Xung quanh việc sử dụng một hay nhiều bộ sách giáo khoa cũng khiến dư luận băn khoăn, lo lắng. Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã có cuộc đối thoại với PGS-TS Nguyễn Kế Hào, nguyên Vụ trưởng Vụ Tiểu học Bộ GD-ĐT giai đoạn đưa bốn bộ sách giáo khoa vào giảng dạy trong trường tiểu học.
Ông cũng là người “rũ áo từ quan” khi chương trình tiểu học 2000 được đưa vào sử dụng (thay bốn bộ sách giáo khoa bằng một bộ duy nhất) để “giữ trọn lương tâm và được nói tiếng nói của nhà khoa học”.
Biến quy định dùng sách giáo khoa phổ thông thống nhất thành duy nhất
Phóng viên: Thưa PGS-TS Nguyễn Kế Hào, dù đã bốn năm sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 88/2014/QH13 về việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) phổ thông; song đa số người dân vẫn còn lạ lẫm trước việc sử dụng nhiều bộ SGK trong một bậc học; và cũng không nhiều người biết đến giai đoạn đưa bốn bộ SGK vào giảng dạy trong trường tiểu học. Ông có thể giúp độc giả hiểu rõ hơn về giai đoạn này?
PGS-TS Nguyễn Kế Hào: Tôi đã đi nhiều nước và không thấy ở đâu chỉ sử dụng bộ SGK duy nhất như nước ta hiện nay. Thực tế ở nước ta cho thấy, khi nào chỉ có bộ SGK duy nhất là khi đó nảy sinh nhiều bất cập. Tôi muốn bắt đầu từ cuộc đổi mới giáo dục lần thứ ba - lần thay sách năm 1981. Khi đó cũng có bộ sách duy nhất được nghiên cứu ở miền Bắc rồi đưa vào sử dụng trên toàn quốc. Nhưng được hai năm đã bộc lộ bất cập: không đáp ứng được yêu cầu đề ra, việc dạy và học không đạt kết quả. Có năm, nửa triệu học sinh không qua được lớp Một, không đọc thông viết thạo.
Nhờ Đại hội Đảng năm 1986 mà giáo dục có cơ hội đổi mới. Do nhu cầu thực tiễn, từ bộ SGK duy nhất đã dần dần thành bốn bộ SGK. Bốn bộ cùng một mục tiêu là phổ cập giáo dục tiểu học, xóa mù chữ - cũng là mục tiêu chung của thập niên 90. Khi đó có cả luật giáo dục phổ cập. Bộ sách thứ nhất là bộ 165 tuần (đặt theo số tuần dạy), được hình thành đầu tiên, từ năm 1981. Hai là bộ 120 tuần dành cho học sinh dân tộc miền núi, lớp ghép. Ba là bộ 100 tuần với sự tài trợ của UNICEF dành cho trẻ em lang thang cơ nhỡ, có hoàn cảnh đặc biệt. Bốn là bộ công nghệ giáo dục (CNGD) của giáo sư Hồ Ngọc Đại. Thời điểm đó, Hội đồng nghiệm thu đã kiến nghị với Bộ GD-ĐT coi đây là một trong những phương án để phát triển giáo dục tiểu học và đề nghị cho phép áp dụng ở những nơi có điều kiện như thành phố, thị xã, thị trấn. Nhờ bốn bộ sách mà nước ta mới có thành tựu phổ cập giáo dục tiểu học, xóa mù chữ vào năm 2000, được thế giới đánh giá cao. Nếu không có đa dạng SGK thì không thể có thành tựu đó.
* Với sự đa dạng và những thành tựu mà bốn bộ SGK mang lại, lẽ ra cần được phát huy, vậy tại sao đột nhiên xóa bỏ, thưa PGS?
- Cuối những năm 90 chuẩn bị có một cuộc đổi mới về giáo dục. Hồi đó, luật có đưa vào quy định dùng SGK phổ thông thống nhất, nhưng khi triển khai lại thành duy nhất. Sau đó, bộ cử một thứ trưởng thay mặt bộ trưởng quản lý, chỉ huy việc làm sách; chọn thêm một giám đốc, một kế toán trưởng - là ba người quyết định mọi việc. Nhiều người cũng biết thống nhất không phải là duy nhất. Nhưng bấy giờ chỉ có một khoản tiền, mà nhóm đó đã nắm lấy và thu chi. Người khác muốn làm bộ sách khác thì lấy kinh phí đâu ra để viết và ai cho viết? Nên nghiễm nhiên nó trở thành duy nhất và họ bỏ hết bốn bộ SGK đã làm nên những thành tựu được thế giới ghi nhận.
Tôi cho rằng, việc xóa bỏ đó là việc làm phản giáo dục, phản văn hóa. Trong khi cái mới hoàn toàn không tiến bộ hơn cái cũ, ở chỗ: khi tôi làm quy định chuẩn, học sinh hết lớp Một phải đọc được 30 tiếng/phút; chép chính tả phải được 30 chữ/15 phút. Nhưng khi đổi mới, là giai đoạn kế tiếp sau hai mươi năm, lẽ ra mọi thứ phải hơn, nhưng những tiêu chuẩn đó vẫn giữ nguyên. Nếu không có gì tiến bộ hơn cái cũ, thì tại sao phải đổi mới và đổi mới để làm gì? Chưa kể với bộ SGK CNGD, từ khi học sinh bắt đầu học lứa đầu tiên cho đến bây giờ, các em đọc được 35-40 tiếng/phút và viết chính tả 35 chữ/15 phút. Trong khi chép và viết là hai trình độ hoàn toàn khác nhau, viết chính tả là học sinh đã đọc thông viết thạo.
|
PGS-TS Nguyễn Kế Hào đã từ chức Vụ trưởng Vụ Tiểu học (năm 2001) để phản đối cách làm SGK - Ảnh NVCC. |
Cửa nào cho các đơn vị muốn làm SGK?
* Cuộc đổi mới đó có liên quan như thế nào tới việc PGS xin từ chức?
- Khi làm SGK duy nhất, họ mời các cán bộ trong vụ mà tôi quản lý tham gia. Nhiều lần tôi phản ứng gay gắt, không cho đi họp, nhưng như thế là chống lệnh nên sau vẫn phải để họ đi. Năm 2002 thay sách thì năm 2001 tôi từ chức. Tôi từ chức vì đã góp ý nhiều mà không hiệu quả. Tôi nói bộ làm sách như thế là không ổn, khó thành công. Khi họ chuẩn bị triển khai theo kế hoạch, tôi nói không kịp được, vì mọi thứ vẫn chưa hoàn thiện, đưa ra bây giờ rất khó thành công. Tôi khuyên bộ trưởng nên nhận khuyết điểm trước Quốc hội và xin thêm thời gian. Tất nhiên, ở cấp quản lý, họ có nhiều cái sợ nên mọi chuyện vẫn diễn ra.
* Trong cuộc thay SGK ấy, điều mà ông phản đối quyết liệt là gì?
- Họ làm gấp gáp và không đúng. Họ đã viết xong, chuẩn bị triển khai mới mời tôi tham gia. Là nhà khoa học, tôi không bao giờ chấp nhận đứng tên những gì mình không viết ra. Nếu ngày ấy tôi nhận lời thì có lẽ cũng có cái lợi là được người ta mang phong thư đến để xin chữ ký vào giấy tờ trên danh nghĩa tác giả sách. Nhưng tôi chọn cách từ chức để giữ trọn lương tâm và được nói tiếng nói của nhà khoa học.
Sau hai năm triển khai, những điều tôi cảnh báo đã xảy ra đúng như vậy. Năm 2005, Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng phải nêu rõ: “Kiên quyết giảm hợp lý nội dung chương trình học cho phù hợp tâm sinh lý học sinh cấp tiểu học và THCS”.
Trong lịch sử ngành giáo dục, chưa bao giờ Ban Chấp hành Trung ương lại có cả một nghị quyết ghi ngắn gọn và đầy đủ như thế. Chuẩn vẫn như vậy mà lại bị quá tải là vì sao? Trong khi con người của 20 năm sau, thế hệ sau luôn có những tố chất hơn hẳn thế hệ trước. Chưa kể khi giảm tải thì không ai, không tác giả viết SGK nào chịu trách nhiệm, bộ chỉ đạo giáo viên tự xử lý giảm tải. Lẽ ra phải có quy định, quy chế “bảo hành” SGK, làm sai ở đâu thì phải sửa ở đó chứ không thể bắt giáo viên sửa. Hệ quả là việc giảm tải vẫn kéo dài cho đến hôm nay.
* Hiện nay, vấn đề kinh phí viết SGK không phải là bài toán khó với nhiều đơn vị, Nghị quyết 88/2014/QH13 cũng tạo nhiều thuận lợi cho họ tham gia. Nhưng dường như đa dạng SGK trong bối cảnh hiện nay là điều có vẻ xa vời. PGS nghĩ gì về vấn đề này?
- Khi sử dụng bốn bộ SGK, hầu hết các tỉnh cùng đưa vào cả bốn, vì tỉnh nào cũng có những vùng phát triển, vùng khó khăn… Việc đa dạng SGK là rất cần. Sách tiểu học, lớp Một lại càng cần hơn, bởi đó là giai đoạn nền móng, quốc gia nào cũng xem trọng. Khi đã đa dạng được thì việc chọn SGK lại là điều không hề đơn giản.
Bây giờ hô hào các đơn vị, tập thể, cá nhân tham gia viết SGK, nhưng sang năm thay sách rồi mà đến thời điểm này chưa công bố nội dung thì ai viết được? Chưa kể viết xong còn cần có thời gian để thực nghiệm. Làm như thế là không thỏa đáng, bộ vừa viết chương trình, vừa viết sách, vừa thẩm định rồi công bố luôn, thì liệu có đảm bảo được chất lượng và tính minh bạch? Chưa kể chỉ có một bộ SGK mà nói người ta chọn. Lựa chọn là ít nhất phải có hai đối tượng và phải nhìn thấy, phải có thời gian xem xét, tìm hiểu ít nhất là một năm xem có thích hợp hay không.
Vì chuyện SGK mà mạt sát nhau trước thế hệ trẻ
* Con người hôm nay đã khác con người của ba mươi năm trước. Liệu với những con người của ngày hôm nay, với những gì đã, đang diễn ra trong ngành giáo dục, thì việc đưa vào sử dụng nhiều bộ SGK có thành công không, thưa PGS?
- Làm gì cũng phải có đạo, làm mà không có đạo thì dù bằng phương cách nào cũng không thể thành công. Khi có đạo, đã hướng con người đến cái thiện rồi thì muốn làm, quyết liệt làm là sẽ làm được. Với giáo dục phải làm từng bước. Ví dụ khi thay SGK thì không nên áp dụng đồng bộ một cách cứng nhắc mà nên làm dần ở từng địa phương theo cách “ném đá dò đường”. Dân thấy được những lợi ích thì mới triển khai rộng. Khi tiếp nhận từ từ, cùng với thời gian tìm hiểu, thì việc chấp nhận sẽ dễ dàng hơn. Điều này còn tránh được việc không hiểu rõ ngọn nguồn đã mạt sát nhau như những ngày qua. Tôi chỉ muốn đặt dấu hỏi cho những “người lớn” tham gia vào cuộc mạt sát đó: các vị muốn thế hệ con cháu nhìn mình bằng ánh mắt nào và muốn chúng học được điều gì?
* PGS có nghĩ lần thay SGK này đi theo vết xe đổ của năm 1981, 2002 là chuyện nhãn tiền?
- Sang năm đã đổi mới SGK nhưng đến tháng Mười mới công bố nội dung. Tuy nội dung của bậc tiểu học không có nhiều thay đổi nhưng phải bố trí như thế nào để có chất lượng hơn. Ví dụ cũng là đọc thông viết thạo, cũng là bốn phép tính, cũng là khoa học thường thức nhưng học sinh học tốt hơn và biết cách vận dụng vào đời sống. Chưa kể bây giờ chưa có SGK mới mà đã nói đến giảm tải, thì có lẽ không nên tranh cãi nữa. Tôi chỉ muốn kể một chuyện vui thời bao cấp: Trên chuyến tàu có bà đi buôn hàng xén, xách theo lủng lẳng mắm tôm. Khi chen lấn, xô đẩy, mắm tôm rớt vào người một ông. Ông ấy kêu la ầm ĩ rồi hai người lời qua tiếng lại cãi nhau. Bà hàng xén nói: “Ông này hay nhỉ, cái người ta ăn được mà ông lại kêu bẩn”. Đấy, xã hội luôn phức tạp và câu chuyện đổi mới, thay SGK có lẽ cũng không
ngoại lệ.
* Xin cảm ơn ông.
Việc SGK CNGD bị bới tung là tại Bộ GD-ĐT
Trước đây đã có bốn đời bộ trưởng đưa SGK CNGD vào sử dụng: Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình, đến Bộ trưởng Trần Hồng Quân thì áp dụng nhiều, rồi đến Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận. Bộ trưởng đương nhiệm không hiểu sao lại không rõ ràng trong việc sử dụng bộ sách CNGD, trong khi đang trông chờ bộ SGK mới. Nếu bộ sách đó không tốt thì tại sao bốn bộ trưởng trước, đều là ủy viên trung ương lại đưa vào sử dụng. Hơn nữa, đó là lựa chọn của phụ huynh mấy chục tỉnh, thành thì không phải là điều vô lý.
Nếu Bộ GD-ĐT lên tiếng khẳng định cho phép sử dụng như bốn đời bộ trưởng khác thì đã không có những cuộc mạt sát nhau như vừa rồi. Chưa kể, công trình đã được nghiệm thu và đưa vào sử dụng từ lâu, mà gần đây lại lôi ra thẩm định, năm ngoái thẩm định, năm nay cũng thẩm định. Mà thẩm định lại là những người đang tham gia viết SGK mới. Trong khi, bộ SGK đó từng là một trong những bộ sách chính thức rồi, mà gần đây vẫn bị không ít người gán hai từ “thử nghiệm”. Thì quả thực tôi không giải thích được.
PGS-TS Nguyễn Kế Hào
|
Uông Ngọc(thực hiện)