Mới đây, hai chị em sinh đôi người Malaysia học tại một trường quốc tế ở TP.HCM tự tử đã làm dấy lên lo ngại về sức khỏe tâm thần của học sinh. Tình trạng tự tử ở độ tuổi học sinh đang tăng nhưng gia đình, trường học, thậm chí hệ thống y tế vẫn chưa quan tâm thực sự đến sức khỏe tâm thần của học sinh.
“Khoảng 50% trẻ ở độ tuổi từ 14-15 có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Đặc biệt, tình trạng tự tử ở tuổi vị thành niên đang tăng cao nhưng nhiều người chưa biết cách hỗ trợ và can thiệp”, phó giáo sư - tiến sĩ (PGS-TS) Đặng Hoàng Minh, Trường đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho hay.
Thực trạng đáng lo ngại
Về tình trạng tự tử ở trẻ vị thành niên thời gian qua tăng khá cao, PGS-TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục Trường đại học Giáo dục, đưa ra các nguyên nhân. Giới trẻ ngày càng dành nhiều thời gian cho điện thoại thông minh, mạng xã hội và game online nên ít có thời gian dành cho bạn bè, người thân và các mối quan hệ có ý nghĩa.
Thanh thiếu niên ít thời gian ngủ, ít có điều kiện để thực hành các kỹ năng xử lý tình huống, giải quyết vấn đề, kiểm soát cảm xúc trong đời sống thực. Do đó, các em không thể huy động các nguồn trợ giúp khi bế tắc. Bên cạnh đó, nhiều em chịu bạo lực, bắt nạt trên mạng hay học các cách tự hại bản thân, tự sát từ các trang web hướng dẫn tự sát.
|
Sức khỏe tâm thần độ tuổi học thực sự đáng báo động |
Sự biến đổi về tâm sinh lý giai đoạn vị thành niên cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tới giới trẻ. Giai đoạn này, sợi dây ràng buộc với gia đình các em trở nên giãn ra. Nhận thức về các vấn đề xã hội cũng sâu sắc hơn nên trẻ thích tranh cãi, phản kháng người lớn. Khi phát hiện những khiếm khuyết của cha mẹ, các em dễ trở nên thất vọng, chán chường.
“Đối với trẻ em tự tử ở tuổi vị thành niên có đến hơn 94% là do tổn thương sức khỏe tâm thần, bị ảnh hưởng chất kích thích hoặc bị rơi vào nghịch cảnh. Trong nhóm tổn thương sức khỏe tâm thần thì nhóm hàng đầu dẫn đến tự sát là trầm cảm.
Con đường dẫn đến tiêu cực của hành vi cảm xúc là tự tử mà các em thường gặp phải là bị stress cuộc sống, áp lực học đường, áp lực mạng xã hội. Áp lực biến thành nỗi lo lắng về bản thân, lo lắng lặp lại sẽ dẫn đến kiệt sức, trầm cảm, tự gây hại cho mình và gây hại cho người khác”, PGS - TS Trần Thành Nam, phân tích.
GS - TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường đại học Giáo dục, cho biết: “ước tính, ở Việt Nam, tỷ lệ thanh thiếu niên và trẻ em có các vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng khoảng 12%, tương đương 3 triệu thanh thiếu niên có nhu cầu hỗ trợ và trị liệu. Tuy nhiên, các vấn đề sức khỏe tâm thần lại chưa được hiểu biết đúng và mang nhiều định kiến. Chính vì vậy, rất nhiều người chỉ tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên nghiệp khi các vấn đề đã nghiêm trọng, làm giảm hiệu quả trị liệu”.
Can thiệp chưa đủ mạnh
Các nước phát triển như Úc năm 1997 có 39% khách thể (hơn 1.000 người từ 18-74 tuổi) nhận biết được trầm cảm, 27% nhận biết được tâm thần phân liệt. Tỷ lệ năm 2011 là 73,7% và 38,1%. Còn ở Nhật có đến 22,6% khách thể (2.000 người từ 20-69 tuổi) nhận biết được trầm cảm. Trong khi đó ở Canada: 68,7% khách thể 18-24 tuổi và 64,5% khách thể 25-64 tuổi nhận biết đúng trầm cảm. Riêng các nước đang phát triển ở châu Á và châu Phi, đa phần hiểu biết về sức khỏe tâm thần thấp. Ở Việt Nam, nhóm giáo viên có hiểu biết về sức khỏe tâm thần nhất là lứa tuổi vị thành niên thấp, định kiến cao. Ở nhóm sinh viên: 32% có thể nhận biết trầm cảm. |
PGS - TS Trần Thành Nam chia sẻ: “Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi có phỏng vấn nhiều học sinh. Nhiều em nói, có nghĩ đến việc tự sát để cha mẹ nhìn nhận lại vấn đề và hành xử khác đi. Các em không thể đáp ứng những kỳ vọng quá lớn của cha mẹ. Hoàn thành kỳ vọng này lại đến kỳ vọng khác nên sinh ra chán nản, trầm cảm và tự sát bằng nhiều cách”.
Thực sự, thông điệp đằng sau việc tự sát mà các em gửi đến người thân là gì? Các em đã gặp phải vấn đề về sức khỏe tâm thần kéo dài rất lâu. Khi quá bế tắc, các em tìm đến tự sát như để kết thúc mọi thứ, giải thoát bản thân trước những áp lực.
“Hầu hết những bạn nhỏ mà tôi tiếp cận nói rằng, các em tìm đến tự sát vì đã tìm rất nhiều cách chia sẻ cho cha mẹ trước những áp lực nhưng cha mẹ không nhận ra”, PGS - TS Trần Thành Nam cho biết.
Theo PGS - TS Trần Thành Nam, từ trước đến nay chúng ta thường quan tâm đến sức khỏe thể chất nhưng lại ít quan tâm đến sức khỏe tâm thần. Trong kỷ nguyên của công nghệ 4.0, khi chúng ta nhấn mạnh về tính cá nhân hóa hay phát huy sự sáng tạo của bản thân sẽ không ổn nếu cộng đồng không có sức khỏe tinh thần tốt để tối ưu hóa tiềm năng. Có nhiều việc phải làm nhưng cần bắt đầu từ việc giúp cộng đồng nhận biết tốt hơn về sức khỏe tinh thần.
Còn Phó chủ nhiệm Khoa Y dược (Đại học Quốc gia Hà Nội) PGS - TS Phạm Trung Kiên, cho rằng: “Ngành y tế Việt Nam mới chỉ quan tâm đến bệnh mà chưa thực sự quan tâm đến tâm bệnh. Việc chẩn đoán tâm bệnh cũng cực kỳ khó, không như các bệnh khác khi có tổn thương sẽ có biểu hiện của các triệu chứng. Sức khỏe tâm thần nói chung bị lãng quên và sức khỏe tâm thần trẻ em bị lãng quên nhiều hơn. Trong ngành y, chuyên gia về sức khỏe tâm thần trẻ em chỉ “dưới một
bàn tay”.
PGS - TS Đặng Hoàng Minh, giảng viên môn tâm lý học Trường đại học Giáo dục, chia sẻ: “Trăn trở nhất hiện nay của tôi là trong trường học, việc hỗ trợ sức khỏe tinh thần cho học sinh chưa được quan tâm thực sự. Trường học hiện nay có nhiều khóa kỹ năng, trải nghiệm nhưng chưa có giáo trình nào giúp giáo viên hiểu rõ hơn về vấn đề sức khỏe tâm thần để có thể hỗ trợ nếu học sinh gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần”.
Thông tư của Bộ GD-ĐT quy định các trường có tham vấn tâm lý học đường nhưng vẫn là giáo viên kiêm nhiệm chứ không có giáo viên tham vấn chuyên nghiệp. Hay vấn đề về sức khỏe tâm thần cũng chưa được Bộ Y tế ghi nhận, chưa có mã nghề với chuyên viên tâm lý và chuyên viên tâm lý lâm sàng. Người điều trị vấn đề liên quan đến tâm lý hiện nay chưa được bảo hiểm chi trả nên sẽ là cản trở với những gia đình có nhu cầu.
“Nói chung, các vấn đề về sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên Việt Nam hiện nay đáng báo động. Vì hệ thống chăm sóc, hỗ trợ, tìm kiếm thông tin hỗ trợ chưa nhiều nên các học sinh có vấn đề nhưng không biết giải tỏa và không biết làm sao để vượt qua nên vấn đề ngày càng trầm trọng hơn”, PGS - TS Đặng Hoàng Minh nhấn mạnh.
Giải pháp hạn chế việc trẻ tự sát Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các vấn đề sức khỏe tâm thần là gánh nặng toàn cầu. Vấn đề sức khỏe tâm thần không những ảnh hưởng đến cá nhân người có vấn đề (suy giảm chức năng cuộc sống, việc học tập và lao động) mà còn gia đình của họ và xã hội. Về phương pháp can thiệp đối với trẻ em, PGS-TS Trần Thành Nam cho biết, dù tỷ lệ trẻ tự tử cao, nguyên nhân đa dạng nhưng vẫn có thể đề phòng nếu theo dõi, quan sát. Tốt nhất, có thể dựa vào trường học với đội gồm các giáo viên, nhà tâm lý phối hợp chặt chẽ với các tổ chức cộng đồng. Đầu tiên, cần khai thác tiền sử tâm lý và rối loạn tâm thần của các em. Nhà tâm lý trường học cần giúp các em hiểu rõ những khó khăn và chấp nhận các biện pháp điều trị, tạo ra một môi trường an toàn. Giúp các em giảm nỗi đau buồn về tâm lý bằng cách thay đổi môi trường stress, tranh thủ sự nâng đỡ của người thân trong gia đình và bạn học. Giúp các em hiểu rằng, mỗi người có thể có một nỗi buồn chính đáng, mọi người xung quanh cũng có những nỗi buồn riêng nhưng đều có cách giải quyết. Với những trẻ đã từng có ý định tự sát, nhà tâm lý phối hợp với gia đình theo dõi và đánh giá được khả năng tái phát. Các số liệu cho thấy tỷ lệ tái phát tự tử thường khá cao, từ 30% đến 50% trong khoảng thời gian từ 12 đến 18 tháng sau lần tự sát đầu tiên không thành công. Ngoài ra, cần có các chương trình nâng cao kiến thức cho học sinh ứng phó với suy nghĩ tự tử. Đứng trước một ý nghĩ hay một mưu toan tự tử của trẻ, chúng ta không thể coi thường mà ngược lại phải cho thiếu niên biết, mình rất quan tâm đến vấn đề này và sẵn sàng để giúp đỡ các em vượt qua khó khăn, tin tưởng hơn vào cuộc sống. |
Đại Minh