Giáo dục giới tính - cười mà... mếu

19/08/2016 - 15:34

PNO - Với phụ huynh, kể cả những người có trình độ cao, hiểu biết rộng, nói chuyện giới tính với con vẫn là một thử thách. Phụ huynh không đón nhận trọng trách này với tâm thế hào hứng mà khá nặng nề, miễn cưỡng, thụ động.

Để xây dựng lòng nhân ái, vị tha nơi con mình, người cha nọ đã đưa con gái đến thăm một gia đình có hai trẻ mắc chứng bệnh xương thủy tinh, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bận về, con cứ ôm lưng ba, hỏi: “Ba ơi! Tại sao hai chị trong nhà đó lại bị như vậy hả ba?”, “Do ba của hai chị bị bệnh xương thủy tinh nên hai chị bị ảnh hưởng đó con”. “Nhưng mà mẹ của hai chị đâu có bị bệnh. Sao ba chị bệnh thì con cũng bị bệnh? Ba chị đâu có đẻ ra chị đâu”. “Ờ thì, thì… Bộ con muốn biết thiệt hả?”. Cha định nói với con về cách người đàn ông và người đàn bà tạo ra đứa con, nhưng phương án diễn giải nào, từ ngữ nào nghe chừng cũng nghiêm trọng, bí hiểm và thô thiển sao ấy.

“Kỳ vậy ba? Sao ba chị đó bị bệnh thì chị cũng bị bệnh vậy?”. Con cứ léo nhéo sau lưng, chẳng biết trả lời sao cho thông, người cha đành hoãn binh: “Thôi con đừng hỏi nữa. Để ba tập trung lái xe”. Về đến nhà, bé bỗng reo lên: “A, con biết rồi. Do ba chị đó ẵm bồng, chăm sóc, ôm nựng chị ấy nên cuối cùng chị bị lây” - bé hồ hởi với lý giải này còn người cha thì ỉu xìu: “Ừ, thì vậy…”. Hết chuyện.

Giao duc gioi tinh - cuoi ma... meu
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Với phụ huynh, kể cả những người có trình độ cao, hiểu biết rộng, nói chuyện giới tính với con vẫn là một thử thách. Phụ huynh không đón nhận trọng trách này với tâm thế hào hứng mà khá nặng nề, miễn cưỡng, thụ động. Trước những câu hỏi "bật ngửa" của con, cha mẹ thường loay hoay, né tránh.

Câu chuyện tắc tị ngay từ đầu như ở trường hợp trên sẽ khiến con hụt hẫng và càng tò mò. Trong chương trình khởi động hành trình xuyên Việt Giới tính - tặng vật hay nguy cơ? do Hội quán các bà mẹ tổ chức, diễn ra từ 6/8- 20/10/2016 và ra mắt sách Cẩm nang giáo dục giới tính của thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Lan Hải (NXB Phụ Nữ), phụ huynh chia sẻ nhiều tình huống dở khóc dở cười khi dạy con về giới tính, tình dục.

Một lần nhận thấy “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, nhà giáo Đinh Thanh Phương (Nha Trang) tranh thủ nói chuyện với con trai và nhóm bạn cùng lớp của con tại nhà mình. Sau những câu hỏi mào đầu như tại sao mỗi sáng thức dậy, các con lại... “chào cờ”, tại sao râu ria xuất hiện, nên giao tiếp với người quen - lạ ở mức độ thân mật đến đâu... chị hướng dẫn bọn trẻ cách sử dụng bao cao su dành cho nam.

Các cậu trai ngẩn người nhìn chị thao tác trên mẫu vật là ngón tay, bỗng con chị phát hiện: “A, hình như mẹ đeo ngược”. Tháo bao cao su ra, chị định lộn lại, đeo vào thì con ngăn: “Con nghĩ chắc mẹ phải lấy cái mới, cái này đã bị dính rồi, không an toàn đâu”. “Thầy trò” có một trận cười ngặt nghẽo vì nghiệp vụ kém của “chuyên gia”. “Ừ hén!” - chị chữa quê với các cậu trai vì mình là phụ nữ, việc sử dụng bao cao su luôn do ông xã đảm nhiệm.

Tại chương trình, một thạc sĩ tâm lý chưa vợ cũng đồng cảm với tiết học cháy giáo án của chị Thanh Phương vì anh cũng từng chẳng biết xử lý thế nào với cái núm của bao cao su khi tra vào mẫu vật - trái dưa leo. Kể ra mới biết ai cũng lúng túng, mắc sai lầm trong lần đầu tiên sử dụng các “dụng cụ bảo hộ” liên quan đến giới tính - tình dục.

Các em gái lần đầu có kinh nguyệt, được mẹ trao cho miếng băng vệ sinh, bảo dán vô. Vào nhà tắm tự xử, em tra kiểu gì lại chẳng chặn được “thứ cần chặn” mà đến khi rứt ra lại đau điếng. Thay vì dán băng vệ sinh vào quần lót, em đã trám thẳng vào “vết thương”. Từ những tình huống bi hài nà y, mới thấy phụ huynh cần nói chuyện, hướng dẫn cho con thật cụ thể, chi tiết, kịp thời điều chỉnh những nhầm lẫn.

Người lớn tự hào “biết tuốt” nhưng thực ra chưa biết đầy đủ, chuẩn xác, thậm chí “mù giới tính” thì có thể dẫn dắt con đến đâu? Có phụ huynh chọn giải pháp sai lầm và nguy hiểm là tắm chung với con, thay quần áo trước mặt con để giáo dục bằng trực quan sinh động, làm nảy sinh tính hiếu kỳ, tật nhìn trộm ở con.

Cũng có những trường hợp khi bé gái xem phải một cảnh phim có hai cô công chúa hôn nhau, bé bâng quơ nói “sau này con cũng cưới công chúa chứ không cưới hoàng tử”, cha mẹ đã vội chụp mũ rằng con đồng tính và tìm mọi cách “can thiệp sớm”. Nhiều người nhầm lẫn giới tính và tình dục, rồi vo chúng thành một “cục nhạy cảm”, luôn e sợ còn quá sớm để nói với con. Cha mẹ ngại nói nên con ngại hỏi và tự lò dò đi theo cách của mình, để lại nhiều tổn hại đáng tiếc đối với sức khỏe.

Bác sĩ Lan Hải so sánh vấn đề giáo dục giới tính hiện nay ở VN với việc vá một tấm lưới bị thủng, không biết bắt đầu từ đâu. Tập trung vào những vấn đề cốt lõi: giúp trẻ tránh bị xâm hại tình dục với luật bàn tay, nguyên tắc đồ lót, hành vi tình dục có đạo đức... bằng văn phong trong sáng, gần gũi, dí dỏm, quyển sách Cẩm nang giáo dục giới tính mở đầu cho loạt sách Học kỹ năng sống cùng chuyên gia, góp thêm cho phụ huynh những đường kim mũi chỉ, dệt tấm lưới bảo vệ con từ việc giúp con hiểu giá trị bản thân, quý thân thể và sinh mệnh của mình. Giới tính - tặng vật hay nguy cơ? Câu trả lời do mỗi người xác định bằng tự trang bị và bằng cách mà cha mẹ, thầy cô, xã hội… đồng hành với con trẻ.

Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI