Giáo dục mới là giáo dục khai phóng và con người tự do

06/09/2017 - 10:24

PNO - Thiếu một triết lý giáo dục tiến bộ và rõ ràng, cuộc đổi mới giáo dục Việt Nam là con đường đi mãi mà không thấy đích đến.

Nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung (ảnh), Viện trưởng Viện Giáo dục IRED, Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE, Phó chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, Lãnh đạo Sáng kiến Giáo dục OpenEdu, và là tác giả cuốn sách có nhiều ảnh hưởng “Đúng việc - Một góc nhìn về câu chuyện khai minh” đã nhận định như thế trong cuộc trò chuyện cùng Báo Phụ Nữ, nhân dịp năm học mới.

Giao duc moi la giao duc khai phong va con nguoi tu do
 

* Thưa ông, triết lý giáo dục quan trọng như thế nào? Giáo dục VN liên tục đổi mới, loay hoay cải cách nhưng chưa thể “lột xác”, phải chăng là vì không có triết lý giáo dục?

Nói VN không có triết lý giáo dục cũng không đúng, có đấy, nhưng là triết lý giáo dục kiểu nào thôi. Muốn biết VN có triết lý giáo dục hay không thì chúng ta cần định nghĩa thế nào là triết lý giáo dục. Triết lý giáo dục không quá cao siêu, là nội dung trả lời 3 câu hỏi sau đây: Thế nào là con người? Nền giáo dục muốn tạo ra những con người như thế nào? Và làm thế nào để tạo ra con người như thế? Đó là triết lý giáo dục và tôi nghĩ VN có triết lý giáo dục. Nhưng triết lý đó có đúng đắn, phù hợp với văn minh, tiến bộ hay không lại là chuyện khác. 

* Con người là “sản phẩm”cụ thể của một nền giáo dục. Nhìn vào những “sản phẩm” của giáo dục VN hướng tới ở kỳ đổi mới thứ 4, ông thấy triết lý giáo dục có phù hợp với thời đại?

Giáo dục phổ thông là “học để làm người”, giáo dục đại học là “học để làm nghề và hơn thế nữa”. Nền giáo dục - đào tạo mà khi học xong không ra người, cũng không ra nghề thì quả là quá đáng ngại. Tôi thấy chương trình giáo dục phổ thông mới cũng có đề ra mục tiêu giáo dục con người gồm những phẩm chất, năng lực cụ thể… Nhưng những mục tiêu này dựa trên triết lý nào và đặc biệt là dựa trên lý tưởng nào về con người và xã hội tương lai mà chúng ta hướng đến? Điều này tôi chưa thấy rõ. 

Tôi từng hỏi một số vị lãnh đạo rằng, chúng ta có thật sự muốn cải cách giáo dục không? Tôi hỏi câu này là có lý do, bởi lẽ chúng ta đã cải cách, đã đổi mới giáo dục 3 lần rồi, nhưng tại sao đổi hoài mà vẫn không mới? Nếu chúng ta không thật lòng muốn đổi mới thì có đổi thêm mấy lần nữa cũng vậy thôi.

Còn nếu chúng ta thật lòng muốn đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục thì cần làm rõ đổi mới “căn bản” là đổi mới cái gì và đổi mới “toàn diện” là đổi mới cái gì.
Theo tôi, đổi mới “căn bản” là đổi mới về tư tưởng và triết lý, còn đổi mới “toàn diện” là đổi mới về hệ thống, về mọi khía cạnh. 

Giao duc moi la giao duc khai phong va con nguoi tu do
 

Và nếu chúng ta thật lòng muốn cải cách giáo dục thì có 3 việc phải làm: Đầu tiên, phải làm rõ giáo dục mới là gì? Vì nếu không làm rõ thì đổi hoài cũng không mới. Ở dự thảo chương trình phổ thông tổng thể, giáo dục mới đang quá mơ hồ, không dựa trên một triết lý rõ ràng nào cả. Thứ hai, cần làm rõ hiện trạng giáo dục hiện nay như thế nào. Và cuối cùng là, xác định cách thức để chuyển từ “hiện trạng” sang “cái mới”. 

Xác định giáo dục mới không khó. Các quốc gia thịnh vượng và văn minh đã làm thứ giáo dục này vài trăm năm nay rồi, đó là giáo dục khai phóng và đích đến của giáo dục khai phóng là con người tự do. 

Trong 3 cái này, tôi cho rằng cái khó nhất là hiểu rõ hiện trạng giáo dục hiện nay, nhiều khi tưởng là hiểu rõ nhưng thực ra không hiểu gì cả. Có người chê giáo dục VN lạc hậu, tôi cực lực phản đối quan điểm này, giáo dục VN không lạc hậu. Lạc hậu nghĩa là đi cùng đường với các nền giáo dục tiến bộ và các quốc gia văn minh, nhưng mình đi chậm hơn, nên bị lùi lại phía sau so với họ. Với cách hiểu như vầy thì giáo dục VN không hề lạc hậu, mà chỉ… lạc đường, thậm chí ngược đường. 

Trong tác phẩm Đúng việc (NXB Tri Thức, 2015), tôi cho rằng, nhìn vào giáo dục hiện thời thì có thể thấy rằng, chúng ta đang đào tạo ra con người công cụ, con người phận vị… hơn là đào tạo ra con người độc lập, tự do, con người lương tri. Còn nhìn vào thực trạng xã hội ngày nay thấy có quá nhiều con người nô lệ (nô lệ cho tiền bạc, quyền lực, danh vọng), hay không ít con người hoang dã, thích gì làm nấy, bất chấp mọi thứ.

* Giả sử chúng ta đã trả lời được câu hỏi đang ở đâu và muốn hướng đến mục tiêu nào. Theo ông, bước tiếp theo, cách mạng giáo dục nên bắt đầu đi như thế nào?

“Cách mạng” nghĩa là thay đổi và là sự thay đổi lớn. Sự thay đổi lớn thường là thay đổi “vai trò”. Chẳng hạn, nếu một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc diễn ra thì sẽ thay đổi vai trò của người dân từ “kẻ nô lệ” thành “người làm chủ” đất nước. Cách mạng giáo dục cũng vậy. Trước hết, cuộc cách mạng này cần định nghĩa lại giáo dục và thay đổi vai trò của giáo dục, tức là mục tiêu cao cả của giáo dục sẽ không thể bị mục tiêu tiền bạc hay mục tiêu chính trị bóp méo.

Giao duc moi la giao duc khai phong va con nguoi tu do
 

Tiếp đó, sẽ định nghĩa lại và thay đổi vai trò của các chủ thể then chốt trong hệ thống giáo dục gồm nhà nước, nhà trường, nhà giáo, gia đình và người học. Nhà nước sẽ trả lại vai trò vốn có của nhà trường và nhà giáo. Còn nhà trường và nhà giáo sẽ giành lấy vai trò và quyền vốn có của mình trong giáo dục. Còn người học từ “kẻ nô lệ” cho quá trình giáo dục sẽ thành “người làm chủ” quá trình học tập của mình. Người học, chính xác hơn sự học của người học cần phải trở thành trung tâm của quá trình giáo dục và của cả hệ thống giáo dục.

* Người thầy góp phần tạo ra sản phẩm cho giáo dục, nếu có triết lý giáo dục thì người thầy phải thẩm thấu trước mới mong tạo ra những con người tự do như ông đã đề cập. Nhưng người thầy hiện nay gần như là một “thợ dạy” với nhiệm vụ “gia công” ra các sản phẩm cho giáo dục?

Đúng vậy, đa số người thầy ngày nay giống như “thợ dạy”, nhưng không thể trách vì họ được đào tạo ra để làm như vậy và cho dù không được dạy để làm như vậy thì với hệ thống giáo dục hiện thời họ buộc phải làm như vậy. Nhà giáo, kể cả nhà trường chưa từng là trung tâm trong giáo dục VN, họ đâu được dạy thứ họ muốn. Nhà nước mới thực sự là “trung tâm”, mới thực sự là “ông chủ” cho quy trình “sản xuất” con người này. 

Nếu làm “cách mạng giáo dục” để xác lập vai trò của người học trở thành người làm chủ quá trình giáo dục thì vai trò thật sự của người thầy là truyền cảm hứng học tập cho người học, cùng người học xây dựng mục tiêu nội dung và phương pháp học tập và góp phần giúp người học “tự lực khai phóng” (tự lực khai minh và giải phóng) chính mình. Người thầy phải là người tạo ra môi trường và hỗ trợ người học để họ có thể làm chủ được sự học của mình. Đây là người thầy, khác với “thợ dạy” chỉ đọc - chép, truyền thụ những thứ có sẵn…

* Ông có nghĩ rằng, trong bối cảnh hội nhập, chương trình phổ thông mới của VN chỉ cần lựa chọn lấy chương trình giáo dục phổ thông của một nước có nền giáo dục tiên tiến rồi điều chỉnh và bổ sung thêm cho phù hợp với VN? 

Tôi nghĩ mỗi quốc gia có những vấn đề, điều kiện và hoàn cảnh khác nhau nên phải có những giải pháp, mô hình khác nhau. VN cũng vậy. Chẳng hạn, trong kinh doanh, Trung Quốc và Nhật đều học theo Mỹ nhưng theo cách rất khác nhau. Trung Quốc thấy Mỹ sản xuất ô tô liền đem về để bắt chước nhưng người Nhật lại khác, họ đem về để sản xuất ra loại xe đẹp hơn, tốt hơn.

Giao duc moi la giao duc khai phong va con nguoi tu do
 

Dễ hiểu hơn là, người Trung Quốc thường có xu hướng học theo, còn người Nhật thì họ thường học hỏi chứ không học theo. Trong giáo dục cũng vậy, chúng ta có thể học cách nghĩ (học hỏi), nhưng không nên học cách làm (học theo) của họ. Nếu chúng ta chỉ học theo thì chúng ta sẽ không trở thành họ và cũng không trở thành ai cả. Điều này rất nguy hại cho cả một thế hệ tương lai, nguy hại cho tiền đồ của cả dân tộc. 

Hiện một số ít trường quốc tế có chất lượng ở VN rất nỗ lực đưa tinh thần khai phóng vào chương trình học, điều này là rất tốt, nhưng cũng chính những ngôi trường này lại thiếu vắng “tính dân tộc”, vì họ thường nhập khẩu nguyên chương trình nước ngoài về. Như vậy, theo tôi là rất không tốt, bởi lẽ có nguy cơ sẽ tạo ra một thế hệ người-Việt-mà-không-phải-người-Việt, một thế hệ công dân không có tổ quốc (dù là da vàng mũi tẹt, được sinh ra và lớn lên ở đất nước này).

Lẽ ra chúng ta phải nghiên cứu ra triết lý giáo dục rồi mới xây dựng chương trình. Nhưng đáng tiếc là cuộc đổi mới lần này vẫn làm chiều ngược lại, xây dựng chương trình rồi mới đi nghiên cứu tìm kiếm triết lý giáo dục cho mình.

* Lẽ nào cuộc cải cách giáo dục lần này lại rơi vào bế tắc? 

Tôi nghĩ là không bế tắc. Bất kỳ sự thay đổi nào cũng chỉ diễn ra theo 1 trong 2 cách, hoặc chủ động dẫn dắt thay đổi, hoặc hoàn cảnh bức thiết dẫn đến thay đổi. Sự thay đổi của giáo dục VN đang diễn ra theo cách thứ hai. Để thực hiện sự thay đổi phải thỏa mãn 3 điều kiện sau: Có bức xúc xã hội, có đột phá cơ sở, có ý chí lãnh đạo. Thông thường ý chí lãnh đạo sẽ có đầu tiên, nhận thức được bức xúc xã hội để tạo ra những đột phá cơ sở làm bùng lên sự thay đổi mạnh mẽ của toàn xã hội.  

Tuy nhiên, thay vì chờ cuộc cách mạng giáo dục vĩ mô, chúng ta nên hướng cuộc cách mạng đơn giản hơn, có thể tiến hành ngay tức thời, khả thi và hiệu quả. Tôi muốn nói đến cuộc cách mạng sự học của mỗi người. Cách mạng sự học là đấu tranh để giành được cái “quyền được làm ra chính mình”, được chủ động trong sự học mà không để ai “cướp” mất cái quyền đó, dù đó là Nhà nước, nhà trường hay nhà giáo. Phương châm của cuộc cách mạng này là “Tự lực khai phóng”, nghĩa là không ỷ lại hay trông chờ vào người khác, mà chủ động mở con người vô minh và tăm tối ra để đưa ánh sáng (chân lý, tự do, sự thật) vào con người mình. Và tuyên ngôn của cuộc cách mạng này là “Ta là sản phẩm của chính mình”. 

Tôi nghĩ, ta không chỉ quan tâm và nỗ lực cho cách mạng giáo dục nói chung, mà còn tập trung nhiều vào cách mạng sự học của mỗi người thì ta sẽ cảm thấy tràn đầy hy vọng về sự đổi thay.

* Xin cảm ơn ông! 

Tiêu Hà (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI