Giáo dục giới tính giúp ngăn nạn xâm hại trẻ: Tôi không muốn sớm lên chức bà

30/09/2022 - 06:01

PNO - Hường, cô bạn thời đại học của tôi bất ngờ thông báo đã lên chức bà nội. Con trai lớn nhất của Hường chỉ nhỏ hơn con trai đầu của tôi khoảng hai tuổi. Tính không sai, thì năm nay, thằng bé đang là học sinh lớp Chín.

Con trai và “con dâu” Hường học cùng nhau từ lớp Sáu, đến lớp Bảy thì thích thích, rồi yêu nhau. Thấy con bé mập, bụng to lên, cha mẹ chỉ nghĩ đơn giản con gái ở yên trong nhà do dịch, ăn uống đầy đủ, nên lên ký. Đến khi cái bụng to bất thường, mẹ con bé dẫn con gái đi khám, mới biết cái thai đã 6,5 tháng.

Tôi luôn xác định tư tưởng không muốn thành bà nội/ngoại quá sớm như Hường, nên khi con vào cấp II, tôi bắt đầu có những buổi nói chuyện về giới tính dựa trên thông tin từ báo chí… Tôi đưa ra các con số về việc phá thai ở tuổi vị thành niên, về những vụ án người ta tìm thấy hàng ngàn thai nhi bị bỏ rơi, về các nghĩa trang cho những sinh linh bị chia tách khỏi bụng mẹ… từ đó, dẫn dắt con về độ tuổi có thể quan hệ tình dục, về các biện pháp an toàn.

Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK

 

Năm lớp Sáu, con trai tôi vừa nghe vừa đỏ mặt, năm lớp Bảy, mặt cậu chàng chỉ hơi “quê quê”, qua đến lớp Chín, thì mọi thứ đã ổn. Trong một giới hạn nào đó, con trai có thể thoải mái kể cho tôi về việc rung động như thế nào với cô bạn tóc tém, về việc hai đứa thích uống trà sữa... 

Thi thoảng, vài người hỏi tại sao tôi lại “vẽ đường cho hươu chạy?”. Tôi nói rằng, thà vẽ đường cho con chạy đúng, không vẽ, nó chạy sai, thì có khi tôi “chưa kịp làm xong vai trò người mẹ, đã lên chức bà”. 

Không chỉ chủ động vẽ đường cho con chạy trước khi con bước vào tuổi dậy thì, với các cháu học xong lớp 12, lên thành phố đến nhà tôi ở ké ôn thi đại học, tôi cũng không tránh né vấn đề này.

Những cuộc trò chuyện đó thường được khơi mào khi các thành viên đang thưởng thức món lẩu nóng hổi hay bữa tiệc trái cây nho nhỏ. Trong các cuộc gặp gỡ đó, tôi nói không nhiều, nhưng mỗi lần tôi nói thì bốn trên mười câu chuyện sẽ liên quan đến một bộ phim đề cập đến tuổi teen. Tôi chỉ ra, ở các nước tiên tiến, khi học sinh khoảng 13 tuổi sẽ có rất nhiều buổi học ngoại khóa về quan hệ tình dục, việc học sinh được phát bao cao su cùng cách sử dụng, nhờ vậy mà tỷ lệ phá thai trong độ tuổi vị thành niên ở các nước này không nhiều.

Tôi không đánh giá hành động này là đúng hay sai, tôi chỉ nói đến các hậu quả: có con ngoài ý muốn, khả năng nhiễm HIV, các bệnh liên quan đến tình dục…

Khi có thông tin về việc xâm hại trẻ, hiếp dâm… tôi cũng nêu vấn đề để bọn trẻ thảo luận. Mỗi đứa một ý, nhưng hầu hết đều cho rằng nếu là nạn nhân, các cháu sẽ bị sốc, không biết làm thế nào, không biết nói với ai, im lặng chịu đựng… 

Sau khi bọn trẻ nói xong, tôi sẽ dẫn dắt: “Đó có phải tình huống bọn con muốn không? Nếu không muốn, đó chỉ là một tai nạn, mà cháu là người bị hại, và cần tố cáo người gây ra tội lỗi. Nếu không muốn tố cáo hay vì một lý do nào đó, không thể tố cáo, cháu đừng nhấn mình vào mặc cảm tội lỗi. Màng trinh bị hỏng hay quan hệ tình dục không mong muốn, những điều ấy không quan trọng bằng việc cháu phải sống và sống thật tốt”.

Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK

 

Chia sẻ của tôi vấp phải phản ứng mạnh từ các anh chị họ. Có người nói thẳng rằng tôi dạy hư con họ, rằng quan hệ tình dục trước hôn nhân là một cấm kỵ và chỉ có những đứa không ra gì mới làm chuyện đó sớm. Trước phản ứng của anh chị, tôi hỏi lại, anh chị có thể 24/24 giờ ở cùng con không? Anh chị có thể kiểm soát được tất cả cảm xúc của con không.

Nếu trong một phút không giữ mình được, anh chị muốn các con vui vẻ sống tiếp hay sống trong ân hận, trong day dứt. Những đứa trẻ không may bị xâm hại, chẳng muốn điều đó xảy ra, nhưng liệu ai có thể đủ sáng suốt để đề phòng tất cả? 

Hùynh Hằng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI