Theo đó, bên cạnh việc thực hiện công khai quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ, giáo viên, nội dung phòng, chống tham nhũng sẽ tiếp tục được lồng ghép vào môn giáo dục công dân để giảng dạy cho học sinh. Nhưng hiệu quả của công tác này như thế nào là một câu hỏi không dễ trả lời.
Cố nhồi nhét nhiều nội dung trong chương trình chỉ làm học sinh thêm quá tải - Ảnh: Phùng Huy
Học sinh thêm “ác cảm” với môn giáo dục công dân
Khi tôi thử hỏi Gia Khang, học sinh (HS) lớp 11 tại TP.HCM về nội dung phòng chống tham nhũng được tích hợp giảng dạy ở môn giáo dục công dân (GDCD), em gãi đầu: “Hình như em có học. Em nhớ mang máng là cô giáo có nói qua”. Tôi hỏi Tuyết Nhung, một HS giỏi tại một ngôi trường có tiếng ở Q.3, TP.HCM, em ngao ngán: “Em cũng chẳng biết học cái đó để làm gì nữa. Chỉ thấy… phí thời gian mà chẳng được gì”. Hầu hết những em HS, sinh viên (SV) khi được hỏi về đề tài này đều xác nhận mình có học, nhưng cụ thể như thế nào thì… không nhớ. Chị Lê Tuyết Hương, mẹ của Khang cho biết: “Tôi rất ngạc nhiên khi thấy con học nội dung đó trong chương trình. Vấn đề tham nhũng và phòng, chống tham nhũng mỗi ngày ra rả khắp nơi trên báo đài, người ta đã phát ngán. Ở trường, giáo viên có dạy thì chắc cũng chỉ lặp lại những nội dung đó mà thôi”.
Từ năm học 2013-2014, Bộ GD-ĐT đã có công văn gửi các trường, cơ sở giáo dục trên cả nước về việc tăng cường thực hiện Chỉ thị 10 của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giảng dạy nhằm góp phần trang bị kiến thức cơ bản, nâng cao nhận thức, sự hiểu biết về phòng, chống tham nhũng cho SV, HS; xây dựng thái độ, ý thức tự giác của SV đối với công tác phòng, chống tham nhũng. Qua đó, giúp đối tượng này tham gia, hỗ trợ, phối hợp với các cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống tham nhũng…
Theo đó, ở cấp THPT, nội dung giảng dạy phòng, chống tham nhũng đặt trọng tâm giáo dục đạo đức liêm chính cho HS nắm được khái niệm, biểu hiện của tham nhũng kết hợp giảng dạy pháp luật về phòng, chống tham nhũng với thời lượng 6 tiết cho cả ba năm (5 tiết cho chương trình cao đẳng, đại học). Tuy nhiên, những giáo viên (GV) phụ trách môn GDCD cho biết họ gặp không ít lúng túng, khó khăn trong quá trình triển khai nội dung bài giảng.
Cô T.T.K.L. cho biết: “HS cấp III đã có cái nhìn khá độc lập trước những vấn đề xã hội. Bảo chúng tôi dạy về phòng, chống tham nhũng chẳng khác nào ép chúng tôi làm một công việc không đúng chuyên môn. Cứ giảng lý thuyết khơi khơi thì giống như mình đang rao giảng đạo đức, không thuyết phục các em”. Cô L. cho rằng, mục tiêu mà chương trình hướng đến quá lớn so với thời lượng ít ỏi dành cho nó. Thực tế ấy đã làm khó cả GV và HS. Bởi khi đề cập đến vấn đề tham nhũng, một vấn đề khá nhạy cảm, đòi hỏi GV phải am hiểu pháp luật đủ để mổ xẻ vấn đề chứ không phải một vài cái gạch đầu dòng giới thiệu về Luật Phòng, chống tham nhũng.
Cô Phạm Hoàng Diệp, GV tại Q.7 chia sẻ, một thực tế lâu nay tồn tại trong nền giáo dục của chúng ta là HS không hứng thú với những môn phụ, đặc biệt là môn GDCD. Tâm lý thờ ơ của HS khi đón nhận môn học khiến cho GV cũng không hứng thú đầu tư vào nội dung giảng dạy. Vì vậy, dù GV cố gắng đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào môn học thì cũng chỉ để đảm bảo chương trình theo chỉ đạo. “Với cách học như thế, học sinh ngày càng ác cảm với môn GDCD”, cô Diệp trăn trở.
Hỏng từ gốc, đừng mong uốn ngọn
“Với thực trạng tham nhũng đáng báo động như hiện nay thì phòng chống nó là một chủ trương cần thiết được phổ biến rộng rãi trong nhân dân. Khi mỗi công dân có ý thức hành động thì đất nước sẽ trong sạch và vững mạnh hơn” - ông V.N., một cán bộ nhiều năm làm công tác quản lý giáo dục, cho biết. Tuy nhiên, ông N. cũng lưu ý rằng, phổ biến như thế nào để mang lại hiệu quả là điều cần phải suy nghĩ, nhất là khi việc học tập của các em HS phổ thông đang rất nặng nề, cả về chương trình lẫn áp lực thi cử; nội dung môn GDCD lại đang rất nặng vì nó là môn học tích hợp từ giáo dục dân số, giáo dục giới tính, an toàn giao thông cho đến giáo dục kỹ năng sống... Nếu đưa phòng, chống tham nhũng vào thêm nữa thì cũng chỉ là thêm lý thuyết và sẽ chẳng đọng lại gì ở HS. Vậy thì có cần thiết phải ép học trò học hành nặng nề?
Cũng theo ông N., cách giáo dục của chúng ta hiện nay vẫn là đang cố uốn phần ngọn mà cái gốc căn bản không chịu làm. “Nếu như ngành giáo dục có thể dạy HS biết trung thực, biết nói thẳng, biết đấu tranh với cái xấu thì đã góp phần lớn vào công tác phòng, chống tham nhũng. Trong khi ngược lại, toàn ngành lại đang bận chạy theo thành tích mà bỏ quên việc giáo dục đạo đức một cách thực chất - ông N. bức xúc.
Ông N. khiến chúng tôi nhớ đến chuyện một em HS với sức học dưới trung bình nhưng đạt hai điểm mười trong kỳ thi tuyển sinh với lý do “cô giáo viết đáp án ra hai bàn tay, rồi đứng xoay lưng, xòe tay cho con chép”. Điều này cho thấy, một khi bản thân nhà trường không dám nhìn thẳng, ngoài xã hội không dám nói thẳng, dẫu có thêm 5 hay 10 tiết dạy, thậm chí có hẳn một môn học về phòng, chống tham nhũng cũng sẽ chẳng tới đâu.
“Sự liêm chính là bài học mà HS học cả đời, bắt đầu ngay từ tuổi mẫu giáo, từ những hành vi đơn giản nhất và đó phải là vấn đề cốt lõi nhất của giáo dục chứ không phải một bài giảng mang tính lý thuyết trong một, hai tiết học”, ông N. nói. Một khi giáo dục đạo đức con người được xem trọng và có phương pháp đúng đắn, pháp luật đủ tính răn đe, các cơ quan chức năng làm đúng trách nhiệm của mình thì vấn đề tham nhũng sẽ không đáng báo động như hiện nay. Và các cơ sở giáo dục cũng không phải loay hoay tìm cách nhồi nhét, để kết quả mang lại chỉ là sự lãng phí thời gian, khổ thầy và khổ trò.