Buổi giao lưu diễn ra lúc 9g sáng 7/12 (thứ 6) trên Báo điện tử Phụ Nữ, www.phunuonline.com.vn; với sự tư vấn của BS Nguyễn Lan Anh - Trưởng khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Quận Thủ Đức TP.HCM.
|
BS Nguyễn Lan Anh (phải) tại buổi giao lưu trực tuyến |
Nhiều nguyên nhân khiến hơi thở bạn chưa thơm tho, có thể do sâu răng, viêm lợi, nha chu, viêm họng, viêm amidan, viêm mũi họng, viêm dạ dày thực quản hoặc chải răng không kỹ ở các kẽ răng...
Bạn đọc gửi câu hỏi tại đây
Hoặc gửi thắc mắc qua email: giaoluutructuyen.baophunu@gmail.com
Nội dung buổi giao lưu trực tuyến:
* Tôi nghe nói ăn nhiều gia vị sẽ bị hôi miệng nên tôi không sử dụng hành, ngò, tỏi,… trong 2 năm nay nhưng vẫn không thoát được mùi hôi. Thỉnh thoảng tôi bị chảy máu răng nhưng không nhiều, vì sao bị chảy máu răng? Nó có làm cho mình hôi miệng không? Tôi có thể sử dụng chai xịt chống hôi miệng được không? Loại nào là tốt? (Mai Thị Ánh Hồng, TP.HCM)
BS Nguyễn Lan Anh:
- Hôi miệng không phải là một bệnh lý trầm trọng nhưng có ảnh hưởng lớn đến sự tự tin và giao tiếp xã hội. Hôi miệng có nhiều nguyên nhân như: các bệnh lý viêm nhiễm đường hô hấp, tiêu hóa, các bệnh lý về răng miệng, chế độ ăn... Vì vậy, muốn điều trị dứt điểm hôi miệng thì phải được khám, chẩn đoán để xác định nguyên nhân và điều trị đúng.
Việc ăn nhiều các thức ăn có mùi như hành, tỏi... cũng là nguyên nhân gây hôi miệng. Tuy nhiên, nếu bạn không ăn hành, ngò, tỏi... nhưng vẫn bị hôi miệng thì bạn nên đi khám để kiểm tra các nguyên nhân khác. Các bệnh lý về răng miệng là nguyên nhân chủ yếu gây hôi miệng, bao gồm: sâu răng, viêm nướu, viêm nha chu, viêm lưỡi... Triệu chứng chảy máu răng như bạn mô tả có thể là dấu hiệu của bệnh viêm nướu, gây ra do mảng bám vi khuẩn đóng trên bề mặt răng. Bệnh viêm nướu có thể làm nướu chảy máu, sưng đỏ, phù nề và gây ra hôi miệng. Nếu không được điều trị kịp thời, viêm nướu có thể chuyển thành viêm nha chu với triệu chứng nặng hơn gây lung lay răng, mất răng.
Để chống hôi miệng, ngoài việc điều trị các bệnh về đường hô hấp và tiêu hóa (nếu có), bạn phải điều trị các bệnh răng miệng và vệ sinh răng miệng đúng cách. Việc sử dụng chai xịt chống hôi miệng chỉ có thể giải quyết tạm thời và có tác dụng trong vài giờ chứ không giải quyết dứt điểm được.
* Thưa bác sĩ, tôi hay bị đau ở thái dương hàm khi ngáp nhiều hoặc nhai vật cứng. Vài bữa là hết. Xin hỏi làm sao để ngăn ngừa được chứng đau này vì nó rất khó chịu. Tôi có 1 răng khôn mọc lệch nên có phải nó là nguyên nhân gây ra chứng trên không? Tôi muốn đi nhổ cái răng đó đi nhưng sợ đau quá. (Nguyễn Thị Thành, Hà Nội)
BS Nguyễn Lan Anh:
- Chào bạn. Triệu chứng đau ở khớp thái dương hàm khi ngáp hoặc nhai vật cứng là biểu hiện của hội chứng loạn năng khớp thái dương hàm (SADAM). Có nhiều nguyên nhân gây ra hội chứng này: stress, lệch lạc khớp cắn, các thói quen cận chức năng như nghiến răng khi ngủ... Bạn nên đi khám để được tư vấn phương pháp điều trị phù hợp: dùng thuốc uống, vật lý trị liệu hoặc làm những dụng cụ để ổn định khớp cắn và thư giãn cơ.
Răng khôn mọc lệch có thể gây ra những xáo trộn về khớp cắn nên cũng có khả năng là nguyên nhân gây ra các triệu chứng trên của bạn. Nếu có chỉ định nhổ răng, bạn sẽ được gây tê trước khi nhổ và sử dụng thuốc giảm đau sau nhổ nên bạn không cần quá lo lắng nhé. Cám ơn.
* Hôi miệng có bị di truyền không bác sĩ? Nhà tôi có 3 anh em đều có mùi hôi khó chịu, tôi có đi khám nha sĩ và không có bệnh gì về răng miệng. Mỗi ngày tôi đánh răng 3 lần nhưng sau đánh răng khoảng 20 phút là hơi thở có mùi hôi, tôi không biết phải làm sao? (Nguyễn Phan Hoàng Long, Vũng Tàu)
BS Nguyễn Lan Anh:
- Hôi miệng không bị di truyền vì đó chỉ là một triệu chứng của nhiều bệnh lý khác nhau. Các anh em trong một nhà đều bị hôi miệng có thể do chế độ sinh hoạt, cách thức vệ sinh răng miệng giống nhau hoặc có chung các bệnh lý về đường tiêu hóa, hô hấp.
Khi vệ sinh răng miệng, ngoài việc đánh răng đủ số lần thì cần phải đánh răng đúng cách: dùng bàn chải vệ sinh các mặt ngoài, trong, mặt nhai của răng, dùng chỉ nha khoa hoặc bàn chải kẽ để vệ sinh vùng kẽ răng, bạn còn lưu ý đến vệ sinh mặt lưng lưỡi vì đó là nơi bám nhiều mảng bám gây hôi miệng.
* Mỗi lần tôi mọc răng khôn đều bị hôi miệng, bác sĩ có thể cho tôi biết vì sao không? Răng khôn của tôi không mọc lên hết, nó chỉ mọc được một ít thì ngưng lại vài tháng rồi “hành” tiếp, tôi phải làm thế nào để mỗi khi nó mọc thêm thì không bị hôi miệng và bị đau, sốt thưa bác sĩ? (Trịnh Trần Trọng Đạt, Đà Nẵng)
BS Nguyễn Lan Anh:
- Đặc điểm khung xương hàm của người Việt Nam khá nhỏ, thường không đủ chỗ cho các răng khôn mọc lên. Các răng khôn này thường mọc không đúng hướng và vị trí, nên không mọc lên hoàn toàn được. Trong quá trình mọc, phần nướu răng phủ lên mặt nhai của răng khôn tạo thành một cái "túi". Đây là nơi nhồi nhét thức ăn, mảng bám, làm vi khuẩn phát triển gây viêm nhiễm và hôi miệng. Bạn nên đi khám và chụp X-quang để xác định chiều hướng mọc của răng khôn, bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể hướng điều trị cho bạn.
* Mỗi năm tôi đều đi cạo vôi răng thường, nhưng đợt rồi khi cạo vôi răng xong thì răng bị nhức liên tục, đặc biệt khi uống nước đá và nóng, và tình trạng kéo dài hơn 1 tháng nay, tôi phải làm sao? (Nguyễn Bảo Ngọc, Khánh Hòa)
BS Nguyễn Lan Anh:
- Viêm nướu là bệnh lý rất phổ biến ở nước ta, gây ra do vi khuẩn trong mảng bám trên bề mặt của răng, nếu không được điều trị thì viêm nướu sẽ diễn tiến nặng hơn thành bệnh viêm nha chu gây tiêu xương ổ răng, làm răng lung lay, nướu sưng, chảy máu, có thể dẫn đến mất răng.
|
Chỉnh răng hàm mặt cho bệnh nhân ở Bệnh viện Quận Thủ Đức |
Trung bình 6 tháng chúng ta nên đi cạo vôi răng 1 lần để làm sạch vôi răng, mảng bám, phòng ngừa bệnh viêm nướu. Nếu răng của bạn bị tụt nướu trước đó, vôi răng sẽ bám trên bề mặt chân răng, có thể gây ê buốt nhiều đặc biệt khi uống nước nóng, lạnh sau khi cạo vôi. Bạn có thể dùng thêm các thuốc bôi tại chỗ chống ê buốt răng. Bạn nên tăng cường vệ sinh răng đúng cách để hạn chế sự hình thành của vôi răng và đi lấy vôi định kỳ.
* Bác sĩ ơi! Gần đây bé nhà em (4 tuổi) hay bị loét miệng. Bé kêu đau và ăn uống chẳng ngon. Bé không sốt gì hết và vài bữa là hết. Nhưng cứ 1-2 tháng là bé bị 1 lần. Em không biết bé có bệnh gì không? Phải xử trí sao khi con bị loét miệng. Xin cám ơn. (Kha Văn Sỹ, Bình Phước)
BS Nguyễn Lan Anh:
- Con bạn có thể bị loét aphter miệng. Bệnh này không nguy hiểm nhưng gây đau rát, khó chịu, ảnh hưởng đến việc ăn uống, sinh hoạt của trẻ. Bạn nên cho bé ăn thức ăn mềm, lỏng, nguội, ít gia vị, có thể sử dụng thêm các thuốc bôi giảm đau tại chỗ để giảm khó chịu cho trẻ.
* Mình nghe nói chà hay nạo thường xuyên làm các gai lưỡi tách ra từ đó vụn thức ăn nhét vào khiến khuẩn gây hôi miệng phát triển, có người lại nói chà lưỡi sạch thì sẽ hết hôi miệng, cái nào mới đúng vậy ạ? (Nguyễn An Thương, Long Hải)
BS Nguyễn Lan Anh:
- Bạn cần phải vệ sinh lưỡi hàng ngày để lấy sạch các mảng bám vi khuẩn ở bề mặt lưng lưỡi để tránh hôi miệng. Bạn cần phải dùng những dụng cụ phù hợp, động tác vệ sinh nhẹ nhàng để tránh gây tổn thương lưỡi. Ngoài ra, một số loại bàn chải đánh răng có thiết kế mặt chà lưỡi bằng cao su mềm cũng có thể sử dụng được.
* Mình cũng đã tiếp xúc với những người khi nói chuyện thấy có mùi hôi (hoặc do hút thuốc hoặc do vệ sinh...). Tuy nhiên làm thế nào để biết mình có bị hôi miệng hay ko ? Và thế nào là nặng nhẹ? (Dũng Đỗ, Phú Yên)
BS Nguyễn Lan Anh:
- Có nhiều cách để xác định được tình trạng hôi miệng, nhưng thường mang tính chủ quan. Bạn có thể đặt 2 tay phía trước mặt 15-20cm và hà hơi, động tác này có thể giúp bạn tự đánh giá được mùi hơi thở của mình. 1 cách khác là bạn có thể dùng ngón tay tự chạm vào lưng lưỡi của mình, nếu bạn cảm thấy có mùi, chứng tỏ bạn vệ sinh lưỡi chưa sạch, có thể gây ra hôi miệng. Việc hỏi cảm nhận của người khác cũng giúp bạn đánh giá được mình có bị hôi miệng hay không.
Có một số loại máy đánh giá mức độ hôi miệng, tuy nhiên không phổ biến.
* Thưa chương trình em bị hôi miệng nặng dù không có vấn đề gì về răng miệng, dạ dày, amidan… Có người bày cho dùng Metronidazole (dùng 500mg - 2 lần/ngày trong 7 ngày) sẽ khỏi, có đúng không bác sĩ? (Nguyễn Thị Thảo, Huế)
BS Nguyễn Lan Anh:
- Chúng ta không dùng kháng sinh như metronidazole để điều trị hôi miệng. Quan trọng nhất là xác định nguyên nhân và điều trị đúng. Nếu bạn không có vấn đề gì về răng miệng, dạ dày, amidan thì bạn nên kiểm tra lại cách chải răng đúng cách, dùng chỉ nha khoa làm sạch vùng kẽ răng và chú ý đến việc vệ sinh lưỡi.
* Thưa bác sĩ, tôi nay 38 tuổi, sau khi sinh xong là tôi bị chứng hôi miệng. Sau đánh răng khoảng 1 tiếng là cảm giác hôi miệng mặc dù răng tôi sức nhai tốt. Xin bác sĩ tư vấn giúp tôi nên đi kiểm tra những gì để tìm ra nguyên nhân và trị dứt điểm. (Lê Hoàng Yến, TP.HCM)
BS Nguyễn Lan Anh:
- Trong quá trình mang thai và sinh nở, người phụ nữ rất dễ bị mắc các bệnh lý vùng răng miệng. Một số nguyên nhân: do sự thay đổi nội tiết tố, việc nghén, nôn ói, sự mệt mỏi khi mang thai làm thai phụ giảm quan tâm đến chăm sóc răng miệng. Ngoài ra, một số thói quen kiêng cữ sau khi sinh như không đánh răng trong thời gian ở cữ làm cho mảng bám vi khuẩn bám rất nhiều trên bề mặt răng nướu và gây ra các bệnh viêm nướu, sâu răng dẫn đến hôi miệng. Trước tiên, bạn nên đi khám chuyên khoa răng hàm mặt để được điều trị các bệnh lý (nếu có) và được hướng dẫn các vệ sinh răng miệng đúng cách nhé.
* Dạ thưa bác sĩ, cháu bị sâu răng, mỗi khi mùa lạnh đến răng cháu đau lắm, giờ cháu không biết cách nào để hết, mong bác sĩ giúp cháu. (Ngọc Thanh Tâm, Bình Dương)
BS Nguyễn Lan Anh:
- Chào em. Khi bị sâu răng, lớp men và ngà răng bị phá hủy. Răng trở nên nhạy cảm hơn khi ăn, nhai hoặc tiếp xúc với nước nóng, lạnh. Nếu lỗ sâu nhỏ, bác sĩ có thể trám răng trong vòng 1 lần hẹn. Nếu lỗ sâu đã ảnh hưởng đến tủy, gây viêm tủy, em cần được điều trị tủy. Đối với răng vỡ lớn, không có khả năng phục hồi thì bác sĩ sẽ chỉ định nhổ răng để hạn chế sự nhiễm trùng lan rộng qua các vùng khác. Em nên đi gặp bác sĩ để khám và có hướng điều trị cụ thể.
* Răng tôi bị vàng, nha sĩ có khuyên tôi nên tẩy trắng răng, nhưng tôi nghe nói sau khi tẩy trắng răng sẽ yếu và bị ê buốt, tôi cần phải làm gì thưa bác sĩ? (Đình Nguyên Minh, Quảng Bình)
BS Nguyễn Lan Anh:
- Tẩy trắng là phương pháp dùng chất hydrogen peroxide (H2O2) tiếp xúc với bề mặt răng để giúp răng trắng hơn. Bạn có thể tẩy trắng 1 lần tại phòng khám răng hoặc có thể sử dụng máng tẩy và thuốc bôi tại nhà. Thông thường, sau khi tẩy trắng răng sẽ bị ê buốt, mức độ nhiều hay ít sẽ tùy vào cơ địa của mỗi người. Sau khi tẩy răng, bạn nên dùng các thuốc chống ê buốt bôi tại chỗ và sử dụng kem đánh răng có fluor để tái khoáng hóa men răng, giúp men răng cứng chắc trở lại.
* Lấy tủy răng có đau không? (Đỗ Quang Khải, Hải Dương)
BS Nguyễn Lan Anh:
- Lấy tủy răng là phương pháp điều trị các bệnh lý về tủy răng và vùng quanh chóp răng. Trong quá trình điều trị, bạn sẽ được gây tê để mất cảm giác đau. Sau điều trị, bạn sẽ được kê thuốc giảm đau (nếu cần). Tuy nhiên, cảm giác đau trong và sau quá trình điều trị còn tùy thuộc nhiều yếu tố như tình trạng viêm nhiễm tại chỗ, vị trí răng cần điều trị, mức độ diễn tiến của bệnh. Bác sĩ sẽ có những biện pháp bổ sung phù hợp để giảm thiểu nhất cảm giác đau.
* Chào bác sĩ. Tôi không có thói quen cạo lưỡi khi đánh răng, có phải đây là nguyên nhân gây hôi miệng không ạ? Tôi thấy chồng tôi làm được mà tôi không thể cạo lưỡi vì cứ như vậy làm tôi buồn nôn. Có cách nào làm sạch lưỡi mà không phải cạo lưỡi không? Xin cám ơn. (Ngô Thị Thúy, 25 tuổi, Bình Chánh)
BS Nguyễn Lan Anh:
- Chào bạn. Việc vệ sinh lưỡi khi đánh răng rất cần thiết để giữ hơi thở thơm tho. Ngoài ra, việc vệ sinh lưỡi còn giúp giảm các bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm nấm trong miệng. Tuy nhiên, nhiều người cảm thấy buồn nôn khi chà lưỡi. Có mẹo nhỏ cho bạn là nhìn vào gương trong khi chà và súc miệng làm sạch kem đánh răng trước khi chà lưỡi sẽ giúp giảm cảm giác buồn nôn đó. Lúc mới bắt đầu, bạn có thể chà phần ngoài của lưỡi, khi quen dần bạn có thể chà những phần sâu bên trong lưỡi hơn. Khi đã quen thì bạn sẽ dần cảm thấy dễ chịu hơn. Bạn có thể kiểm tra thêm các bệnh lý về đường tiêu hóa để phát hiện và điều trị kịp thời (nếu có).
|
Bà Tạ Thị Nam Hồng - Phó tổng biên tập Báo Phụ Nữ tặng hoa cảm ơn bác sĩ Nguyễn Lan Anh |
* Bác sĩ ơi! Bệnh đau dạ dày có gây ra hôi miệng không? Hiện tôi đang bị đau dạ dày mãn tính, tuy nhiên răng tôi sức nhai 100% mà nói chuyện thì bị hôi (theo góp ý của con gái). Tôi nên đi khám ở đâu để tìm ra nguyên nhân hôi miệng và điều trị ạ. Xin Cám ơn. (Ngô Mỹ Vân, 29 tuổi, Bến Lức, Long An)
BS Nguyễn Lan Anh:
- Chào chị. Đau dạ dày cũng có thể gây ra hôi miệng. Chị nên đến khám ở khoa nội tiêu hóa để điều trị bệnh đau dạ dày. Ngoài ra, chị nên kiểm tra thêm các bệnh lý khác, đặc biệt là các bệnh lý ở vùng miệng, tránh ăn các thức ăn có nhiều mùi như hành tỏi..., ăn nhiều trái cây, rau, uống nhiều nước. Sức nhai 100% có nghĩa là tình trạng bộ răng của chị còn đầy đủ và thực hiện chức năng nhai tốt. Chị nên khám và kiểm tra định kỳ để điều trị sớm các bệnh lý, lấy vôi răng và được tư vấn cách vệ sinh răng miệng đúng cách.
* Thưa bác sĩ em dùng oxy già xong thấy miệng hết mùi, một lúc sau lại mùi trở lại, phương pháp này có đúng và an toàn không ạ? (Nguyễn Trúc Ly, TP.HCM)
BS Nguyễn Lan Anh:
- Hôi miệng do nhiều nguyên nhân gây ra như các bệnh lý vùng răng miệng, hô hấp, tiêu hóa, khô miệng, ăn các thức ăn có nhiều mùi... Vì vậy, bạn cần phải xác định đúng nguyên nhân và điều trị. Việc dùng oxy già súc miệng chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn. Một số nghiên cứu cho thấy có sự liên quan giữa việc sử dụng thường xuyên oxy già và bệnh lưỡi lông đen (black hairy tongue). Do đó, không dùng oxy già súc miệng thường xuyên và trong thời gian dài.
* Cháu bị nhiệt miệng đã mấy năm nay, cứ nhai gì trúng lại rất đau, cháu đã cố gắng ăn rau xanh, uống nhiều nước nhưng vẫn không giảm ạ? (Lê Đan Tú, An Giang)
BS Nguyễn Lan Anh:
- Nhiệt miệng (loét aphter) là một bệnh lý thường gặp của vùng miệng, nguyên nhân vẫn chưa xác định rõ. Các yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến nhiệt miệng như stress, khô miệng, chấn thương mô mềm khi ăn nhai... Bệnh có thể tái phát nhiều lần và thường tự khỏi sau 5-7 ngày mà không cần điều trị gì. Nếu em cảm thấy đau khi ăn nhai thì nên dùng thức ăn mềm, lỏng, nguội. Có thể dùng 1 số thuốc bôi tại chỗ để giảm cảm giác đau. Việc ăn rau xanh và uống nhiều nước là rất tốt và nên duy trì.
Báo Phụ Nữ
Ảnh:Phùng Huy