|
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đón các học sinh đoạt giải Olympic và Khoa học kỹ thuật quốc tế tại Phủ Chủ tịch và trao tặng Huân chương Lao động cho những học sinh đạt giải cao - Ảnh: Dung Nhi |
Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục - Trường đại học Giáo dục (Ðại học Quốc gia Hà Nội):
Giáo dục phải mang lại hạnh phúc cho học sinh
Chúng ta đang nhìn thấy mục tiêu phát triển bền vững của các quốc gia là giáo dục phải có chất lượng, giáo dục chính là trọng tâm giúp các quốc gia phát triển bền vững. Trong năm qua, chúng ta có khá nhiều thành tựu về khoa học công nghệ cũng như đổi mới sáng tạo. Đây chính là động lực then chốt để chúng ta tiếp tục phát triển bền vững trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Năm qua, giáo dục của chúng ta cũng đang có bước chuyển mình từ trang bị kiến thức chuyển sang phát triển năng lực cũng như phẩm chất, tư duy sáng tạo và kỹ năng chuyển đổi của người học.
Sau đại dịch, Tổ chức Y tế thế giới đã khuyến cáo về khủng hoảng sức khỏe tâm thần, giáo dục là thiết chế giúp chúng ta đảm bảo sự công bằng, an sinh, là nơi giúp con người trở nên hạnh phúc nhất. Hy vọng năm mới, chúng ta sẽ làm mạnh mẽ hơn nữa để giáo dục có chất lượng, học thật, thi thật và những cam kết về giáo dục phải được thực hiện.
Hiện nay, đặc điểm tâm lý của giới trẻ rất khác so với thế hệ trước. Làm việc là phải vui nên đòi hỏi phải đổi mới phương pháp giảng dạy cũng như kiểm tra và đánh giá phải hiện đại, phù hợp với chuyển đổi số, kịch bản sư phạm phải cuốn hút, hấp dẫn mới có thể tạo ra sự hứng thú cũng như truyền lửa cho người học.
Để phục vụ cho quá trình chuyển đổi số, hơn hết phải giáo dục và trang bị cho người trẻ kể cả giáo viên (GV) những “bộ vắc xin số” để lên không gian mạng khai thác tin tức đúng và tự học, tự bảo vệ mình an toàn.
Bên cạnh đó, giáo dục phải trang bị kỹ năng để cá nhân sống và hội nhập trong thế kỷ XXI. Giáo dục từ cấp nhỏ tới cấp lớn phải giúp học sinh hình thành tư duy phản biện, óc sáng tạo cũng như khả năng giao tiếp, hợp tác. Không thể học theo cách “cô kể” mà học bằng cách hỏi đáp và chấp nhận câu trả lời khác lạ để đứa trẻ có cơ hội được sáng tạo.
Dạy bằng dự án để trẻ làm việc nhóm, qua đó có cơ hội giao tiếp với nhau, hình thành các kỹ năng điều hành, điều phối công việc cũng như chịu trách nhiệm. Đứa trẻ biết lên kế hoạch hợp tác với nhau để mọi người cùng tham gia và hoàn thành công việc chung.
Chúng ta không thể mãi cứ dạy theo kiểu “đồng phục” mà phải dạy và học kiểu “cá nhân hóa”, phải có những thay đổi triệt để hơn để ứng dụng công nghệ và giúp cho người trẻ học theo nhịp của họ, hướng dẫn thích ứng.
Hơn thế, cần hướng dẫn cho người học xác định điểm mạnh, điểm yếu cũng như cung cấp cách học theo câu hỏi thực tế, các vấn đề xã hội, thời sự để tri thức được kết nối với cuộc sống. Dạy kiến thức, kỹ năng nhưng giúp đứa trẻ dùng tri thứ đó tạo nên giá trị cho cuộc sống.
Như vậy, 2023, giáo dục phải hướng đến và mang lại những an sinh cơ bản cho học sinh và giáo dục phải mang lại hạnh phúc cho đứa trẻ mới là điều quan trọng.
Ông Lê Đình Hiếu - nghiên cứu sinh về lĩnh vực giáo dục tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ): Mở ra cơ hội để người Việt trẻ bứt phá
Thành tựu của năm 2022 cho thấy giáo dục Việt Nam đang rất quan tâm đến nghiên cứu khoa học. Lần đầu tiên Việt Nam có 37 nhà khoa học nằm trong tốp những nhà khoa học có tầm ảnh hưởng nhất thế giới.
Kế đến, có thể thấy giải thưởng VinFuture thu hút sự quan tâm của những nhà khoa học trên thế giới, nhiều nhà khoa học đã gửi kết quả nghiên cứu về mong được xét.
Cụ thể, 2 trong số những nhà khoa học được trao giải có thành tựu nổi bật là nhà khoa học nữ người Hungary tìm ra vắc xin ngừa COVID-19 và vị giáo sư là cha đẻ của internet.
Năm qua, Việt Nam cũng đẩy mạnh tư nhân hóa giáo dục. Việc tập đoàn kinh tế tư nhân tham gia hoạt động giáo dục tầm cỡ, thành lập các trường đại học lớn là dấu hiệu khởi sắc; không chỉ cung cấp nguồn nhân lực địa phương mà hướng tới xây dựng chuẩn mực quốc tế và thu hút sinh viên nước ngoài đến học. Điều này cũng giúp sinh viên Việt Nam khi tốt nghiệp trường đại học ngay trong nước vẫn tự tin bước ra thế giới làm việc và hội nhập.
Việc trường đại học nâng cấp thành “đại học” cũng thu hút sự quan tâm của nhiều người và cho thấy ít nhiều mang xu hướng tích cực. Nâng cấp lên “đại học” cho thấy chúng ta đang cố gắng tạo hành lang pháp lý để đại học trở thành trường đa ngành, đa lĩnh vực. Đó là cơ hội để các trường cạnh tranh toàn cầu, đáng tự hào và khuyến khích.
Câu chuyện chuyển đổi số mạnh mẽ, xây dựng tri thức số, dùng công nghệ số trong giảng dạy đã trở nên phổ biến hơn. Có thể thấy năng lực của người Việt không dừng ở năng lực truyền thống mà các bạn trẻ được trang bị kỹ năng số, tri thức số giúp chúng ta nhanh chóng hội nhập với giáo dục thế giới.
Tuy nhiên, bên cạnh những tiến bộ, chúng ta phải nhìn nhận vấn đề sức khỏe, tinh thần của người Việt trẻ. Gần đây, tôi có tham gia buổi hội thảo, trong đó bà Hà Lâm Tú Quỳnh - Giám đốc truyền thông của Google - cho biết một trong những xu hướng tìm kiếm nổi bật của Google thời gian qua là thế hệ gen Z tìm cụm từ về “sức khỏe tinh thần, chữa lành”.
|
Năm 2022, Bộ GD-ĐT cử 7 đoàn học sinh giỏi với 38 lượt học sinh tham gia Olympic quốc tế; kết quả, 100% học sinh dự thi đều đoạt giải (trong ảnh: Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn trao tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các học sinh đoạt giải) - Ảnh: Dung Nhi |
Thực tế, nhiều trường hợp là học sinh, sinh viên áp lực dẫn đến trầm cảm, tìm đến giải pháp tiêu cực kết liễu cuộc đời. Chúng ta cần đặt câu hỏi tại sao giới trẻ có xu hướng tìm kiếm chữa lành và tại sao giới trẻ tổn thương về tinh thần để tìm cách hỗ trợ ngay, tránh những trường hợp đau lòng.
Đã đến lúc chúng ta phải dành thời gian quan tâm đến từng cá nhân học sinh, cho học sinh có cơ hội phát triển toàn diện và tạo điều kiện cho học sinh tự khám phá chính mình, tự khai phóng mình. Làm sao cho người Việt trẻ nhiều cơ hội hơn, được chăm sóc không phải chỉ kiến thức và kỹ năng mà cả tâm sinh lý, cả về cái tôi và câu chuyện riêng của họ để họ khai phóng cũng như bứt phá tiềm năng của mình.
Thầy Đinh Đức Hiền - giáo viên tại Hà Nội (người phát hiện những bất thường trong đề thi môn sinh học tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021): Dành thời gian, không gian để giáo viên sáng tạo
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, hiện cả nước thiếu khoảng 100.000 GV mầm non, phổ thông. Trong khi đó, năm 2022 có khoảng 16.000 GV xin nghỉ việc, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động dạy và học.
Tôi cho rằng, tăng lương, tăng phụ cấp để GV thực sự sống được bằng lương là điều cần làm và càng sớm càng tốt, nhưng điều đó một mình Bộ GD-ĐT không thể làm nổi, mà cần quyết tâm từ Nhà nước, sự đồng hành của xã hội.
GV không thể sáng tạo, đem những điều tốt đẹp nhất đến con trẻ nếu họ không có thời gian và không gian. Những năm qua, việc chương trình có trước, đào tạo nhân lực chạy theo sau đã khiến GV vô cùng vất vả. Nhưng vì học trò, vì nghiệp nhà giáo mà tất cả GV đã cố gắng hết sức để vượt qua khó khăn.
Nhưng rõ ràng chương trình, sách giáo khoa thay đổi nhanh chóng còn cách quản lý vận hành lại thay đổi vô cùng chậm chạp, GV vẫn còn đó với đống giấy tờ sổ sách, với những trang giáo án được đo bằng số trang, với nhiều cuộc thi, thao giảng, dự giờ còn mang tính hình thức… Những điều đó đang lấy đi không gian và thời gian để GV có thể trau dồi kiến thức chuyên môn, phát triển kỹ năng, sáng tạo vì học sinh.
Tăng lương, tăng phụ cấp để GV yên tâm hơn với nghề là điều phải làm nhưng nó là vấn đề thời gian. Bộ GD-ĐT không thể một mình quyết định, nhưng cái mà Bộ GD-ĐT, các cơ quan quản lý có thể làm ngay đó chính là tinh giản sự quản lý, giảm bớt sổ sách giấy tờ, các cuộc thi hình thức không cần thiết, đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục. Nếu chúng ta chưa thể thay đổi được những điều lớn lao, thì hãy thay đổi tại chính nơi mình đang đứng, chính việc mình đang làm.
Đổi mới trong giáo dục là tất yếu. Chúng ta chuyển từ giai đoạn giáo dục với kiến thức là điều tối thượng sang năng lực tự học, phấn đấu suốt đời của học sinh là điều cốt lõi. Đương nhiên, ai cũng muốn an toàn, dạy kiến thức bao giờ cũng dễ hơn dạy kỹ năng. Chính GV, không ai khác là người đầu tiên phải thay đổi trong cuộc cách mạng giáo dục.
Đại Minh (ghi)