Khách mời của chương trình là PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng - Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, PGS-TS-BS Nguyễn Thanh Hiệp - Phó hiệu trưởng Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, BS Nguyễn Đỗ Ngọc - bác sĩ gia đình, Bệnh viện quận Thủ Đức.
|
Các vị khách mời trả lời câu hỏi của bạn đọc tại buổi giao lưu trực tuyến |
Bạn đọc gửi thắc mắc về email giaoluutructuyen.baophunu@gmail.com hoặc đặt câu hỏi tại đây để cùng tìm hiểu rõ hơn về mô hình chăm sóc sức khỏe gắn liền với bạn và những người thân trong gia đình.
Nội dung buổi giao lưu trực tuyến:
* Nếu có chứng chỉ bác sĩ hành nghề ở nước ngoài thì về Việt Nam hành nghề có phải học thêm gì không ạ? (Hùng David, Texas, Mỹ)
BS Tăng Chí Thượng:
- Phải có chứng chỉ hành nghề tại Việt Nam, do Bộ Y tế cấp. Nếu đã có đào tạo chính quy về bác sĩ gia đình (BSGĐ) thì sẽ thuận lợi để được Bộ Y tế xem xét cấp chứng chỉ hành nghề.
|
BS Tăng Chí Thượng |
* Đặt lịch cho bác sĩ gia đình đến khám thì tốn bao nhiêu tiền và bác sĩ có đến liền trong ngày hay tôi phải đợi lịch hẹn. (Phan Vân Vy, TP.HCM)
BS Nguyễn Đỗ Ngọc:
- Thường đặt lịch bác sĩ gia đình đến khám tốn khoảng 300.000-500.000 đồng/ lần khám (tùy theo từng phòng khám BSGĐ). Bác sĩ sẽ sắp xếp lịch đến khám trong ngày.
|
BS Nguyễn Đỗ Ngọc |
* Chào thầy Hiệp, tôi xin được hỏi, hiện trường y nào tại Việt Nam có đào tạo BSGĐ không và mã đào tạo là gì ạ. Điểm đầu vô của ngành này có cao không? Em cảm ơn. (Trần Công Lâm, 17 tuổi, Cần Thơ)
PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp:
|
PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp |
- Có nhiều loại hình đào tạo liên quan đến y học, bao gồm các lớp: cập nhật kiến thức y học gia đình, lớp bồi dưỡng y học gia đình 3 tháng, lớp định hướng chuyên khoa từ 6 đến 10 tháng, lớp chuyên khoa 1, chuyên khoa 2, cao học, nội trú. Đào tạo BSGĐ là đào tạo sau đại học, điều kiện tuyển sinh đầu vào là bác sĩ đa khoa tổng quát có chứng chỉ hành nghề. Hầu hết tất cả các trường y tại Việt Nam đều triển khai đào tạo.
Trong thời gian gần đây, bác sĩ gia đình là một mô hình đang được Bộ Y tế tích cực triển khai, đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động. Được xem là biện pháp hỗ trợ đắc lực để y tế cơ sở hoàn thành vai trò “người gác cổng” trong hệ thống y tế, bác sĩ gia đình giúp sàng lọc, giải quyết được phần lớn các bệnh lý thông thường, không cần chuyển tuyến, góp phần giảm tải tại các bệnh viện, giảm bớt gánh nặng thời gian và công việc cho các bác sĩ chuyên khoa liên quan… Đặc biệt, mô hình này góp phần tiết kiệm được kinh phí nằm viện cho bệnh nhân, chi phí bảo hiểm y tế.
Bác sĩ gia đình đảm đương ba vai trò chính là khám lâm sàng, y tế dự phòng và bác sĩ tâm lý cho bệnh nhân. Ngoài kiến thức chuyên môn, bác sĩ gia đình cũng phải có kiến thức tổng quát về xã hội, tâm lý, kinh tế, văn hóa, quản lý y tế… để không những chỉ chăm sóc điều trị bệnh mà còn có thể tư vấn, hướng dẫn bệnh nhân kiến thức tăng cường sức khỏe, phòng bệnh, hỗ trợ về tâm lý và xã hội.
Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn không ít người dân vẫn còn “mơ hồ” khi được hỏi về mô hình bác sĩ gia đình. Không ít bệnh nhân còn hoang mang, lo lắng về chất lượng khám chữa bệnh mà mô hình này mang lại… Làm thế nào để bác sĩ gia đình hoàn thiện hơn và đi vào thực tiễn một cách hiệu quả? Để người dân thực sự hiểu biết và tin tưởng vào bác sĩ gia đình?
|
* Nếu sinh viên y khoa muốn chuyển từ chuyên khoa y tế công cộng sang học chuyên về bác sĩ gia đình, trường y Phạm Ngọc Thạch có cho không? Và cho em hỏi, hiện em đang học lớp 11, nếu thi vào chuyên khoa bác sĩ gia đình thì mấy điểm mới đậu ạ? (Lê Trịnh Hiếu, 17 tuổi, quận 7)
PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp:
- Theo quy định của Bộ Y tế đầu vào tuyển sinh BSGĐ là bác sĩ đa khoa. Do vậy, đối tượng bác sĩ y học dự phòng, y học cổ truyền chưa phải là đối tượng tuyển sinh.
* Bảo hiểm y tế tôi mua ở BV Bưu điện, khi khám BSGĐ có bị xem là trái tuyến không? Tôi có được thanh toán bảo hiểm không? (Anh Văn Minh, TP.HCM)
BS Nguyễn Đỗ Ngọc:
- Bệnh nhân sẽ được thanh toán bảo hiểm y tế khi đến khám tại phòng khám BSGĐ ở Bệnh viện Bưu Điện (nếu có) hoặc các bệnh viện tuyến quận, huyện có phòng khám bác sĩ gia đình và bảo hiểm chỉ thanh toán các kỹ thuật nằm trong danh mục bảo hiểm y tế.
* Trạm y tế nào tại TP.HCM có BSGĐ vậy bác sĩ ơi. Khám bác sĩ gia đình có phải cần đến thẻ bảo hiểm y tế? (Võ Hồng Hy, 51 tuổi, Quận 2)
BS Tăng Chí Thượng:
- Hiện nay, các trạm y tế đang chuyển đổi mô hình hoạt động theo nguyên lý y học gia đình. Việc chuyển đổi này đang được Bộ Y tế cho thí điểm tại 26 trạm y tế trong cả nước, trong đó có 3 trạm y tế tại TP.HCM. Đó là: Trạm y tế xã Thạnh An (huyện Cần Thơ), Trạm y tế phường Bình Chiểu (Thủ Đức), Trạm y tế phường Tân Quý (quận Tân Phú).
Ngoài ra, TP.HCM cũng chủ động chọn thí điểm thêm 21 trạm y tế để đảm bảo mỗi quận huyện có một trạm y tế. Khi đến trạm y tế, nên mang theo thẻ bảo hiểm y tế để được hưởng quyền lợi. Ngoài các trạm y tế, có 20 phòng khám tư nhân về chuyên khoa y học gia đình; có 15 phòng khám đa khoa có chuyên khoa y học gia đình. Người dân có thể tham khảo danh sách cụ thể các phòng khám y học gia đình trên website của Sở Y tế TP.HCM.
* Chào thầy Hiệp, hiện trường y Phạm Ngọc Thạch có đào tạo liên kết của các tỉnh về học BSGĐ không. Và nếu tỉnh cử các điều dưỡng, y sĩ lên học chuyên về bác sĩ gia đình thì điều kiện thế nào, kinh phí ra sao? (Lâm Thị Vỹ Mi, Vĩnh Long)
PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp:
- Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch phối hợp với các đơn vị có nhu cầu tổ chức các lớp tại địa phương cho các đối tượng công tác tại tuyến y tế cơ sở bao gồm: y sĩ, điều dưỡng, bác sĩ cho loại hình đào tạo ngắn hạn kết hợp đào tạo trực tuyến. Chứng chỉ đào tạo loại hình này có giá trị để xin cấp chứng chỉ hành nghề BSGĐ, kinh phí 6,5 triệu đồng một khóa. Còn các loại hình dài hạn học tập trung tại trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch và phòng khám bác sĩ gia đình của trường.
* Gia đình tôi có người già hay đau yếu nên rất mừng nếu thành phố triển khai dịch vụ BSGĐ. Xin hỏi, BSGĐ có thể khám được tất cả các loại bệnh hay chỉ tập trung vào một số bệnh cụ thể? (Nguyễn Linh Lan, Hà Nội)
BS Nguyễn Đỗ Ngọc:
- BSGĐ được đào tạo kiến thức tổng quát - sâu rộng để giải quyết các bệnh lý và các trường hợp cấp cứu. Do đó, BSGĐ có thể điều trị hầu hết tất cả các bệnh, nếu vượt quá khả năng, BSGĐ sẽ tư vấn và hướng dẫn đến các chuyên khoa sâu để được điều trị tốt nhất.
* Chào bác sĩ Tăng Chí Thượng, cho em được hỏi, giữa mô hình BSGĐ có khác gì trạm y tế? Vì cả 2 mô hình này đều liên quan đến tuyến gần nhất là chăm sóc người bệnh ngay ban đầu? (Mai Thị Tuyết Lan, trạm y tế ở Cần Thơ)
BS Tăng Chí Thượng:
- Trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình có nghĩa là ngoài việc được bác sĩ khám, chữa bệnh, người dân được hướng dẫn cách phòng bệnh và quan trọng hơn là được chăm sóc liên tục trong suốt cuộc đời vì hồ sơ sức khỏe được lưu tại trạm. Trong tương lai, khi công nghệ phát triển, người dân có thể tự bổ sung bệnh sử như dị ứng thuốc, các bệnh lý...để bác sĩ biết rõ bệnh, nhất là về các bệnh lý mạn tính không lây như cao huyết áp, tiểu đường...
* Có phải BSGĐ chỉ dành cho người có tiền, giàu có? (Hoàng Vĩnh Thiện, Đà Nẵng)
PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp:
- Hoàn toàn không phải vậy, mà ngược lại BSGĐ là bác sĩ gần người dân nhất, với chi phí khám - chữa bệnh phù hợp cho tất cả người dân nhằm quản lý sức khỏe toàn diện, liên tục, suốt đời cho người bệnh.
* Lãnh đạo Sở đánh giá như thế nào về khả năng có việc làm ổn định cũng như chế độ đãi ngộ dành cho BSGĐ mới ra trường? Có nhiều khả năng bị thất nghiệp không? (Lê Văn Út, Bình Dương)
BS Tăng Chí Thượng:
- Chủ trương của ngành y tế TP.HCM trong thời gian hiện nay và sắp tới là tăng nguồn nhân lực bác sĩ cho trạm y tế. Từ nay đến 2020, mỗi trạm y tế có ít nhất 2 bác sĩ. Tuy nhiên, nếu phân công bác sĩ mới ra trường về ngay trạm y tế thì rất khó giữ chân các bác sĩ vì điều kiện làm việc và mức lương thấp. Do đó, kế hoạch của Sở y tế là phân bố các bác sĩ về các bệnh viện quận huyện. Các bệnh viện quận, huyện sẽ luân phiên bác sĩ về trạm y tế. Sau đó, sẽ chọn bác sĩ học chuyên khoa 1 bác sĩ gia đình trong 2 năm.
* BSGĐ có thể khám, điều trị những loại bệnh gì? Phòng khám BSGĐ có đủ thuốc cho dân không? (Trần Thanh Tâm, Trà Vinh)
PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp:
- Những vấn đề sức khỏe thường gặp trong thực hành hệ ngoại trú (ngoài bệnh viện) bác sĩ gia đình đều có thể giải quyết được từ khám chữa bệnh, phòng bệnh, giáo dục sức khỏe, quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân phối hợp với bệnh viện và các chuyên khoa khác để chăm sóc toàn diện và liên tục cho người dân. Tùy theo mô hình phòng khám bác sĩ gia đình, cơ số thuốc sẵn có đáp ứng 1 phần nhu cầu điều trị, còn lại người dân mua thuốc ngoài danh mục thuốc bảo hiểm y tế.
* Thưa ông, BS có chuyên môn BSGĐ có được cho phép mở phòng khám hay không, phạm vi hoạt động khám chữa bệnh như thế nào? (Bùi Chí Hiếu, Nghệ An)
BS Tăng Chí Thượng:
- Nếu bác sĩ không làm việc trong cơ sở y tế công lập, hoàn toàn có thể mở phòng khám tư chuyên khoa y học gia đình. Ngành y tế cũng chủ trương phát triển hệ thống phòng khám tư nhân chuyên khoa y học gia đình. Khi đăng ký hành nghề với chuyên khoa y học thì chỉ hoạt động theo phạm vi cho phép.
* Tại sao gọi là BSGĐ mà lại bắt bệnh nhân phải đến phòng mạch khám bệnh? BSGĐ không phải là bác sĩ đến nhà riêng hay sao? (Liên Phương, Bình Phước)
BS Nguyễn Đỗ Ngọc:
- BSGĐ có 2 mảng: điều trị tại phòng khám và đến nhà bệnh nhân.
1- Tại phòng khám: bệnh nhân sẽ được khám và kiểm tra bằng cận lâm sàng (ví dụ: X quang, điện tim, xét nghiệm...) kỹ lưỡng.
2- Đến nhà bệnh nhân: thường các bác sĩ chỉ mang theo ống nghe và các dụng cụ gọn nhẹ để khám cho người bệnh nên việc khám đôi khi bỏ sót bệnh. Nếu mang theo các máy móc như X quang di động, siêu âm xách tay... thì phí điều trị rất là cao.
Vì vậy, BSGĐ vẫn có đến nhà bệnh nhân khám bệnh khi có yêu cầu.
* Con tôi bị viêm phế quản được BS cho điều trị ngoại trú nhưng vì bệnh viện ở xa nên trong trường hợp khẩn cấp tôi có đưa con đến BSGĐ không? (Lê Thị Hồng LIên, Q.12, TP.HCM)
BS Nguyễn Đỗ Ngọc:
- Người nhà bệnh nhân có thể đưa bệnh nhân đến phòng khám BSGĐ để được khám, tư vấn, điều trị và theo dõi trong suốt quá trình điều trị.
* Nếu tôi không hài lòng về BSGĐ hiện tại thì làm thế nào để đổi BSGĐ khác? (Bùi Công Duyến, Quảng Trị)
BS Tăng Chí Thượng:
- Đây là mô hình mới, đòi hỏi lộ trình dài để hoàn thiện. Hướng đi này là phù hợp với xu thế chung trên thế giới trong chăm sóc sức khỏe người dân. Vì vậy, các bác sĩ sẽ luôn được cập nhật, đào tạo kiến thức, kỹ năng cũng như đổi mới phong cách phục vụ người bệnh. Trong thời gian tới, sở y tế sẽ khảo sát sự hài lòng người bệnh tại các trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình. Từ đó, sẽ có những cải tiến để phục vụ người bệnh tốt hơn.
* Sinh viên ngành BSGĐ có được học chương trình đào tạo liên kết với nước ngoài hay không? (Trần Nam, Cà Mau)
PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp:
- Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch có chương trình hợp tác với Đại học Liège (Vương quốc Bỉ) và Đại học Flinders (Úc) trong trao đổi chương trình đào tạo. Sắp đến trường và các đối tác sẽ triển khai chương trình liên kết đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ chuyên ngành y học gia đình.
* Nếu nửa đêm bị bệnh thì tôi có thể gọi BSGĐ được không? (Trần Nguyễn Đăng Khoa, Quảng Ngãi)
BS Nguyễn Đỗ Ngọc:
- Người nhà có thể gọi BSGĐ nếu nửa đêm bị bệnh. BSGĐ sẽ tư vấn và nếu trong trường hợp bệnh trở nặng, BSGĐ có thể liên hệ với các trung tâm cấp cứu 115 hoặc các phòng cấp cứu của bệnh viện hoặc các phòng khám gần nhất để đến cấp cứu kịp thời cho người bệnh.
* Thưa lãnh đạo Sở Y tế, BSGĐ hiện nay có mức thu nhập như thế nào? Mức thu nhập này sau 5 năm nữa có tăng lên không? (Bùi Thu Thảo, Hà Tĩnh)
BS Tăng Chí Thượng:
- Cải thiện môi trường làm việc và thu nhập cho nhân viên y tế tại các cơ sở y tế công lập là mục tiêu của lãnh đạo TP.HCM. TP đang hướng dẫn cho các sở ngành thực hiện về thu nhập tăng thêm theo cơ chế đặc thù là 0,6 mức lương trong năm nay và 1,2 mức lương trong năm 2019. Ngoài ra, theo lộ trình sáp nhập giữa trung tâm y tế và bệnh viện quận huyện, chắc chắn thu nhập của BSGĐ ở trạm y tế sẽ được cải thiện.
* Thưa ông, người dân còn băn khoăn ở tay nghề của BSGĐ. Theo ông, mô hình BSGĐ nên tập trung đào tạo bác sĩ giỏi hay tập trung đào tạo nhiều bác sĩ để phủ sóng theo địa bàn dân cư trước? (Trương Văn Khanh, Vũng Tàu)
PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp:
- Phải có đủ số lượng BSGĐ để đáp ứng nhu cầu chăm sóc ban đầu tại tuyến y tế cơ sở trên toàn quốc với chuẩn năng lực, tay nghề quốc gia. Việc đào tạo BSGĐ trên cơ sở tiêu chuẩn tuyển sinh đầu vào cấp quốc gia.
* Xin hỏi, tôi và gia đình sống ở quận 1 nhưng chưa bao giờ sử dụng dịch vụ BSGĐ và cũng ít được nghe tuyên truyền về mô hình này? Liệu mô hình BSGĐ có giúp cho việc khám chữa bệnh của người dân dễ dàng, thuận tiện hơn không? (Chị Lâm Thị Hà, 45 tuổi, P.Đa Kao, Q.1, TP.HCM)
BS Nguyễn Đỗ Ngọc:
- BSGĐ được triển khai nhằm mục đích chăm sóc sức khỏe cho từng hộ bệnh nhân một cách toàn diện, liên tục và mang tính cộng đồng cao... BSGĐ sẽ là người chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Do đó, khi mô hình BSGĐ hoàn thiện thì người dân sẽ rất dễ dàng sử dụng các dịch vụ BSGĐ khi có nhu cầu.
* Tôi từng ở Argentina nhiều năm, ở đó mô hình BSGĐ của họ rất phát triển. Chúng tôi đều khám sức khỏe ban đầu ở đó trước khi đi tới các BV. Không biết rằng, khi triển khai mô hình này, Sở Y tế TP.HCM có học tập theo mô hình của nước ngoài hay không? Đâu là yếu tố để có thể tạo ra được sức hấp dẫn của mô hình này so với các mô hình y tế thông thường khác? (Chị Trần Thu Trang, Nghệ An)
BS Tăng Chí Thượng:
- Không riêng gì Argentina, nhiều nước khác trên thế giới, bác sĩ y học gia đình và bác sĩ thực hành tổng quát GP giữ vai trò là "người gác cổng" của hệ thống y tế. Nghĩa là khi cần khám chữa bệnh, người dân đến khám ở BSGĐ hoặc bác sĩ GP. Đây là mục tiêu của Bộ y tế. Để đạt mục tiêu này, đòi hỏi nỗ lực trong thời gian dài của toàn ngành và sự ủng hộ của người dân.
Hiện nay, thách thức không nhỏ trong thu hút người dân khám chữa bệnh ban đầu tại các trạm y tế là người dân có thẻ bảo hiểm y tế được thông tuyến để khám tại trạm hoặc bệnh viện hoặc tại phòng khám tư nhân có hợp đồng với bảo hiểm xã hội. Do đó, để tạo niềm tin cho người dân và thu hút người dân đến trạm, không gì khác hơn là nâng cao khám chữa bệnh và chất lượng phục vụ.
* So với các phòng khám đa khoa, phòng khám tư nhân trên địa bàn thì BSGĐ có gì đặc biệt và nổi trội hơn thưa bác sĩ? (Chị Cao Thị Hoài Hương, Hà Tĩnh)
PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp:
- Phòng khám BSGĐ chăm sóc ban đầu toàn diện và liên tục cho người dân. Cùng khám nhiều chuyên khoa, nhưng BSGĐ là người liên tục theo dõi sức khỏe cho bạn trong suốt thời gian dài. Mỗi người dân đều có 1 BSGĐ riêng để theo dõi sức khỏe và phối hợp với các chuyên khoa khác khi cần thiết.
* Nếu muốn chạy thận, BSGĐ có nhận làm không? Con tôi chạy thận 2 năm nay, tuần chạy 3 lần nhưng bệnh viện ở Long An không có chạy thận, lần nào con chạy thận, tôi cũng phải bỏ ra 1 ngày đưa đi TP.HCM, cháu đi về hơn 60 cây cũng rất mệt. (Chị Trịnh Bích Thúy, 46 tuổi, Bến Lức tỉnh Long An)
BS Nguyễn Đỗ Ngọc:
- Chạy thận nhân tạo là kỹ thuật cao, chuyên sâu nên vượt khả năng khám và điều trị của BSGĐ. Do đó, người nhà nên đưa bệnh nhân đến các cơ sở có chạy thận nhân tạo để bệnh nhân được điều trị tốt nhất.
* BSGĐ có trị bệnh tâm lý không? Tôi muốn nói chuyện với BSGĐ thì phải làm sao? Tôi chỉ muốn gặp 1 người chứ không gặp 3, 4 người, nếu yêu cầu 1 bác sĩ đến nhà khám thì có được không? (Chị Nguyễn Thị Bé, 28 tuổi, ở Cát Lái)
BS Nguyễn Đỗ Ngọc:
- BSGĐ được đào tạo các tổng quát trong đó có được đào tạo về các bệnh tâm lý. Bệnh nhân có thể liên hệ BSGĐ để được khám và điều trị. Nếu vượt khả năng điều trị, BSGĐ sẽ giới thiệu đến bác sĩ chuyên khoa để bệnh nhân được điều trị tốt nhất.
* Hiện nay, trường Phạm Ngọc Thạch có mô hình BSGĐ tại trường, vậy mô hình khám bệnh tại đây khác gì ở các trạm y tế, các bệnh viện? (Huỳnh Thị Thu Nhi,49 tuổi, Quận 10)
PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp:
- Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch có phòng khám BSGĐ thuộc phòng khám đa khoa của trường tại địa chỉ 461 Sư Vạn Hạnh, P.12. Q.10 có các BSGĐ là giảng viên của bộ môn y học gia đình trực tiếp tham gia khám, điều trị và lập hồ sơ sức khỏe cá nhân cho các khách hàng có nhu cầu. Hiện tại phòng khám đang quản lý hồ sơ sức khỏe cho hơn 3.000 khách hàng. Phòng khám có các chuyên khoa khác tham gia. Do vậy, khi có nhu cầu khám các chuyên khoa liên quan, bệnh nhân được giải quyết tại chỗ theo quy mô phòng khám đa khoa tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí cho người dân.
* BSGĐ có phải là bác sĩ biết tất tần tật bệnh cho gia đình? Hiện nay, trường y phạm Ngọc Thạch đã đào tạo cho bao nhiêu BSGĐ ra hành nghề rồi? (Lương Quế Vân, 1978, Quận Bình Thạnh, TP.HCM)
PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp:
- BSGĐ là bác sĩ chuyên khoa, có kiến thức đa khoa tổng quát nên nắm rõ các vấn đề sức khỏe liên quan và giải quyết được cơ bản các vấn đề ngoại trú. Là người luôn theo dõi tình trạng sức khỏe của các thành viên trong gia đình và phối hợp với các chuyên khoa khác để can thiệp kịp thời. Đến nay, trường đã đào tạo gần 250 BSGĐ đã có chứng chỉ hành nghề.
* BSGĐ ngoài khám bệnh có giúp người dân phòng dịch bệnh không? Gần đây tôi nghe dịch tay chân miệng, dịch sởi nhiều quá nên rất sợ. Nếu thuê BSGĐ đến khám bệnh cho trẻ em ở Vũng Tàu thì chi phí như thế nào? Khám xong, có bệnh thì chúng tôi phải đưa cháu đến bệnh viện có BSGĐ hay bệnh nào? (Chị Trần Thị Sao, 37 tuổi, ở Bà Rịa Vũng Tàu)
BS Nguyễn Đỗ Ngọc:
- Một trong những chức năng của BSGĐ là phòng ngừa dịch bệnh nên BSGĐ có thể cùng người dân tham gia phòng ngừa dịch bệnh tại địa phương.
Ở Vũng Tàu, bạn có thể liên hệ với các BSGĐ của trạm y tế hoặc bệnh viện huyện được khám, điều trị và tư vấn. Còn chi phí điều trị thì tùy từng địa phương sẽ có chi phí khác nhau.
* Tôi là y tá, làm việc lâu năm tại một bệnh viện. Tôi muốn trở thành BSGĐ có được không? Điều kiện như thế nào? (Hồng Ngọc, Quảng Bình)
PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp:
- BSGĐ là bác sĩ chuyên khoa sau đại học. Do đó, BSGĐ phải được đào tạo chuyên khoa. Điều kiện tuyển sinh đầu vào là bác sĩ đa khoa, vì vậy quý đồng nghiệp nếu có điều kiện nên học tiếp bác sĩ đa khoa để làm BSGĐ.
* Tôi được biết TP.HCM là một trong những địa phương đi đầu trong việc phát triển mô hình BSGĐ. Xin hỏi ông Tăng Chí Thượng, hiện nay trên địa bàn có bao nhiêu phòng khám BSGĐ. Ông đánh giá hệ thống này đã đủ cả về số lượng và chất lượng để đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân hay chưa? (Chị Trần Hồng Chi, 30 tuổi, ở Thái Bình)
BS Tăng Chí Thượng:
- Như đã nói ở trên, cần một thời gian dài thì mới đáp ứng nhu cầu cho người dân. Để thu hút người dân đến trạm y tế, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Thứ nhất là đảm bảo nguồn lực khám chữa bệnh tại trạm y tế. Hiện nay, Bộ y tế đã khởi động thí điểm 26 trạm trong cả nước.
Thứ hai là không để bác sĩ ở trạm y tế "đơn lẻ một mình" trong hoạt động khám chữa bệnh. Trạm y tế phải luôn được kết nối với bệnh viện trong chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người bệnh. Cụ thể, các bác sĩ được đào tạo, cập nhật kiến thức để nâng cao kỹ năng khám chữa bệnh; sẽ hình thành mạng lưới các chuyên gia thuộc các chuyên khoa khác nhau của các bệnh viện thành phố hoặc quận huyện để hỗ trợ tư vấn khi cần thiết. Triển khai kết nối người bệnh sau khi được chẩn đoán điều trị tại bệnh viện để được tiếp tục chăm sóc, theo dõi. Sử dụng công nghệ thông tin để liên thông dữ liệu giữa trạm y tế và bệnh viện. Mở rộng mô hình báo động đỏ đến trạm y tế trong cấp cứu người bệnh. Các bệnh viện thành phố và quận huyện sẵn sàng tiếp ứng khi có bệnh nhân nặng cần cấp cứu chuyên sâu.
|
|
Thứ ba, có cơ chế ràng buộc trách nhiệm để trạm y tế trở thành "cánh tay nối dài" của bệnh viện quận huyện trong khám chữa bệnh ban đầu. Cần có quy chế phối hợp chặt giữa trung tâm y tế và bệnh viện quận huyện trong hỗ trợ hoạt động cho trạm y tế, nhất là hỗ trợ nhân lực có chuyên khoa y học gia đình.
Thứ tư, xây dựng chuẩn chất lượng thiết yếu đối với hoạt động khám chữa bệnh tại trạm y tế. Tiến hành đánh giá chất lượng cho người dân biết để chọn lựa.
Thứ năm, ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế là điều kiện không thể thiếu. Không nên là dựa vào số lượng khám chữa bệnh thì mới ký hợp đồng bảo hiểm y tế như hiện nay.
Thứ sáu, rà soát các trạm y tế trên địa bàn có hay không có chức năng khám chữa bệnh, phù hợp với đặc thù mạng lưới các cơ sở y tế của thành phố. Trạm y tế có đủ chức năng: chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng, nâng cao sức khỏe khi chưa mắc bệnh và khám chữa bệnh khi bị bệnh; chuyển tuyến khi quá khả năng chuyên môn; quản lý sức khỏe của từng người dân trên địa bàn. Sở y tế sẽ nghiên cứu, đề xuất bỏ chức năng khám chữa bệnh của một vài trạm nếu cần thiết để tránh lãng phí.
* Nếu tôi không hài lòng về BSGĐ hiện tại thì làm thế nào để đổi BSGĐ khác? (Bùi Công Duyến, Quảng Trị)
BS Tăng Chí Thượng:
- Đây là mô hình mới, đòi hỏi lộ trình dài để hoàn thiện. Hướng đi này là phù hợp với xu thế chung trên thế giới trong chăm sóc sức khỏe người dân. Vì vậy, các bác sĩ sẽ luôn được cập nhật, đào tạo kiến thức, kỹ năng cũng như đổi mới phong cách phục vụ người bệnh. Trong thời gian tới, sở y tế sẽ khảo sát sự hài lòng người bệnh tại các trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình. Từ đó, sẽ có những cải tiến để phục vụ người bệnh tốt hơn.
* Sinh viên ngành BSGĐ có được học chương trình đào tạo liên kết với nước ngoài hay không? (Trần Nam, Cà Mau)
PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp:
- Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch có chương trình hợp tác với Đại học Liège (Vương quốc Bỉ) và Đại học Flinders (Úc) trong trao đổi chương trình đào tạo. Sắp đến trường và các đối tác sẽ triển khai chương trình liên kết đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ chuyên ngành y học gia đình.
* Thế nào là BSGĐ? BSGĐ khác thế nào với bác sĩ đến khám tận nhà? Tôi vẫn đang rất bối rối về hai khái niệm này… Hiện nay tôi thấy dịch vụ BSGĐ khá nhiều nhưng không biết thế nào mới tốt. (Trương Thị Kim Bích, Q.7, TP.HCM)
PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp:
- BSGĐ có tới nhà khám chữa bệnh cho người dân. Bác sĩ đến nhà chưa chắc là BSGĐ vì không có quá trình theo dõi liên tục trước đây. Đối với BSGĐ việc chăm sóc sức khỏe là liên tục cho khách hàng từ lúc sinh ra đến lúc mất đi, do vậy BSGĐ nắm rất rõ tình trạng sức khỏe của người dân. Có 2 trường hợp BSGĐ đến nhà người dân: BSGĐ chủ động đến nhà người dân để đánh giá điều kiện sinh hoạt, ăn ở, kinh tế, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình nhằm có cái nhìn toàn diện trong chăm sóc; BSGĐ đến nhà người dân do bệnh nhân vì tình trạng sức khỏe mà không đến được phòng khám.
* Thưa ông, vì sao người dân có nhu cầu về khám chữa bệnh theo mô hình BSGĐ nhưng hiện nay TP.HCM vẫn chưa làm tốt mô hình này? Vướng mắc ở thời gian hay do cơ chế thủ tục gì? (Nguyễn Văn Đạt, Huế)
BS Tăng Chí Thượng:
- Theo xu thế phát triển, khám chữa bệnh ban đầu phải được thực hiện bởi các bác sĩ y học gia đình hoặc bác sĩ thực hành tổng quát (các nước gọi là bác sĩ GP, viết tắt của từ General Practicetioner). Thực tế ở các nước, việc khám chữa bệnh ban đầu cũng không hoàn toàn do BSGĐ thực hiện do chưa đủ số lượng nhân sự cho nhu cầu thực tế. Do đó, cần một lộ trình nhiều năm để đào tạo bác sĩ y học gia đình cho TP.HCM. Bên cạnh đó, ngành y tế TP tăng cường đào tạo để nâng cao kỹ năng cho bác sĩ tham gia khám, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế theo hướng thực hành tổng quát.
* Thưa bác sĩ, BSGĐ là người nắm rõ thông tin bệnh tật của một cá nhân. Có quy định nào về bảo mật thông tin để bảo vệ bệnh nhân không? Nếu BSGĐ tiết lộ thông tin này, có bị xử lý không? (Bùi Hưng Nghĩa, Hải Phòng)
BS Tăng Chí Thượng:
- Việc bảo mật thông tin người bệnh đã được quy định trong Luật khám bệnh, chữa bệnh. Bác sĩ y học gia đình hay các bác sĩ chuyên khoa khác đều phải tuân thủ quy định này.
* Xin chào ông Tăng Chí Thượng, tôi là một nhân viên y tế và rất quan tâm đến mô hình BSGĐ. Tôi xin hỏi, những đối tượng nào được cử đi để đào tạo trở thành BSGĐ, chúng tôi có thể đăng ký hay bắt buộc phải được phân công theo kế hoạch của Sở Y tế tại địa phương khi có chủ trương mở rộng mô hình này? (Chị Nguyễn Thanh Thúy, Thái Bình)
BS Tăng Chí Thượng:
- Hiện nay, đối tượng ưu tiên được cử đi học y học gia đình là các bác sĩ đang công tác ở trạm y tế. Sắp tới đây là các bác sĩ ở bệnh viện quận, huyện chuẩn bị luân phiên xuống trạm y tế. Nếu bạn không thuộc đối tượng này, có thể học y học gia đình với kinh phí tự túc.
* Thưa bác sĩ, người dân vẫn chưa quen đến với BSGĐ mỗi khi cần thăm khám ban đầu. Theo bác sĩ, đâu là nguyên nhân… Do thói quen của người dân hay lỗi tại BSGĐ? (Bùi Kim Phượng, Tiền Giang)
PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp:
- Do người dân có thói quen đến bệnh viện mỗi khi bệnh, chưa có thói quen dự phòng, bảo vệ sức khỏe khi chưa bị bệnh để đến gặp BSGĐ. Một trong những chức năng quan trọng của BSGĐ là dự phòng, bảo vệ tình trạng sức khỏe tối ưu cho người dân. Một số người dân chưa tin tưởng vào năng lực của BSGĐ. Số lượng phòng khám BSGĐ chưa nhiều và chưa phủ rộng khắp các địa phương.
* Thưa bác sĩ, có rất nhiều căn bệnh mà đôi khi bệnh nhân chậm trễ 1 phút cũng có thể ảnh hưởng tới tính mạng. Như vậy có nên công khai, nói rõ, những trường hợp nào nên đến BSGĐ, những trường hợp nào nên chuyển thẳng tới cơ sở y tế tuyến trên không ạ? (Anh Phan Vân Bình, Bắc Ninh)
PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp:
- Trong tình trạng bệnh nhân cần cấp cứu thì nên đến cơ sở y tế gần nhất để được sơ, cấp cứu kịp thời. Trong trường hợp đến với BSGĐ thì BSGĐ sẽ sơ cứu ban đầu và đảm bảo điều kiện chuyển bệnh an toàn.
* Xin chào chương trình, tôi có vấn đề cần được tư vấn như sau: Sau 15 năm làm bác sĩ chuyên khoa của bệnh viện đa khoa tỉnh, tôi quyết định xin nghỉ và mong muốn sẽ mở phòng khám BSGĐ tại nhà. Cho tôi hỏi, nếu muốn mở phòng khám BSGĐ thì tôi có thể lựa chọn những hình thức nào? Tôi có thể tham khảo nội dung này ở đâu? (Nguyễn Kiến An, Bình Dương)
BS Tăng Chí Thượng:
- Nếu bạn đã có chứng chi hành nghề chuyên khoa nào đó, có thể đăng ký học 3 tháng lớp bồi dưỡng kiến thức y học gia đình để có chứng chỉ về y học gia đình. Sau đó phải thực hành 18 tháng tại bệnh viện có phòng khám BSGĐ. Hoặc có thể học chuyên khoa BSGĐ trong 2 năm tại các trường đại học y khoa tại TP.HCM. Sau đó, xin đổi hoặc bổ sung chứng chỉ hành nghề có phạm vi BSGĐ.
* BSGĐ có khám cho người trẻ không hay khám cho người từ bao nhiêu tuổi? Khám trong khoảng thời gian nào? (Trần Thế Khanh, Bà Rịa)
BS Nguyễn Đỗ Ngọc:
- Nhiệm vụ và chức năng của BSGĐ là theo dõi sức khỏe của cả gia đình từ lúc sinh ra cho đến khi nhắm mắt. Do đó, BSGĐ có thể khám, tư vấn, điều trị và hướng dẫn phòng ngừa bệnh tật cho tất cả các bệnh nhân từ trẻ nhỏ đến người cao tuổi (mọi lứa tuổi). Theo nguyên tắc, BSGĐ sẽ đến khám bất cứ thời gian nào khi được bệnh nhân yêu cầu, trừ trường hợp BSGĐ đang bận điều trị cho các bệnh nhân khác.
* Sinh viên ngành học BSGĐ có được đi thực tập khám chữa bệnh ở bệnh viện không? Có được cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh không? (Hoàng Yến, Đà Lạt)
PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp:
- Chương trình đào tạo BSGĐ được thiết kế thực hành tại bệnh viện, phòng khám ngoại trú và phòng khám BSGĐ. Có chứng chỉ hành nghề riêng cho BSGĐ theo quy định.
* Thưa bác sĩ, BSGĐ thường có trình độ như thế nào? Họ có thể khám và phát hiện hết tất cả các bệnh không? Với dịch vụ BSGĐ như vậy, có được sử dụng thẻ bảo hiểm để thanh toán không? (Nguyễn Thu Đông Thảo, Q.5, TP.HCM)
BS Tăng Chí Thượng:
- BSGĐ có thể thăm khám, điều trị các bệnh lý phổ biến từ nội khoa, lão khoa, nhi khoa, theo dõi thai kỳ... Sắp tới, TP xây dựng mạng lưới chuyên gia để kịp thời hỗ trợ, tư vấn chuyên môn cho BSGĐ trong các trường hợp phức tạp.
* Tôi hiện đang sinh sống ở quận 2, xin các BS cho biết, tôi có thể tìm phòng khám BSGĐ nào gần nơi cư trú ạ? (Nguyễn An Thảo, TP.HCM)
BS Nguyễn Đỗ Ngọc:
- Bạn có thể liên hệ phòng khám BSGĐ ở Bệnh viện Quận 2 hoặc Bệnh viện Quận Thủ Đức để đăng ký khám chữa bệnh khi có nhu cầu.
* Có phải thật sự BSGĐ sẽ hoạt động 24/7, người sử dụng có thể tìm đến bất cứ lúc nào? (Lê Huỳnh Đăng Khoa, Q.4, TP.HCM)
BS Nguyễn Đỗ Ngọc:
- Về nguyên tắc thì BSGĐ sẽ hoạt động 24/7. Tuy nhiên, dịch vụ này cũng phụ thuộc vào điều kiện từng địa phương.
* Để trở thành BSGĐ, sinh viên y khoa được đào tạo tập trung vào những kiến thức, kỹ năng gì? Kỹ năng gì là quan trọng nhất để trở thành một BSGĐ giỏi? (Lê Thị Thanh, Đồng Nai)
PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp:
- BSGĐ cần phải được đào tạo kiến thức đa khoa tổng quát, có kỹ năng phát hiện và giải quyết các vấn đề sức khỏe thường gặp ở hệ ngoại trú. Trong đó, kỹ năng giao tiếp giữ vai trò khá quan trọng để có thái độ gần gũi, lắng nghe và chia sẻ. Từ đó, người dân mới an tâm điều trị.
* Tôi ở khu vực nào thì có được khám bác sĩ gia đình tại khu vực khác, hay bắt buộc phải khám tại khu vực đang sinh sống. (Tống Thanh Nhi, Lạng Sơn)
BS Nguyễn Đỗ Ngọc:
- Bạn có thể được theo dõi và điều trị tại phòng khám BSGĐ ở khu vực khác nếu BSGĐ đó điều trị tốt và bạn tin tưởng.
* Thưa thầy Hiệp, TP.HCM có phải có 2 nơi đào tạo BSGĐ là ĐH Phạm Ngọc Thạch và ĐH Y Dược TP. HCM. Vậy học sinh nên chọn học ở nơi nào để sau này ra trường làm việc phù hợp với cơ chế hoạt động của các phòng khám BSGĐ tại TP. HCM? (Nguyễn Văn Ba, Long An)
PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp:
- Các bạn đều có thể tham gia phòng khám BSGĐ tại TP.HCM sau khi tốt nghiệp ở hai trường nói trên, với điều kiện được Sở Y tế cấp chứng chỉ hành nghề.
* Tôi rất mừng nếu mô hình BSGĐ được nhà nước triển khai rộng rãi. Tuy nhiên, tôi cũng lo đội ngũ bác sĩ giỏi sẽ tập trung khám, chữa bệnh ở các bệnh viện lớn. Như vậy, BSGĐ liệu có chuyên môn cao để khám tổng quát cho người dân có nhu cầu không? (Trần Hùng Chiến, Bến Tre)
PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp:
- Cần phải có chính sách hợp lý để thu hút bác sĩ giỏi làm BSGĐ ở các nơi. Trên thực tế có nhiều bác sĩ giỏi ở các bệnh viện lớn có phòng mạch tư ngoài giờ. Nếu chuyển đổi mô hình phòng mạch tư thành phòng khám BSGĐ thì sẽ tiện lợi hơn rất nhiều cho người dân.
* Hiện nay, tôi thấy bác sĩ trực ở bệnh viện đã làm việc quá sức rồi. Ngoài giờ, họ còn làm ở phòng mạch nữa… Vậy BSGĐ là những ai? Chuyên môn có cao không? (Vũ Thị Trúc Ly, Hà Nội)
• PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp:
- Tùy theo bác sĩ sắp xếp thời gian để đảm bảo sức khỏe và chuyên môn của mình. BSGĐ có thể đến khám tại gia đình nhưng với mức độ hạn chế để có thể đảm bảo được công tác khám, chữa bệnh tại phòng khám.
* Bà tôi có người cao tuổi, có biểu hiện bị lẫn, BSGĐ có nhận chăm sóc đối tượng như bà tôi hay không? (Chị Nguyệt Hà, TP.HCM)
BS Nguyễn Đỗ Ngọc:
- BSGĐ chỉ có thể đến nhà khám, tư vấn và điều trị cho bà cụ khi có vấn đề về sức khỏe. Còn việc nhận chăm sóc 24/7 hoặc chăm sóc theo giờ thì BSGĐ không đảm nhận. Bạn có thể liên hệ với các dịch vụ chăm sóc tại nhà ở các bệnh viện (nếu có).
* BSGĐ có thể khám được những bệnh gì tại nhà? Khi khám xong sẽ có ngay kết quả hay người bệnh phải đến bệnh viện để lấy? (Trương Văn Thời, Đức Hòa, Long An)
BS Nguyễn Đỗ Ngọc:
- BSGĐ có thể khám bệnh tại nhà và thực hiện các dịch vụ khác như lấy máu xét nghiệm, siêu âm, điện tim... Kết quả xét nghiệm sẽ gửi lại cho bệnh nhân tại nhà và bác sĩ kê toa để bệnh nhân có thể mua thuốc tại các nhà thuốc.
* BSGĐ đã có ở tỉnh chưa? Nếu chưa có, tôi có thể đăng ký bác sĩ từ ở Sài Gòn đến khám không? Nếu đăng ký, tôi đăng ký theo cách nào? (Chị Phan Kim Thanh, Long Thành, tỉnh Đồng Nai)
PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp:
- BSGĐ đã có ở tỉnh. Bệnh nhân nên chọn BSGĐ gần nhất để thuận tiện cho việc đi lại và chăm sóc liên tục, cũng như chọn BSGĐ có điều kiện nắm rõ tình hình sức khỏe của bạn và gia đình bạn. Bạn có thể gọi đến tổng đài 02838620120 để đặt lịch khám tại phòng khám của trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Tuy nhiên, bạn nên khám BSGĐ tại tỉnh để tiết kiệm được thời gian và chi phí đi lại.
* Nếu tôi đăng ký dịch vụ BSGĐ thì có được bác sĩ ấy theo dõi thường xuyên không, hay mỗi lần có nhu cầu thì lại là bác sĩ khác do bệnh viện cử đến. Tôi đã 74 tuổi, cao huyết áp và tiểu đường nên rất cần có bác sĩ bên cạnh. (Ung Văn Bình, TP.HCM)
PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp:
- Nếu đăng ký BSGĐ thì sẽ được 1 bác sĩ riêng lập hồ sơ theo dõi sức khỏe của bác liên tục. Tất cả các vấn đề sức khỏe của bác, BSGĐ này sẽ nắm bắt và can thiệp kịp thời nếu chuyển biến xấu.
|
Bà Tạ Thị Nam Hồng - Phó tổng biên tập Báo Phụ Nữ tặng hoa cảm ơn các vị khách mời tham gia buổi giao lưu trực tuyến. |
* Bác sĩ có thể cho tôi biết chi phí khám tại nhà có mắc hơn khi khám ở bệnh viện không? Có được hưởng bảo hiểm y tế không? Có phải mua sổ hay kiểm soát bệnh bằng cách nào? (Nguyễn Minh Tài, Châu Thành, Tây Ninh)
BS Nguyễn Đỗ Ngọc:
- Khám BSGĐ chi phí chắc chắn sẽ đắt hơn so với bệnh nhân đến bệnh viện do chi phí đi lại và các dịch vụ khác. Theo nguyên tắc, bệnh nhân không được hưởng bảo hiểm y tế khi bác sĩ đến khám tại nhà. Khi BSGĐ đến nhà khám, BSGĐ sẽ lập hồ sơ để theo dõi sức khỏe bệnh nhân trong suốt quá trình điều trị.
* Nếu BSGĐ không đi tỉnh khám, tôi có thể đăng ký khám bác sĩ gia đình tại bệnh viện không? Tôi muốn đăng ký trước rồi đưa mẹ tôi đến khám, BSGĐ khám được những bệnh gì? Có giống như khám dịch vụ thông thường không? (Chị Phan Thị Nguyệt Thu, 34 tuổi, Phú Giáo, Bình Dương)
BS Nguyễn Đỗ Ngọc:
- Bạn có thể đăng ký khám chữa bệnh tại phòng khám BSGĐ Bệnh viện Quận Thủ Đức (nếu thấy thuận tiện). BSGĐ có thể điều trị được hầu hết tất cả các loại bệnh. BSGĐ sẽ khám bệnh, tư vấn kỹ lưỡng tình trạng sức khỏe bệnh nhân và sẽ theo dõi bệnh nhân liên tục trong suốt quá trình điều trị.
* Nếu tôi tham gia dịch vụ BSGĐ thì có được hưởng bảo hiểm y tế không, thưa bác sĩ? (Đặng Ngọc Trâm, Đồng Tháp)
BS Nguyễn Đỗ Ngọc:
- Việc khám và chữa trị tại phòng khám BSGĐ thì bệnh nhân vẫn được hưởng bảo hiểm y tế theo quy định nếu phòng khám đó có ký hợp đồng với bảo hiểm y tế. Nếu bệnh nhân yêu cầu BSGĐ đến nhà thì theo nguyên tắc không được hưởng bảo hiểm y tế.
Báo Phụ Nữ
Ảnh: Phùng Huy