Giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông: Lạc lõng và lệch lạc

04/10/2013 - 16:36

PNO - PN - Mỗi học sinh (HS) đều có một thiên hướng, nếu được giúp đi đúng hướng, các em sẽ thành công, nếu đi sai, các em sẽ phải trả giá. Làm sao để giúp các em định hướng đúng là nội dung Hội thảo Giải pháp nâng cao hiệu quả...

edf40wrjww2tblPage:Content

Giao duc huong nghiep trong truong pho thong: Lac long va lech lac

Ảnh minh họa. Nguồn: Dantri.com.vn.

Kết quả khảo sát trên 120 cán bộ quản lý tại các trường THCS và THPT tại TP.HCM vào tháng Năm vừa qua của Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai cho thấy, có đến 97% số người được hỏi hiểu tầm quan trọng của công tác GDHN, và nhất trí: GDHN cần được phát triển để giúp HS chọn lựa nghề nghiệp phù hợp với bản thân. Đáng tiếc là công tác GDHN trong trường phổ thông hiện nay lại không hiệu quả, nặng về hình thức.

Bên cạnh việc giảng dạy đúng chương trình chính khóa (một tiết/tháng) theo quy định của Bộ GD-ĐT, các trường cũng đã chỉ đạo việc lồng ghép - tích hợp GDHN vào giảng dạy của các tổ bộ môn, dạy nghề, hoạt động Đoàn Thanh niên, hoạt động ngoài giờ, dã ngoại, tham quan các nhà máy, xí nghiệp… Thế nhưng, kết quả đạt được không như mong đợi, bởi chỉ có khoảng 50% HS yêu thích và tích cực với những hoạt động này.

Chưa hết, 89% số trường báo cáo có đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động GDHN, nhưng chỉ có 5,7% trong số đó được đánh giá tốt, còn lại là trung bình và yếu kém. Giáo viên (GV) chuyên trách cũng là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả công tác HN nhưng tại các trường THPT, đội ngũ này đang… trắng.

Với câu hỏi: Lý do chọn ngành nghề là gì? và bốn phương án trả lời: 1/ do tìm hiểu kỹ về nghề, 2/ do cha mẹ định hướng, là nghề truyền thống của gia đình, 3/ chỉ cần đậu đại học và 4/ những lý do khác được thực hiện liên tục ba năm qua (từ 2011- 2013) với khoảng 13.000- 18.000 sinh viên (SV) tham gia trả lời mỗi năm, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật đã nhận được một kết quả đáng buồn: tỷ lệ SV chọn ngành nghề vì đã tìm hiểu kỹ cứ giảm dần theo các năm là 75%-70,8%-69%, trong khi lý do “chỉ cần đậu ĐH” lại có chiều hướng tăng lên: 18,7%-19,8%-19,13%.

Ông Trần Anh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin lao động và dự báo nguồn nhân lực TP.HCM, cho biết nguồn nhân lực hiện nay: thiếu thì rất thiếu, nhưng thừa cũng rất thừa; thiếu nhân lực trình độ cao, thừa nhân lực không đáp ứng được yêu cầu công việc. “Có nhiều nguyên nhân, trong đó có công tác GDHN trong trường phổ thông đang rất lạc lõng so với yêu cầu và sự lệch lạc trong chọn lựa nghề nghiệp của SV”- ông Tuấn nói.

Với tư cách là một nhà tâm lý đã có 15 năm gắn với công tác GDHN, PGS- TS Huỳnh Văn Sơn (ĐH Sư phạm TP.HCM), cho rằng: “Khi chúng ta còn làm GDHN một cách hình thức thì công tác này sẽ không đem lại kết quả. Phải làm thật. Vấn đề là phải thay đổi suy nghĩ theo hướng HN là quan trọng nhất chứ không phải học (kiến thức) là quan trọng nhất! Sở GD-ĐT và các phòng GD có dám làm không”. Đây cũng là một thách thức với cả Bộ GD-ĐT!

 Minh Nhật

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI