Giao lưu trực tuyến 'Làm thế nào để bé thích ăn rau?'

05/09/2018 - 09:00

PNO - Báo Phụ Nữ phối hợp với nhãn hàng kẹo dẻo dinh dưỡng PNKids tổ chức buổi giao lưu trực tuyến lúc 14g00 ngày 12/9, với sự tư vấn của bác sĩ CKII Nguyễn Thị Thu Hậu - Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi Đồng 2.

Vậy làm sao để bé thích hoặc không thích ăn rau mà vẫn đảm bảo đủ dưỡng chất đế phát triển toàn diện? Báo Phụ Nữ phối hợp với nhãn hàng kẹo dẻo dinh dưỡng PNKids tổ chức buổi giao lưu “Làm thế nào để bé thích ăn rau” vào lúc 14g00 ngày 12/9, với sự tư vấn của bác sĩ CKII Nguyễn Thị Thu Hậu - Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi Đồng 2.

Giao luu truc tuyen 'Lam the nao de be thich an rau?'
Đại diện Báo Phụ Nữ tặng hoa cho bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hậu (bên phải) tại buổi giao lưu

Đây là dịp để các mẹ giải đáp các thắc mắc qua tư vấn trực tiếp của bác sĩ, mẹ sẽ hiểu đúng nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày của con hơn là chỉ cảm nhận cảm quan. Với các bà mẹ có con nhỏ không thích ăn rau, thiếu vi chất… xin mời đặt câu hỏi tại đây.

“Tại sao trẻ cần phải ăn rau?”, “Con không ăn được rau thì vẫn ăn được thịt, cá”, “Con tôi vẫn bình thường, nên bé không thể thiếu dưỡng chất”, “Làm sao biết trẻ có được bổ sung đủ dưỡng chất chưa?”…

Giao luu truc tuyen 'Lam the nao de be thich an rau?'

Nhiều mẹ đang rất lúng túng, thậm chí là hiểu sai hoặc đau đầu khi con không chịu ăn rau, trong khi đây lại là nguồn cung cấp hàm lượng lớn vitamin và khoáng chất hỗ trợ cho sự phát triển của trẻ. Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, ước tính Việt Nam có khoảng 7,5 triệu trẻ em dưới 5 tuổi nhưng có đến một triệu trẻ bị thiếu vitamin A. Ngoài ra, 70% trẻ dưới 5 tuổi bị thiếu hụt kẽm, dưỡng chất tác động trực tiếp đến khả năng hấp thụ dinh dưỡng. Nguyên nhân chủ yếu của việc trên là do trẻ không thích ăn rau, hoặc do mẹ không biết cách chế biến bữa ăn để trẻ chịu ăn rau.


Dưới đây là nội dung cuộc giao lưu:

* Bé 6 tuổi nhà tôi rất lười ăn rau và bị táo bón nặng. Dụ bé ăn dưới mọi hình thức mà vẫn không được, nhìn con đau mà tôi không làm gì được. Tôi đang rất stress vì vấn đề này. Bác sĩ có cách nào "giải cứu" không ạ? (Minh Anh, Tiền Giang)

BS Nguyễn Thị Thu Hậu:

- Táo bón ở trẻ em chủ yếu do chế độ ăn và sinh hoạt, ăn nhiều rau, trái cây, nhằm mục đích cung cấp đủ chất xơ và uống nhiều nước để làm mềm phân là phòng ngừa táo bón.

Khi táo bón đã xảy ra, bạn cần dùng thuốc làm mềm phân, cần tháo phân mỗi ngày và tập cho bé thói quen đi vệ sinh hằng ngày, chế độ ăn là hỗ trợ.

Bạn không thể dùng chất xơ và nước đơn thuần để điều trị táo bón. Bạn có thể cho bé khám chuyên khoa tiêu hóa và dinh dưỡng để được tham vấn cụ thể hơn.

* Bác sĩ ơi cho em hỏi, bé 2 tuổi thì cần ăn bao nhiêu rau củ thì tốt? Bé nhà em thì chịu ăn rau, không đến nỗi "tuyệt thực" với rau như các bé khác, nhưng cũng không ăn nhiều, lúc ăn, lúc không. Trái cây thì chỉ thích táo thôi. Ăn nhiều thì lại no, không ăn bữa chính được. Vậy ăn bao nhiêu là đủ ạ? (Phan Ngọc Tiên, Hậu Giang)

BS Nguyễn Thị Thu Hậu:

- Chào bạn. Nhu cầu rau củ quả của mỗi bé thay đổi tùy thuộc chế độ ăn hàng ngày và cấu tạo hệ tiêu hóa của từng bé.

Thông thường, bé cần từ 100-300gr, phải ăn cả xác để nhận được chất xơ và đầy đủ các vitamin. Gia đình nên làm gương cho trẻ, tập cho bé thói quen ăn rau và trái cây từ nhỏ, khen và động viên khi bé tập ăn rau tốt, cho trẻ tham gia chuẩn bị bữa ăn, bé sẽ rất thích ăn những món tự tay mình làm.

Thân ái.

Giao luu truc tuyen 'Lam the nao de be thich an rau?'
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hậu trả lời câu hỏi của bạn đọc

* Bé nhà mình hôm nay tròn 22 tháng, ăn cơm được gần 1 tháng rồi nhưng bé không ăn cơm với thức ăn mà ăn riêng hoặc miếng nọ miếng kia xen kẽ, không ăn cơm trộn nước. Bé nhất định không chịu ăn rau dưới mọi hình thức. Như thế thì thiếu vitamin và khoáng chất rồi. Làm thế nào khi bé không chịu ăn rau? (Trần Minh Diệp, An Giang)

BS Nguyễn Thị Thu Hậu:

- Chào bạn. Trẻ có thể ăn từng món riêng hoặc chế biến chung, miễn là bé thấy ngon miệng và phù hợp với bữa ăn của gia đình.

Bạn có thể dùng các phim hoạt hình với những nhân vật dễ thương mà bé yêu thích có ăn rau để làm gương cho bé. Nên động viên bé thử từ ít tới nhiều những món dễ ăn, từng chút một, nên khen và khuyến khích bé, đừng la rầy. Phần thiếu sẽ bổ sung qua trái cây và các vitamin.

* Chào bác sĩ. Bé nhà tôi 5 tuổi. Ngay từ khi biết ăn dặm, bé đã không chịu ăn bất cứ loại rau nào, dù chỉ là dùng nước luộc rau để pha bột hay nấu cháo là cháu sẽ bị tiêu chảy. Bé cũng chỉ ăn duy nhất một loại trái cây là chuối. Tôi rất lo con mình bị thiếu chất dù cháu phát triển bình thường. Tôi cho cháu ăn chuối hàng ngày, ăn yaourt nên bé không bị táo bón. Có vẻ bé bị dị ứng với rau xanh, phải không thưa bác sĩ? (Lê Ngọc Loan, Hà Nội)

BS Nguyễn Thị Thu Hậu:

- Chào bạn. Có lẽ con bạn có hệ tiêu hóa khá nhạy cảm với chất xơ trong rau quả, bé cần được khám tại bệnh viện chuyên khoa nhi để xác định xem có bệnh lý gì đi kèm hay không.

Ngày nào cũng ăn chuối không hại nhưng làm bé dễ ngán, bạn nên tập cho bé ăn từng ít một những loại trái cây, rau khác để bé làm quen dần.

Bạn có thể sử dụng dạng vitamin bổ sung hàng ngày để bù phần thiếu cho bé trong khẩu phần.

* Bé nhà em rất thích ăn tảo xoắn và rong biển, hai loại này nếu ăn nhiều quá không biết có ảnh hưởng tới đường tiêu hóa của trẻ không ạ? Vì em thấy đây là hai sản phẩm có chứa quá nhiều chất dinh dưỡng. (Trần Hà An, Hải Dương)

BS Nguyễn Thị Thu Hậu:

- Chào bạn. Tảo xoắn và rong biển là thức ăn có lợi cho sức khỏe, giàu đạm, chất xơ, i-ốt và nhiều loại vitamin khác. Cơ thể có cơ chế tự điều hòa, nếu dư sẽ không hấp thu nữa.

Nhưng bạn nên tập cho bé ăn đa dạng các thức ăn thì sẽ nhận được các chất dinh dưỡng cân đối hơn, tránh được tình trạng bé ngán loại thức ăn đã ăn thường xuyên, trong khi các thức ăn khác thì chưa được làm quen.

Giao luu truc tuyen 'Lam the nao de be thich an rau?'

* Thưa bác sĩ, bé nhà em đã 3 tuổi nhưng vẫn không chịu ăn cơm, chỉ ăn cháo thôi. Đồ ăn thô thì không chịu ăn, chỉ ăn bánh snack. Em khổ tâm quá nhưng vì phải đi làm gửi con cho bà chăm, không dám nói gì. Sợ bé bị thiếu chất nhưng không biết làm sao. Nghe người bạn nói có kẹo bổ sung dinh dưỡng, nhưng giờ nhiều nhãn hiệu quá nên em rất hoang mang, không biết chọn loại nào cho an toàn. Mong bác sĩ tư vấn. (Thục Quyên, Bình Dương)

BS Nguyễn Thị Thu Hậu:

- Chào bạn. Bạn có thể thay cơm bằng bún, miến, phở, nui... để bé cảm thấy thích thú hơn mà vẫn đảm bảo đủ lượng tinh bột. Bé vẫn có thể ăn 1 tô cháo hạt, đặc thay cho một chén cơm, nhưng thức ăn nên bằm nhỏ để bé tập nhai tốt. Với phần rau, bạn nên tập từ lá rau, xào hoặc nấu mềm cho bé dễ ăn.

Các vitamin và khoáng chất thiếu hụt trong khẩu phần có thể bổ sung thêm qua các loại kẹo vitamin chuyên cho trẻ nhỏ, bạn chọn loại phù hợp với lứa tuổi, không có chất bảo quản, có mùi vị tự nhiên.

* Chào bác sĩ! Con gái em gần 3 tuổi, nặng 11,5kg. Bé rất lười ăn rau nên bị bón thường xuyên. Em bổ sung chất xơ bằng cách trộn bột rau củ (của Dalafarm) vào cơm cho bé ăn. Cách này có tốt không hoặc còn cách nào khác không ạ? Cảm ơn bác sĩ nhiều. (Hoàng Thị Kim Vân, TP.HCM)

BS Nguyễn Thị Thu Hậu:

- Chào bạn. Bé của mình lười ăn, bị táo bón và dọa suy dinh dưỡng. Bạn nên tập cho bé thói quen ăn uống tốt, trong đó có đầy đủ rau và trái cây, bạn có thể bổ sung thêm bột rau củ tự nhiên để hỗ trợ.

Bé cũng nên tập thói quen đi vệ sinh đều hàng ngày, điều trị táo bón tích cực để bé không lười ăn và hấp thu tốt các chất dinh dưỡng. Bạn nên cho bé khám thêm chuyên khoa tiêu hóa và dinh dưỡng nhi để được tham vấn cụ thể hơn.

* Bé nhà em lười ăn rau, có hướng dẫn nào giúp bé vừa ăn rau, vừa bổ sung sản phẩm có chất rau mà không kỵ nhau không? (Tạ Thị Phương Mai, Huế)

BS Nguyễn Thị Thu Hậu:

- Chào bạn. Đa số các loại rau đều không kỵ nhau, nguyên tắc trong dinh dưỡng là ăn càng đa dạng càng tốt. Bạn nên phối hợp các loại thực phẩm cho phù hợp với khẩu vị và khả năng nhai nuốt của bé.

Bạn nên tham khảo thông tin về dinh dưỡng chính thống từ viện dinh dưỡng, trung tâm dinh dưỡng, các bệnh viện nhi, các trung tâm sức khỏe, kênh truyền thông có uy tín và được các chuyên gia trong lĩnh vực đó giải đáp.

Giao luu truc tuyen 'Lam the nao de be thich an rau?'

* Thưa bác sĩ. Tôi nghe nói thường vitamin A, D, E chỉ hấp thu vào cơ thể qua thức ăn chiên, xào. Vậy nếu cho bé ăn kẹo dẻo, các loại vitamin trên có được hấp thu hoàn toàn vào cơ thể không? (Nguyễn Thị Thắm, Cần Thơ)

BS Nguyễn Thị Thu Hậu:

- Chào bạn. Vitamin A, D, E là những vitamin tan trong dầu, được hấp thu tốt hơn nếu sử dụng chung với thức ăn có chất béo. Bạn có thể cho bé dùng các loại vitamin này trong hoặc sau bữa ăn, trong hoặc sau khi uống sữa để hấp thu được tốt nhất, không nhất thiết phải chiên, xào thức ăn.

* Hiện trên thị trường có nhiều loại sản phẩm bổ sung cho bé không thích ăn rau. Xin cho hỏi, chúng ta có nên cho bé bổ sung những sản phẩm này không? Nếu uống viên bổ sung có đạt hiệu quả tối ưu như ăn rau? (Tần Ngọc Lam, Thái Nguyên)

BS Nguyễn Thị Thu Hậu:

- Chào bạn. Các sản phẩm bổ sung trên thị trường thường là chất xơ, vitamin hoặc khoáng chất, nhằm bổ sung các chất dinh dưỡng còn thiếu hụt trong chế độ ăn hàng ngày.

Việc sử dụng đa dạng, cân đối các thực phẩm trong bữa ăn vẫn là tốt nhất, chỉ có những trường hợp đặc biệt, do bệnh lý, phải kiêng một số thức ăn, những trường hợp này cần được tham vấn của bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng.

* Chào bác sĩ. Em nghe nói thực phẩm chức năng – kẹo vitamin rất tốt cho em bé. Tuy nhiên, với sản phẩm cho trẻ em thì lúc nào cũng có dòng ghi chú yêu cầu hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng, nhưng tiệm thuốc tây hoặc cửa hàng bán thực phẩm cho bé thì bảo không sao. Em hoang mang quá, có thật sự phải hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng hay không? Sản phẩm nào thì không cần hỏi bác sĩ. Cám ơn. (Lê Thu Thảo, Bình Phước)

BS Nguyễn Thị Thu Hậu:

- Chào bạn. Thực phẩm chức năng thường cung cấp các chất dinh dưỡng với hàm lượng nhỏ, đa số theo nhu cầu hàng ngày cho trẻ với ý nghĩa để phòng ngừa bệnh tật và bảo vệ sức khỏe. Do đó, có thể cho bé sử dụng hàng ngày.

Tuy nhiên, với những em bé có cơ địa đặc biệt (có bệnh lý mãn tính, suy dinh dưỡng, béo phì, còi xương, biếng ăn...) cần sử dụng các loại thuốc đặc biệt, liều lượng vitamin và khoáng chất khác với bé bình thường, trong thời gian kéo dài thì nên được bác sĩ khám và điều chỉnh liều cho phù hợp.

Giao luu truc tuyen 'Lam the nao de be thich an rau?'

* Chào bác sĩ. Con em nay được 5 tuổi và bị béo phì. Bé thích ăn gà rán, thịt mỡ chứ không thích ăn rau. Em có nên cho bé ăn kẹo bổ sung chất xơ không, thưa bác sĩ? (Phạm Thị Ánh, Cà Mau)

BS Nguyễn Thị Thu Hậu:

- Chào bạn. Bé béo phì do ăn dư năng lượng, chất béo, tinh bột chứ vẫn thiếu các khoáng chất, vitamin cần thiết, đặc biệt là chất xơ. Rất nhiều bé béo phì bị thiếu máu, thiếu canxi. Do đó, bé vẫn cần được bổ sung vitamin, chất xơ và khoáng chất bị thiếu hụt trong khẩu phần ăn hàng ngày.

Tuy nhiên, bé cần được điều trị béo phì, điều chỉnh thói quen ăn uống và sinh hoạt cho phù hợp. Bạn nên cho bé khám thêm chuyên khoa dinh dưỡng nhi để được tham vấn cụ thể hơn.

* Hiện em đang bị loạn thông tin. Lúc thì nghe nói không nên cho bé bổ sung vitamin tổng hợp. Lúc lại các mẹ có con nhỏ nói nếu ăn không đủ bé sẽ thiếu dưỡng chất. Bạn em có giới thiệu loại kẹo bổ sung vitamin cho trẻ em PNKids. Thấy có vẻ ngon nhưng cho bé ăn có bị dư chất gì không? (Lê Thị Thu, Đà Nẵng)

BS Nguyễn Thị Thu Hậu:

- Chào bạn. Các chế phẩm vitamin và khoáng chất theo nhu cầu hàng ngày thì tốt cho trẻ vì đa số các bé ăn không cân đối, liều lượng bổ sung cũng không quá cao. Bạn nên dùng theo liều lượng khuyến cáo của nhà sản xuất.

Thân ái.

* Thưa bác sĩ. Bé nhà em nay 15 tháng. Từ lúc bé tập ăn tới giờ, em nấu cháo bằng cách xay rau củ, xay thịt nhuyễn lúc còn sống. Lúc nấu thì bỏ rau củ cùng lúc với cháo để rau mềm rồi mới bỏ thịt vào, đợi chút cho thịt chín thì nêm nước mắm và dầu ăn vào rồi tắt lửa. Nhưng em vẫn lo nấu rau lâu quá sẽ bị mất vitamin. Bác sĩ tư vấn cho em cách nấu cháo sao cho rau mềm mà không bị mất vitamin ạ? Em cám ơn. (Phạm Phương Quỳnh, Quảng Nam)

BS Nguyễn Thị Thu Hậu:

- Chào bạn. Ngay từ khi mới tập ăn, bạn nên băm nhuyễn thức ăn và rau củ, nấu vừa chín tới là bé dễ ăn nhất.

Rau lá bằm nhuyễn thường được cho vào chén cháo, bột khi chuẩn bị bắc xuống khỏi bếp, kèm một muỗng canh dầu, mỡ thì sẽ mềm và dễ ăn. Bạn không nên nấu rau lâu quá sẽ mất vitamin.

Giao luu truc tuyen 'Lam the nao de be thich an rau?'

* Gần đây trên thị trường đang bán rất nhiều kẹo dẻo (hàng xách tay) có chức năng bổ sung vitamin và khoáng chất. Xin hỏi việc bổ sung thêm vitamin và khoáng chất cho trẻ, bố mẹ nên chọn loại multi hay chỉ nên chọn 1 loại chuyên tập trung vào nhu cầu nào cần nhất cho bé, ví dụ tốt cho mắt hay não, tiêu hóa...? (Ngọc Như, Đà Lạt)

BS Nguyễn Thị Thu Hậu:

- Chào bạn. Với một em bé có sức khỏe bình thường, có nhu cầu bổ sung vitamin và khoáng chất để ngăn ngừa thiếu hụt do chế độ ăn hàng ngày không cân đối, bạn nên chọn loại multi vitamin, có nhiều dưỡng chất nhưng hàm lượng không quá cao, có thể sử dụng thường xuyên một cách an toàn.

Với những bé có thiếu hụt chất dinh dưỡng (thiếu máu, còi xương, thiếu kẽm, thiếu vitamin D...), có các bệnh lý đặc biệt (bệnh gan, thận, động kinh, tiểu đường, suy dinh dưỡng, dị ứng thức ăn...) cần được bổ sung dưỡng chất với liều lượng cao hơn để điều trị bệnh, cần được bác sĩ thăm khám, chỉ định và điều chỉnh liều cho phù hợp.

* Thưa bác sĩ, con gái em được 3 tuổi. Vừa rồi có người bạn tặng hộp kẹo vitamin tổng hợp PNKids. Bé hàng xóm qua chơi mở hộp và 2 đứa nhỏ chia nhau ăn. Lúc em phát hiện thì bọn trẻ đã ăn gần nửa hộp. Xem hướng dẫn ghi trên hộp thì thấy chỉ cho phép ăn tối đa 4 viên/ ngày. Em sợ quá cất luôn. Trộm vía là không thấy chúng bị gì. Nhưng thường xuyên ăn quá 4 viên có bị gì không, thưa bác sĩ? (Trần Thị Thanh Trúc, TP.HCM)

BS Nguyễn Thị Thu Hậu:

- Chào bạn. Đa số các kẹo vitamin là để bổ sung nhu cầu hàng ngày, hàm lượng thường thấp và ít gây ngộ độc. Tuy nhiên, cũng không nên lạm dụng, sử dụng quá liều kéo dài vì các vitamin tan trong dầu sẽ tích lũy trong mô mỡ và có thể gây ngộ độc.

Nếu bé lỡ ăn quá dư, bạn ngưng một vài ngày sau đó để cơ thể bé sử dụng hết phần vitamin đã đưa vào. Bạn nên cho bé khám thêm chuyên khoa dinh dưỡng nhi để được tham vấn cụ thể hơn.

* Con tôi 4 tuổi, cháu năng động, thích tìm hiểu mọi thứ, không bị béo phì nhưng chỉ thích ăn thịt và đồ mặn, thỉnh thoảng ăn thêm một ít trái cây. Nhưng tôi làm đủ cách mà bé vẫn không chịu ăn rau, có khi còn nôn ói nếu ăn bất kỳ loại rau củ nào. Cháu có bị vấn đề gì về dinh dưỡng không, vì sao cứ ăn rau là nôn ói, còn những thực phẩm khác thì không? Xin bác sĩ tư vấn. (Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Bình Dương)

BS Nguyễn Thị Thu Hậu:

- Chào bạn. Do không được tập ăn rau từ nhỏ nên khi lớn bé không quen. Bạn nên cho bé tập từ từ, không nên ép buộc, kết hợp với các món ăn mà bé yêu thích, cho trẻ tham gia chuẩn bị các món ăn có rau để bé dễ chấp nhận hơn.

Phần thiếu hụt có thể bù bằng trái cây hoặc các loại vitamin, chất xơ hỗ trợ.

Giao luu truc tuyen 'Lam the nao de be thich an rau?'

* Tôi nghe nói rau xanh thường được phun thuốc tăng trưởng, trừ sâu rất nhiều. Con tôi đã 3 tuổi, tôi muốn cho bé ăn rau nhưng nhà tôi ai cũng ngần ngại, nói để cháu lớn thêm tí nữa. Mấy tuổi thì có thể ăn rau, củ, quả và khi bắt đầu tập cho bé ăn thì nên cho ăn rau củ gì thì trẻ thích? Liệu ăn phải rau phun thuốc nhiều thì bé có bị bệnh gì không? (Hà Thị Hồng Minh, Tây Ninh)

BS Nguyễn Thị Thu Hậu:

- Chào bạn. Trẻ sẽ thích ăn rau nếu được tập ăn từ lúc nhỏ, nhờ đó, bé nhận được đủ vitamin, chất xơ và có thói quen ăn uống lành mạnh.

Bạn có thể tự trồng rau cho bé để có rau sạch hoặc mua rau sạch ở siêu thị. Cám ơn.

* Cháu nhà em 4 tuổi, chỉ thích ăn củ quả thôi. Bí đỏ, bí đao, khoai lang thì ăn. Đậu que, đậu đũa thì ăn. Nhưng rau lá thì không ăn. Có bí quyết gì cho cháu ăn rau lá không, thưa bác sĩ? (Nguyễn Minh Tuân, Kiên Giang)

BS Nguyễn Thị Thu Hậu:

- Chào bạn. Củ và quả cũng cung cấp được vitamin và chất xơ, nhưng canxi, sắt... thì lại có nhiều trong rau lá. Bạn nên tập cho bé ăn rau lá dần dần, nhờ cô giáo hỗ trợ thêm, kết hợp món ăn có rau lá với các câu chuyện thú vị, cho ăn cùng các bạn thì bé sẽ thích ăn hơn.

Chúc bạn thành công.

* Chào bác sĩ. Con tôi 3 tuổi. Cháu chỉ ăn rau khi được thái nhỏ, nấu nhừ, nhuyễn. Dù cháu nhai cơm, thịt cá bình thường nhưng nếu rau nấu không nhừ là bé mắc cổ, nôn hoặc nhè ra. Tôi lo rằng rau củ được nấu quá chín sẽ bay hết vitamin và khoáng chất, như vậy thì không còn chất bổ gì để bé hấp thu vào cơ thể, ngoài chất xơ. (Đinh Thị Ngọc Diệp, Quảng Trị)

BS Nguyễn Thị Thu Hậu:

- Chào bạn. Có lẽ bé có một kỷ niệm không tốt với các món rau, ví dụ lúc nhỏ ăn rau bị ói nên sợ. Bạn nên tập cho bé ăn với các loại rau lá, chỉ lấy lá, xắt nhỏ, khi nấu canh cho thêm dầu ăn để lá rau mềm ra, bé dễ ăn không ói, hoặc bạn xào lá rau cho bé tập ăn dần. Chỉ nên tập cho trẻ ăn cọng rau khi bé lớn và đã biết ăn lá rau nhuần nhuyễn.

Bạn không nên nấu rau quá nhừ, vừa mất chất dinh dưỡng, ăn lại dễ ngán làm bé càng sợ rau.

Thân ái.

Giao luu truc tuyen 'Lam the nao de be thich an rau?'

* Bé nhà tôi 3 tuổi, không chịu ăn rau củ tươi mà chỉ ăn các loại đậu đóng hộp hoặc sốt cà chua. Chồng tôi nói như thế cũng được, xem như là con có ăn rau. Nhưng bé cũng thường bị táo bón. Tôi nghĩ cháu không ăn rau nên bị thiếu chất xơ và vitamin. Xin bác sĩ tư vấn. Cảm ơn. (Nguyễn Thị Nguyệt Quế, Hải Phòng)

BS Nguyễn Thị Thu Hậu:

- Chào bạn. Mỗi bé sẽ có khẩu vị khác nhau trong ăn uống. Các loại rau củ đóng hộp giữ được nguyên chất xơ, một số chất dinh dưỡng nhưng vitamin và mùi vị sẽ hao hụt và bị biến đổi. Bé ăn được rau củ đóng hộp nghĩa là sẽ ăn được rau củ tươi, nhưng bạn nên chọn các loại rau củ tươi phù hợp với ý thích của bé và cho thêm dần dần vào trong bữa ăn của trẻ.

Chế độ ăn đầy đủ chất xơ (từ rau củ quả) và nước uống giúp phòng ngừa và hỗ trợ trong điều trị táo bón. Bé cũng nên tập thói quen đi vệ sinh đều hàng ngày. Bạn nên đưa bé đến bác sĩ để được điều trị táo bón tích cực, giúp bé không lười ăn và hấp thu tốt các chất dinh dưỡng.

* Tôi thường cho nhiều loại rau củ vào nấu chung với cháo rồi xay nhuyễn cho con gái (10 tháng tuổi) ăn. Nhiều người nói như vậy không tốt vì có nhiều loại rau “chống” nhau, nếu nấu chung sẽ làm mất chất dinh dưỡng. Điều đó có đúng không, thưa bác sĩ? (Nguyễn Quỳnh Mai, Quảng Bình)

BS Nguyễn Thị Thu Hậu:

- Chào bạn. Nguyên tắc về dinh dưỡng là ăn đa dạng các chất. Tuy nhiên, các bữa ăn trong ngày nên có sự khác biệt thì ăn uống sẽ ngon miệng hơn.

Nếu bạn cho rất nhiều loại nguyên liệu vào nấu chung với nhau, xay nhuyễn và cho ăn bé cả ngày thì con bạn không được đổi món và rất mau ngán loại thức ăn đó. Nếu bé bị ép ăn sẽ thành biếng ăn sinh lý.

Bạn chỉ nên phối hợp đủ bốn nhóm thức ăn, phối hợp các loại rau củ giúp món ăn ngon hơn. Đa số các thông tin thức ăn chống nhau là không có cơ sở khoa học.

* Thưa bác sĩ, tôi phải làm gì khi con trai 3 tuổi của tôi chỉ thích ăn các loại rau củ có màu bắt mắt như bí đỏ, củ dền, bắp cải tím, cà rốt… còn tất cả các loại rau có màu xanh lá thì cháu không chịu ăn. Tôi lo bé bị thiếu chất. Mong được chỉ dẫn thêm. Cảm ơn bác sĩ. (Huỳnh Lệ Ngọc, Đồng Tháp)

BS Nguyễn Thị Thu Hậu:

- Chào bạn. Mỗi loại rau đều có các dưỡng chất riêng và đều cần thiết. Trẻ con thường thích các màu sắc sặc sỡ và món ăn được trình bày đẹp. Khi chế biến, bạn thêm dần các loại rau củ có màu xanh để bé làm quen dần và thấy màu xanh cũng rất đẹp khi phối hợp với các màu sắc khác.

Bạn nên khen ngợi và động viên khi con tập ăn được các loại rau củ mới thì bé sẽ hào hứng hơn. Chúc bạn thành công.

Giao luu truc tuyen 'Lam the nao de be thich an rau?'

* Trẻ em ở Việt Nam có phù hợp khi cho dùng chung các sản phẩm dinh dưỡng của trẻ em nước ngoài không? Vì bạn bè của em rất chuộng mua hàng ngoại nhập cho con, đặc biệt là các thực phẩm từ Pháp, Mỹ, Nhật hoặc các nước thuộc khối châu Âu. Nhưng em thấy, với thời tiết khí hậu ở VN thì thể trạng trẻ em VN cũng sẽ khác với trẻ em các nước khác, nhu cầu bổ sung dinh dưỡng cũng sẽ khác. Ví dụ, trẻ Đông Âu sẽ cần bổ sung nhiều vitamin D nhiều hơn, do không có nhiều nắng như ở VN. Xin bác sĩ cho ý kiến và tư vấn về việc chọn mua hàng ngoại như thế nào là phù hợp cho trẻ em VN. (Ngọc Huỳnh, Long An)

BS Nguyễn Thị Thu Hậu:

- Chào bạn. Nhu cầu của trẻ thường chủ yếu thay đổi theo lứa tuổi, do mỗi lứa tuổi thì các cơ quan, khối cơ xương phát triển khác nhau, nhu cầu cho não và hệ thần kinh cũng khác biệt, nhu cầu các chất dùng cho học tập/ vận động hàng ngày/ chơi đùa... khác nhau.

Do đó, các loại thực phẩm bổ sung vitamin và khoáng chất hàng ngày cho bé bình thường về cơ bản khá giống nhau, nhưng khác nhau ở nguồn gốc của nguyên liệu sản xuất và tiêu chuẩn chất lượng. Các sản phẩm dùng cho một khu vực thường được điều chỉnh mùi vị cho phù hợp với tập quán của vùng đó, đôi khi có thay đổi liều lượng vitamin và khoáng chất cho những vùng có nguy cơ thiếu hụt cao.

* Xin hỏi bác sĩ những thông tin về kẹo dẻo bổ sung vitamin và khoáng chất dùng cho trẻ:
- Ăn thường xuyên mỗi ngày có bị sâu răng không?
- Theo hướng dẫn mỗi ngày ăn 2 lần, 1 lần 2 viên, nhưng bé nhà em 5 tuổi thì liều lượng có khác với bé 3 tuổi không?
- Lỡ bé nhà em ăn nhiều hơn (vì là kẹo nên có thể bé thích ăn mà mẹ không biết) thì có bị quá liều và dư vitamin không?
- Ăn bao lâu thì phải ngưng? (Phạm Thảo Ngọc, Trà Vinh)

BS Nguyễn Thị Thu Hậu:

- Chào bạn. Bạn nên chọn loại kẹo dẻo ít đường hoặc không đường, không bám chắc trên răng, sau khi ăn cho bé uống một chút nước tráng miệng để hạn chế sâu răng.

Bạn sử dụng cho bé theo liều lượng ghi trong hướng dẫn sử dụng, nếu muốn tăng hay giảm liều nên hỏi ý kiến bác sĩ để xem xét từng trường hợp cụ thể. Bạn nên kiểm soát số lượng bé dùng hàng ngày.

Mặc dù hàm lượng các chất trong các loại kẹo dẻo bổ sung mỗi ngày không cao, nhưng việc sử dụng trong thời gian dài và quá liều vẫn có thể gây tích lũy các chất và có hậu quả không tốt. Bạn nên đọc kỹ khuyến cáo của nhà sản xuất trước khi cho trẻ sử dụng.

Trong trường hợp bé ăn quá liều trong nhiều ngày liên tục, bạn cần đưa bé đi khám bác sĩ để có giải pháp thích hợp.

Giao luu truc tuyen 'Lam the nao de be thich an rau?'

* Việc dùng thêm thực phẩm chức năng như kẹo dẻo, siro, cốm, viên uống... để bổ sung thêm vitamin và khoáng chất cho các bé từ 3 tuổi có gây nguy hại cho sức khỏe không? Xin BS tư vấn và cho các lưu ý. (Lê Minh Châu, TP.HCM)

BS Nguyễn Thị Thu Hậu:

- Chào bạn. Các chế phẩm có thể ở nhiều dạng khác nhau để phù hợp với ý thích và sinh lý của từng lứa tuổi.

Với trẻ dưới một tuổi thường sử dụng dạng giọt, từ 1 đến 6 tuổi thường sử dụng si rô, cốm trộn vào thức ăn hoặc ăn trực tiếp. Với dạng kẹo dẻo làm từ pectin mềm (chiết xuất từ vỏ trái cây, có hương vị tự nhiên) thường sử dụng cho trẻ từ 2 tuổi trở lên, biết nhai tốt. Với những dạng có độ dai cao thì nên dùng cho bé từ 3 tuổi trở lên để tránh hóc sặc. Dạng viên thì sử dụng cho trẻ từ 6 đến 10 tuổi trở lên, khi bé đã nuốt được viên thuốc một cách an toàn.

Bạn nên sử dụng liều lượng khuyến cáo trong thông tin hướng dẫn trên sản phẩm để đảm bảo an toàn và đạt hiệu quả tốt.

Thân ái.

* Tôi nhận thấy thành phần trong các loại kẹo dẻo hiện nay đều có gelatin, bé trai nhà tôi mới 4 tuổi, vậy có phù hợp để sử dụng không? (Nguyễn Trúc Anh, Hà Nội)

BS Nguyễn Thị Thu Hậu:

- Chào bạn. Gelatin là một phụ gia được chiết xuất từ da động vật, được sử dụng để làm đặc thức ăn và trong sản xuất kẹo dẻo...

Kẹo làm từ gelatin thường dai, được trẻ lớn yêu thích khi nhai. Nên thận trọng khi sử dụng kẹo dẻo gelatin cho trẻ nhỏ vì có nguy cơ hóc, sặc cao.

Khi cho bé ăn kẹo dẻo từ gelatin cũng như ăn các thức ăn dạng hạt, không cho bé cười giỡn, la hét, nhảy nhót... vì nếu sặc vào đường hô hấp sẽ rất nguy hiểm.

* Con tôi thích ăn rau nhưng chỉ ăn rau xào chứ không chịu ăn rau luộc hay nấu canh. Nhiều lần tôi để ý thấy rõ ràng cháu ăn rất nhiều rau muống xào tỏi nhưng tuyệt nhiên khi mang luộc hay nấu canh thì không đụng tới, các loại rau khác cũng vậy. Nhưng nếu bé chỉ ăn mỗi món xào thì có tốt không? Làm sao để cháu hạn chế món này và chịu ăn theo những cách chế biến khác? (Anh Trương Hoàng Đức, TP.HCM)

BS Nguyễn Thị Thu Hậu:

- Chào bạn. Bé ăn rau xào thường sẽ thấy ngon hơn vì rau mềm và thơm. Với trẻ dưới 2 tuổi, nhu cầu chất béo rất cao, bé ăn được lá rau xào là rất tốt, nếu không, khi nấu cháo hoặc nấu canh phải thêm dầu để đủ năng lượng và bé dễ ăn.

Từ 2-6 tuổi, não của trẻ còn phát triển nên nhu cầu chất béo vẫn cao hơn người lớn nhưng giảm hơn giai đoạn 0-2 tuổi. Sau 6 tuổi, bé ăn chất béo giống người lớn.

Điều đáng ngại duy nhất là sợ quá dư dầu mỡ khi xào rau. Bạn có thể nấu canh với ít nước, nấu ngon và nêm nếm vừa miệng thì bé sẽ thích ăn. Bạn giảm dần dầu mỡ trong rau để bé quen dần.

Thân ái.

Giao luu truc tuyen 'Lam the nao de be thich an rau?'

* Trước khi chế biến các món rau, em thường băm nhuyễn hoặc xay nhỏ để bé dễ nuốt khi ăn. Nhưng em nghe nói cách chế biến này không tốt vì vitamnin có thể mất đi trong lúc cắt rau, xay nhuyễn. Xin bác sĩ tư vấn dùm em cách chế biến để giữ được dưỡng chất trong thức ăn. (Nguyễn Thị Thanh Hoa, Bình Dương)

BS Nguyễn Thị Thu Hậu:

- Chào bạn. Vitamin trong rau sẽ mất đi trong quá trình bảo quản, rửa, xắt nhỏ, nấu kỹ, bay hơi... Bạn nên để sẵn rau tươi trong tủ lạnh, trước khi nấu khoảng 5 phút mới lặt lá rau, rửa sạch, băm nhuyễn và nấu vừa chín tới.

Rau lá, bạn nên cho vào nồi cháo khi cháo đã sôi chuẩn bị bắc xuống, kèm một ít dầu ăn hoặc mỡ để làm mềm lá rau, bé dễ ăn, cung cấp đủ nhu cầu chất béo, đủ năng lượng và tạo môi trường hấp thu các vitamin tan trong dầu có trong thức ăn (A, D, E).

Chúc bé nhà bạn mau lớn.

* Con trai em lười ăn rau, tuy nhiên em thường xuyên cho bé uống nước hoa quả mỗi ngày. Liệu như vậy có đủ bù đắp được lượng vitamin cần thiết cho con không, thưa bác sĩ? (Nguyễn Hải Yến, Hải Phòng)

BS Nguyễn Thị Thu Hậu:

- Chào bạn. Trong nước trái cây vẫn có vitamin tan trong nước (chủ yếu là vitamin C) nhưng thường thiếu chất xơ, dư đường nên không phải là một thức ăn lý tưởng.

Trẻ được khuyên nên tập ăn cả xác rau và trái cây để nhận được đầy đủ các chất dinh dưỡng, tập phản xạ nhai, hạn chế dư cân và biếng ăn do uống quá nhiều đường, phòng chống táo bón.

Bạn nên tập cho bé ăn cả xác thức ăn từ nhỏ thì bé sẽ không biếng ăn về sau. Lượng nước trái cây cho trẻ dùng được khuyên dưới 180-200ml mỗi ngày.

* Em có hai bé, cháu lớn hơn 5 tuổi, cháu nhỏ hơn 2 tuổi nhưng chỉ ăn cháo xay cùng rau củ. Sai lầm của em là từ khi bé còn nhỏ, em đã cho con ăn cháo xay nên giờ lợn cợn tí là bé không ăn được, rau lại càng không ăn. Cho em hỏi, em phải làm cách nào để tập cho con ăn rau? Em thấy con của bạn bè ăn rau luộc mà ham. Nếu cho ăn rau thì bé lại càng không chịu ăn, dù có bỏ đói. Bác sĩ giúp em với. (Nguyễn Thị Huyền Nga, An Giang)

BS Nguyễn Thị Thu Hậu:

- Chào bạn. Bé rất thích nhai, gặm thức ăn từ lúc có những cái răng đầu tiên. Vì vậy, bạn nên tập cho bé ăn thô từ lúc này, nhưng chọn thức ăn mềm, không gây hóc, sặc.

Với những trẻ lớn, khi tập ăn thô sẽ khó hơn vì bản thân bé và ba mẹ đều sợ con ói. Vào đầu bữa ăn, khi bé thích ăn và ít bị ói, bạn nên tập cho con ăn một ít thức ăn thô để bé tập nhai. Bé nhợn ói vài ngày sẽ tự điều chỉnh được và hết ói. Bạn nên kiên nhẫn tập cho bé, cố gắng động viên, không la rầy khi con ói.

Chúc bạn thành công.

* Bác sĩ ơi! Làm sao dỗ con ăn rau đây? Em lên mạng thấy các mẹ cho ăn kiểu tự chỉ huy. Lúc mới tập ăn thì cái gì bé cũng gặm. Nhưng giờ bé được 3 tuổi thì từ chối ăn rau trong phở, bún. Em không biết làm sao. Bác sĩ giúp em với. (Trần Thị Toán, Thanh Hóa)

BS Nguyễn Thị Thu Hậu:

- Chào bạn. Bạn có thể tập cho bé ăn dạng tự chỉ huy, kiểu Nhật, kiểu Việt Nam... hoặc phối hợp nhiều kiểu, miễn là bé thấy ngon và ăn uống đủ nhu cầu hàng ngày.

Khi trẻ mới tập ăn dặm, nên cho bé tập ăn thô theo kiểu Nhật hoặc kiểu tự chỉ huy vào đầu bữa ăn, phần còn lại cho bé ăn theo kiểu truyền thống để nhận được đủ dưỡng chất, đặc biệt là với những bé biếng ăn và suy dinh dưỡng.

Tuy nhiên, không nên ép trẻ quá mức dẫn đến biếng ăn sinh lý. Với những bé hơi biếng ăn, có thể bổ sung thêm vitamin và khoáng chất theo nhu cầu. Nên cho bé khám thêm chuyên khoa tiêu hóa và dinh dưỡng nhi để được tham vấn cụ thể hơn khi gặp các vấn đề về nuôi dưỡng bé.

Thân ái.

Báo Phụ Nữ
Ảnh: Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI