Giáo dục trẻ qua các bữa ăn ở trường

06/11/2022 - 16:03

PNO - Với nhiều trường học Việt Nam, bữa ăn đơn giản là một dịch vụ được cung cấp để đáp ứng nhu cầu ăn uống của học sinh. Tuy nhiên, bữa ăn trưa hay xế ở nhiều trường học trên thế giới lại được xem là một phần của chương trình giáo dục trong nhà trường.

 

bữa ăn trưa hay xế ở nhiều trường học trên thế giới lại được xem là một phần của chương trình giáo dục trong nhà trường
 Nhiều trường học trên thế giới xem bữa ăn là một phần của chương trình giáo dục trong nhà trường

Các thực hành từ việc tổ chức ăn uống, lên thực đơn, hướng dẫn học sinh lựa chọn thức ăn, khảo sát món ăn yêu thích, khảo sát lượng thức ăn thừa… đều có mục tiêu giáo dục rõ ràng. Các giáo viên và học sinh cùng tham gia các bữa ăn như một hoạt động giáo dục nghiêm túc. 

Về cách tổ chức ăn uống, các trường thực hiện dưới hình thức buffet với một số món mỗi ngày để học sinh chủ động lựa chọn món và lượng thức ăn theo nhu cầu. Học sinh tự xếp hàng, lấy muỗng, kẹp gắp để tự gắp thức ăn vào dĩa, chén, chọn chỗ ngồi, hoàn tất bữa ăn; phân loại các loại rác thừa vào đúng thùng, đưa chén dĩa, muỗng vào các ô đúng loại để tiện cho nhân viên rửa. 

Nhiều trường kỹ lưỡng sẽ ghi chú khẩu phần tối đa mỗi lần lấy để giáo dục học sinh cân nhắc kỹ lượng thức ăn, cần để phần lại cho người khác. Đồng thời, phải kiểm soát lượng dinh dưỡng cần thiết bởi bất cứ món ăn nào dù bổ dưỡng mà ăn quá nhiều cũng không có lợi. Giáo viên đã dạy các bài lý thuyết trên lớp về phần ăn đủ chất, khuyến khích ăn đa dạng món ăn… nên giờ ăn sẽ là lúc học sinh thực hành tất cả lý thuyết đó và biến thành thói quen hành vi ăn uống lành mạnh. 

Việc xếp hàng kiên nhẫn chờ đến lượt hình thành thái độ lịch sự khi ăn uống nơi công cộng. Việc tự dọn cũng hình thành các thói quen tự lập. Việc phân loại rác như rác không tái chế, rác tái chế, rác thực phẩm cũng là giáo dục khoa học và bảo vệ môi trường. 

Nhiều trường còn có bảng thống kê lượng thức ăn thừa mỗi ngày, mỗi tuần và quy đổi lượng thức ăn này có thể giúp bao nhiêu người no bụng. Việc thống kê và dán kết quả trên bảng mỗi ngày cũng giúp học sinh và toàn thể nhân viên quan tâm hơn đến những hoàn cảnh khó khăn, giảm bớt sự lãng phí và tăng trách nhiệm trong việc bảo vệ nguồn thực phẩm chung. 

Thực đơn ở trường học cũng là một phần của giáo dục khoa học dinh dưỡng. Thực đơn thay đổi theo tuần, cân đối các chất đạm, tinh bột, béo, đường, muối, vitamin… với khẩu phần phù hợp. Nhiều trường ghi rõ lượng calo trên mỗi 100g thực phẩm và ghi rõ khẩu phần mỗi người nên dùng mỗi bữa. Học sinh và nhân viên nhìn vào thực đơn có thể xác định khẩu phần cần cho mình một cách khoa học. 

Việc đổi món cũng là để học sinh được trải nghiệm các món ăn ở các vùng miền, các quốc gia khác nhau, vừa rèn luyện được sự thích nghi vừa gia tăng hiểu biết về văn hóa. 

 Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền 
Hiệu trưởng Trường Song ngữ Quốc tế Canada

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI