũi vắc xin ngừa sởi rồi sẽ không bị lại, nhưng sao bé nhà em 7 tuổi lại bị sởi? (Phạm Thị Thanh Vân, 41 tuổi, Bình Phước)
BS Trương Hữu Khanh:
- Tỷ lệ trẻ chích hai mũi mà đúng lịch thì rất hiếm bị sởi, có khả năng bé chích mũi hai quá xa nên 7 tuổi có thể mắc, nhưng sẽ nhẹ hơn. Không có một vắc xin nào có tỷ lệ ngừa được 100%.
Bệnh viện những ngày cao điểm dịch tay chân miệng. Ảnh: Thành Lâm |
* Xóm tôi có bốn trẻ bị tay chân miệng được chuyển đi thành phố nhập viện, ngoài ra còn khoảng năm trẻ nữa cũng có dấu hiệu sốt. Liệu nơi tôi ở có bị dịch tay chân miệng không? Chúng tôi phải làm thế nào để tránh lây cho những cháu khác? (Đinh Thị Mùi, 37 tuổi, Cần Đước, tỉnh Long An)
BS Trương Hữu Khanh:
Bạn nên báo ngay cho trạm y tế địa phương để y tế địa phương đến ổ dịch tiến hành phòng, chống. Còn bản thân thì rửa tay và vệ sinh môi trường, sàn nhà, đồ chơi, mặt bàn, nắm cửa...
* Bác ơi, trẻ bị bệnh gan đang điều trị ở bệnh viện thì bị lây sởi. Trường hợp này có nghiêm trọng không ạ? (Giao Linh, Đồng Nai)
BS Trương Hữu Khanh:
- Tất cả bệnh nhân bị sởi đều có thể có biến chứng. Bệnh nhân có cơ địa miễn dịch kém sẽ dễ biến chứng hơn, phải điều trị khó hơn và lâu dài hơn. Bệnh gan mãn tính cũng là một cơ địa miễn dịch kém.
* Em nghe mẹ em nói, trẻ bị sởi không được ra gió, uống thuốc xổ ban, và không được đi đám ma, không được găp phụ nữ đến "ngày đèn đỏ". Điều này có đúng không bác sĩ? (Nguyễn Thị Loan, 28 tuổi, Trà Vinh)
BS Trương Hữu Khanh:
- Bệnh sởi tự hết, không cần uống thuốc xổ ban. Trẻ có sức đề kháng tốt thì ra ban ít và nhanh hết hơn, ít sốt hơn, ít biến chứng hơn. Như vậy thì uống thuốc xổ ban làm gì? Cũng không cần kiêng, nhưng đang bị sởi thì nên ở nhà cách ly, tránh đi ra ngoài để lây lan cho người khác, chứ không phải sợ đi ra ngoài gặp gió hay gặp tình huống gì đó đặc biệt.
* Trẻ phải 9 tháng tuổi thì mới được tiêm phòng sởi. Phải lưu ý những gì để tránh cho trẻ không bị nhiễm bệnh? (Lê Tuyết Trinh, Tây Ninh)
BS Trương Hữu Khanh:
- Nếu trước 9 tháng chưa chích ngừa sởi thì người lớn rửa tay, hạn chế cho bé tiếp xúc với nguồn bệnh có thể là người đang sốt, ho mà chưa ra ban. Nếu có điều kiện thì chích ngừa cho những người lớn, đặc biệt là phụ nữ ở tuổi sinh sản.
* Bệnh sởi có phải là bệnh sốt phát ban? (Trần Đắc Từ, Quảng Bình)
BS Trương Hữu Khanh:
- Bệnh sởi là một dạng sốt phát ban. Sốt phát ban có thể do nhiều nguyên nhân như virus sởi, rubella, virus đường ruột... nhưng sởi đặc thù là có nhiều biến chứng và triệu chứng rất rầm rộ gồm sốt cao, ho nhiều, sổ mũi và ra ban theo thứ tự.
* Uống nước rau dấp cá có hết bệnh sởi hay không? (Nguyễn Ngọc Trâm, Nghệ An)
BS Trương Hữu Khanh:
- Nước dấp cá chỉ là một loại dung dịch có kháng khuẩn nguồn gốc thực vật nên cũng không làm hết bệnh sởi nhanh hơn. Sởi có phác đồ điều trị nên thực hiện theo phác đồ là được.
* Mấy hôm nay tôi nghe bệnh tay chân miệng nhiều quá nên sợ lắm, con tôi hai hôm nay thường nóng sốt nhưng cho uống thuốc thì hết. Bé nóng từ 6 giờ chiều đến 8 giờ tối thì ngưng. Bây giờ cháu không nóng sốt nữa, nhưng cứ cho ăn là khóc không chịu. Vậy cháu có bị tay chân miệng không? Tôi có cần chở cháu đi bệnh viện liền không? (Chị Trịnh Thị Kiều Linh, 27 tuổi, Trảng Bàng, Tây Ninh)
BS Trương Hữu Khanh:
- Nóng sốt do gì, trong mùa nào thì cũng phải thực hiện như nhau. Hạ sốt đúng, bú đủ sữa, uống đủ nước, ngủ đủ giấc, quá 48 giờ nên đi khám hay khi có dấu hiệu nặng như ói nhiều, li bì, co giật thì đi khám ngay. Muốn biết có tay chân miệng hay không thì nói bé lè lưỡi, xòe tay xem có mụn nước không rồi quan sát thêm ở vùng mông, gối, lòng bàn chân để phát hiện mụn nước.
* Trẻ bị sởi thì nên ăn gì và không nên ăn gì? (Hoàng Linh Phong, Hải Phòng)
BS Trương Hữu Khanh:
- Bệnh sởi không kiêng ăn gì cả, nhưng vì trẻ rất biếng ăn nên ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu và ăn thành nhiều bữa. Nếu trẻ ăn bình thường thì ăn những món ăn giống như trứơc khi bệnh.
* Bé 10 tuổi có bị tay chân miệng không bác sĩ? Tôi nghe nói chỉ bé từ 1-3 tuổi mới bị bệnh này, nhưng con trai tôi bị nổi nhiều nốt đỏ ở miệng, tay, chân, cháu sốt về chiều, tôi lo quá, chở đi bệnh viện thì có lây bệnh tay chân miệng ở bệnh viện không? (Anh Trần Văn Kiên, 21 tuổi, Bà Rịa Vũng Tàu)
BS Trương Hữu Khanh:
- 10 tuổi rất hiếm bị tay chân miệng, nhưng nếu nghi ngờ thì đi khám ở cơ sở y tế gần nhà.
* Thưa bác sĩ, con em nay 16 tháng, đang đi nhóm trẻ gia đình. Thấy đang có dịch tay chân miệng mà lo lắng quá. Ngoài vệ sinh nhà cửa, đồ chơi của con sạch sẽ, em phải chăm sóc con em sao để có thể phòng tránh bệnh này? (Võ Thị Tân Châu, Q. Gò Vấp, TP.HCM)
BS Trương Hữu Khanh:
- Cần rửa tay và đề nghị nhóm trẻ thực hiện biện pháp phòng ngừa như hướng dẫn của ngành y tế cho ngành giáo dục mầm non.
Bệnh nhi tay chân miệng mệt lả trong tay mẹ. Ảnh: Hiếu Nguyễn |
* Bác sĩ ở bệnh viện Đồng Nai nói con tôi bị tay chân miệng cho về theo dõi, nhưng nhà tôi ở xa bệnh viện, sợ nửa đêm cháu sốt cao thì không kịp chở tới nơi. Bác sĩ cho tôi hỏi, ở trạm y tế người ta có cấp cứu, có chữa được bệnh này không? Tôi phải làm sao khi con không được nhập viện mà ở nhà thì không yên tâm? (Mai Thị Hồng, 35 tuổi, Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai)
BS Trương Hữu Khanh:
- Thật ra, bệnh tay chân miệng hiếm khi xảy ra biến chứng trong vòng vài tiếng là gây tử vong. Bệnh viện Đồng Nai cho về tái khám là họ đã đánh giá mức độ nguy hiểm và thời gian khám lại ngay kịp thời rồi. Nên tái khám theo hẹn.
* Thưa bác sĩ, bệnh sởi cũng sốt, bệnh tay chân miệng cũng sốt, sốt siêu vi cũng sốt. Cái nào cũng nổi mụn đỏ hết. Vậy làm sao để phân biệt được ba bệnh này thưa bác sĩ? (Văn Thùy Dương, Bến Tre)
BS Trương Hữu Khanh:
- Bệnh sởi là phát ban, ho nhiều, sổ mũi li bì. Tay chân miệng thường là mụn nước. Sốt siêu vi mà chưa có mụn nước thì cũng không biết được là sởi hay tay chân miệng. Do đó, cần theo dõi, tái khám theo hẹn của bác sĩ.
* Bác sĩ cho tôi hỏi bệnh tay chân miệng có bị ở người lớn không? 3 ngày nay tôi sốt cao, miệng nổi nhiều mục như bị nhiệt miệng nhưng không chỉ ở lưỡi, hai bên má phía trong và cổ họng cũng bị loét rất nhiều, ăn uống rất khó khăn. Nếu đi khám, tôi nên khám ở bệnh viện nào? (Nguyễn Thế Anh, 33 tuổi, quận 8, TP.HCM)
BS Trương Hữu Khanh:
- Tay chân miệng hiếm gặp ở người lớn. Nếu nghi ngờ thì khám bác sĩ ở gần nhà. Theo mô tả như vậy thì khả năng nhiều là viêm loét miệng do loét apthous.
* Thưa bác sĩ, tôi làm công nhân ở khu công nghiệp nên tiếp xúc rất nhiều người. Có khi nào người lớn mang bệnh sởi về lây cho con trong nhà hay không? Người lớn bị sởi sẽ bị nặng hơn hay nhẹ hơn so với trẻ em? (Nguyễn Nghĩa Hiệp, Nha Trang)
BS Trương Hữu Khanh:
- Bạn nên đi chích ngừa sởi, rửa tay khi đến cơ quan, khi ra khỏi cơ quan và khi về đến nhà thì phải tắm rửa, thay quần áo rồi mới tiếp xúc với con. Người lớn mắc sởi ít hành hơn con nít nhưng là nguồn lây mạnh hơn.
* Thưa bác sĩ, bé bao nhiêu tháng thì có thể bị tay chân miệng? Đến mấy tuổi thì mới hết bị tay chân chân miệng? (Nguyễn Thị Thanh Thúy, Nhà Bè)
BS Trương Hữu Khanh:
- Trẻ dưới 3 tuổi mắc nhiều bệnh tay chân miệng, trẻ dưới 2 tuổi mắc nhiều hơn, trẻ dưới 1 tuổi biến chứng nhiều hơn. Trẻ trên 5 tuổi rất hiếm bị tay chân miệng.
* Thưa bác sĩ, khi trẻ bị sởi, có nên chuyển viện từ tỉnh về TP.HCM hay không? Bệnh viện ở địa phương có khả năng điều trị bệnh sởi hay không? (Trần Thanh Bình, Phú Yên)
BS Trương Hữu Khanh:
- Tất cả các bệnh viện tỉnh đều có khả năng điều trị bệnh sởi dù có biến chứng nặng nhất. Cho nên, bệnh sởi không cần điều trị ở thành phố hay tuyến trung ương.
* Bé nhà em đã từng bị tay chân miệng, như vậy có khả năng bị lại không ah? Nếu bị lại có phải sẽ nhẹ hơn không? (Võ Thị Hoàng Châu, Bến Tre)
BS Trương Hữu Khanh:
- Vẫn có khả năng bị lại cho nên chuyện phòng ngừa phải thực sự thường xuyên.
* Bé nhà con đã 18 tháng tuổi. Con làm công nhân nên điều kiện tài chính hạn chế. Con có nên tiêm phòng vắc xin phế cầu cho bé? (Bùi Thị Thảo Phương, TP.HCM)
BS Trương Hữu Khanh:
- Đúng là mũi phế cầu chi phí cao nhưng khi có điều kiện cũng nên thu xếp tiêm cho bé. Ngoài tiêm chủng mở rộng ra thì nên tiêm thêm thủy đậu, phế cầu, 18 tháng tuổi chích được.
* Bác sĩ ơi! Sau khi chích ngừa sởi mũi 2 (tổng hợp sởi – quai bị -rubella), bé 8 tuổi có nguy cơ bị nhiễm sởi không ạ? Bao lâu thì chích nhắc lại? (Lê Thu Uyên, Đồng Tháp)
BS Trương Hữu Khanh:
- Vậy thì không cần chích thêm nữa.
* Thưa bác sĩ, hiện nay có phải đang vào mùa phát bệnh sởi hay không? Nếu có, theo ông vì sao sởi lại bùng phát vào thời điểm này trong năm, có phải điều kiện thời tiết hiện nay quá thuận lợi để các bệnh truyền nhiễm như sởi hay tay chân miệng bùng phát hay không? (Lê Tấn Đại, Quảng Ngãi)
BS Trương Hữu Khanh:
- Theo kinh nghiệm của tôi, sởi thường xuất hiện vào cuối tháng 12, tăng dần lên đỉnh từ tháng 2 đến tháng 6, nghĩa là mùa thời tiết mát mẻ. Hiện nay, số ca bệnh xuất hiện nhiều, nếu không làm tốt việc phòng ngừa bằng vắc xin đúng tuổi, đúng lịch, tiêm vét các đối tượng chưa tiêm, người lớn không có ý thức tự tiêm phòng cho mình khi chưa tiêm đủ sẽ là nguồn lây cho người khác, và tất cả cùng làm chứ không phải riêng ngành y tế. Nếu không thực hiện thì bệnh sởi đến tháng 12 có thể sẽ tăng thêm cho đến sang năm. Nhưng may mắn là sởi có vắc xin, nên chích đúng sẽ ngăn được tình trạng lây lan bùng phát.
* Chào bác ạ! Con trai con 10 tuổi ngủ hay giật mình và khóc, mệt mỏi và nhiều lúc muốn nôn trong lúc khóc. Nhưng sáng hôm sau hỏi trẻ thì trẻ không nhớ gì. Bác cho em lời khuyên nên đi khám và điều trị ở đâu ạ! (Nguyễn Thị Hiền, Ninh Thuận)
BS Trương Hữu Khanh:
- Bạn nên coi lại sinh hoạt của bé. Xem ban ngày bé có chơi game hay coi phim bạo lực nhiều quá không!
Báo Phụ Nữ
Ảnh: Phùng Huy
Chia sẻ bài viết: |
Nám má một vấn đề rất thường gặp ở phụ nữ châu Á, tuy không ảnh hưởng về mặt sức khỏe, nhưng lại có tác động rất lớn về mặt thẩm mỹ gây mất tự tin cho người mắc tình trạng này.
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, bệnh tay chân miệng đang vào mùa, số ca bệnh trong tháng 9 tăng gấp đôi tháng 8.
Ai trong chúng ta cũng muốn sở hữu một làn da mịn màng, không tì vết, nhưng nếu lỡ bạn bị một vấn đề nào đó thì có nguy cơ sẽ để lại sẹo. Khi đó, làm thế nào để hạn chế tình trạng sẹo xấu?
Là phụ nữ, ai cũng mơ ước sở hữu một gương mặt mộc với làn da đẹp không tỳ vết. Muốn có làn da đẹp, khỏe khoắn, mịn màng chúng ta cần biết chăm sóc da mặt đúng cách và khoa học.
Việt Nam có khoảng 3 triệu trẻ em độ tuổi từ 0 - 15 mắc các tật khúc xạ phải đeo kính.
Dưới tác động của ánh nắng mặt trời, làn da dễ bị tổn thương dẫn đến nhiều vấn đề về da. Ngoài tránh nắng và sử dụng biện pháp che chắn như nón rộng vành, áo khoác, kính mát… thì sử dụng kem chống nắng rất quan trọng.
Suy giãn tĩnh mạch chi dưới còn gọi là suy giãn tĩnh mạch chân. Đây là bệnh rất thường gặp, xảy ra ở khoảng 10 - 35 % người lớn.
Từ 14g ngày 22/3/2019, báo Phụ Nữ TP.HCM tổ chức buổi giao lưu trực tuyến “Vitamin E – Công dụng diệu kỳ” với sự tham gia của bác sĩ Phương Mai – Chuyên khoa 2 Da liễu – Bệnh viện Da liễu TP.HCM.
Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về các bệnh răng miệng, Báo Phụ Nữ TP.HCM tổ chức buổi giao lưu trực tuyến “Làm sao để hơi thở thơm tho?”, từ 9g sáng ngày 7/12.
Nhiều bệnh nhân sau khi điều trị, tình trạng viêm dạ dày vẫn tái phát. Để giúp bạn đọc hiểu rõ về bệnh viêm dạ dày, cách chữa dứt điểm, Báo Phụ Nữ TP.HCM tổ chức buổi giao lưu trực tuyến “Viêm dạ dày chữa hoài không dứt?”.
Để giúp du khách tìm hiểu về visa đi Mỹ cùng tỷ lệ đậu cao, báo Phụ Nữ phối hợp cùng Công ty Du lịch Tugo tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề “Các bước xin visa Mỹ” vào lúc 9g00, thứ Năm ngày 25/10/2018.
9g sáng nay, 12/10, Báo Phụ Nữ TP.HCM phối hợp Bộ Y tế tổ chức giao lưu trực tuyến “Để mô hình bác sĩ gia đình phát huy hiệu quả tại y tế cơ sở”.
Báo Phụ Nữ TP.HCM phối hợp cùng với nhãn hàng sữa dê công thức DG tổ chức buổi giao lưu trực tuyến “Duy trì nhịp sinh lý cho bé khi sử dụng sữa công thức” vào lúc 9g00 ngày 25/9.
Báo Phụ Nữ phối hợp với nhãn hàng kẹo dẻo dinh dưỡng PNKids tổ chức buổi giao lưu trực tuyến lúc 14g00 ngày 12/9, với sự tư vấn của bác sĩ CKII Nguyễn Thị Thu Hậu - Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi Đồng 2.
Buổi giao lưu trực tuyến chủ đề "Tiêu chuẩn cái đẹp trong phẫu thuật thẩm mỹ" diễn ra từ lúc 9g ngày 24/8 tại Báo Phụ Nữ.
Ở phụ nữ 25 tuổi, trán và mi dưới xuất hiện nếp nhăn đầu tiên. Bước sang tuổi 30 tuổi xuất hiện vết chân chim ở đuôi mắt, 40 tuổi nếp nhăn thường trực ở trước tai và ngấn cổ nổi rõ…
Buổi giao lưu trực tuyến do Báo Phụ Nữ và Bệnh viện Quốc tế City phối hợp tổ chức, từ lúc 13g30 hôm nay, với sự tham gia của Thạc sĩ bác sĩ Trần Thị Kim Xuyến và Thạc sĩ bác sĩ Trần Thị Mai Thy.
Du lịch châu Âu chưa bao giờ dễ dàng và tiện lợi như hiện nay. Cảnh đẹp thơ mộng, những tòa nhà cổ kính, xen kẽ những nét huyền bí khiến ai cũng bị mê hoặc khi đặt chân đến châu Âu, nhất là vào mùa thu.