Giao Linh: ‘2 năm đi học cổ nhạc, tôi trả hết cho thầy Nguyễn Văn Đông’

27/02/2018 - 17:00

PNO - Kể về người thầy vừa qua đời, giọng ca sĩ Giao Linh trầm ngâm. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông luôn muốn học trò trở thành nghệ sĩ đa tài nhưng bà không có duyên với cổ nhạc. Đây là điều ông đôi chút thất vọng về bà.

Ngày 27/2, ca sĩ Giao Linh luôn túc trực ở nhà nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông để lo hậu sự cho ông.

Giao Linh: ‘2 nam di hoc co nhac, toi tra het cho thay Nguyen Van Dong’
Linh cữu của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông được quàn tại nhà riêng, ở đường Nguyễn Trọng Tuyển, quận Phú Nhuận, TP.HCM

Hơn tư cách một người học trò, Giao Linh từ lâu đã trở thành một thành viên trong gia đình tác giả Chiều mưa biên giới. Giao Linh bảo hơn 50 năm gắn bó, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông không chỉ là người thầy mà còn là người cha, đã cho bà có được danh tiếng, cuộc sống như hiện tại. Còn với khán giả, nhắc đến Nguyễn Văn Đông thì Giao Linh gần như là một mảng ghép không thể tách rời.

Giao Linh: ‘2 nam di hoc co nhac, toi tra het cho thay Nguyen Van Dong’
Từ trái qua: ca sĩ Giao Linh, vợ nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông (áo màu kem), NSND Kim Cương trong lúc chuẩn bị khâm liệm ông vào trưa nay (27/2)

Hơn 50 năm trước, khi Giao Linh còn là cô gái 17 tuổi chập chững bước vào nghề, nhạc sĩ Thu Hồ là người phát hiện, giới thiệu Giao Linh với nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông. Thời điểm đó, ông đang làm giám đốc hãng đĩa Continental rất nổi tiếng, là cái nôi của nhiều giọng ca vàng Việt Nam. Trước Giao Linh, Thanh Tuyền cũng là học trò được Nguyễn Văn Đông nhận vào hãng năm 1965. Nữ ca sĩ tự hào: “Thầy có nhiều học trò, trong đó được biết đến nhiều nhất chắc là chị Thanh Tuyền và tôi. Những chị, em còn lại, có thể do duyên số nên không thể nổi tiếng được. Duy có một điều những giọng ca được thầy tuyển chọn đều chất lượng, có màu sắc riêng”.

Giao Linh: ‘2 nam di hoc co nhac, toi tra het cho thay Nguyen Van Dong’
Hình ảnh hiếm hoi của ca sĩ Giao Linh và cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông

Ngay lần gặp đầu tiên, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã đệm đàn cho Giao Linh hát thử. Ông bảo nữ ca sĩ có chất giọng và nhận làm học trò ngay lập tức. “Thầy là người đặt nền móng để tạo nên Giao Linh ngày hôm nay. Sự nghiệp và những gì mà tôi có được đều là thầy cho”, Giao Linh bộc bạch.

Trong ký ức của Giao Linh ở tuổi 17 là những ngày tập nhạc từ 8h sáng, được nhạc sĩ rèn luyện rất kỹ lưỡng. Đến mức có lần ông bắt bà thu âm một bài hát đến 48 lần, cùng với ban nhạc sống khoảng 20 người. Nhắc lại chuyện này, Giao Linh cười bảo đó là kỷ niệm đẹp, là nền móng cho bà có được phong độ như hôm nay.

“Tôi từng thu âm 48 lần bài Chiều mưa biên giới. Đây là sáng tác kinh điển, tâm huyết của thầy nên tôi hát thầy không vừa ý, cứ thu đi, thu lại. Tôi cố gắng đến tận cùng, thầy chỉ bảo được, chứ không khen ngợi xuất sắc hay giỏi. Nhưng từ đó về sau, thầy không nhắc nhở nữa vì hơn hết thầy hiểu tôi đã hết lòng, hết dạ với sáng tác của thầy”, bà nói.

Giao Linh: ‘2 nam di hoc co nhac, toi tra het cho thay Nguyen Van Dong’
Ca sĩ Giao Linh tâm sự từng phải thu âm đến 48 lần bài Chiều mưa biên giới

Với Giao Linh, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông là người hiền lành, chan hoà, vui vẻ và khá dễ chịu, nhưng khi bước vào công việc thì luôn khó tính, nghiêm túc và đòi hỏi cao. Năm đầu quân về hãng đĩa của nhạc sĩ, bà như cây non nên rất dễ uốn. Giao Linh không chỉ học chuyên môn, rèn luyện nghề mà còn học cách làm người: “Điều mà tôi học được nhiều nhất từ thầy chính là sự nhẫn nhịn, không ganh đua, hơn thua với bất kỳ ai. Thầy luôn bảo với tôi, một ca sĩ hay hay dở, đều nằm trong lòng khán giả, không cần chiêu trò để PR tên tuổi”.

Nữ ca sĩ bảo nghề hát dễ mà khó, khó mà dễ. Nếu một ai đó dùng đủ chiêu trò để nổi tiếng thì thời gian tồn tại sẽ rất ngắn ngủi, vì chẳng có dấu ấn gì để lại trong lòng công chúng. Bà ví việc chiêu trò giống như cầm viên đá ném xuống mặt hồ, động trong phút chốc, rồi chìm lặng mãi. “Thầy luôn bảo, với ca sĩ, cứ tập trung hát hay, hát tốt ca khúc, điều đó mới sống mãi trong lòng khán giả. Tôi, chị Thanh Tuyền hay những học trò khác, thầy đều căn dặn: một ngày còn đi hát, phải hết lòng với bài hát, hết tâm với âm nhạc”, Giao Linh nhớ lại những ký ức thuở đôi mươi khi còn trong vòng tay che chở của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông.

Giao Linh: ‘2 nam di hoc co nhac, toi tra het cho thay Nguyen Van Dong’
Giao Linh trong giây phút tiễn biệt nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông

Con đường âm nhạc của Giao Linh có thể nói khá thuận lợi khi mọi nền móng đã được đặt sẵn bởi nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông. Cứ nói là học trò Nguyễn Văn Đông, bà đi đâu, làm gì cũng dễ, người khác luôn dành sự ưu tiên, trân trọng. Nhưng sự ưu tiên này không phải xuất phát từ danh thế của ông mà chính từ việc họ tin tưởng nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã đào tạo ra những học trò chất lượng như thế nào.

Thành công của Giao Linh, ngoài nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông còn có bàn tay của một người phụ nữ đứng sau, đó là vợ ông. Thời điểm hãng đĩa còn hoạt động, bà Thu - vợ nhạc sĩ giữ vai trò biên tập. Theo lời Giao Linh, đây là người phụ nữ tài năng, chịu đựng và luôn mang đến niềm vui cho nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông từ thuở thanh xuân đến ngày ông nhắm mắt.

Giao Linh: ‘2 nam di hoc co nhac, toi tra het cho thay Nguyen Van Dong’
Vợ cố nhạc sĩ trao đổi với các nhà sư về việc khâm liệm ông

Hơn 50 năm hoạt động nghề nghiệp, Giao Linh cũng từng kết hợp với các nhạc sĩ khác nhưng hình ảnh của người thầy chưa bao giờ phai nhạt trong tâm trí bà. Đến thời điểm trước lúc nhạc sĩ qua đời, khi làm bất kỳ dự án nào, đảm nhận bất cứ vai trò nào, Giao Linh đều hỏi ý kiến thầy, nói rõ để thầy biết cho lời khuyên. “Với tôi, một ngày thầy đã là thầy thì cả đời vẫn là thầy, không bao giờ có sự thay đổi”, Giao Linh nói.

Việc nhỏ cũng thầy, việc lớn cũng thầy, tạo nên thói quen cho Giao Linh. Nếu có ai bảo bà vẫn còn nhỏ bé, còn trẻ con trong lòng "thầy Đông" hẳn cũng không sai. Sự giáo dục ở môi trường quy củ đã cho Giao Linh tinh thần tôn sư, trọng đạo ở mức cao nhất, như thể là lòng trung thành. Bà cười bảo, chắc vậy. “Cuộc đời đi hát, nhiều người rất khó khăn, còn tôi lại rất thuận lợi thì vì sao không đặt thầy lên trên hết, vì tất cả đều là của thầy. Người ta hay nói thầy Đông là người cho Giao Linh đôi hia bảy dặm, để rồi những bước tiến của tôi luôn vững vàng”, nữ ca sĩ tâm sự.

Đến tuổi này, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông la gì, bảo gì Giao Linh vẫn ngồi để nghe, như ngày 17 đôi mươi mới vào nghề. Bà xem thầy là tấm gương để ra đời mà đối nhân xử thế. Có những chuyện bực mình trong nghề, Giao Linh cũng cho qua. Bởi đó là tính từ bi hỉ xả mà nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã truyền, đã dạy cho bà trong nửa thế kỷ gắn bó.

Giao Linh: ‘2 nam di hoc co nhac, toi tra het cho thay Nguyen Van Dong’
Giao Linh cho biết từ năm 17 tuổi cho đến sau này, làm việc gì bà cũng hỏi ý kiến nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông

Giao Linh cười bảo trong số những học trò, bà là người được ưu ái nhất. Trong 50 năm gắn bó, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông có một số bài hát đo ni đóng giày cho Giao Linh với những bút danh khác, đặc biệt trong khoảng thời gian còn hoạt động ở hãng đĩa. Bà bảo cũng chính sự ưu ái này mà những năm về sau, một số ca sĩ khác hát lại đều không qua được cái bóng của bà. Tuy nhiên, Giao Linh hiểu hết những điều này nên bà tránh nói hay nhận xét bất kỳ ai, khi họ hát lại những ca khúc mà nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông sáng tác cho bà.

Sự ưu ái đó, Giao Linh chẳng biết lấy gì để đền đáp cho thầy. Điều duy nhất Giao Linh có thể làm là: “Bài nào thầy đưa, tôi đều tập rất kỹ, không muốn xảy ra bất kỳ sai sót nào. Những hôm thu âm, tôi đều học trước, tập trước vài ngày nhưng đến phòng thu vẫn không tránh khỏi cảm giác lo sợ. Tôi sợ mình làm không tốt để rồi người khác lại lời ra, tiếng vào học trò Nguyễn Văn Đông lại thế nọ thế kia”.

Giao Linh: ‘2 nam di hoc co nhac, toi tra het cho thay Nguyen Van Dong’
Vợ chồng ca sĩ Giao Linh là người thân cận nhất với nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông

Nhưng dần dà, trong những lần thu âm về sau, Giao Linh tự tin hơn hẳn vì đã được chắp đôi cánh mềm trong giọng hát nhưng vững vàng bản lĩnh. Ấy vậy mà, cứ mỗi lần thấy nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông ngồi ngoài phòng thu, Giao Linh lại hồi hộp. Theo bà, đó là cảm xúc khó lý giải. Những ngày thu âm không tốt, để tránh ảnh hưởng tinh thần học trò, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông chỉ nhắc khéo quản lý của Giao Linh, chứ không hề trách cứ, la mắng. Nhưng ánh mắt đăm chiêu của ông luôn là thứ vũ khí lợi hại nhất.

Những năm tháng sau này, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông sống ẩn dật, không đi đâu xa, giao thiệp với vợ chồng ca sĩ Giao Linh nhiều nhất: “Muốn ăn cái gì, thầy đều gọi vợ chồng tôi đến ăn. Cuộc sống thầy đơn giản, nhiều niềm vui. Thầy luôn mang đến năng lượng tích cực cho người xung quanh dù những năm tháng cuối đời bệnh tật kéo đến. Bên cạnh thầy, chưa một lần thầy than thở, rên la để chúng tôi phải bận lòng”. Cũng chính vì thế, trước khi đi, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông không trăn trối bất kỳ điều gì để phiền lòng người ở lại.

Cứ khi rảnh rỗi, Giao Linh và ông xã lại đến thăm thầy. Mỗi mùa tết, còn được lì xì, chúc thọ cho thầy, đó là niềm hạnh phúc của nữ ca sĩ. Nhưng hôm mùng 3 tết vừa rồi, hạnh phúc ấy vơi dần khi nhạc sĩ có vẻ mệt, đến hôm nay thì ông ra đi vĩnh viễn.

Giao Linh tự tin trong hơn 50 năm qua, chưa một lần bà khiến thầy phải buồn lòng. Ngoài sáng tác tân nhạc, làm đạo diễn, Giao Linh bật mí nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông còn sáng tác cổ nhạc, thậm chí từng đưa bà đi học cổ nhạc 2 năm.

Giao Linh: ‘2 nam di hoc co nhac, toi tra het cho thay Nguyen Van Dong’
Giao Linh cho biết nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông từng đào tạo bà học cổ nhạc nhưng không thành

Nữ ca sĩ gạo cội nhớ lại: “Thầy luôn muốn học trò phải đa tài. Nhưng có lẽ tôi không có duyên với cổ nhạc. Học 2 năm, tôi trả lại hết cho thầy. Ngày thu âm, tôi hát rớt nhịp liên tục. Thầy chỉ hỏi nhẹ nhàng: "2 năm học hành, con trả hết cho thầy rồi sao?". Tôi đáp, thưa thầy, cái gì con không thích, thầy bắt con làm, thì sao con làm cho được”. Dẫu vậy, trong thời gian được đưa đi học, dù có những buổi trưa trời đổ lửa, Giao Linh vẫn chưa một lần phàn nàn hay trách cứ.

Từ buổi thu âm đó về sau, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông không bao giờ đề cập hay ép Giao Linh phải hát cổ nhạc. Dẫu vậy, ông vẫn có một cô học trò khá thành công cả tân nhạc cả cổ nhạc là ca sĩ Thanh Tuyền.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông là người kín tiếng, không tâm sự với bất kỳ ai dù chuyện vui hay buồn. Vì thế, Giao Linh dù là người thân cận nhưng không thể hiểu hết, tường tận về nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông. Nhạc sĩ luôn giàu cảm xúc, nhưng hơn 50 năm, bà chưa từng thấy một giọt nước mắt nào của thầy. Bao nhiêu nỗi niềm, cố nhạc sĩ dồn hết vào bên trong, để rồi chỉ toả năng lượng với âm nhạc.

Ngẫm về sự ra đi của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, Giao Linh nhẹ nhàng bảo: “Thầy theo nhà Phật, ăn ở chan hoà nên ra đi cũng nhẹ nhàng, thanh thản”. Với Giao Linh, năm 17 tuổi mới vào nghề, thời kỳ đỉnh cao hay ở hiện tại khi đã trở thành một biểu tượng về âm nhạc, một lời bà luôn dành cho cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông luôn là cảm ơn. Cảm ơn ông đã mang đến cho đời những giai điệu đẹp, và để những giai điệu ấy tồn tại mãi mãi với thời gian qua những giọng ca đẹp.

Thuỵ Khuê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI