Sẹo mặc dù không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng sẹo lại ảnh hưởng nhiều về mặt thẩm mỹ và gây thiếu tự tin trong giao tiếp xã hội, vậy những vết sẹo này phải điều trị như thế nào? Phải làm sao để da không bị sẹo khi điều trị hết mụn hoặc bệnh ngoài da khác?
Tại khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM hiện nay có áp dụng rất nhiều phương pháp điều trị sẹo với các trang thiết bị hiện đại, bạn sẽ được bác sĩ khám và tư vấn phương pháp thích hợp với tình trạng sẹo của mình.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, 9g sáng nay, Báo điện tử Phụ Nữ TP.HCM - http://www.phunuonline.com.vn tổ chức buổi giao lưu trực tuyến “Điều trị sẹo xấu”, với sự tư vấn của bác sĩ CKII Trần Kim Phượng - Trưởng khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM.
Mời quý bạn đọc tham gia đặt câu hỏi tại đây.
NỘI DUNG GIAO LƯU
* Thưa bác sĩ. Cách đây 10 năm, em bị đụng xe, chân em để lại 1 cái sẹo to trông rất xấu, em rất mặc cảm mỗi khi mặc đầm, váy. Cho em hỏi, Bệnh viện Da liễu TP.HCM có dịch vụ xóa sẹo không ạ? Có thể cho em xin thông tin về chi phí cho việc chữa trị này không? Em cám ơn. (Nguyễn Ngọc Phượng, 30 tuổi, Gò Vấp, TP.HCM)
- BS CKII Trần Kim Phượng:
Chào em, tùy từng loại sẹo sẽ có cách điều trị khác nhau, bác sĩ sẽ làm cho vết sẹo thẩm mỹ hơn chứ không xóa sạch được sẹo. Em nên đến khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM để được các bác sĩ khám, tư vấn cách điều trị thích hợp và biết rõ hơn về chi phí điều trị. Cám ơn em.
Bà Hồ Thị Ngọc Lan - đại diện Báo Phụ Nữ TP.HCM tặng hoa cho bác sĩ CKII Trần Kim Phượng - Trưởng khoa Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM. |
|
* Thưa bác sĩ. Lý do tại sao có người bị sẹo lõm, có người bị sẹo lồi. Hiện giờ, điều trị sẹo lõm, sẹo lồi có những phương thức nào ạ? Em cám ơn. (Hoài An, Dĩ An, Bình Dương)
- BS CKII Trần Kim Phượng:
Chào em.
Sẹo là một phần của quá trình tự chữa lành các vết thương một cách tự nhiên. Khi bị thương, da sẽ trải qua 3 giai đoạn: sưng viêm, tăng sinh và tái tạo.
Trong giai đoạn tăng sinh nguyên bào sợi là các tế bào da ở lớp trung bì, sẽ tăng sinh ở khu vực vết thương để sản xuất collagen giúp miệng vết thương khép và liền lại. Tùy vào cơ địa mỗi người mà cơ chế sản xuất collagen diễn ra khác nhau. Nếu collagen sản xuất không đủ, sẽ gây ra sẹo lõm, nếu collagen được sản xuất quá nhiều, gây tích tụ dày đặc, gây sẹo lồi, sẹo phì đại.
Sẹo lõm có rất nhiều biện pháp điều trị như lăn kim, laser vi điểm, tái tạo da bằng hóa chất, PRP, cắt đáy sẹo…
Sẹo lồi có thể điều trị bằng cách áp lạnh bằng ni tơ lỏng hoặc chích thuốc vào trong sẹo, lựa chọn phương pháp nào tùy thuộc vào vị trí, kích thước, hình thái sẹo nên em có thể đến khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM để các bác sĩ tư vấn cách điều trị phù hợp em nhé.
* Thưa bác sĩ. Em bị bỏng bô xe cả năm nay, giờ thì nó để lại một vết thâm to tướng ở chân em. Xin bác sĩ tư vấn giúp em là nên sử dụng sản phẩm gì để cho nó hết thâm ạ. Có thể dùng nghệ được không ạ? (Ngô Anh Thư, Quán Sứ, Hà Nội)
- BS CKII Trần Kim Phượng:
Chào em, những vết sẹo thâm nên được điều trị bằng những sản phẩm có chứa các chất làm sáng da như hydroquinone, azelaic acide, arbutin… Tuy nhiên, cần thời gian vài tháng màu sắc sẹo mới được cải thiện.
Để sẹo mau hết thâm em cần hạn chế cọ sát, tránh nắng. Nếu sau một thời gian sẹo vẫn không hết thâm có thể phải áp dụng những biện pháp can thiệp thẩm mỹ để cải thiện màu sắc của sẹo, lúc đó em có thể đến khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM để được bác sĩ tư vấn cách điều trị phù hợp. Cám ơn em.
* Thưa bác sĩ. Em quê Tiền Giang, 29 tuổi. Năm 22 tuổi em bị trái rạ nổi nhiều trên mặt, do không biết giữ nên bị nhiều sẹo rỗ với có cả sẹo thâm do mụn nữa. Bác sĩ tư vấn giúp em là điều trị sẹo này có tốn kém nhiều không? Có phải đi khám tại bệnh viện nhiều lần không? Em cám ơn! (Đoàn Thu Sương, TP.Mỹ Tho)
- BS CKII Trần Kim Phượng:
Chào em.
Sẹo rỗ có rất nhiều biện pháp điều trị như lăn kim, laser vi điểm, tái tạo da bằng hóa chất, PRP, cắt đáy sẹo… Tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM đã áp dụng tất cả các phương pháp này, tùy theo từng loại sẹo, cơ địa và điều kiện kinh tế của từng người mà bác sĩ sẽ chọn phương pháp phù hợp.
Mời em đến khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM để được bác sĩ tư vấn cách điều trị tốt nhất nhé. Cám ơn em.
* Chào bác sĩ. Em gái em bị sẹo lồi trên cánh tay. Mẹ em đổ thừa do nó ăn tôm với thịt bò sớm, điều này có đúng không ạ? Giờ vết sẹo đã lâu rồi, không biết có còn chữa được không thưa bác sĩ? (Nguyễn Thùy Trang, Bà Rịa- Vũng Tàu)
- BS CKII Trần Kim Phượng:
Chào em, sẹo là một phần của quá trình tự chữa lành các vết thương một cách tự nhiên. Khi bị thương, da sẽ trải qua 3 giai đoạn: sưng viêm, tăng sinh và tái tạo. Trong giai đoạn tăng sinh nguyên bào sợi là các tế bào da ở lớp trung bì, sẽ tăng sinh ở khu vực vết thương để sản xuất collagen giúp miệng vết thương khép và liền lại.
Tùy vào cơ địa mỗi người mà cơ chế sản xuất collagen diễn ra khác nhau. Nếu collagen sản xuất không đủ, sẽ gây ra sẹo lõm, nếu collagen được sản xuất quá nhiều, gây tích tụ dày đặc, gây sẹo lồi, sẹo phì đại. Quá trình này tùy thuộc vào cơ địa mỗi người chứ không tùy thuộc vào chế độ ăn uống.
Sẹo lồi có thể điều trị bằng cách áp lạnh bằng ni tơ lỏng hoặc chích thuốc vào trong sẹo, lựa chọn phương pháp nào tùy thuộc vào vị trí, kích thước, hình thái sẹo nên em có thể đến Bệnh viện Da liễu TP.HCM để các bác sĩ tư vấn cách điều trị phù hợp em nhé. Cám ơn em.
Bác sĩ chăm sóc da cho khách hàng tại khoa Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM. Nguồn: Bệnh viện Da liễu TP.HCM |
|
* Thưa bác sĩ. Tôi nay 35 tuổi. Do lúc dậy thì tôi có nhiều mụn bọc, mụn mủ và không giữ kỹ, giờ tới tuổi này thì bị sẹo rỗ nhiều quá. Trị sẹo rỗ do mụn để lại thì phải mất thời gian khoảng bao lâu? Quá trình điều trị gồm có những gì? Xin cám ơn. (Lê Hồng Vân, Biên Hòa, Đồng Nai)
- BS CKII Trần Kim Phượng:
Chào bạn.
Sẹo rỗ do mụn có thể điều trị bằng nhiều phương pháp như lăn kim, laser vi điểm, tái tạo da bằng hóa chất, PRP, cắt đáy sẹo…
Tại Bệnh viện Da liễu TPHCM đã áp dụng tất cả các phương pháp này, tùy theo từng loại sẹo, cơ địa và điều kiện kinh tế của từng người mà bác sĩ sẽ chọn phương pháp phù hợp. Mời em đến khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM để được bác sĩ tư vấn cách điều trị tốt nhất nhé. Cám ơn bạn.
* Thưa bác sĩ. Em mới bị phỏng bô xe. Giờ nó còn đang phù nước. Xin bác sĩ chỉ giúp em là khi nào mới có thể dùng kem hoặc nghệ để ngừa sẹo ạ? Xin cám ơn. (Nguyễn Hồng Lam, 22 tuổi, Bình Phước)
- BS CKII Trần Kim Phượng:
Chào em.
Vết bỏng của em còn đang phồng nước, em nên dùng các dung dịch sát khuẩn để chăm sóc cho vết thương lành tốt. Em có thể thoa các loại thuốc nước như milian, eosin để vết thương nhanh khô và đóng mày. Khi vết thương đã đóng mày, em có thể thoa các loại kem liền sẹo.
Vết bỏng có để lại sẹo hay không tùy thuộc độ sâu, thuốc chỉ giúp vết thương nhanh lành hơn, do đó quá trình tạo sẹo sẽ thuận lợi hơn chứ không làm mất sẹo hoàn toàn nếu vết bỏng quá sâu em nhé. Cám ơn em.
* Thưa bác sĩ. Người Việt mình hễ nghe đến trị sẹo là nghĩ ngay đến nghệ. Em chiên cá, bị dầu văng phỏng chỗ cánh tay. Em có dùng nghệ trộn với mật ong để thoa, nhưng sẹo phỏng vẫn còn dù không bị thâm, không bị lồi, nhưng nhìn vào vẫn thấy sẹo. Bác sĩ cho em hỏi là mình có thể làm sẹo biến mất luôn được không? Em cám ơn. (Nguyễn Thị Thảo, 25 tuổi, Ninh Kiều, Cần Thơ)
- BS CKII Trần Kim Phượng:
Chào bạn.
Sẹo là dấu vết để lại trên da sau khi phục hồi các vết cắt, vết bỏng hoặc những vùng mô bị tổn thương. Vì các tế bào da mới không khớp với các mô tế bào cũ nên sẽ xuất hiện những mô sẹo đỏ, thâm nâu, thâm đen, sẹo lồi, sẹo lõm, sẹo co kéo…
Nếu sẹo đã hình thành thì không thể làm biến mất sẹo. Sẹo của em không thâm, không lồi, chỉ cần em dùng các kem che khuyết điểm sẽ giấu đi vết sẹo này dễ dàng.
Bác sĩ CKII Trần Kim Phượng - Trưởng khoa Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM trả lời giao lưu trực tuyến Điều trị sẹo xấu. |
|
* Bác sĩ ơi! Bệnh viện Da liễu TP.HCM có các kỹ thuật điều trị sẹo nào ạ? Em muốn xóa sẹo thâm do mụn để lại và sẹo do phỏng bô xe. Nhưng em ngán nhất là vào bệnh viện đông quá, chờ lâu lắm. Không biết là bên bệnh viện có dịch vụ nào mà đỡ chờ không ạ? Em cám ơn. (Hoàng Như Yến, 28 tuổi, Hóc Môn, TP.HCM)
- BS CKII Trần Kim Phượng:
Chào em.
Tại khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM đang áp dụng nhiều phương pháp điều trị nhiều loại sẹo như sẹo lõm bằng lăn kim, laser vi điểm, PRP, tái tạo da bằng hóa chất, cắt đáy sẹo…; điều trị sẹo lồi bằng áp ni tơ lỏng, tiêm corticoide vào sẹo; điều trị sẹo thâm bằng thuốc thoa; tái tạo da bằng hóa chất, laser kỹ thuật cao…
Em có thể đến khám tại khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM (lầu 2, khu E) để được bác sĩ tư vấn phương pháp điều trị thích hợp.
* Bác sĩ ơi! Ngoài các loại kem trị sẹo thì giờ có thêm cả công nghệ (laser, lăn kim…). Cho em hỏi, loại sẹo nào thì chỉ cần dùng kem thoa, loại nào thì phải can thiệp công nghệ? Xin cám ơn. (Trương Thanh Châu, 24 tuổi, quận 6, TP.HCM)
- BS CKII Trần Kim Phượng:
Chào em.
Hiện nay tại khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM đang áp dụng nhiều phương pháp điều trị các loại sẹo khác nhau như sẹo lõm, sẹo lồi, sẹo co kéo, sẹo xấu, sẹo thâm.
Tùy tình trạng sẹo mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp thích hợp nói chung: các sẹo thâm, sẹo lồi mới hình thành có thể dùng thuốc thoa nhưng cần thời gian dài thuốc mới bắt đầu có hiệu quả; còn các loại sẹo xấu, sẹo lõm, sẹo cũ thường phải can thiệp bằng thủ thuật. Cám ơn em.
Điều trị sẹo (trước: ảnh trái và sau: ảnh phải) tại khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM. Nguồn: Bệnh viện Da liễu TP.HCM |
|
* Thưa bác sĩ. Em gái em nay 19 tuổi, nó bị mụn rất to, có mủ, và mỗi lần khô lại là để lại 1 nhân mụn đầu đen với lỗ mụn rất to. Xin bác sĩ tư vấn giúp em cách chăm sóc da lúc này để ngăn ngừa sẹo. Cám ơn bác sĩ. (Lương Thanh Hà, Bến Lức, Long An)
- BS CKII Trần Kim Phượng:
Chào bạn.
Những người bị mụn nặng nếu điều trị trễ và không đúng cách rất dễ để lại di chứng sẹo lõm, sẹo lồi, sẹo co kéo.
Để ngăn ngừa sẹo, bạn có thể đưa em gái đến khám tại các phòng khám chuyên khoa da liễu hoặc Bệnh viện Da liễu TP.HCM để được điều trị sớm. Tuyệt đối không được nặn mụn, nên dùng sữa rửa mặt dành cho da nhờn giúp da sạch hơn, nên rửa mặt nhẹ nhàng hạn chế làm mụn vỡ ra dễ gây sẹo. Cám ơn em.
* Thưa bác sĩ, em có nghe nói đến việc lăn kim trị sẹo, nhưng không hiểu lắm. Lăn kim này thì có thể trị sẹo gì? Có đau lắm không? Có làm sưng mặt không? Có bị chảy máu không? Em cám ơn. (Bùi Minh Uyên, 20 tuổi, Long Thành, Đồng Nai)
- BS CKII Trần Kim Phượng:
Chào em.
Lăn kim là phương pháp dùng những đầu kim nhỏ (dụng cụ lăn bằng tay và lăn bằng máy) để kích thích đáy sẹo giúp da tăng sinh collagen, qua đó sẹo sẽ cải thiện dần.
Phương pháp này thường dùng để điều trị lỗ chân lông to, sẹo lõm, sẹo xấu. Vì những hàng kim nhỏ sẽ đâm trực tiếp vào vùng da cần điều trị nên sẽ hơi đau, làm xong da sẽ hơi đỏ, hơi sưng nhẹ, đôi chỗ rịn máu nhưng triệu chứng này sẽ mất đi sau 1-2 ngày và da sẽ tiếp tục cải thiện thêm nữa. Cám ơn em.
* Thưa bác sĩ. Em có nghe quảng cáo việc trị sẹo bằng Laser CO2 Fractional. Đây là công nghệ gì? Có an toàn cho da không? Tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM có công nghệ này không ạ? (Trịnh Hoàng Thiên Thanh, 27 tuổi, Q.5, TP.HCM)
- BS CKII Trần Kim Phượng:
Chào em.
Laser CO2 Fractional là công nghệ laser vi điểm dùng để điều trị sẹo lõm, sẹo xấu, sẹo co kéo rất hiệu quả. Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị sẹo, để việc điều trị hiệu quả và an toàn cần chọn lựa phương pháp thích hợp tùy theo tình trạng sẹo và cơ địa của từng người.
Em có thể đến khám tại khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM (lầu 2, khu E) để được bác sĩ tư vấn phương pháp điều trị thích hợp nhé. Chúc em khỏe.
Bác sĩ chăm sóc da cho khách hàng tại khoa Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM. Nguồn: Bệnh viện Da liễu TP.HCM |
|
* Bác sĩ ơi! Em nghe quảng cáo về điều trị sẹo rất nhiều, chỗ nào cũng nói là hiệu quả 100%, điều trị chỉ 1 lần duy nhất. Điều này có đúng không bác sĩ? Sau 1 lần điều trị, da mình có mất hẳn các vết sẹo không hay vẫn còn mờ ạ? Em cám ơn. (Hoàng Thị Kim Loan, 29 tuổi, Củ Chi)
- BS CKII Trần Kim Phượng:
Chào em.
Sẹo cần được điều trị nhiều lần, đôi khi phải phối hợp nhiều phương pháp mới cải thiện sẹo. Tuy nhiên, sau điều trị sẹo sẽ không mất hoàn toàn mà chỉ cải thiện về mặt hình dạng và cấu trúc.
Hiện nay trên thế giới cũng chưa có phương pháp, công nghệ nào chỉ điều trị 1 lần duy nhất mà đạt hiệu quả 100%. Cám ơn em.
* Thưa bác sĩ. Em bị tai nạn lúc nhỏ, có 1 cái sẹo rất dài ở trán. Đến giờ thì nó có mờ, không bị lồi nhưng rất mất thẩm mỹ nên em lúc nào cũng để tóc mái che trán. Xin bác sĩ tư vấn giúp em có cách gì điều trị, khi điều trị có thể gặp các biến chứng nào không? Em cám ơn. (Lê Cẩm Châu, 26 tuổi, Thạch Khê, Đà Nẵng)
- BS CKII Trần Kim Phượng:
Chào em.
Đối với vết sẹo cũ như sẹo của em, nếu vết sẹo bằng mặt da không lồi, không lõm thì sẽ không điều trị; nếu vết sẹo bị lõm hoặc co kéo quá xấu thì có thể dùng các biện pháp tái tạo bề mặt để cải thiện sẹo.
Em có thể đến khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM để được bác sĩ khám và đánh giá chính xác hơn em nhé. Cám ơn em.
* Thưa bác sĩ. Con 22 tuổi, là con trai. Thời dậy thì, con từng bị mọc mụn rất nhiều ở toàn bộ vùng mặt. Hiện nay thỉnh thoảng con vẫn bị nổi mụn ở vùng cằm, ngực, còn trên má thì rất hiếm. Điều đáng buồn là khi mụn nổi ở vùng cằm, ngực thì sau đó để lại sẹo lồi rất xấu xí. Bác sĩ cho con hỏi: Tại khoa Thẩm mỹ Da của Bệnh viện Da liễu TP.HCM có các phương pháp nào để trị sẹo lồi ạ? Vì con nghe nói có nhiều cách để trị sẹo lồi, như tiêm corticosteroid nội thương tổn; phẫu thuật lạnh (Cryotherapy); laser điều trị sẹo lồi… Chi phí của những phương pháp này ra sao, có đắt không ạ? Cảm ơn bác sĩ. (Trần Ưu Tâm, 22 tuổi, Gò Vấp, TP.HCM)
- BS CKII Trần Kim Phượng:
Chào em.
Hiện nay, tại khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM có nhiều phương pháp điều trị sẹo lồi: tiêm corticosteroid nội thương tổn; phẫu thuật lạnh (Cryotherapy); laser điều trị sẹo lồi, phẫu thuật... Tùy theo tình trạng, kích thước của sẹo mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp phù hợp nhất.
Tuy nhiên, khi đã bị sẹo lồi thì điều trị chỉ làm mềm sẹo, làm phẳng, thu nhỏ vết sẹo thôi, chứ không làm mất hoàn toàn vết sẹo. Do đó, cách tốt nhất là phòng ngừa sẹo: khi bị mụn, em nên đi khám sớm để được điều trị đúng phác đồ. Cám ơn em.
* Chào bác sĩ. Tôi bị tai nạn giao thông cách đây hơn 1 năm, đầu gối phải bị rách sâu, sau lành thì tạo thành vết sẹo to bằng nửa bàn tay, cứng, màu đỏ, đau và ngứa rất khó chịu. So với hồi mới tạo sẹo thì bây giờ nó có nhỏ hơn, ít đau hơn nhưng rất xấu xí. Tôi không dám mặc đầm hay bất cứ quần nào ngắn đến đầu gối vì sợ lộ sẹo. Với vết sẹo to như vậy, có cách gì để trị không, xin bác sĩ tư vấn giúp. Cảm ơn. (Trịnh Vân Anh, 38 tuổi, quận 2, TP.HCM)
- BS CKII Trần Kim Phượng:
Chào bạn.
Việc điều trị sẹo là cải thiện về mặt thẩm mỹ và giảm ngứa chứ không làm mất sẹo hoàn toàn. Để vết sẹo không bị xấu và nghiêm trọng hơn, bạn nên hạn chế việc gãi và cọ xát, thoa thuốc điều trị sẹo. Nếu sẹo không lồi thì có thể dùng mỹ phẩm để che vết sẹo đi.
Nếu cần tư vấn thêm, bạn có thể đến khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM để được bác sĩ khám và tư vấn, đưa ra hướng điều trị tốt nhất. Cám ơn.
* Bác sĩ ơi, con gái tôi 15 tuổi, cháu bị mụn nhiều lắm, sau đó thì có những vết sẹo lỗ chỗ trên mặt. Giờ mới chỉ có ít thôi nhưng tôi sợ sau này mặt cháu sẽ bị rỗ chằng rỗ chịt như người ta bị thủy đậu. Tôi phải làm sao, xin bác sĩ tư vấn giúp. Cảm ơn. (Võ Thùy Thanh, 45 tuổi, Biên Hòa, Đồng Nai)
- BS CKII Trần Kim Phượng:
Chào chị.
Bé hiện đang ở độ tuổi dậy thì sẽ dễ bị mụn. Việc quan trọng là hướng dẫn bé cách chăm sóc da đúng để hạn chế mụn nặng thêm hoặc nổi mụn mới.
Đặc biệt là không được nặn mụn bằng bất kỳ hình thức nào (do nặn mụn sẽ rất dễ để lại sẹo rỗ hoặc sẹo lồi); cần rửa sạch da mặt bằng sản phẩm dành cho da nhờn ngày 2 lần sáng và tối; phải rửa mặt, lau mặt nhẹ nhàng tránh làm vỡ mụn; dùng các thuốc trị mụn theo hướng dẫn của bác sĩ (trung bình 4-5 tháng mới có hiệu quả thấy rõ). Chúc bé nhà chị có làn da đẹp.
Bác sĩ CKII Trần Kim Phượng - Trưởng khoa Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM trả lời giao lưu trực tuyến Điều trị sẹo xấu. |
|
* Thưa bác sĩ. Cách đây 7 tháng, cháu trai nhà tôi (25 tuổi) đi đá banh và bị ngã chà xát phần ngực xuống đất. Từ vết thương này đã hình thành sẹo và nó nhăn nhúm khiến phần da ngực bị căng tức rất đau, làm cháu cử động cũng khó khăn. Tôi không biết đây là kiểu sẹo gì, có chữa được không thưa bác sĩ? (Nguyễn Minh Nhật Hoàn, 50 tuổi, Thống Nhất, Đồng Nai).
- BS CKII Trần Kim Phượng:
Chào bạn. Tùy theo vị trí, kích thước, hình dạng mà một số sẹo sẽ gây căng, đau nhức và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Với tình trạng sẹo này, cách tốt nhất là nên đưa cháu đi khám sớm để được đánh giá tình trạng sẹo và bác sĩ sẽ đưa ra cách điều trị tốt nhất. Cám ơn.
* Thưa bác sĩ. Tôi vô ý nên để tuột tay rơi tô canh nóng, nước canh văng vào đùi làm bỏng một vùng da lớn hơn một bàn tay. Tôi lấy nha đam bôi nhưng vết bỏng sau đó vẫn bị nhiễm trùng nên tạo thành mảng sẹo thâm xì. Tôi đã bôi nghệ, bôi kem chống sẹo nhưng không hết. Khoa Thẩm mỹ Da của Bệnh viện Da liễu TP.HCM có thể chữa lành và trả lại làn da mịn màng như cũ cho tôi không ạ? (Trần Ngọc Minh Châu, 42 tuổi, Cần Thơ)
- BS CKII Trần Kim Phượng:
Chào chị. Tất cả các biện pháp điều trị sẹo là nhằm cải thiện về mặt thẩm mỹ: sáng da, bớt thâm, sẹo mềm hơn, làm phẳng vết sẹo... chứ không thể làm biến mất sẹo hoàn toàn.
* Chào bác sĩ. Tôi rất thích xăm nên cách đây 9 tháng có đi xăm hình một con chim én ở bên vai trái. Hình xăm rất đẹp nhưng sau khi vết xăm đóng mày thì tôi thấy xuất hiện những đường răn nhỏ, dần dần thì nó sần sùi trông rất ghê. Tôi bắt đền tiệm xăm thì họ nói do tôi có cơ địa xấu, dễ bị sẹo nên họ không thể làm gì. Giờ tôi muốn chữa cho hết sẹo sùi này thì phải làm thế nào? Cảm ơn bác sĩ tư vấn. (Văn Minh Thùy, 29 tuổi, Tân Bình, TP.HCM)
- BS CKII Trần Kim Phượng:
Chào em. Như mô tả thì bác sĩ chưa thể chẩn đoán được sẹo sùi này là gì? Em nên đến Bệnh viện Da liễu TP.HCM để được bác sĩ khám và đưa ra chẩn đoán chính xác cách điều trị thích hợp. Em nên sắp xếp đi khám sớm vì càng để lâu thì sẽ khó điều trị. Cám ơn em.
Điều trị sẹo lõm (trước: ảnh trái và sau: ảnh phải) tại khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM. Nguồn: Bệnh viện Da liễu TP.HCM |
|
* Chào bác sĩ. Tôi có cơ địa dễ hình thành sẹo dù chỉ là bị vết thương nhỏ như trầy xước. Nghe nói trên thị trường hiện nay có nhiều loại thuốc điều trị sẹo rất hiệu quả. Bác sĩ có thể tư vấn giúp tôi nên mua loại thuốc nào để sẵn trong nhà cho tiện dùng không ạ? Xin cảm ơn. (Trịnh Trung Thành, 31 tuổi, Mỏ Cày, Bến Tre)
- BS CKII Trần Kim Phượng:
Chào bạn. Sẹo là dấu vết để lại trên da sau khi phục hồi các vết cắt, vết bỏng hoặc những vùng mô bị tổn thương. Vì các tế bào da mới không khớp với các mô tế bào cũ nên sẽ xuất hiện những mô sẹo đỏ, thâm nâu, thâm đen… Vết sẹo có khi lồi, có khi lõm, ảnh hưởng nhiều đến vẻ đẹp làn da.
Cơ chế hình thành sẹo phụ thuộc vào sự tăng cường lưu thông máu giúp thúc đẩy quá trình làm lành vết thương và sự sản sinh các mô tế bào da để làm liền vết thương, còn gọi là mô sẹo.
Muốn vết thương không để lại những vết sẹo xấu xí, bạn nên bắt đầu sử dụng các loại thuốc trị sẹo ngay khi thấy vết thương vừa khép miệng, liền da sẽ giúp ức chế sự hình thành vết sẹo. Can thiệp đúng lúc sẽ giúp cân bằng sự sản sinh collagen vừa đủ, giảm sẹo lồi, tránh sẹo lõm hình thành sau đó.
* Thưa bác sĩ, năm 17 tuổi tôi bị thủy đậu. Do nhà ở quê nên không biết cách giữ gìn khiến sau đó mặt tôi bị rỗ, đặc biệt là hai bên má. Có phương pháp nào điều trị sẹo rỗ hiệu quả và ít tốn kém không? Mong bác sĩ chỉ giúp, cảm ơn. (Nguyễn Ngọc Thường Đoan, 28 tuổi, Sông Pha, Ninh Thuận)
- BS CKII Trần Kim Phượng:
Chào em. Sẹo lõm có rất nhiều biện pháp điều trị như lăn kim, laser vi điểm, tái tạo da bằng hóa chất, PRP, cắt đáy sẹo… Lựa chọn phương pháp nào tùy thuộc vào vị trí, kích thước, hình thái sẹo nên em có thể đến khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM để các bác sĩ tư vấn cách điều trị phù hợp em nhé.
Em có thể tham khảo giá tại http://www.bvdl.org.vn/n-6.25/dich-vu/bang-gia-kham-benh
Em có thể tham khảo các cách điều trị sẹo lõm tại:
https://www.youtube.com/watch?v=GcatZpWxZ0Q
https://www.facebook.com/benhviendalieutphcm/posts/2412209608800372?__tn__=-R
* Chào bác sĩ. Tôi mới sinh em bé được 16 tháng. Thời kỳ mang thai, tôi tăng cân quá nhanh nên vùng da bụng, da ngực và ở hai bên khoeo chân bị nứt để lại sẹo chằng chịt xấu xí. Tôi có thể đến đâu để điều trị hết những vết sẹo này? (Vũ Thị Bích Nga, 31 tuổi, Dĩ An, Bình Dương)
- BS CKII Trần Kim Phượng:
Chào bạn.
Theo mô tả thì bạn bị rạn da. Muốn điều trị tốt thì khi vết rạn còn đỏ, bạn có thể bôi thuốc hoặc can thiệp các biện pháp thẩm mỹ sẽ giúp vết rạn mờ đi. Nhưng khi vết rạn chuyển sang màu trắng thì hiệu quả điều trị không cao.
Bạn có thể đến khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM để được bác sĩ khám và đưa ra hướng điều trị thích hợp.
Giao lưu trực tuyến Điều trị sẹo xấu |
|
* Thưa bác sĩ. Cháu bé nhà tôi lên 3 tuổi, do người giúp việc bất cẩn nên để cháu nhúng bàn tay vào tô mì đang nóng và bị bỏng. Giờ mu bàn tay cháu bị sẹo nhăn nhúm rất xấu. Tôi có thể đưa cháu đến bệnh viện để điều trị sẹo không? Cháu còn quá nhỏ, liệu trị sẹo bây giờ có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của bé? (Nguyễn Thị Việt Tú, 33 tuổi, Tân An, Long An)
- BS CKII Trần Kim Phượng:
Chào bạn.
Để phòng ngừa việc sẹo ảnh hưởng đến chức năng vận động tay của bé, bạn có thể đưa bé đi khám sớm tại khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM để được bác sĩ khám và đưa ra hướng điều trị thích hợp.
* Bác sĩ ơi, con bị mụn rất nhiều hồi học phổ thông. Giờ con học năm 3 đại học, mụn bớt rồi nhưng để lại vết thâm đầy trên mặt. Con cũng chịu khó bôi nghệ và mật ong nhưng da không sáng lên chút nào. Mẹ con bảo đó là những vết sẹo thâm, chìm trong da. Có cách nào để chữa dứt và làm da sáng đẹp không, thưa bác sĩ? (Đặng Ngọc Trâm, 20 tuổi, quận 4, TP.HCM)
- BS CKII Trần Kim Phượng:
Chào em.
Những vết sẹo thâm có thể được điều trị bằng những sản phẩm có chứa các chất làm sáng da như vitamin C, azelaic acide, arbutin… Tuy nhiên, cần thời gian vài tháng màu sắc sẹo mới được cải thiện.
Để sẹo mau hết thâm, em cần hạn chế cọ xát, tránh nắng. Nếu sau một thời gian sẹo vẫn không hết thâm, em có thể áp dụng những biện pháp can thiệp thẩm mỹ để cải thiện màu sắc của sẹo. Em có thể đến khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM để được bác sĩ tư vấn cách điều trị phù hợp. Cám ơn em.
* Con gái tôi năm nay được 5 tuổi, cháu bị ngã xe gây tổn thương vùng mặt, tuy đã liền da nhưng nơi bị tổn thương ngày càng xạm đen, đưa đi khám bác sĩ nói cháu còn nhỏ từ từ vết xạm sẽ phai dần đi rồi hết. Nhưng tôi hơi lo lắng vì da ở đây ngày càng dày và chưa có dấu hiệu phai xạm. Nếu đi chữa trị, tôi nên đưa bé đến khoa nào và điều trị ra sao, thưa bác sĩ? (Trần Văn Giàu, 35 tuổi, ở Tân Châu, Tây Ninh)
- BS CKII Trần Kim Phượng:
Chào bạn.
Do bé còn nhỏ nên bạn chú ý làm sao để tránh cho bé không gãi, chà xát lên vết sẹo, tránh làm vết sẹo dày lên và đen thêm.
Nếu tình trạng nặng hơn, bạn nên đưa bé đến chuyên khoa da liễu để có hướng cải thiện tốt nhất. Cám ơn.
* Vùng tai của tôi có khối sẹo to bằng nửa quả trứng gà do biến chứng xỏ lổ tai cách đây 2 năm. Tôi có đi cắt bỏ sẹo nhưng sau đó vẫn bị lồi trở lại dù đã kiêng cữ và sử dụng thuốc đúng như bác sĩ ở bệnh viện hướng dẫn. Liệu ngoài sẹo lồi tôi có bị bệnh gì nữa không, phải điều trị như thế nào, bác sĩ giúp tôi với ạ. (Trần Nguyễn Thị Nam, 30 tuổi, Quận 5, TP.HCM)
- BS CKII Trần Kim Phượng:
Chào bạn. Phẫu thuật là 1 biện pháp điều trị sẹo lồi được chỉ định cho vài trường hợp đặc biệt. Tuy nhiên, cũng có trường hợp vết sẹo lồi sẽ to hơn sau phẫu thuật chứ không bị bệnh gì khác.
Với trường hợp hiện tại của bạn, hướng điều trị tiếp theo là áp ni tơ lỏng hoặc tiêm thuốc vào nốt sẹo. Cám ơn bạn.
Bác sĩ CKII Trần Kim Phượng - Trưởng khoa Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM trả lời giao lưu trực tuyến Điều trị sẹo xấu. |
|
* Sẹo thì có thể mọc nối đuôi nhau không bác sĩ? Trước đây tôi bị té ngã khiến cằm bị sẹo, nhưng sau 2 tháng ở chỗ sẹo cũ lại mọc thêm 2-3 nốt sẹo nhỏ khác. Gần đây tôi lại thấy sẹo tiếp tục to lên, bác sĩ chỉ tôi cách điều trị với. (Phạm Thị Xuân Hồng, 27 tuổi, Long An)
- BS CKII Trần Kim Phượng:
Chào em.
Sẹo là dấu vết để lại trên da sau khi phục hồi các vết cắt, vết bỏng hoặc những vùng mô bị tổn thương. Vì các tế bào da mới không khớp với các mô tế bào cũ nên sẽ xuất hiện những mô sẹo đỏ, thâm nâu, thâm đen… Vết sẹo có khi lồi, có khi lõm, ảnh hưởng nhiều đến vẻ đẹp làn da.
Tuy nhiên, đối với người có cơ địa sẹo lồi, đôi khi chỉ là những kích thích rất nhỏ như gãi, cọ xát, nặn mụn... cũng có thể để lại những vết sẹo lồi, còn vết sẹo đã hình thành sẽ to hơn khi bị kích thích.
Nếu có điều kiện, bạn có thể đến khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM để được bác sĩ khám và đưa ra hướng điều trị thích hợp.
* Em bị sẹo lồi rất ngứa, phải làm sao ạ? Em thấy mọi người hay nhai lá đắp lên, như vậy có nguy hiểm gì không? Chúc bác sĩ nhiều sức khỏe. (Doãn Chí Phong, 37 tuổi, Hà Tây)
- BS CKII Trần Kim Phượng:
Chào bạn. Những vết sẹo thường gây ngứa. Bạn nên cẩn thận vì đắp lá không có tác dụng làm xẹp sẹo lồi mà còn có nguy cơ bị viêm da tiếp xúc khiến vết sẹo ngứa hơn, lồi hơn. Cám ơn bạn.
* Tôi bị ngã xe đã 3 ngày, ở bắp chân thủng khá sâu phải may 7 mũi, cơ địa tôi bị sẹo lồi nên rất lo lắng. Tôi nghe nói phải kiêng cữ rau muống, thịt bò, trứng gà thì sẽ không bị sẹo, đúng không bác sĩ? Ngoài kiêng cữ, tôi có cần sử dụng thuốc gì không? (Nguyễn Ngọc Nga, 24 tuổi, Bình Thạnh, TP.HCM)
- BS CKII Trần Kim Phượng:
Chào em.
Sẹo là một phần của quá trình tự chữa lành các vết thương một cách tự nhiên. Khi bị thương, da sẽ trải qua 3 giai đoạn: sưng viêm, tăng sinh và tái tạo. Trong giai đoạn tăng sinh nguyên bào sợi là các tế bào da ở lớp trung bì, sẽ tăng sinh ở khu vực vết thương để sản xuất collagen giúp miệng vết thương khép và liền lại.
Tùy vào cơ địa mỗi người mà cơ chế sản xuất collagen diễn ra khác nhau. Nếu collagen sản xuất không đủ, sẽ gây ra sẹo lõm; nếu collagen được sản xuất quá nhiều, gây tích tụ dày đặc, gây sẹo lồi, sẹo phì đại. Quá trình này tùy thuộc vào cơ địa mỗi người chứ không tùy thuộc vào chế độ ăn uống.
Muốn vết thương không để lại những vết sẹo xấu xí, bạn nên bắt đầu sử dụng các biện pháp can thiệp ngay bằng các loại thuốc trị sẹo khi thấy vết thương vừa khép miệng, liền da sẽ giúp ức chế sự hình thành vết sẹo.
Lưu ý: việc bôi thuốc phải kéo dài ít nhất khoảng 2 tháng mới có hiệu quả. Can thiệp đúng lúc sẽ giúp cân bằng sự sản sinh collagen vừa đủ, giảm sẹo lồi, tránh sẹo lõm hình thành sau đó. Cám ơn em.
* Mấy năm trước tôi bị sứa cắn gây sẹo ở bàn tay và rất mẫn cảm với xà phòng, mỗi khi rửa chén hay giặt đồ, vết sẹo thường đỏ ửng và ngứa ngáy khó chịu. Tôi có uống thuốc nhưng bác sĩ nói cần ghép da mới khỏi. Bác sĩ tư vấn cho tôi về phương pháp ghép da này với ạ? (Hoàng Thị Xuân, 32 tuổi, ở Bình Dương)
- BS CKII Trần Kim Phượng:
Chào bạn.
Theo như mô tả, bạn có thể đang bị viêm da tiếp xúc trên nền vết sẹo. Do đó, bạn cần hạn chế tiếp xúc xà phòng và hóa chất, bôi 1 số thuốc đặc trị theo chỉ định của bác sĩ.
Bạn có thể đến Bệnh viện Da liễu TP.HCM để được bác sĩ khám và giải đáp kỹ hơn những thắc mắc của bạn. Cám ơn.
* Bác sĩ Phượng cho con hỏi xíu ạ. Con không biết loại sẹo nào thường gặp, nhất là ở lứa tuổi teen như con. Con cảm ơn. Chúc bác sĩ luôn xinh đẹp. (Lê Mai Phương, 21 tuổi, TP.HCM)
- BS CKII Trần Kim Phượng:
Chào em. Sẹo là dấu vết để lại trên da sau khi phục hồi các vết cắt, vết bỏng hoặc những vùng mô bị tổn thương. Vì các tế bào da mới không khớp với các mô tế bào cũ nên sẽ xuất hiện những mô sẹo đỏ, thâm nâu, thâm đen… Vết sẹo có khi lồi, có khi lõm, ảnh hưởng nhiều đến vẻ đẹp làn da.
Khi bị thương, nếu biết chăm sóc đúng để vết thương nhanh lành thì khả năng để lại sẹo sẽ ít hơn. Em có thể tham khảo cách chăm sóc vết thương nhanh lành, tránh sẹo tại: https://www.facebook.com/watch/?v=359543684747170
* Sẹo lồi có thể chữa hết không bác sĩ? Ngoài phẫu thuật cắt sẹo lồi, có thể dùng phương pháp căng da hay bôi thuốc không? Mong bác sĩ tư vấn giúp tôi cách chữa tốt nhất hiện nay. (Trần Hoàng Kim, 37 tuổi, ở Dĩ An, Bình Dương)
- BS CKII Trần Kim Phượng:
Chào bạn. Mục đích điều trị sẹo lồi là làm vết sẹo mềm, phẳng hơn và sáng hơn chứ không làm mất hẳn vết sẹo.
Sẹo lồi có thể điều trị bằng cách áp lạnh bằng ni tơ lỏng hoặc chích thuốc vào trong sẹo, phẫu thuật... Lựa chọn phương pháp nào tùy thuộc vào vị trí, kích thước, hình thái sẹo. Cám ơn.
Bác sĩ CKII Trần Kim Phượng - Trưởng khoa Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM trả lời giao lưu trực tuyến Điều trị sẹo xấu. |
|
* Bắn laser thì có thể giải quyết triệt để sẹo lồi không bác sĩ? Vết sẹo của tôi ở vùng mí mắt, khi bắn tia này mắt có bị ảnh hưởng không? Nếu hết sẹo lồi thì có để lại sẹo thâm đen hay sẹo khác không? (Phan Thị Kim Loan, 26 tuổi, Bến Đước, Long An)
- BS CKII Trần Kim Phượng:
Chào em. Một số loại laser đặc biệt có thể được chỉ định cho điều trị sẹo lồi (không phải tất cả sẹo lồi đều có thể điều trị bằng laser, khi điều trị bằng những loại laser này, bệnh nhân phải được đeo kính bảo vệ mắt).
Hiện tại, không có biện pháp nào điều trị mất hẳn vết sẹo. Vùng mí mắt là vùng da nhạy cảm, cho nên bạn nên đi khám sớm để được bác sĩ tư vấn và đưa ra hướng điều trị thích hợp.
* Có cơ sở thẩm mỹ quảng cáo phương pháp K-cort Erada sử dụng công nghệ tiêm tan sẹo bằng thuốc đặc trị K-cort với hoạt chất Triamcinolone Acetonide tác động làm tan các mô sẹo, giúp da phẳng mịn hơn. Xin bác sĩ tư vấn, tôi có nên điều trị sẹo lồi bằng phương pháp này không? (Tuyết Hồng, Nha Trang)
- BS CKII Trần Kim Phượng:
Chào bạn. Tiêm hoạt chất Triamcinolone Acetonide vào trong sẹo là 1 phương pháp điều trị sẹo lồi hiệu quả. Tuy nhiên, nếu không điều trị đúng sẽ dễ bị tác dụng phụ như teo da, giãn mạch, mất sắc tố...
Do đó, bạn nên cân nhắc để đến những bệnh viện, phòng khám uy tín nơi có bác sĩ chuyên khoa da liễu chỉ định và thực hiện. Cám ơn.
* Tôi đọc thấy trên mạng nhiều thẩm mỹ viện giới thiệu các phương pháp điều trị sẹo lồi như công nghệ điều trị sẹo bằng Fractional Laser CO2, công nghệ máu tự thân PRP hay Derma Roller (lăn kim). Đây có phải là những phương pháp tiên tiến trong điều trị sẹo các loại? (Trần Văn Luận, Bình Dương)
- BS CKII Trần Kim Phượng:
Chào bạn. Công nghệ điều trị sẹo bằng Fractional Laser CO2, công nghệ máu tự thân PRP hay Derma Roller (lăn kim)... là những phương pháp giúp cải thiện tình trạng sẹo lõm, sẹo xấu, sẹo co kéo...
Lưu ý: các công nghệ trên đều là những phương pháp can thiệp xâm lấn vào da, có thể gây chảy máu, nên khi thực hiện cần phải đảm bảo vô trùng, được thực hiện bởi bác sĩ đã qua đào tạo và được cấp giấy phép hành nghề của Sở Y tế. Vì nếu không đảm bảo vô trùng, bệnh nhân có thể bị lây nhiễm những bệnh lý khác như HIV, viêm gan siêu vi B...
Do đó, bạn nên lựa chọn các cơ sở đã được Sở Y tế cấp phép cho các công nghệ này nhằm tránh những tai biến không đáng có.
Hiện tại, khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM đã có tất cả các phương pháp điều trị mới nhất. Nếu có vấn đề về da, sẹo, bạn nên sắp xếp thời gian đến đây để được bác sĩ thăm khám, tư vấn cách điều trị tốt nhất. Cám ơn bạn.
* Bác sĩ ơi, cách đây hơn năm em có đi cắt mí mắt. Nhưng sau đó chỗ vết cắt lại thành sẹo khiến mắt em bị kéo xếch lên khiến em mặc cảm vô cùng. Em có thể xóa sẹo để mắt cân đối lại không? (Vũ Minh Hoa, 27 tuổi, Cần Thơ)
- BS CKII Trần Kim Phượng:
Chào bạn. Với tình trạng hiện tại, bạn nên đến khám để được bác sĩ đánh giá trực tiếp và tư vấn các khắc phục. Cám ơn.
* Em trai tôi xăm mình toàn cơ thể. Có phương pháp nào xoá hình xăm an toàn và không để lại sẹo? (Trần Thị Vân, P.7, Q.3, TP,HCM)
- BS CKII Trần Kim Phượng:
Chào bạn. Hiện nay, phương pháp laser kỹ thuật cao: QS, Pico giây có thể giúp xóa mờ hình xăm nhưng phải thực hiện nhiều lần. Tùy theo màu sắc mực xăm, kỹ thuật xăm mà hiệu quả điều trị sẽ khác nhau. Các phương pháp laser này tương đối an toàn nếu thực hiện kỹ thuật đúng.
Ở Bệnh viện Da liễu TP.HCM hiện đã được trang bị tất cả các công nghệ tiên tiến nhất giúp xóa xăm và các vấn đề thẩm mỹ da khác. Cám ơn.
* Tôi bị vết bớt khá to ở trán, đã đi làm tiểu phẫu để loại bỏ, nhưng gần đây chỗ tiểu phẫu ngoài bị sẹo liền da lại nổi thêm sẹo màu nâu như màu vết bớt trước đây. Xin hỏi, bớt khi trị rồi có mọc lại không bác sĩ? Làm thế nào để hạn chế tình trạng này? (Nguyễn Thị Thu Diễm, 28 tuổi, ở Châu Thành, Tây Ninh)
- BS CKII Trần Kim Phượng:
Chào em. Hiện nay, khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM đã có công nghệ mới nhất cho việc điều trị các bớt sắc tố: màu đen, màu nâu, màu đỏ rất hiệu quả mà không để lại sẹo. Các công nghệ này chỉ làm mất những sắc tố đã có, còn với vết bớt mới xuất hiện thêm sẽ phải tiếp tục điều trị.
Đối với những bệnh nhân có vết bớt đã ổn định, sau nhiều lần điều trị thì vết bớt gần như mất hẳn và trả lại làn da bình thường như những vùng da khác.
* Tôi bị sẹo lõm trên trán dài 1,5 cm, liệu có cách nào xoá được không ạ. Sẹo đã 40 năm rồi. (Tô Thị Hạnh, 38 tuổi, TP.HCM)
- BS CKII Trần Kim Phượng:
Chào chị.
Những vết sẹo lõm có thể được cải thiện bằng các công nghệ laser vi điểm, tách đáy sẹo... nhưng chỉ giúp sẹo thẩm mỹ hơn chứ không xóa hẳn vết sẹo được.
Chị có thể đến khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM để được bác sĩ khám và đưa ra hướng điều trị thích hợp.
* Thưa bác sĩ, em vừa mới lăn kim trị sẹo. Sau mấy ngày thì em có thể bôi kem chống nắng và dưỡng da ạ. (Nguyễn Thị Khánh, Hà Nội)
- BS CKII Trần Kim Phượng:
Chào bạn. Sau khi lăn kim trị sẹo 24-48 giờ là có thể bôi kem chống nắng. Cám ơn.
* Thưa bác sĩ, lúc còn trẻ tôi bị mụn nặng, lại hút thuốc lá nhiều nên để lại sẹo lõm sâu. Có biện pháp gì giúp giảm sẹo không ạ. (Trần Văn An, Đà Nẵng)
- BS CKII Trần Kim Phượng:
Chào anh.
Tại khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM có rất nhiều phương pháp điều trị sẹo lõm hiệu quả như: lăn kim, laser vi điểm, huyết tương giàu tiểu cầu, cắt đáy sẹo... Mời anh đến khoa để được bác sĩ tư vấn phương pháp thích hợp cho làn da của mình. Chúc anh khỏe.
BÁO PHỤ NỮ
Ảnh: Phùng Huy