Giáo dục Úc soán ngôi Anh vì Brexit

25/02/2017 - 20:23

PNO - Theo Văn phòng thống kê quốc gia Anh, số sinh viên nước ngoài đến du học trong năm 2016-2017 giảm mạnh. Ngược lại, ngành giáo dục Úc hân hoan chào đón thêm hơn 50.000 quốc tế.

Báo cáo cho thấy số sinh viên đến Anh tham gia nghiên cứu dài hạn giảm đến 41.000 trường hợp, phần lớn trong đó (75%) là nhóm sinh viên ngoài EU.

Đảng Dân chủ Tự do cho biết sự gia tăng chủ nghĩa bài ngoại, và làn sóng bạo lực sau cuộc trưng cầu dân ý đưa Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, là nguyên nhân đứng sau sự sụt giảm trên.  

Phát ngôn viên Brian Paddick cho biết: “Sinh viên quốc tế thúc đẩy nền kinh tế và làm giàu cho hệ thống trường học tại Anh. Nhưng tỷ lệ tăng vọt về tội ác phân biệt chủng tộc kể từ cuộc trưng cầu dân ý tác động không nhỏ đến nhóm sinh viên này”.

Giao duc Uc soan ngoi Anh vi Brexit
Lượng du học sinh đến Anh giảm mạnh do lo ngại về chính sách cấp thị thực và tình hình bất ổn chính trị.

Hiệu trưởng trường Đại học Glasgow, ông Anton Muscatelli, nói rằng những lo ngại về vị thế của Anh trong cộng đồng nghiên cứu quốc tế sau Brexit còn ảnh hưởng đến việc tuyển dụng.

 “Có ít nhất ba trường hợp trong sáu tháng qua từ chối chức danh giáo sư cao cấp tại trường. Họ muốn tham gia vào khu vực nghiên cứu châu Âu, nhưng vấn đề đó hiện vẫn còn là ẩn số hậu Brexit,” hiệu trưởng Anton Muscatelli cho biết.

Một mối quan tâm cấp bách khác là vấn đề thị thực du học cho sinh viên mới, và triển vọng ở lại làm việc sau khi ra trường.

Chính phủ Anh tuyên bố hạn chế thị thực làm việc sau nghiên cứu, và chặn quyền giới thiệu từ một vài trường đại học giảng dạy bằng tiếng Anh. Hơn nữa, Amber Rudd, thư ký Bộ Nội vụ, nói rằng Bộ sẽ hạn chế cấp thị thực du học cho toàn bộ hệ thống giáo dục, chỉ trừ các tổ chức ưu tú.

Giao duc Uc soan ngoi Anh vi Brexit
Hiệu trưởng Anton Muscatelli, thành viên Hội đồng tư vấn châu Âu Nicola Sturgeon, cho biết các trường Đại học không chỉ thiếu sinh viên mà còn khan hiếm giảng viên.

Trong tháng 12/2016, tờ Guardian đưa tin rằng chính phủ đang xem xét cắt giảm số thị thực sinh viên hàng năm từ 300.000, xuống còn 170.000 như một phần của kế hoạch hậu Brexit nhằm giảm thiểu số dân nhập cư.

Thiếu nguồn sinh viên, các trường Đại học đang chật vật tìm cách xoay sở. Chẳng hạn như Đại học Oxford phải thúc đẩy đàm phán mở cơ sở đầu tiên ở nước ngoài, nhằm giữ một chân trong cộng đồng giáo dục của Liên minh châu Âu.

Trường đại học 700 tuổi dự tính cơ sở mới ở Paris sẽ giúp duy trì nguồn tài trợ của EU một khi Anh rời khỏi khối thị trường chung.

Phát ngôn viên của Đại học Oxford nói với tờ Telegraph: “Oxford luôn là trường đại học quốc tế trong suốt lịch sử hình thành và phát triển. Trường vẫn mở rộng cửa cho sinh viên toàn thế giới mặc cho bối cảnh chính trị tương lai như thế nào”.

Giao duc Uc soan ngoi Anh vi Brexit
Những "ông lớn" như Đại học Oxford dự tính mở thêm cơ sở ở châu Âu để tiếp tục nhận tài trợ.

Ngược lại với số phận hẩm hiu của nền giáo dục Anh. Nước Úc xa xôi cách đó nửa vòng trái đất lại đang “ăn nên làm ra”. Số lượng sinh viên quốc tế đến Úc đạt mức kỷ lục trong năm 2016 do lo ngại về bất ổn chính trị gây ra bởi Tổng thống Donald Trump và Brexit.

Theo báo cáo mới nhất từ Bộ Giáo dục Úc đưa ra hôm thứ Tư 22/2, có 554.179 lượt sinh viên quốc tế trả phí toàn bộ tại Úc vào năm 2016, trên tổng số 712.884 hồ sơ tuyển sinh.

Lượng sinh viên quốc tế tăng 11% so với năm trước, trong đó, số sinh viên năm nhất tăng 10%. Bang Victoria có lượng tuyển sinh quốc tế tăng trung bình đến 12%.

Giao duc Uc soan ngoi Anh vi Brexit
Sinh viên quốc tế dần trở thành nguồn thu chính cho hệ thống giáo dục Úc.

Giáo dục quốc tế là ngành xuất khẩu lớn thứ ba của Úc sau quặng sắt và than; đồng thời đem đến thị trường cho các ngành kinh tế khác như bán lẻ, khách sạn và du lịch.

Hệ thống trường đại học Úc ngày càng phụ thuộc vào nguồn doanh thu từ sinh viên quốc tế để bơm thêm tiền vào giảng dạy và nghiên cứu. Điển hình như Đại học Melbourne thu về 526 triệu USD học phí quốc tế trong năm 2015, tăng 21% so với 2014.

Giám đốc điều hành của Hiệp hội Giáo dục Quốc tế Australia, Phil Honeywood, nói rằng nước Úc đang hưởng lợi từ bất ổn chính trị ở các nước đối thủ cạnh tranh. Điều này thể hiện qua tỷ lệ doanh thu toàn ngành giáo dục từ sinh viên quốc tế, tăng từ 41% trong năm 2011 lên 48% trong năm 2015.

Giao duc Uc soan ngoi Anh vi Brexit
Hai sinh viên quốc tế Fatim Amran (trái) và Naomi Zhao (phải) nói rằng họ quyết định theo học tại Úc vì tình hình chính trị nơi đây tương đối ổn định.

Tuy nhiên, ông cho biết xứ sở chuột túi nên tập trung vào việc cung cấp chỗ ở cho sinh viên với giá cả phải chăng, gắn kết người dân tại địa phương với sinh viên nước ngoài và cung cấp thêm nhiều cơ hội làm việc trong thời gian học.

Gần một phần ba số sinh viên quốc tế tại Úc năm 2016 đến từ Trung Quốc, tăng 16% so với năm 2015. Số hồ sơ nhập học từ Brazil và Columbia cũng tăng lần lượt là 20% và 22% .

Ngoài ra, số lượng tuyển sinh hệ giáo dục sau đại học tăng 13% và tuyển sinh học nghề tăng 12%.

Bảo Tùng (Theo Independent, The Guardian, Business Insider, SMH)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI