Giao lưu, trao đổi quốc tế giúp sinh viên thích nghi toàn cầu hóa

20/02/2024 - 05:56

PNO - Đưa sinh viên sang các nước có nền kỹ thuật công nghệ phát triển để học, thực tập là cách đang được nhiều cơ sở giáo dục đại học trong nước đẩy mạnh nhằm gia tăng sự thích nghi của sinh viên với bối cảnh toàn cầu hóa.

 

Trường đại học Y Shools (Pháp) đón tiếp sinh viên quốc tế, trong đó có sinh viên Việt Nam - ẢNH: T.T.
Trường đại học Y Shools (Pháp) đón tiếp sinh viên quốc tế, trong đó có sinh viên Việt Nam - Ảnh: T.T.

Học ở nước ngoài từ 1 - 2 học kỳ

Cuối tháng 1/2024, Đại Dương - sinh viên song ngành ngôn ngữ Anh và kinh doanh quốc tế của Trường đại học (ĐH) Hoa Sen - đã đến Trường ĐH Y Schools (vùng Troyes, Pháp) để bắt đầu hành trình 1 năm học trao đổi của mình. Dương sẽ được học 8 môn thuộc chuyên ngành kinh doanh quốc tế trong 2 học kỳ. Ngoài ra, Dương được đăng ký nhiều môn học về thiên tai, con người, văn hóa Pháp… miễn phí như tất cả sinh viên của trường. 

Vì xin được hỗ trợ từ CAF (quỹ trợ cấp nhà ở gia đình của Pháp) nên Dương không tốn quá nhiều chi phí. Tiền học phí cho mỗi kỳ tại đây chỉ 30 triệu đồng, thấp hơn mức học phí ở Việt Nam. “Tôi đã học ở đây được 2 tuần và cảm thấy thích ứng khá tốt, lịch học không dồn dập nhưng đòi hỏi sinh viên phải tự học, nghiên cứu và thực hành nhiều hơn ở Việt Nam. Đây sẽ là cơ hội để tôi trau dồi vốn tiếng Anh, cũng như cảm nhận được tính quốc tế trong ngành học của mình” - Đại Dương chia sẻ. 

Gần đây, chương trình trao đổi sinh viên quốc tế đang được nhiều trường ĐH trong nước đẩy mạnh, tạo điều kiện cho sinh viên có điều kiện hình thành tư duy toàn cầu. ĐH Kinh tế TPHCM đã liên kết với nhiều trường như: City University of Seattle (Mỹ), Kwangwoon University (Hàn Quốc), ĐH Rennes 1 (Pháp), ĐH Vilnius (Lithuania), ĐH Siena (Ý), NHL Stenden University of Applied Sciences (Hà Lan), ĐH Auckland (New Zealand)... để triển khai chương trình trao đổi học thuật. Dựa trên chương trình của đối tác và ngành học tại trường, sinh viên sẽ lựa chọn các môn học phù hợp để học trong 1 học kỳ hoặc 1 năm. Bằng phương thức này, sinh viên có thể tiết kiệm đến 50% tổng phí để lấy bằng cử nhân quốc tế của trường đối tác. 

Chương trình trao đổi sinh viên quốc tế đã được Trường ĐH Lạc Hồng triển khai từ năm 2012 và đẩy mạnh hơn trong 2 năm gần đây. Trong đó ưu tiên những sinh viên có học lực và trình độ ngoại ngữ tốt và có nguyện vọng tham gia. Bà Nguyễn Thị Hoàng Anh - Trưởng phòng Quan hệ quốc tế - cho biết, đa phần sinh viên thuộc các khoa như Đông Phương học (ngành ngôn ngữ Trung Quốc, Nhật Bản học, Hàn Quốc học), ngôn ngữ Anh, công nghệ thông tin và cơ điện điện tử sẽ được sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) học tập. Hiện tại, trường đang mở rộng sang các khoa khác để bất cứ sinh viên nào cũng có cơ hội. Sinh viên được tài trợ học phí, chi phí vé máy bay, ăn ở… bán phần hoặc toàn phần từ các trường quốc tế mà trường đã ký kết. Bên cạnh đó, sinh viên cũng có cơ hội thực tập và làm việc lâu dài tại các công ty nước ngoài là đối tác của trường. 

Mở rộng tầm nhìn ra thế giới

Sinh viên ngành Hàn Quốc học, Trường đại học Lạc Hồng tham gia chương trình trao đổi tại Trường đại học Silla (Hàn Quốc) - ẢNH: T.T.
Sinh viên ngành Hàn Quốc học, Trường đại học Lạc Hồng tham gia chương trình trao đổi tại Trường đại học Silla (Hàn Quốc) - Ảnh: T.T.

Đồng hành cùng con từ những ngày đầu, chị Nghi Anh - mẹ của Đại Dương - cho biết, vì con muốn đi làm ở nước ngoài để học hỏi kinh nghiệm nên gia đình đã chủ động tìm hiểu nhiều phương thức, như: chương trình học nghề ở Úc, làm thêm tại New Zealand hay du học tự túc ở Canada, Mỹ. Nhưng sau quá trình nghiên cứu, gia đình nhận thấy chương trình trao đổi là tiện lợi nhất. Bởi con vẫn có thể hoàn thành chương trình học tại Việt Nam, đồng thời có thêm nhiều trải nghiệm mới mẻ. 

Có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tuyển chọn, hỗ trợ sinh viên tham gia chương trình trao đổi, bà Nguyễn Thị Hoàng Anh chia sẻ: “Sinh viên sẽ được mở rộng tầm nhìn ra thế giới, được gặp gỡ và giao lưu với nhiều thầy cô, bạn bè, tiếp cận những nền văn hóa, văn minh tiến bộ và hiện đại hơn. Đặc biệt, các bạn sẽ có nhiều cơ hội xin được học bổng cao học và khi trở về nước, hồ sơ xin việc cũng mạnh hơn”.

Anh Vũ Đức Chinh - cựu sinh viên khối ngành kỹ thuật của Trường ĐH Lạc Hồng, hiện đang công tác tại Nhật Bản - kể, qua sự kết nối của nhà trường, cộng với việc được đào tạo chuyên sâu kiến thức, ngôn ngữ, văn hóa doanh nghiệp của Nhật Bản, anh đã sớm tiếp cận được cơ hội làm việc tại đất nước này. Hiện tại thu nhập của anh dao động 230.000-240.000 yen/tháng (khoảng 37,5-39 triệu đồng/tháng) và các quyền lợi rất tốt. 

Chia sẻ tại hội thảo “Tăng cường hoạt động trao đổi sinh viên: Kinh nghiệm quốc tế và giải pháp” diễn ra cuối năm 2023, phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Minh Tâm - Phó giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM - cho rằng, trao đổi quốc tế ngày càng trở nên quan trọng đối với các trường ĐH, nhằm tạo hành trang cho sinh viên trong bối cảnh toàn cầu hóa. Các chương trình trao đổi mang đến cho sinh viên cơ hội quý giá để mở rộng kiến văn, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa đa dạng, phát triển các kỹ năng xuyên văn hóa thiết yếu để thành công trong thế giới đương đại. 

Chuẩn bị những điều kiện cần thiết

Bà Nguyễn Thị Hoàng Anh cho biết, nếu muốn tham gia chương trình trao đổi quốc tế, sinh viên cần chuẩn bị các điều kiện. Cụ thể, sinh viên cần có điểm GPA (điểm trung bình tất cả các môn học) tốt và có nhiều kinh nghiệm làm việc, tham gia những dự án liên quan đến chuyên ngành đang theo học. Đồng thời, biết một trong các ngôn ngữ như tiếng Anh, Trung, Nhật hoặc Hàn... Cuối cùng là chuẩn bị sẵn một số chi phí ban đầu. Riêng về văn hóa các nước thì khi học tại trường, sinh viên đã được tiếp cận nên chỉ cần tìm hiểu thêm là đủ. 

 Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI