Giáo dục thông minh không nên để công nghệ dẫn dắt

20/12/2019 - 19:30

PNO - Khi thực hiện giáo dục thông minh cần có sự đồng bộ. Nhưng quan trọng hơn hết cần tránh trường hợp công nghệ dẫn dắt giáo dục. Công nghệ chỉ đóng vai trò hỗ trợ giáo dục khai thác tốt nhất cơ sở hạ tầng, con người...

Tại hội thảo Giáo dục thông minh tại TP.HCM do UBND TP.HCM tổ chức ngày 20/12, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm cho biết, lãnh đạo thành phố sớm nhận thức và quyết tâm xây dựng đô thị thông minh, trong đó giáo dục được xác định phải đi trước, là nền tảng, động lực của quá trình xây dựng TP trở thành đô thị thông minh.

Một trong những yêu cầu để chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cải thiện nguồn vốn con người để có thể đáp ứng được các yêu cầu về kiến thức và kỹ năng, liên tục thay đổi trong môi trường lao động mới.

Giao duc thong minh khong nen de cong nghe dan dat
Hội thảo thu hút hàng trăm chuyên gia giáo dục, nhà khoa học, tổ chức giáo dục trong nước và quốc tế

Điều này đặt ra cho giáo dục và đào tạo nhiệm vụ quan trọng là xây dựng hạ tầng, chuẩn bị đội ngũ nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi từ mô hình dạy học truyền thống chuyển sang thực hiện mô hình giáo dục thông minh, kế thừa các ưu điểm của các phương pháp giáo dục truyền thống với việc tận dụng khoa học, công nghệ cho giáo dục thông minh theo xu thế thế giới.

Trên địa bàn TP.HCM hiện có 54 trường đại học, 52 trường cao đẳng, 64 trường trung cấp, 82 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 346 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp; 2.283 trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên với hơn 2 triệu học sinh, sinh viên, trên 100.000 giáo viên, giảng viên, chuyên gia, nhà khoa học. Đây là nguồn lực rất lớn mà lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm.

Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, TP. đang tập trung đầu tư toàn diện các giải pháp xây dựng hạ tầng cơ sở hiện đại, đáp ứng hiệu quả các hoạt động dạy và học; xây dựng nguồn nhân lực cho giáo dục thông minh với khả năng thích ứng, biến đổi cho phù hợp với cái mới, phát triển toàn diện các kỹ năng; ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý, điều hành nhà trường, trong dạy và học...

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện đang gặp một số khó khăn, như tốc độ tăng dân số cơ học quá cao, số lượng học sinh tăng lên rất nhanh tạo ra áp lực đầu tư xây dựng trường lớp, đáp ứng yêu cầu chỗ học cho học sinh. Đây cũng là rào cản cho mục tiêu xây dựng mô hình dạy học tiên tiến. 

Bên cạnh đó, hình thức tổ chức dạy học truyền thống gắn với việc truyền thụ kiến thức, tài liệu in, thời gian biểu cố định... đã khiến giáo dục thiếu tính linh hoạt, sáng tạo; kinh phí đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở giáo dục chưa đáp ứng tốt cho giáo dục thông minh…

Giao duc thong minh khong nen de cong nghe dan dat
Phó chủ tịch UBND TP tham quan mô hình STEM

Đóng góp cho hội thảo, bà Nguyễn Phương Lan, Tổng giám đốc tập đoàn giáo dục EMG, cho rằng: "Công nghệ không thay thế con người. Chúng ta không thể phủ nhận việc ứng dụng từ trí tuệ nhân tạo là xu hướng phát triển không thể thiếu, do con người tạo ra và phục vụ cho con người, tiếp tục ảnh hưởng đến đời sống con người, trong đó có bình diện về giáo dục.

Chúng ta bàn thảo để tạo ra hệ sinh thái mà tất cả các thành tố trong đó phục vụ cho học sinh. Nhà trường thông minh và giáo dục thông minh theo khía cạnh vì con người nhất, không đi quá xa so với những giá trị giáo dục cốt lõi, truyền thống…".

Đồng quan điểm trên, tiến sĩ Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc Trung tâm Cải tiến phương pháp dạy và học đại học, cũng cho rằng: Khi thực hiện giáo dục thông minh cần có sự đồng bộ, TP đã có chính sách và chương trình hỗ trợ khá tốt nhưng yếu tố con người phải là yếu tố hàng đầu.

Khi ta xây dựng bất kỳ nền tảng thông minh nào đi nữa, với cơ sở hạ tầng thật tốt nhưng con người triển khai thực hiện không đúng thì nền tảng cũng không phát huy hiệu quả. Vì vậy, làm sao để có sự sẵn sàng của các bên liên quan khi chuyển sang giáo dục thông minh, cả đối tượng quản lý, lực lượng trực tiếp, giáo viên và người học.

“Nhưng quan trọng hơn hết cần tránh trường hợp công nghệ dẫn dắt giáo dục. Công nghệ chỉ đóng vai trò hỗ trợ giáo dục khai thác tốt nhất cơ sở hạ tầng, con người. Cần ứng phó rủi ro. Công nghệ thông minh sẽ tiếp cận với nhiều nguồn thông tin khác nhau, vậy thì làm thế nào để phát triển theo hướng bền vững nhất”, tiến sĩ Huyền đề xuất.

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI