Giáo dục giới tính cho học sinh: Càng chần chừ càng nguy

02/10/2020 - 07:23

PNO - Sau vụ một nữ sinh lớp Tám tại tỉnh Thanh Hóa phải nghỉ học vì mang song thai năm tháng, rồi vụ một nữ sinh lớp Bảy ở Nghệ An bị bảo vệ nhà trường lạm dụng tình dục, dư luận hoài nghi giáo dục giới tính đã được các trường đẩy mạnh dưới nhiều hình thức, liệu đã “đủ liều”?

Nhà quản lý nói lồng ghép, giáo viên nói không đủ thời gian

“Hiện nay, nhiều học sinh (HS) lớp Bốn, Năm đã có những thay đổi về giới tính, dậy thì nên bậc tiểu học cần chú trọng đến giáo dục phòng tránh xâm hại, dạy cho trẻ ý thức về cơ thể, không gian an toàn”, bà Lê Thị Thu Lý, Hiệu trưởng Trường tiểu học Xuân Nộn (H.Đông Anh, TP.Hà Nội), nhận định. Theo bà Lý, khi đến bậc THCS, với đặc điểm tâm lý tuổi dậy thì dạy trẻ về tình yêu, tình bạn, tình dục, sức khỏe sinh sản và các biện pháp tránh thai an toàn. Tùy từng mức độ tâm sinh lý lứa tuổi giảng dạy cho phù hợp thực tế...

Nữ sinh lớp Bảy ở Nghệ An bị bảo vệ nhà trường xâm hại, tìm đến cái chết để giải thoát nhưng may mắn được bà ngoại kịp thời phát hiện - Ảnh: Phan Ngọc
Nữ sinh lớp Bảy ở Nghệ An bị bảo vệ nhà trường xâm hại, tìm đến cái chết để giải thoát nhưng may mắn được bà ngoại kịp thời phát hiện 

Thực tế, từ bậc tiểu học, qua các môn khoa học, tự nhiên xã hội, đạo đức, giáo viên liên hệ đến các câu chuyện, tình huống thực tế để HS nhận định được về giới tính… Còn ở bậc THCS, THPT, trong bộ môn sinh học, các trường cũng có yêu cầu giáo viên lồng ghép nội dung giáo dục giới tính, sinh sản vào bài học 
phù hợp. 

Thầy Phạm Ngọc Hà, giáo viên môn sinh học Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (TP.Hà Nội), cho biết lâu nay, thầy vẫn chủ động lồng ghép giáo dục giới tính trong môn sinh học.

“Ví dụ, chương trình lớp Mười môn sinh học có bài Giảm phân hình giao tử, tôi sẽ lồng ghép dạy cho HS hiểu về quá trình sinh sản ở người. Hay có bài bệnh lây truyền qua đường tình dục, tôi sẽ nói thêm về lây nhiễm bệnh qua đường tình dục. Lên lớp 11, giáo dục giới tính lồng ghép được rất tốt qua bài học về kế hoạch hóa gia đình, sinh trưởng phát triển ở người. Qua đây, tôi hướng dẫn HS về những ảnh hưởng sức khỏe trong quá trình mang thai, các biện pháp phòng tránh thai, sức khỏe sinh sản vị thành niên…”, thầy Hà nói. 

Về cơ bản, HS khá hứng thú khi được giáo viên liên hệ thực tế và những vấn đề các em đang tò mò. Tuy nhiên, thầy Hà thừa nhận rằng: “Có điều khó khăn là thời gian của tiết học 45 phút mà vừa dạy kiến thức cơ bản vừa lồng ghép giáo dục giới tính thì giáo viên và HS phải chạy đua với thời gian… Nếu có nhiều tiết học để lồng ghép các vấn đề về giới tính, kỹ năng sống thì tốt hơn”.

Ông Nguyễn Trung Dũng, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Cao Phạ (H.Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái), cũng cho rằng, hiện nay, giáo dục giới tính mới chỉ dừng lại dạy lồng ghép ở phần liên hệ trong môn sinh học, giáo dục công dân nhưng nội dung cũng có nhiều hạn chế. Trong khi thực tế, mạng xã hội tràn lan các thông tin độc hại với HS. Nhà trường cấm HS không được yêu đương, đi quá giới hạn nhưng chỉ quản lý được về cơ học, vì hết giờ học thì khó quản lý được.  

Tiếp tục tăng cường… lồng ghép

Ở góc độ nhà quản lý, ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nghệ An, cho hay: vấn đề giáo dục giới tính trong trường học vẫn luôn được sở này quan tâm. Năm học 2019-2020, đơn vị này đã bồi dưỡng cho hơn 1.000 giáo viên làm công tác tư vấn học đường. Năm học này, sở cũng đang triển khai mô hình phối hợp nhà trường, gia đình và cộng đồng để cung cấp những kiến thức giáo dục giới tính cho phụ huynh. Theo ông Thành, nhiều phụ huynh vẫn chưa biết giáo dục con cái điều gì, bắt đầu từ đâu và cách giáo dục giới tính cho con làm sao.

“Lẽ ra giáo dục giới tính phải đưa vào chương trình chính khóa để dạy một cách bài bản. Giáo dục giới tính không chỉ là mấy giờ nói về nam, nữ, giới, cấu trúc cơ thể… mà cần phải dạy các em nhận thức về giới, sức khỏe, thể trạng, chất lượng nguồn nhân lực, quan hệ nam nữ, chu kỳ kinh nguyệt con gái, quan hệ tình dục lành mạnh, tình bạn, tình yêu, hôn nhân...”, ông Thành nói. Ông Thành cho rằng, trong khi nhiều nước trên thế giới đã đưa giáo dục giới tính vào trường dạy thì các trường học ở ta vẫn chưa vì cho rằng đó là “vẽ đường cho hươu chạy”.

Về việc đưa vào môn học chính khóa, ông Nguyễn Trung Dũng cho biết: chương trình THCS đã rất quá tải với 35 tuần để thực hiện chương trình năm học, ngày nào HS cũng học kín năm tiết. Nếu thêm một môn về giáo dục giới tính thì phải bớt tiết học của môn khác, nếu không sẽ quá sức HS và cả giáo viên. 

Trong khi đó, ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác HS sinh viên Bộ GD-ĐT, cho biết: “Bộ GD-ĐT nhận định việc giáo dục giới tính cho HS trong nhà trường là quan trọng nên đã chỉ đạo các trường tăng cường tuyên truyền cho HS về giáo dục giới tính cũng như bình đẳng giới. Hiện nay, giáo viên phải chủ động lồng ghép giáo dục giới tính vào các môn học khác. Ngoài ra, trước những thay đổi bất thường của HS, cần sự sát sao và quan tâm của giáo viên chủ nhiệm cũng như cha mẹ để kịp thời định hướng cho HS”.

Trước câu hỏi dạy lồng ghép vào môn học ở nhiều nơi còn hạn chế và phụ thuộc vào sự chủ động của giáo viên, ông Linh cho biết đó là trách nhiệm giáo viên trong kế hoạch giáo dục của 
nhà trường. 

“Trong các hoạt động trải nghiệm hay các tiết sinh hoạt chuyên đề, HS phải được tiếp cận với các chuyên gia về tâm lý, tìm hiểu về giới tính, sinh sản để có thêm kiến thức cũng như kỹ năng sống cần thiết. Hoặc nhà trường có thể cho HS tham gia ngoại khóa, đóng kịch... Thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường hơn nữa việc chỉ đạo biên soạn thẩm định các tài liệu về kỹ năng sống, giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản... Trong chương trình mới, giáo dục giới tính chưa phải là một môn riêng biệt nhưng tới đây sẽ tăng cường lồng ghép nhiều hơn vào nội dung chính khóa”, ông Linh cho hay. 

Đại Minh - Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI