Đáng tiếc, nhiều người sợ đi khám bệnh ngày tết sẽ xui cả năm nên để bệnh diễn tiến nặng, nhất là những trường hợp không biết cách sơ cứu ban đầu.
Để giúp bạn đọc có một năm mới nhiều may mắn, sức khỏe bình an, lúc 9g sáng nay thứ Ba ngày 3/12/2019, báo điện tử Phụ Nữ TP.HCM - http://www.phunuonline.com.vn tổ chức buổi giao lưu trực tuyến “Những điều nên làm để không 'xông đất' bệnh viện ngày tết” với sự tư vấn của thạc sĩ - bác sĩ Vũ Ngọc Chức - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện quận Thủ Đức.
Mời bạn đọc tham gia đặt câu hỏi tại đây.
ThS-BS Vũ Ngọc Chức - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Quận Thủ Đức tham gia giao lưu trực tuyến Những điều nên làm để không 'xông đất' bệnh viện ngày tết |
|
NỘI DUNG GIAO LƯU
* Bác sĩ ơi, lợi dụng ngày Tết không la mắng, con tôi làm tới uống nước ngọt rất nhiều. Xin bác sĩ cho lời khuyên, nên cho cháu uống bao nhiêu là đủ, không hại cho sức khoẻ ạ. Em cảm ơn bác sĩ (Nguyễn Thị Mỹ Ánh, 27 tuổi, quận 9, TPHCM).
- ThS-BS Vũ Ngọc Chức - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Quận Thủ Đức:
Chào bạn.
Trước khi nói về những tác hại cho sức khỏe của "nước ngọt", chúng ta cần biết các thành phần chính trong nước ngọt gồm: nước, CO2 tạo gas, chất tạo ngọt, hương liệu, cafein, chất bảo quản, phẩm màu... Chất làm ngọt có thể là đường, xirô bắp high-fructose, nước ép trái cây, chất làm ngọt thay thế thường thấy trong các loại "không đường" hoặc các kết hợp của các loại trên.
Nước ngọt có nồng độ cao hơn nước uống, nên tác hại đầu tiên khi sử dụng nhiều đó là bé sẽ bị mất nước từ trong tế bào cơ thể, gây cảm giác khát và kích thích bé uống nước nhiều, tiếp tục uống nước ngọt nhiều hơn.
Tác hại thứ 2 đó là CO2 là chất tạo gas sẽ gây đầy bụng, khiến bé không sử dụng thêm được các thực phẩm khác và không đảm bảo dinh dưỡng.
Tác hại thứ 3 đó là việc sử dụng nhiều và lâu dài sẽ dẫn đến thừa cân, béo phì do lượng đường cao trong nước ngọt; khi sử dụng nhiều, dư thừa sẽ chuyển hóa thành mỡ tích tụ trong nội tạng, mỡ thành bụng.
Cuối cùng, đó là tác hại của các chất tạo màu và hương liệu, tùy thuộc nguồn gốc tự nhiên hay tổng hợp, nhưng theo tôi đa phần là hóa chất tổng hợp và khi vào cơ thể sẽ gây những tác hại khi sử dụng thời gian dài, trong đó có thể dẫn đến ung thư.
Vì những lý do trên, tôi không khuyến khích cho trẻ sử dụng nước ngọt, mà nên sử dụng "nước ngọt" tự nhiên đó là nước trái cây tươi sẽ tốt hơn cho bé. Bên cạnh đó, bạn nên cho trẻ uống đủ nước mỗi ngày, đảm bảo uống 20-30ml/kg nước/ngày.
Chăm sóc sức khỏe để không phải đến "thăm" bác sĩ vào dịp tết |
|
* Tôi đang chăm người thân nằm bệnh viện và cảm thấy mệt trong người nên quyết định đến khoa Cấp cứu, Bệnh viện Quận Thủ Đức yêu cầu truyền đạm. Nhưng bác sĩ không đồng ý và yêu cầu tôi xét nghiệm máu, làm nhiều thủ tục khác trước khi chỉ định có truyền cho tôi hay không. Bản thân tôi thấy bệnh viện gây khó khăn vì tôi vẫn tự truyền ở một số phòng khám gần nhà mà có cần kiểm tra trước gì đâu? (Nguyễn Phương Đông, sinh năm 1978, quận 12, TP.HCM)
- ThS-BS Vũ Ngọc Chức - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Quận Thủ Đức:
Chào chị.
Bác sĩ cần xét nghiệm máu và làm nhiều thủ tục khác trước khi chỉ định truyền dịch cho bệnh nhân. Trong cơ thể của mỗi con người đều có các chỉ số trung bình trong máu, về các chất đạm, đường, muối, các chất điện giải... Nếu một trong các chỉ số trung bình trên còn thấp hơn mức độ chỉ số bình thường cho phép, lúc đó chúng ta mới bù đắp.
Để quyết định bệnh nhân có cần truyền dịch hay không, các bác sĩ thường dựa vào các kết quả của xét nghiệm để thấy được trường hợp nào cần thiết, trường hợp nào chưa cần thiết để truyền bổ sung và số lượng bổ sung là bao nhiêu.
Trong một số trường hợp đặc biệt, dù chưa có kết quả xét nghiệm nhưng các bác sĩ vẫn phải cho bệnh nhân truyền đạm. Điều này xảy ra khi người bệnh bị mất nước (do nôn quá nhiều, tiêu chảy), mất máu, bị ngộ độc, suy dinh dưỡng nặng hoặc các bệnh nhân trước và sau khi phẫu thuật.
Còn đối với những bệnh nhẹ thì tốt nhất không nên truyền dịch. Nếu cơ thể bị mất nước nhưng vẫn ăn uống được thì truyền đạm không tốt bằng phương pháp bù nước qua đường uống. Cụ thể, truyền một chai glucose 5% chỉ tương đương với việc uống gần một thìa cà phê đường, truyền một chai dung dịch muối 9% chỉ như uống một bát canh nhạt.
Tự ý truyền dịch có thể gây ra những tai biến khó lường. Đặc biệt, không phải nhân viên y tế nào cũng biết cách ứng phó trước nguy cơ tai biến, dị ứng, sốc, nhiễm khuẩn, phù não... ở bệnh nhân.
Một số người khỏe mạnh tự ý truyền dịch để bồi bổ sức khỏe cần đặc biệt thận trọng. Các biến chứng xảy ra khi tự ý truyền dịch có thể ở dạng nhẹ hoặc nặng. Trường hợp nhẹ, người bệnh bị sưng phù, đau tại vùng tiêm truyền hoặc chán ăn vì dung mao ruột thoái hóa.
Trường hợp nặng, người bệnh có thể bị viêm tĩnh mạch, bị phù tim, thận vì cơ thể buộc phải tiếp nhận lượng dinh dưỡng và lượng nước quá lớn.
Đặc biệt, có trường hợp bệnh nhân bị sốc phản vệ, tử vong sau khi tự ý truyền đạm.
Do vậy, về nguyên tắc, cần lưu ý tới những vấn đề sau khi có ý định truyền đạm cho cơ thể:
• Bệnh nhân không được tự ý đến cơ sở y tế, quầy bán dược phẩm hoặc mời dược sĩ về nhà truyền dịch khi chưa được khám, xét nghiệm các chỉ số liên quan. Thay vào đó, người bệnh chỉ truyền đạm khi có chỉ định của bác sĩ xác định rõ tình trạng cơ thể của chúng ta cần loại dịch truyền gì, liều lượng bao nhiêu.
• Nên truyền đạm ở những cơ sở y tế có các bác sĩ chuyên môn giỏi, có dụng cụ và thiết bị xử lý phù hợp khi xảy ra tai biến, phải kiểm tra hạn dùng bộ dây truyền và túi đựng.
Nên truyền dịch tại các cơ sở y tế lớn, có uy tín:
• Trước khi truyền, cần cho chảy những giọt dịch đầu tiên ra ngoài để loại bỏ hết bọt khí trước khi cho dung dịch truyền vào mạch máu người bệnh.
• Tuân thủ tuyệt đối các quy định trong truyền đạm về tốc độ, thời gian, liều lượng. Đồng thời, dụng cụ truyền dịch phải đảm bảo vô khuẩn tuyệt đối và bác sĩ phải thường xuyên theo dõi tình trạng của bệnh nhân.
• Khi đang truyền dịch, nếu cơ thể có những biểu hiện bất thường như khó thở, rét run, phù chỗ tiêm,... bệnh nhân cần báo ngay cho nhân viên y tế để kịp thời xử trí, tránh những biến chứng nguy hiểm hơn.
• Các cơ sở y tế phải có thuốc cấp cứu chống sốc, để nếu không may xảy ra tai biến có thể cấp cứu bệnh nhân kịp thời.
• Khi cơ thể chán ăn, gầy yếu, người bệnh nên xem lại chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, vận động. Trong trường hợp còn ăn uống được, thay vì truyền dịch, bạn nên bổ sung vào chế độ ăn các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng như cá, thịt, trứng, sữa... vì cách này tốt và an toàn hơn so với truyền đạm. Bởi vậy, với những người không quá suy yếu, còn hấp thu thức ăn qua đường tiêu hóa được thì ăn uống là cách bồi bổ cơ thể tốt nhất, vừa kinh tế, vừa an toàn.
Người bệnh chỉ truyền đạm khi có chỉ định của bác sĩ |
|
* Chào bác sĩ. Ngày tết thường có nhiều món ngon, giàu đạm. Thật khó để cưỡng lại khi tiệc tùng khắp nơi, bạn bè chèo kéo. Nhưng tôi đã trên 50 tuổi rồi, bộ máy tiêu hóa không còn khỏe, nên mỗi khi ăn nhiều đạm là lại bị rối loạn tiêu hóa. Nghe nói uống men vi sinh đường ruột sẽ tốt cho tiêu hóa, bác sĩ tư vấn giúp, tôi nên uống loại nào thì tốt. Cảm ơn. (Vi Thị Bích, 54 tuổi, Gò Vấp, TP.HCM)
- ThS-BS Vũ Ngọc Chức - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Quận Thủ Đức:
Chào chị.
Các món ngon giàu đạm thì nên ăn vào buổi sáng, trưa, hạn chế ăn vào buổi tối sẽ tốt hơn cho tiêu hóa. Ngoài ra, nên vận động tối thiểu 30 phút/ ngày sẽ giúp cho việc tiêu hóa thức ăn tốt hơn.
Việc sử dụng men vi sinh đường ruột, bản chất là các vi khuẩn có lợi giúp tiêu hóa thức ăn tốt hơn. Trên thị trường có rất nhiều loại men tiêu hóa, bản chất là các loại vi khuẩn lactobacillus như enterogemina, probio....
* Tết thì không thể thiếu bia rượu, nhưng uống nhiều thì sẽ hại gan. Có thuốc gì giúp giải độc gan không, thưa bác sĩ? (Trần Văn Khâm, 45 tuổi, Gò Dầu, Tây Ninh)
ThS-BS Vũ Ngọc Chức - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Quận Thủ Đức:
Chào anh.
Tốt nhất nên uống rượu bia vừa phải.Ví dụ, 1 ngày sử dụng 50ml rượu mạnh hoặc 100ml rượu vang là lý tưởng nhất. Khi sử dụng nhiều và kéo dài có thể dẫn đến các tình trạng xơ gan, gan nhiễm mỡ, rối loạn mỡ máu, ngộ độc rượu do sử dụng rượu không rõ nguồn gốc...
Các thuốc giải độc gan khi sử dụng phải có chỉ định của bác sĩ, các thuốc này mục đích là hỗ trợ chuyển hóa rượu tại gan.
Khi ngộ độc rượu xảy ra sẽ sử dụng các thuốc để trung hòa độc tố hoặc thậm chí phải lọc máu, điều trị thay thế thận.
|
Thạc sĩ - bác sĩ Vũ Ngọc Chức - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Quận Thủ Đức |
* Tết cũng là lúc thời tiết Nam bộ thay đổi thất thường, trẻ em rất dễ bị bệnh. Con tôi mới 3 tuổi, tết năm ngoái cháu phải nằm viện gần 1 tuần vì sốt cao, viêm họng và tiêu chảy. Tôi phải làm gì để năm nay cả nhà ăn tết vui vẻ, không phải chăm con trong bệnh viện? (Lương Bình An, 31 tuổi, quận 12, TP.HCM)
ThS-BS Vũ Ngọc Chức - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Quận Thủ Đức:
Trước hết, chị cần cung cấp đủ dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày, đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh tay, chính ngừa cúm hàng năm, ngoài ra khi bị sốt thì đi khám bác sĩ, sử dụng thuốc hạ sốt, uống nước đầy đủ...
* Thưa bác sĩ. Tết nhất thì phải ăn uống. Mà ăn vào thì có khi trúng thực, nhưng không phải lúc nào cũng phải đi bệnh viện. Xin bác sĩ tư vấn 1 số loại thuốc có thể trữ sẵn ở nhà phòng khi đau bụng, ói mửa. Xin cám ơn bác sĩ. (Phú Giáo, Bình Dương)
- ThS-BS Vũ Ngọc Chức - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Quận Thủ Đức:
Chào bạn.
Khi xảy ra các dấu hiệu nghi ngờ ngộ độc thực phẩm như đau bụng, ói, tiêu chảy,... bạn nên đi khám tại bệnh viện để được đánh giá mức độ của bệnh và được điều trị tốt hơn.
Một số thuốc có thể sử dụng tại nhà như oresol, men tiêu hóa. Còn các loại thuốc giảm đau, giảm tiêu chảy, chống ói cần có chỉ định của bác sĩ, không được tự ý uống.
* Thưa bác sĩ. Mẹ tôi nay 62 tuổi, tiểu đường, huyết áp cao. Tết nhất thì lúc nào cũng ăn nhiều hơn bình thường, xin bác sĩ tư vấn giúp làm sao được ăn uống “hoành tráng” hơn chút xíu mà vẫn đảm bảo đường huyết không tăng, huyết áp không tăng? Xin cám ơn. (Vũ Ngọc Thanh, 35 tuổi, Châu Thành, Tiền Giang)
- ThS-BS Vũ Ngọc Chức - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Quận Thủ Đức:
Chào chị.
Tùy thuộc vào phân độ huyết áp, mức độ kiểm soát đường huyết, thuốc điều trị mà mỗi người có 1 chế độ ăn phù hợp. Cách phòng tránh là ăn nhạt, tăng rau, giảm các thức ăn nhiều mỡ động vật, nội tạng động vật, sử dụng các thực phẩm tươi, sạch...
* Bố em bị máu nhiễm mỡ, thức ăn ngày tết thường có nhiều mỡ, đường, tinh bột... không tốt cho sức khỏe. Có các loại thực phẩm nào dành cho người máu nhiễm mỡ không thưa bác sĩ? (Linh Trang, Cà Mau)
- ThS-BS Vũ Ngọc Chức - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Quận Thủ Đức:
Thực phẩm giúp hạn chế mỡ máu là các loại thực phẩm từ thực vật: rau xanh, củ, quả, nấm các loại...
Các thực phẩm gây hại cho sức khỏe, làm tăng mỡ máu như da, mỡ, nội tạng động vật, lòng đỏ trứng... nên hạn chế ăn.
Ngoài ra, tùy vào mức độ và loại rối loạn mỡ máu mà bạn cần cho bố sử dụng thuốc phù hợp theo chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, cần tăng cường tập thể dục, đảm bảo tối thiểu 30 phút mỗi ngày.
* Chào bác sĩ. Ngày tết các bác sĩ có phải đi làm không? Việc phục vụ bệnh nhân có bình thường như ngày thường không ạ? Nếu không, xin bác sĩ tư vấn giúp là người nhà bệnh nhân cần chuẩn bị những gì nếu như lỡ có người nhà nhập viện ngày tết. Xin cám ơn. (25 tuổi, Biên Hòa, Đồng Nai)
- ThS-BS Vũ Ngọc Chức - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Quận Thủ Đức:
Chào chị.
Ngày tết, hoạt động cấp cứu vẫn đảm bảo để tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, các khoa lâm sàng cũng phân công bác sĩ trực để đảm bảo công việc ngày tết.
Ví dụ, tại Bệnh viện Quận Thủ Đức vẫn duy trì 5 bác sĩ và 10 điều dưỡng làm việc tại khoa Cấp cứu để đảm bảo hoạt động chuyên môn.
|
ThS-BS Vũ Ngọc Chức - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Quận Thủ Đức |
* Nhờ bác sĩ tư vấn giúp chế độ ăn tốt cho người bệnh Gút vào dịp tết. Thú thật, đồ ăn nhiều mà không được ăn thì cay lắm bác sĩ ạ. (Lê Bình, 55 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Hội)
- ThS-BS Vũ Ngọc Chức - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Quận Thủ Đức:
Chào anh.
Rượu bia và thực phẩm chứa nhiều chất đạm như hải sản, thịt là những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến cơ gút cấp ở những người đã có bệnh Gút trước đó. Nên việc hạn chế rượu bia và những thực phẩm này sẽ phòng ngừa được cơn đau do gút cấp.
Ngoài ra, việc sử dụng các thuốc điều trị Gút nhằm giảm acid uric máu theo chỉ định của bác sĩ cũng sẽ giúp hạn chế được điều này.
* Thưa bác sĩ. Bé nhà em được 10 tháng (nặng 9kg), em nên trữ thuốc hạ sốt loại nào để phòng bé sốt cao ạ, nhất là mấy ngày tết. Xin cám ơn. (Trần Vy, 28 tuổi, quận 6, TP.HCM)
- ThS-BS Vũ Ngọc Chức - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Quận Thủ Đức:
Chào em.
Hiện tại có 2 loại thuốc hạ sốt được sử dụng để điều trị sốt ở trẻ em là paracetamol và ibuprofen.
Thuốc được sử dụng tại nhà nên là paracetamol với liều 10-15mg/kg mỗi 4-6 tiếng, dùng khi nhiệt độ lớn hơn 38,3 độ C.
Đối với ibuprofen chỉ sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ.
* Chào bác sĩ. Nhà em có em bé nhỏ, nóng sốt thất thường, với những biểu hiện nào của bé thì phải nhập viện, còn nóng sốt mức nào thì mình giữ ở nhà để bác sĩ cũng có thể vui tết với gia đình. Xin cám ơn. (Ngọc Trinh, 28 tuổi, Bến Lức, Long An).
- ThS-BS Vũ Ngọc Chức - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Quận Thủ Đức:
Chào chị.
Bé bị sốt kèm theo những biểu hiện cảnh báo nguy hiểm sau đây thì cần phải đưa đến bệnh viện: sốt trên 39 độ C không đáp ứng với thuốc hạ sốt, sốt kéo dài trên 3 ngày, bé không ăn uống được, nôn ói hết mọi thứ, li bì, khó tiếp xúc, co giật...
Tốt nhất, chị nên đưa trẻ đi bác sĩ khi bé bị sốt để xác định nguyên nhân và độ nặng của bệnh. Các thuốc có thể sử dụng tại nhà: paracetamol và uống đủ nước.
* Ngày tết thường phải nấu nướng nhiều, tôi thấy mọi người hay bảo nhau nếu phỏng thì dùng kem đánh răng bôi lên chỗ phỏng, cách này có đúng? Bác sĩ tư vấn giúp tôi các bước sơ cứu khi bị phỏng? (Trần Linh Nga, Long An)
- ThS-BS Vũ Ngọc Chức - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Quận Thủ Đức:
Các bước sơ cứu khi bị bỏng như sau: tách khỏi nguồn gây bỏng, rửa trực tiếp vùng bỏng dưới vòi nước sinh hoạt trong vòng khoảng 20 phút, không rửa với nước lạnh hoặc nước đá.
Sau đó, bảo vệ vùng bỏng bởi khăn sạch hoặc ni lông sạch, không bôi bất kỳ thứ gì lên vùng bị bỏng. Có thể sử dụng thuốc giảm đau uống như paracetamol hoặc ibuprofen và đến khoa cấp cứu của bệnh viện gần nhất để được xử trí phù hợp.
ThS-BS Vũ Ngọc Chức - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Quận Thủ Đức trả lời giao lưu trực tuyến Những điều nên làm để không 'xông đất' bệnh viện ngày tết |
|
* Tôi mới chớm bị cao huyết áp. Bác sĩ dặn phải cữ đồ mặn. Tết này tôi có nên kiêng cữ bớt các món như thịt kho, mứt... không? Tôi bị cao huyết áp nhưng thỉnh thoảng mới uống thuốc, như vậy bệnh có tiến triển tới mức phải uống mỗi ngày không, nếu tôi không kiêng mặn, mỡ và tập thể dục? Cám ơn bác sĩ. (Kim Kim, Đà Nẵng)
- ThS-BS Vũ Ngọc Chức - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Quận Thủ Đức:
Chào chị.
Điều trị tăng huyết áp bao gồm 2 phương pháp chính là sử dụng các thuốc hạ áp và thay đổi lối sống.
Việc thay đổi lối sống đóng vai trò rất quan trọng trong điều trị tăng huyết áp, bao gồm tăng vận động thể lực đảm bảo tối thiểu 30 phút mỗi ngày, giảm ăn mặn, giảm mỡ động vật...
Thuốc điều trị tăng huyết áp cần uống mỗi ngày theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý ngưng thuốc hay tăng/giảm liều lượng thuốc.
* Bác sĩ cho hỏi, ngày tết uống rượu bia nhiều, có cách nào giải rượu nhanh nhất? Trường hợp uống phải rượu giả thì có cách nào giải được ở nhà mà không cần đến bệnh viện? (Văn Hùng, TP.HCM)
- ThS-BS Vũ Ngọc Chức - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Quận Thủ Đức:
Chào anh.
Cách hạn chế tác hại của bia rượu là hạn chế sử dụng bia rượu. Nếu sử dụng thì phải dùng loại có nguồn gốc rõ ràng, với số lượng 50ml rượu mạnh hoặc 100ml rượu vang, hoặc 1 lon bia mỗi ngày là vừa đủ.
Dấu hiệu nghi ngờ ngộ độc rượu do rượu chứa thành phần methanol sẽ gây ra các hậu quả nghiêm trọng như nhìn mờ, đau đầu, lơ mơ, thậm chí là mê, khi ấy anh cần đến khoa cấp cứu của bệnh viện gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
* Tôi 42 tuổi, từng điều trị viêm gan C cách đây 5 năm. Tuy nhiên, trong quá trình ăn uống mỗi ngày tôi vẫn cẩn thận không dùng thực phẩm có hại đến gan. Xin hỏi bác sĩ, liệu tết này tôi có thể ăn uống thoải mái được không, sau thời gian hết bệnh đã 5 năm? Xin cảm ơn bác sĩ đã tư vấn. (Kim Thủy, Huế)
- ThS-BS Vũ Ngọc Chức - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Quận Thủ Đức:
Chào chị.
Có nhiều thuốc và thực phẩm hại cho gan. Các thuốc gây hại cho gan thường gặp nhất là paracetamol, ngoài ra còn nhiều loại thuốc khác, vì vậy khi sử dụng bất kỳ thuốc nào cũng cần có chỉ định của bác sĩ.
Về thực phẩm, rượu bia là nguyên nhân hàng đầu hại gan. Tốt nhất chị nên hạn chế các loại thực phẩm gây hại gan vì có thể góp phần dẫn đến xơ gan, ung thư gan trên nhóm người đã có viêm gan C.
* Tôi bị viêm xoang mãn. Tết năm nào cũng bị viêm tấy, nhức đầu, nằm một chỗ. Chỉ khi uống kháng sinh thì mới bớt. Nhưng tôi rất sợ uống kháng sinh vì lo bị kháng kháng sinh, thêm nữa uống nhiều sẽ bị táo bón và tác dụng phụ. Có cách nào để tránh phải vào bệnh viện với cái mũi sưng tấy, thưa bác sĩ? (Lê Thị Hồng Ngát, 56 tuổi, Thủ Đức, TP.HCM)
- ThS-BS Vũ Ngọc Chức - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Quận Thủ Đức:
Chào chị.
Chị có thể phòng ngừa bằng cách chích ngừa cúm hàng năm, đảm bảo vệ sinh vùng mũi họng khi sử dụng nước muối sinh lý hoặc nước biển sâu, ăn nhiều thực phẩm chứa vitamin C, nên đi khám bác sĩ khi có những dấu hiệu bệnh.
* Ba tôi 76 tuổi, vẫn khỏe mạnh, không mắc bệnh nan y. Mỗi ngày, ba tôi uống 2 lon bia lúc ăn cơm tối, đều đặn như vậy từ 3 năm nay. Xin bác sĩ tư vấn, nếu uống như vậy có hại cho sức khỏe không? Nếu tết này, ba tôi uống nhiều hơn, ví dụ 5 lon mỗi ngày thì có hại gì cho sức khỏe người lớn tuổi không?
Ngoài ra, nếu đã uống bia như vậy thì nên kiêng cữ loại thực phẩm nào để không thừa dinh dưỡng, sinh bệnh tật. Cảm ơn bác sĩ. (Hoàng Yến, TP.HCM)
- ThS-BS Vũ Ngọc Chức - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Quận Thủ Đức:
Chào bạn.
Sử dụng bia rượu lý tưởng mỗi ngày là 50ml rượu mạnh hoặc 100ml rượu vang, hoặc 1 lon bia, khi sử dụng liều lượng như vậy thì cũng có lợi cho hệ tim mạch và tiêu hóa. Việc sử dụng 2 lon mỗi ngày vẫn có thể chấp nhận được.
Tùy thuộc bệnh kèm theo của người bệnh (tăng huyết áp, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ, xơ gan...) thì việc dùng nhiều rượu bia hơn mức lý tưởng có thể dẫn đến biến chứng như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy gan cấp...
* Ông của tôi 73 tuổi. Mấy năm gần đây, tôi để ý thấy vào dịp tết, ông thường bị đau bụng, nóng rát vùng thượng vị, ợ chua, có khi nôn sau những bữa ăn nhiều đạm. Tết năm ngoái ông còn phải nhập viện vì viêm dạ dày cấp. Có cách nào để ông tôi ăn tết vui vẻ, khỏe mạnh, tránh bệnh tật? (Vi Thị Thơm, 25 tuổi, Biên Hòa, Đồng Nai)
- ThS-BS Vũ Ngọc Chức - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Quận Thủ Đức:
Chào bạn.
Các nguyên nhân gây viêm dạ dày cấp là nhiễm vi khuẩn HP (lây qua đường ăn uống), do thuốc làm thay đổi thành phần dịch tiết trong dạ dày, do các thực phẩm chua...
Trước tết, bạn nên đưa ông đến các cơ sở y tế để được xác định nguyên nhân gây viêm dạ dày cấp và cũng để loại trừ bệnh lý ác tính đường tiêu hóa, trong đó có ung thư dạ dày, để được điều trị phù hợp và yên tâm ăn tết.
Đồng thời, gia đình cũng cần đảm bảo thời gian các bữa ăn trong ngày, hạn chế các thực phẩm cay, chua là tác nhân gây hại cho dạ dày.
* Bác sĩ cho em hỏi, với người bị cao huyết áp có nên đi vái lạy nhiều không. Mẹ tôi hay lạy ở chùa chiền cả vài trăm cái mỗi lần. (Nguyễn Tân Linh, 43 tuổi, TP.HCM)
- ThS-BS Vũ Ngọc Chức - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Quận Thủ Đức:
Chào anh.
Trong điều trị tăng huyết áp thì phải đảm bảo dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ hàng ngày, chế độ ăn giảm muối, tập thể dục mỗi ngày để duy trì mức huyết áp phù hợp.
Với việc mẹ anh hay đi chùa, khói nhang chứa thành phần khí CO2, CO, đặc biệt là khí CO có thể dẫn đến tình trạng ngộ độc khí, gây suy hô hấp...
* Thưa bác sĩ. Chị bạn tôi có đứa con gái bị xương thủy tinh, rất tội, chỉ vô ý xíu thôi làm bé té là bị gãy xương liền, mà chị ấy phải lo làm các món tết để cung cấp cho khách kiếm thu nhập. Tôi muốn giúp chị trông cháu dịp này, nhưng hồi hộp quá. Bác sĩ tư vấn giúp tôi cách chăm sóc người bị xương thủy tinh với ạ! Xin cám ơn. (Quỳnh, 35 tuổi, quận 3, TP.HCM)
- ThS-BS Vũ Ngọc Chức - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Quận Thủ Đức:
Chào bạn. Cách phòng ngừa hiệu quả nhất là không để trẻ bị bệnh xương thủy tinh ngã, gây chấn thương.
* Cháu nội tôi 3 tuổi nhưng thường viêm phổi lặp đi lặp lại, nhất là gần tết. Bác sĩ cho tôi hỏi, khi nào cần đưa bé đi bệnh viện, dấu hiệu tăng nặng của bệnh này và sơ cấp cứu như thế nào nếu bé trở nặng? (Trần Thị Mành, 47 tuổi, Tân Hồng, Đồng Tháp)
- ThS-BS Vũ Ngọc Chức - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Quận Thủ Đức:
Chào chị.
Các dấu hiệu gợi ý viêm phổi sớm cần phải đến bác sĩ khám là ho kèm theo sốt kéo dài và sốt trên 4 ngày, khò khè thở mệt, tím tái, thở gắng sức.
Chích ngừa cúm hàng năm là biện pháp phòng ngừa viêm phổi ở trẻ em dưới 5 tuổi.
* Tôi có 2 con nhỏ, ngày tết khách khứa nhiều nên đôi lúc sợ không để mắt tới con, sợ nhất là cháu bị hóc dị vật. Tôi muốn trang bị kiến thức về việc sơ cấp cứu trong trường hợp trẻ bị hóc dị vật, nhờ bác sĩ tư vấn giúp. Tôi cảm ơn. (Lê Duy Anh, Đồng Nai)
- ThS-BS Vũ Ngọc Chức - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Quận Thủ Đức:
Cấp cứu dị vật đường thở ở trẻ em gồm 2 thao tác chính là vỗ lưng và ấn ngực (theo hướng dẫn của Hội Tim mạch Hoa Kỳ).
Tốt nhất, anh nên tham gia khóa học về sơ cấp cứu, trong đó có kỹ năng cấp cứu dị vật đường thở sẽ giúp anh thực hiện đúng và hiệu quả.
Báo Phụ Nữ
Ảnh: Phùng Huy