Giáo dục trẻ có nhu cầu đặc biệt: Còn nhiều khoảng trống

19/01/2021 - 15:05

PNO - Trung bình 6 trẻ thì có 1 trẻ (tỷ lệ 17%) từ 3-17 tuổi được chẩn đoán có những khuyết tật phát triển, bao gồm tự kỷ, rối loạn tăng động...

Đó là kết quả một nghiên cứu từ năm 2009-2017 được TS. Simona - Giám đốc Chương trình Giáo dục đặc biệt tại Trường mầm non Thế giới Mặt trời  đưa ra tại hội thảo “Chăm sóc và giáo dục trẻ có quyền đặc biệt - Cách phối hợp chương trình can thiệp sớm với phụ huynh cho trẻ có nhu cầu đặc biệt tại nhà”.

  TS. Simona - Giám đốc Chương trình Giáo dục Đặc biệt tại Trường Mầm non Thế giới Mặt trời và Giám đốc Trung tâm Phát triển Trẻ em tại bệnh viện Gia Khang chia sẻ tại hội thảo
TS. Simona - Giám đốc Chương trình Giáo dục đặc biệt tại Trường mầm non Thế giới Mặt trời chia sẻ tại hội thảo

Nhận định rằng có một số lượng lớn trẻ em đang gặp khó khăn về phát triển trong những năm đầu đời, bà Simona cho biết thêm, khoảng 1 trong số 54 trẻ đã được xác định mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ - chứng bệnh được ghi nhận ở tất cả các nhóm chủng tộc, dân tộc, và phổ biến ở bé trai hơn 4 lần so với bé gái.

Do đó, bà khẳng định, việc chẩn đoán và can thiệp sớm cho các trường hợp chậm phát triển được khuyến khích để tăng khả năng cải thiện, hơn là chỉ đơn giản “chờ đợi” và can thiệp các vấn đề sau đó.

"Để đạt được những mục tiêu này, những việc chúng ta làm cho trẻ nên được cá nhân hóa và thực hiện cùng với sự hỗ trợ  nằm trong kế hoạch dành cho gia đình. Can thiệp sớm giúp gia đình hiểu sâu hơn về nhu cầu của trẻ và làm sao chia nhỏ việc học thành những bước nhỏ", bà Simona nói.

Thế nhưng, theo ThS. Trịnh Thị Kim Ngọc - Trưởng khoa Giáo dục đặc biệt Trường cao đẳng Sư phạm Trung ương TPHCM, việc thực hiện chương trình can thiệp sớm tại Việt Nam hiện nay lại vô cùng khó khăn với rất nhiều nguyên nhân: đội ngũ chuyên gia chẩn đoán thiếu về số lượng lẫn chất lượng; phụ huynh không thể tham gia chương trình can thiệp sớm vì quá bận với công việc; chưa có giáo viên chuyên ngành can thiệp sớm; các cơ sở giáo dục chưa thật sự đón nhận trẻ vào học hòa nhập...

Một phụ huynh chia sẻ băn khoăn trong hành trình tìm giải pháp giáo dục để giúp con phát triển bình thường: "Tôi dắt con đi từ Nam ra Bắc, nhận được những kết quả chẩn đoán khác nhau. Can thiệp tại nhiều nơi nhưng tôi không biết con học gì, đầu ra như thế nào. 6 năm đầu đời của con trôi qua rất nhanh, tôi không thể để con thử nghiệm các chương trình khác nhau mà không có giải pháp". 

Nhiều phụ huynh cho rằng, do không có một chương trình quốc gia, nên hiện nay, mỗi trung tâm giáo dục đặc biệt triển khai một chương trình riêng, thiếu hụt chuyên gia giáo dục. Do đó, môi trường học tập, cũng như hướng nghiệp đầu ra với đối tượng trẻ có nhu cầu đặc biệt để lại cho phụ huynh rất nhiều khoảng trống.

Phụ huynh tham gia trò chơi như một cách thử bước vào thế giới của những đứa trẻ có nhu cầu đặc biệt
Phụ huynh tham gia trò chơi như một cách thử bước vào thế giới của những đứa trẻ có nhu cầu đặc biệt

Th.S Lê Thị Xuân Diệu - chuyên viên tâm lý tại Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục trẻ có nhu cầu đặc biệt - cho biết, những chương trình can thiệp sớm có sự đồng hành của phụ huynh mang lại hiệu quả cao hơn so với kết quả của những chương trình can thiệp hoàn toàn từ phía nhà trường.

“Không ai khác, phụ huynh là người hiểu con nhất và là người đồng hành lâu dài, duy trì kết quả can thiệp sớm cùng con trong suốt thời gian còn lại”, bà Diệu khẳng định.

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI