Giáo dục lối sống văn minh từ nhà vệ sinh

27/08/2018 - 06:41

PNO - Để thay đổi chất lượng dạy và học, nhiều trường đại học, THPT tại TP.HCM đã đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất khá đẹp và khang trang.

Tuy nhiên, nhà vệ sinh - nơi phục vụ nhu cầu thiết yếu của học sinh, sinh viên ở nhiều trường vẫn chưa thoát khỏi tình trạng muôn thuở.

Giao duc loi song van minh tu nha ve sinh
TP.HCM đã có những trường đưa nhạc, họa vào nhà vệ sinh tạo sự vui vẻ cho học sinh

Nỗi ám ảnh mang tên "Nhà vệ sinh"

Đột nhập khu nhà vệ sinh (NVS) dành cho sinh viên (SV) Trường đại học Công nghệ TP.HCM, chúng tôi nhận thấy khu vệ sinh nơi đây cũng thuộc diện “khá lắm rồi” theo đánh giá của SV. Tính riêng khu B của trường có 16 tầng, trừ hai tầng dùng cho mục đích khác, 14 tầng SV học, mỗi tầng đều có 5-6 buồng vệ sinh. Tuy nhiên, so với số lượng SV trong trường, thì số buồng vệ sinh chỉ là “muỗi”, dẫn đến tình trạng SV phải đứng xếp hàng chờ đi vệ sinh mỗi khi chuyển tiết. Bồn rửa tay thì ít hơn, nên đi vệ sinh xong, SV lại rồng rắn xếp hàng chờ rửa tay. Khu vực xung quanh các bồn rửa tay luôn lẹp nhẹp vì nước vẩy khắp sàn. Vết bẩn theo giày dép cứ thế lan ra sàn nhà. Trừ buổi sáng sớm, còn lại, các khu vệ sinh luôn trong tình trạng “có mùi”.

Chưa kể, có những bạn SV, không biết do mắc “bệnh cuồng sạch sẽ” hay “bệnh lười biếng” mà sau khi đi vệ sinh xong, không dùng tay mà lại dùng chân giày đạp cần gạt nước. Hành động đó khiến những bạn đi sau không thể dùng tay và vô tình tạo nên truyền thống “dùng chân đạp cần gạt nước” của SV trong trường.

Trúc Linh, SV năm thứ hai cho hay: “Em rất ít khi đi vệ sinh ở trường. Có mắc quá thì em cũng ráng cho đến khi hết buổi học để về nhà đi”. Một trong những nguyên nhân khiến Linh sợ NVS ngoài mùi hôi khó chịu, còn bởi rất nhiều lần em phải chứng kiến cảnh “không ai muốn nhìn” khi nguồn cung cấp nước không đảm bảo, khiến các bạn SV lỡ “đi” mà không có nước dội. Chưa kể, ở các bồn rửa tay, tóc, rác vụn nổi lềnh bềnh mà không có đường thoát. Lao công có dọn dẹp thì cũng chỉ lau cho nhanh cái sàn nhà, còn vụ bồn bị nghẹt thì các cô để cho “bõ ghét”.

Hỏi Linh mong muốn cải thiện điều gì từ NVS, cô cho biết, chỉ mong nhà trường đảm bảo nguồn cung cấp nước để tránh tình trạng SV không phải nhịn tiểu và không phải rơi vào tình huống “dở khóc dở cười”.

Hệ thống NVS Trường đại học Sư phạm TP.HCM mặc dù có nhiều ưu điểm hơn khi mỗi tầng đều có khu vực NVS riêng với nhiều phòng phục vụ nhu cầu tiểu tiện của SV. Đặc biệt, các tầng ở trên của dãy lầu A tương đối sạch sẽ với hệ thống nước tự động. Tuy nhiên, nhiều phòng vệ sinh ở mỗi khu vực không sử dụng được; trên cửa xuất hiện nhiều dòng chữ rất không sư phạm. Ngoài ra, các bồn rửa tay ở dãy C thường xuyên nghẹt, gây gỉ sét và bẩn thỉu. Khu vực NVS tầng dưới của các dãy lầu cũng thường xuyên dơ. Tình hình ở các dãy lầu cũ thì còn tệ hơn rất nhiều.

Bạn Hoàng Anh, SV đang theo học tại trường phàn nàn khi khu vực NVS nữ ở các dãy nhà B, giảng đường D có một số ngày không mở cửa. Lao công giải thích, họ không mở cửa vì không có người học nhưng trên thực tế thì SV vẫn học và thi.

Học sinh có ý thức giữ gìn khi được tôn trọng

Trong khi đó, các bạn SV Trường đại học Hoa Sen tỏ ra hài lòng với NVS của trường mình hơn. Những thiết bị vệ sinh được trang bị thuộc loại cao cấp, vòi nước cảm ứng, máy sấy tay… Và các bạn thích nhất là NVS luôn sạch sẽ.

Cảm giác ấy, chúng tôi cũng bắt gặp ở các em học sinh (HS) Trường THPT Nguyễn Du, Q.10. Ngôi trường từ lúc xây dựng đến nay đã hơn 30 năm, diện mạo cũ kỹ, giản đơn bên ngoài dường như không hề thay đổi, nhưng đi sâu vào các khu NVS thì khác. Toàn trường có gần 1.500 HS với 48 phòng học thì có đến 24 phòng vệ sinh, chưa kể hai dãy NVS dành cho giáo viên. Tất cả các buồng vệ sinh ở đây, dù là của giáo viên hay HS đều sạch sẽ, khô ráo. Đặc biệt, trong các khu vệ sinh đều trang trí hoa hoặc trồng dây leo tạo không khí thoải mái, dễ chịu khi bước vào. Riêng NVS nữ có thêm gương soi và phòng thay đồ để phục vụ nhu cầu làm đẹp hoặc nhu cầu thay quần áo khi thời tiết xấu.

Ông Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du - chia sẻ, từ năm 2016, thời điểm mới về trường, điều đầu tiên ông thay đổi là NVS vì khi ấy các phòng vệ sinh rất nhỏ, nền bị lún sụt. Trong khoảng kinh phí có thể chi trả, nhà trường đã tiến hành sửa trước hai dãy NVS, sửa la-phông, thay vòi nước, thường xuyên lau dọn... “Chưa đẹp thì phải sạch. Cái gì hư thì sửa. Đó là nhu cầu thiết yếu của con em, của số đông. NVS không sạch khiến các em nhịn tiểu. Tình trạng kéo dài sẽ dẫn đến nhiều căn bệnh trĩ, thận, sỏi thận, sỏi bàng quang…”, nghĩ vậy cho nên khi mở cuộc đối thoại với HS toàn trường, ông Phú nhắn nhủ: “Thầy sẽ sửa NVS theo ý muốn các con. Nhưng các con phải cùng thầy giữ gìn nó”.

Đầu tư xây dựng NVS, kết quả mang lại ngoài sự mong đợi. Minh Uyên, HS lớp 11 vui vẻ: “NVS rộng rãi và sạch sẽ khiến tụi em rất thoải mái mỗi khi đến trường. Từ cái NVS lúc nào cũng sạch sẽ, các bạn đã cư xử với lớp học như ngôi nhà của mình”.
Vậy mới thấy, khi được tôn trọng, ý thức của HS ngày càng nâng cao. Và chúng ta giáo dục HS lối sống văn minh không phải bắt đầu từ vẻ khang trang, bề ngoài của công trình, không nằm ở phòng họp sang trọng mà chính là những nơi như NVS - góc khuất của những công trình ấy. Khi các em biết cách cư xử một cách văn minh trong không gian riêng tư ấy thì bất cứ nơi nào, lối sống văn minh cũng sẽ được thể hiện, phát huy một cách tự giác. 

 Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI