Thiếu trường lớp, bỏ học cao
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gồm 13 tỉnh, thành, lâu nay vẫn gặp nhiều khó khăn trong phát triển giáo dục. Hầu hết các chỉ tiêu về giáo dục của vùng đều thấp hơn chỉ tiêu chung của cả nước.
Số liệu thống kê tại hội nghị đánh giá thực trạng giáo dục mầm non, phổ thông khu vực ĐBSCL do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại TP.Cần Thơ giữa năm 2019 cho thấy, trong năm học 2018-2019, khu vực này còn thiếu gần 12.000 giáo viên mầm non, 2.500 giáo viên tiểu học, 2.100 giáo viên THCS, 400 giáo viên THPT.
Toàn vùng có tỷ lệ phòng học/lớp học, tỷ lệ phòng học kiên cố hóa bình quân thấp nhất cả nước.
|
Học sinh đồng bằng sông Cửu Long (Ảnh minh hoạ) |
Đối với giáo dục mầm non, để ĐBSCL có điều kiện về phòng học và thiết bị dạy học ngang bằng cả nước thì cần phải đầu tư bổ sung 2.400 phòng học; cải tạo, nâng cấp 2.100 phòng học. Con số này chưa tính đến số lượng phòng học còn thiếu khi huy động đầy đủ trẻ đến trường.
Ở bậc tiểu học, ĐBSCL cần đầu tư khoảng 900 phòng học; cải tạo, nâng cấp khoảng 4.300 phòng học. Bậc THCS cần đầu tư cải tạo, nâng cấp khoảng 1.857 phòng học. Bậc THPT cần đầu tư cải tạo, nâng cấp khoảng 223 phòng học mới có thể ngang bằng mức trung bình của cả nước. Đáng nói, số liệu trên hoàn toàn chưa nói tới số phòng học bộ môn cần đầu tư và trang thiết bị dạy học còn thiếu.
Một khó khăn đặc thù của địa hình sông nước là kênh rạch chằng chịt, khiến miền Tây Nam bộ có số điểm trường nhiều nhất cả nước và là khu vực duy nhất có điểm trường ở cả bậc THPT. Bài toán sắp xếp trường lớp đang đặt ra cấp thiết với khu vực này để nâng cao chất lượng giáo dục.
Thời gian dài vừa qua, hàng chục học sinh Trường THCS Long Hòa (H.Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) phải quá giang đò để đến trường. Nguy cơ bỏ học của các em học sinh vùng đất này không chỉ đến từ chuyện miếng cơm manh áo, mà còn đến từ những khó khăn đặc thù của miền sông nước…
Không dừng lại ở đó, Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2020 diễn ra hôm 14/12 cho thấy, về giáo dục phổ thông, ĐBSCL từ lâu đã luôn được xem là “vùng trũng” về giáo dục, đào tạo của cả nước với tỷ lệ bỏ học cao, cơ sở hạ tầng hạn chế, tỷ lệ chi ngân sách địa phương cho giáo dục thấp hơn mức bình quân cả nước.
Đáng lưu ý, mặc dù tỷ lệ đi học ở cấp tiểu học của ĐBSCL cao nhất so với cả nước, nhưng bắt đầu tuột dốc mạnh từ cấp THCS và tiếp tục ở cấp THPT, khiến cho vùng này có tỷ lệ đi học phổ thông thấp nhất nước. Trong đó, những địa phương có lợi thế về phát triển kinh tế và có khả năng tạo nhiều cơ hội nghề nghiệp sẽ có tỷ lệ đi học cao hơn.
Vì vậy, theo các chuyên gia, để nâng cao tỷ lệ đi học (và giảm bớt tỷ lệ bỏ học), chỉ tăng chi hỗ trợ hay tuyên truyền vận động là chưa đủ, mà quan trọng là phải phát triển kinh tế, tạo thêm cơ hội việc làm cho người lao động.
Theo kết quả điều tra của Tổng cục thống kê, năm 2019, ĐBSCL có tỷ lệ dân số trong độ tuổi đi học phổ thông hiện không đi học cao nhất cả nước 13,3%, trong khi mức bình quân toàn quốc là 8,3%. Tỷ lệ lao động có việc làm đã qua đào tạo cũng thấp nhất so với các khu vực khác (13,3%). Điều này cho thấy chất lượng lao động ở khu vực ĐBSCL còn thấp.
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết một con số chạnh lòng: “Gần 40% lao động ở miền Tây không học tiếp phổ thông trung học”.
Di cư vì thiếu việc làm hấp dẫn
Mặc dù ĐBSCL đã có nhiều trường đại học lớn, đặc biệt các trường đại học ở TP.Cần Thơ có uy tín về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, song một lần nữa do thiếu cơ hội việc làm tốt nên một tỷ lệ lớn nguồn nhân lực chất lượng cao có khuynh hướng di cư về miền Đông Nam bộ, đặc biệt là TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương.
Thực tế, ĐBSCL là vùng có tỷ suất di cư thuần cao nhất cả nước, chủ yếu do thiếu cơ hội việc làm và cơ hội kinh tế ngay trên chính vùng đất được cho là trù phú này. Từ năm 2017 đến nay, lần đầu tiên trong lịch sử hình thành và phát triển, ĐBSCL ghi nhận sự suy giảm tuyệt đối về dân số.
Hệ quả tất yếu của tình trạng này là hiện tượng thiếu lao động trở nên ngày càng phổ biến, đồng thời mức độ già hóa dân số trở nên ngày một trầm trọng.
|
Ở miền Tây thiếu việc làm, lại ảnh hưởng hạn, mặn triền miên nhiều vợ chồng phải bỏ lại các con cho ông bà để đi làm ăn xa, nguy cơ trẻ bỏ học vì thế cũng rất cao |
Theo Phòng Dân tộc Tri Tôn thuộc H.Tri Tôn, tỉnh An Giang, tính đến đầu năm 2020, địa phương có trên 9.500 lao động là người Khmer chấp nhận tha hương đến Đông Nam bộ kiếm sống. Trong số này do địa phương thiếu việc làm cũng có, cuộc sống khó khăn vì ảnh hưởng bởi hạn hán, biến đổi khí hậu cũng có.
Tại tỉnh Sóc Trăng, gia đình ông Triệu Câm (84 tuổi, ngụ ấp Lai Hòa, xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu) có người con trai duy nhất thì đã phải đi làm ăn xa. Ông Câm kể: “Thời tiết thời gian qua khắc nghiệt quá. Nuôi tôm chết, rồi thả tiếp, thả rồi chết, riết sạch vốn. Thằng con xin tôi cho đi thành phố làm kiếm tiền gửi về gia đình, bỏ lại ba đứa cháu ở đây. Tôi sợ tụi nhỏ có nguy cơ bỏ học”.
Từ thực tế đó, các nhà nghiên cứu và giáo dục đã đưa ra nhiều khuyến nghị, trong đó có việc nguồn tăng thu được để lại, địa phương này có quyền chủ động phân bổ chi đầu tư thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên chi cho cơ sở hạ tầng, giáo dục - đào tạo, ứng phó biến đổi khí hậu…
Tháo gỡ nút thắt này bằng cách thiết kế chính sách tạo động lực đi học, khắc phục tư duy ngắn hạn và việc theo đuổi lợi ích trước mắt khiến các gia đình cho con bỏ học sớm từ cấp THCS và THPT.
Đồng thời, tạo cơ hội việc làm để nâng cao vai trò của nguồn nhân lực có trình độ, tạo động lực cho lực lượng lao động theo đuổi việc học, phát triển bản thân, kích thích hệ thống giáo dục chuyên nghiệp phát triển. Giáo dục chuyên nghiệp cần liên kết với các doanh nghiệp, kết nối thị trường lao động để đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực…
Từ Nhân