Sau phần thuyết trình để được Google chấp thuận mang dự án về nước, Ninh bắt tay vào việc thiết kế chương trình Womenwill với trọng tâm nội dung dành cho thế hệ phụ nữ lãnh đạo tương lai ở Việt Nam và trực tiếp dẫn dắt chương trình bao gồm các hội thảo, khóa học, sự kiện nhằm “hóa giải định kiến giới, hỗ trợ thế hệ phụ nữ tận dụng công nghệ để kết nối và phát triển”.
Nhân ngày 8/3, chị Đỗ Mỹ Ninh đã dành cho Báo Phụ nữ một cuộc trò chuyện về hành trình vun đắp cho thế hệ phụ nữ Việt Nam lãnh đạo này.
|
Chị Đỗ Mỹ Ninh - Giám đốc Tiếp thị Google phụ trách Việt Nam |
- Tại Việt Nam, Womenwill được biết đến như một chương trình đào tạo kiến thức khởi nghiệp, dạy kỹ năng lãnh đạo cho phụ nữ. Vậy có thể hiểu là Google đánh giá cao yếu tố này nhất trong hành trang phát triển của một phụ nữ Việt Nam không, thưa chị?
- Chị Đỗ Mỹ Ninh: Ở mỗi quốc gia, Google chọn một nội dung phù hợp nhất để triển khai đào tạo và đồng hành cùng phụ nữ. Ở Việt Nam, chúng tôi chọn đi vào đào tạo kỹ năng lãnh đạo, khởi nghiệp vì nhận thấy số lượng phụ nữ Việt đang đảm nhận các vai trò này khá lớn.
Theo báo cáo gần đây nhất về đa dạng giới tính của Boston Consulting Group (BCG) thì Việt Nam có tỷ lệ phụ nữ tham gia lãnh đạo cao nhất khu vực Đông Nam Á: 25% so với tỷ lệ trung bình của khu vực là 12%. Và định kiến giới với nhóm phụ nữ làm lãnh đạo hoặc thành công trong sự nghiệp càng nặng nề hơn so với mặt bằng chung trong xã hội.
Người phụ nữ không được trang bị một ý thức về giới tốt để vượt qua định kiến, cộng thêm sự thiếu hụt của những kỹ năng mềm, bản lĩnh lãnh đạo gặp rất nhiều rào cản trong công việc của họ. Chúng tôi tin rằng, nếu cộng đồng phụ nữ lãnh đạo ở Việt Nam phát triển, thì nhóm phụ nữ còn lại sẽ được những giá trị cộng hưởng và phát triển thuận lợi hơn rất nhiều.
- Những “định kiến giới” mà Womenwill Việt Nam muốn hóa giải cụ thể là gì, thưa chị?
- Chị Đỗ Mỹ Ninh: Đầu tiên là định kiến về “vai trò của người phụ nữ trong gia đình”. Phụ nữ Việt đang đảm nhiệm rất nhiều công việc không lương, trong đó có việc nội trợ, chăm sóc người già, trẻ em. Vấn đề là, nhiệm vụ đó được mặc định từ khi họ sinh ra với giới tính nữ, và nhiều khi chính họ tự nhận về mình những trách nhiệm đó chỉ vì “bao đời nay đó là nhiệm vụ của phụ nữ”. Chính vì tốn quá nhiều thời gian và năng lượng cho những việc không tên, họ mất nhiều cơ hội để phát triển sự nghiệp.
Thêm nữa, giống như giới nữ toàn cầu, phụ nữ Việt còn nặng tư tưởng phải đứng sau, đứng dưới nam giới. Phụ nữ được cho là “khác thường”, “thiếu nữ tính” khi có ước mơ làm quản lý. Và đặc biệt, khi ngồi vào vị trí quản lý, người phụ nữ phải đối diện với nhiều câu hỏi về năng lực và uy tín hơn đàn ông. Có vẻ như, đàn ông lãnh đạo là việc đương nhiên, còn phụ nữ thì… “phải coi lại” (cười).
- Có vẻ như, chính trải nghiệm của một người phụ nữ Việt Nam thành công đã thôi thúc chị mang về nước dự án này?
- Chị Đỗ Mỹ Ninh: Tôi khá may mắn khi làm việc ở Google, một môi trường tôn trọng giá trị cá nhân và tích cực hóa giải định kiến giới, nên hầu như những rào cản giới tính cũng được hạn chế tối đa. Nhưng, về mặt nhận thức, tôi tin là bất kỳ phụ nữ nào cũng từng vướng vào những rào cản cố hữu và vô lý đó.
Ngay trong gia đình, tôi cũng chứng kiến một cuộc vật lộn giữa những khát vọng cá nhân và vai trò phụ nữ của mẹ mình. Mẹ tôi là người phụ nữ độc lập và có sự nghiệp riêng, nhưng sau một thời gian dài mang gánh nặng kép là phát triển công ty và “xây tổ ấm”, tới một thời điểm, mẹ phải chấp nhận dừng lại để chăm lo cho gia đình.
- Nhưng, theo một ít trải nghiệm của mình, tôi thấy phần đông phụ nữ không nhận thấy họ đang chịu định kiến. Một số người còn nổi giận và khước từ các lời kêu gọi xóa bỏ bất bình đẳng giới vì họ cho rằng, họ đang rất ổn.
Womenwill là một dự án toàn cầu của Google nhằm đem đến cơ hội kinh tế cho phụ nữ ở khắp mọi nơi trên thế giới để họ có thể phát triển và thành công. Thông qua công nghệ, giúp phụ nữ xây dựng kỹ năng, khơi nguồn cảm hứng và kết nối với nhau qua các buổi đào tạo, sự kiện và hướng đến nâng cao nhận thức về bình đẳng giới. Dự án Womenwill bắt đầu cách đây 4 năm và hiện đã được triển khai tại 64 quốc gia.
|
- Chị Đỗ Mỹ Ninh: Người ta không nhận ra không có nghĩa là định kiến không tồn tại. Mà có khi, chính vì định kiến quá lớn và ăn sâu vào tiềm thức nhiều thế hệ từ ngàn năm nay, người phụ nữ đón nhận và chấp nhận nó từ đời này sang đời khác, nên họ không còn cơ hội để cảm thấy bất ổn nữa. Khi về Việt Nam làm chương trình Womenwill, tôi được một chị lãnh đạo khá nổi tiếng kể chuyện “định kiến tiềm thức” mà chị mới vừa trải nghiệm.
Hôm đó chị dẫn đoàn nhân viên đến dự một buổi làm việc. Đến nơi, đại diện đối tác đến chào chị và hỏi “sếp của chị đâu?”. Chị khá bất ngờ nhưng cũng điềm tĩnh nói: “Tôi không có sếp nào cả. Tôi là quản lý ở đây và hôm nay anh sẽ làm việc với tôi”. Khi chưa biết thông tin của nhau, người ta sẽ dễ tin một người nam làm lãnh đạo hơn là một người nữ. Những chi tiết nhỏ và quen thuộc như thế thực ra cũng là một biểu hiện của định kiến giới.
Và trong một điều kiện thuận lợi, nó sẽ trở thành những phân biệt, kỳ thị vô lý với phụ nữ khi làm lãnh đạo. Họ phải nỗ lực nhiều hơn nam giới rất nhiều, để chứng minh rằng họ xứng đáng.
- Những định kiến ấy được cho là đã hình thành hàng ngàn năm, vậy thì theo chị, Womenwill cần phải được triển khai trong khoảng thời gian bao lâu để hóa giải được nó?
- Chị Đỗ Mỹ Ninh: Đây là một dự án lâu dài với những chương trình chi tiết, tiếp nối và bổ trợ nhau. Tuy nhiên, tôi nghĩ, hóa giải hoàn toàn một định kiến nào đó trong xã hội là một nhiệm vụ bất khả trong khuôn khổ một dự án. Ngược lại, chúng ta hoàn toàn có thể gieo một nhận thức, một sức mạnh tinh thần để người phụ nữ nhận diện định kiến, rồi chính họ sẽ tự mình vượt qua nó.
Điều đầu tiên chúng tôi muốn làm được là giúp phụ nữ nhận ra “đó là vấn đề”, “đó là định kiến”. Chỉ cần họ sực tỉnh và nhận ra bấy lâu họ vẫn đang chấp nhận định kiến, thì họ sẽ thay đổi. Trong hoạt động thay đổi nhận thức bằng những hội thảo phân tích về định kiến giới, chúng tôi cũng giới thiệu những câu chuyện truyền cảm hứng về những người phụ nữ vượt qua định kiến mà thành công.
- Tôi vẫn thấy lạ là giữa những tranh luận xã hội về ý nghĩa thực sự của các cuộc đấu tranh bình đẳng giới, nữ quyền, thì một công ty công nghệ như Google lại trực tiếp bước vào vấn đề này và tham gia hóa giải nó. Nó như một kiểu “giải cứu thế giới” của một anh hùng “giữa đường gặp chuyện bất bình” vậy. Hay là, phần việc này cũng nằm trong chương trình phát triển của “ông lớn” này, thưa chị?
- Chị Đỗ Mỹ Ninh: (cười) Theo tôi thì cách hiểu nào cũng có phần đúng. Việc giải phóng phụ nữ không chỉ làm các công ty như Google phát triển, mà sẽ làm cho cả thế giới này cùng phát triển.
Nếu hình dung về “sức sống” của những định kiến giới và hệ lụy của nó trên thế giới này, người ta sẽ dễ dàng nhận ra, một khi người phụ nữ và từng con người được giải phóng khỏi những kìm cặp của định kiến, thì thế giới sẽ còn được giải phóng nhiều năng lượng và phát triển hơn nữa. Năng lượng bị kìm hãm ở phụ nữ bấy lâu, là một nguồn năng lượng khổng lồ mà thế giới đã bỏ phí, chỉ vì xuôi theo định kiến. Đó là lý do tôi chọn Womenwill giữa rất nhiều dự án xã hội dành cho những đối tượng khác của Google.
Hơn nữa, tôi tin vào phụ nữ. Khi họ được sống tốt hơn, họ sẽ chia sẻ được nhiều thứ cho thế giới xung quanh hơn. Có một câu ngạn ngữ nói đại ý rằng “khi bạn giáo dục một người phụ nữ là bạn đang giáo dục cả một ngôi làng”. Sức lan tỏa của phụ nữ rất lớn, những gì họ lĩnh hội được sẽ giúp ích được rất nhiều cho cộng đồng xung quanh họ.
- Xin cảm ơn chị và chúc Womenwill luôn lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến phụ nữ Việt!
* Tại Việt Nam, Womenwill đi vào hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, lãnh đạo thông qua các hội thảo, sự kiện, khóa đào tạo ở từng vùng, miền. Cuối năm 2017, dự án đã tổ chức hội thảo “Vai trò của phụ nữ Việt Nam trong cách mạng công nghiệp 4.0” tại TP.HCM và Hà Nội. Chiều nay (7/3), hội thảo tiếp tục được tổ chức ở Pullman Danang Beach Resort - thành phố Đà Nẵng.
* Tất cả chương trình và khóa học của Womenwill đều miễn phí và thông tin cụ thể trên fanpage Womenwill Vietnam.
|
Minh Trâm (thực hiện)