Phó tổng biên tập báo Phụ Nữ - bà Tạ Thị Nam Hồng (giữa) tặng hoa cho hai bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ và Lê Thuận Linh tại buổi giao lưu.
|
Hiện nay, thực phẩm bẩn đang ở mức báo động khi rau muống được phun hóa chất mọc nhanh, bắp chuối ngâm chất tẩy trắng, bánh phở, bún 'ngậm' hàn the...
Để tránh nguy cơ bị ung thư từ hậu quả thực phẩm bẩn gây ra, báo Phụ Nữ phối hợp Bệnh viện quận Thủ Đức TP.HCM tổ chức giao lưu trực tuyến “Ăn gì để không bị ung thư?” vào lúc 9h ngày 28/7.
Khách mời của chương trình gồm bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung bướu và bác sĩ Lê Thuận Linh, khoa Dinh dưỡng của Bệnh viện quận Thủ Đức.
Bạn đọc có những câu hỏi liên quan đến vấn đề ung thư, nhất là do thực phẩm bẩn, chế độ dinh dưỡng cho người ung thư… có thể gửi về tòa soạn giao lưu cùng bác sĩ.
Dưới đây là nội dung cuộc giao lưu:
* Một người đồng nghiệp của em chỉ mới 35 tuổi nhưng bị ung thư vú giai đoạn cuối. Từ khi phát hiện đến khi mất rất nhanh. Có cách nào để phát hiện sớm ung thư vú không thưa bác sĩ? (Lam Giang)
BS Nguyễn Triệu Vũ: Tầm soát ung thư vú hiện nay chủ yếu dựa vào siêu âm tuyến vú và x quang tuyến vú (nhũ ảnh). Đối với phụ nữ bình thường, tầm soát nên bắt đầu từ tuổi 40. Bao gồm: khám, nhũ ảnh, siêu âm. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân có bất kỳ triệu chứng bất thường nào ở vú, nên đến bác sĩ chuyên khoa sớm.
Nếu đồng nghiệp chỉ mới 35 tuổi mà bị ung thư vú thì người thân trong gia đình (chị em gái, con gái...nên đi khám tầm soát sớm hơn, có thể từ 30 đến 35 tuổi. Và xét nghiệm thêm đột biến gen (nếu có điều kiện).
* Em năm nay 30 tuổi. Bac sĩ chẩn đoán em có khối u ở cổ tử cung. Em có nên cắt bỏ khối u không? Nếu phải phẫu thuật thì em không thể có con phải không ạ? (Thu Hà)
BS Nguyễn Triệu Vũ: Khối u cổ tử cung có thể lành tính hoặc ác tính, tùy theo vị trí, kích thích, bản chất khối u mà bác sĩ sẽ quyết định cách điều trị tốt nhất. Do đó, bạn nên đến bệnh viện có chuyên khoa sản hoặc ung bướu để khám và được tư vấn kỹ hơn.
Gia đình em có thói quen ăn thịt nướng thường xuyên, nghe nói ăn thịt nướng nhiều sẽ bị ung thư, vậy điều đó có thật không? (Trinh)
BS Lê Thuận Linh: Thịt nướng là một món ăn ngon nhiều người ưa thích, tuy nhiên do được chế biến ở nhiệt độ cao làm phát sinh ra nhiều chất độc hại. Đồng thời, khói trong quá trình chế biến cũng chứa carbon oxit độc hại làm tăng nguy cơ biến đổi gen trong cơ thể dễ dẫn đến nhiều bệnh lý về ung thư như ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng.... Do đó, không nên ăn thịt nướng thường xuyên đồng thời cũng nên hạn chế ăn các loại thịt đỏ (thịt bò,heo...) và nên ăn nhiều hơn các loại các, thịt trắng, các loại đậu. Bên cạnh đó cần hạn chế việc chế biến thức ăn ở nhiệt độ quá cao, sử dụng các loại dầu ăn phù hợp.
* Bác sĩ cho cháu hỏi, bị ung thư xương thì có cần cắt bỏ chi không? gần đây cháu đi khám và bác sĩ nói là cháu bị ung thư xương (vị trí mu bàn tay) giai đoạn hai, nhưng cháu không thấy biểu hiện gì ngoài hơi đau nhói mỗi lần chạm vào. Cháu lên mạng xem thông tin, thấy ung thư xương thì toàn bị đoạn chi, cháu thấy rất lo lắng (Nguyễn Thiện)
BS Nguyễn Triệu Vũ: Ung thư xương hiện nay có nhiều cách điều trị như phẫu thuật (đoạn chi hoặc bảo tồn), dùng thuốc đặc trị, xạ trị. Tùy theo vị trí, kích thước, mức độ xâm lấn và bản chất khối u mà bác sĩ sẽ cân nhắc việc áp dụng một hoặc nhiều phương pháp điều trị cho bệnh nhân.
Em nên mang hết hồ sơ và giấy tờ xét nghiệm đến bác sĩ chuyên khoa để bác sĩ tư vấn để chọn lựa cách điều trị tốt nhất.
* Mẹ em bị ung thư dạ dày. Bác sĩ yêu cầu phải cắt bỏ 2/3 dạ dày. Nếu như vậy thì mẹ em phải ăn uống như thế nào thưa bác sĩ? (Nguyễn Thị Lắm)
BS Nguyễn Triệu Vũ: Sau khi phẫu thuật cắt phần lớn dạ dày, bệnh nhân sẽ không thể ăn được một lượng lớn thức ăn cùng lúc. Do đó, sau mổ, em cố gắng cho người nhà ăn nhiều lần (có thể từ 6 đến 10 lần mỗi ngày), mỗi lần một ít với đầy đủ chất dinh dưỡng (thịt, cá...và uống đủ nước: nước, sữa, nước trái cây...) để cung cấp đủ dinh dưỡng cho bệnh nhân.
|
|
* Xin BS cho biết những loại thức ăn nào không bị ung thư và những loại thức ăn nào dễ bị ung thư ? Xin cám ơn BS ! (Nguyễn Thị Phương Thanh)
BS Lê Thuận Linh: Ung thư là một tình trạng bệnh có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau trong đó yếu tố di truyền, lối sống, môi trường cũng đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên chế độ ăn cũng là yếu tố nguy cơ góp phần thúc đẩy phát triển ung thư cũng như làm bệnh nhân đang mắc ung thư kém đáp ứng với điều trị.
Chế độ ăn uống lành mạnh giúp giảm nguy cơ tiến triển đến ung thư bao gồm: hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn, hoặc chế biến ở nhiệt độ cao, thực phẩm lên men, thực phẩm sống; không ăn quá mặn cũng như không ăn nhiều đường và các loại bánh ngọt, nước ngọt (kể cả nước ép đóng chai); nên ăn nhiều rau củ và trái cây tươi; uống sữa và các sản phẩm từ sữa mỗi ngày. Đồng thời cần có lối sống lành mạnh hạn chế cafe, trà đặc, các loại thức uống có cồn; không hút thuốc lá và các chất gây nghiện khác. Thường xuyên vận động mỗi ngày, tập thể dục ít nhất 30 phút/ngày và 5 lần/tuần.
* Má tôi bị ung thư bàng quang giai đoạn cuối, gần đây bác sĩ nói là nếu muốn điều trị thì phải cắt bỏ bàng quang. Bác sĩ cho tôi hỏi, nếu là ung thư giai đoạn cuối thì cắt bỏ đi má tôi có khỏi bệnh không? trong khi phẫu thuật thì có nguy cơ gì không? (Trương Quang Bình)
BS Nguyễn Triệu Vũ: Nói chung các cuộc mổ đều có thể có nguy cơ và biến chứng kèm theo. Do đó, bác sĩ sẽ rất cân nhắc khi khuyên bệnh nhân nên phẫu thuật. Bệnh lý người nhà khá nặng nên em cần trao đổi trực tiếp với bác sĩ điều trị thì sẽ tốt hơn.
* Tôi thấy đông y có thuốc chữa ung thư dành cho người bị ung thư gan như hung cây, hung quế,… vậy có thể ăn những thực phẩm nào để điều trị bổ sung không? (Nguyễn Thị Xuân)
BS Nguyễn Triệu Vũ: Hiện nay, Đông y có nhiều bài thuốc bào chế từ các loại cây cỏ như húng cây, húng quế, lá đu đủ, cây dừa cạn...nhằm hỗ trợ bệnh nhân điều trị ung thư. Do quá trình điều trị thường kéo dài và mệt mỏi, bệnh nhân nên chú ý ăn uống đầy đủ, không kiêng cử nhiều quá. Chú ý ăn nhiều thịt cá, sữa, bổ sung đầy đủ các vitamin và chất khoáng.
* Tôi xem thông tin, thấy ăn gì cũng bị ung thư nên hơi sợ, bác sĩ có thể cho tôi biết món gì dễ ung thư nhất? món có thành phần nào thì dễ gây ung thư? (Nguyễn Thị Bình)
BS Lê Thuận Linh: Các thực phẩm không phải là nguyên nhân chính gây nên bệnh ung thư. Tuy nhiên, một số loại thực phẩm khi ăn quá nhiều làm tăng nguy cơ biến đổi gen trong cơ thể dẫn đến tăng nguy cơ ung thư. Một chế độ ăn lành mạnh góp phần hạn chế những nguy cơ này bao gồm như:
- Hạn chế món ăn dầu mỡ, chiên xào nướng ở nhiệt độ cao.
- Hạn chế ăn mặn
- Hạn chế các loại thực phẩm ăn liền, đồ ăn đóng hộp, chế biến sẵn (thịt xông khói...), thực phẩm lên men ( dưa cải muối, các loại mắm...)
- Hạn chế ăn đường , đồ ngọt, đồ uống có gas.
- Hạn chế để thực phẩm đã chế biến quá lâu ở môi trường bên ngoài. Bên cạnh đó, không nên ăn đồ ăn để trong tủ lạnh quá 2 ngày.
- Ngoài ra, cần ăn thêm các loại trái cây, rau quả tươi để tăng cường vitamin khoáng chất cho cơ thể và một số chất ngăn ngừa oxy hóa. Duy trì một chế độ ăn đảm bảo đủ chất tinh bột, đạm, béo theo tỷ lệ phù hợp.
|
|
* Bác sĩ có thể cho em biết, khi bị ung thư nếu ăn uống đầy đủ liệu có làm cho khối u càng phát triển nhanh hơn không? Hiện có những loại thức ăn riêng biệt nào an toàn dành riêng các bệnh nhân ung thư đang điều trị không? (Nguyễn Thu Thủy)
BS Nguyễn Triệu Vũ: Quan niệm sai lầm trước đây là khi ăn nhiều sẽ nuôi khối u phát triển. Tuy nhiên, đó là quan điểm rất sai lầm. Điều trị ung thư thường kéo dài với nhiều tác dụng phụ. Do đó, bệnh nhân lúc nào cũng phải duy trì một tình trạng sức khỏe tốt mới có thể hoàn tất được liệu trình điều trị. Do đó, duy trì một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, cân bằng là rất quan trọng.
Nói chung là không cần những loại thức ăn riêng biệt hoặc kiêng khem quá mức cho bệnh nhân ung thư. Bệnh nhân nên ăn nhiều thịt cá, rau xanh, trái cây, uống nhiều nước, bổ sung đầy đủ các vitamin và chất khoáng (nên hạn chế thịt đỏ: bò, cừu...). Thực tế người Việt Nam thường ăn thịt trắng (heo, gà, cá...) nên việc hạn chế thịt đỏ trong khẩu phần ăn là không thực sự cần thiết.
* Tôi thấy người ta kêu thịt đỏ bị ung thư, ăn hải sản cũng ung thư, giờ thịt trắng như gà, heo,… cũng có nhiều chất gây ung thư, tôi đã kiêng cho con rất nhiều, nhưng hễ đụng tới thịt là sợ, không lẽ tôi để con mình ăn chay luôn thì thiếu dinh dưỡng quá. Tôi nên làm sao đây? (Cao Hồng Nhung)
BS Nguyễn Triệu Vũ: Protein từ thịt cá là một thành phần dinh dưỡng rất quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ nhỏ. Dù an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay là đáng lo ngại nhưng không đến mức phải kiêng hoàn toàn. Nếu không cung cấp đủ chất thì cháu bé khó phát triển khỏe mạnh được. Chị nên chọn nguồn thực phẩm có uy tín và cung cấp một chế độ dinh dưỡng hợp lý cân bằng cho bé.
* Bệnh nhân đang điều trị ung thư nên ăn gì và không nên ăn thực phẩm gì để giảm tác dụng phụ và đẩy nhanh quá trình hồi phục? (Nguyễn Thị Bé Em)
BS Lê Thuận Linh: Bệnh nhân ung thư nên có chế độ ăn đầy đủ dưỡng chất và năng lượng bao gồm đủ các nhóm chất dinh dưỡng sinh năng lượng là đạm, tinh bột, chất béo. Đặc biệt lượng đạm trong ngày cần tối thiểu 1g đạm/kg cân nặng (thông thường là 1,2 - 1,5 g đạm/kg cân nặng/ngày).
- Ăn nhiều các rau củ tươi, đặc biệt là các loại có màu xanh đậm, hoặc đỏ vàng.
- Ăn nhiều trái cây tươi, đặc biệt các loại trái cây có chất chống oxy hóa như dâu, blueberry, nho...
Đồng thời bệnh nhân điều trị ung thư thường có tình trạng buồn nôn, chán ăn, khô miệng .. làm giảm khả năng ăn uống, do đó cần khuyến khích bệnh nhân ăn nhiều bữa nhỏ, không ăn quá no hoặc để quá đói, không ăn các thực phẩm sinh hơi nhiều như các loại đậu đỗ, bông cải... hay một số trái cây như mít, sầu riêng... Nên cho bệnh nhân ăn thức ăn nguội, lạnh để hạn chế mùi thức ăn gây cảm giác nôn ói. Có thể cho bệnh nhân bổ sung thêm các loại sữa tăng năng lượng phù hợp.
|
|
* Ba tôi bị ung thư bao tử 6 tháng nay, tôi nghe nói lá đu đủ với cây dừa cạn trị ung thư hay lắm. Vậy tôi có nên ngưng điều trị thuốc Tây để chuyển qua uống lá đu đủ với dừa cạn hay không? Cám ơn bác sĩ (Thanh Xuân)
BS Nguyễn Triệu Vũ: Đông y có nhiều phương thuốc trị ung thư, từ bình dân như lá đu đủ, dừa cạn cho đến cao cấp như mật gấu, nhung hươu, sừng tê giác...Tuy nhiên, tất cả các phương thuốc này đều chỉ dừng lại ở mức hỗ trợ sức khỏe trong quá trình điều trị cho bệnh nhân, không thay thế được vai trò của thuốc đặc trị. Vì thế, người nhà của bạn nên tuân thủ theo phác đồ điều trị mà bác sĩ đưa ra.
* Nếu ăn rau cải muối nhiều thì có ung thư không? cha tôi rất thích món này kèm theo các món khô cá, nếu ung thư thì dễ bị ung thư gì? Ăn tần suất như thế nào thì nguy cơ cao thưa bác sĩ? (Hoàng Hùng)
BS Lê Thuận Linh: Thứ nhất, trong rau cải muối và khô cá có lượng muối cao do đó làm tăng nguy cơ các bệnh lý về huyết áp, tim mạch, đột quỵ, thận.
Thứ hai, rau cải muối là một loại thực phẩm lên men nếu bảo quản không tốt sẽ làm phát sinh nhiều loại vi khuẩn có hại, dẫn đến dễ bị ngộ độc thực phẩm, tăng nguy cơ nhiễm trùng tiêu hóa.
Một vấn đề nữa như bạn nói thì rau cải muối và khô cá cũng có liên quan đến bệnh lý ung thư. Các thực phẩm lên men tạo ra nhiều hợp chất nitrat, dịch chua trong các món đồ muối này cũng làm tổn thương niêm mạc ruột, dẫn đến dễ phát sinh các bệnh lý ung thư đường tiêu hóa như ung thư đại trực tràng, ung thư dạ dày...
Về tần suất ăn như thế nào thì tăng nguy cơ ung thư thì hiện tại chưa có nghiên cứu nào nói rõ về vấn đề này. Tuy nhiên một chế độ ăn có nhiều hơn 2 lần ăn hàng tuần có thể có liên quan.
Vì vậy bạn nên khuyên bố bạn hạn chế ăn các món ăn này. Bên cạnh đó khuyên bác nên ăn nhiều rau tươi đặc biệt các loại rau xanh đậm, ăn thêm các loại quả trái cây để tăng chất chống oxy hóa, hạn chế các bệnh lý ung thư.
|
|
* Cháu đọc 1 bài báo nói rằng có một số người cho rằng có thể tiêu diệt tế bào ung thư bằng cách bỏ đói chúng một cách tự nhiên (không tiêu thụ thức ăn để cơ thể không có chất dinh dưỡng nuôi tế bào ung thư nữa). Do đó, một số người đã nhin ăn theo từng đợt, có đợt dài lên tới 36 ngày (trong thời gian đó người bệnh chỉ uống nước chứ không ăn). Biện pháp đó có nên đươc sử dụng không ạ? (Kim Di, 26 tuổi, TP HCM)
BS Nguyễn Triệu Vũ: Đặc trưng của tế bào ung thư là xâm lấn và di căn trong cơ thể. Tế bào ung thư sẽ hút lấy dinh dưỡng từ tế bào bình thường. Do đó cho dù nhịn ăn thì tế bào ung thư vẫn hút lấy chất dinh dưỡng từ tế bào bình thường. Ngoài ra điều tri ung thư thường kéo dài, do đó phương pháp nhịn đói là phương pháp sai lầm, sẽ đẩy cơ thể vào tình trạng suy kiệt nhanh hơn.
Vì vậy, bệnh nhân ung thư nên cần chế độ dinh dưỡng đầy đủ và cân bằng trong suốt quá trình điều trị.
* Em hút thuốc hơn 10 năm. Một ngày có khi hút 1 gói. Thời gian gần đây em nổi hạch ở cổ. Có phải là em đã bị ung thư họng hay không? (Nguyễn Đức Hiếu)
BS Nguyễn Triệu Vũ: Nổi hạch trên người hút thuốc lá nhiều và lâu năm là dấu hiệu đáng lo ngại. Em nên đến bệnh viện có chuyên khoa ung bướu để khám và được tư vấn kỹ hơn.
* Trong thực phẩm hằng ngày, có khá nhiều loại cây để chữa ung thư, bác sĩ có thể cung cấp một vài tên loại cây đó để tôi bổ sung vào bữa ăn hằng ngày không? Ăn tần suất như thế nào? (Huỳnh Trần Yến)
BS Lê Thuận Linh: Một số quan niệm cho rằng có một số thực phẩm có thể điều trị ung thư, tuy nhiên chưa có một bằng chứng cũng như nghiên cứu cụ thể nào nói về vấn đề này. Các loại thực phẩm này chỉ là một dạng của thực phẩm chức năng. Thường các thực phẩm này có nhiều vitamin khoáng chất, giúp người bệnh khỏe hơn, ăn uống ngon miệng hơn, tinh thần thoải mái hơn do đó việc điều trị ung thư tốt hơn, thuận lợi hơn. Bệnh nhân có sức khỏe tốt có thể theo đầy đủ quá trình điều trị dẫn đến việc chữa trị có kết quả tốt hơn. Chứ việc bổ sung đơn thuần các loại thực phẩm này vào chế độ ăn không thực sự chữa được ung thư.
* Con gái tôi gần đây hay ngất xỉu và xanh xao, cháu lại hay chảy máu răng, phải đi truyền dịch nhiều lần. Mấy hôm trước lại bị xuất huyết chân lông, có phải cháu bị ung thư máu không bác sĩ, tôi đọc trên mạng thì có biểu hiện như vậy, nhưng không hiểu sao đưa cháu đi khám thì bệnh viện chỉ truyền dịch rồi cho về. Tôi thấy rất lo lắng. (Ngô Thị Châu)
BS Nguyễn Triệu Vũ: Biểu hiện chảy máu tự phát ở chân răng và chân lông nhiều lần là dấu hiệu đáng lo ngại. Chị nên đưa cháu đến các bệnh viện có chuyên khoa Huyết học để khám và được tư vấn.
* Bác sĩ cho tôi hỏi nếu bị ung thư tuyến tiền liệt thì có ảnh hưởng gì khi quan hệ vợ chồng không. Trước khi tôi bị bệnh này tôi sinh hoạt vợ chồng rất bình thường. Sau khi điều trị, vợ tôi nói rằng tôi nên kiêng cữ vì sợ bị ung thư lại. Nếu quan hệ vợ chồng, tôi có lây bệnh cho vợ không? và có bị ung thư trở lại như vợ tôi nói? (Dương Đình Trí)
BS Nguyễn Triệu Vũ: Nói chung quan hệ tình dục không ảnh hưởng đến diễn tiến bệnh và cũng không lây. Do đó, vợ chồng bạn cứ yên tâm.
* Gia đình tôi thường sử dụng lò vi sóng để hâm nóng, rã đông thức ăn. BS cho tôi hỏi thức ăn bị chiếu các tia bức xạ có gây nên UT không? Cảm ơn BS. (Hương Giang TPHCM)
BS Nguyễn Triệu Vũ: Nói chung các thiết bị vi sóng sử dụng trong sinh hoạt gia đình là đảm bảo an toàn đối với thực phẩm. Bạn cứ yên tâm sử dụng theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất.
* Nếu một người bị ung thư buồng trứng thì chế độ dinh dưỡng cho họ như thế nào thưa bác sĩ? Còn nếu chưa bị thì phải kiêng những gì? Nhà tôi đến 4 người ung thư buồng trứng và tử cung, liệu có phải chế độ ăn hay vì nguyên do nào khác? (Trần Thế Anh)
BS Lê Thuận Linh: Một người bị ung thư buồng trứng thì chế độ ăn nên đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng và vi chất để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể và tăng khả năng đáp ứng điều trị ung thư của bệnh nhân bao gồm:
- Ăn đủ đạm theo nhu cầu ( theo Hiệp hội dinh dưỡng lâm sàng châu Âu khuyến cáo nên ăn từ 1,2-1,5g đạm/kg cân nặng/ngày) bao gồm các loại cá, thịt, các loại đậu đỗ. Hạn chế các loại thịt đỏ, thịt chế biến sẵn, các loại đồ xông khói, nướng...
- Hạn chế các món ăn nhiều dầu mỡ, chiên xào. Nên sử dụng dầu thực vật trong chế biến như dầu đậu nành, dầu phộng, dầu mè, ô liu...
- Hạn chế các thực phẩm quá mặn, hoặc nhiều đường, các loại nước ngọt (kể cả nước ép đóng chai)
- Ăn nhiều các rau củ tươi, đặc biệt là các loại có màu xanh đậm, hoặc đỏ vàng.
- Ăn nhiều trái cây tươi, đặc biệt các loại trái cây có chất chống oxy hóa như dâu, blueberry, nho...
|
|
Chế độ ăn dành cho người bị ung thư buồng trứng thực ra không khác chế độ ăn dành cho người bình thường nhiều. Đối với những người trong gia đình chưa bị ung thư thì cũng nên có chế độ ăn giống như trên tuy nhiên nên hạn chế lượng đạm vừa phải (khoảng 1g đạm/kg cân nặng/ngày).
Ung thư buồng trứng chịu ảnh hưởng của di truyền khá nhiều có thể lên đến 30%. Do đó khi có người trong gia đình bị ung thư buồng trứng thì bạn nên chú ý tầm soát thường xuyên hơn. Bạn nên gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn về việc tầm soát này.
Ung thư cổ tử cung thì đến 70% do vi rút Human papilloma virus (HPV). Bạn nên đưa người nhà (nữ từ 10 đến 26 tuổi) đi tiêm ngừa ung thư cổ tử cung do HPV. Bên cạnh đó ung thư cổ tử cung nếu được tầm soát phát hiện sớm từ giai đoạn tiền ung thư sẽ điều trị dễ dàng và ít nguy cơ diễn tiến nặng hơn so với các loại ung thư khác. Vì vậy đối với nữ đã lập gia đình hoặc đã có quan hệ tình dục nên đi khám phụ khoa hàng năm.
* Chào BS ạ. Cho cháu hỏi là cháu có ông ngoại đang xạ trị ung thư lưỡi, nhưng nhà cháu lại có em bé 4 tháng tuổi, vậy liệu có ảnh hưởng gì đến em bé không ạ? (Thu Lê)
BS Nguyễn Triệu Vũ: Có 2 dạng xạ trị chính: nguồn xạ trị từ bên ngoài chiếu vào khối u và xạ trị chuyển hóa (bệnh nhân sẽ uống hoặc tiêm chất phóng xạ vào máu). Ông ngoại của em đang xạ trị ung thư lưỡi với nguồn xạ trị từ bên ngoài thì sẽ không ảnh hưởng đến những người xung quanh ở nhà. Với những trường hợp bệnh nhân ung thư khác như ung thư tuyến giáp, sau khi uống chất phóng xạ (I131) thì bệnh nhân sẽ được cách ly trong một khoảng thời gian tùy theo liều lượng sử dụng (từ vài giờ đến vài ngày).
* Xin chào BTC và các bác sĩ. Tôi có người nhà bị ung thư hạch, nghe công ty bán Fucoidan quảng cáo là Fucoidan trị được ung thư, cho hỏi có đúng không? Cám ơn bác sĩ (Thanh Thủy)
BS Nguyễn Triệu Vũ: Fucoidan được bào chế từ tảo biển, chủ yếu dùng để hỗ trợ bệnh nhân trong quá trình điều trị ung thư (giúp giảm mệt, giảm nôn, bớt khó chịu...) nhưng không thay thế được các thuốc đặc trị. Do đó, bạn nên gặp bác sĩ chuyên khoa và tuân thủ theo liệu trình điều trị của bác sĩ đưa ra.
* Mẹ tôi bị ung thư phổi, được bác sĩ đông y cho uống sinh tố rau và men. Mẹ tôi uống 15 thang thì đỡ rất nhiều, đi khám lại bác sĩ tây y cũng cho rằng ung thư không bị nhiều nữa. Khi tôi hỏi bác sĩ đông y thì bác sĩ nói là sinh tố A. Vậy sinh tố A là sinh tố gì và có thể chữa những bệnh ung thư khác không bác sĩ, sinh tố A đó có trong thực phẩm nào không? (Hoàng Văn Định)
BS Lê Thuận Linh: Thuốc của bên bác sĩ đông y cho có thể là một dạng bổ sung vitamin và men vi sinh. Các loại thuốc này thực chất là dạng thực phẩm chức năng, giúp bổ sung vitamin và khoáng chất cho cơ thể, giúp người bệnh ăn uống tốt hơn, giảm những triệu chứng buồn nôn, nôn ói, chán ăn...đồng thời tinh thần của bệnh nhân thoải mái hơn. Do đó giúp cho hạn chế sự tiến triển của bệnh ung thư.
Thực chất trong tây y cũng có sử dụng vitamin A và vitamin D cho các bệnh nhân ung thư nhằm tăng cường sức đề kháng cơ thể, hạn chế tình trạng nhiễm trùng. Đồng thời vitamin A cũng giúp hạn chế tình trạng oxy hóa trong cơ thể và có nhiều trong các thực phẩm củ quả màu đỏ, vàng, cam như: cà rốt, bí đỏ, ớt chuông...
Vậy nên sinh tố A không phải là yếu tố giúp mẹ bạn giảm bệnh mà chính yếu tố ăn uống tốt, tinh thần phấn chấn đã giúp cơ thể giảm được bệnh tật và hạn chế tiến triển của bệnh lý ung thư.
* Bố em bị viêm bao tử hơn 10 năm. Gần đây, ông bị táo bón. Liệu đây có phải là dấu hiệu của ung thư dạ dày không thưa bác sĩ? (Nguyễn Lan Thanh)
BS Nguyễn Triệu Vũ: Thông thường ung thư dạ dày ít gây táo bón. Tuy nhiên, nếu bố em đã bị bệnh viêm bao tử lâu năm thì nên đến bệnh viện để kiểm tra kỹ hơn (nội soi, sinh thiết...)
* Bệnh nhân ung thư có nên uống các loại multivitamin không? Vitamin nào thừa thì bất lợi cho bệnh nhân ung thư? (Huỳnh Đăng Khoa)
BS Nguyễn Triệu Vũ: Không có loại vitamin chuyên biệt cho bệnh nhân ung thư. Quan trọng là duy trì chế độ ăn cân bằng, đầy đủ vitamin và chất khoáng.
* Chào bác sĩ, bác sĩ có thể cho em hỏi một chế độ ăn nhiều chất xơ có thể ngăn ngừa ung thư và kéo dài thời gian sống cho bện nhân ung thư đúng không ạ? Cám ơn bác sĩ (Trần Hoàng Uyên)
BS Lê Thuận Linh: Chào bạn,
Chất xơ có nhiều trong các loại rau củ và trái cây. Đây là những thực phẩm tốt nên được tăng cường trong chế độ ăn phòng ngừa bệnh ung thư. Đồng thời chất xơ giúp cho đường tiêu hóa được hoạt động tốt hơn, hạn chế tình trạng táo bón - nguyên nhân gây ứ đọng các vi khuẩn không tốt trong đường ruột dẫn đến dễ tổn thương ruột làm phát sinh các bệnh lý ung thư đường ruột.
Có 2 loại chất xơ:
- Chất xơ hòa tan giúp giảm hấp thu đường, hạn chế hấp thu mỡ trong cơ thể, giúp hạn chế các tình trạng rối loạn tiêu hóa như táo bón, đầy hơi, chướng bụng... Một số thực phẩm chứa xơ hòa tan như các loại trái cây táo, nho, dưa hấu, lê...
- Chất xơ không tan giúp làm mềm phân, hạn chế tổn thương đường ruột do hạn chế sự tiếp xúc các loại vi khuẩn lên niêm mạc đường ruột, cũng giúp hạn chế tình trạng táo bón.
|
Do vậy một chế độ ăn nhiều chất xơ giúp hạn chế các bệnh lý có liên quan ung thư đường tiêu hóa.
Tuy nhiên chất xơ không có liên quan đến việc kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân. Một chế độ ăn nhiều chất xơ là nhiều rau xanh và trái cây giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể giúp cơ thể đáp ứng điều trị tốt hơn hạn chế tái phát. Bạn cũng nên có chế độ ăn đầy đủ các chất đặc biệt là đạm nữa chứ không nên chỉ tập trung vào chất xơ.
* Dinh dưỡng cho người K giáp để phục hồi suy nhược cơ thể sút cân? Bác sĩ tư vấn truyền đạm thì nên có lộ trình thế nào? Hải sản, nước yến kiêng như thế nào? Khi uống I 131 bị giật lưỡi không nuốt được trong khi nhiều người không bị là do đâu, cách khắc phục? (Huỳnh Lam)
BS Nguyễn Triệu Vũ: Nói chung bệnh nhân ung thư tuyến giáp nên duy trì chế độ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng như thịt cá, hải sản. Không cần kiêng nước yến hay hải sản.
Về giật lưỡi khi uống I 131 có thể do chất phóng xạ ảnh hưởng đến các tuyến nước bọt dưới lưỡi. Tuy nhiên bạn nên quay lại bác sĩ trực tiếp điều trị để thăm khám sẽ tốt hơn.
* Xin chào. Tôi nghe nói bệnh ung thư bây giờ đã thành dịch, bác sĩ vui lòng cho biết vài nét về số người mắc ung thư hiện nay được không? Cám ơn bác sĩ (Thành Hưng)
BS Nguyễn Triệu Vũ: Hiện nay ung thư được xếp vào bệnh dịch không lây. Số người chết do ung thư chỉ sau bệnh tim mạch. Năm 2012, trên toàn thế giới có 14 triệu bệnh nhân mới mắc ung thư. Khoảng 9 triệu người chết vì bệnh ung thư. Tính chung trên toàn cầu, trong 6 bệnh nhân tử vong thì có 1 bệnh nhân chết là do ung thư.
|
|
* Chồng tôi đi kiểm tra thì bác sĩ nói ung thư vòm họng giai đoạn nhẹ, bác sĩ nói chồng tôi phải ăn theo chế độ ăn mới để ngăn ung thư phát triển thêm. Vậy chế độ của ung thư vòm họng như thế nào thưa bác sĩ? (Ái Hoa)
BS Lê Thuận Linh: Chào bạn,
Chồng bạn hiện tại đang mắc bệnh ung thư vòm họng trong giai đoạn nhẹ. Không rõ chồng bạn có những triệu chứng gì ở miệng như lở loét miệng, khô miệng, chán ăn, dễ nôn ói hay không. Nếu không có triệu chứng gì thì chế độ ăn như sau:
- Ăn đủ đạm theo nhu cầu ( theo Hiệp hội dinh dưỡng lâm sàng châu Âu khuyến cáo nên ăn từ 1,2-1,5g đạm/kg cân nặng/ngày) bao gồm các loại cá, thịt, các loại đậu đỗ. Hạn chế các loại thịt đỏ, thịt chế biến sẵn, các loại đồ xông khói, nướng...
- Hạn chế các món ăn nhiều dầu mỡ, chiên xào. Nên sử dụng dầu thực vật trong chế biến như dầu đậu nành, dầu phộng, dầu mè, ô liu...
- Hạn chế các thực phẩm quá mặn, hoặc nhiều đường, các loại nước ngọt (kể cả nước ép đóng chai)
- Không ăn cay, hạn chế thực phẩm chua, lên men.
- Ăn nhiều các rau củ tươi, đặc biệt là các loại có màu xanh đậm, hoặc đỏ vàng.
- Ăn nhiều trái cây tươi, đặc biệt các loại trái cây có chất chống oxy hóa như dâu, blueberry, nho...
Tuy nhiên việc chế biến các thực phẩm nên ở chế độ ăn lỏng mềm, không nên ăn các loại thực phẩm cứng, khô như bánh mì nướng, bánh quy giòn... đặc biệt khi có loét miệng hoặc các tổn thương tại vị trí ung thư.
Nên uống thêm sữa hoặc ngũ cốc để đảm bảo năng lượng đầy đủ cho cơ thể.
Khi có các triệu chứng loét miệng nên ăn đồ ăn nguội hoặc lạnh để giảm khó chịu, có thể ngậm đá hoặc kẹo cứng nếu vết loét đau nhiều.
Bạn có thể gặp một bác sĩ dinh dưỡng để được hướng dẫn một thực đơn cụ thể theo cân nặng và bệnh lý của chồng bạn.
|
|
* Bác sĩ cho hỏi tại sao người ta kêu là dịch ung thư. Vậy ung thư có lây không? Cám ơn bác sĩ (Đỗ Cường)
BS Nguyễn Triệu Vũ: Hiện nay ung thư là bệnh dịch không lây, chỉ gây chết người sau bệnh lý tim mạch. Ung thư không lây trực tiếp qua đường tiếp xúc (người thân, người chăm sóc có dính dịch máu từ khối u thì không bị lây). Tuy nhiên một số trường hợp ung thư do virus hoặc vi trùng gây ra như ung thư gan có liên quan đến virus viêm gan siêu vi B, C; ung thư cổ tử cung có liên quan đến HPV; ung thư dạ dày liên quan đến vi khuẩn HP... thì những virus, vi khuẩn này có khả năng lây lan. Do đó, hiện nay dự phòng bằng vắc xin là phương pháp tốt để ngừa ung thư cũng như giữ vệ sinh an toàn thực phẩm.
* Em 35 tuổi, bị ung thư 8 năm. Em vừa có thai. Em nghe nói có vài trường hợp người mẹ mắc ung thư vẫn có thể có em bé được. Bác sĩ cho em hỏi là em có nên giữ em bé lại hay hay không? (Trần Thị Nhung)
BS Nguyễn Triệu Vũ: Nếu như bệnh ung thư đã ổn định được 8 năm, không còn điều trị trong suốt thời gian qua thì nhiều khả năng em vẫn mang thai và sinh em bé khỏe mạnh. Tuy nhiên, em cần tái khám lại chuyên khoa ung bướu và chuyên khoa sản để được theo dõi sát trong suốt thời gian thai kỳ.
* Thưa bác sĩ, em năm nay 33 tuổi. Em được chẩn đoán mắc viêm gan siêu vi B cách đây 16 năm. Tần suất uống bia rượu không nhiều, khoảng 1 tháng 4 lần. Mỗi lần khoảng 7 lon bia. Hiện tại, sức khỏe của em vẫn ổn. Tuy nhiên người nhà nói em bị vàng da. Xét nghiệm cho thấy men gan vẫn ở mức cho phép. Thưa bác sĩ, nguy cơ bị ung thư gan của em có cao không? (Võ Phú Hùng)
BS Nguyễn Triệu Vũ: Đối với bệnh viêm gan siêu vi B, hiện nay có nhiều thuốc đăc trị tốt, đáp ứng kéo dài. Do đó, em không nên quá lo lắng. Em nên đến khám bác sĩ chuyên khoa để bác sĩ đánh giá hướng điều trị tốt nhất.
* Người bị ung thư tuyệt đối không được ăn thịt phải không bác sĩ? Phải ăn uống làm sao? Cám ơn bác sĩ (Thành Đạt)
BS Lê Thuận Linh: Người bệnh ung thư không phải tuyệt đối kiêng thịt. Đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm. Các loại thịt đỏ có liên quan đến tăng nguy cơ ung thư đường tiêu hóa như ung thư dạ dày hay ung thư đại trực tràng. Vì vậy nên hạn chế ăn thịt đỏ. Nên ăn các loại thịt trắng như thịt gà, nên ăn cá, trứng hoặc các loại đạm từ thực vật như các loại đậu đỗ...
Tuy nhiên trong thịt đỏ có chứa nhiều thành phần có lợi như sắt, kẽm, acid folic. Do đó cũng nên ăn 1-2 lần tuần để bổ sung các chất này cho cơ thể hạn chế tình trạng thiếu máu - tình trạng rất thường gặp của các bệnh nhân ung thư do kiêng khem quá nhiều hoặc do ăn uống kém.
* Thưa bác sĩ, em có nghe nói một số bệnh viện quảng cáo thực hiện xét nghiệm sinh học phân tử PCR có thể tầm soát nguy cơ ung thư gan. Tôi đã mắc virus viêm gan siêu vi B hơn 10 năm thì có nên đi bệnh viện để thực hiện xét nghiệm này hay không ạ? (Lê Mạnh Hảo)
BS Nguyễn Triệu Vũ: Hiện nay có một số xét nghiệm mới cho phép phát hiện khối u gan giai đoạn sớm tại một số bệnh viện như Chợ Rấy, Trung tâm Medic, BV Quận Thủ Đức, BV Đại học Y dược, BV Ung bướu...Tuy nhiên bạn nên đến khám và được tư vấn rõ hơn.
* Bác sĩ cho hỏi tôi nghe nói Việt Nam là nước có người mắc bệnh ung thư tăng nhanh nhất thế giới phải không? Cám ơn. (Trọng Khoa)
BS Nguyễn Triệu Vũ: Thực ra Việt Nam là nước có tỷ lệ người mắc bệnh ung thư thuộc vào nhóm trung bình, không phải cao nhất thế giới. Việt Nam đứng hạng 78/172 nước về tỷ lệ mắc bệnh ung thư. Tỷ lệ bệnh nhân ung thư mới mắc tại Việt Nam là 140 trường hợp/100 ngàn dân. So với mức trung bình của thế giới là 182 trường hợp/100 ngàn dân.
* Nhà tôi có người bị mắc bệnh ung thư. Tôi có đi khám sức khỏe tổng quát hàng năm. BS cho tôi hỏi nên kiêng cữ những loại thực phẩm được chế biến như thế nào để phòng tránh bệnh? Tôi nghe nói ăn nhiều đồ nướng sẽ dễ dẫn tới ung thư, có đúng vậy không? (Hải Yến, Quận 1)
BS Nguyễn Triệu Vũ: Để phòng tránh bệnh ung thư, bạn nên sử dụng thực phẩm tươi, ít chất bảo quản, không sử dụng các thực phẩm đã bị nấm mốc, dầu ăn dùng nhiều lần hoặc các đồ ăn nướng cháy khét. Đồ nướng vẫn an toàn, miễn là nướng vừa phải không để thức ăn bị cháy khét.
* Có người nói rằng uống lá đu đủ Mỹ chữa khỏi ung thư và ở Việt Nam đã có người đứng lên nói rằng mình khỏi nhờ uống loại lá này. Việc này có thực không thưa bác sĩ? (Ngọc Linh)
BS Nguyễn Triệu Vũ: Lá đu đủ, cây dừa cạn, trinh nữ hoàng cung...thường được bệnh nhân ung thư sử dụng trong quá trình điều trị. Tuy nhiên, những bài thuốc này chỉ mang tính hỗ trợ, không thay thế được thuốc đặc trị. Tác dụng trực tiếp lên khối u của các bài thuốc này chưa được chứng minh một cách khoa học. Việc người này người khác cho rằng khỏi bệnh ung thư nhờ vào bài thuốc nào đó thường không có thông tin cụ thể hoặc chẩn đoán xác định từ phía bệnh viện. Do đó, bạn nên đến khám bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn cụ thể.
* Thưa bác sĩ, mẹ em bị ung thư cổ tử cung cách đây 5 năm. Gần đây, sức khỏe mẹ giảm sút nhiều. Em có mua yến sào về bồi bổ cho mẹ. Nhưng nghe nói người ung thư ăn yến sào sẽ càng nặng hơn. Điều này có thật hay không thưa bác sỹ? Em nên mua gì để bồi bổ sức khỏe cho mẹ em? (Trần Ngọc Nga)
BS Lê Thuận Linh: Yến sào là một thực phẩm thường được mọi người sử dụng để bồi bổ cho người bệnh đặc biệt là các bệnh nhân ung thư.
Người bệnh ung thư ăn yến sào không làm cho bệnh lý nặng hơn nên bạn có thể yên tâm cho mẹ ăn.
Tuy nhiên yến sào có năng lượng không cao trong đó hàm lượng đường khá nhiều do đó không phải là thực phẩm chính sử dụng trong ngày đặc biệt là đối với bệnh nhân.
Bạn nên cho mẹ chế độ ăn có năng lượng đầy đủ bao gồm đủ các nhóm chất dinh dưỡng sinh năng lượng là đạm, tinh bột, chất béo. Đặc biệt lượng đạm trong ngày cần tối thiểu 1g đạm/kg cân nặng (thông thường là 1,2 - 1,5 g đạm/kg cân nặng/ngày).
- Ăn nhiều các rau củ tươi, đặc biệt là các loại có màu xanh đậm, hoặc đỏ vàng.
- Ăn nhiều trái cây tươi, đặc biệt các loại trái cây có chất chống oxy hóa như dâu, blueberry, nho...
Chế độ ăn lỏng mềm sẽ phù hợp với bệnh nhân ung thư khi sức khỏe giảm sút như cháo, súp, sữa các loại. Do bệnh nhân ung thư thường không ăn được nhiều nên bạn cần có sự lựa chọn các loại sữa có năng lượng cao với dung tích thấp để phù hợp hơn với mẹ mình.
Một số sản phẩm phù hợp trên thị trường hiện có là sữa Forticare, Supportan drink với năng lượng đạt 2kcal/ml. Một ngày nên sử dụng từ 2 -3 chai để đảm bảo đủ năng lượng và lượng đạm phù hợp.
Yến sào chỉ là một thực phẩm giúp bổ sung vitamin và một số khoáng chất, năng lượng không cao nên chỉ nên sử dụng ít để kích thích ăn uống cho bệnh nhân. Bạn không nên cho mẹ ăn quá nhiều.
|
|
* Nếu một người bị ung thư thì nên ăn gì để ung thư đó được hạn chế? nếu chưa ung thư thì nên ăn gì để đề phòng ung thư thưa bác sĩ? Tôi nghe nói rau diếp cá có thể ngừa nhiều bệnh ung thư, nhưng đọc thông tin khác lại thấy diếp cá gây máu khó đông? Vậy tôi có nên cho gia đình ăn nữa không? (Lương Mai Châu Tánh)
BS Nguyễn Triệu Vũ: Thật ra không có chế độ ăn riêng biệt cho bệnh nhân ung thư, chỉ cần đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ hàng ngày.
Bạn nên lựa chọn nguồn thực phẩm tươi, sạch từ nơi cung cấp uy tín, hạn chế bia rượu thuốc lá; không ăn thức ăn cũ, nấm mốc. Ăn nhiều trái cây, rau quả. Siêng vận động để tránh béo phì.
Theo Đông y, rau diếp cá có tác dụng thanh nhiệt, giải độc nhưng tác dụng đối với bệnh ung thư là chưa được chứng minh. Bạn có thể sử dụng rau diếp cá nhưng loại rau sử dụng hàng ngày.
* Uống sữa đậu nành thường xuyên có khả năng dẫn đến ung thư vú không thưa BS? (Nguyễn Thông)
BS Nguyễn Triệu Vũ: Thông tin sữa đậu nành gây ung thư vú là không đúng. Sữa đậu nành có chứa nhiều thành phần tốt cho sức khỏe. Do đó, bạn không nên lo lắng khi uống sữa đậu nành.
* Xin chào BTC, BS Vũ. Cho mình hỏi hiện nay có nhiều công ty bán thực phẩm chức năng, quảng cáo là có thể ngăn ngừa, thậm chí điều trị ung thư, cho hỏi thông tin như thế có chính xác không? và thực phẩm chức năng chủ yếu để làm gì? Cám ơn (Hoàng Lan)
BS Nguyễn Triệu Vũ: Thông tin thực phẩm chức năng có thể chữa bệnh ung thư là không đúng. Thực phẩm chức năng chỉ dùng để hỗ trợ bổ sung dinh dưỡng giúp bệnh nhân cảm thấy khỏe hơn, dễ chịu hơn trong quá trình điều trị.
Thực phẩm chức năng không phải là thuốc, không có tác dụng chữa bệnh.
|
|
* Thưa bác sĩ, em nghe nói uống thuốc khổ qua rừng có thể ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư. Điều này có thực hay không? Ngoài ra, nếu ăn chay hoặc thanh lọc cơ thể thì có thể hạn chế sự phát triển của tế bào ung thư hay không? (Vũ Lê)
BS Lê Thuận Linh: Đầu tiên, về loại thuốc khổ qua rừng thực sự có ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư hay không hiện vẫn chưa có một nghiên cứu cụ thể.Khổ qua rừng là một dạng thuốc đông y, có nhiều thành phần khoáng chất có thể có ích lợi trong việc điều trị ung thư. Tuy nhiên việc bảo quản không tốt có thể làm tăng phát sinh các loại vi khuẩn, nấm mốc có hại ảnh hưởng nhiều đến bệnh nhân ung thư. Đồng thời nếu uống các sản phẩm này mà không có chế độ ăn đầy đủ năng lượng và đạm cũng sẽ làm bệnh nhân dễ suy dinh dưỡng, làm giảm khả năng đáp ứng của cơ thể với quá trình điều trị.
Hiện nay có nhiều quan niệm về chế độ ăn trong ung thư như ăn chay hay chế độ ăn gạo lứt muối mè, thanh lọc cơ thể, không có chất đạm để không nuôi tế bào ung thư... Đây là những quan niệm sai lầm bởi một chế độ ăn không đầy đủ các chất làm cho cơ thể nhanh chóng bị suy dinh dưỡng, thiếu đạm làm cơ thể mất cơ, giảm khả năng đi lại, ăn uống, hô hấp...
Vì vậy nên có chế độ ăn đủ năng lượng đạm để đảm bảo cơ thể không bị giảm sức đề kháng, giảm khả năng đáp ứng các phương pháp điều trị.
- Ăn đủ đạm theo nhu cầu ( theo Hiệp hội dinh dưỡng lâm sàng châu Âu khuyến cáo nên ăn từ 1,2-1,5g đạm/kg cân nặng/ngày) bao gồm các loại cá, thịt, các loại đậu đỗ. Hạn chế các loại thịt đỏ, thịt chế biến sẵn, các loại đồ xông khói, nướng...
- Hạn chế các món ăn nhiều dầu mỡ, chiên xào. Nên sử dụng dầu thực vật trong chế biến như dầu đậu nành, dầu phộng, dầu mè, ô liu...
- Hạn chế các thực phẩm quá mặn, hoặc nhiều đường, các loại nước ngọt (kể cả nước ép đóng chai)
- Ăn nhiều các rau củ tươi, đặc biệt là các loại có màu xanh đậm, hoặc đỏ vàng.
- Ăn nhiều trái cây tươi, đặc biệt các loại trái cây có chất chống oxy hóa như dâu, blueberry, nho...
|
|
* Em nghe tỏi đen có thể giúp phòng ngừa ung thư. Em có nên mua tỏi đen về sử dụng để ngừa ung thư hay không ạ? (Trần Thanh Thanh)
BS Lê Thuận Linh: Tỏi là một loại thực phẩm có chứa nhiều chất chống oxy hóa. Từ xưa tỏi là một phương thuốc giúp hạn chế các bệnh lý như cảm cúm, các bệnh đường hô hấp...đồng thời chất chống oxy hóa cũng giúp cơ thể hạn chế những sai lệch trong việc sao chép DNA.
Do đó tỏi là nguồn thực phẩm quý giúp ích trong việc phòng ngừa ung thư chứ không nhất thiết phải là tỏi đen.
Tuy nhiên ung thư có nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể do di truyền, có thể do chế độ ăn, lối sống, có thể liên quan đến môi trường... Do đó việc phòng ngừa bằng các thực phẩm đặc hiệu nào đó chỉ là một phần. Bên cạnh đó cần có chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế thực phẩm bẩn, chứa nhiều hóa chất. Đồng thời tập thể dục, vận động thường xuyên cũng giúp cơ thể tăng sức đề kháng hạn chế bệnh tật nói chung và ung thư nói riêng.
* Bác sĩ cho con hỏi tinh bột nghệ trị được ung thư không, ba con bị ung thư gan, con nghe quảng cáo nhiều quá mà không biết hiệu quả không? Cám ơn bác sĩ (Tâm)
BS Lê Thuận Linh: Tinh bột nghệ -một dạng thực phẩm được tinh chế từ nghệ-có chứa chất curumin là một hợp chất chống oxy hóa mạnh. Do đó tinh bột nghệ có vai trò trong việc hạn chế sai lầm trong việc sao chép ADN của cơ thể, dẫn đến hạn chế việc xuất hiện ung thư hoặc việc phát triển của các tế bào ung thư. Tinh bột nghệ cũng là yếu tố giúp nhanh làm lành các tổn thương dạng viêm loét của niêm mạc ruột nên có tác dụng tốt trong các bệnh lý viêm dạ dày, viêm đại tràng hoặc là các tổn thương đường ruột dạng viêm loét.
Do đó đối với các bệnh lý ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng tinh bột nghệ có thể có tác dụng tốt. Tuy nhiên với ung thư gan cũng như các dạng ung thư khác thì chưa có một bằng chứng cụ thể về hiệu quả của việc sử dụng tinh bột nghệ trong quá trình điều trị.
Báo Phụ Nữ
Ảnh: Minh Thanh