Giáo dục STEM phải hướng đến tính công bằng trong giáo dục

07/07/2023 - 17:32

PNO - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học cho rằng, giáo dục STEM phải hướng đến tính công bằng trong giáo dục. Từ năm học 2023-2024 đây là nhiệm vụ bắt buộc của mỗi trường tiểu học tại TPHCM.

Bộ GD-ĐT vừa tổ chức tập huấn triển khai giáo dục STEM tiểu học cho TPHCM. Khóa tập huấn sẽ kéo dài trong 3 ngày, nhằm hướng dẫn, giải đáp những thắc mắc của giáo viên tiểu học TPHCM về giáo dục STEM trong bối cảnh từ năm học 2023-2024, TPHCM sẽ nhân rộng giáo dục STEM đại trà ở cấp tiểu học, trở thành hoạt động giáo dục bắt buộc, có kiểm tra đánh giá trong các nhà trường.

Tại buổi tập huấn, tiến sĩ Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) nhìn nhận, TPHCM là địa phương sớm triển khai giáo dục STEM ở cấp tiểu học. Tuy nhiên, STEM mới chỉ được tiếp cận theo thành tố rất nhỏ như robot, robotics…, và gần như mới chỉ theo nhu cầu học sinh. 

Vụ trưởng Vụ giáo dục Tiểu học nhấn mạnh, giáo dục STEM bậc tiểu học phải hướng tới tính công bằng trong giáo dục
Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học cho rằng, giáo dục STEM bậc tiểu học phải hướng tới tính công bằng trong giáo dục

Ông nhấn mạnh, hiện nay khi Bộ GD-ĐT đã có các hành lang, pháp lý rõ ràng thì giáo dục STEM phải trở thành nhiệm vụ bắt buộc trong năm học, của mỗi nhà trường, mỗi giáo viên tại các trường tiểu học TPHCM, chứ không phải là nhu cầu của phụ huynh, học sinh. Đặc biệt, giáo dục STEM phải hướng đến tính công bằng trong giáo dục, đảm bảo mọi học sinh đều được tiếp cận. Đồng thời ông nêu rõ, có 3 hình thức triển khai giáo dục STEM ở cấp tiểu học, bao gồm: Bài học STEM, Hoạt động trải nghiệm STEM dưới hình thức câu lạc bộ, Nghiên cứu khoa học.

Trong đó, bài học STEM là hình thức bắt buộc 100% trường tiểu học phải thực hiện, giáo viên của trường thiết kế các chủ đề tích hợp liên môn để dạy các môn học theo chủ đề. Giáo viên cần chú ý thay đổi từ không gian nhỏ nhất trong lớp học, trường học chứ không nhất thiết phải có phòng STEM…

Từ năm học 2023-2024, TPHCM sẽ triển khai giáo dục STEM đại trà ở cấp tiểu học
Từ năm học 2023-2024, TPHCM sẽ triển khai giáo dục STEM đại trà ở cấp tiểu học

“Trước đây, đa số các nhà trường, các tổ chức mới tiếp cận STEM qua hình thức trải nghiệm CLB và nghiên cứu khoa học. Bây giờ, nhà trường hãy làm ngay từ câu chuyện bài học STEM, từ đó mới xây dựng nền tảng để nghiên cứu khoa học và hoạt động trải nghiệm được phát huy hiệu quả. Có như vậy, cách tiếp cận STEM sẽ rộng, mang đến công bằng trong tiếp cận giáo dục chứ không phải là hạn chế quyền tiếp cận của học sinh”- Vụ trưởng Thái Văn Tài lưu ý. 

Giáo viên STEM ở đâu?

Theo tiến sĩ Thái Văn Tài, triển khai giáo dục STEM tiểu học TPHCM sẽ dựa trên 2 nhóm giáo viên: giáo viên cơ bản và giáo viên chuyên môn. Bậc tiểu học có nhiều thuận lợi để triển khai giáo dục STEM vì có giáo viên dạy nhiều môn, giúp thầy cô dễ dàng tích hợp môn này với môn kia để làm. 

“Việc các nhà trường băn khoăn rằng trường mình chưa có giáo viên dạy STEM là không đúng. Bây giờ phải tuyên ngôn rằng giáo viên thực hiện tích hợp liên môn theo phương án STEM chính là giáo viên dạy cơ bản. Còn giáo viên môn chuyên là giáo viên tham gia vào các chủ đề, chủ điểm…” - ông chỉ rõ.

Ông cũng lưu ý thêm, nội hàm của giáo dục STEM tiểu học chính là STEAM - tức là được tích hợp thêm yếu tố nghệ thuật, một số môn học hoạt động giáo dục khác ngoài các môn cấu thành STEM. Bằng cách làm này, cơ hội tiếp cận STEM không hạn chế bất kỳ môn nào, thầy cô có thêm thời lượng, không gian để đưa các hoạt động giáo dục STEM vào trường học một cách chính thống.

“Trong các thành tố của STEM không chỉ là môn tự nhiên xã hội, khoa học, công nghệ, tin học, toán mà với tiểu học thì tùy từng chủ đề để tích hợp thêm các môn học khác như mỹ thuật, hoạt động trải nghiệm, đạo đức, thậm chí là âm nhạc, tiếng Việt chứ không hạn chế bất kỳ môn nào. Dạy học tích hợp theo hướng tiếp cận giáo dục STEM là một phương án triển khai chương trình, chứ không phải là thêm vào thời lượng” - Vụ trưởng Thái Văn Tài nói rõ.

Giáo dục STEM giúp chuyển đổi mô hình dạy học

Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc chia sẻ, giáo dục STEM là phương thức giáo dục chủ yếu dựa trên hoạt động dạy học tích hợp, tạo cơ hội cho học sinh huy động, tổng hợp kiến thức, kỹ năng thuộc các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Việc triển khai Chương trình GDPT 2018 bậc tiểu học đòi hỏi chuyển đổi mô hình dạy học lấy giáo viên làm trung tâm sang mô hình lớp học học sinh đóng vai trò chủ động, tích cực, tự chủ trong quá trình học tập.

“Việc thực hiện hiệu quả các hoạt động giáo dục STEM góp phần giúp giáo viên tạo ra sự thay đổi căn bản này” - ông Nguyễn Bảo Quốc đánh giá.

Quốc Trung

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI