Giáo dục Việt Nam đang cần gì?

06/08/2018 - 14:45

PNO - Ở nước ta, lâu nay vẫn xem điểm thi “đầu vào” như chiếc gậy thần làm nên chất lượng, nên quan tâm siết chặt 'đầu vào'. 12 năm học sẽ chẳng còn ý nghĩa gì nếu thí sinh thi hỏng kỳ thi tuyển sinh đại học.

Những vụ bê bối điểm thi ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Nghệ An... đang gây chấn động niềm tin vào giáo dục của cả nước.

Kết quả thi của gần một triệu thí sinh trong kỳ thi 2018 và cả những năm trước đang “vàng thau lẫn lộn” khiến những em học thật, thi thật đang bị mang tiếng lây. Cả nước phải rà soát lại công tác thi và kết quả.

Giao duc Viet Nam dang can gi?
Thi cử ở nước ta luôn căng thẳng

Không tin tưởng vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia, một số trường đại học cũng đã chuẩn bị phương án tổ chức thêm một kỳ thi khác làm cho thí sinh hoang mang ít nhiều. Điều gì cần thiết nhất đối với ngành giáo dục lúc này?

Ai cũng biết, quy trình đào tạo luôn trải qua ba khâu: tuyển đầu vào - quá trình đào tạo - đầu ra. Với nhiều nước, người ta không quan tâm nhiều đến “đầu vào”, nhưng lại hết sức chú trọng đến “quá trình đào tạo” đến - “đầu ra”. Tuy nhiên, ở nước ta, lâu nay vẫn xem “thi đầu vào” như chiếc gậy thần làm nên chất lượng, nên quan tâm siết chặt “đầu vào”. 12 năm học sẽ chẳng còn ý nghĩa gì nếu thí sinh thi hỏng kỳ thi tuyển sinh đại học.

Thực tế này cùng với hiệu quả của công tác hướng nghiệp - phân luồng học sinh còn quá lơ mơ, đã gây áp lực quá lớn cho các kỳ thi, làm gia tăng việc ùn ứ “cung - cầu”. Tiêu cực điểm thi từ đó phát sinh và ngày càng tràn lan.

Giao duc Viet Nam dang can gi?
Tiêu cực thi cử ở nước ta đang diễn ra tràn lan

Trên bình diện chung, giáo dục hiện chưa đáp ứng đòi hỏi của xã hội. Rất nhiều sinh viên có trong tay hai tấm bằng đại học vẫn bị thất nghiệp. Nguồn nhân lực công nghệ cao chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng.

Cụ thể, học sinh lớp 12 đã hoàn thành chương trình tiếng Anh hệ 3 năm, 7 năm hay 10 năm, nhưng gặp nhiều hạn chế trong giao tiếp bằng ngoại ngữ thông dụng này. Trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 có đến 78,22% thí sinh có điểm thi môn tiếng Anh dưới 5 điểm.

Chương trình nghề phổ thông đang thực hiện ở cấp THCS và THPT với hy vọng sẽ giúp định hướng nghề nghiệp, đồng thời có được những kỹ năng căn bản về nghề đã học để bước vào tương lai, nhưng cũng không đạt kết quả mong đợi. Cho nên, từ năm 2018 Bộ GD-ĐT đã bãi bỏ quy định cộng điểm cho học sinh trong kỳ thi vào lớp 10 và thi tốt nghiệp.

Đề cập đến việc học tiếng Anh và học nghề trong trường phổ thông nói trên để thấy rằng chúng ta dạy cho học sinh rất nhiều thứ, nhưng không thứ gì thực sự có chất lượng, nếu không muốn nói là vô ích.

Giao duc Viet Nam dang can gi?

Chương trình phổ thông dạy cho học sinh rất nhiều nội dung nhưng kém hiệu quả

Thiển nghĩ, việc giáo dục nhất thiết phải hướng đến sản phẩm có chất lượng, có uy tín. Ví dụ như dạy và học môn công nghệ thông tin thì nên hướng cho học sinh đạt được những chứng chỉ mang tính quốc tế kiểu như chứng chỉ MOS (do Tổ chức Microsoft cấp chứng nhận, đã được Bộ Thông tin và Truyền thông công nhận tương đương chuẩn kỹ năng CNTT nâng cao quy định trong thông tư 03/BTTTT-CNTT); dạy tiếng Anh thì nên hướng đến việc dạy tích hợp để học sinh thi IELTS, TOEFL, nhằm hướng đến đầu ra chất lượng cao.

Giáo dục nói chung phải hướng đến giáo dục nhân văn, giáo dục kỹ năng, gắn với cộng đồng, kết nối gia đình - nhà trường - xã hội; giảm lý thuyết, tăng thực hành… Theo quan sát của chúng tôi, một số trường phổ thông tại TPHCM đã bắt đầu nhận thức được điều này và chuyển dần từng bước. Ví dụ, tại trường THPT Nguyễn Du, từ hai năm gần đây đã tăng cường cho học sinh tham gia các chương trình tham vấn, các diễn đàn được thực hiện bởi các chuyên gia. Nhà trường cũng tổ chức rất nhiều sân chơi thú vị và bổ ích để tăng kỹ năng giao tiếp như: chạy việt dã, ngày hội đọc sách, lễ hội Halloween, thi nhảy Flashmob, tham dự phiên tòa lưu động, xem kịch…

Giao duc Viet Nam dang can gi?
Giáo dục cần phải tổ chức nhiều hoạt động để học sinh được vừa chơi vừa học.

Thật ra những nỗ lực để cải thiện môi trường giáo dục, lấy lại niềm tin đối với xã hội cũng đã từng được thực hiện mà cuộc vận động “3 không” (không tiêu cực, không chạy theo thành tích và không đào tạo kém chất lượng) là một ví dụ. Theo đó, nhiều địa phương đã và đang làm rất tốt công tác coi thi, chấm thi. Điển hình là thành phố Hồ Chí Minh, một trong những nơi coi thi nghiêm túc, chưa từng có điều tiếng, nhưng tỉ lệ tốt nghiệp lâu nay đều trên 95%. Nhưng đây đó vẫn còn không ít địa phương “đam mê” thành tích, làm “xấu xí” bộ mặt giáo dục.

Cần phải thấy rằng, chất lượng dạy và học được xã hội ghi nhận không phải qua những con số báo cáo mà nó phải đến từ sự thay đổi theo chiều tiến bộ của từng em học sinh về tri thức lẫn đạo đức, nhân cách. Điều đó chỉ có được khi cả thầy và trò cùng có niềm tin. Và niềm tin chỉ thực sự đến khi học trò tuyệt đối tin tưởng thầy cô, thầy cô tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo - quản lý minh bạch, trung thực và trách nhiệm của người đứng đầu.

Giao duc Viet Nam dang can gi?
Giáo dục Việt Nam cần phải đổi mới một cách mạnh mẽ hơn.

Để thực hiệm được điều này, cán bộ giáo viên cần được tạo điều kiện để việc giám sát được thực chất và hiệu quả chứ không hình thức như hiện nay. Bởi một quy trình dù có chặt chẽ đến đâu, nhưng nếu không có sự giám sát thực chất thì sẽ có rất nhiều kẽ hở để tiêu cực phát sinh như những vụ gian lận ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Nghệ An… vừa qua.

TPHCM là một thành phố năng động. Theo Bí thư Thành Ủy Nguyễn Thiện Nhân, từ năm 2018 thành phố sẽ tập trung triển khai nhiều dự án theo cơ chế chính sách, hứa hẹn tạo nhiều đột phá. Ngành GD-ĐT cả nước nói chung và TPHCM nói riêng cũng đang cần lắm những thay đổi thực chất để lấy lại niềm tin. 

Lâm Chính - Minh Nhật

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI