Giáo dục không thể nôn nóng, qua loa

01/02/2018 - 08:38

PNO - Tình yêu thương luôn xuất phát, trao gửi đi một cách tự nguyện từ từng cá thể, không một khuôn khổ giáo dục nào “nhào nặn”, huấn luyện hay rèn giũa được nó.

Báo Phụ Nữ ra ngày 29/1 có bài Sự chuyên nghiệp và trái tim người thầy, phản ánh việc một cháu bé bảy tuổi bị cô giáo dội nước, đánh đòn, đòi bóp cổ, chửi “thằng hư” khi cháu lỡ ị đùn và so sánh cách hành xử phi giáo dục này với cách xử lý chuyên nghiệp, nhân văn của thầy cô bên Úc với tình huống tương tự. Bài báo lập tức nhận được nhiều phản hồi của bạn đọc và dưới đây là một trong số đó. 

Giao duc khong the non nong, qua loa
Học trò đủ hiểu biết để nhận ra thầy có hết mình với các em hay không

Bao giờ thầy cô ở mình ứng xử chuyên nghiệp như ở Úc? Phải đợi đến khi nào mới hết cảnh giáo viên (GV) trách phạt học trò bằng đòn roi hay những lời lẽ xúc phạm? Đến khi nào trong mỗi nhà giáo đều thật sự có một trái tim bao dung, ở đó lòng tự trọng được thượng tôn để học trò không bị thương tổn? Tôi đã trăn trở sau khi đọc đi, đọc lại bài viết Sự chuyên nghiệp và trái tim người thầy trên báo Phụ Nữ.

Thiết nghĩ, để có đội ngũ GV ứng xử chuyên nghiệp như ở Úc và các nước có nền giáo dục (GD) phát triển, nhất thiết tất cả các khâu từ tuyển sinh đầu vào ngành sư phạm, quá trình đào tạo, sử dụng, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ… phải được thực hiện hết sức lương tâm, trách nhiệm và thường xuyên.

Ở Úc, để theo học ngành sư phạm, ngoài đạt điểm tuyển đầu vào, các trường/khoa đào tạo GV còn yêu cầu ứng viên phải kèm trong hồ sơ nộp vào trường một lá thư trình bày lý do chọn học ngành sư phạm, đây cũng là tiêu chí quan trọng để nhà trường xét nhận hay không nhận thí sinh vào trường. 

Trong suốt thời gian đào tạo, sinh viên (SV) có nhiều thời gian xuống trường mầm non/phổ thông tham gia các kỳ thực tập rèn luyện chuyên môn, nghiệp vụ. Tuy nhiên, để có thể tham gia các kỳ rèn luyện này, SV phải nộp kèm trong bộ hồ sơ đăng ký thực tập các giấy tờ bắt buộc, như: 1/ Chứng nhận có thể làm việc với trẻ em (working with children check), chứng nhận SV không từng có các hành vi ngược đãi, hành xử không tốt với trẻ em.

Nếu những ai có tiền sử ngược đãi, xúc phạm trẻ em thì sẽ không được phép tham gia các kỳ thực tập sư phạm, tiếp xúc, làm việc với trẻ em và rất khó xin được các công việc có liên quan đến trẻ em sau này. 2/Chứng nhận của cảnh sát (police check) về bản thân không vi phạm pháp luật, đặc biệt là những vi phạm có liên quan đến trẻ em.

Nhà trường luôn đặt sự tôn trọng trẻ lên hàng đầu trong quá trình GD các em và luôn GD các em tôn trọng lẫn nhau, đặc biệt là tôn trọng sự khác biệt của mỗi cá nhân. Các thầy cô luôn quan tâm, GD học sinh từ những điều tưởng như rất nhỏ nhưng tính nhân văn, tính GD rất cao, như: khi đi bộ qua đường thì không nên đeo tai nghe, để có thể nghe được tiếng còi xe và qua đường an toàn; nhớ thoa kem chống nắng vì thời tiết đã sang mùa hè, nếu các em quên thoa thì ghé văn phòng trường để lấy kem thoa khi ra sân chơi; vận động các em mang tặng trường những túi ni-lông mà cha/mẹ nhét trong kẹt tủ sau khi đi mua hàng về để nhà trường dùng đựng rác...

Giao duc khong the non nong, qua loa
 

Cuối cùng, dù đứa trẻ phạm bất kỳ lỗi gì, nhà trường cũng luôn tìm những lý giải tích cực nhất, đặt sự tôn trọng học sinh lên hàng đầu và GD các em theo góc độ nhân văn.

Trở lại với Việt Nam, chúng ta không thể rập khuôn, nhưng rất nên nghiên cứu để vận dụng phương thức đào tạo và những đòi hỏi nghiêm ngặt khi lựa chọn nhân sự cho nghề giáo của các nước bạn. Bởi, nghề nào cũng cần sự chuyên nghiệp, đặc biệt là nghề sư phạm. Đừng lo rằng sự chuyên nghiệp sẽ “làm khó” GV mà phải hiểu rằng, trên cái nền chuyên nghiệp, bài bản đó, GV sẽ thỏa sức sáng tạo. 

Tuy nhiên, như một facebooker đã viết: “Có thể học cách ứng xử chuyên nghiệp, nhưng cách ứng xử đầy tình yêu thương của người thầy với học trò thì không sách nào hay chương trình nào dạy được, bởi điều đó xuất phát từ cái nền văn hóa gia đình, từ tấm lòng với trẻ...”.

Xin thưa, đây cũng chính là điều chúng tôi thường xuyên nhắn nhủ, gửi gắm đến SV, GV và cả các giảng viên của mình mỗi khi có dịp trao đổi về nghề, về nghiệp vụ sư phạm. Bởi, tình yêu thương luôn xuất phát, trao gửi đi một cách tự nguyện từ từng cá thể, không một khuôn khổ GD nào “nhào nặn”, huấn luyện hay rèn giũa được nó. Đó là cái tự thân, tự tâm, là tấm lòng và con tim, hay nói đúng hơn, nó là một phần nhân cách người thầy.

Nếu tất cả các thầy cô đều có tình yêu thương với học trò, tôi nghĩ, kết quả của quá trình GD ở nước ta sẽ khác. Bởi thế, hơn lúc nào hết, hãy làm gì đấy để mỗi người đang làm việc trong môi trường sư phạm (dù là nhà quản lý, là thành viên hội đồng quản trị, GV trực tiếp đứng lớp hay nhân viên tạp vụ, bảo vệ trường…) hãy là một nhà GD chân chính, hãy tự soi lại chính cái tâm của mình và không ngừng rèn luyện; hãy yêu thương, tôn trọng, không ngại khó trong quá trình GD học sinh.

Nếu một ai đó nhận thấy bản thân không hội đủ lòng yêu nghề, yêu trẻ, xin hãy rẽ bước, bởi thành quả của nghề dạy học không gì khác hơn là “chỗ đứng trong lòng học trò” chứ không phải là công danh, tiền tài, sự nghiệp. Đó càng không phải là cái nghề, cái nơi để ta kiếm sống, lay lắt qua ngày. Kết quả của GD không thể nhìn thấy ngày một ngày hai, nên nhà GD không thể nôn nóng, làm ẩu tả, qua loa, làm cho “kết quả” bị lệch lạc, gây hệ lụy cả một thế hệ, một giống nòi. 

Tiến sĩ Nguyễn Đức Danh
Trưởng khoa Khoa học giáo dục, Trường đại học Sư Phạm TP.HCM

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI