Mọi trẻ em phải được đến trường
“Hổng dám đâu! Em còn phải học bài”. Đây là lời trong bài hát thiếu nhi Hổng dám đâu của nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên, được dùng làm nhạc hiệu cho chương trình Những bông hoa nhỏ, phát vào lúc 19g trên Đài Truyền hình TPHCM (HTV9) những năm 1990.
“Em còn phải học bài” là lời nhắc nhở các em nhớ siêng năng học tập. Vào năm 1995, ngành giáo dục TPHCM đăng ký với Bộ GD-ĐT hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học. UBND thành phố kêu gọi toàn dân và yêu cầu mọi ban ngành quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho giáo dục. Lãnh đạo thành phố ngày ấy ngùn ngụt quyết tâm khai dân trí từ giáo dục cơ sở.
|
Hiện nay, học sinh TPHCM đã được học tập trong những ngôi trường khang trang hơn - Ảnh: Minh Linh |
Tôi còn nhớ lúc đó, mỗi khi làm việc với các phòng giáo dục quận, huyện, anh Hồ Thiệu Hùng - Phó giám đốc Sở GD-ĐT - thường nói: “Ngành giáo dục cố gắng để tất cả trẻ em được đến trường, được học tập và ít nhất là tốt nghiệp tiểu học. Xã hội mong các em sẽ là những công dân tốt, biết sắp xếp công việc, biết chi tiêu và biết giữ gìn sức khỏe, đặc biệt là làm người có học, có văn hóa để sống trong xã hội văn minh, có cuộc sống gia đình hạnh phúc”. Anh luôn sôi nổi, hào hứng với mùa tựu trường mà khẩu hiệu là “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường”. Lúc ấy, khẩu hiệu này được dán khắp nơi trong từng khu phố, ấp.
Những năm 1990, ngành giáo dục của TPHCM còn vô vàn khó khăn. Trước hết là tách trường phổ thông cơ sở từ lớp Một đến lớp Chín ra thành trường tiểu học, THCS. Việc này đòi hỏi nhiều thời gian, kinh phí cũng như hệ thống tổ chức. Lãnh đạo UBND thành phố yêu cầu mỗi phường, xã phải có ít nhất 1 trường tiểu học để thuận lợi cho học sinh đến trường, nhưng có nơi 2-3 phường chỉ được duy nhất 1 trường. Cha mẹ thì lo làm ăn, buôn bán, lo mưu sinh, đôi khi con cái tới tuổi đi học mà chẳng để ý. Mỗi khi năm học mới sắp bắt đầu, các bác ở khu phố lại đến từng nhà, gõ từng cửa kêu gọi và đưa phiếu mời trẻ đến trường.
Ngày ấy, chuyên viên chuyên trách phổ cập giáo dục ở các UBND phường, xã rất vất vả, phải đến mọi ngõ hẻm để điều tra, cập nhật số liệu, khi tìm ra số trẻ chưa có điều kiện đi học thì tổ chức lớp phổ cập vào ban đêm. Lớp phổ cập thường là mượn của trường tiểu học hoặc nhà làm việc của khu phố. Địa phương tìm mọi nơi, mọi chỗ để kê được cái bàn, cái ghế, treo lên tấm bảng là thành lớp học.
Thầy tận tuỵ, trò vượt khó
TPHCM còn có lớp học tình thương dành cho trẻ em theo cha mẹ từ miền quê lên làm ăn mà không có hộ khẩu. Lớp do các nhà hảo tâm, nhà giáo nghỉ hưu cùng nhau tìm nơi để dạy, các em đi học không tốn tiền mà còn được các nhà từ thiện, các hội đoàn, nhà chùa, nhà thờ cho tập, sách, quần áo, thực phẩm. Người thầy dạy tiểu học khi ấy thật tận tụy, ngày dạy ở trường, tối đến với lớp phổ cập, lớp tình thương. Đêm đêm, thầy trò chăm chỉ dạy và học.
|
|
Học sinh đến với các lớp ban đêm phần đông có gia cảnh khó khăn; ban ngày, các em cũng phải vất vả làm việc, phụ giúp gia đình, như bưng bê, rửa tô chén cho các tiệm ăn, lượm ve chai, dọn rác với người thân là công nhân vệ sinh. Nhiều em không có mái nhà lành lặn, sống tạm bợ trong căn nhà mà 4 bức vách là bìa các tông, dán trang trí bằng giấy báo. Nhưng các em vẫn đi học vì nghe các thầy các cô nói nếu có chữ nghĩa sẽ có hiểu biết, cuộc sống sẽ dần dần tốt hơn, tương lai sẽ đẹp hơn. Nhiều em vào lớp với bộ mặt còn lem luốc, áo quần còn luộm thuộm, nhưng gương mặt vẫn sáng ngời, tay viết những nét chữ mềm mại, miệng đọc to rõ, tràn ngập niềm vui được đi học, có thầy cô và bạn bè. Các em cũng mong mỏi việc học tập có thể giúp xóa đi những thiếu thốn, khó khăn hiện tại.
Thầy cô dạy các em cũng đem hết tấm lòng ra dạy dỗ. Chẳng giáo viên nào nghĩ đến đồng tiền trợ cấp ít ỏi của lớp phổ cập. Còn các thầy cô đứng lớp học tình thương chỉ mong nhận được sự tiến bộ của học sinh. Có những thầy cô trên 60 tuổi, chân yếu, mắt không còn tỏ tường, bước đi chậm chạp nhưng khi đến lớp thì luôn nghiêm trang đúng dáng dấp người thầy.
Sở GD-ĐT, Phòng Giáo dục tiểu học là ủy viên thường trực ban chỉ đạo phổ cập tiểu học của TPHCM. Mọi người chia nhau đến thăm, tìm hiểu, động viên, chia sẻ và hỗ trợ các lớp học ban đêm. Nhiều lớp nằm trong con hẻm sâu, thiếu đèn, ánh sáng không đủ nhìn mặt chữ. Có những nơi vùng ven và ngoại thành còn khổ hơn: đường trơn trượt khi mưa, thiếu thốn đến từng viên phấn trắng, bảng xanh, nhiều lớp phải dùng sơn màu đen tô lên bức tường cũ kỹ.
Tất cả cặm cụi, đổ mồ hôi để học tập. Các nhà hảo tâm luôn hỗ trợ các em nhưng cũng chỉ đủ vơi đi phần nào khó khăn, thiếu thốn của những lớp học tình thương ở vùng sâu, hẻm nhỏ. Dẫu vậy, tấm lòng yêu thương thì mỗi ngày mỗi lớn dần lên, đẹp hơn trong ánh mắt trong veo của học trò và trong trái tim nhân hậu của thầy cô.
Vỡ oà niềm vui ngày "hái trái ngọt"
Năm 1995, đoàn của Bộ GD-ĐT đã đến TPHCM kiểm tra trong 1 tuần lễ. Đoàn đi khắp thành phố, từ nội thành, vùng ven đến ngoại thành, từ các con hẻm sâu ở các quận 6, 4, 11, Bình Thạnh đến tận những khu nông nghiệp ở huyện Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ. Đoàn lật hồ sơ, xem sổ điểm, bằng tốt nghiệp tiểu học và đến từng hộ gia đình xem tập vở, nhìn tận mặt học sinh.
Sau đó, khi dự buổi công bố kết quả kiểm tra, các lãnh đạo, thầy cô, học sinh như vỡ òa cảm xúc, nghẹn ngào rơi nước mắt: TPHCM chính thức được công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học. TPHCM là đơn vị đầu tiên của các tỉnh phía Nam hoàn thành mục tiêu này.
Gần 30 năm đã trôi qua, những em học sinh tiểu học năm ấy cũng đã trên dưới 40 tuổi rồi. Bây giờ, họ đã là cha, là ông, là bà, là mẹ, buổi tối nhìn con cháu trong nhà ngồi học bài, chắc sẽ nhớ lại thời kỳ gian khổ mà cao đẹp của thầy trò ở TPHCM, để mỉm cười, tự hào với niềm vui phổ cập giáo dục tiểu học. Ngành giáo dục TPHCM đã đi qua những ngày khốn khó mà tràn ngập yêu thương và tâm huyết như thế, để được như ngày hôm nay.
Lê Ngọc Điệp (nguyên Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TPHCM)
Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - TPHCM, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM; ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn; tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”. | |
Cơ cấu giải thưởng: - 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng. - 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng. - 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải. - 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải. - 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải. - 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng. - 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng. - Giải tháng: 10 triệu đồng/giải. Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý. Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây: https://www.phunuonline.com.vn/cong-bo-cuoc-thi-viet-thanh-pho-cua-toi-a1503685.html.
|