Giáo dục giới tính quá chậm và quá dở!

23/05/2015 - 14:19

PNO - PN - Đọc bài viết Con dậy thì sớm, mẹ dở khóc, dở cười trên báo Phụ Nữ, tôi băn khoăn và lo lắng quá.

edf40wrjww2tblPage:Content

Như bài viết đã nêu, hiện ở nhiều trường tiểu học tại TP.HCM, số trẻ em dậy thì khá nhiều. Nhiều lớp 4,5, số lượng học sinh nữ dậy thì chiếm đến hơn 2/3. Lớp tôi chủ nhiệm cũng không ngoại lệ.

Việc giáo dục giới tính trong hệ thống giáo dục của ta hiện nay quá chậm và quá dở. Đó không phải là nhận xét của riêng tôi mà còn của rất nhiều phụ huynh và đồng nghiệp. Là giáo viên trực tiếp đứng lớp, nhiều năm qua, chúng tôi phát hiện trẻ đã dậy thì sớm hơn so với lứa tuổi trước đây là 13- 18 tuổi.

Trong khi đó, ở bậc tiểu học, mãi đến lớp 5 các bé mới được học về sự sinh sản ở người với những kiến thức về các bộ phận cơ thể, về việc thụ tinh, về chu kỳ kinh nguyệt ở nữ, xuất tinh ở nam… Nếu so với tuổi phát triển của học sinh hiện nay thì các bài giảng này đã đi sau, trong khi một trong những nguyên tắc của giáo dục là phải đi trước, đón đầu sự phát triển.

Giao duc gioi tinh qua cham va qua do!

Đã vậy, không ít giáo viên còn lướt qua mấy bài học này với lý do “chính đáng” là chương trình Toán và Tiếng Việt quá nặng. Nhiều phụ huynh cũng chẳng hề phát hiện chuyện này, con lên lớp 6, hoặc học hết lớp 5 rồi mà không biết con có được dạy về sự sinh sản và giới tính rồi hay chưa.

Tôi thấy khi dạy các bài học này, các bé thích lắm, nhất là các bé gái, hay tìm cô để hỏi những chuyện riêng tư về vệ sinh cá nhân, về sự thay đổi của cơ thể. Nhưng do không phải chuyên gia, tôi không biết trả lời sao trước những tình huống, như khi giảng: “Trứng và tinh trùng gặp nhau sẽ dẫn đến sự thụ tinh”, bọn trẻ nhao nhao hỏi: “Làm sao để trứng và tinh trùng gặp nhau hả cô?”.

Tôi được biết một vài trường trong nội thành đã mời các bác sĩ, chuyên gia tâm lý có am hiểu về lĩnh vực này để dạy các bé với nội dung cùng các thiết bị dạy học rất sinh động, dễ hiểu. Nếu có điều kiện, nên áp dụng rộng rãi, đại trà, giáo viên chủ nhiệm lớp không bị áp lực vì không đủ kiến thức chuyên môn; không bị áp lực vì thiếu tiết cho các môn chính; đồng thời, trẻ cũng được hưởng lợi nhiều vì được cung cấp kiến thức khoa học, đầy đủ.

Thiết nghĩ, cần có sự nghiên cứu thật cụ thể, chi tiết về độ tuổi dậy thì của trẻ em Việt Nam hiện nay để từ đó thiết kế chương trình giáo dục giới tính phù hợp. Ngành giáo dục nên đầu tư thế nào để tránh tình trạng giáo viên vừa phải “kiêm” vai bác sĩ lẫn chuyên gia tâm lý khi không có một chút chuyên môn nào về lĩnh vực này để dạy trẻ những bài học về sự sinh sản, giới tính…

TRẦN THỊ MỸ LỄ (Giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Khuyến, Q.12, TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI