Giáo dục gì cho trẻ với cái nhìn cay nghiệt?

03/04/2019 - 18:00

PNO - Hình ảnh của cậu bé đưa ngón tay giữa trước ống kính máy quay trong trận bóng đá giữa Việt Nam và Thái Lan làm nóng mạng xã hội, dư luận những ngày qua.

Từ trang cá nhân đến fanpage của cơ quan, tổ chức cũng chỉ trích, mắng chửi cậu bé và gia đình thậm tệ. Thậm chí, trang fanpage của một bệnh viện nhi đồng lớn ở TP.HCM còn có bài đăng với lời lẽ kết tội cay nghiệt: “Từ nhỏ, các em được nhồi nhét lòng thù hận, trong khi các em chưa hiểu gì về chiến tranh. Từ đó, các em có khuynh hướng phân biệt bạn - thù, nhìn đâu cũng muốn tiêu diệt. Sống cùng những người lớn vô văn hóa, các em cũng trở thành những người vô văn hóa”…

Giao duc gi cho tre voi cai nhin cay nghiet?

Cũng trong dòng thời sự của cư dân mạng mấy hôm nay là sự ném đá không thương tiếc cậu bé 13 tuổi đạp xe không phanh 100km đi thăm em. Khi chưa rõ sự tình, họ đã mắng nhiếc cha mẹ vô trách nhiệm, cẩu thả, không biết suy nghĩ… và đứa trẻ cũng là nạn nhân khi bị chửi “liều mạng, không sợ chết…”.

Tôi đọc mà không khỏi bức xúc, không hiểu vì sao hai hành động trên có thể khiến cộng đồng nổi giận đến vậy. Đành rằng hành vi của cậu bé đưa ngón tay giữa lên như vậy là không đẹp. Nhưng sao người lớn không chịu lắng lại để suy nghĩ: “sản phẩm” này xuất phát từ phương Tây - nó được coi là xấu ở bên Tây - còn ở ta - có thể trẻ vẫn không thể hiểu sâu sắc rằng: hành vi này là miệt thị, là xúc phạm người khác. 

Giao duc gi cho tre voi cai nhin cay nghiet?
 

Hay chuyện cậu bé đạp xe không phanh vượt 100km, đúng là cực kỳ nguy hiểm. Nhưng cậu bé hành động từ trái tim: chỉ nghĩ làm sao xuống Hà Nội để thăm em - và mong muốn này lấn át mọi thứ. Trẻ con không phải là người lớn - chúng thường có hành động bộc phát, không kiểm soát - nhất là trong bối cảnh đặc biệt, chứ không hẳn như các “anh hùng bàn phím” quy chụp. 

Tuy hành động của hai bé trên không ai ủng hộ và cần được phân tích cho thấy cái sai để điều chỉnh, nhưng cả cộng đồng lao vào mắng chửi cay nghiệt như vậy thì chắc chắn sẽ không chạm đến đích tốt đẹp của hai từ giáo dục.

Tôi vô cùng thất vọng với trang fanpage của bệnh viện nhi lớn, dù nhân danh giáo dục với bài viết tưởng đâu rất tâm huyết, nhưng đầy sự hằn học, cay nghiệt thì làm sao cải hóa được ai. Tôi đồng cảm, thấu được nỗi lo lắng của mẹ cậu bé “ngón tay giữa”: “Con tôi đọc được những lời người ta mắng chửi cháu buồn lắm, khóc xin lỗi tôi mãi”.  Đây là những lời cảnh tỉnh, mà cũng là cơ hội để phụ huynh nhắc nhở, dạy dỗ trẻ. Có thể có những biểu hiện tương tự vậy nhưng chưa bao giờ bộc lộ ra, hoặc bộc lộ mà người lớn không thấy - nên nó dắt dây, phát triển thành lối hành xử đáng chê trách khi đứa trẻ trưởng thành sau này. Vì vậy, chúng ta hãy nhìn vào những lỗ hổng văn hóa trong hành xử của trẻ như một cơ hội để người lớn hiểu và có cách hành động. 

Khánh Phương  

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI